Thứ Tư, tháng 10 07, 2009

NÓ VÀ TÔI

NGUYỄN KHẮP NƠI

Viết cho Cố Thiếu Tá Trần Đình Tự, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân,

Và tất cả các Chiến Sĩ Vô Danh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.



Nó đây là Cố Thiếu Tá Trần Đình Tự, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Thiếu Tá Tự là một trong những Sĩ Quan kiêu hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã không chịu nhục đầu hàng mà chọn con đường chiến đấu tới viên đạn cuối cùng. Tới khi hết đạn, lưỡi dao oan nghiệt của anh đã kết liễu cuộc đời chiến đấu vì chính nghĩa Tự Do của Dân Tộc.

Thiếu Tá Trần Đình Tự đã hy sinh vì Tổ Quốc, tại chiến trường, vào ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Còn tôi, Nguyễn Hữu An, một người bạn thân của Tự từ thủa thiếu thời, hiện đang ngụ tại Tiểu Bang Victoria, Úc Đại Lợi.

Tôi quen Tự từ ngày di cư vào Nam, tháng Bẩy năm 1954.


“Tôi, Nó sinh ra nhằm chinh chiến,
Mới quen nhau mà thương mến,
Nó quê ngoài kia, từ lâu lắm chưa lần về”.

Tôi không nhớ ngày nào của Tháng Bẩy tôi đã đến bến bờ Tự Do, chỉ còn nhớ là từ phi trường Tân Sân Nhất, gia đình tôi đã được đưa về Trường Nữ Trung Học Gia Long. Lúc đó, đang là thời gian đi học, nhưng các học sinh đều được tạm nghỉ để trường học biến thành những trung tâm tạm trú cho dân di cư. Gia đình tôi được phân phối một khoảng trống ở gầm một cái cầu thang nào đó của trường.


Di cư vào Nam bằng “Tầu Há Mồm”

Chúng tôi ở đó khoảng vài tuần thì Phủ tổng Ủy Di Cư cho biết, chúng tôi có thể định cự ở những vùng sau đây: Thị Nghè, Phụ Thọ, Gò Vấp, Hố Nai. Cha Mẹ tôi vừa chân ướt chân ráo vào Nam, làm sao mà biết chỗ nào tốt chỗ nào xấu? Chỗ nào cũng là bến bờ Tự Do cả mà! Rút cục, cha mẹ tôi bàn với nhau: Đã đi quá nhiều rồi, bây giờ chọn nơi nào gần thành phố là được rồi. Chỗ gần trường Gia Long nhất và cũng gần Sài Gòn nhất là vùng Thị Nghè, nên gia đình chúng tôi lại khăn gói quả mướp leo lên xe đi tới vùng được gọi là Quê Hương Mới. Tại đây, một lần nữa, chúng tôi lại được đưa vào tạm trú tại Trường Tiểu Học Thạnh Mỹ Tây. Trường này chỉ có một dẫy nhà trệt mà thôi, gia đình chúng tôi được chia một góc của lớp học.

Mỗi ngày, cha mẹ chúng tôi được phân phối thực phẩm và gạo nước để tự nấu ăn lấy. Mỗi tuần cũng được phát thêm một ít tiền tiêu vặt. Trường học có hàng rào bao chung quanh, đám con nít chúng tôi vui vẻ chơi đùa một cách riêng biệt trong khuôn viên của ngôi trường Tiểu Học này, chưa hề biết gì về dân bản xứ miền Nam cả.

Ở được vài tuần lễ thì trung tâm tỵ nạn đóng cửa, mỗi gia đình được cấp một số tiền nhỏ để tự tìm nơi ăn chốn ở lấy. Số còn dư thì làm vốn sinh nhai. Những ai là công chức và giáo chức đều được tái tuyển dụng. Trong đám dân di cư ở Thị Nghè, lại có một số lớn làm giáo chức, nên chính phủ chấp thuận cho mở một trường mới, dậy ngay tại khuôn viên của trường Tiểu Học hiện tại Thạnh Mỹ Tây, đặt tên là “Trường Tiểu Học Di Chuyển Thạnh Mỹ Tây II”. Trường chính thì học hai buổi: Buổi sáng, từ 7 giờ sáng tới 11 giờ sáng, buổi chiều từ 2 giờ 30 trưa tới 6 giờ 30 chiều. Đám học sinh “di chuyển” chen vào giữa hai buổi học này, để học từ 11 giờ 30 sáng tới 2 giờ trưa.
Bố tôi là một trong những Giáo Viên được tuyển dụng dậy ở trường này, nên gia đình chúng tôi đã mướn một căn nhà ở vùng “Sở Bông” tức là nơi trồng bông cung cấp cho Sở Thú ở sát bên (Vì Sở Bông sát cạnh sông Thị Nghè, nên sau này, Tiểu Đoàn II “Trâu Điên” đã lập doanh trại ở đây, lấy tên là Trại Nguyễn Văn Nho).

Tôi và Tự cùng được xếp vào học Lớp Nhì (Bây giờ gọi là lớp 4, tiếng Úc gọi là Grade 4). Cô Giáo đầu tiên của chúng tôi là Cô Giáo Đoan. Đám học trò gồm cả trai lẫn gái với mọi lứa tuổi khác nhau: Lớn nhất là cô Én, 16 tuổi, và nhỏ nhất là tôi, 8 tuổi (cô Én học xong lớp Nhì thì bỏ học để lấy chồng). Lớp có hai dẫy bàn, đám con gái được ưu tiên ngồi ở phía trong, đám con trai ngồi dẫy phía ngoài, gần cửa lớp. Tôi nhỏ con nên được ngồi bàn trên, Tự lớn con, ngồi gần cuối lớp.

Giờ bắt đầu học và tan học được báo hiệu bằng một hồi trống dài. Lớp Nhì Và Lớp Nhất được giao nhiệm vụ đánh trồng báo hiệu.

Tôi và Tự quen nhau là nhờ nhiệm vụ đánh trống này. Mỗi lần đánh trống, phải có hai học sinh: Một đứa đánh trống, đứa kia làm phụ tá, vừa đứng trông chừng đừng cho ai lại gần, lỡ bị trúng dùi trống, vừa để thay thế nếu đứa đánh trống chính bị đau tay không đánh trống được, hoặc bị ốm không đi học được. Ngày thứ hai của buổi học, lớp Nhì được giao nhiệm vụ đánh trống. Cô Đoan chọn tôi và Tự.

Nhiệm vụ đánh trống vào thời gian đó, được coi là rất quan trọng, học sinh nào . . . có thớ lắm mới được giao nhiệm vụ này, cả trường cùng nhìn vào cái trống và người đánh trống. Tự cầm dùi trống tiến tới, nhìn quanh, thấy ai cũng đang ngừng chơi nhìn vào mình, thì . . . hơi rét, thay vì đánh ngay một hồi trống, thì nó lại rụt rè, đưa dùi trống lại cho tôi mà nói:
“Mày . . . đánh trống đi, tao . . . giữ cái trống cho nó khỏi quay!”

Tôi còn nhát gan hơn nữa, vội vàng dấu hai tay ra đằng sau, từ chối kịch liệt:

“Tao sức vóc thế này, đánh trống làm sao mà kêu to được! Mày . . . cứ đánh đi, tao . . . phụ cho”

Vì không thể nhì nhằng kéo dài, làm chậm trễ buổi học của cả trường được, nên hai đứa đồng ý cùng hợp lực với nhau mà đánh. Hồi trống của lớp Nhì vang lên không giống ai, vì được đánh bởi hai cánh tay, một dài một ngắn. Từ đó, chúng tôi quen nhau.

Sau buổi học, hai đứa ở lại lân la làm quen với đám con nít Nam Kỳ để học những trò chơi lạ mắt của họ. Trò chơi hấp dẫn nhất vào thời đó là chơi “Tạt Lon” mà cả hai đứa không thể nào phát âm theo đúng giọng của đám con nít người Nam được: “Tạc loong”.

Trò chơi này tối thiểu cần có ba đứa, và càng đông con nít càng vui. Con trai con gái đều chơi chung với nhau được hết: Khởi đầu, đứa chủ chốt sẽ vẽ một vòng tròn ở giữa khoảng đất được chọn làm sân chơi. Những đứa khác sẽ chạy ra hai đầu vẽ hai lằn mức cách xa vòng tròn khoảng từ 3m tới 4m. Cả bọn sẽ tụm lại lựa đứa đầu tiên “Bị” làm nhiệm vụ giữ lon, bằng cách chơi ra dấu bằng bàn tay: Dùi, Búa, Bao, Kéo. Luật chơi sẽ như sau: Đám con nít còn lại sẽ chia ra làm hai phe, đứng ở phía sau lằn mức đã vẽ, có nhiệm vụ phải chạy đổi chỗ cho nhau từ đầu này qua đầu kia. Đứa giữ lon sẽ đứng kế bên vòng tròn để giữ lon và bắt bất cứ đứa nào chạy ngang qua cái lon. Khi nó bỏ cái lon xuống đất, sẽ bắt đầu đếm từ 1 tới 3, hai đám con nít đứng ở hai đầu sẽ phải chạy đổi chỗ cho nhau. Để khỏi bị đứa giữ lon bắt và giao lại vai trò giữ lon, cả hai đám con nít sẽ phải dùng một “Cục Tràm” làm bằng một miếng ngói bể, nhắm ngay cái lon mà tạt cho nó văng ra khỏi vòng tròn. Đứa giữ lon sẽ phải đi lượm cái lon, đặt trở lại trong vòng tròn thì mới có thể bắt những đứa chạy ngang được. Bắt rất khó, vì cả chục đứa tạt tràm vào lon, không đứa này thì cũng có đứa khác tạt trúng cái lon văng ra xa. Vừa mới lượm được cái lon đặt vào vị trí cũ thì lại có đứa khác tạt cái lon văng ra nữa. Đứa nào nhanh thì vẫn có thể bắt đứa khác chạy ngang được. Đứa nào chân tay vụng về, bị bắt lượm lon đổ mồ hôi hột.

Hai đứa tôi đứng quan sát hết một buổi trưa mới thông thuộc cách thức chơi. Sáng hôm sau, hai thằng hẹn nhau đi học sớm, thực sự là để đi vòng vòng kiếm cho ra mấy miếng ngói bể, gõ gõ mài mài cho nó trở thành một cục tràm ngon lành, thử đi thử lại cho thật vừa tay rồi mới cất vào cặp đi tới trường. Tan học, hai đứa đi vòng vòng xem đám nào ít người chơi thì nhào vô chơi ké:

“Tụi bay . . . cho tao chơi chung với!”

Cả bọn đang chơi chợi dừng tay lại, nhìn chúng tôi như hai con quái vật, nhưng chưa đứa nào có quyết định gì hết. Chợt có một đứa con gái trong bọn la lớn lên:

“Đừng có chơi dzới mấy thằng Bắc Kỳ, bay!”

Thế là cả bọn nhao nhao lên:

“Đừng có chơi dzới Bắc Kỳ”!

“Hổng cho tụi bay chơi đâu!”

Đứa con gái mạnh miệng nhất, chọc quê tụi tôi:

“Bắc Kỳ cong, bỏ dzô long, kiu chít chít,

Bỏ dzô đích hớt kiu!”

Một đứa khác, tử tế hơn, nói nhẹ nhàng:

“Tụi bay biếc cái gì mà đòi chơi?”

Tôi và Tự đỏ mặt quê một cục, đứng nhìn tụi nó chơi một lúc rồi bỏ cục tràm vào cặp, đi chỗ khác.

Hôm sau, tôi và Tự tìm ra chân lý: Trong trò chơi tạt lon này, đứa nào có cái lon sẽ là chủ cuộc chơi. Dĩ nhiên rồi! Không có cái lon, lấy gì mà tạt? Đang vui chơi, đứa chủ lon buồn tình xách lon đi chỗ khác, là cả đám nghỉ chơi.

Thế là hai đứa hùng hục dắt nhau đi lùng lon sữa bò ở những quán bán cà phê hủ tíu của mấy chú Hoa Kiều. Rình cả buổi trời mới lượm được một cái lon sữa bò mới tinh, ông chủ Tầu bụng phệ mới vứt ra đường. Hai thằng vội vàng chớp lấy đem về nhà lau rửa sạch bóng, thủ vào cặp sẵn sàng cho cuộc chơi ngày mai. Hôm sau, tan buổi học, hai đứa ôm cặp đi vòng vòng tìm dịp may. Dịp may đây rồi: Một đám con nít đang hăng say chơi tạt lon, bất ngờ có đứa tạt mạnh quá, cái lon văng tuốt ra tới giữa đường bị xe vận tải cái dẹp lép. Cả bọn xìu như cái bong bóng bể, mặt đứa nào đứa nấy xẹp còn hơn cái lon bị cán. Tôi vội vàng mở cặp lấy cái lon sữa bò đưa cao lên:

“Tụi tao có cái lon mới, cho tụi bay mượn đó!”

Tôi không dám đặt điều kiện phải cho tụi tôi chơi mới cho mượn lon, vì sợ tụi nó từ chối nữa thì quê mặt.

Tụi nhóc Nam Kỳ đưa một mắt nhìn nhau dọ ý, còn con mắt kia thì nhìn vào cái lon sữa bò mới tinh đang sáng chói dưới ánh mặt trời một cách thèm muốn.

Cuối cùng, một đứa trong bọn hỏi tụi tôi:

“Mà tụi bay . . . biếc chơi hông?”

Tự và tôi hăm hở gật đầu. Một đứa có vẻ đầu sỏ, nhìn những đứa khác như hỏi ý, rồi ngập ngừng nói:

“Dzậy thì . . . tụi bay bỏ cái long xuống . . . chơi chung!”

Thế là Nam Bắc đã chung một nhịp cầu rồi đấy!

Tự lại chơi đẹp, chịu . . . “Bị” để cho đứa đang làm nghề giữ lon được chạy ra tạt lon. Kể từ đó, bọn con nít Nam Kỳ mới cho chúng tôi nhập bọn chơi chung và không gọi chúng tôi là “Bắc Kỳ Dzốn” nữa. Tụi nó dậy tụi tôi bí quyết mài cục tràm sao cho đi nhanh và trúng đích. Còn tụi tôi thì lo đi kiếm lon sữa bò. Có lần ham tìm lon quá mà tôi dành lon với một đứa khác. Tên này thấy tôi mặt lạ và đi có một mình, thì lên mặt ăn hiếp:

“Cái lon đó của tao, đưa trả cho tao, lẹ lên! Không trả, tao . . . úynh thấy . . . mẹ mầy đó!”

Tôi nắm chặt cái lon, cung tay thủ thế:

“Tao lượm được trước, mày tới sau mà đòi sao được!”

Tụi nó ỷ đông, tính nhào tới làm thịt tôi. Tự đang kiếm lon trong tiệm ăn, nghe léo xéo bên ngoài, vội vàng chạy ra, thấy tụi nó đang vây tôi, hắn liền sô bắn một thằng ra đằng sau, rồi mặt hầm hầm, xuống tấn, nạt lớn:

“Cái lon đó tụi tao lượm được trước. Đứa nào muốn dành, tao . . . chơi liền!”

Đám con nít thấy tụi tôi bây giờ có tới hai đứa, đứa nào cũng gan lì, Tự lại bự con nữa, nên không dám làm tới, tìm cách rút dù, nhưng cũng cố chọc quê:

“Cái đầu thằng này niểng niểng, coi ngộ quá ta!”

Tự đỏ mặt, vì cái cổ nó bị tật, làm cái đầu bị nghiêng qua một bên thật. Nó quát lớn:

“Kệ tao!”

Tụi con nít Nam Kỳ vừa rút lui, vừa chọc quê:

“Niểng . . . Niểng”

Từ đó, tụi con nít nể mặt tụi tôi. Và cũng từ đó, Tự có cái biệt danh: “Thằng Niểng”

Qua năm lớp Nhất, chúng tôi học với thầy Phạm Văn Cảng. Bố Mẹ tôi cũng đã thuê được một căn nhà khác rộng rãi hơn, ở đường Nguyễn Văn Nhàn, còn gia đình của Tự vẫn ở Sở Bông. Chúng tôi không mê tạt lon nữa, mà đổi qua mê Xi Nê (Movie). Có một lần, rạp Văn Cầm chiếu phim “Hiệp Sĩ Zoro Bịt Mặt”. Tôi ngày nào đi học cũng lội bộ qua rạp hát, nhìn thấy cái bảng quảng cáo to tướng, đề hai chữ Zoro là đã mê rồi, vào lớp kể cho Tự nghe. Tan học, hai đứa dắt nhau ra rạp hát, ngắm chàng hiệp sĩ Zoro mặc quần áo đen, đội mũ đen, khăn bịt mặt cũng mầu đen, một tay cầm cương ngựa, một tay múa kiếm thật là oai hùng. Nhìn hình đã mê rồi, nói chi tới xem phim! Hai đứa nhìn nhau: Làm sao có tiền mà xem phim? Hai đứa chưa từng bao giờ xem xi nê, và cũng chẳng bao giờ có tiền mà đi xem cả! Không riêng gì hai đứa chúng tôi không, cả đám con nít ở vùng Thị Nghè cũng bu đầy rạp hát, ngước cổ lên mà ngắm chàng Zoro.

Buổi chiều Chủ Nhật, rạp mở xuất đầu tiên: Người lớn, con nít đứng chật rạp, lớp chen nhau mua vé, lớp đẩy nhau trình vé vào cửa. Bán vé thì chỉ có môt người, xoát vé tới hai người mà cũng không làm sao kịp với lớp người đông nghẹt rạp. Tự xúi tôi:

“Mày nhỏ con, cúi thấp xuống, luồn qua người xoát vé mà chui vào. Xem được, về nhà . . . kể cho tao nghe.”

Rồi Tự làm bộ xô đẩy những người chung quanh, tìm dịp che cho tôi chui vào rạp. Bất ngờ, tôi gặp gia đình một thằng bạn cùng lớp. Cha mẹ nó cầm một đống vé đang chen chúc cùng với lũ con vào cửa. Tôi mừng quá, kề tai nó nói nhỏ:

“Cường, cho tụi tao . . . vào chung nhe!”

Cường mỉm cười thông cảm, nắm tay tôi giới thiệu với bố mẹ nó:

“Bố ơi, thằng này là thằng An, con ông giáo, học cùng lớp với con đó”

Thế là tụi tôi dính chùm lại với nhau, chen chúc vào cửa. Ông bố của Cường đưa một nắm vé ra, người xoát vé chưa kịp đếm vé và đầu người thì tụi tôi đã chui tuốt vào trong rạp mất tiêu rồi!

Tôi và Tự ngồi xem đã đời rồi mới đi về. Tới đầu ngõ, tôi dặn Tự:
“Mày đi về cùng với tao, gập bố tao trước. Bố tao sẽ hỏi tao đi đâu mà lâu thế? Mày sẽ phải nói là tao đến nhà mày chơi, nhớ nghe chưa?”

Tự khoái chí:

“Mày cũng phải nói với bố tao là tao đến nhà mày chơi, nhớ chửa?”

Từ đó, chúng tôi cứ theo cái mánh đó mà đi xem phim cọp. Được vài lần, ông xoát vé biết mánh của tụi tôi: Ông không tin rằng, mỗi tuần tụi tôi lại có một người cha khác nhau để đi theo vào xem hát. Có lần, ông đã nắm cứng tôi lại mà hỏi người đi kế bên tôi, có phải tôi là con của ông ta hay không? Thế là tụi tôi bể mánh, đành đứng ngoài nhìn hình thôi

Trưởng Hồ Ngọc Cẩn 1965

Trường Trung-Học Hồ-Ngọc-Cẩn tọa lạc tại đầu đường Lê-Quang-Ðịnh, Gia-Ðịnh, là trường Nam Trung-Học Công Lập lớn nhất tỉnh .Trường Hồ Ngọc Cẩn được sáng lập từ tỉnh Bùi Chu, Bắc Phần. Cụ Hồ Ngọc Cẩn là vị Giám Mục thứ nhì của Thiên Chúa Giáo Việt Nam. Cụ cũng là Giám mục tiên khởi của giáo phận Bùi Chu. Do biến cố lịch sử, trường di cư vào miền Nam sau hiệp định Geneve năm 1954.
Trong thời gian đầu, trường tá túc tại Tiểu Chủng Viện Công Giáo tại đường Bùi Thị Xuân, cạnh nhà thờ Huyện Sĩ. Lúc bấy giờ trường chỉ gồm hai dẫy nhà lầu bằng gỗ, lợp ngói xi măng đơn giản. một phần ba thành phần học sinh là chủng sinh, chuẩn bị để trở thành linh mục.
Ðầu thập niên 60 trường đổi đến địa điểm hiện tại là một phần của trường Nam Tỉnh Lỵ Gia-Ðịnh. Sau năm 1975 trường trở thành trường tiểu học với tên mới là Nguyễn Ðình Chiểu.(Tài liệu của Hội Ái Hữu Cựu Học sinh Trương Hồ Ngọc Cẩn)

Hết lớp Nhất, chúng tôi thi vào lớp Đệ Thất trường công. Hồi đó, trường công ít lắm, vỏn vẹn có vài trường: Từ ngoài Bắc di chuyển vào, cho con trai thì có trường Hồ Ngọc Cẩn, Trần Lục, Chu Văn An. Con gái thì có độc nhất một trường Trưng Vương mà thôi. Trường của phe người Nam đã có từ lâu là Võ Trường Toản, Petrus Ký và Gia Long. Tự và đa số đám học sinh Bắc Kỳ ở quanh vùng Thị Nghè, Hàng Xanh, Bà Chiểu, Tân Định, thi và trường Hồ Ngọc Cẩn. Gia đình tôi, từ bố tôi tới anh tôi đều học ở trường Bưởi (sau này đổi tên là Chu Văn An), nên mặc dù tôi ở Thị Nghè mà cũng lóc cóc nộp đơn thi ở cái trường Chu Văn An tuốt tận Chợ Lớn.

Một lớp học Trường Hồ Ngọc Cẩn 1966

Mặc dù học khác trường, chúng tôi vẫn gập nhau đều đều, ngày nghỉ vẫn đôi khi đi xem xi nê, ăn cà rem chung với nhau.

Cuối năm Đệ Tứ (Lớp 9), cả hai chúng tôi đều thi đậu bằng “Trung Học Đệ Nhất Cấp”. Tự gặp tôi, tâm sự:

“Bố tao nghỉ làm rồi, cả nhà chỉ còn Mẹ tao buôn bán, không được bao nhiêu nhưng cả gia đình trông vào đó. Tao phải nghĩ cách học cho mau để đi làm phụ mẹ.”


Một lớp học Trường Hồ Ngọc Cẩn (Cô GS Phượng đang dạy lớp Đệ Tứ)


Thế là nó vừa học Đệ Tam (Lớp 10) ở Hồ Ngọc Cẩn, rồi học thêm Đệ Nhị (Lớp 11) ở trường tư. Cuối năm, nó cứ đi thi Tú Tài Một thử thời vận:

Ai dè nó thi đậu!

Tự đến gặp tôi, rủ đi xi nê ở rạp Cao Đồng Hưng (Bà Chiểu). Nhưng khi gặp bố tôi, là thầy học cũ của Tự (thầy Cảng dậy chúng tôi được nửa năm thì mất. Bố tôi dậy thế), nó ngập ngừng một lúc rồi chào tạm biệt bố tôi để đi lính. Thời đó, chiến truờng chưa khốc liệt cho lắm, việc đi lính cũng còn xa vời, nên bố tôi hơi ngạc nhiên vì quyết định của Tự, nhưng cũng chúc nó an toàn và thành công trong cuộc đời binh nghiệp. Đi xe bus đến rạp hát, thay vì vào xem xi nê, chúng tôi ngồi ngoài quán uống nước mía. Tự lại tâm sự:

“Tao đã nói với mày rồi, nhà tao còn có một mình mẹ tao buôn bán nuôi cả gia đình, cực quá. Tao ráng đậu cái Tú Tài để xin đi làm. Tao đi làm được hơn một tháng rồi. Tao đã có thể góp chút ít phụ với mẹ tao, nhưng thực sự thấy không hợp với cuộc sống đó. Tao không thích hợp với nghề Thư Ký quèn, nên đã làm đơn xin đi học khóa 14 Thủ Đức rồi, vài ngày nữa sẽ nhập trường. Đi lính sướng hơn, vừa ngang dọc đời trai, đánh VC bảo vệ miền Nam, vừa có tiền giúp cha mẹ. Mình đã bỏ miền Bắc mà đi rồi, không bảo vệ miền Nam, lấy đất đâu mà sống!”

Nói xong, nó móc túi rút ra một bao thuốc lá Bastos xanh, lấy một điếu hút rồi đưa bao ra mời tôi hút. Tôi ngạc nhiên, không biết nó học hút thuốc lá từ lúc nào? Riêng tôi thì chưa (Tự lớn hơn tôi 3 tuổi, nó 18, còn tôi mới có 15 tuổi thôi), nên tôi lắc đầu từ chối.

“Ngày tôi gặp nó, nét đăm chiêu đêm nhập ngũ

Thấy thương nhau nhiều quá!”

Ra trường, Tự đến thăm tôi vào một chiều nhạt nắng. Nó mặc bộ quân phục mới tinh, mặt mày đen xạm, rắn chắc nhưng vui tươi thoải mái. Hai thằng lại dắt nhau đi lang thang suốt buổi tối. Chúng tôi không uống nước mía nữa, mà uống cà phê đen và hút thuốc Quân Tiếp Vụ. Khi về, Tự bắt tay tôi, nắm chặt một lúc, rồi nói:

“Đời lính nay đây mai đó, chẳng biết trước được! Khi nào nghỉ phép, tao sẽ tìm cách về thăm mày, nhưng chắc cũng còn lâu lắm. Thôi, tao về. Cho tao gửi lời thăm thầy.”

“Hôm chia tay, hai đứa cùng bùi ngùi,

Ngày mai Nó, Tôi trên ngưỡng cửa cuộc đời,

Dặn nhau gắng vui, dù cho vành môi xe khô mấy cũng mỉm cười”.

Thật vậy, kể từ đó, tôi chưa gặp lại Tự lần nào.

Cuộc chiến cũng lần lần leo thang, đời lính dễ gì có ngày nghỉ, mà nếu có, Tự cũng còn thiếu gì chuyện để làm. Phần tôi, tôi cũng phải lo tiếp tục học hành, hết Tú Tài 1 lại đến Tú Tài II. Hết Đại Tá Nguyễn Chánh Thi đảo chánh, lại đến Tướng Dương Văn Minh, rồi Tổng Thống Diệm bị giết . . . Cuộc đời học sinh của tôi cũng theo đó mà lung tung cả lên. Tôi quên mất cả Tự! Có nhớ thì cũng không biết nó ở đâu mà tìm?

Vào khoảng năm 1968 - 1969, VC tổng tấn công. Cả nước lâm chiến. Tôi đang học cũng phải xếp bút nghiên đi quân sự học đưởng một tháng ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Học xong, được giao cho khẩu súng Carabin, làm nhiệm vụ “Sinh Viên bảo vệ thành phố”.

Trong một chuyến đi thăm chiến sĩ tiền tuyến, đám sinh viên chúng tôi đi thăm một tiểu đoàn lính vừa đi hành quân về. Đó là Tiểu Đoàn 33 Biệt Động Quân.

“Biệt Động Quân vì dân quyết chiến.”

Ông Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng có một biệt danh rất dễ sợ là . . . “Thiếu Tá Tử Thần” và bộ chỉ huy Tiểu Đoàn đón tiếp phái đoàn chúng tôi ở cổng trại và dắt chúng tôi đi thăm anh em binh sĩ đang gác ở cám trạm gác, ở tiền đồn. Khi trở về doanh trại, chúng tôi đang nghe thuyết trình thì bất ngờ có một giọng nói thật là quen thuộc vang lên. Tôi ngạc nhiên, quay ngay đầu lại: Trước mặt tôi, một sĩ quan BĐQ rất trẻ, mang lon Đại Úy, cái đầu hơi nghẹo qua một bên. Tôi mừng quá, hét lên:

“Tự! Phải mày đó không, Tự?”

Tự cũng mừng rỡ, đưa hai tay ra:

“An! Mày là An đó hả?”

Thế là hai đứa nắm tay nhau nói chuyện rối rít. Tôi nhìn Tự:

“Mày . . . đi Biệt Động cơ à! Dám . . . dỡn mặt với Tử Thần đó hả?

Oai quá nhỉ!

Đã . . . Đại Úy rồi! Lên lon mau thật! Vợ con gì chưa?”

Tự chỉ Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng, vừa cười vừa nói:

“Tử thần đứng ngay trước mặt tao nè . . . Tao dỡn mặt với ổng hàng ngày!

Thầy ra sao rồi? Còn đi dậy học không?

(Thầy tức là bố của tôi, thầy giáo của Tự)

Mày học tới đâu rồi? Sao học hoài vậy? Đi lính đi, vào Biệt Động với tao!”

Đang ba điều bẩy chuyện thì Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng nắm vai Tự kéo ra một góc, nói vài câu gì đó, Tự đanh mặt lại, quay trở lại nói với tôi:

“Có chuyện rồi, tao lại phải dẫn quân đi liền. Hẹn gặp mày kỳ tới,

Cho tao gởi lời hỏi thăm thầy, nhe!”

Ngày qua ngày, tôi bận rộn với việc dậy học kiếm tiền, với thi cử, bầu cử, ứng cử . . . ở trường Luật. Còn Tự thì chắc chắn là lại rày đây mai đó với những cuộc hành quân liên miên của người lính Biệt Động. Mỗi đứa mỗi phương trời.

“Tử thần trước mặt tao nè!”

Tôi học xong Đại Học năm 1971, còn sót lại một ít thòi gian hoãn dịch, cả đám sinh viên lo chạy tứ tán kiếm đường binh: Đứa thì đi ứng cử vào Hội Đồng Xã, đứa thì xin vào chương trình “Người Cầy Có Ruộng”, Xây Dựng Nông Thôn . . . để mong được hoãn dịch. Đứa khác thì nộp đơn thi vào Hải Quân, Không Quân. Tôi trình diện nhập ngũ và được xếp vào khóa 1/72 Thủ Đức.

Suốt khóa học, tôi học tàn tàn, với hy vọng là, sẽ được biệt phái về làm ở Nha Quân Pháp hoặc Tòa Án Quân Sự. Nhưng hy vọng của tôi càng ngày càng tiêu tan dần với tình hình chiến trận càng ngày càng sôi động hơn lên. Kết quả là đến cuối khóa, không có ban nghành nào tuyển thêm người nữa, tất cả các Tân Sĩ Quan đều được dành cho tiền tuyến. Những Sinh Viên Sĩ Quan lựa chọn đơn vị của mình theo thứ tự đậu cao thấp. Ai thích về gần nhà thì chọn Địa Phương Quân, Sư Đoàn . . . Ai muốn sống hùng sống mạnh thì chọn các binh chủng nổi tiếng như Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Cách, Biệt Động Quân . . . Phần tôi, từ hồi nhìn thấy các anh hùng Mũ Nâu đánh đuổi bọn Việt cộng ở Hàng Xanh, tôi đã khoái binh chủng Biệt Động Quân rồi, nay được dịp, tôi hăng hái cầm bút viết ngay tên mình vào bảng danh sách các Tân Sĩ Quan Biệt Động Quân, chợt nhớ ra là đã có lần Tự rủ tôi vào Binh Chủng Cọp Đen này.

Mãn khóa 50 Rừng Núi Sình Lầy, tôi được đưa đi thực tập với Tiểu Đoàn 42 Cọp Ba Đầu Rằn đang hành quân ở Takeo, Campuchia, rồi Tiểu Đoàn 44 Cọp Đen hành quân ở Kiến Phong (1). Sau khi trui luyện kỹ càng, tôi mới được khăn gói lên vùng Pleiku gió núi mưa mùa để bổ xung vào Tiểu Đoàn 90 Biệt Động Quân Biên Phòng (2).

Vừa đúng lúc Trung đội Thám Sát đang thiếu Sĩ Quan chỉ huy (Sĩ Quan cũ vừa tử trận), tôi đã đuợc Đại Úy Giác, Tiểu đoàn trưởng, chỉ định làm Trung Đội Trưởng Thám Sát.

Từ đó, tôi trở đã trở thành một người lính “Cọp Đen” chính hiệu:

“Mũ Nâu, mầu áo hoa rừng,
Anh đi Biệt Động lẫy lừng bốn phương”

Đời Biệt Động của tôi, cũng như những anh em trong binh chủng, là những chuỗi ngày hành quân liên miên trong vùng II chiến thuật gió núi mưa mùa, với những trận đánh thật đinh tai nhức óc của đại bác 105, đại bác 130, Sky Raider và A37 . . . cùng với những trận đánh xáp lá cà im lặng tới rợn người, chỉ nghe tiếng lưỡi lê và dao rừng vung lên mà thôi (3). Chỉ ở vùng II này, mới có những tiểu đoàn BĐQ phải trở về Dục Mỹ bổ xung quân số và tái huấn luyện. Bên VC, có những Trung Đoàn, Sư Đoàn bị tan nát, xóa sổ.

Tôi sống sót tại Quân Y Viện Ngọc Minh, với tờ giấy phân loại II và giải ngũ vào cuối năm 1974.

Trở về cuộc sống dân sự, tôi lang thang khắp Sài gòn Chợ Lớn xin việc. Các văn phòng Luật Sư, các ngân hàng đều đủ người hết rồi.

Tôi nhớ lại đời sống quân ngũ, nhớ cái mũ nâu với mầu áo hoa rừng, muốn trở lại với Biệt Động Quân. Ngồi suy tư bên khói thuốc và ly cà phê đen, tôi nhớ lại các đồng đội, nhớ lại Trần Đình Tự, người bạn thủa xưa đã cùng ngồi chung với nhau trong quán nước này. Không biết bây giờ, nó còn:

“Poncho buồn phủ kín đời anh.”

“Đang xông pha đèo cao núi thẳm?”

Hay . . .

“Đã về bên kia khung trời biền biệt trên cao?”

Cuối cùng, tôi đã được Luật Sư Đào Văn Sáu nhận cho tập sự tại văn phòng của ông ở Biên Hòa (Luật Sư Sáu hiện đang định cự tại Tiểu Bang Victoria với tôi. Tôi đã gặp và chào ông). Sau đó, tôi đổi về Saigòn, tập sự với Luật Sư Nguyễn Duy Nguyên, ở đường Gia Long. Ngày ngày, tôi xách cặp đi bộ từ văn phòng qua Tòa Thượng Thẩm Saigòn mà biện hộ cho thân chủ.

Tháng Tư năm 1975, toàn bộ Miền Nam tan hàng mà không hô “Cố Gắng” (4). Thành phố Saigòn tràn ngập dép râu nón cối và nón tai bèo:

“Đôi dép râu dẫm nát đời trai trẻ,

Chiếc nón tai bèo che phủ kín tương lai!”

Bọn Việt cộng cai trị dân Nam bằng những trận dịch đau mắt và ghẻ lở phát không và chiến dịch “Đánh Tư Sản Mại Bản” với kết quả là biết bao nhiêu người dân phải đi vùng “Kinh Tế Mới” và hàng đoàn xe Zin và Molotova bít bùng chở chiến lợi phẩm từ Nam ra Bắc. Đám sinh viên nằm vùng trốn ra bưng ngày xưa, như Nguyễn Đăng Trừng, Trịnh Đình Ban, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Văn Nuôi . . . xuất đầu lộ diện với những chức vụ lạnh lùng: Giám đốc Sở Công An Thành Phố, Chủ Tịch Hội Trí Thức Yêu Nước . . .

Đám Sĩ Quan Miền Nam tan hàng thê thảm. Người có phương tiện thì nhanh chân bay qua đảo Guam. Đám không chấp nhận đầu hàng, nhất định đánh VC tới hơi thở cuối cùng để rồi chết thê thảm nơi trận tiền không ai chôn cất. Đám khác lẳng lặng buông súng nhập vào cuộc sống bình thường, giả dạng dân cầy, ngư phủ . . . để tìm đường vượt biên tìm Tự Do.

Số còn lại chấp nhận ra trình diện bọn VC để đi “Học Tập Cải Tạo”, nhưng thực sự là bị đi tù, từ ba ngày, thành ba năm, mười năm, mười bẩy năm. Có người bị xử tử, có người chết vì bệnh hoạn, phơi thây nơi rừng thiêng nước độc, không thân nhân không bạn bè, không manh chiếu đắp.

Năm 1981, tôi may mắn vượt biên thành công, tìm Tự Do nới xứ Úc. Cũng như mọi người, tôi nhẩy vào factory cầy túi bụi, kiếm tiền gửi về cho gia đình, cho vợ con tìm đường vượt biên tiếp.

Đến khi đoàn tụ vợ chồng, tôi mới trở lại trường học mà ráng sức học hành. Tôi không theo nghề cũ mà chuyển sang học Kế Toán.

Khi cuộc sống đã tạm ổn, tôi mới mon men ra sinh hoạt với anh em cựu quân nhân trong tiểu bang Victoria. Tôi nhận thấy mọi quân binh chủng đều có hội đoàn riêng, chỉ có Biệt Động Quân là vắng bóng. Không phải vì anh em Mũ Nâu bị cọp liếm hết (5), mà vì anh em đã quá mệt mỏi rồi, không muốn hội hè gì nữa cả.

Tôi ra sức quy tụ anh em cùng chí hướng và cuối cùng đã thành lập được

“Hội Biệt Động Quân QLVNCH, tiểu bang Victoria”.

Lễ ra mắt đã được cử hành long trọng vào ngày 19 02 2001 tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cựu Quân Nhân, Footscray. Mục đích là tụ hội anh em mũ Nâu cũ, hàn huyên chuyện xưa và giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày tại Úc. Từ hội Biệt Động Quân này, chúng tôi đã bắt liên lạc được với những Biệt Động Quân khác trên thế giới và gia nhập “Tổng Hội Biệt Động Quân” lúc đó do anh Trần Tiễn San làm Tổng Hội Trưởng.

Tôi nhớ lại người bạn thủa xa xưa, nhắn tin tìm Trần Đình Tự trên tập san Mũ Nâu của Tổng Hội.

Từ bên Mỹ, anh Trần Tiễn San báo cho tôi biết:



“Đã có tin của Trần Đình Tự, cấp bậc và chức vụ cuối cùng là Thiếu Tá, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân.

Nhưng Tự đã không còn nữa.

Thiếu Tá Trần Đình Tự đã tử trận.

Thiếu Tá Trần Đình Tự đã hy sinh vì Tổ Quốc, vào giờ thứ 25 của cuộc chiến”.



“Hai năm sau mới có thư về,

Người quen cho biết tin,

"Bạn tôi thân mến đã liệt oanh ngã xuống, khắp đơn vị tiếc thương”.


Tôi bàng hoàng đọc đi đọc lại tin tử trận của Tự trong bài viết “Sự trả thù đê hèn và dã man” của tác giả Thiên Lôi, trong tập san Mũ Nâu số 2 và xin trích ra đây một đoạn cho tất cả cùng đọc:

“Lúc đó là 11giờ sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975, tại trung tâm hành quân của Liên Đoàn 32 BĐQ, Trung Tá Liên Đoàn Trưởng Lê Bảo Toàn nhận được lệnh từ cấp chỉ huy Quân Đoàn:

“Hãy ngưng bắn ngay lập tức, ở yên tại chỗ để đợi phía bên kia đến bàn giao khu vực.”

“Trung Tá Toàn chết sững, buông cái ống liên hợp máy truyền tin rớt xuống đầu người lính truyền tin đang ngồi dưới chân. Ông đổ vật xuống chiếc ghế như cây chuối bị đốn ngang. Hai mươi năm phục vụ quân ngũ, 19 năm rong ruổi vào ra vùng đạn bom, năm lần bị thương, lần nào cũng thập tử nhất sinh, nhưng chưa bao giờ ông thấy đau như lúc này. Ông nghẹt thở, buốt trong óc tưởng chừng như ai đang đóng ngập cái đinh muời phân vào đầu, có lẽ cắt ruột cũng chỉ đau đến thế. Ông lịm đi.


“Tất cả nghe lệnh tôi.
(Hình Đại Tá Sơn Thương)”


Người sĩ quan hành quân phải gọi khẽ:

“Trung Tá!”

Ông gượng dậy để lấy lại bản lãnh. Sau cú “Sốc”, Trung Tá Lê Bảo Toàn đã điềm tĩnh trở lại, ông cầm máy gọi lần lượt từng Tiểu Đoàn Trưởng:

Tiểu Đoàn 30 Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Khoan,

Tiểu Đoàn 33 Thiếu Tá Đinh Trọng Cường,

Tiểu Đoàn 38 Thiếu Tá Trần Đình Tự.

Cả ba đáp nhận. Trung Tá Toàn chậm rãi, ông cố giữ cho tiếng nói của mình,với âm hưởng đều đặn như mọi ngày:

“Các anh ra lệnh cho con cái buông súng. Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng rồi! Sẽ có đại diện của “Phe họ” đến để nhận bàn giao.

Cám ơn các anh, các vị Tiểu Đoàn Trưởng, các Sĩ Quan trong Liên Đoàn.

Tôi cũng đặc biệt cám ơn các anh em Hạ Sĩ Quan, Binh Sĩ.

Chúng ta đã bấy lâu cộng tác, sống chết với nhau.

Nay, nhiệm vụ của tôi kể như đã chấm dứt, tôi không còn trách nhiệm với Liên Đoàn nữa. Thân chào tất cả anh em trong Liên Đoàn.

Lời cuối cùng của tôi trong cương vị Liên Đoàn Trưởng là yêu cầu các anh bình tĩnh và chúc tất cả may mắn!”

Lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng trong đời Trần Đình Tự đã cưỡng lệnh cấp chỉ huy. Sau khi nhận lệnh buông súng và lời chào của Trung Tá Liên Đoàn Trưởng, anh quay qua Đại Úy Xường, Tiểu Đoàn Phó:

“Anh Xường, tôi vừa nhận lệnh mình phải buông súng đầu hàng.

Đây là lần chót, tôi yêu cầu và cũng là lệnh:

Anh nói cho các Đại Đội Trưởng và thay tôi dẫn đơn vị ra điểm tập trung.

Tôi sẽ ở lại, đánh nữa, tôi không đầu hàng, anh hiểu cho!

Tôi không khi nào để lọt vào tay tụi nó lần nữa (6).

“Ai ở lại chiến đấu thì đi theo tôi!”

Tiếp đó, anh cho tập trung Bộ Chỉ Huy, trung đội Thám Báo, nói vói họ đã có lệnh quy hàng, các anh em sẽ theo lệnh của Đại Úy Tiểu Đoàn Phó, còn ai muốn ở lại chiến dầu với anh đến giờ chót thì đứng riêng một bên.

Lần lượt số người tách khỏi hàng được gần 40 chiến sĩ.

Trần Đình Tự đưa tay chào Đại Úy Xường và các quân nhân dưới quyền, rồi dẫn những người quyết tử tiến vào khu vực vười khoai mì để tiếp tục “Ăn thua đủ” với địch.

Kết cục, cuộc chiến đấu cuối cùng cũng phải chấm dứt. Tự và anh em hết đạn, địch tràn ngập, bắt trói tất cả những người còn sống (9 người) giải về sân trường Tiểu Học gần đó.

Tên chỉ huy của giặc Cộng tiến về phía Tự, lớn tiếng lăng nhục QLVNCH và chỉ ngay mặt Tự thóa mạ thậm tệ, rồi bắt anh cởi áo quần (Lon Thiếu Tá may dính trên cổ áo).

“AI ĐẦU HÀNG, NHƯNG TAO THÌ KHÔNG!”

Tự đứng yên nhất định không chịu, tên VC rít lên:

“Đến lúc này mà mày còn bướng hả? Lũ uống máu! Bọn tay sai! Những thằng ác ôn! Mày có làm theo lệnh của ông không thì bảo?

Nhân danh Cách Mạng, ông ra lệnh cho mày cởi áo quần Ngụy và nằm xuống! Chúng mày đã đầu hàng, nghe rõ chưa?”

Tự trả lời:

“Ai đầu hàng, nhưng tao thì không!

Mày nghe đây: Chúng mày mới là lũ ác ôn.

Chúng mày mới đích thực là lũ tay sai, lũ vong thân chó má.

Bọn mày chính là những tên tội phạm của Dân Tộc Việt Nam.

Hiểu không? Một lũ đê tiện!”

Tên chỉ huy VC mắt nổi gân máu, tiến đến sát Tự, tay giật mạnh bung hai hàng nút từ cổ xuống đến bụng. Tên giặc Cộng rút luôn con dao găm Tự đeo bên hông, nó đâm mạnh vào bụng Trần Đình Tự, rọc mạnh xuống phía dưới. Ruột Tự lòi tuột ra ngoài. Chưa hả, nó còn ngoáy mạnh mũi dao vào tận trong bụng Tự.

Tự hét lên bi ai và nghẹn uất, đổ sụm xuống oằn mình giật từng cơn trong vũng máu.

Đồng thời với hành động dã thú ấy, tên giặc nghiêng đầu nhìn Tự rồi nói gọn:

“Đem những thằng này bắn hết đi! Toàn là ác ôn cả đấy!”

Tám quân nhân còn lại bị dẫn ra phía sau trường đễ được bắn xối xả mấy loạt AK 47. Xác họ bị quăng xuống cái đìa gần đó. Bọn VC dẫn nhau đi”.

Sự đền nợ nước của Trần Đình Tự tôi kể lại hôm nay là do lời thuật lại của Đại Úy Xường, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 38 BĐQ. Anh cũng đã hy sinh trong trại tù CS Nghệ Tĩnh, năm 1979. Tôi gặp Xường lúc ở trại 8 Yên Bái năm 1997. Anh bị VC bóp cổ chết trong ngục thất vì sau nhiều lần trốn trại anh đều bị bắt.

Xường xuất thân khóa 22A Võ Bị QGVN.

Người thứ hai thuật lại những giờ phút sau cùng của Cố Thiếu Tá Trần Đình Tự là người lính Mũ Nâu mang máy truyền tin cho Tự - cũng bị tàn sát chiều ngày 30 04 75 một lượt với Tự và các anh em khác. May mắn, Đức Trọc - tên anh ta - bị thương giả chết chờ cho VC đi xa rồi ráng bò vào nhà dân, được dấu diếm, băng bó, rồi thuê xe Lam chở về Saigòn.

Đức đã ráng sống, ráng tìm cách vượt biên sang Mỹ, để sau đó, kể lại cái chết đau buồn của Thiếu Tá Tự cho mọi người nghe.

Tôi đọc đi đọc lại bài báo, nước mắt nhiểu đầy trang giấy.

Anh em sau bao năm không đuợc tin tức, lần đầu tiên đuợc tin nhau thì lại là tin cuối!

Ôi! Buồn làm sao!

“Hai đứa đôi nơi, ngày đầu tiên biết tin nhau là tin cuối.

Chát cay đầu môi chiều khu chiến mưa sụt sùi”

Anh em sống với nhau từ nhỏ, tôi biết rõ Tự oai hùng. Tôi biết Tự dám chiến đấu tới cùng. Tôi đau thương, xót xa cho cái chết quá thảm khốc của Trần Đình Tự - Một Thiếu Tá Biệt Động Quân – cầm quân đánh trận, bị bắt ngay tại mặt trận mà lại không được bảo vệ bởi Luật Quốc Tế về Tù Binh, mà lại bị xỉ vả, chửi bới thậm tệ và cuối cùng bị hành hình một cách dã man như vậy hay sao?

Trần Đình Tự, một Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Biệt Động Quân, lại bị giết chết một cách bi thương, bị giết chết một cách dã man như vậy sao?

Cả Thế Giới nghoảng mặt làm ngơ!

Những phóng viên truyền hình của Mỹ, của Úc, đâu hết cả rồi? Ông phóng viên nào chụp hình Tướng Nguyễn Ngọc Loan đâu rồi? Ông Eddie Adams và đài truyền hình AP đâu? Sao không ra quay phim, phỏng vấn, làm rùm beng lên đi!

Phóng viên chiến trường Neil Davids của Úc đâu? Sao không viết tin này lên cho cả thế giới đọc?

Hồi Tết Mậu Thân, một tên phiến loạn không mặc sắc phục (dù là sắc phục của bọn GPMN) cầm súng bắn lại các chiến sĩ VNCH. Khi bị bắt, đương nhiên y bị coi là phiến loạn phá rối trị an. Bắt buộc là phải xử bắn tại chỗ theo đúng Hiến Pháp của VNCH. Tướng Loan xử bắn nó là đúng. Tại sao bọn nhà báo ngoại quốc lại làm rùm beng lên? Đễ đến nỗi tới chết, ông vẫn bị hàm oan!

Những tên nhà báo này chỉ giỏi bắt nạn VNCH mà thôi, còn thì sợ bọn VC bằng chết. Cả lũ im thin thít, để một người lính VNCH bị hành hình mà không dám có một tấm hình, một đoạn phim, một lời nói bênh vực?

Công bằng ở đâu? Lẽ phải ở đâu?

Sau khi Tướng Minh đầu hàng, đám ký giả ngoại quốc còn lại ở Miền Nam nhiều lắm chứ! Chắc chắn họ biết chuyện này. Có đều cả đám im lặng mà phụ họa với bọn VC mà thôi.

Có lẽ tại tôi thương cho bạn quá mà nói càn hay chăng?

Thôi thì, cuối cùng, Trần Đình Tự cũng đã chết rồi.

Một cái chết oan nghiệt, nhưng đó là cái chết oai hùng của một chiến binh không đầu hàng giặc.

Cái chết danh dự của người lính ngay giữa trận tiền.

Cái chết không có da ngựa bọc thây, nhưng gương sáng của Tự sẽ còn lưu lại cho đến ngàn sau:

“Muôn lớp trai đi, nghìn sau theo dấu chân ghi vào Thiên Lý,

Biết bao người xong nợ xương máu không trở về.”


Trần Đình Tự, Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân, bạn thân của tôi từ thủa nhỏ, và biết bao nhiêu chiến sĩ vô danh khác, đã chiến đấu cho Tổ Quốc Việt Nam Cộng Hòa tới hơi thở cuối cùng.

“Biết bao người xong nợ xương máu không trở về!”


Ai đó vừa quăng cái lon sữa bò vào thùng rác.

Tôi nhớ tới Tự, tới trò chơi tạt lon ngày xưa, muốn chạy ra lượm cái lon để dành chơi.

Nhưng Tự đã chết rồi, đâu còn ai để chơi trò chơi này nữa!

Mới đây, rạp xi nê Rivoli cũng đã chiếu lại phim Zoro. Tôi cũng tới rạp đứng xem hình quảng cáo, cứ tưởng tượng đâu đây, Tự đang đẩy vai tôi chui vào rạp hát coi cọp.


Nhưng Tự đã chết rồi, đâu có đẩy vai tôi được nữa!

Tự ơi,

Mày chết ở đâu? Tao cũng không biết. Tới khi biết tin mày chết, tao cũng không thắp được cho mày một nén nhang.

Tao cũng ráng tìm thân nhân, bạn bè của mày, để, nếu được, nhờ họ thắp một nén nhang cho mày, nhưng mãi đến bây giờ cũng chẳng tìm được ai.



Tao có hai thằng bạn Biệt Động nữa, là thẳng Châu và thằng Đạm. Người quen cũng cho biết tin về hai đứa đó. Thằng Đạm còn sống, đang mở nhà hàng ở ngay Orange County, bên Mỹ, nhưng thằng Châu thì cũng đã chết rồi. Có điều tao may mắn đã liên lạc với vợ con của nó, để nhờ thắp cho nó một nén nhang.

Mới đây, có anh Sơn, cũng là người ở cùng xóm với mày hồi xưa, cũng đang ở bên Mỹ, có cho tao biết một ít tin tức về mày:

“Năm 2008, Sơn có trở về lại xóm củ vào dịp TẾT , thì gia đình anh Tự đã không còn ai ở đó hết. Hàng xóm có kể cho sơn nghe, là anh Tự đã bị Việt cộng giết tại chỗ vì anh không chịu đầu hàng , gần cận chiến 30-04 đúng như anh đã viết trong Việt Luận và take2tango. Ba má anh Tự đã mất hết chỉ còn người em trai tên Lộc và cô em gái út tên Tâm đã dọn về Thủ Đức.

Đó là phần về anh Tự, còn chị Mỹ vợ và con anh Tự thì sơn không biêt đã đi về đâu?”




“Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt Úc” ở Dandenong, Victoria, Australia

Đài tưởng niệm chiến tranh duy nhất trên thế giới có Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ tung bay suốt ngày đêm củng với 6 lá cờ của những quốc gia đã trực tiếp gởi quân tham chiến giúp Việt Nam Cộng Hòa, và chiếc trực thăng đã từng tham chiến ở Việt Nam, bao quanh tượng đồng hai chiến sĩ Úc, Việt trong thế tác chiến.

Anh em cựu quân nhân Úc tham chiến ở Viêt Nam cũng với anh em lính chiến nhà mình, thuộc Tiểu bang Victoria, nơi tao ở, cũng đã gom công góp sức xây được một Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Úc để tưởng nhớ những “Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân” trong đó có mày.

Vào ngày khánh thành bức tượng, 30 tháng Tư năm 2005, tao và các bạn đã thắp cho mày và những chiến sĩ vô danh khác một nén nhang. Ấm lòng rồi nhé!

Các bạn lính chiến của tôi ơi,

Các bạn bè ở hậu phương của tôi ơi,

Hãy đến tượng đài Chiến Sĩ Úc Việt ở Dandenong, Victoria Australia, hoặc đến bất cứ Tượng Đài Chiến Sĩ ở bất cứ nơi nào trên thế giới, vào ngày 30 tháng Tư, thắp cho Trần Đình Tự và những chiến sĩ vô danh khác của QLVNCH một nén nhang tưởng niệm, bạn nhé!


“NGƯỜI ĐI VÀO TỐI VẪN LƯU DANH CHO ĐỜI MÃI,

NÓ ANH HÙNG NGÀY MAI”.



Không có nhận xét nào: