Phần 5: Một Phát Giác Động Trời: Từ ba năm đến cải tạo lâu dài.
Trong khuôn viên trại 2 có nhiều dãy nhà kho tiền chế khung sắt, mái và vách bằng hợp kim nhôm. Những tấm nhôm bề ngang 1.2 mét, cao 2.4 mét, uốn sóng vuông rất chắc chắn. Chúng được gắn vào khung bằng hàng ngàn con ốc thép không gỉ. Khung các cửa sổ toàn bằng nhôm cứng. Những dãy nhà này truớc đây có hệ thống máy lạnh nhưng máy đã bị tháo gỡ, chỉ còn lại các ống chuyền hơi. Giá mỗi nhà nghe đâu lên đến hàng chục ngàn đô la. Sau vụ nổ, một số bị hư hại.
Một hôm, các đội được gọi đi lãnh các cây cọc sắt ấp chiến lược và được lệnh tháo gỡ những căn nhà đó bằng một cách rất bán khai. Chúng tôi đứng quanh căn nhà, dùng cây sắt phang mạnh vào các nơi có các con ốc thép cho đến khi tấm tôn bị rách và bung ra. Thì ra những anh bộ đội miền Bắc chưa hề biết đến con ốc và những chìa khoá để vặn ốc. Sau mấy ngày đem sức người ra cật lực làm việc, vùa phồng tay, vừa rách chân, hàng trăm tấm tôn đã được tháo ra khỏi khung nhà. Chúng tôi chất thành những đống cao nghệu những tấm tôn rách nát, vặn vẹo. Không có lấy một tấm nào còn nguyên vẹn. Một số anh, chắc có cái nhìn xa, đã nhanh chóng tháo gỡ những thanh nhôm cửa sổ đem về dấu trong phòng. Qua hôm sau, anh đội trưởng đi họp trên Ban Chỉ Huy về (họ gọi là giao ban) tập họp một nhóm các anh khéo tay và biết qua về việc gò rèn. Anh nói:
- Trại muốn các anh làm ra các thùng gánh nuớc, gàu nước, thùng tưới từ các tấm nhôm đó.
Trong cả hàng trăm tấm nhôm ngổn ngang, các anh chỉ tìm ra được khoảng vài chục tấm là còn tương đối xài được.
Anh Lê Thế Sự, cán bộ đội đã tỉ tê với anh X.:
- Tôi ước chi có một cái hòm, anh có thể làm cho tôi không?
X. trợn trừng mắt ngạc nhiên:
- Anh muốn cái hòm? Để chôn ai?
Người miền Nam khi nói đến cái hòm là nghĩ đến cái quan tài chôn người chết. Trong khi anh Sự muốn nói đến cái rương, hay cái va li đựng áo quần. Thế là chỉ vài ngày sau, cái hòm anh Sự hoàn tất. Coi cũng khéo, các góc cạnh vuông vức; có bản lề, có hai khoá móc hai bên, có quai xách đàng hoàng. Từ đó về sau, các anh bộ đội khác cũng bắt đầu kéo đến, ỉ ôi năn nỉ để nhờ làm hòm đem về Bắc. Anh nào cũng xuýt xoa khen:
- Gớm, các anh khéo tay ghê!
Cả đời họ sống ở Bắc, chưa bao giờ có được một thứ tài sản sang trọng như thế. Vì thế họ tỏ ra rất trân trọng, biết ơn. Và món quà trả ơn thường là dấm dúi cho các anh thợ những gói thuốc lá thơm hiệu Tam Đảo, Điện Biên.
Tôi bắt đầu gia nhập nhóm làm lược, kẹp từ các thanh nhôm gỡ ra ở khung cửa sổ. Những thanh nhôm này mỏng chừng hai li, có độ cứng vừa phải nên dễ cưa và khắc chữ, chạm hình. Một anh tạo mẩu cắt ra theo hình chiếc lược đàn bà có tay cầm đủ kiểu. Một anh khác cưa các răng lược sao cho thật đều nhau, sau đó là dũa cho mịn các góc cạnh rồi mài hai mặt với giấy nhám nước. Tôi phụ trách phần áp chót là vẽ những hình ảnh theo đơn đặt hàng rồi dùng những chiếc đinh nhọn đã mài thành mũi dùi để chạm hình hay viết chữ. Công việc này chúng tôi gọi là “xủi”. Hình thường là những hoa văn trang trí, hay các thiếu nữ, hoặc hoa cúc, hoa hồng… Tôi có khả năng khắc lên những giòng chữ nhỏ xíu mà khi đọc, phải dùng đến kính lúp. Tuy thế, chữ vẫn đều đặn, tròn trịa như nét chữ viết bằng bút mực trên giấy. Khâu chót là đánh bóng. Chúng tôi dùng giấy nhám nước đã thật mòn nhẵn, hay xà bông pha với tro bếp mịn. Các hàng nhôm này sau khi đánh bóng, có thể soi mặt được.
Ban đầu là những món trang sức phụ nữ, như kẹp tóc, lược, trâm cài đầu… mà anh em chúng tôi đặt vào đó bao trìu mến để mong có dịp gửi về cho gia đình. Sau đó, có anh đã khéo tay chế ra những bộ chén bát trà xinh xinh. Lúc này, chúng tôi đã chuyển qua hút thuốc lào, vì thuốc điếu trở thành mặt hàng xa xí. Những ống nhôm từ vỏ trái sáng là nguyên liệu làm ống điếu hay nhất. Vừa dễ kiếm, vừa dễ làm, lại vừa có thể trang trí bằng những hình vẽ, hoa văn…
Các anh bộ đội cũng bắt đầu để mắt đến các sản phẩm của chúng tôi.
- Lày anh Phúc, nàm cho tôi một cái "nược" nhé. Cái lày đem về Bắc tặng bạn gái nà nhất.
Nhờ công việc này mà chúng tôi được nhàn hạ một thời gian dài; lại có sự trao đổi thù lao bằng các gói thuốc lá thơm hay bánh thuốc lào ba số tám; hay có thể nhờ các anh ấy mua sắm vặt vãnh các thứ bên ngoài. Họ cũng sốt sắng kiếm vật liệu, mua dụng cụ cho chúng tôi. Chúng tôi có thể làm một cái lược trong vài tiếng; nhưng lúc nào cũng kéo dài đến vài ngày. Một va li nhôm vài ngày, thì khai gần một tháng. Các bộ đội xuất thân ở thôn quê miền Bắc, chưa hề biết đến văn minh hàng nhựa, hàng nhôm. Vì thế, họ rất tin chúng tôi và luôn luôn trầm trồ khen ngợi các sản phẩm:
- Gớm, sao các anh tài thế? Cái gì cũng biết “nàm”!
Anh Sự, đội trưởng, thì nhờ tôi nhiều nhất. Và nhờ đó, tôi có nhiều dịp nghe tâm sự của anh. Có lần anh ngồi theo dõi tôi đang khắc chạm hình, vừa khe khẽ ngân nga các bản nhạc tình của Lam Phương. Anh hỏi:
- Anh bày cho tôi hát nhạc vàng nhé. Tôi đi cách mạng bao năm mà vẫn không mê nổi các bài hát the thé của cách mạng.
Thì ra, những người lính miền Bắc còn trẻ cũng vẫn còn chan chứa trong tim họ những tình cảm lãng mạn, mà họ phải che dấu khi sinh hoạt trong môi trường khô khan đầy nghi kỵ, dòm ngó của các đồng chí. Bản nhạc đầu tiên mà tôi tập cho anh hát là bản Mưa Nửa Đêm của nhạc sĩ Trúc Phương. Anh thích lắm, hát lui hát tới hoài.
Nhạc sĩ kiêm hoạ sĩ Phan Công Danh, một sĩ quan biệt phái làm việc tại Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Xây Dựng Nông Thôn Vũng Tàu, ở cùng đội với tôi. Chúng tôi rất thân nhau vì có nhiều điểm tương đồng để tâm sự. Anh đã làm bản nhạc rất hay để gửi gắm tình thương yêu cho người vợ trẻ (chị có dòng máu Ấn, nên đẹp rất mặn mà.)
...
Muà xuân ngọt ngào,
Tình xuân dạt dào.
Một ngày yêu nhau
Thành đôi vợ chồng
Một ngày yêu nhau,
Tình nồng in sâu.
Yêu anh, em yêu tình đầu tiên
Yêu em, anh yêu tình lần cuối.
Tình anh, tình anh đậm đà
Tình em, tình em mặn mà.
Cầu mong được gần nhau mãi thôi.
Ngày xuân nhạc vàng
Lòng xuân rộn ràng
Cận kề bên nhau
Tình đầu cho nhau
Tình nồng thiên thu
….
Từ tháng thứ nhì, chúng tôi đã được phép viết thư về thăm gia đình. Các anh cán bộ nhắc nhở chúng tôi viết những điều tích cực; như khuyến khích gia đình “làm tốt” ở địa phương, an tâm tin tưởng để chờ ngày sum họp. Về phía chúng tôi, các anh cũng nhắc phải viết về mình đang lao động tốt, học tập tốt, chấp hành tốt. Và trên hết thảy là nhắc đến chính sách khoan hồng độ lượng của đảng và nhà nước. Dù không ai cho ai xem thư riêng của mình, chúng tôi cũng hình dung nội dung các lá thư đều na ná nhau. Cùng những câu khẩu hiệu như trong các văn bản của nhà nước, rồi những sáo ngữ giả dối mà chúng tôi phải tập quen dần. Càng giả dối càng mong được thông qua sự kiểm duyệt để về đến tay gia đình. Miễn sao cho người thân đọc được tuồng chữ của mình để tạm yên tâm rằng “anh ấy vẫn còn sống, đang ở trại X, trại Y.” Càng về sau, khi gần tết Âm lịch, trại đã báo tin cho phép viết thư nhắn gia đình thăm nuôi lần đầu tiên. Lá thư có hình thức như một toa hàng. Mở đầu vài ba câu đúng quy tắc thăm hỏi, động viên; sau đó là danh sách liệt kê những thứ nhu yếu phẩm và thức ăn. Chúng tôi hiểu rõ sự khó khăn của cha mẹ vợ con bên ngoài, nên chỉ dám xin những thứ thật cần thiết và thức ăn khô rẻ tiền như mắm ruốc, cá khô… Thế mà cũng còn e ngại không biết gia đình có sắm nổi không. Riêng tôi, khi nhận lá thư đầu của gia đình, tôi đã không ngăn được những cảm xúc bồi hồi, thương cảm, nhớ nhung. Vợ tôi đã không kể lể những khó khăn thế nào; nhưng tôi cũng phải hình dung ra được. Nàng là một thiếu nữ mới lớn lên. Rời mái trường trung học là gia nhập đoàn Nữ Trợ Tá của Quân Đội. Những năm cuối tôi học ở quân trường Đà Lạt, nàng đang làm việc ở Phòng Xã Hội thuộc trường Chỉ Huy Tham Mưu. Sau ngày cưới, nàng bỏ quân đội để theo tôi về Bình Dương; sau đó về ở với mẹ tôi ở Vũng Tàu. Ngoài khả năng của một nhân viên văn phòng, nàng chỉ còn biết đôi chút về nội trợ. Chân yếu, tay mềm, không biết nàng đã xoay trở ra sao trong những tháng năm bị ngược đãi bên ngoài. Mẹ tôi, đã ngoài sáu mươi. Thời đó trên sáu mươi là coi như ở tuổi già rồi. Mẹ một đời vất vả buôn bán nuôi con. Tưỏng khi tôi giải ngũ thì cụ có thể hưởng được ít năm có con và dâu phụng dưỡng. Nào ngờ vật đổi sao dời. Đời đang màu hồng thì bỗng chuyển qua xám ngắt, với những đám mây đen dày u ám che khuất hết nẻo tương lai. Điều an ủi nhất là các con tôi vẫn còn được đi học. Nhưng đáng lo là chúng đang học thêm những điều tuyên truyền của chế độ mới. Tôi đã làm một bài thơ trong có các câu
Em bé Việt Nam, tuổi đời thơ dại,
Vừa lọt lòng mang kiếp khổ sai.
Vú mẹ khô quắt, sữa ngoài không bán
Sớm tối cầm hơi, chén cháo chén khoai.
Mẹ vừa sinh em là đi thủy lợi
Bố tập trung mòn mỏi tăm hơi
…
Trường học biến thành trại lính
Các em quên chữ, quên bài
Nhớ chăng, những điều “Bác” dạy
Hận thù, giai cấp đấu tranh.
…
(Đã hơn ba mươi năm. Tôi quên gần hết bài thơ của mình. Thế mà có anh bạn tù là Nguyễn Dương Hoài Việt hiện ở California còn nhớ nguyên bài).
Tuần lễ đầu tiên sau Tết Bính Thìn (1976), chúng tôi được gặp gia đình sau bảy tháng xa cách. Buổi thăm gặp được giới hạn trong ba mươi phút. Tôi gặp đủ Mẹ, vợ và các con. Cháu bé nhất sinh vào giữa tháng tư 1975 nay bụ bẫm, hồng hào. Khi tôi đưa tay ra bế cháu, cháu đã chồm về phía tôi như có sự thôi thúc của tình máu mủ. Chúng tôi cầm tay nhau mà nghẹn ngào một hồi; chẳng biết nói điều gì trước, điều gì sau. Mẹ tôi rưng rưng:
- Con rán chịu khó mà về. Mẹ đã già rồi, không biết chết sống ngày nào. Mong thấy con được về nhà rồi chết cũng cam.
Vợ tôi thì gầy hẳn đi, và nước da đã đổi từ sắc hồng mịn qua ngăm ngăm đen. Có lẽ phải làm việc nhiều vất vả. Mấy con lớn thì khoe đã biết viết, làm toán và hỏi bố đủ điều.
Nửa giờ ngắn ngủi qua mau. Khi người cán bộ la lớn rằng giờ thăm sắp mãn, chúng tôi vội vã trao quà. Người bên ngoài thì chuyền những bao bị thức ăn; nguời bên trong thì dúi vào tay thân nhân những chiếc lược, chiếc kẹp nhôm. Rồi lại bịn rịn, lại nước mắt tuôn rơi, lại những dặn dò, an ủi. Biết bao giờ gặp lại?
Chúng tôi lại tiếp tục màn khai lý lịch. Trích ngang rồi lại trích dọc. Họ muốn chúng tôi khai báo thường xuyên để tìm tòi xem có gì sơ sót, đối chiếu để lượng giá sự chính xác trong lý lịch chúng tôi. Càng về sau, mẩu lý lịch càng nhiều chi tiết hơn. Một hôm, không nhớ vào dịp lễ lạc gì, anh Sự giao cho tôi một xấp giấy trắng có kẻ giòng (loại giấy đôi khổ lớn mà trước đây thường được dùng để làm đơn từ). Anh nói:
- Nhờ anh Phúc cắt cho một câu khẩu hiệu…..
Tình cờ, trong xấp giấy, tôi thấy có mấy tờ có chữ. Tôi vội lựa ra và đem ra phía sau nhà để xem. Thì ra đó là một phần của bản lý lịch trích ngang của anh em đội 6. Ba phần tư của bản lý lịch là những cột dọc ghi những chi tiết do chính cá nhân khai báo. Phần tư kế đó là cột cuối cùng, có những dòng chữ khác nét có ghi những đề nghị của một cán bộ nào đó về thời hạn cải tạo. Trong hơn 60 người có tên trong những trang đó, có gần nửa số anh được ghi: cải tạo ba năm. Một vài người được phụ chú: đề nghị tha sớm vì có thân nhân cách mạng. Một số khác thì được ghi: cải tạo 6 năm. Còn khoảng năm, bảy thì anh được ghi: đề nghị cải tạo lâu dài. Dò qua các cột bên trái, tôi khám phá ra rằng những anh bị đề nghị cải tạo lâu dài là các anh có một hay nhiều chi tiết lý lịch sau: Bắc di cư, Công giáo, đảng viên các đảng Quốc gia, thuộc các binh chủng tác chiến, An ninh, Chiến tranh Chính trị, Tình báo, Pháo binh… Tôi lặng người. Tự đánh giá mình thuộc vào thành phần nào và án cải tạo cỡ nào. Cải tạo lâu dài? Nghĩa là lâu hơn sáu năm; thì có thể là bảy, tám, chín, mười năm? Nghe mà rụng rời. Thế cái bản chính sách 12 điểm của chính phủ Lâm thời kia ghi rõ ràng là ba năm kia mà? Chẳng nhẽ nó vô hiệu chăng?
Tôi bèn khều những bạn thật thân tín để tiết lộ khám phá kinh hoàng này. Bàn qua, bàn lại. Ai cũng cố lý luận thật gần với cảm tính và ước vọng của mình:
- Ba năm thôi là đã quá lâu. Chẳng lẽ họ ký ra bản thông cáo mà không áp dụng đúng sao?
- Đây nè, nó ghi rành rành: mốc thời gian cải tạo là trong vòng ba năm. Trong vòng là “within”, là “less than”.
Một anh rành Anh ngữ đã giảng như thế. Một anh có vẻ lạc quan hơn:
- Đất nước hoà bình, cần xây dựng. Họ sẽ cần trí thức, tài sức chúng ta thôi.
Trong đầu óc tôi lại lởn vởn câu nói của ông Thiệu: “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói; mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét