Thứ Năm, tháng 8 14, 2008

VIỆT NAM CỘNG HÒA BỊ BỨC TỬ ( LA MORT DU VIETNAM )

CHƯƠNG HAI

SỰ VIỆC ĐÃ XẢY RA NHƯ THẾ NÀO?

- 10 tháng 5 năm 1940 ......
- 16 tháng 6 năm 1940
- 12 tháng 5 năm 1975 .......
- 30 tháng 4 năm 1975
Không gian: ở phía bên kia quả địa cầu;
Thời gian: cách đây 35 năm....

Một sự trùng hợp nhau lạ lùng về ngày giờ và khoảng cách thời gian đã đưa trận chiến bại nhục nhã của nước Pháp (thế chiến 2) và trận chiến bại hoàn toàn của lực lượng chánh trị quân sự của Miền Nam Việt Nam (qua cuộc tổng tấn công của chiến dịch Hồ chí Minh) xích lại gần nhau, trong một nỗ lực như nhau là cả hai cùng chống lại những bọn người man rợ!
Người Pháp chúng ta, những ai đã từng sống trong những giờ phút đau thương của hai sự kiện trên, giờ phút mà dân chúng hoảng hốt chạy tán loạn trước kẻ thù xăm lược đã vô tình làm tê liệt mọi hoạt động quân sự, giờ phút kinh hoàng của cả nước trước một sự mất nước bất ngờ trong đột ngột ...thì những người đó mới biết được là những hình ảnh của hai sự kiện nói trên rất là giống nhau như in, không khác! Họ sẽ được sống trở lại những giây phút đau thương và kinh hoàng mà họ đã từng sống, những giây phút mà họ không bao giờ tưởng tượng rằng còn có thể tái diễn ngược trở lại y như vậy được.
Những lý do cũng vẫn giống nhau không khác : bị cô lập, sự yếu thế của đồng minh xa xôi, quyết tâm cao của địch, sự phản bội, sự thờ ơ của dân chúng, một chánh phủ yếu kém và một quân đội mất tinh thần...
Hậu quả xem ra có phần trầm trọng hơn nhiều vì lần nầy địch là cộng sản, dữ tợn và tàn bạo hơn phát xít ngàn lần, vì khi đã chộp được con mồi rồi thì không khi nào cộng sản buông tha ra!

MỘT CUỘC CHIẾN TRANH MỚI MẺ VÀ LẠ ĐỜI

Ở đây cũng vậy, tất cả đều bắt đầu bằng một "cuộc chiến lạ đời". Sau khi cuộc tấn công mùa hè 1972 của Bắc Việt bị quân đội Miền Nam anh dũng đập tan (thường được gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa), và sau khi Hiệp-Định Ba Lê 1973 buộc quân lực Việt Nam Cộng Hòa phải xoay qua thế bị động, thì quân Bắc Việt chẳng những cứ nhởn nhơ tiếp tục chủ động gậm nhắm phần đất dọc theo lằn ranh ngừng bắn một cách tự do, mà còn bắt đầu tiến sâu vào phía Nam, từ đó hai bên Nam Bắc bắt đầu giành nhau chiếm từng địa điểm quan trọng then chốt nằm trong phần lãnh thổ Miền Nam Việt Nam.
Những hoạt động và vi-phạm ngừng bắn của phía Bắc Việt thật ra không đáng được coi là những trận chiến, ấy vậy mà quân lực của Miền Nam Việt Nam vẫn cứ bị tiêu hao lần mòn, đến mức độ không còn khả năng thành lập hay duy trì được các đơn vị trừ bị nữa, thậm chí không thể bổ sung các sư-đoàn theo một nhịp độ và một mức độ bình thường được.
Mức thiệt hại trung bình hằng tháng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa vào khoản 3000 người, trong khi quân Bắc Việt thì vẫn cứ được tiếp tục bổ sung rất đầy đủ về quân số cũng như về vũ-khí và quân dụng tối tân.
Chuyện rất dễ hiểu là nếu không có được sự viện trợ mà phía "đồng minh Hoa Kỳ" đã hứa thì sự phòng thủ diện địa trên một tuyến quá dài của một lãnh thổ quá hẹp bề ngang, sẽ gặp phải mọi sự khó khăn và nguy hiểm.
Vào tháng giêng năm 1975, để đo phản ứng của Việt Nam Cộng Hòa và nhất là của Hoa Kỳ, Bắc Việt tung quân từ phía biên giới Campuchia tiến đánh dữ dội tỉnh lỵ Phước Long. Trong khi Bộ Tư Lệnh Miền Nam Việt Nam dè dặt trong thế bị động, thì phía Hoa Kỳ không có hành động tiếp ứng.
Do vậy, Bắc Việt rất tự tin, nên ngày 12 tháng 3/75, họ bắt đầu cho mở cuộc tấn công. Tướng Phạm văn Phú, Tư lệnh Vùng 2 Chiến Thuật, một trong số các tướng lãnh giỏi của Miền Nam Việt Nam, đang cố gắng thực hiện một cuộc hành quân triệt thoái, đưa hết lực lượng ở Cao Nguyên của Ông về Duyên Hải theo lệnh của Tổng Thống Thiệu. Lực lượng nầy đang nỗ lực phòng thủ tuyến Kontum Pleiku, sau khi tỉnh Ban Mê Thuột ở phía Nam bị thất thủ.
Cuộc rút quân được diễn ra trong hỗn loạn, quân dân tranh nhau chạy tán loạn trong kinh hoàng, vô trật tự.... Vùng Cao Nguyên mất, và Miền Nam Việt Nam bị cắt ngay ra làm hai mảnh.
Quân Bắc Việt khai thác ngay chiến quả bất ngờ nầy, từ phía Bắc tràn xuống, từ phía Tây qua và từ phía Nam lên, tất cả lực lượng đánh thẳng vào Vùng I Chiến Thuật, nằm về cực Bắc của Việt Nam Cộng Hòa, nơi đó có đế-đô lịch sử Huế và thành phố lớn thứ nhì của Miền Nam Việt Nam, hải cảng và phi trường Đà-Nẵng.
Tướng Ngô quang Trưởng, Tư Lệnh Vùng I / Quân Đoàn I, là một cấp chỉ huy giỏi và khôn khéo nhanh nhẹn nhất trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong mùa hè đỏ lửa năm 1972, ông đã rất bình tĩnh ổn định lại tình hình của tỉnh Quãng Trị, bình tĩnh chịu đựng các lượn sóng liên tục khai thác thành quả của bộ đội Bắc Việt, để rồi cuối cùng Ông đấy lui họ về tận sông Bến Hải mà không bị một thiệt hại đáng kể nào. Lúc này (1975) ông đã dùng sư-đoàn Bộ Binh và các đơn vị địa phương quân như là lực lượng phòng thủ diện địa, giữ hai sư đoàn chánh quy tinh nhuệ làm lực lượng trừ bị cho quân đoàn, đó là sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến và sư đoàn Nhảy Dù. Với phương thức đó ông nghĩ là có thể giữ được cố đô Huế của mình. Tổng thống Nguyễn văn Thiệu đã tuyên bố là cố đô Huế sẽ phải được cố thủ, nhưng Tướng Trưởng không được biết điều này. Do đó sau khi bất thình lình nhận được lệnh trả sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến và sư đoàn Nhảy Dù về Sài Gòn (đề phòng biến cố chánh trị) thì Tướng Trưởng quyết định rút quân, bỏ ngỏ cố đô Huế. Bất ngờ Tổng thống Thiệu lại ra lệnh tái chiếm cố đô Huế. Hàng trăm ngàn dân tỵ nạn làm nghẽn tất cả các trục giao thông, mọi phương tiện liên lạc đều gián đoạn, quân nhân các cấp chỉ còn nghĩ đến việc tự cứu lấy mạng sống của chính mình và gia đình mình nên các đơn vị chiến đấu tự rã hàng rã ngũ... và như thế thật sự là "mạnh ai nấy chạy" một cuộc tháo chạy vô trật tự và không còn một ai nghĩ đến việc phòng thủ Đà Nẵng nữa.
Hai Vùng Chiến Thuật II và I bao trùm tuyến phòng thủ phía Tây và phía Bắc của Miền Nam Việt Nam coi như bị tràn ngập, binh sĩ lớp bị tử trận, lớp phải đầu hàng địch, quân dụng coi như mất hết. Hai Vùng nầy được coi như hoàn toàn thất thủ. Cuộc rút quân về hướng Nam thật sự đã diễn ra hết sức khó khăn và kinh hoàng vì không có sự yểm trợ của hai sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến và sư đoàn Nhảy Dù vốn đã được Bộ Tư Lệnh Sài Gòn bốc về theo lệnh của Tổng Thống Thiệu từ trước rồi.
Tuy nhiên, cũng có một số ít binh sĩ còn vũ khí thoát khỏi trận chiến nầy, về tăng cường được vùng đồng bằng sông Cửu Long và tuyến phòng thủ lưu động vùng Cao Nguyên, giữa Ban Mê Thuột và Nha Trang như đã có dự trù rồi, từ trước.


CUỘC TỔNG TẤN CÔNG MÙA XUÂN: CHIẾN DịCH HỒ CHÍ MINH

Ngay lúc bấy giờ, bất ngờ sau một chiến thắng không mong đợi, thay vì phải chờ qua một giải pháp chánh trị mới tiếp thu nốt Miền Nam Việt Nam, Bắc Việt quyết định khai thác thành quả, mở ngay chiến dịch Hồ chí Minh, xua quân tổng tấn công tiến chiếm Sài Gòn và hai Vùng Chiến Thuật còn lại, Vùng 3 (miền Đông) và Vùng 4 (châu thổ Cửu Long, miền Tây).
Ở phía Nam, các đơn vị thuộc Vùng 4 và chung quanh Sài Gòn chiến đấu rất dũng cảm, đã chận đứng dược địch quân. Nhưng dần dà vì không đủ lực lượng để kiểm soát và chiếm giữ tuyến phòng thủ, họ để mất lần lượt từ thành phố nầy đến thành phố khác dọc theo duyên hải, cho đến Vũng Tàu.
Cùng lúc, trong nôi đia, Đà Lat cũng đươc bỏ ngỏ, rơi vào tay Bắc Viêt.
Một lực lượng phòng thủ mạnh được thành lập để ngăn chặn địch ở Xuân Lộc, ở phía đông bắc thủ đô Sài Gòn, và sau nhiều lần đổi chủ, cuối cùng Xuân Lộc cũng bị thất thủ. Các lực lượng tổng trừ bị phải được tung ra, không phải tập trung mà là xé lẽ từng chiến đoàn, lữ đoàn, thậm chí đến từng tiểu đoàn biệt lập, để giữ các nút chận quan yếu dọc theo các tuyến đường dẫn về thủ đô, vì lực lượng địch rải rác tiến quân nhiều mặt lúc bấy giờ, rộng như một mạng nhện. Tiếp theo đó, ngay sát cạnh Xuân Lộc, thành phố và phi trường quân sự Biên Hòa cũng bị tràn ngập.

Về mặt chánh trị, Tổng Thống Thiệu bàn giao chánh quyền cho Phó Tổng Thống Nguyễn văn Hương, một "ông trí thức già", để chạy ra ngoại quốc.. Nguyễn văn Hương sau đó lại trao chánh quyền cho tướng Dương văn Minh, một người tự xem mình là lãnh tụ của lực lượng thứ ba, tự tin là mình có thể thương lượng với Việt Cộng để giải quyết vấn đề giữa người Việt và người Việt với nhau.
Sáng ngày 30/4/1975, Tướng Vĩnh Lộc, quyền Tổng Tham Mưu Trưởng từ đêm qua, đã xòe bàn tay lật ngữa ra với lời tuyên bố: "Hết rồi, không còn gì nữa cả... lữ đoàn Dù ở Vũng Tàu đã mất liên lạc... Cầu Bình Lợi trên đường Biên Hòa Sài Gòn đã bị giật sập... Không còn gì nữa, không còn trận chiến nào cho Sài Gòn nữa. Tôi đã trình cho Tổng Thống... Tất cả coi như xong rồi..."
Thế nhưng, không phải "danh dự" mà là "mạng sống" sẽ không còn nữa đối với các chiến binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nầy!

CÁC BẠN! CHÚNG TA HẢY DIỄN LẠI TRẬN CHIẾN “CAMERONE" !!

Tại Căn Cứ Huấn Luyện Nhảy Dù BETAP ở Tân sơn Nhứt, có nhiều sĩ quan đã từng phục vụ trong những tiểu đoàn Lê Dương Nhảy Dù (B.E.P) của quân đội Pháp. Họ sực nhớ hôm nay là ngày 30/4, và cũng chính vào ngày này, ở các đơn vị Lê Dương, theo truyền thống, người ta làm lễ kỷ niệm trận chiến Camerone, thuộc Mễ Tây Cơ, một trận chiến mà chỉ với một nhúm người họ đã cầm cự với cả một binh-đoàn địch, và anh dũng giữ vững được vị trí cho đến sự gục ngã của người binh sĩ cuối cùng.
- "Anh em ơi ! chúng ta hảy diễn lại trận chiến "Camerone".
Họ nói như vậy, và họ thực hiện đúng y như vậy!!!
Và cũng giống y như người lính Lê Dương của Pháp vậy. Hùng hổ như những con sư tử ! Họ đã anh dũng vừa chống trả từng đợt xung phong dữ dội nầy đến đợt xung phong dữ dội khác của Bắc Việt, vừa chịu đủ các loạt pháo kích đủ cỡ đủ loại, kể cả rốc kết tầm xa, tầm gần, vừa chịu đựng các đợt tấn công tới tấp của hằng loạt chiến xa T.54....
Họ đã thực sự diễn lại trận chiến Camerone đến người binh sĩ cuối cùng, hạ tại chỗ 9 chiến xa kiểu T.54 của Nga Sô và một số lớn quân Bắc Việt...
Một tuần sau đó người ta phải dùng xe ủi đất để gom hơn trăm xác chết lại thành từng đống một, người ta chế xăng lên, và cho lửa đốt các xác nầy. Ngọn lửa bùng lên cao ngút, như nói lên cho kẻ chiến thắng biết là những người lính chiến Miền Nam Việt Nam chỉ biết chọn cái chết trong vinh quang và trong danh dự hơn là phải chịu thất trận và đầu hàng địch quân cộng sản, và cái chết hôm nay cũng chưa phải là đã hết...
Đường phố chung quanh sân bay Tân Sơn Nhứt vắng lặng và rải rác những xác chết, chỉ có tiếng rốc kết réo vang và tiếng nổ máy của chiến xa... Ở một vài ngả tư đường, đây đó vẫn còn nhiều binh sĩ và đặc biệt là các cán binh chiêu hồi đang kháng cự hết sức anh dũng, ở vùng Chợ Lớn.
Tại một ngả tư nọ, có sáu chiến binh cùng tựa lưng vào tường đang chận đứng một toán Việt Cộng, làm họ không tiến lên được phải gọi chiến xa tới tăng viện. Chiến xa Bắc Việt đến, sáu chiến binh bèn gom lại thành một nhóm ngay giữa ngả tư, một người có lẽ là người chỉ huy mở chốt lựu đạn, một loại lựu đạn tròn của Mỹ, và cho nổ ngay chính giữa nhóm sáu người... sau đó cuối cùng các chiến xa kia cũng không khoan nhượng khách sáo gì, tiến lên cán nát hết những thây ma phản động!
Trong lúc đó tại tư dinh Thủ Tướng, đang có một buổi họp cuối cùng của ủy ban quốc phòng. Có mặt tại buổi họp nầy, ngồi quanh chiếc bàn có trải thảm xanh, người ta thấy có tướng Dương văn Minh, người vừa nhận chức Tổng Thống, Luật sư Vũ văn Huyền cựu chủ tịch Thượng viện, vừa nhận chức Phó Tổng Thống, một tín đồ công giáo La Mã thuần thành, ông Vũ văn Mẫu, Thủ Tướng và một vài người khác... Tất cả đều có bộ mặt tái mét như người chết, tay bấu chặt vào tấm thảm xanh, và đồng có một kết luận là chẳng còn gì để làm nữa, chỉ còn có một cách duy nhất là đầu hàng mà thôi.
Sau đó, hướng về một tướng lãnh người Pháp hiện đang có mặt trong phòng, Tổng Thống Dương văn Minh đứng lên và nói: "Trước đây các ông đã có mặt trong cuộc chiến đúng lúc chúng tôi đang cần, hôm nay các ông lại đến với chúng tôi đúng vào lúc chúng tôi đang là người chiến bại và đang gặp những điều đại bất hạnh. Chúng tôi rất cám ơn các ông. Dưới con mắt của chúng tôi, các ông thật sự là nước Pháp, là quốc gia mà chúng tôi đang mong đợi. Chúng tôi đã có thử nói chuyện với họ, để giải quyết việc nội bộ giữa người Việt và người Việt với nhau, nhưng họ đã từ chối. Chúng tôi chỉ còn cách là phải đầu hàng thôi. Tuy nhiên, chúng tôi xin nhờ ông chuyển đến Tổng Thống của Cộng Hòa Pháp lời chúc cuối cùng, của chánh phủ cuối cùng của nước Việt Nam Tự Do. Chúng tôi mong mỏi nước Pháp sẽ mở rộng tay đón nhận những người Việt Nam, những người cùng có một nền văn hóa, một tinh thần, và một lý tưởng như người Pháp..."
Sau đó họ bắt tay nhau, buồn bã, rã rời, nét mặt bồn chồn lo âu. Họ uể oải đứng dậy, đi đến Dinh Độc Lập... tự nộp mình cho kẻ chiến thắng mặc cho họ muốn làm gì thì làm....Khi bộ đội Bắc Việt tiến vào dinh Độc Lập, tướng Minh nói với người chỉ huy:
- "Chúng tôi chờ các ông để trao cho các ông chánh quyền."
Tức khắc, người đó trả lời ngay, thẳng thừng:
- "Chúng tôi đã có chánh quyền từ lâu rồi, còn các ông hả, các ông đâu còn chánh quyền nữa đâu mà bàn với giao...."
Trong lúc đó thì tại Hà Nội người ta mừng rỡ tuyên bố:- "Một cơ hội như vậy hả, chúng ta không thể bỏ qua được! Ngàn năm một thuở không khi nào gặp được cơ hội như thế!"

KHÔNG!
NHẤT ĐỊNH SÀI GÒN KHÔNG PHẢI "ĐƯỢC GIẢI PHÓNG"
Các chiến xa Nga tiến vào Sài Gòn, một thành phố vui vẻ, sống động, lúc nào cũng nhộn nhịp và ồn ào với những tiếng xe du lịch lẫn xe mô tô..... Khi những trận chiến vô vọng vừa "bị chấm dứt" là các sự đi lại bắt đầu tấp nập bình thường ngay, như chẳng có việc gì xảy ra.Các toán tuần tiểu của Việt Cộng, những người nhỏ thó bé nhỏ trong bộ quân phục rộng phùng phình màu xanh lá cây, đầu đội nón lá, một mảnh vải đỏ cột quanh bắp tay, chân mang dép râu làm bằng lốp xe cũ, đang nhè nhẹ bước đi, thận trọng tiến từ góc đường nầy sang góc đường khác, dừng lại ở mỗi ngả tư đường, hơi khó chịu trước những cặp mắt lạnh lùng và khi dễ của khách bộ hành đang tản bộ bị bắt buộc phải bước chậm lại tránh xe Honda (vì các xe nầy không bao giờ ngừng xe lại để tránh khách đi đường) chớ không phải để tránh tiếng súng vốn đã chấm dứt hẳn từ lâu rồi.
Bộ đội Bắc Việt thì từ trên xe cam nhông Molotova, tự vỗ tay để dân chúng vỗ tay theo, đúng y kiểu cộng sản, nhưng những cô gái đẹp trên đại lộ Tự Do (Catinat) lờ đi, không buồn đáp ứng... Một nỗi buồn vô tận được in đậm nét trên gương mặt của mọi người dân, vì Sài Gòn không còn nữa, Sài Gòn không còn là Sài Gòn đẹp, Sài Gòn vui nhộn nữa rồi......

Cũng đúng Sài Gòn là một rừng cờ thật đấy! Như một ngày lễ 14 tháng 7 thật sự vậy. Nhưng dĩ nhiên không có bóng một lá cờ nào của chế độ cũ, đó là một sự cẩn thận bắt buộc. Tuy nhiên người ta vẫn thấy nhiều lá cờ Pháp, cờ thật lớn, mà những người Pháp còn kẹt lại hay những người có quốc tịch Pháp cố ý treo lên trước cổng rào, hy vọng có được một sự bảo đãm an toàn nào đó.

Người ta bận rộn suốt cả đêm, người ta đem ra những lá cờ hai màu xanh đỏ có ngôi sao vàng ở giữa của Việt Cộng, mãi đến hai ngày sau cờ đỏ sao vàng của Bắc Việt mới thấy xuất hiện. Và sau đó thì có lệnh của Ban Quân Quản Sài Gòn cấm treo cờ ngoại quốc, do đó cờ tam tài của nước Pháp không còn thấy phất phơ trong thành phố nữa.

Một vài xe Molotova đầy nghẹt "bộ đội", một vài chiến xa còn được cố ý cho ngụy trang để làm dáng với một vài cành lá xác xơ héo vàng cốt để nhắc cho người ta đừng quên đó là "xe tăng" của kẻ chiến thắng, được cho chạy rảo trên các đường phố.

Đêm xuống... thay cho pháo bông mừng chiến thắng, người ta chỉ thấy được những vùng sáng rực của một vài kho đạn bị cho nổ đâu đó, và những tiếng nổ lớn trong các ngọn lửa đang bốc lên từ vài chiếc tàu chiến còn sót lại ở khu vực Bộ Tư Lệnh Hải Quân mà các thủy thủ đoàn không quên đốt bỏ trước khi hạ súng đầu hàng.

Buổi trưa, tại phòng ăn của khách sạn, người ta vẫn còn dọn cho khách ăn như thường lệ, và một người bồi bàn đã đưa tay chỉ qua cửa kính, vừa cho các khách ăn trưa chú ý vừa reo to:

- "Kìa, bọn Việt Cộng kìa".

Anh ta nói rõ là "Việt Cộng" chớ không nói là "quân giải phóng". Một người khác vừa cúi xuống dọn ăn cho khách vừa nói khẻ bên tai:
- "Chúng nó toàn là người Bắc! Người ta sẽ không chấp nhận chúng đâu, toàn là bọn người man rợ!"
Và người ta nhắc lại nhận xét xa xưa của người dân Miền Nam: dân miền Bắc nhỏ con, có lẽ vì thiếu ăn, họ thấp hơn người dân miền Nam khoảng 20 phân. Thật vậy, đó là một loại người "Phổ" của Việt Nam, cũng giống như người Đức lúc mới bước chân vào nước Pháp vậy.
Ngày hôm sau, người bạn trẻ gác thang máy cũng có nhận xét theo nhãn quan mơ mộng của anh, giọng buồn buồn:
- "Bây giờ thì "bùm bùm" là để cho người khác! Đối với chúng tôi thì chiến tranh đã chấm dứt rồi, nhưng luôn luôn giống như còn chiến tranh vậy!

Họ cũng vậy thôi, những công chức, cán bộ, thợ thầy và công nhân thuộc mọi loại hãng xưởng, và dân chúng... họ đều "bị gọi" phải đến họp mít tinh ngày mai, một cuộc họp "bất thần", để kỷ niệm ngày lễ lao động 1/5 và mừng "ngày giải phóng Sài Gòn".

Trên bãi cỏ trước dinh Độc Lập, họ được nghe tướng chỉ huy ban quân quản Sài Gòn - Gia Định hô hào cổ võ. Họ bắt buộc phải để lộ bộ mặt vui vẻ và hoan nghênh đúng mức. Sau đó họ phải diễn hành, tay phải phất cờ Bắc Việt và cờ Việt Cộng, cờ giấy dĩ nhiên... Vẻ mặt buồn đau tủi nhục của một số lớn được che dấu rất kỹ và họ cũng không cần phải tiết lộ điều gì, hay đúng hơn là không dám nhỏ to với bất cứ ai dù là trong chỗ riêng tư thầm kín.
Không, Sài Gòn không phải đã "được giải phóng"!
Không, Sài Gòn cũng không phải đã "tự giải phóng"

Tuyên truyền là một điều rất cần thiết cho tinh thần của quân đội xăm lăng Bắc Việt, họ hết sức ngơ ngác, ngỡ ngàng trước sự trù phú của thành phố Sài Gòn, vì họ vẫn đinh ninh như Bác và đãng đã khẳng định rằng họ vào Nam để giải phóng đồng bào của họ khỏi sự nghèo đói và nô lệ. Sự thật không phải như vậy ! Nhưng rồi tuyên truyền cũng rất cần thiết để "giáo hóa" người dân Miền Nam lúc nào cũng ương ngạnh và "phản động".
Con cá đã ở trong nước rồi, nhưng là nước "lạnh" và nó phải hiểu như vậy.
Một trong những nhà báo có mặt tại Sài Gòn lúc đó, anh Lartéguy, một người mà ai cũng biết là rất vô tư, đã nói một câu nhận xét thẳng thừng:
-"Cộng sản Miền Bắc đã chiếm thành phố Sài Gòn, "chiếm" chớ không phải "giải phóng". Đây là một chiến thắng lớn về mặt quân sự, nhưng cũng là một chiến bại to về mặt tâm lý."

Muộn rồi! Đã muộn quá rồi! Dân chúng Sài Gòn đã từng không chịu nhận ách nô lệ lên cổ, đang khóc cho những chiến binh xấu số của họ...

Không có nhận xét nào: