Chương 3
Trại Tù Hàm Tân
Trại Tù Hàm Tân
Phần 3: Ngoại Xâm và Nội Thù, Anh Bênh Ai?
Cùng với tin đồn Mỹ sẽ rước anh em tù cải tạo, tin phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến thăm trại loan đi rất nhanh. Anh Trần Công Linh[1] là người sốt sắng nhất trong vụ loan các tin tức. Tôi bìết anh Linh từ ngày mới vào lớp đệ thất trung học. Anh học trên tôi hai ba lớp, là mẫu người lý tưởng của chúng tôi thời đó. Anh cao, giọng nói sang sảng, có tài đóng kịch, chơi bóng chuyền giỏi. Trước 75, anh phục vụ ở Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân, phụ trách Hướng Đạo Quân Đội.
Gặp nhau trong tù sau hàng chục năm, anh vẫn thế. Nhưng hình như sau lần bị tai nạn xe hơi với vết thương đầu trầm trọng, anh có vẻ khủng hoảng thần kinh. Anh khoe với tôi rằng anh là Tư lệnh Sư đoàn Bạch Mã. Trong đêm xảy ra vụ nổ kho đạn Long Khánh (cuối năm 1975), sư đoàn do anh chỉ huy “nằm phục kích dưới các ống cống thủ đô Sài Gòn chờ lệnh tổng khởi nghĩa” (sic!) Thấy tôi cười tỏ vẻ không tin, anh nạt:
- Không biết ta nói cho nghe. Mi mà còn ở ngoài, theo kháng chiến, cũng làm tới Đại tá là ít!
Sống trong hoàn cảnh mong mỏi hàng năm dài, ai ai cũng muốn nghe những tin thật lạc quan về cuộc kháng chiến của Phục quốc quân. Vì thế, các tù nhân trẻ thường mời Trần Công Linh đến nói chuyện. Anh như một sứ giả đem lại niềm tin và hy vọng cho anh em tù nhân đã quá khát khao.
Ban Chỉ Huy trại và chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo cho chuyến viếng thăm của phái đoàn Liên Hiệp Quốc theo hai chiều hướng đối nghịch. Phần trại, thì ra lệnh làm vệ sinh trại thật kỹ lưỡng, và đưa các đội “phản động” đi thật xa để không thể tiếp xúc với phái đoàn. Bệnh xá được chỉnh trang lại. Giường bệnh có kê thêm tấm khăn trải giường màu trắng. Trên bàn bệnh nhân có chai nuớc lọc, hộp sữa, ly chén sạch bóng.
Phần chúng tôi, biết không thể gặp được phái đoàn, tôi đã thảo một bản văn bằng Anh ngữ dài hai trang kể hết tình cảnh sinh hoạt, điều kiện sống, sự đối xử đầy áp bức của chính quyền để kêu gọi quốc tế can thiệp.
Tôi lẻn đến bệnh xá giao lá đơn cho anh Nguyễn Pháp (khoá 3 Đại học Chiến Tranh Chính Trị)[2]. Anh Pháp là người can đảm và nhiệt tình. Tuy bị bệnh nội thương trầm trọng, nếu bị phát giác có thể bị cùm kẹp, nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, anh cũng có hy vọng về trong các đợt sắp tới. Nhưng anh đã sốt sắng nhận lời tôi để tìm cách trao cho phái đoàn Liên Hiệp Quốc nếu họ vào thăm bệnh xá.
Rốt cuộc, mọi sự chuẩn bị trở thành vô ích. Phái đoàn đã không thấy tới thăm trại.
Mỗi lần đến ngày lễ lớn của Việt Nam Cộng Hoà, chúng tôi luôn luôn có những hoạt động rất ngoạn mục. Đêm 19 tháng 6 năm 1978, trong không khí thanh vắng của toàn trại đang chìm vào giấc ngủ say, bỗng có tiếng cất lên dõng dạc từ dãy sàn ngủ đối diện của tôi:
- Nhân kỷ niệm ngày Quân Lực, tôi cầu nguyện cho đất nước sớm hết đau thương, nhân dân Việt Nam được tự do hạnh phúc, thoát khỏi gông cùm Cộng Sản.
Báo hại cả nhà phải bị đánh thức bởi hàng chục công an đang rầm rập chạy vào. Chúng bắt đi anh Nguyễn Ngọc Đạt, nguyên là một Đại đức Phật giáo. Thầy Đạt là người dị tật – hai bàn chân thầy, mỗi bàn có 6 ngón - lại có một tính khí bất khuất vô úy. Có lần thầy ngồi đọc kinh trong mùng. Tên công an đi tuần thấy vậy, hỏi:
- Mày nàm gì giờ lày không ngủ?
- Tao làm gì kệ tao.
- Á! Anh lày dám hỗn, xưng với cán bộ bằng mày tao.
- Thì cán bộ gọi tui bằng mày trước, vi phạm chính sách.
Tôi cũng đôi lần thả truyền đơn trong sân trại. Truyền đơn vẽ trên giấy học trò xé làm tư. Các tranh thường là hình ảnh người lính Cộng Hoà, ảnh Hồ Chí Minh với đôi răng nanh sắc bén, hình đồng bào đang kéo cày thay trâu, hình đảng viên Cộng Sảnto béo ngồi trên xe do những đồng bào gầy đói kéo đi sắp sa xuống vực sâu.
Thả truyền đơn cũng dễ dàng thôi. Buổi sáng, khi các nhà mới mở cửa cho trực viên đi lấy thức ăn sáng, tôi lững thững đi một vòng xuống bệnh xá rồi trở về. Đến chỗ bất ngờ nhất, ít ai chú ý thì vứt nguyên một nắm truyền đơn xuống. Vài lần trại đã đuổi hết các đội vào nhà, khoá lại để truy tìm ra người rải truyền đơn, nhưng vô hiệu quả. Một lần, khi đội chúng tôi từ suối kéo về cổng trại, tôi đi sau cùng với Mai Huy Thạc[3]. Chúng tôi lách qua hàng ngũ một đội khác. Thạc quan sát phía sau cho tôi thả truyền đơn. Nắm giấy vừa rơi xuống, tôi vội vàng lách người về phía đội mình thì bỗng nghe tiếng anh Phang Gi On kêu lại
- Anh Phúc, anh làm rớt giấy tờ gì kìa!
Thạc hốt hoảng vơ vội tất cả những tấm giấy nhỏ rồi chạy theo tôi. Hoá ra Phang Gi On, vì lề mề, nên bị rớt lại đàng sau. Anh đã theo sau chúng tôi mà chúng tôi không hay biết.
Anh Phang Gi On cũng là một hiện tượng đặc biệt. Cho đến sau này, chúng tôi hoàn toàn không rõ là anh khùng thật hay giả khùng. Anh người gốc Hoa, tên Hán Việt là Phương Nghĩa An. Anh dạy Anh Ngữ tại trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, trí tuệ thông thái, tính tình hoà nhã, hiền lành. Nhưng anh thường phát ngôn rất bừa bãi và nguy hiểm. Anh có lần báo cáo với cán bộ là anh thấy một anh tù đưa gái vào làm tình ngay trong nhà giam, có lần anh báo cáo có nguyên một đám tù trốn trại. Toàn là những chuyện do anh tưởng tượng ra. Trong những lần sinh hoạt, anh nói năng lung tung như người mất trí. Vì thế, ngay cán bộ an ninh trại cũng chẳng quan tâm đến những điều anh nói.
Khoảng năm 1977, khi còn ở trại Suối Máu chúng tôi đã đọc nhiều tin tức về mối tình “Hữu nghị keo sơn gắn bó của hai đồng chí Việt Hoa” đã chuyển qua giai đoạn chua chát đi đến hận thù. Báo Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản – đã dùng những nhóm chữ rất xấc láo để gọi nhà cấm quyền Trung Cộng như: bè lũ bốn tên, bọn bành trướng bá quyền… Trong một bài viết đăng trên báo Nhân Dân, một nữ đảng viên cao cấp trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản đã chua chát viết: “Hồi đó (năm 1949, khi Trung Cộng chiếm Hoa Lục), tin vui thắng lợi của bạn đến trên khắp các chiến hào. Chúng ta đã reo mừng đến chảy nước mắt…. Tại sao giờ đây họ trở mắt? Nghĩ lại, hoá ra ngày đó mình quá ngây thơ để tin tưởng vào tình đồng chí thắm thiết xã hội chủ nghĩa!...”
Thực ra thì chẳng biết nên kết án ai trở mặt với ai! Trong chiến tranh, Trung Cộng đã chi viện gần như hoàn toàn cho các nhu cầu của Việt Cộng. Từ quân viện, vũ khí súng đạn, xe tăng máy bay, hoả tiễn… cho đến lương thực, quân trang… không những cho quân đội, mà cho cả hơn chục triệu dân miền Bắc. Kinh tế miền Bắc đã không sản xuất ra được thứ gì, mà phải hoàn toàn lệ thuộc quan thầy Trung Cộng. Khi hoà bình, chiếm được miền Nam, chính đám Cộng Sản Bắc Việt, đứng đầu là Lê Duẩn, đã quay lưng lại với Trung Cộng mà chạy bám theo Liên Bang Sô Viết. Thêm vào đó, việc Việt Cộng đánh Khmer Đỏ và chiếm đóng Kampuchea vừa bị thế giới lên án, vừa gây thêm thù với Trung Cộng vì Pol Pot, Ieng Sari vốn là đệ tử của Trung Nam Hải. Vì thế, hậu quả tất yếu là một sự trả thù của Trung Cộng đã nổ ra vào đầu năm 1979.
Một buổi tối khoảng tháng Hai, chương trình phát thanh thường lệ của đài Tiếng Nói Việt Nam phát đi từ Hà Nội bổng ngưng lại và bắt đầu phát đi những bản hành khúc. Rồi đột ngột, từ những chiếc loa ở các góc trại, chúng tôi nghe tiếng thất thanh của cô xướng ngôn viên
- Quân Trung Quốc đã đánh vào các tỉnh biên giới Việt Trung…
Tức thì trong trại vang lên những tiếng ồ vừa ngạc nhiên vừa khoái trá. Lòng căm hận đối với chế độ Cộng Sản đã lên cao đến mức mà những con dân Việt Nam đã tỏ ra khích động, mừng rỡ khi thấy nổ ra cuộc chiến giữa hai nuớc anh em đồng chí vốn “núi liền núi, sông liền sông. Tình hữu nghị sáng như rạng đông![4]”.
Chúng tôi nghĩ lại, buồn cho thân phận mình, những người Việt Nam bị vong thân ngay trên quê hương, phải coi kẻ thù đồng chủng là nguy hiểm hơn kẻ thù ngoại chủng. Thật là oái oăm mà chỉ những ai ở trong hoàn cảnh mới thông cảm được.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Trần Công Linh hiện ở Đức Quốc
[2] Nguyễn Pháp nay ở San Jose, California
[3] Mai Huy Thạc hiện ở Pasadena (Texas).
[4] Một đoạn trong bài ca Tình Hữu Nghị Việt Trung của Cộng Sản Bắc Việt từ thập niên 1950 thường nghe ra rả trên Đài Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét