Thứ Tư, tháng 12 17, 2008

Lời Giới Thiệu

của Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng



Cách đây khoảng một tháng, tác giả, cựu tù nhân “Cải Tạo” Đỗ Văn Phúc, ngỏ ý muốn tôi viết lời tựa cho quyển hồi ký đời tù nhan đề Cuối Tầng Địa Ngục. Tôi đón nhận với một chút ngỡ ngàng trộn lẫn cảm giác đồng cảm thật mênh mang.

Ngỡ ngàng vì thực ra tôi chỉ biết tác giả qua một vài bài viết đăng trên Internet, đặc biệt là lời kêu gọi quan tâm đến những cụ tù nhân “cải tạo” vẫn còn kẹt ở Việt Nam. Ngỡ ngàng vì kinh nghiệm mỏng manh của tôi đối với chủ đề của tập sách. Năm 1975, khi miền Nam rơi vào tay cộng sản, tôi chưa đến tuổi động viên, chưa một ngày cầm súng và dĩ nhiên chưa một ngày đi tù. Thế thì lấy tư cách gì để viết lời tựa cho một quyển sách ăm ắp ký ức của 10 năm đầy đoạ trong các trại tù?

Mặt khác, đây cũng lại chính là một đề tài thu hút tôi từ cả chục năm nay, một đề tài mà nói bao nhiêu cũng không đủ, kể bao nhiêu cũng không hết; một đề tài mà đến nay nhiều người vẫn chưa biết đến hay chưa biết rõ; chưa kể những nỗ lực ở bên này và bên kia địa cầu nhằm tẩy xoá nó khỏi lịch sử của nhân loại, như nguời ta cố tẩy đi vết máu loang lổ trên manh vải trắng. Năm 1985, cũng là năm tác giả ra khỏi tù, hai học giả Hoa Kỳ xoá đi huyền thoại mà giới truyền thông thiên tả vẽ vời về cộng sản Việt Nam. Hai vị học giả này, Jacqueline Desbarats và Karl Jackson của Đại Học Berkeley, phủ nhận lập luận nguỵ biện hay giả trá của một số ký giả rằng bộ đội tiếp thu miền Nam lịch thiệp như du khách và không hề có cuộc tắm máu như người ta lo sợ. Qua hàng trăm cuộc phỏng vấn các thuyền nhân đã định cư ở Hoa Kỳ và Pháp, hai học giả này khám phá ra rằng cuộc tắm máu đã và đang âm thầm diễn ra sau bức màn tre của các trại tù cải tạo. Kết quả của cuộc nghiên cứu tạo xao xuyến lớn trong tôi lúc bấy giờ và âm ỉ mãi đến ngày hôm nay. Tôi luôn cảm thấy nhu cầu thôi thúc phải ghi lại những kinh nghiệm tù cải tạo, một giai đoạn u ám nhất của sử Việt cận đại. Chúng ta, những người đã vượt thoát ra với thế giới tự do có nghĩa vụ vén bức màn tre ấy lên để làm bài học cho nhân loại, cho hậu thế đừng tái diễn. Chính sự thôi thúc ấy đã rung lên nhịp đồng cảm sâu đậm nơi tôi với từng chữ, từng câu trong Cuối Tầng Địa Ngục.

Nhưng những con số thống kê, các bài tính xác suất của cuộc nghiên cứu không thể nào mô tả được chiều sâu thăm thẳm của tâm trạng người tù, cứ sâu hoắm thêm trong chuỗi ngày vô tận. Bằng lời lẽ đơn sơ, không văn hoa bóng bảy, tác giả đã mở hé ra cho người đọc thoáng nhìn vào cái thế giới nội tâm u uất đã một thời vây bủa và có lẽ sẽ mãi mãi ám ảnh người tù.

“Tuần lễ đầu tiên sau Tết Bính Thìn (1976), chúng tôi được gặp gia đình sau bảy tháng xa cách. Buổi thăm gặp được giới hạn trong ba mươi phút. Tôi gặp đủ Mẹ, vợ và các con. Cháu bé nhất sinh vào giữa tháng tư 1975 nay bụ bẫm, hồng hào. Khi tôi đưa tay ra bế cháu, cháu đã chồm về phía tôi như có sự thôi thúc của tình máu mủ. Chúng tôi cầm tay nhau mà nghẹn ngào một hồi; chẳng biết nói điều gì trước, điều gì sau…” (Trang 56).

Giây phút đoàn tụ thật ngắn ngủi chắc hẳn ăm ắp mừng tủi, quyến luyến, nhớ nhung. Mân mê những ngón tay chai của vợ, vuốt mái tóc bạc phơ của mẹ, bồng ẵm đứa con thơ trên tay, những điều mà con người bình thường nhiều khi không còn để tâm đến thì lại là cả một trời hạnh phúc cho người tù cải tạo. Phút chia tay chắc hẳn chan chứa những giọt nước mắt, những gởi gắm, bịn rịn. Và người tù đã vội ghi vào ký ức hình ảnh của người mẹ già, cảm giác da thịt của người vợ yêu, mùi thơm của đứa con thơ để dành làm ngọn gió mát trong cơn nắng cháy của ngày lao động, hay để nuôi mộng tái ngộ khi đêm lạnh về trên núi rừng hoang vu.

Chế độ khắc nghiệt đã giết chết cả những giấc mơ nhỏ bé nhất của người tù. Tết năm sau, Đinh Tỵ (1977), tác giả lại được gia đình thăm nuôi, nhưng với một tin sét đánh.

“Sau vài phút trấn an, vợ tôi đã mếu máo kể cho tôi nghe rằng cháu út bị sốt xuất huyết và không bệnh viện nào nhận cháu vì là con của người đang cải tạo, tiêu chuẩn cao nhất là các trạm y tế phường. Cháu qua đời vì không có thuốc men và chữa trị đúng mức.” (Trang 71).

Còn đau đớn nào hơn. Còn bất hạnh nào hơn.

Nhưng ở cuối tầng địa ngục vẫn có những đoá hoa rực rỡ; giữa bùn đen vẫn có những hạt vàng lóng lánh. Tác giả viết về một Nguyễn Thi Ân luôn chia sớt phần ăn cho bất kỳ ai xin hỏi, một Nguyễn Văn Phước sẵn sàng liều mạng nhảy hàng rào xà lim tiếp tế cho các bạn tù… Tác giả cũng viết về một số cán bộ quản trại lớn lên giữa bày lang sói nhưng không đánh mất lương tâm loài người, như “anh Ngà, anh Hoa chẳng bao giờ để cho chúng tôi làm việc quá sức. Các anh hàng ngày chạy ngược chạy xuôi kiếm cho chúng tôi giỏ khoai lang, nồi rau muống. Họ muốn trò chuyện và học hỏi nơi chúng tôi.”

Trên bức tranh vân cẩu, tác giả không quên điểm tô dăm nét chấm phá khôi hài, như khi kể về tượng bán thân của “Bác Hồ” ngày nào không thuốc rê cắm vào trên miệng thì cũng có cục đàm trét trên má hay sợi lông xoắn phất phơ trên đầu; đến nỗi cán bộ phải mếu máo: “Bác Hồ là người ai cũng yêu quý, kính trọng… Thế mà có anh lại dám bứt lông dái bỏ lên đầu Bác.” (trang 78) Và cũng có những mẩu chuyện cười ra nước mắt, như khi chính tác giả đang lén nấu nước bằng chiếc lon guigoz thì bị cán bộ bất thần khám xét, bèn vội ngồi lên che “lò” giả bộ đang đánh cờ tướng và cứ thấp thỏm sợ cháy quần, cháy cả mông.

Rải rác khắp quyển sách là những cảnh tra tấn, nhốt conex, còng chân, bỏ đói, bỏ khát, đánh đập, cấm thăm nuôi, lao động khổ sai, doạ bắn, hạ nhục… Thực ra tôi đã biết khá rõ về các hình thức tra tấn dùng trong tù cải tạo của cộng sản Việt Nam qua các tài liệu nghiện cứu của Bác Sĩ Richard Mollica và các cộng sự viên ở Đại Học Harvard. Đây là nhóm bác sĩ đầu tiên, và có thể độc nhất trên thế giới, đã để tâm chữa trị những vết thương tâm hồn cho cựu tù cải tạo Việt Nam. Họ tỉ mỉ phân loại 29 hình thức tra tấn cùng với mức độ thông dụng của chúng, và phân tích cũng như đo lường hậu quả lâu dài để lại nơi nạn nhân. Mục đích hiểm độc của các hình thức tra tấn là vừa bầm dập thể xác vừa đục khoét tâm hồn.

Người đọc không khỏi cảm thấy bùi ngùi, xót xa cho những người tù nằm xuống không thân nhân thăm viếng, không kèn trống tiễn đưa, không mộ bia, hương khói; cho những người tù bị cán bộ bóp cổ chết, bị xử bắn trong trại, bị hạ sát trên đường đào thoát, hay chết vì khát, vì kiệt sức. Như hai nhà học giả Desbarats và Jackson từng khẳng định sau nhiều năm nghiên cứu, cuộc tắm máu âm thầm đã xẩy ra. Cộng đồng người Việt ở các vùng trời tự do có nghĩa vụ ghi lại tất cả những cái chết trong trại tù cải tạo, như một sự tưởng nhớ đối với người quá cố và tri ân đến những thân nhân còn sống. Những cái chết oan nghiệt ấy chắc chắn đã để lại những vết hằn không thể nào phai cho người thân còn sống, với rất nhiều câu hỏi mà không có câu trả lời.

Và người đọc cũng không khỏi phấn chấn trước tinh thần bất khuất của đại đa số tù nhân cải tạo, như Hạ sĩ Đèn dám tuyên bố “ngày nào còn Cộng Sản, tôi còn chống” và phanh ngực ra thách thức cán bộ bắn, như Quách Dược Thanh từ chối không hãm hại đồng đội để đổi lấy mạng sống, như hàng trăm người tù lãng công và tuyệt thực để phản đối cán bộ đánh trọng thương hai người bạn tù. “Họ là những con đại bàng dù sa cơ vẫn không để bị lẫn lộn trong đám gà qué.” Trong quyển sách mới xuất bản, nhan đề Chữa Lành Các Vết Thương Vô Hình (Healing Invisible Wounds), Bác Sĩ Mollica của Đại Học Harvard nhắc nhở rất nhiều đến nghị lực của những tù cải tạo Việt Nam, mà ông xem là những bậc thầy về lòng dũng cảm, về ý chí sống thoát, và về khả năng hồi phục. Theo Ông, có ba yếu tố ảnh hưởng rất lớn: lòng vị tha, lý tưởng, và tinh thần xốc vác. Những mẩu chuyện tự thuật và về các bạn tù xuyên suốt quyển Cuối Tầng Địa Ngục đã minh chứng điều này.

Sau khi đọc xong bản thảo, tôi gọi điện thoại nói chuyện với tác giả--lần đầu tiên nói chuyện với nhau. Tôi kể về sự đồng cảm sâu sắc và nhận xét về văn phong đơn giản, trong sáng, và thăng bằng đến lạ. Không thấy hận thù, nguyền rủa mà chỉ thấy một cố gắng lớn để ghi lại trung thực sự kiện và cảm nghĩ. Tác giả đã bỏ ra 15 năm để viết. Tôi đoán tác giả đã nhiều lần, rất nhiều lần, duyệt đi duyệt lại để gạn lọc những lời lẽ thái quá, hay điều chỉnh những thiên kiến. Kết quả là một cố gắng dựng lại toàn cảnh của xã hội trại tù, với đầy đủ ác và thiện, ti tiện và hướng thượng, hèn yếu và dũng cảm, bóng tối và ánh sáng; đủ các mầu sắc của cầu vồng. Tôi nói với tác giả rằng sự thăng bằng ấy đã nâng tính chất sử liệu của quyển sách. Tôi đề nghị tác giả viết thêm, đào sâu hơn; cả viết hộ cho những người không quen viết, để từ từ xây dựng một tủ sách về các trại tù cải tạo--đúng hơn, một bảo tàng viện về các trại tù cải tạo, như người Do Thái có bảo tàng viện về cuộc thảm sát bởi Đức Quốc Xã (Holocaust Museum). “Chỉ mươi năm nữa chúng ta sẽ cạn kiệt nhân chứng sống”, tôi chia sẻ với tác giả.

Điều tôi không nói ra là nỗi ái ngại cho chính tác giả. Tôi hình dung Cựu Tù Nhân “Cải Tạo” Đỗ Văn Phúc, mỗi lần đặt bút là mỗi lần ôn lại những đau đớn, dày vò, mất mát. Không biết mỗi khi đọc lại đoạn viết về người con út chết vì thiếu thuốc men, hay những ngày tháng biệt giam trong conex, hay cảnh bơ vơ của người vợ trẻ, hay những cái chết tức tưởi của bạn bè… tác giả nghĩ sao, cảm giác thế nào? Hãy hình dung một người phải xem đi xem lại cuốn phim không bao giơ dứt về những khổ đau, bất hạnh của đời mình; liệu người ấy sẽ đối phó, ứng xử ra sao khi cơn xúc động dâng trào? Câu trả lời nằm ngoài sức tưởng tượng của phần lớn chúng ta mà thuộc về thế giới tâm linh ẩn kín và riêng tư của người trong cảnh. Nhưng có một điều tôi biết: khả năng đàn hồi của những cựu tù nhân cải tạo Việt Nam thật phi thường. Một chuyên gia tâm lý người Mỹ dày kinh nghiệm về các trại giam của Đức Quốc Xã và các xứ Nam Mỹ có lần nhận xét với tôi rằng ông ta chưa hề gặp nhóm tù nhân nào lại chịu sự tra tấn liên tục và kéo dài như tù cải tạo Việt Nam; và ông ta rất ngạc nhiên về khả năng chịu đựng, sống thoát và hồi phục của họ.

Trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến, tôi tìm đọc quyển Một Ngày Trong Đời Của Ivan Denisovitch của văn hào Alexander Solzhenitsyn, để chuẩn bị tinh thần nhỡ phải sống dưới chế độ cộng sản sắp phủ chụp lên miền Nam. Nếu so sánh, thì Gulag của Nga là ngưỡng cửa bước vào địa ngục, còn trại tù cải tạo của cộng sản Việt Nam nằm ở tầng cuối.

“Nếu có một địa ngục như lời các tôn giáo thường răn đe, thì chắc hẳn địa ngục đó cũng không sánh được với cái địa ngục mà Cộng sản đã dành cho người quốc gia và những ai không theo chúng.” (Trang 198)

Thế giới cần biết điều này, cho bây giờ và cho mai sau.



Nguyễn Đình Thắng
Virginia, Ngày Mùng Ba Tết Năm Mậu Tý

Không có nhận xét nào: