Chương 3
Trại Tù Hàm Tân
Trại Tù Hàm Tân
Phần 2: Âm Mưu Trốn Trại
Cán bộ đội 45 là anh Nguyễn Bảy, còn rất trẻ; chắc chỉ độ 20, 21 tuối. Anh Bảy người Nghệ An, nhỏ con; hay nhăn nhó lầu bầu nhưng không có vẻ hung ác gian xảo như tên trực trại Tống Đăng Cứ và cán bộ an ninh Tý.
Tống Đăng Cứ cao lớn, nhanh nhẹn, thái độ tự đắc của một kẻ có quyền sinh sát với tù nhân. Anh thường mang đôi kính dâm và phóng xe Honda 67 như bay trong sân trại. Tù nhân nào bị Cứ gọi làm việc thì không tránh khỏi những án phạt cùm trong nhà kỷ luật. Bên cạnh hung thần Cứ, cán bộ trực trại Mai có vẻ hiền hơn, ăn nói nhỏ nhẹ và chịu khó nghe mà không có những phản ứng quá lố. Trong các cán bộ Giáo dục của Z30-C, chỉ có một anh Chuẩn Úy Thường là có vẻ có trình độ, lý luận tương đối vững chắc và có sức thuyết phục. Còn ngoài ra toàn là những con vẹt, lập đi lập lại những điều khoác lác mà chúng tôi thường nghe ở bất cứ trại nào. Đại loại những chuyện “máy bay chiến đấu của ta bay lên, đậu trên mây, tắt máy để phục kích máy bay Mỹ”, hoặc “một du kích ở Nghệ An bắn một phát súng trường xuyên táo 5 máy bay Mỹ một lúc”, hoặc “mỏ dầu của ta lớn bằng con voi trong khi mỏ dầu Ả Rập chỉ bằng con tem.”… Những chuyện động trời mà nếu không chính tai mình nghe, thì không ai dám tin rằng trên đời lại có loại người ngu dốt và khoác lác đến thế.
Hôm đó, đội đang đào một ao cá phía hông căn nhà ban chỉ huy. Ao đã đào sâu được hơn một mét. Nước từ các mạch ngầm đã ứa ra làm đất nhão nhẹt. Tôi lãnh phần xúc đất đổ vào ky đan bằng tre do hai anh để sẵn trên bờ. Cán bộ Bảy từ căn nhà lô bước ra đứng ngay chỗ ky đất để quan sát đội làm việc. Tôi xúc một xẻng đất ướt sũng nước, vung tay, lật úp xẻng, đập một phát thật mạnh vào cái ky. Đất bùn bị đập mạnh, văng tung toé, bắn vào người Bảy. Có những cục bùn văng vào mặt anh ta, và điểm lấm tấm trên bộ đồng phục ka ki vàng. Bảy nổi cơn thịnh nộ, kêu tôi vào nhà lô để lập biên bản.
- Anh cố tình xúc phạm bộ cảnh phục, là đại diện của đảng và nhà nước
- Thưa cán bộ, tôi đâu biết cán bộ ra đứng ngay đó. Trời đang nắng chang chang, tôi xúc đất mệt mờ cả hai mắt nên không thấy cán bộ. Vả lại, tôi thì đứng dưới hố, cán bộ thì trên bờ, làm sao tôi thấy được.
- Anh cố tình. Anh coi thường cán bộ.
- Tôi đâu dám, cán bộ!
Bảy cho gọi anh Hoà, đội trưởng, vào và ép anh Hoà ký biên bản. Anh Hoà có vẻ lưỡng lự. Tôi bồi thêm:
- Anh Hoà, anh đứng xa, anh đâu có biết sự việc xảy ra như thế nào mà anh ký biên bản!
Hoà xuống nước năn nỉ
- Thưa cán bộ, chắc anh Phúc vô tình thôi. Xin cán bộ bỏ qua.
Đôi co một hồi, cán bộ Bảy hậm hực bảo anh Hoà cho đội thu xếp dụng cụ và dẫn về trại.
Chưa đầy tháng sau, cũng tại hiện trường lao động này đã xảy ra một vụ trốn trại thần sầu của ba anh Mai Bá Trác, Nguyễn Tường Tuấn và Dương Thu Sơn[1].
Đại úy Mai Bá Trác, dân Lực Lượng Đặc Biệt, lúc đó là chồng của ca sĩ Khánh Ly, cùng hai anh Tuấn và Sơn đã lẻn đi ngay trước mắt anh em đội 45 ngay giữa hai lần điểm danh mà cán bộ Bảy và anh Hoà không hay biết. Từ chỗ đào ao, nếu có đủ bản lãnh để bước vài buớc qua bên sau nhà lô, là đã có thể đi thoải mái vào bìa rừng. Trong khoảng mười lăm phút giữa hai lần điểm danh; nếu đi nhanh thì có thể đã lẫn vào rừng mà vệ binh khó thể tìm ra. Vấn đề là đi đâu, trốn được bao lâu trước khi bị bắt lại. Chế độ Cộng Sản kiểm soát gắt gao bằng “hộ khẩu” và tiêu chuẩn luơng thưc, cùng những đe doạ nghiêm trọng làm cho không ai dám chứa chấp người tù trốn trại.
Ba anh bạn chúng ta may mắn được gia đình thu xếp sẵn việc vượt biên; vì thế vừa trốn ra là đi ngay. Dương Thu Sơn hiện ở Úc Đại Lợi.
Sau vụ này, cán bộ Bảy bị khiển trách nặng nề và bị đổi ra làm vệ binh, ngày ngày vác súng dài đi theo gác tù.
Mùa hè ở Hàm Tân đôi khi có sương mù dày đặc. Sương mù bắt đầu từ sáng tinh mơ cho đến giữa trưa mới tan. Lợi dụng sương mù này, hai anh Y Lơng và Sen Tấp ở đội 9 đã trốn trại bằng cách leo qua hai lớp hàng rào tre ngay khi vừa mở cửa các nhà giam để các đội cho người đi lãnh khoai mì ăn sáng trước khi tập họp đi lao động.
Một số anh em đội 45 cũng dự mưu trốn trại nhiều lần. Không rõ ai đã báo cáo, mà tất cả những dự mưu đều bị thất bại. Lần đầu cũng định trốn đi lúc có sương mù, thì đội được lệnh ngồi trong sân chờ hết sương mù mới cho xuất trại. Lần khác dự tính trốn khi được đi tắm ở suối. Thường lệ, mỗi đội chỉ có hai cán bộ võ trang đi theo, và họ đứng trên bờ hay trong các nhà lô. Lần đó, khi ra tới suối, chúng tôi thấy phía bên kia bờ, cứ mười mét là có hai công an võ trang đứng gác.
Chúng tôi biết có ăng ten trong đội. Mà phải là người thân tín lắm. Chúng tôi loại trừ hai anh đội trưởng và đội phó, vì họ không thuộc các nhóm chúng tôi. Còn lại là những người cùng chia xẻ với nhau những ngày đêm trong cùm biệt giam. Toàn những người có thành tích chống đối tích cực.
Nhóm dự mưu trốn trại gồm một số anh em cựu sĩ quan như: Hoà (em Thơm), Dũng (Simonne), Bảy (già), Học, Quy, Kháng (Lucy), Chiến, Thanh[2]… Tôi không thuộc nhóm đó, vì tôi có dự tính riêng của tôi.
Năm 1978 là năm có nhiều tin tức đặc biệt nhất. Trước hết, qua những anh em các đội 27 và 9, chúng tôi nghe đến các nhóm kháng chiến của tàn quân Việt Nam Cộng Hoà đang hoạt động ở địa bàn phía Tây quốc lộ 1. Người ta đồn rằng mỗi buổi chiều ở khu vực Định Quán, La Ngà, kháng chiến quân kéo về sinh hoạt với đồng bào, chơi volley với thanh niên địa phương. Tôi đã âm thầm vẽ một bản đồ chi tiết từ trại Hàm Tân, đi xéo hướng Đông Bắc, cắt sông La Ngà là đã đến chiến khu của phe bạn. Đối với một người lính bộ binh, việc di chuyển và tránh né trong rừng là điều dễ dàng. Tôi cũng may các túi bên trong áo, quần để dấu các túi bột Bích chi, bột đậu xanh và những dụng cụ mưu sinh khác. Người bạn đồng mưu của tôi là một thanh niên quê gốc Bến Cát, Bình Dương. Chú em tên Hoàng, bị bắt vì tội tham gia lực lượng Phục Quốc. Chú thường kể cho tôi biết những đổi thay ở Bến Cát, là địa bàn tôi đóng quân và hành quân những năm 1969-1971. Chuyện cô thợ may Út Trơn chống Cộng mà bị bắt bớ, Chuyện cô hàng vải A Muối hoạt động nội tuyến cho Việt Cộng từ trước 1975, vân vân. Ngày còn ở Sư Đoàn 5 Bộ Binh, chúng tôi thường la cà vào nhà lồng chợ Bến Cát nên có quen biết các cô này.
Tôi đã nhiều ngày dùng than đang cháy khoét một lỗ trên bệ cửa sổ để có thể rút song sắt lên cho vừa một người chui qua. Trên bệ ngụy trang bằng một dãy kệ để các đồ dùng như lon gô hay bình nhựa đựng thức ăn. Việc làm này chỉ có người nằm bên cạnh biết được thôi. Đêm khởi sự, tôi đi ngủ sớm, hẹn người bạn đồng hành sẽ ra đi vào lúc quá nửa đêm.
Khoảng 1, 2 giờ sáng, tôi thức dậy mặc bộ quân phục bộ binh cũ và ngồi trong mùng cầu nguyện. Tôi nhẹ nhàng dẹp hết các lon gô trên kệ và thử rút nhẹ thanh sắt lên một chút. Khi bước qua chỗ nằm của chú Hoàng để đánh thức chú dậy. Chú thều thào:
- Thôi anh ơi, em ngại lắm. Không an toàn đâu anh.
Biết không thể nằn nì, tôi trở lại chỗ mình, ngồi xếp bằng suy nghĩ tính toán.
Bỗng tôi thấy một vệt đèn pin quét qua. Tôi nằm xuống, quay đầu cố quan sát bên ngoài. Hai công an tay cầm súng AK có gắn lưỡi lê trên nòng, tay cầm đèn pin đang đi qua từng cửa sổ rọi đèn kiểm soát. Anh công an dừng lại chỗ tôi và rọi đèn qua lại lâu lắm rồi đi tiếp.
Thấy không ổn, nên tôi vội tháo hết các thứ trên người và nằm hẳn xuống. Nhưng cho đến sáng, tôi chẳng thể nào chợp mắt được.
Chừng 5 giờ sáng, tôi đi vào nhà cầu. Nhón gót nhìn ra phía vườn thuốc nam giữa nhà giam và hàng rào, tôi thấy trong sương mờ, rải rác vài ba anh công an đang ngồi rình. Biết chắc chắn bị bại lộ, tôi trở về chỗ nằm, kéo song sắt về vị trí cũ và đặt lại các lọ, bình trên kệ, chờ sáng.
Sáng hôm sau, giữa lúc đội đang làm việc, cán bộ Cứ ra tận nơi gọi NXD đi làm việc cho đến quá trưa. Sau đó, đội được lệnh về trại.
Bước chân vào nhà, tôi đã thấy lố nhố cán bộ trực trại, an ninh và mấy anh trật tự ngay chỗ nằm của tôi. Đồ đạc bị bới tung lên. Các lon gô, bình nhựa bị vứt la liệt xuống đất. Thanh sắt cửa sổ đã bị kéo lên. NXD bước vào sau đó. Anh nghếch mặt lên, vẻ đắc thắng nói lớn cho nhiều người nghe:
- Còn ai vào đây nữa!
Tôi đã trả giá cho chuyến trốn trại bất thành bằng ba mươi ngày trong nhà kỷ luật.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Dương Thu Sơn, khoá 4 CTCT, hiện ở Úc Châu.
[2] Chúng tôi có gặp các anh trong đêm Hội Ngộ cựu Tù Nhân tại Westminster ngày 9/9/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét