Thứ Tư, tháng 11 18, 2009

DIỄN TIẾN BIẾN ĐỘNG MIỀN TRUNG


Trần Gia Phụng

Sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ ngày 1-11-1963, Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ngày 26-10-1956 bị bãi bỏ. Không có luật căn bản quốc gia, các tướng lãnh tự do tranh giành quyền lực, liên tiếp gây nhiều binh biến, khiến cho tình hình VNCH không ngừng bị xáo trộn. Trong hoàn cảnh đó, một biến động chính trị rộng lớn bùng nổ cả ở Sài Gòn lẫn các tỉnh miền Bắc VNCH, mà trước khi đất nước bị phân chia, là miền Trung Việt Nam, nên dân chúng thường quen sự gọi kiện nầy là Biến động miền Trung.

I.- NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân trực tiếp đưa đến sự bộc phát Biến động miền Trung từ tháng 3 năm 1966 là vụ trung tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh quân đoàn I và Vùng I Chiến thuật, bị cách chức.

Nguyễn Chánh Thi nguyên là đại tá tư lệnh Lữ đoàn Nhảy dù dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông tham gia cuộc đảo chánh chống tổng thống Diệm ngày 11-11-1960, nhưng thất bại. Ông lưu vong sang Phnom Penh (Nam Vang). Sau cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963, ông về nước ngày 16-11-1963. Một tháng sau, ông được cử làm tư lệnh phó Quân đoàn I, dưới quyền chỉ huy lúc đầu của trung tướng Đỗ Cao Trí, rồi của trung tướng Nguyễn Khánh kể từ sau tháng 1-1964.(1) Lúc đó Quân đoàn I gồm sư đoàn I và sư đoàn II, chịu trách nhiệm an ninh các tỉnh thành Quảng Trị, Thừa Thiên, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Ngày 30-1-1964, đại tá Nguyễn Chánh Thi vào Sài Gòn giúp trung tướng Nguyễn Khánh, thực hiện cuộc chỉnh lý, đưa Nguyễn Khánh lên cầm quyền. Trở về Quân đoàn I, Nguyễn Chánh Thi được cử làm tư lệnh Sư đoàn I Bộ Binh ngày 7-2-1964, rồi thăng chuẩn tướng ngày 29-5-1964.

Nắm được quyền lực, Nguyễn Khánh tìm cách củng cố địa vị, ban hành Hiến chương ngày 16-8-1964 tại Vũng Tàu nên thường được gọi là Hiến chương Vũng Tàu (HCVT). Hiến chương gặp nhiều chống đối, nhất là giới tín đồ Phật giáo và sinh viên học sinh. Các đảng phái như Đại Việt, Dân Chủ Xã Hội, Việt Nam Quốc Dân Đảng đều lên tiếng công kích. Nhiều cuộc biểu tình xảy ra trên toàn quốc, mạnh nhất là ở Huế, Đà Nẵng và Quy Nhơn. Tại Huế, Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc do bác sĩ Lê Khắc Quyến thành lập, đả kích nặng nề HCVT. Cuối cùng, trong cuộc biểu tình lớn lao ngày 25-8-1964 tại Sài Gòn. Trung tướng Nguyễn Khánh xuất hiện và hô to khẩu hiệu: "Đả đảo độc tài”, "Đả đảo Hiến chương Vũng Tàu”. Thế là HCVT bị dẹp bỏ.

Sau biến cố nầy, trung tướng Dương Văn Đức và thiếu tướng Lâm Văn Phát tổ chức binh biến ngày 13-9-1964 nhằm lật đổ Nguyễn Khánh. Một lần nữa, Nguyễn Chánh Thi về Sài Gòn giúp trung tướng Nguyễn Khánh dẹp cuộc “biểu dương lực lượng” nầy. Nguyễn Chánh Thi được thăng thiếu tướng ngày 21-10-1964 và trở thành tư lệnh Quân đoàn I ngày 14-11-1964.

Trong khi đó, sau những tranh chấp giữa các tướng lãnh, Hội đồng các tướng lãnh giao chính quyền cho phía dân sự. Phan Khắc Sửu được chọn làm quốc trưởng ngày 24-10-1964 và Trần Văn Hương làm thủ tướng ngày 31-10-1964. Chẳng bao lâu, Phan Huy Quát lên thay Trần Văn Hương ngày 16-2-1965. Ba ngày sau, thiếu tướng Lâm Văn Phát và đại tá Phạm Ngọc Thảo lại đảo chánh ngày 19-2-1965. Nguyễn Chánh Thi về Sài Gòn giúp chính phủ Phan Huy Quát, ổn định tình thế.

Vì cuộc tranh chấp giữa quốc trưởng Phan Khắc Sửu và thủ tướng Phan Huy Quát, quân đội trở lại nắm quyền. Ngày 19-6-1965, Đại hội đồng Quân lực thành lập Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia (UBLĐQG) do trung tướng Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch và Ủy ban Hành pháp trung ương (UBHPTƯ) do thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch.

Riêng Nguyễn Chánh Thi, ông vẫn giữ chức tư lệnh Quân đoàn I và được thăng trung tướng tháng 10-1965. Vốn là người ngay thẳng, trung tướng Thi công khai chỉ trích những việc mà ông cho là bất công, tham những, nhất là ông nhắm vào hai tướng Nguyễn Văn Thiệu (quốc trưởng) và Nguyễn Cao Kỳ (thủ tướng). Vì vậy, trung tướng Thi gây nhiều tranh cãi đối với tập đoàn các tướng lãnh chính phủ trung ương.

Trong cuộc họp Đại hội đồng Quân lực tại bộ Tổng tham mưu ngày 11-3-1966, các tướng lãnh quyết định cho trung tướng Nguyễn Chánh Thi nghỉ phép, ra nước ngoài chữa bệnh mũi, mà theo tướng Thi trong hồi ký Việt Nam: một trời tâm sư, ông cho biết ông chẳng bị bệnh gì cả.

Ngoài ra, lúc đó có dư luận cho rằng trung tướng Thi bị loại ra khỏi chức vụ có thể còn vì một lý do khác. Nguyên vào ngày 1-12-1965, trung tướng Thi gởi thư lên chủ tịch UBLĐQG Nguyễn Văn Thiệu, chính thức đề nghị là Quân lực VNCH phải Bắc tiến, nắm thế chủ động trên chiến trường, mới có thể chiến thắng cộng sản.(2a) Ông cũng công khai đề nghị như thế với người Mỹ.

Chủ trương nầy đã từng được Nguyễn Khánh đưa ra ngày 19-7-1964 và Nguyễn Cao Kỳ nhắc lại ngày 20-7-1965, gọi là “Ngày toàn dân đoàn kết chuẩn bị giải phóng miền Bắc”, nhưng không được người Mỹ chấp thuận. Nguyễn Cao Kỳ vội bỏ chủ trương nầy nên được người Mỹ tiếp tục ủng hộ. Nay trung tướng Nguyễn Chánh Thi kêu gọi thêm một lần nữa. Trung tướng Thi đang giữ chức tư lệnh Quân đoàn I kiêm tư lệnh vùng I Chiến thuật, vùng giáp ranh với Bắc Việt. Phải chăng việc nầy đi ra ngoài chính sách của người Mỹ, nên việc cách chức tướng Thi có liên hệ đến chuyện Bắc tiến và người Mỹ?

Không có tài liệu nào có thể xác quyết điều nầy, nhưng không phải tự nhiên mà ngay sau khi bị buộc nghỉ việc trong cuộc họp tại bộ Tổng tham mưu (11-3-1966), trung tướng Thi nhận được thư của đại tướng William Westmoreland cũng đề ngày 11-3-1966, nhân danh bộ Quốc phòng Mỹ, mời tướng Thi sang Hoa Kỳ chữa bệnh.(2b) Sao lại có sự trùng hợp nhịp nhàng như thế?

Sau cuộc họp ngày 11-3-1966, trung tướng Thi bị giữ lại ở Sài Gòn. Thiếu tướng Nguyễn Văn Chuân, tư lệnh Sư đoàn I Bộ binh được cử lên thay. Chuẩn tướng Phan Xuân Nhuận, chỉ huy trưởng Biệt động quân, ra Huế thay thiếu tướng Chuân.

II.- DIỄN TIẾN BIẾN ĐỘNG

Biến động miền Trung năm 1966 có thể tóm lược qua bốn giai đoạn sau đây:

1. CUỘC TRANH ĐẤU PHÁT KHỞI

Khi Đài phát thanh Sài Gòn thông báo quyết định của HĐQL cho trung tướng Nguyễn Chánh Thi nghỉ phép và ra nước ngoài chữa bệnh mũi, dân chúng Vùng I Chiến thuật hiểu ngay là trung tướng Thi bị cách chức. Đây là cơ hội thuận lợi để những phần tử vốn âm thầm chống chính phủ quân nhân bấy lâu nay, kích động và phát động các cuộc biểu tình chống đối.

Tức thì, ngày 12-3, cuộc biểu tình bộc phát tại Đà Nẵng, nơi Quân đoàn I đóng bản doanh. Cuộc biểu tình lan ra Huế ngày hôm sau 13-3. Người biểu tình càng ngày càng đông và đủ mọi thành phần: thanh niên, sinh viên, học sinh, công chức, tiểu thương, có cả quân nhân nữa. Đại đa số những người nầy là Phật tử. Những người biểu tình tổ chức thành Lực Lượng Tranh Thủ Cách Mạng (LLTTCM). Những ngày sau đó, càng ngày biểu tình càng dữ dội. Lực lượng TTCM tổ chức tổng đình công, chiếm đài Phát thanh ở Huế cũng như Đà Nẵng.

2. CHÍNH PHỦ ĐIỀU ĐÌNH

Trong khi biểu tình tiếp diễn, chính phủ trung ương kiếm cách thương thuyết, vừa tại vùng I Chiến thuật, vừa tại Sài Gòn. Ngày 16-3, chính phủ đưa trung tướng Nguyễn Chánh Thi ra Đà Nẵng để nhờ tướng Thi kiếm cách yên dân. Sự có mặt của tướng Thi làm cho tình hình êm dịu bớt. Ngày 1-4, chính phủ trung ương gởi trung tướng Phạm Xuân Chiểu ra điều đình. Nhóm biểu tình chống chính phủ giữ trung tướng Chiểu làm con tin một thời gian ngắn.

Tại Sài Gòn, ngày 17-3-1966, đại sứ Cabot Lodge (làm đại sứ lần thứ hai) gặp thượng tọa Thích Trí Quang, trong khi các tướng Thiệu, Kỳ gặp thượng tọa Thích Tâm Châu. Các lãnh tụ Phật giáo đồng ý ngưng biểu tình với điều kiện phía chính phủ giữ lời hứa tổ chức bầu cử và tiến đến chính phủ dân sự. Ngày 19-3-1966, Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) tuyên bố không chống đối chính phủ mà chỉ đòi hỏi bầu cử và thành lập chính phủ dân sự.(3) Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn. Tại Sài Gòn, cuộc biểu tình tối mồng 2-4-1966 trước Đài phát thanh trở nên hỗn loạn.

Hôm sau, 3-4-1966, thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, chủ tịch UBHPTƯ, tuyên bố là cộng sản đã xâm nhập vào các phong trào tranh đấu ở miền Trung và sẽ dùng võ lực để tái lập an ninh tại Đà Nẵng. Lời tuyên bố nầy làm cho cuộc tranh đấu bùng lên mạnh mẽ.

Ngày 5-4-1966, Nguyễn Cao Kỳ ra Đà Nẵng, đem theo hàng ngàn chiến binh bằng cầu không vận Mỹ, nhưng bị quân lính địa phương theo nhóm biểu tình ngăn chận, không cho ra khỏi phi trường. Vị chỉ huy Thủy quân Lục chiến (TQLC) Mỹ tại Đà Nẵng phải can thiệp, mới tránh đụng độ giữa hai bên.(4)

Lúc đó, thị trưởng Đà Nẵng (bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn) cùng tư lệnh Biệt khu Quảng Đà và Trung đoàn 51 Bộ binh (đại tá Đàm Quang Yêu), Địa phương quân, Nghĩa quân, Quân cảnh, công chức Đà Nẵng tuyên bố ly khai với chính phủ trung ương. Tại Huế, chuẩn tướng Phan Xuân Nhuận, trung tướng Nguyễn Chánh Thi cũng về theo phe tranh đấu.

Ngày 8-4-1966, hai tiểu đoàn TQLC được gởi tiếp ra Đà Nẵng. Bộ Ngoại giao Mỹ phản đối và yêu cầu chính phủ VNCH giải quyết tranh chấp bằng thương lượng chứ không bằng quân sự.(Chính Đạo, sđd. tr. 215) Có thể vì vậy, thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ chưa quyết định tấn công và ngày 9-4, UBLĐQG cử trung tướng Tôn Thất Đính ra Đà Nẵng làm tư lệnh Quân đoàn I, thay thiếu tướng Nguyễn Văn Chuân. Vài ngày sau, Tôn Thất Đính về phe tranh đấu.

Để làm êm dịu tình hình, ngày 12-4-1966, UBLĐQG triệu tập Đại hội Chính trị Toàn quốc, gồm chủ tịch các Hội đồng tỉnh và thị xã, đại diện các đoàn thể, đảng phái, đại diện các tôn giáo, nhưng Phật giáo và Ky-Tô giáo không dự. Trong ngày chót của Đại hội (14-4-1966), trung tướng Nguyễn Văn Thiệu công bố sắc luật số 14/66, tổ chức bầu cử Quốc hội lập hiến (QHLH) qua phổ thông đầu phiếu trong vòng từ 3 đến 5 tháng, theo đó QHLH có nhiệm vụ soạn thảo và biểu quyết hiến pháp VNCH. Đồng thời UBLĐQG chấp thuận 10 đề nghị dân chủ hóa của Đại hội. Hai quyết định nầy là một cách nhượng bộ kín đáo những đòi hỏi của phe tranh đấu nhằm dân chủ hóa đất nước, mà chính quyền không bị mất thể diện.

Sau những hứa hẹn nầy, phía Phật giáo tuyên bố tạm ngưng tranh đấu. Ngày 17-4-1966, thượng tọa Thích Trí Quang từ Sài Gòn ra Huế để dàn xếp và kêu gọi đình chỉ biểu tình. Tuy nhiên, một số phần tử cực đoan, và có thể có sự xúi giục của cộng sản, phản đối quyết định tạm ngưng nầy.

3. CHÍNH PHỦ CƯƠNG QUYẾT TÁI LẬP AN NINH

Vào đầu tháng 5-1966, thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ cho biết sẽ bầu cử QHLH vào tháng 10-1966 thay vì tháng 8, và chính phủ quân nhân sẽ cầm quyền thêm một năm nữa. Tức thì LLTTCM phản ứng, tổ chức biểu tình phản đối khắp miền Trung, tái chiếm đài phát thanh và các cơ sở khác. Lần nầy, với sự thỏa thuận ngầm của chính phủ Hoa Kỳ,(Chính Đạo, sđd. tr. 221) thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ quyết định tái lập an ninh Đà Nẵng và Huế.

Chính phủ trung ương nhờ tàu vận tải Mỹ đưa 40 xe tăng và thiết vận xa đến Đà Nẵng ngày 14-5-1966. Ngày hôm sau 15-5, chính phủ gởi 5 tiểu đoàn Nhảy dù đến Quân đoàn I. Chỉ trong một giờ, quân Nhảy dù tái chiếm Đài phát thanh Đà Nẵng. Trung tướng Tôn Thất Đính chạy ra Huế.

Ngày 16-5-1966, thiếu tướng Huỳnh Văn Cao được cử ra Đà Nẵng làm tư lệnh Quân đoàn I. Hôm sau 17-5-1966, tại phi trường Tây Lộc (thuộc sư đoàn I Bộ binh, trong thành Nội, Huế), Huỳnh Văn Cao bị thiếu úy Nguyễn Đại Thức mưu sát, nhưng ông Cao thoát nạn nhờ viên xạ thủ trực thăng Mỹ bắn chết thiếu úy Thức. Sau biến cố nầy, Huỳnh Văn Cao xin nghỉ chức tư lệnh Quân đoàn I. Thiếu tướng Trần Thanh Phong tạm thay, cho đến khi thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Sư đoàn II Bộ binh, nhận chức tư lệnh Quân đoàn ngày 31-5-1966.

Chính phủ trung ương cử thiếu tướng Cao Văn Viên ra Vùng I Chiến thuật, chỉ huy cuộc tái kiểm soát Đà Nẵng và Huế. Khi quân Nhảy dù và TQLC xuất hiện, lực lượng ly khai yếu thế dần dần. Ngày 23-5, nhóm ly khai tại chùa Tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng (trên đường Ông Ích Khiêm) buông súng. Thị trưởng Nguyễn Văn Mẫn bị bắt. Trung đoàn 51 Bộ binh bị chận lại ở phía nam Đà Nẵng. Đại tá Đàm Quang Yêu cũng bị bắt ngày 25-5-1966.

Trong khi đó, tại Sài Gòn, chính phủ trung ương triệu tập Đại hội Quân Dân ngày 24-5-1966 tại rạp hát Thống Nhất, gồm khoảng 1,000 đại diện quân đội, hội đồng tỉnh, thị xã, đảng phái, công chức, báo chí...để trình bày về tình hình Đà Nẵng và tình hình miền Trung.

Ngày 31-5-1966, một phái đoàn gồm 6 lãnh tụ Phật giáo do thượng tọa Thích Tâm Châu dẫn đầu, hội đàm với 6 tướng lãnh trong UBLĐQG. Ủy ban LĐQG hứa sẽ tổ chức bầu cử QHLH vào ngày 11-9-1966 và mở rộng UBLĐQG thêm 10 chính khách dân sự. Đó là các ông: Trần Văn Đỗ, Phạm Hữu Chương, Phan Khoang, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Ngọc Trân, Trần Văn Ân, Văn Thành Cao, Nguyễn Lưu Viên, Quan Hữu Kim, Huỳnh Văn Nhiệm. Ngày 6-6-1966, những chính khách dân sự dự họp lần đầu với UBLĐQG.

4. BÀN THỜ PHẬT XUỐNG ĐƯỜNG

Ngày 26-5-1966, tại Huế diễn ra tang lễ thiếu úy Nguyễn Đại Thức, người mưu sát bất thành thiếu tướng Huỳnh Văn Cao. Đoàn biểu tình đốt Phòng Thông tin và thư viện Hoa Kỳ tại Huế, tiêu hủy khoảng 5,000 quyển sách. Huế hoàn toàn hỗn loạn. Trung tá tỉnh trưởng Thừa Thiên kiêm thị trưởng thành phố Huế, phải dời văn phòng ra ngoại ô. Ngày 1-6-1966, cuộc biểu tình đập phá tiếp Tòa lãnh sự Mỹ tại Huế một lần nữa.

Trước áp lực của lực lượng chính phủ, thượng tọa Thích Trí Quang, lãnh tụ Phật giáo tranh đấu, tung ra biện pháp cuối cùng là yêu cầu đồng bào đưa bàn thờ Phật xuống đường ngày 6-6-1966 trong khắp thành phố Huế, để ngăn chận lối đi của quân chính phủ. Nhiều thành phố miền Trung cũng hưởng ứng chiến dịch nầy: Quảng Trị, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Pleiku... Cần chú ý là lúc đó, không phải tất cả Phật tử đồng thuận với biện pháp đưa bàn thờ Phật xuống đường.

Ngày 8-6-1966, thượng tọa Thích Trí Quang tuyệt thực trước tỉnh đường Thừa Thiên, nhưng chưa đầy 24 giờ sau, Thích Trí Quang kiệt sức phải, vào bệnh viện. Lực lượng Nhảy dù và TQLC đến Huế từ ngày 8-6, nhưng chưa dẹp bàn thờ Phật. Ngày 10-6-1966, một tiểu đoàn Cảnh sát Dã chiến (CSDC) được đưa ra Huế tăng cường. Ngày 16-6-1966, đại tá Nguyễn Ngọc Loan, giám đốc An ninh Quân đội kiêm tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia, đích thân chỉ huy lực lượng Nhảy dù và CSDC, khiêng bàn thờ trả lại dân chúng và nhà chùa, khai thông đường đi trong thành phố Huế.

Phe ly khai rút về chùa Diệu Đế, chùa Từ Đàm và vào trong thành Nội, hoàng thành nhà Nguyễn trước đây. Lực lượng Nhảy dù, TQLC và CSDC lần lượt giải tỏa dễ dàng ba địa điểm nầy vào các ngày 18 và 19-6-1966. Thượng tọa Thích Trí Quang được đưa vào Sài Gòn ngày 21-6-1966. Tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, phong trào tranh đấu tan rã nhanh chóng. Biến động miền Trung xem như chấm dứt.

III.- HẬU QUẢ

Số người chết và bị thương trong biến động miền Trung lên khá cao. Riêng tại Đà Nẵng, trong cuộc đụng độ đầu tiên giữa phe tranh đấu và lực lượng Nhảy dù ngày 15-5-1966, số người chết lên đến khoảng 150 người và số người bị thương lên khoảng 700 người.(Chính Đạo, sđd tr. 220.) Trong việc chính phủ đưa quân tái kiểm soát Huế, số người chết và bị thương không được biết, số người ly khai bị bắt là 190 quân nhân, 109 công chức, 35 nhân viên cảnh sát.(5)

Đại đa số những người tham gia biến động nầy là Phật tử, nhưng GHPGVNTN chưa có một hệ thống giáo quyền chặt chẽ để kiểm soát các tăng ni và Phật giáo đồ như giáo hội Ky-Tô giáo La Mã, nên những lãnh tụ Phật giáo không kiểm soát được phong trào Biến động miền Trung, và đôi khi bị cuốn hút theo phong trào.

Từ đó, Biến động miền Trung làm chia rẽ các lãnh tụ Phật giáo và làm suy giảm tiềm lực khối Phật giáo. Nguyên khi thượng tọa Thích Trí Quang phát động đợt tranh đấu cuối cùng vào đầu tháng 6-1966, các lãnh tụ Phật giáo ôn hòa ở Sài Gòn phản đối. Thượng tọa Thích Tâm Châu, sau khi tham dự hội nghị World Fellowship of Buddhists (Hội Thân hữu Phật tử Thế giới), trở về Sài Gòn ngày 29-5, thì Việt Nam Quốc Tự, trụ sở Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáoViệt Nam thống Nhất (GHPGVNTN), bị phe quá khích chiếm đóng. Bản thân Thích Tâm Châu bị đe dọa, phải bỏ Việt Nam Quốc Tự đi tỵ nạn. Thượng tọa Tâm Châu nhiều lần lên tiếng chống lại việc đưa bàn thờ Phật xuống đường.(Đoàn Thêm, sđd. tr. 115.) Từ đó, hố chia rẽ giữa hai nhóm ôn hòa và quá khích càng ngày càng sâu rộng, làm cho khối Phật giáo yếu hẳn đi. Một lãnh tụ Phật giáo khác là thượng tọa Thích Thiện Minh bị thương nặng vì bị mưu sát ngày 1-6-1966, mà không tìm ra thủ phạm.

Chắc chắn Cộng sản Việt Nam (CSVN) không bỏ qua cơ hội để lợi dụng Biến động miền Trung, xúi giục những hành vi quá khích trong đám đông, nhằm phá hoại chính quyền, gây rối loạn xã hội và nhất là làm mất uy tín tổ chức Phật giáo, gây chia rẽ giữa Phật giáo với Phật giáo, giữa Phật giáo với các tôn giáo khác, với chính quyền và cả với người Mỹ.

Cần chú ý là CSVN rất lo sợ tất cả những tổ chức quy củ và có hậu thuẫn quần chúng. Ở Việt Nam, các tổ chức có hậu thuẫn quần chúng mạnh mẽ nhất chính là giáo hội các tôn giáo. Đối với tôn giáo, ngoài vấn đề triết thuyết và giáo lý, CSVN rất chú trọng đến sức mạnh quần chúng (tín đồ), thực lực của các tôn giáo. Cộng sản trên thế giới nói chung chống giáo hội Ky-Tô giáo vì sợ khối lượng tín đồ đông đảo của giáo hội nầy. Ở Việt Nam, sau năm 1945, vì lo sợ ảnh hưởng của Cao Đài giáo đối với nông dân miền Đông Nam Việt và ảnh hưởng của Phật giáo Hòa Hảo đối với nông dân miền Tây Nam Việt, nên CSVN đã tìm tất cả các cách để triệt hạ hai tôn giáo nầy.

Sau khi thành lập năm 1964, GHPGVNTN là giáo hội có khối lượng tín đồ đông đảo khắp nước, được hậu thuẫn rộng rãi, nhất là trong giới lao động và dân chúng nông thôn. Vì vậy, GHPGVNTN trở thành một sức mạnh chính trị đáng ngại đối với CSVN. Không thể đánh phá GHPGVNTN như đã từng hãm hại Đức thầy Huỳnh Phú Sổ và Phật giáo Hòa Hảo sau năm 1945, CSVN kiếm cách phá hoại và gây chia rẽ để cho GHPGVNTN phân hóa và yếu đi. Có như thế, CSVN mới giành được độc quyền lãnh đạo quần chúng.

Trong những cuộc biểu tình, phe tranh đấu đưa ra những biểu ngữ chống Mỹ, lại đốt Phòng Thông tin Hoa Kỳ tại Huế, làm cho người Mỹ càng thêm ủng hộ chính phủ Nguyễn Văn Thiệu. Khối Phật giáo Việt Nam cũng mất uy tín trước dư luận thế giới. Ngày 17-6-1966, Hội Phật giáo Thế giới tuyên bố không ủng hộ khối Phật giáo Việt Nam vì tăng ni hoạt động chính trị. (Đoàn Thêm, sđd. tr. 116.)

Một hậu quả ít ai chú ý là sau khi chính phủ tái kiểm soát miền Trung, một số người, trong đó có thanh niên, sinh viên, học sinh, sợ bị chính quyền quân sự trả thù, đã “nhảy núi” năm 1966, tức lên miền rừng núi theo du kích cộng sản. Những sinh viên thanh niên nầy sau trở về Huế quấy phá và giết hại đồng bào trong biến cố Tết Mậu Thân vào đầu năm 1968.

Hậu quả trầm trọng nhất của Biến động miền Trung là chính phủ VNCH phải dồn sức để ổn định xã hội ở thành phố, khiến nỗ lực chống cộng bị suy giảm. Quân nhân ngoài tiền tuyến, nhất là quân nhân Phật tử không an tâm chiến đấu vì hậu phương bị xáo trộn. Nhờ thế, du kích cộng sản có cơ hội tăng cường hoạt động và phát triển ở nông thôn và miền rừng núi.

Cuối cùng, Biến động miền Trung vẫn đem lại một kết quả quan trọng về phương diện dân chủ hóa là đã thúc đẩy nhà cầm quyền quân sự nhanh chóng tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến ngày 11-9-1966, nhằm soạn thảo hiến pháp. Hiến pháp được ban hành ngày 1-4-1967, làm nền tảng cho Đệ nhị Cộng hòa Nam Việt Nam. Có tất cả 11 liên danh ứng cử tổng thống và phó tổng thống ngày 3-9-1967, trong đó liên danh quân đội của Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ đã thắng cử. Tuy các ứng cử viên đối lập cho rằng cuộc bầu cử gian lận, nhưng “đa số trong 22 quan sát viên Hoa Kỳ và 93 quan sát viên của 21 quốc gia đều nhận rằng cuộc bầu cử có nhiều dấu hiệu tự do”.(6) Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy thì nhận định: "Cuộc bầu cử tổng thống năm 1967 có thể được coi là lương thiện và tự do.”(7) Có người cho rằng nếu phe dân sự biết đoàn kết thì có thể thắng cuộc bầu cử nầy. (Hoàng Cơ Thụy, sđd. tr. 3339.)

KẾT LUẬN

Tóm lại, Biến động miền Trung không phải là một biến cố địa phương mà là một sự kiện quan trọng có tầm vóc quốc gia. Đặt vụ Biến động miền Trung năm 1966 trong hoàn cảnh lịch sử đầy xáo trộn sau năm 1963, nguyên nhân sâu xa ban đầu của biến động là những đòi hỏi dân chủ hóa đất nước, thiết lập quốc hội lập hiến, trở lại chính phủ dân sự. Việc cách chức trung tướng Nguyễn Chánh Thi chỉ là cái cớ làm bùng nổ các cuộc biểu tình.

Biến động miền Trung tuy đã thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa VNCH, nhưng ngược lại Biến động miền Trung đã làm suy yếu GHPGVNTN và nhất là làm suy yếu tiềm lực chiến đấu của Quân lực VNCH. Trách nhiệm sâu xa nhất về biến động nầy là những người muốn mưu cầu quyền lực bằng con đường không thông qua thể chế dân chủ. Trong khi đó kẻ có lợi nhất trong Biến động miền Trung không ai khác hơn chính là CSVN. (Trích Việt sử đại cương tập 6.)

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 16-11-2009)
(phungtrangia@ yahoo.com
)

CHÚ THÍCH

1. Trước tháng 11-1963, thiếu tưóng Trí làm tư lệnh quân đoàn I, thiếu tướng Khánh làm tư lệnh quân đoàn II. Sau cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963, hai ông đều được thăng trung tướng và theo lệnh chính phủ mới, hai ông đổi chỗ nhau t ừ tháng 1-1964.
2. Nguyễn Chánh Thi, Việt Nam, một trời tâm sự, California: Nxb. Anh Thư, 1987, tt. 319-32 (2a), tr. 344 (2b).
3. Chính Đạo, Tôn giáo và chính trị, Phật giáo 1963-1967, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 210.
4. Stanley Karnow, Vietnam a History, New York: The Viking Press, 1983, tr. 446.
5. Đoàn Thêm, 1966 Việc từng ngày, California: Nxb. Xuân Thu tái bản, 1989, tr. 119.
6. Đoàn Thêm, 1967 Việc từng ngày, California: Nxb. Xuân Thu tái bản, 1989, tr. 197.
7. Hoàng Cơ Thụy trích dẫn, Việt sử khảo luận cuốn 6, Paris: Nam Á 2002, tr. 3339.

1 nhận xét:

Thomas Rayquaza nói...

Ghi sai rồi, phải là:..."kiệt sức, phải đưa vào bệnh viện".