PHỤ BẢN MỘT
(TRÍCH một bức thư của Ông Bac Cam Quy, Cựu Chủ Tịch Liên Bang Thái)
Liên bang Thái xưa kia nằm ở vùng thượng du Bắc Việt, Bắc giáp vớI Trung Quốc, Đông giáp sông Hồng, Tây giáp với Lào, và Nam giáp với tỉnh Hòa Bình, gồm có những người dân Thái đen và Thái trắng.
Người dân Thái là những người sống rất thanh bình, hiền hậu yêu hòa bình nhưng cũng không ngần ngại chiến đấu nếu nền độc lập của quê hương nếu bị đe dọa. Họ rất thật thà, ngay thẳng, trung thực, can đãm, siêng năng mẩn cán, hay giúp đở mọi người và có tinh thần xã hội. Từ lúc chánh phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa của Bắc Việt chiếm mất quê hương, và vốn dĩ đã không ưa gì người Việt, dân chúng Thái trở thành những con người chống cộng dử dằn nhất.
Trước khi người Pháp đặt chân lên bán đão Đông Dương năm 1888 tiểu vương quốc Thái ít nhiều vẫn có triều cống vua Lào (Luang Prabang và đôi khi cũng có những phái đoàn giao hảo đến Triều đình Hué. Từ năm 1888 đến 1945 tiểu vương quốc nầy được đặt dưới quyền bảo hộ của Pháp. Từ 1945 đến 1947 gười dân Thái bị nhiều đợt xăm lăng, Nhật rồi Trung Quốc và sau cùng là Việt Minh. Đến đây thì hậu quả quá nặng nề: gia đình ly tán, và quê hương bị tàn phá hoàn toàn.
Từ năm 1947 đến 1954, với sự trở lại của người Pháp, Liên bang Thái được thành lập (Fédération Thai), tự trị, nằm trong quốc gia Việt Nam của Hoàng Đế Bảo Đại. Thanh bình đã trở lại, trật tự được lập lại khắp nơi. Nhưng sự thanh bình nầy không được bao lâu thì cộng sản Việt Nam bắt đầu xăm chiếm xứ Thái, (từ năm 1950) và cuộc chiến dữ dội bắt đầu. Làn sóng di cư cũng bắt đầu. Các quan chức cao cấp và gia đình họ được tản cư ra Hànội và tiếp theo đó là gia đình các quân nhân. Rồi năm 1954 Điện Biên thất thủ, rồi Hiệp Ước Genève...và rồi xứ tự trị Thái bị cộng sản chiếm toàn bộ, bị sát nhập đương nhiên vào lãnh thổ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Để thoát thân khỏi cộng sản, một số người Thái (một phần ngàn của những người còn ở lại) chạy sang tỵ nạn bên Lào, và là những người Thái đầu tiên đến tỉnh XiengKhoang để rồi đến định cư sau đó tại Vientiane.
Để xoa dịu dân tộc Thái, cộng sản Việt Nam phải chịu giữ nguyên xứ Thái kèm theo danh từ "tự trị", với danh xưng là "Vùng Tự Trị Thái-Mèo" sau nầy lại đổi thành "Vùng Tự Trị Tây Bắc".
Sau đây là một đoạn "trích" từ một lá thư của Ông Bac Cam Quy:
"Chúng tôi đã chọn Lào làm quê hương thứ hai để sang định cư vì lý do chủng tộc, lịch sử, ngôn ngữ và phong tục tập quán. Những điểm tương đồng tự nhiên như vậy cộng thêm tình bạn bè thân thích từ lâu giữa người Thái và người Lào đã giúp chúng tôi hội nhập dễ dàng vào đời sống tại vương quốc Lào, hàn gắng vết thương đau và làm lại cuộc đời của chúng tôi. Tinh thần hiếu khách và sự ân cần chăm sóc của chánh phủ Vương Quốc Lào đã giúp chúng tôi mỗi người đều có công ăn việc làm dễ dàng và xây dựng lại mái nhà ấm cúng cho gia đình. Về cuộc sống tại đây, chúng tôi làm việc trong đủ mọi ngành nghề. Người nầy là công chức trong chánh quyền, hay sĩ quan trong quân đội, người kia thì giúp việc trong các tổ chức của ngoại quốc (tòa đại sứ, Liên Hiệp Quốc, USAI D, USOM v.v..). Có nhiều người là kỹ sư, bác sĩ, hoặc trong ngành kinh tế, giáo dục, hoặc là kế toán viên, đã tự viên, thợ máy, trồng tỉa v.v... Với thời gian thì sự phân biệt chủng tộc phai mờ lần và chúng tôi đều được nhập quốc tịch Lào hết. Sở dĩ việc nhập quốc tịch không được tiến hành mau hơn, là vì các chánh phủ vương quốc Lào muốn tìm một phương thức pháp lý đúng đắn hơn, để cho chúng tôi hưởng nhiều quyền lợi hơn và dĩ nhiên đở tốn kém hơn. Nhưng cho dù việc nhập quốc tịch có chậm hay có mau hơn thì nó cũng không có ảnh hưởng gì đến đời sống hằng ngày của chúng tôi cả. Giới trẻ của chúng tôi thì vẫn được ra ngoại quốc tiếp tục bậc cao học và đại học. Công chức và cán bộ các cấp trong quân đội cũng có đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm như các bạn người Lào của họ. Nói tóm lại là chúng tôi có đầy đủ mọi điều kiện để có được một đời sống thanh bình và hạnh phúc.
Trước khi Hiệp Ước Vientiane 1973 được ký kết, dẫn đến sự thành lập một chánh phủ quốc gia liên hiệp Lào, thì chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới là đời sống của chúng tôi lại một lần nữa bị xáo trộn.
Bất ngờ tình hình chánh trị ở Lào diễn tiến quá nhanh sau khi Sài Gòn và PhnomPenh thất thủ, làm cho đời sống chúng tôi bị chuyển đổi một cách tàn nhẫn và làm sụp đổ hoàn toàn giấc mộng yên lành của chúng tôi. Kể từ ngày 9/5/75 tất cả những cơ cấu chánh trị, hành chánh và xã hội ở vương quốc Lào đều bị đão ngược hoàn toàn, làm cho chúng tôi nhận thức rõ ràng được đời sống của chúng tôi không còn chút gì gọi là vững vàng nữa, cũng như tình trạng an ninh của chúng tôi trở nên hết sức bấp bênh. Đùng một cái chúng tôi trở thành những người ngoại quốc với tất cả những khó khăn và nguy hiểm sẽ gặp phải. Trong vòng hơn 20 năm định cư ở Lào, tất cả người Thái chúng tôi đều có được một mái nhà êm ấm, người nào cũng có công ăn việc làm, mỗi gia đình đều có một mảnh đất canh tác...tóm lại chúng tôi đều có đầy đủ điều kiện để xây dựng một tương lai đầy hạnh phúc.
Chúng tôi tự hỏi tại sao chúng tôi lại phải bỏ tất cả những gì chúng tôi đã tạo dựng được bằng mồ hôi và nước mắt của mình để lên đường đi tỵ nạn thêm một lần nữa ?
Lý do thứ nhất , lý do chính và cũng là lý do quan trọng khiến chúng tôi phải cấp tốc rời nhanh khỏi vương quốc Lào đó là cộng sản đã đồng loạt và ồ ạt tiến chiếm toàn bộ bán đão Đông Dương. Khác hơn ở Việt Nam và Cam Bốt, chiến cuộc tại Lào coi như được chấm dứt sau khi Hiệp ước Vientiane 1973 được ký kết, tiếng súng không còn nữa làm cho một số quan sát viên tưởng rằng cuối cùng thì hòa bình cũng đã được vãn hồi, và chế độ vẫn còn là một chế độ tự do. Nhưng tiến trình cộng sản hóa cả nước đang được tiến hành, và chúng ta phải thấy được chiến thuật ngụy trang của cộng sản rất là xảo quyệt và rất là tinh vi. Chúng ta đừng bao giờ nghe những gì họ nói hay những gì họ nhờ những người khác phổ biến thay cho họ, mà chúng ta phải nhìn kỹ xem những gì họ làm. Đây là những bằng cớ cụ thể và mới nhất: từ ngày 9/5/1973 nhiều cuộc chống đối đủ loại, nhiều cuộc mít tinh biểu tình đòi lật đổ, nhiều hành động tố giác không bằng chứng, tất cả đều được tổ chức công khai và liên tục nhằm mục đích loại trừ sĩ quan ra khỏi quân đội, loại trừ công chức quốc gia đủ mọi cấp mọi ngành ra khỏi các bộ, từ ông bộ trưởng cho tới anh viên chức xả ấp mộc mạc trong làng. Các sĩ quan công chức nào bị loại thì được lôi ra xử ngay tại các tòa án nhân dân, nơi đó họ phải nặn óc tưởng tượng ra các "nợ máu đối với nhân dân" mà họ phải khai báo. Người ta chưa bao giờ nghe thấy được những hành dộng loại nầy trong bất cứ một quốc gia nào trên thế giới tự do.
Lý do thứ hai thúc đấy chúng tôi phải chạy cho khỏi bọn cộng sản đó là chúng tôi rất sợ bị bọn họ bắt lại. Bởi vì chúng tôi đã từng chiến đấu quyết liệt với bọn họ, lúc chúng tôi còn ở quê nhà cũng như lúc chúng tôi đến định cư ở Lào. Trước sau gì trong con mắt của cộng sản, chúng tôi vẫn là kẻ thù muôn đời của bọn họ, và họ thề phải tận diệt chúng tôi. Bởi vì trong chế độ cộng sản, tòa án nhân dân truy xét tội nhân hồi tố tới ba đời lý lịch. Nói cách khác, nếu chúng tôi khư khư quyết ở lại Lào, thì sớm muộn gì tất cả chúng tôi cũng sẽ tùy theo trường hợp mà bị phân tán ra hết, đi tù, bị hành quyết, hay bị hành hạ cho đến chết mới thôi.
Lý do thứ ba thúc đấy chúng tôi phải rời khỏi đất Lào, chúng tôi cũng đã có nói qua rồi, đó là phần lớn chúng tôi chưa được nhìn nhận như một công dân Lào thật sự. Là những người không có quê hương và chống cộng, sống trong một thể chế vô nhân đạo không được ai che chở, thì làm sao chúng tôi có thể tồn tại được để mà sống ???? Con đường duy nhất mà chúng tôi có thể cho là tốt nhất để chúng tôi chọn là tìm một quốc gia nào có thể đón nhận chúng tôi, hiểu rõ hoàn cảnh chúng tôi và che chở cho chúng tôi. Vì lẽ đó mà chúng tôi phải vượt sông Cửu Long để đến đất Thái Lan.
Cuối cùng rồi chúng tôi thấy có quá nhiều lý do đã thúc giục chúng tôi phải chạy nhanh khỏi bọn cộng sản, và thật sự thà là chúng tôi chọn cái nghèo mà được tự do trong một thể chế hoàn toàn tự do và nhân đạo còn hơn là sống như một anh hùng đầy huy chương trong một thể chế độc tài cộng sản.
Chúng tôi đã được cho vào một trại tỵ nạn hơn ba tháng nay rồi, trại nầy hiện đang đầy nghẹt, và điều kiện sống của chúng tôi càng ngày càng đi xuống, hiện trạng về sức khỏe thật là bi đát, nhất là trong mùa mưa lũ nầy. Cọng thêm nổi lo sợ bị trả thù, nên tình hình an nguy của chúng tôi thật là tương đối thôi vì trại của chúng tôi nằm sát biên giới Thái-Lào.
Trước một tình hình cùng quẩn như thế, chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi khẩn cấp đến vị đại diện Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc ở Bangkok để xin cứu trợ và giúp đở về an ninh. Nhưng than ôi, những tiếng kêu báo nguy gần như tuyệt vọng của chúng tôi luôn luôn đụng phải một vách tường "không thông cảm", không có một giọt cứu trợ nào được gởi đến để giúp đở chúng tôi, và họ cũng chưa chấp nhận cho chúng tôi được quy chế tỵ nạn.
Mặt khác, từ khoản giữa tháng 7/75, nhà cầm quyền TháiLan luôn miệng thúc ép chúng tôi, không muốn chúng tôi có mặt trên đất Thái Lan vì lý do chánh trị và ngoại giao, những lý do cũng dễ hiểu thôi. Và bốn ngày sau, ngày 18/7/75 một viên chức cao cấp thuộc Bộ Nội Vụ Thái Lan đại diện chánh phủ Thái đi cùng với vị Phó Tỉnh Trưởng tỉnh Nông Khai, đến ngay trại chúng tôi, và bằng ngôn từ cứng rắn, dữ tợn, họ chánh thức thông báo cho chúng tôi quyết định của chánh phủ Thái là không muốn thấy sự có mặt của chúng tôi trên đất Thái Lan, đồng thời họ nghiên cứu phương cách thật tế nhất, nhanh gọn nhất để tống xuất chúng tôi về Lào.
Đứng trước một tình thế hết sức khó khăn như vậy, chúng tôi không biết phải hướng về ai để kêu cứu, chúng tôi đành phải gởi một tiếng kêu tuyệt vọng, bi thảm, đến nước Pháp, một quốc gia mà chúng tôi cảm thấy luôn luôn còn được khắng khít ràng buộc..........................................."
Tiếng kêu cứu đó cho đến nay vẫn chưa có hồi âm.....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét