Thứ Hai, tháng 11 23, 2009

Liên Thành Và Biến Động Miền Trung Hội Luận Hay Minh Họa

Xin mời Quý-Vị xem qua Bài của Định-Nguyên, Sỹ-Quan CSQG 100% - Trân trọng !


Liên Thành Và Biến Động Miền Trung Hội Luận Hay Minh Họa


Trước tiên, tôi xin được trình bày cùng độc giả vài nét về buổi Ra Mắt Sách và Hội Luận cuốn Biến Động Miền Trung (BĐMT) của tác giả Liên Thành (LT) tại Sacramento, Thủ Phủ của California vào ngày 8 tháng 11 năm 2009.

Về lượng người tham dự: Có khỏang trên dưới ba trăm người, một kỷ lục chưa từng có trong những lần ra mắt sách trước đây. Trong số nầy bao gồm ba thành phần bênh, chống ông LT và những người đơn giản đến để tìm hiểu. Phe bênh ông LT nhiều hơn, cộng với “Đội Hộ Giá” của ông ta đến từ Houston, TX; San Jose, CA… nên đây là thành phần áp đảo trong Buổi Sinh Hoạt.

Với chủ tâm của Ban Tổ Chức (BTC), tác giả LT, cùng những người có tinh thần “Chống Cộng Triệt Để” trong số đông cử tọa, Buổi “Hội Luận” hoàn toàn có lợi cho ông LT. Tác giả đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Số người mua sách cũng nhiều nhất từ trước đến nay.

Như thế là rất thành công, thành công về tài chánh, về sự ủng hộ dành cho tác giả cũng như về mục đích nào đó mà ông LT nhắm đến!

Bây giờ, xin được giải thích tại sao tôi lấy tựa đề “Hội Luận Hay Minh Họa”.

Trong phần giới thiệu tác phẩm, tác giả LT trình bày ba biến cố mà người dân Huế phải đối đầu: Biến Cố 1966 (BĐMT), MậuThân 1968, “Mùa Hè Đỏ Lửa” 1972, sau đó ông tuyên bố đi vào phần “Hội Luận” bằng cách thách thức rằng ông sẵn sàng đối chất với bất cứ ai, đặc biệt xin mời hai ông Bảo Quốc Kiếm (người viết tác phẩm Liên Thành Mắm Tôm, tôi đọc được trên “net”) và Trần Kiêm Đoàn (tác giả bài Đôi Điều với ông Liên Thành), nếu có mặt hôm nay, lên ngồi hàng ghế đầu mặt đối mặt nói chuyện với ông để “Tìm Ra Sự Thật”! Tôi cho rằng đây là một sự Thách Thức Nặng Phần Trình Diễn, Kích Động, mục đích không có gì khác hơn là để “Gây Khí Thế”, nhận những tràng pháo tay, những tiếng la hét hoan hô từ thành phần ủng hộ. Ông Bảo Quốc Kiếm không phải là người địa phương (ở đâu tôi không biết), ông Trần Kiêm Đoàn tuy là người địa phương nhưng đã từ chối đối chất ngay từ đầu tại sao còn thách thức?! Ngoài ông Bảo Quốc Kiếm, Trần Kiêm Đoàn, tôi cũng là người đã phản biện ông LT, đã nói với ông Trần Văn Ngà (TVN, người điều khiển chương trình, Đồng Trưởng Ban Tổ Chức với ông Bùi Hoàn) cả tuần trước, tại sao tôi không được phép chất vấn ông LT? Tác giả LT, đặc biệt là ông TVN chắc chắn đã đọc bài tôi (Liên Thành, Người Bỏ Quên Lịch Sử, đăng trên DCVonline ngày 08 tháng 6 năm 2009, haivannews.com (và báo giấy) cùng thời gian, một vài website đã tự ý lấy đăng lại như aolam.vn… Trước khi ông LT đến Sacramento, tôi đã cho phổ biến lại trên Báo Làng số 567, ngày 06 tháng 11 năm 2009), đã biết tôi có mặt trong Hội Trường, tại sao làm ngơ? Như thế, sự thách thức “sẵn sàng đối chất với bất cứ ai” của tác giả LT chỉ có tính cách “Tuyên Truyền”, thiếu thực tâm! Khi lên phát biểu, tôi xin được nêu năm câu hỏi có liên hệ móc xích với nhau dành cho tác giả LT thì ông TVN không chịu, với lý do: “Làm việc gì cũng phải theo nguyên tắc, điều lệ”! Nguyên tắc điều lệ nào? Trước khi đi vào phần “Hội Luận”, ông chưa hề đưa ra một nguyên tắc điều lệ nào cả, tôi lấy gì mà theo? Vì không có nguyên tắc, điều lệ nào nên nội dung Sinh Hoạt hôm ấy không gì khác hơn là một sự tập hợp để tố cáo liên tục và “Cạn Tàu Ráo Máng” hai Nhà Sư Thích Đôn Hậu, Thích Trí Quang mà không chấp nhận ý kiến phản biện. Ông Thích Đôn Hậu đã “Tịch”, ông Thích Trí Quang đang “Bế Môn Tỏa Cảng”, chẳng còn ảnh hưởng gì tới ai nữa, sống đó cũng coi như đã chết rồi. Tố cáo những “Xác Chết” nầy, khơi lại hận thù cũ là Tinh Thần Sinh Hoạt tại Sacramento hôm ấy! Trong khi tôi đang trình bày, những lời phản đối “Thôi! Dẹp!” vang lên từ dưới kia. Sau đó, một anh bạn trẻ nêu lên một câu hỏi cũng thuộc loại phản biện thì Hội Trường trở nên náo loạn và hung dữ. Những tiếng la ó đồng loạt, những nắm tay đưa lên, những thân người chồm tới đầy “Khí Thế Đấu Tranh”, thiếu đường muốn ăn tươi nuốt sống người ta! Một số người thấy tình trạng bát nháo như thế nên bỏ ra về. Với hiện tượng nầy, chúng ta hãy cùng suy nghĩ: Người Việt Nam ở Mỹ đã học hỏi được rất nhiều điều từ Người Bản Xứ, nhưng Tinh Thần Sinh Hoạt Dân Chủ, Văn Minh thì không chịu học!

Tôi hoàn toàn thất vọng về cách Tổ Chức và Tinh Thần “Thảo Luận” ấy. Từ mấy ngày nay, tôi chiêm nghiệm rằng Buổi Sinh Hoạt ra Mắt Sách và Hội Luận BĐMT đó không phải là cơ hội cho những tiếng nói Trí Thức, Viễn Kiến, Xây Dựng. Tôi rất tiếc là đã bỏ thì giờ đến tham gia. BTC đã đứng hẳn về phía ông LT, không đóng vai trò trung gian để tìm hiểu ý kiến đôi bên. Không những căn cứ vào cách Điều Hành “Hội Luận” của BTC, mà trong Bài Tường Thuật BUỔI HỘI LUẬN VÀ RA MẮT “BIẾN ĐỘNG MIỀN TRUNG” CỦA LIÊN THÀNH TẠI SACRAMENTO THÀNH CÔNG RỰC RỠ của ông TVN đã nói lên điều ấy. Mời quý vị vào www.haivannews.com đọc để thấy được cái nội dung và tinh thần của bài “Tường Thuật” nầy của ông TVN. Đây không phải là một “Report” của một “Reporter” mà là sự đánh trống khua chiêng, sự vuốt đuôi, sự lặp lại (Repeater) Luận Điểm của ông LT trong BĐMT của chính Người Tổ Chức (Organizer) và Điều Hợp Chương Trình (Co-ordinator). Nó đã chứng tỏ BTC, đặc biệt là ông TVN, đã có chủ ý đem “Tinh Thần BĐMT” đến Sacramento từ trước. Bên cạnh sự hợp lực cùng với ông LT tố cáo những Nhà Sư Lãnh Đạo Phất Giáo Đấu Tranh, ông TVN còn “Hỏi Thăm Sức Khỏe” những nhân vật khác không can dự đến buổi “Hội Luận” (sao không viết một bài khác?). Tổ chức Ra Mắt và Hội Luận một cuốn sách đã gây nhiều sóng gió như thế mà BTC đã hoàn toàn không làm đúng theo chức năng của mình. Có người cho rằng BTC đã thiếu Trình Độ, không đủ Khả Năng để Tổ Chức và Điều Hành một Buổi Sinh Hoạt có tính Chuyên Nghiệp, Văn Minh, Tự Do và Dân Chủ như họ mong đợi.

Vài Dòng Tâm Sự Với Tác Giả Liên Thành.

Trước khi có vài chia sẻ, mong anh hiểu rằng tôi bất đồng quan điểm với anh nhưng hoàn toàn không xa lánh anh. Tuy làm việc tại Ty CSQG Thừa Thiên-Huế (hồi ấy còn gọi là Ty, chưa phải là BCH) chỉ mấy tháng, chưa gặp anh trong công việc lần nào nhưng tôi vẫn tôn trọng anh. Anh lên Sacramento tôi cũng đã tìm thăm, cũng ngồi ăn cơm với anh. Với tôi, phản bác cứ phản bác, anh em vẫn cứ là anh em. Trong tinh thần đó, tôi có vài dòng bàn thảo thêm với anh.


Khi tôi hỏi câu: “Theo tôi, sự đấu tranh của Phật Giáo là một phong trào quần chúng, sự tác hại đối với VNCH phải có, nhưng ở mực độ nào đó tôi không rõ. Anh cho rằng các vị Hòa Thượng, Thượng Tọa Lãnh Đạo Phật Giáo ở Huế… như Thích Trí Quang, Thích Đôn Hậu v.v. là Cộng Sản, đã vâng lệnh Hà Nội kích động quần chúng làm rối loạn xã hội Miền Nam, đâm sau lưng chiến sĩ, và là nguyên nhân chính làm sụp đổ Miền Nam. Vậy, theo anh, về phía chính quyền, những tên Việt Cộng cao cấp chính cống như Huỳnh Văn Trọng, Nguyễn Cao Thăng, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Nguyễn Hữu Hạnh… nội tuyến trong Quân Đội và Chính Phủ, kể cả Phủ Tổng Thống qua cả hai Nền Đệ I và Đệ II Cộng Hòa có là nguyên nhân làm sụp đổ VNCH không? Nếu có, so với Mấy Ông Sư Phật Giáo, họ nguy hiểm hơn hay chỉ đứng sau Mấy Ông Sư”? Anh đã không trả lời trực tiếp mà chỉ tập trung tố cáo dai dẳng hai Nhà Sư Đôn Hậu và Trí Quang (việc nầy anh đã làm trong phần phát biểu về tác phẩm rồi). Với đòi hỏi của tôi, sau đó Ban Tổ Chức đã phải nhắc anh trở lại câu hỏi, nhưng cũng như trước, anh vẫn không trả lời trực tiếp mà “Bổn Cũ Soạn Lại”, tố cáo hai Nhà Sư nói trên thêm một lần nữa. Hai vợ chồng tôi hết sức thắc mắc và ngạc nhiên. Cuối cùng, khi Buổi Sinh Hoạt sắp tàn, tôi gần như lên giựt micro (và anh đã tự động đưa micro cho tôi, không phải BTC, cám ơn anh) lập lại câu hỏi. Không thể tránh được nên anh đã trả lời, đại ý “chuyện Trung Ương tôi không biết”! Cũng được đi, nhưng tại sao anh không trả lời như thế ngay từ đầu mà phải vòng vo mất ít lắm là 30 phút cho hai lần tránh né câu hỏi bằng sự lặp lại thừa thải? Anh muốn lợi dụng “Khí Thế” của Buổi Sinh Hoạt để tránh trả lời thắc mắc của tôi chăng? Cũng lạ, biết anh lạc đề như thế mà nhiều người vẫn cứ hò hét, vổ tay hoan nghênh anh tưng bừng!

Là Chỉ Huy Trưởng CSQG địa phương Thừa Thiên-Huế, anh không biết chuyện Trung Ương cũng phải thôi. Thế thì làm sao anh lại biết chuyện Thượng Tọa Thích Trí Quang tiếp xúc với ĐạI Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn? (Sài Gòn không phải là Trung Ương sao?) Nhân đây, tôi có một thắc mắc về chuyện gặp gỡ nầy. Trong buổi Hội Luận vừa qua, anh phát biểu: “Nhìn vào thành phần Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Nội Các Chiến Tranh, hầu như không có người của Thích Trí Quang. Phản ứng đầu tiên của Thích Trí Quang là gặp Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn, tỏ ý muốn Tổ Chức Đảo Chánh lật Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Đại sứ Mỹ hỏi Trí Quang: Nếu Đảo Chánh lật Thiếu Tướng Kỳ thì Thượng Tọa đưa ai thay thế, “Trí Quang trả lời rằng cứ lật nó rồi cho nó làm lại”! Không những tôi mà nhiều người (tôi quen) ngồi theo dõi và nghe rõ mồn một như vậy. Nhưng khi về nhà, đọc lại BĐMT thì không phải thế. Anh đã viết rằng: “…Đại sứ Mỹ hỏi Trí Quang: Nếu Đảo Chánh lật Thiếu Tướng Kỳ thì Thượng Tọa đưa ai thay thế, Trí Quang không trả lời được câu hỏi của Đại Sứ Mỹ, lẳng lặng ra về”! Từ “Trí Quang trả lời cứ lật nó rồi cho nó làm lại” đến “Trí Quang không trả lời được câu hỏi của Đại Sứ Mỹ, lẳng lặng ra về” khác biệt cả một trời một vực! Vậy đâu là sự thật, thưa anh? BĐMT là một cố gắng “Trả lại sự thật cho lịch sử” của anh hay chỉ là một “Sáng Tác Văn Nghệ” theo cảm hứng? “Một lần bất tín, vạn lần không tin”, xin những nhà viết sử, những cựu viên chức cao cấp của VNCH, những bậc cao minh cho tôi xin ý kiến về vấn đề nầy. Tôi muốn tin những gì ông LT viết trong BĐMT lắm, nhưng chính ông là người “Tiền Hậu Bất Nhất” làm sao tin? Chưa hết, anh đã tố cáo Nhà Sư Thích Trí Quang là CS trong suốt cả mấy tiếng đồng hồ, nhưng gần cuối Buổi Sinh Hoạt anh cho phân phát một tài liệu mà Mỹ đã giải mật, tiết lộ rằng ông Trí Quang đã nhận tiền từ CIA, nghĩa là ông Trí Quang là kẻ vừa là VC vừa là CIA”! Tôi hỏi tại sao lạ vậy, anh trả lời “Có thể Thích Trí Quang là một Điệp Viên Hai Mang”! Tôi gần như “Tẩu Hỏa Nhập Ma”, hoang mang quá sức.

Anh đã tuyên bố anh viết BĐMT với mục đích làm rõ một giai đoạn lịch sử. Trong lời giới thiệu BĐMT cũng nói rằng việc làm của anh là để “Trả lại sự thật cho lịch sử”. Nhưng đọc quyển sách nầy nhiều người thấy rằng, qua giọng văn tố cáo hằn học, anh muốn Cộng Sản Hóa Phong Trào Đấu Tranh Phật Giáo với tư cách là một Nhân Chứng Sống, hơn thế nữa, một Nhân Chứng Có Thẩm Quyền.

Tôi cho rằng BĐMT chưa thể, không thể “Trả lại sự thật cho lịch sử” được. Ai cũng biết BĐMT là sự kéo dài của Phong Trào Đấu Tranh Phật Giáo. Viết về BĐMT mà không viết, không nói đến lý do tại sao có Đấu Tranh Phật Giáo thì thật là một thiếu sót lớn lao, không nói lên được một cách khách quan toàn bộ bối cảnh của giai đoạn lịch sử đen tối đó. Tranh Đấu Phật Giáo và BĐMT chỉ là một Biến Cố Lịch Sử. Anh không thể cắt biến cố nầy ra làm hai, rồi chỉ nói phần tiêu cực mà tảng lờ nguyên nhân chính đáng của nó. “Một khúc bánh mì vẫn là bánh mì, một mẫu của sự thật không thể là toàn bộ sự thật”! Khi ngồi trong Nhà Hàng Nha Trang (Sacramento) tôi hỏi riêng anh: “Nguyên nhân nào có Phong Trào Đấu Tranh Phật Giáo”? Anh trả lời “Lúc đó tôi còn là một học sinh nên không biết gì về chuyện đó cả”! Ai tin được anh đây? Con người thông minh, có trí nhớ trên cả siêu việt như anh, chuyện BĐMT đã xảy ra gần nửa thế kỷ mà anh còn nhớ như in, kể vanh vách trong sách thì làm sao một người điạ phương như anh, lúc đó cũng đã 17 tuổi (nếu anh sinh năm 1946) hoặc 21 tuổi (nếu anh sinh năm 1942) rồi, không biết, không nhớ vụ Tranh Đấu Phật Giáo Năm 1963 chỉ cách BĐMT có ba năm?! Thành ra, theo tôi, không phải anh không nhớ, không biết mà anh đã cố tình bỏ qua Biến Cố 1963. Chính vì sự bỏ qua nầy của anh mà người khác có thể nghĩ rằng đây là một tránh né có chủ đích, một sự bao che vụng về của anh đối với những sai lầm của Đệ Nhất Cộng Hòa! Do đó, dù viết mạch lạc, chi tiết đến mức độ nào, BĐMT đã không có được Tính Khách Quan Cần Thiết, không nói lên được Toàn Bộ Bối Cảnh của Biến Cố ấy. Ai cũng biết các Vị Sư Lãnh Đạo và Phật Tử Các Giới đứng lên đấu tranh là để chống lại Sự Đàn Áp Phật Giáo của Chính Phủ Ngô Đình Diệm. Đây là một sự thật lịch sử mà thế giới, đặc biệt là người dân Miền Nam VN, nhất là Huế ai cũng biết. Mọi sự cố tình dấu diếm, bao che, xuyên tạc như thế đều vô ích, nó chỉ làm nổi bật một điểm duy nhất: Anh đang nhắm đến một hướng đi nào đó, không phải là tìm sự thật lịch sử.

Biến Cố Phật Giáo Năm 1963 và BĐMT sau đó ít nhiều có liên quan đến hai Tôn Giáo lớn: Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo. Sự liên quan mà tôi đề cập là sự liên quan xấu, nghĩa là sự hiềm khích, sự kình chống lẫn nhau giữa một số Tín Đồ hai Tôn Giáo nầy đã xẩy ra đâu đó trên mảnh đất Miền Nam từ 1963 trở về sau. Đã gần nửa thế kỷ qua, đặc biệt là sau khi mất nước, tất cả đã gần như chìm vào dĩ vãng. Thế mà, sau khi BĐMT của anh và những phản ứng bênh chống tiếp theo xuất hiện, sự Hận Thù Tôn Giáo ấy đã sống lại, ít nhất là trên các Diễn Đàn Báo Chí Điện Tử tại Hải Ngoại. Mời anh cùng quý vị nghe hai phát biểu sau đây tôi “lượm” được trên ĐCV Online:

- “Ông LT viết BĐMT và TCS, nhân đó dẫn thêm những anh CS đầu trọc đội lốt thầy tu phá làng phá xóm…Thành phần Phật giáo gồm tăng ni và tướng tá đạo Phật đa số bại hoại, mang não trạng phản quốc nên dễ mua chuộc…”

- “Đàn áp Phật giáo là điều quá rõ ràng mà còn lớn giọng chống chế… Không nên tranh luận với đám con chiên đeo thánh giá, chúng ngu si, cuồng tín bất chấp lẽ phải, nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong, luôn luôn lấn lướt người khác để bành trướng đạo Trời, bất kể gia đình, tổ quốc! Mong rằng những người VN theo Vati giáo nên trở về với dân tộc”.

Nhiều, nhiều nữa, càng đọc càng thấy lo sợ. Nếu không có BĐMT, những kẻ quá khích của cả hai bên đều không có cơ hội phát biểu một cách sai lệch, hận thù Tôn Giáo như thế. Mọi Tôn Giáo tại VN, đặc biệt là hai Tôn Giáo lớn là Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo, dù đến đất nước ta vào thời điểm nào, bằng con đường nào, hiện nay họ đã là một thành phần bất khả phân của Dân Tộc VN, chúng ta phải chấp nhận nhau, tôn trọng nhau để sống hài hòa với nhau. Mọi hành động, lời nói bôi bác nhau, kình chống nhau, xúc phạm nhau kiểu như thế… chỉ làm cho dân tộc và đất nước thêm điêu linh. Anh có bao giờ suy nghĩ đến điều nầy khi viết BĐMT không? Trong tình hình hiện nay, VC trấn áp khốc liệt các Tôn Giáo, đặc biệt là Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo thì sự “Tái Xuất Giang Hồ” Tinh Thần Kỳ Thị Tôn Giáo trong sinh hoạt của người VN là một điều rất đáng lo ngại, nó chỉ có lợi cho VC.

Sau khi dự Ra Mắt Sách và Hội Luận của anh tại “Quê Tôi”, sáng hôm sau tôi đọc được bài Biến Động Miền Trung của tác giả Trọng Đạt trên Take2tango.com (11/9/2009) tôi cảm thấy rất tâm đắc. Té ra cũng có người có ý tưởng như tôi. Mời anh đọc một đoạn: “Trên nhiều diễn đàn ngày càng có thêm những bài viết chỉ trích, than phiền về cuốn BĐMT của LT, cách đây vài tháng trên DCV Online một bài góp ý với LT được đưa lên diễn đàn nầy, ngay sau đó có hàng mấy chục rồi gần một trăm người góp ý, họ đem tác giả bài viết ra đấu tố y hệt như cải cách ruộng đất 1955 ngoài Bắc. Những người bênh vực ông LT chửi rủa, tru tréo, mạt sát tác giả bài viết và sau đó những người ủng hộ tác giả phản pháo lại dữ dội, họ làm như muốn ăn tươi nuốt sống nhau. Điều đáng sợ là trong đó vấn đề Tôn Giáo đã được hai bên đem ra làm đối tượng tranh cải, bên nầy chỉ trích nói xấu Tôn Giáo bên kia, chia rẽ Tôn Giáo đã thực sự thành vấn đề”.

Anh có biết BĐMT của anh đã gây mâu thuẫn sâu sắc trong các Cộng Đồng không? Anh có biết BĐMT của anh đã làm sống lại sự Kỳ Thị Tôn Giáo không? Tôi rất lo ngại ảnh hưởng của BĐMT trong những thời gian sắp đến. VC đang tàn hại Dân tộc và Đất Nước Việt Nam. BĐMT của anh không có tinh thần chống cộng thật sự, nhưng nó chỉ kích động chống loại “Inactive Communists, cộng không còn hiện diện, cộng đã mất năng cách” mà không tạo một lợi điểm nào (nếu không nói là rất bất lợi) trong việc chống bọn “Active Communists, cộng đang bán nước hiện tại”. Với tình trạng chia rẽ trầm trọng trong sinh hoạt Cộng Đồng từ bấy lâu nay, sau khi BĐMT xuất hiện, tình trạng nầy càng trở nên tồi tệ hơn. Không có đoàn kết làm sao có sức mạnh? (Xin qúy vị cao minh, đặc biệt quý vị chống cộng qua cuốn BĐMT cho kẻ hèn nầy biết tác phẩm nầy có lợi điểm như thế nào trong sự nghiệp chống CS của chúng ta HIỆN NAY?). Khi tôi hỏi: “Là một người chống cộng như anh, xin cho biết BĐMT có lợi như thế nào trong sự nghiệp chống CS của Dân tộc VN hiện nay”? Anh đã trả lời: “Khi tôi viết những sự việc ấy, tôi không nghĩ là nó có lợi hay có hại gì cả”! Cũng lạ, những người trí thức, những giới chức cũ như anh đáng ra phải có ý thức trách nhiệm cao, phải làm sao tạo được sức mạnh đoàn kết để đấu tranh với VC chứ. Rất tiếc, vì anh vô ý thức (?) nên BĐMT có vẻ như đã đi ngược với chiều hướng đó. Trong Biến Cố Phật Giáo, bà Trần Lệ Xuân, vợ ông Ngô Đình Nhu, Đệ Nhất Phu Nhân VNCH thời ấy, khi qua Mỹ để gọi là “Giải Độc” đã phát biểu như sau: “I believe all the devils in the hell are against us” (tạm dịch: Tôi tin rằng tất cả quỷ sứ dưới địa ngục đang chống lại chúng tôi)! Khác với giọng điệu hàm hồ, thiếu lễ độ, thiếu Cung Cách Ngoại Giao của bà Trần Lệ Xuân, BĐMT được viết khá hơn nhưng cũng hàm chứa những xúc phạm nặng nề tập thể các vị Hòa Thượng Thượng Tọa Lãnh Đạo Phật Giáo và Các Giới Phật Tử, xưa cũng như nay.

Không phải chỉ có Phật Tử mới đấu tranh như anh nghĩ. Khi tham gia Lực Lượng Sinh Viên-Học Sinh Tranh Đấu, tôi không phải là một Phật Tử (tôi chưa bao giờ là một Phật Tử cả). Tôi tranh đấu không phải để “Bảo Vệ Đạo Pháp” như giới “Con Phật”. Tôi cùng tham gia với họ để Chống Bất Công, Chống Đàn Áp, Chống Gia Đình Trị, Chống Tôn Giáo Trị... Ngoài ra, tôi có thằng bạn học thời ấy, con của một vị Phó Quận Trưởng Hương Thủy, người Thiên Chúa Giáo cùng tham gia tranh đấu với tôi. Hai thằng tôi từng bị CSDC đuổi chạy có cờ, từng có mặt và thoát chết tại Đài Phát Thanh Huế đêm 8 tháng 5 năm 1963. Người Thiên Chúa Giáo chân chính chỉ tin vào sự cao cả và thánh thiện của Đức Chúa Trời, không theo những kẻ phàm phu lợi dụng Đạo Chúa để mưu cầu quyền lợi trần tục thấp hèn. BĐMT là một bước quá đà của giới Lãnh Đạo Phong Trào Đấu Tranh Phật Giáo, khó chấp nhận được. Nhưng không phải sự đấu tranh nầy là do VC phát động và điều khiển. VC nội tuyến trong hàng ngũ Phật Giáo là điều khó có ai chối cãi, nhưng chỉ có người, không phải hầu hết những người tham gia đấu tranh. Anh có biết hiện nay đa số Đồng Hương Phật Tử nghĩ như thế nào về anh không? Họ nghĩ rằng, qua BĐMT, anh đang đánh phá, bôi đen Phật Giáo VN, nói chung! Anh có là Phật Tử hay không, không thành vấn đề. Xưa cũng như nay, thiếu gì kẻ phản đạo, kể cả người đã khoác áo tu hành. Tôi có đọc được một Thông Báo của Nguyễn Phước Tộc minh xác họ vô can đối với BĐMT của anh, lên án anh về việc xúc phạm đánh phá Phật Giáo, gây hoang mang chia rẽ trầm trọng trong các Cộng Đồng. Do đó, nhiều người cho rằng, BĐMT không thể được coi là một tác phẩm đọc để “Ôn Cố Tri Tân” mà, dù vô tình hay cố ý, đó là một sự hâm nóng hận thù cũ, một sự Đánh Phá Tôn Giáo rất nguy hiểm. Người Mỹ ví von hiện tượng nầy bằng câu nói: “The action of opening the worm can”, nghĩa là hành động mở nắp một thùng giòi! Không cần phải giàu tưởng tượng cũng có thể hình dung được cảnh tượng như thế nào sau khi thùng giòi được khui nắp. Anh và một số phần tử khác tin rằng ông Đôn Hậu và Trí Quang là VC, nhưng còn những người khác, nhất là đa số giới Phật Tử thì sao? Họ không tin như vậy (Niềm Tin Tôn Giáo là Niềm Tin Vô Điều Kiện mà anh). Thêm nữa, chi tiết “tìm thấy quần lót phụ nữ” trong phòng ông Trí Quang của anh đã làm cho Giới Phật Tử đau lòng và phẩn uất. Họ nói rằng chính anh đã dàn dựng chuyện nầy (khi đã có chủ tâm thì dễ quá mà, nhất là người có điều kiện như anh) và do đó anh đã tạo “Nghiệp” quá lớn. Cá nhân tôi thấy Chuyện “Quần Lót” nầy khó tin. Lý do: Hơn ai hết, ông Trí Quang biết mình là một người tu hành nổi tiếng (hay ít lắm cũng đội lốt tu hành, theo quan điểm của anh), nếu có “Ăn Vụng” như thế thì ông cũng thừa khôn ngoan để “Chùi Mép” giữ thể diện chứ. Ông không phải là người trần tục ăn nằm với phụ nữ thoải mái hằng ngày, để lại vật chứng một cách “Vô Tư” bất cần sự dòm ngó của thiên hạ như thế. Vấn đề là anh đã nêu lên những sự kiện rất khó kiểm chứng, mức thuyết phục của những sự kiện nầy tùy cảm tính, tùy trình độ kiến thức, tùy định kiến, tùy vào suy nghĩ của từng người, và không bao giờ có được sự đồng lòng về một kết luận chung. Chính sự nhận định khác biệt nầy là mầm mống gây chia rẽ trong Cộng Đồng. Không hiểu, qua BĐMT, anh gặt hái được cái gì, bao nhiêu, nhưng chắc chắn sự chia rẽ, sự Hiềm Khích Tôn Giáo trong hàng ngũ của Người Quốc Gia là có thật. Làm sao chúng ta chống cộng hữu hiệu được? Các Vị Sư mà anh tố xả láng trong BĐMT đều là Tiền Bối của Hòa thượng Thích Quảng Độ cùng những Sư Sãi trong Giáo Hội PGVN/TN bây giờ, một tổ chức đang bị Việt Cộng cấm hoạt động, có thể bị tiêu diệt bất cứ lúc nào. Tôi không biết Hòa Thượng Thích Quảng Độ đạo cao đức trọng đến đâu, nhưng thưa anh và quý vị, tôi hoàn toàn ngưỡng mộ và ủng hộ đường lối của Ngài cũng như của GHPGVN/TN hiện nay. Ngoài là một Tu Sỹ Phật Giáo, Ngài là một người yêu nước, rất gần gũi với mọi người dân VN yêu tự do, chuộng dân chủ và đặc biệt là chống ngoại xâm! Ngài đòi dân chủ đa nguyên, Ngài đòi tự do cho người dân, cho sinh hoạt Tôn Giáo, Ngài chống Việt Cộng bán nước, Ngài lên án việc Việt Cộng cho Trung Cộng khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, Ngài kêu gọi đừng dùng hàng hóa thực phẩm của kẻ xâm lăng Trung Cộng v.v. Chừng đó chưa đủ để chúng ta ủng hộ Ngài sao? (Không ủng hộ chủ trương của Ngài, không lý chúng ta ủng hộ Các Sư Sãi, Linh Mục Quốc Doanh, theo phò bọn vô thần khát máu?). Hiện nay, nguy cơ mất nước của chúng ta rất lớn. Những người sinh hoạt chính trị trong Hàng Ngũ Quốc Gia Chống Cộng nên ý thức như thế và nên biết tự chế, có thể tạm quên những khác biệt hoặc xung khắc để cùng Ngài đấu tranh, cứu nguy Dân tộc VN thoát ách CS mới là việc cần và nên làm. Có Dư Luận cho rằng anh nhận tiền của Việt Cộng và Trung Cộng để Đánh Phá Phật Giáo, gây Chia Rẽ Tôn Giáo, tạo Hiềm Khích Hận Thù trong các Cộng Đồng để chúng ta đánh nhau, quên chuyện đánh TC cướp nước, quên chuyện đánh VC đang bán nước và áp bức đồng bào quốc nội. Tôi không tin anh có thể làm một điều ghê tởm như thế, nhưng Dư Luận như vậy là có thật. Trong bài của Trọng Đạt nói trên, tôi chú ý đoạn nầy: “Nói về ảnh hưởng của cuốn BĐMT thì ta khó mà chối cãi được, năm ngoái năm kia, trong khi dân oan khiếu kiện tại Sài Gòn, Hà Nội ầm ĩ, đồng bào Công giáo Thái Hà đòi đất, giáo dân đòi Tòa Khâm Sứ Hà Nội đang nóng hổi thì BĐMT cũng nổi đình đám ầm ĩ tại Hải ngoại át hẳn vụ tòa Khâm Sứ và vụ Thái Hà của giáo dân trong nước, có một nhà báo đã nói cuốn sách nầy có thể khiến người ta quên đi vụ Thái Hà, Tòa Khâm Sứ…”.

Anh suy nghĩ như thế nào về những Dư Luận như thế?!

Tôi chưa biết động lực nào thúc đẩy anh viết BĐMT. Tôi thật sự không hiểu nổi tại sao một số Người Chống Cộng lại ủng hộ anh nhiệt tình qua tinh thần của cuốn BĐMT?! Là “Tín Đồ Chống Cộng”, nghe “Cộng” là chống, không cần biết “Cộng Chết” hay “Cộng Sống” chăng?!

Định Nguyên Sacramento, CA - Mùa Cựu Chiến Binh 11/2009.
Email: Dinh.Nguyen60@yahoo.com

Thứ Tư, tháng 11 18, 2009

DIỄN TIẾN BIẾN ĐỘNG MIỀN TRUNG


Trần Gia Phụng

Sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ ngày 1-11-1963, Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ngày 26-10-1956 bị bãi bỏ. Không có luật căn bản quốc gia, các tướng lãnh tự do tranh giành quyền lực, liên tiếp gây nhiều binh biến, khiến cho tình hình VNCH không ngừng bị xáo trộn. Trong hoàn cảnh đó, một biến động chính trị rộng lớn bùng nổ cả ở Sài Gòn lẫn các tỉnh miền Bắc VNCH, mà trước khi đất nước bị phân chia, là miền Trung Việt Nam, nên dân chúng thường quen sự gọi kiện nầy là Biến động miền Trung.

I.- NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân trực tiếp đưa đến sự bộc phát Biến động miền Trung từ tháng 3 năm 1966 là vụ trung tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh quân đoàn I và Vùng I Chiến thuật, bị cách chức.

Nguyễn Chánh Thi nguyên là đại tá tư lệnh Lữ đoàn Nhảy dù dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông tham gia cuộc đảo chánh chống tổng thống Diệm ngày 11-11-1960, nhưng thất bại. Ông lưu vong sang Phnom Penh (Nam Vang). Sau cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963, ông về nước ngày 16-11-1963. Một tháng sau, ông được cử làm tư lệnh phó Quân đoàn I, dưới quyền chỉ huy lúc đầu của trung tướng Đỗ Cao Trí, rồi của trung tướng Nguyễn Khánh kể từ sau tháng 1-1964.(1) Lúc đó Quân đoàn I gồm sư đoàn I và sư đoàn II, chịu trách nhiệm an ninh các tỉnh thành Quảng Trị, Thừa Thiên, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Ngày 30-1-1964, đại tá Nguyễn Chánh Thi vào Sài Gòn giúp trung tướng Nguyễn Khánh, thực hiện cuộc chỉnh lý, đưa Nguyễn Khánh lên cầm quyền. Trở về Quân đoàn I, Nguyễn Chánh Thi được cử làm tư lệnh Sư đoàn I Bộ Binh ngày 7-2-1964, rồi thăng chuẩn tướng ngày 29-5-1964.

Nắm được quyền lực, Nguyễn Khánh tìm cách củng cố địa vị, ban hành Hiến chương ngày 16-8-1964 tại Vũng Tàu nên thường được gọi là Hiến chương Vũng Tàu (HCVT). Hiến chương gặp nhiều chống đối, nhất là giới tín đồ Phật giáo và sinh viên học sinh. Các đảng phái như Đại Việt, Dân Chủ Xã Hội, Việt Nam Quốc Dân Đảng đều lên tiếng công kích. Nhiều cuộc biểu tình xảy ra trên toàn quốc, mạnh nhất là ở Huế, Đà Nẵng và Quy Nhơn. Tại Huế, Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc do bác sĩ Lê Khắc Quyến thành lập, đả kích nặng nề HCVT. Cuối cùng, trong cuộc biểu tình lớn lao ngày 25-8-1964 tại Sài Gòn. Trung tướng Nguyễn Khánh xuất hiện và hô to khẩu hiệu: "Đả đảo độc tài”, "Đả đảo Hiến chương Vũng Tàu”. Thế là HCVT bị dẹp bỏ.

Sau biến cố nầy, trung tướng Dương Văn Đức và thiếu tướng Lâm Văn Phát tổ chức binh biến ngày 13-9-1964 nhằm lật đổ Nguyễn Khánh. Một lần nữa, Nguyễn Chánh Thi về Sài Gòn giúp trung tướng Nguyễn Khánh dẹp cuộc “biểu dương lực lượng” nầy. Nguyễn Chánh Thi được thăng thiếu tướng ngày 21-10-1964 và trở thành tư lệnh Quân đoàn I ngày 14-11-1964.

Trong khi đó, sau những tranh chấp giữa các tướng lãnh, Hội đồng các tướng lãnh giao chính quyền cho phía dân sự. Phan Khắc Sửu được chọn làm quốc trưởng ngày 24-10-1964 và Trần Văn Hương làm thủ tướng ngày 31-10-1964. Chẳng bao lâu, Phan Huy Quát lên thay Trần Văn Hương ngày 16-2-1965. Ba ngày sau, thiếu tướng Lâm Văn Phát và đại tá Phạm Ngọc Thảo lại đảo chánh ngày 19-2-1965. Nguyễn Chánh Thi về Sài Gòn giúp chính phủ Phan Huy Quát, ổn định tình thế.

Vì cuộc tranh chấp giữa quốc trưởng Phan Khắc Sửu và thủ tướng Phan Huy Quát, quân đội trở lại nắm quyền. Ngày 19-6-1965, Đại hội đồng Quân lực thành lập Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia (UBLĐQG) do trung tướng Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch và Ủy ban Hành pháp trung ương (UBHPTƯ) do thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch.

Riêng Nguyễn Chánh Thi, ông vẫn giữ chức tư lệnh Quân đoàn I và được thăng trung tướng tháng 10-1965. Vốn là người ngay thẳng, trung tướng Thi công khai chỉ trích những việc mà ông cho là bất công, tham những, nhất là ông nhắm vào hai tướng Nguyễn Văn Thiệu (quốc trưởng) và Nguyễn Cao Kỳ (thủ tướng). Vì vậy, trung tướng Thi gây nhiều tranh cãi đối với tập đoàn các tướng lãnh chính phủ trung ương.

Trong cuộc họp Đại hội đồng Quân lực tại bộ Tổng tham mưu ngày 11-3-1966, các tướng lãnh quyết định cho trung tướng Nguyễn Chánh Thi nghỉ phép, ra nước ngoài chữa bệnh mũi, mà theo tướng Thi trong hồi ký Việt Nam: một trời tâm sư, ông cho biết ông chẳng bị bệnh gì cả.

Ngoài ra, lúc đó có dư luận cho rằng trung tướng Thi bị loại ra khỏi chức vụ có thể còn vì một lý do khác. Nguyên vào ngày 1-12-1965, trung tướng Thi gởi thư lên chủ tịch UBLĐQG Nguyễn Văn Thiệu, chính thức đề nghị là Quân lực VNCH phải Bắc tiến, nắm thế chủ động trên chiến trường, mới có thể chiến thắng cộng sản.(2a) Ông cũng công khai đề nghị như thế với người Mỹ.

Chủ trương nầy đã từng được Nguyễn Khánh đưa ra ngày 19-7-1964 và Nguyễn Cao Kỳ nhắc lại ngày 20-7-1965, gọi là “Ngày toàn dân đoàn kết chuẩn bị giải phóng miền Bắc”, nhưng không được người Mỹ chấp thuận. Nguyễn Cao Kỳ vội bỏ chủ trương nầy nên được người Mỹ tiếp tục ủng hộ. Nay trung tướng Nguyễn Chánh Thi kêu gọi thêm một lần nữa. Trung tướng Thi đang giữ chức tư lệnh Quân đoàn I kiêm tư lệnh vùng I Chiến thuật, vùng giáp ranh với Bắc Việt. Phải chăng việc nầy đi ra ngoài chính sách của người Mỹ, nên việc cách chức tướng Thi có liên hệ đến chuyện Bắc tiến và người Mỹ?

Không có tài liệu nào có thể xác quyết điều nầy, nhưng không phải tự nhiên mà ngay sau khi bị buộc nghỉ việc trong cuộc họp tại bộ Tổng tham mưu (11-3-1966), trung tướng Thi nhận được thư của đại tướng William Westmoreland cũng đề ngày 11-3-1966, nhân danh bộ Quốc phòng Mỹ, mời tướng Thi sang Hoa Kỳ chữa bệnh.(2b) Sao lại có sự trùng hợp nhịp nhàng như thế?

Sau cuộc họp ngày 11-3-1966, trung tướng Thi bị giữ lại ở Sài Gòn. Thiếu tướng Nguyễn Văn Chuân, tư lệnh Sư đoàn I Bộ binh được cử lên thay. Chuẩn tướng Phan Xuân Nhuận, chỉ huy trưởng Biệt động quân, ra Huế thay thiếu tướng Chuân.

II.- DIỄN TIẾN BIẾN ĐỘNG

Biến động miền Trung năm 1966 có thể tóm lược qua bốn giai đoạn sau đây:

1. CUỘC TRANH ĐẤU PHÁT KHỞI

Khi Đài phát thanh Sài Gòn thông báo quyết định của HĐQL cho trung tướng Nguyễn Chánh Thi nghỉ phép và ra nước ngoài chữa bệnh mũi, dân chúng Vùng I Chiến thuật hiểu ngay là trung tướng Thi bị cách chức. Đây là cơ hội thuận lợi để những phần tử vốn âm thầm chống chính phủ quân nhân bấy lâu nay, kích động và phát động các cuộc biểu tình chống đối.

Tức thì, ngày 12-3, cuộc biểu tình bộc phát tại Đà Nẵng, nơi Quân đoàn I đóng bản doanh. Cuộc biểu tình lan ra Huế ngày hôm sau 13-3. Người biểu tình càng ngày càng đông và đủ mọi thành phần: thanh niên, sinh viên, học sinh, công chức, tiểu thương, có cả quân nhân nữa. Đại đa số những người nầy là Phật tử. Những người biểu tình tổ chức thành Lực Lượng Tranh Thủ Cách Mạng (LLTTCM). Những ngày sau đó, càng ngày biểu tình càng dữ dội. Lực lượng TTCM tổ chức tổng đình công, chiếm đài Phát thanh ở Huế cũng như Đà Nẵng.

2. CHÍNH PHỦ ĐIỀU ĐÌNH

Trong khi biểu tình tiếp diễn, chính phủ trung ương kiếm cách thương thuyết, vừa tại vùng I Chiến thuật, vừa tại Sài Gòn. Ngày 16-3, chính phủ đưa trung tướng Nguyễn Chánh Thi ra Đà Nẵng để nhờ tướng Thi kiếm cách yên dân. Sự có mặt của tướng Thi làm cho tình hình êm dịu bớt. Ngày 1-4, chính phủ trung ương gởi trung tướng Phạm Xuân Chiểu ra điều đình. Nhóm biểu tình chống chính phủ giữ trung tướng Chiểu làm con tin một thời gian ngắn.

Tại Sài Gòn, ngày 17-3-1966, đại sứ Cabot Lodge (làm đại sứ lần thứ hai) gặp thượng tọa Thích Trí Quang, trong khi các tướng Thiệu, Kỳ gặp thượng tọa Thích Tâm Châu. Các lãnh tụ Phật giáo đồng ý ngưng biểu tình với điều kiện phía chính phủ giữ lời hứa tổ chức bầu cử và tiến đến chính phủ dân sự. Ngày 19-3-1966, Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) tuyên bố không chống đối chính phủ mà chỉ đòi hỏi bầu cử và thành lập chính phủ dân sự.(3) Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn. Tại Sài Gòn, cuộc biểu tình tối mồng 2-4-1966 trước Đài phát thanh trở nên hỗn loạn.

Hôm sau, 3-4-1966, thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, chủ tịch UBHPTƯ, tuyên bố là cộng sản đã xâm nhập vào các phong trào tranh đấu ở miền Trung và sẽ dùng võ lực để tái lập an ninh tại Đà Nẵng. Lời tuyên bố nầy làm cho cuộc tranh đấu bùng lên mạnh mẽ.

Ngày 5-4-1966, Nguyễn Cao Kỳ ra Đà Nẵng, đem theo hàng ngàn chiến binh bằng cầu không vận Mỹ, nhưng bị quân lính địa phương theo nhóm biểu tình ngăn chận, không cho ra khỏi phi trường. Vị chỉ huy Thủy quân Lục chiến (TQLC) Mỹ tại Đà Nẵng phải can thiệp, mới tránh đụng độ giữa hai bên.(4)

Lúc đó, thị trưởng Đà Nẵng (bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn) cùng tư lệnh Biệt khu Quảng Đà và Trung đoàn 51 Bộ binh (đại tá Đàm Quang Yêu), Địa phương quân, Nghĩa quân, Quân cảnh, công chức Đà Nẵng tuyên bố ly khai với chính phủ trung ương. Tại Huế, chuẩn tướng Phan Xuân Nhuận, trung tướng Nguyễn Chánh Thi cũng về theo phe tranh đấu.

Ngày 8-4-1966, hai tiểu đoàn TQLC được gởi tiếp ra Đà Nẵng. Bộ Ngoại giao Mỹ phản đối và yêu cầu chính phủ VNCH giải quyết tranh chấp bằng thương lượng chứ không bằng quân sự.(Chính Đạo, sđd. tr. 215) Có thể vì vậy, thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ chưa quyết định tấn công và ngày 9-4, UBLĐQG cử trung tướng Tôn Thất Đính ra Đà Nẵng làm tư lệnh Quân đoàn I, thay thiếu tướng Nguyễn Văn Chuân. Vài ngày sau, Tôn Thất Đính về phe tranh đấu.

Để làm êm dịu tình hình, ngày 12-4-1966, UBLĐQG triệu tập Đại hội Chính trị Toàn quốc, gồm chủ tịch các Hội đồng tỉnh và thị xã, đại diện các đoàn thể, đảng phái, đại diện các tôn giáo, nhưng Phật giáo và Ky-Tô giáo không dự. Trong ngày chót của Đại hội (14-4-1966), trung tướng Nguyễn Văn Thiệu công bố sắc luật số 14/66, tổ chức bầu cử Quốc hội lập hiến (QHLH) qua phổ thông đầu phiếu trong vòng từ 3 đến 5 tháng, theo đó QHLH có nhiệm vụ soạn thảo và biểu quyết hiến pháp VNCH. Đồng thời UBLĐQG chấp thuận 10 đề nghị dân chủ hóa của Đại hội. Hai quyết định nầy là một cách nhượng bộ kín đáo những đòi hỏi của phe tranh đấu nhằm dân chủ hóa đất nước, mà chính quyền không bị mất thể diện.

Sau những hứa hẹn nầy, phía Phật giáo tuyên bố tạm ngưng tranh đấu. Ngày 17-4-1966, thượng tọa Thích Trí Quang từ Sài Gòn ra Huế để dàn xếp và kêu gọi đình chỉ biểu tình. Tuy nhiên, một số phần tử cực đoan, và có thể có sự xúi giục của cộng sản, phản đối quyết định tạm ngưng nầy.

3. CHÍNH PHỦ CƯƠNG QUYẾT TÁI LẬP AN NINH

Vào đầu tháng 5-1966, thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ cho biết sẽ bầu cử QHLH vào tháng 10-1966 thay vì tháng 8, và chính phủ quân nhân sẽ cầm quyền thêm một năm nữa. Tức thì LLTTCM phản ứng, tổ chức biểu tình phản đối khắp miền Trung, tái chiếm đài phát thanh và các cơ sở khác. Lần nầy, với sự thỏa thuận ngầm của chính phủ Hoa Kỳ,(Chính Đạo, sđd. tr. 221) thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ quyết định tái lập an ninh Đà Nẵng và Huế.

Chính phủ trung ương nhờ tàu vận tải Mỹ đưa 40 xe tăng và thiết vận xa đến Đà Nẵng ngày 14-5-1966. Ngày hôm sau 15-5, chính phủ gởi 5 tiểu đoàn Nhảy dù đến Quân đoàn I. Chỉ trong một giờ, quân Nhảy dù tái chiếm Đài phát thanh Đà Nẵng. Trung tướng Tôn Thất Đính chạy ra Huế.

Ngày 16-5-1966, thiếu tướng Huỳnh Văn Cao được cử ra Đà Nẵng làm tư lệnh Quân đoàn I. Hôm sau 17-5-1966, tại phi trường Tây Lộc (thuộc sư đoàn I Bộ binh, trong thành Nội, Huế), Huỳnh Văn Cao bị thiếu úy Nguyễn Đại Thức mưu sát, nhưng ông Cao thoát nạn nhờ viên xạ thủ trực thăng Mỹ bắn chết thiếu úy Thức. Sau biến cố nầy, Huỳnh Văn Cao xin nghỉ chức tư lệnh Quân đoàn I. Thiếu tướng Trần Thanh Phong tạm thay, cho đến khi thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Sư đoàn II Bộ binh, nhận chức tư lệnh Quân đoàn ngày 31-5-1966.

Chính phủ trung ương cử thiếu tướng Cao Văn Viên ra Vùng I Chiến thuật, chỉ huy cuộc tái kiểm soát Đà Nẵng và Huế. Khi quân Nhảy dù và TQLC xuất hiện, lực lượng ly khai yếu thế dần dần. Ngày 23-5, nhóm ly khai tại chùa Tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng (trên đường Ông Ích Khiêm) buông súng. Thị trưởng Nguyễn Văn Mẫn bị bắt. Trung đoàn 51 Bộ binh bị chận lại ở phía nam Đà Nẵng. Đại tá Đàm Quang Yêu cũng bị bắt ngày 25-5-1966.

Trong khi đó, tại Sài Gòn, chính phủ trung ương triệu tập Đại hội Quân Dân ngày 24-5-1966 tại rạp hát Thống Nhất, gồm khoảng 1,000 đại diện quân đội, hội đồng tỉnh, thị xã, đảng phái, công chức, báo chí...để trình bày về tình hình Đà Nẵng và tình hình miền Trung.

Ngày 31-5-1966, một phái đoàn gồm 6 lãnh tụ Phật giáo do thượng tọa Thích Tâm Châu dẫn đầu, hội đàm với 6 tướng lãnh trong UBLĐQG. Ủy ban LĐQG hứa sẽ tổ chức bầu cử QHLH vào ngày 11-9-1966 và mở rộng UBLĐQG thêm 10 chính khách dân sự. Đó là các ông: Trần Văn Đỗ, Phạm Hữu Chương, Phan Khoang, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Ngọc Trân, Trần Văn Ân, Văn Thành Cao, Nguyễn Lưu Viên, Quan Hữu Kim, Huỳnh Văn Nhiệm. Ngày 6-6-1966, những chính khách dân sự dự họp lần đầu với UBLĐQG.

4. BÀN THỜ PHẬT XUỐNG ĐƯỜNG

Ngày 26-5-1966, tại Huế diễn ra tang lễ thiếu úy Nguyễn Đại Thức, người mưu sát bất thành thiếu tướng Huỳnh Văn Cao. Đoàn biểu tình đốt Phòng Thông tin và thư viện Hoa Kỳ tại Huế, tiêu hủy khoảng 5,000 quyển sách. Huế hoàn toàn hỗn loạn. Trung tá tỉnh trưởng Thừa Thiên kiêm thị trưởng thành phố Huế, phải dời văn phòng ra ngoại ô. Ngày 1-6-1966, cuộc biểu tình đập phá tiếp Tòa lãnh sự Mỹ tại Huế một lần nữa.

Trước áp lực của lực lượng chính phủ, thượng tọa Thích Trí Quang, lãnh tụ Phật giáo tranh đấu, tung ra biện pháp cuối cùng là yêu cầu đồng bào đưa bàn thờ Phật xuống đường ngày 6-6-1966 trong khắp thành phố Huế, để ngăn chận lối đi của quân chính phủ. Nhiều thành phố miền Trung cũng hưởng ứng chiến dịch nầy: Quảng Trị, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Pleiku... Cần chú ý là lúc đó, không phải tất cả Phật tử đồng thuận với biện pháp đưa bàn thờ Phật xuống đường.

Ngày 8-6-1966, thượng tọa Thích Trí Quang tuyệt thực trước tỉnh đường Thừa Thiên, nhưng chưa đầy 24 giờ sau, Thích Trí Quang kiệt sức phải, vào bệnh viện. Lực lượng Nhảy dù và TQLC đến Huế từ ngày 8-6, nhưng chưa dẹp bàn thờ Phật. Ngày 10-6-1966, một tiểu đoàn Cảnh sát Dã chiến (CSDC) được đưa ra Huế tăng cường. Ngày 16-6-1966, đại tá Nguyễn Ngọc Loan, giám đốc An ninh Quân đội kiêm tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia, đích thân chỉ huy lực lượng Nhảy dù và CSDC, khiêng bàn thờ trả lại dân chúng và nhà chùa, khai thông đường đi trong thành phố Huế.

Phe ly khai rút về chùa Diệu Đế, chùa Từ Đàm và vào trong thành Nội, hoàng thành nhà Nguyễn trước đây. Lực lượng Nhảy dù, TQLC và CSDC lần lượt giải tỏa dễ dàng ba địa điểm nầy vào các ngày 18 và 19-6-1966. Thượng tọa Thích Trí Quang được đưa vào Sài Gòn ngày 21-6-1966. Tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, phong trào tranh đấu tan rã nhanh chóng. Biến động miền Trung xem như chấm dứt.

III.- HẬU QUẢ

Số người chết và bị thương trong biến động miền Trung lên khá cao. Riêng tại Đà Nẵng, trong cuộc đụng độ đầu tiên giữa phe tranh đấu và lực lượng Nhảy dù ngày 15-5-1966, số người chết lên đến khoảng 150 người và số người bị thương lên khoảng 700 người.(Chính Đạo, sđd tr. 220.) Trong việc chính phủ đưa quân tái kiểm soát Huế, số người chết và bị thương không được biết, số người ly khai bị bắt là 190 quân nhân, 109 công chức, 35 nhân viên cảnh sát.(5)

Đại đa số những người tham gia biến động nầy là Phật tử, nhưng GHPGVNTN chưa có một hệ thống giáo quyền chặt chẽ để kiểm soát các tăng ni và Phật giáo đồ như giáo hội Ky-Tô giáo La Mã, nên những lãnh tụ Phật giáo không kiểm soát được phong trào Biến động miền Trung, và đôi khi bị cuốn hút theo phong trào.

Từ đó, Biến động miền Trung làm chia rẽ các lãnh tụ Phật giáo và làm suy giảm tiềm lực khối Phật giáo. Nguyên khi thượng tọa Thích Trí Quang phát động đợt tranh đấu cuối cùng vào đầu tháng 6-1966, các lãnh tụ Phật giáo ôn hòa ở Sài Gòn phản đối. Thượng tọa Thích Tâm Châu, sau khi tham dự hội nghị World Fellowship of Buddhists (Hội Thân hữu Phật tử Thế giới), trở về Sài Gòn ngày 29-5, thì Việt Nam Quốc Tự, trụ sở Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáoViệt Nam thống Nhất (GHPGVNTN), bị phe quá khích chiếm đóng. Bản thân Thích Tâm Châu bị đe dọa, phải bỏ Việt Nam Quốc Tự đi tỵ nạn. Thượng tọa Tâm Châu nhiều lần lên tiếng chống lại việc đưa bàn thờ Phật xuống đường.(Đoàn Thêm, sđd. tr. 115.) Từ đó, hố chia rẽ giữa hai nhóm ôn hòa và quá khích càng ngày càng sâu rộng, làm cho khối Phật giáo yếu hẳn đi. Một lãnh tụ Phật giáo khác là thượng tọa Thích Thiện Minh bị thương nặng vì bị mưu sát ngày 1-6-1966, mà không tìm ra thủ phạm.

Chắc chắn Cộng sản Việt Nam (CSVN) không bỏ qua cơ hội để lợi dụng Biến động miền Trung, xúi giục những hành vi quá khích trong đám đông, nhằm phá hoại chính quyền, gây rối loạn xã hội và nhất là làm mất uy tín tổ chức Phật giáo, gây chia rẽ giữa Phật giáo với Phật giáo, giữa Phật giáo với các tôn giáo khác, với chính quyền và cả với người Mỹ.

Cần chú ý là CSVN rất lo sợ tất cả những tổ chức quy củ và có hậu thuẫn quần chúng. Ở Việt Nam, các tổ chức có hậu thuẫn quần chúng mạnh mẽ nhất chính là giáo hội các tôn giáo. Đối với tôn giáo, ngoài vấn đề triết thuyết và giáo lý, CSVN rất chú trọng đến sức mạnh quần chúng (tín đồ), thực lực của các tôn giáo. Cộng sản trên thế giới nói chung chống giáo hội Ky-Tô giáo vì sợ khối lượng tín đồ đông đảo của giáo hội nầy. Ở Việt Nam, sau năm 1945, vì lo sợ ảnh hưởng của Cao Đài giáo đối với nông dân miền Đông Nam Việt và ảnh hưởng của Phật giáo Hòa Hảo đối với nông dân miền Tây Nam Việt, nên CSVN đã tìm tất cả các cách để triệt hạ hai tôn giáo nầy.

Sau khi thành lập năm 1964, GHPGVNTN là giáo hội có khối lượng tín đồ đông đảo khắp nước, được hậu thuẫn rộng rãi, nhất là trong giới lao động và dân chúng nông thôn. Vì vậy, GHPGVNTN trở thành một sức mạnh chính trị đáng ngại đối với CSVN. Không thể đánh phá GHPGVNTN như đã từng hãm hại Đức thầy Huỳnh Phú Sổ và Phật giáo Hòa Hảo sau năm 1945, CSVN kiếm cách phá hoại và gây chia rẽ để cho GHPGVNTN phân hóa và yếu đi. Có như thế, CSVN mới giành được độc quyền lãnh đạo quần chúng.

Trong những cuộc biểu tình, phe tranh đấu đưa ra những biểu ngữ chống Mỹ, lại đốt Phòng Thông tin Hoa Kỳ tại Huế, làm cho người Mỹ càng thêm ủng hộ chính phủ Nguyễn Văn Thiệu. Khối Phật giáo Việt Nam cũng mất uy tín trước dư luận thế giới. Ngày 17-6-1966, Hội Phật giáo Thế giới tuyên bố không ủng hộ khối Phật giáo Việt Nam vì tăng ni hoạt động chính trị. (Đoàn Thêm, sđd. tr. 116.)

Một hậu quả ít ai chú ý là sau khi chính phủ tái kiểm soát miền Trung, một số người, trong đó có thanh niên, sinh viên, học sinh, sợ bị chính quyền quân sự trả thù, đã “nhảy núi” năm 1966, tức lên miền rừng núi theo du kích cộng sản. Những sinh viên thanh niên nầy sau trở về Huế quấy phá và giết hại đồng bào trong biến cố Tết Mậu Thân vào đầu năm 1968.

Hậu quả trầm trọng nhất của Biến động miền Trung là chính phủ VNCH phải dồn sức để ổn định xã hội ở thành phố, khiến nỗ lực chống cộng bị suy giảm. Quân nhân ngoài tiền tuyến, nhất là quân nhân Phật tử không an tâm chiến đấu vì hậu phương bị xáo trộn. Nhờ thế, du kích cộng sản có cơ hội tăng cường hoạt động và phát triển ở nông thôn và miền rừng núi.

Cuối cùng, Biến động miền Trung vẫn đem lại một kết quả quan trọng về phương diện dân chủ hóa là đã thúc đẩy nhà cầm quyền quân sự nhanh chóng tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến ngày 11-9-1966, nhằm soạn thảo hiến pháp. Hiến pháp được ban hành ngày 1-4-1967, làm nền tảng cho Đệ nhị Cộng hòa Nam Việt Nam. Có tất cả 11 liên danh ứng cử tổng thống và phó tổng thống ngày 3-9-1967, trong đó liên danh quân đội của Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ đã thắng cử. Tuy các ứng cử viên đối lập cho rằng cuộc bầu cử gian lận, nhưng “đa số trong 22 quan sát viên Hoa Kỳ và 93 quan sát viên của 21 quốc gia đều nhận rằng cuộc bầu cử có nhiều dấu hiệu tự do”.(6) Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy thì nhận định: "Cuộc bầu cử tổng thống năm 1967 có thể được coi là lương thiện và tự do.”(7) Có người cho rằng nếu phe dân sự biết đoàn kết thì có thể thắng cuộc bầu cử nầy. (Hoàng Cơ Thụy, sđd. tr. 3339.)

KẾT LUẬN

Tóm lại, Biến động miền Trung không phải là một biến cố địa phương mà là một sự kiện quan trọng có tầm vóc quốc gia. Đặt vụ Biến động miền Trung năm 1966 trong hoàn cảnh lịch sử đầy xáo trộn sau năm 1963, nguyên nhân sâu xa ban đầu của biến động là những đòi hỏi dân chủ hóa đất nước, thiết lập quốc hội lập hiến, trở lại chính phủ dân sự. Việc cách chức trung tướng Nguyễn Chánh Thi chỉ là cái cớ làm bùng nổ các cuộc biểu tình.

Biến động miền Trung tuy đã thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa VNCH, nhưng ngược lại Biến động miền Trung đã làm suy yếu GHPGVNTN và nhất là làm suy yếu tiềm lực chiến đấu của Quân lực VNCH. Trách nhiệm sâu xa nhất về biến động nầy là những người muốn mưu cầu quyền lực bằng con đường không thông qua thể chế dân chủ. Trong khi đó kẻ có lợi nhất trong Biến động miền Trung không ai khác hơn chính là CSVN. (Trích Việt sử đại cương tập 6.)

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 16-11-2009)
(phungtrangia@ yahoo.com
)

CHÚ THÍCH

1. Trước tháng 11-1963, thiếu tưóng Trí làm tư lệnh quân đoàn I, thiếu tướng Khánh làm tư lệnh quân đoàn II. Sau cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963, hai ông đều được thăng trung tướng và theo lệnh chính phủ mới, hai ông đổi chỗ nhau t ừ tháng 1-1964.
2. Nguyễn Chánh Thi, Việt Nam, một trời tâm sự, California: Nxb. Anh Thư, 1987, tt. 319-32 (2a), tr. 344 (2b).
3. Chính Đạo, Tôn giáo và chính trị, Phật giáo 1963-1967, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 210.
4. Stanley Karnow, Vietnam a History, New York: The Viking Press, 1983, tr. 446.
5. Đoàn Thêm, 1966 Việc từng ngày, California: Nxb. Xuân Thu tái bản, 1989, tr. 119.
6. Đoàn Thêm, 1967 Việc từng ngày, California: Nxb. Xuân Thu tái bản, 1989, tr. 197.
7. Hoàng Cơ Thụy trích dẫn, Việt sử khảo luận cuốn 6, Paris: Nam Á 2002, tr. 3339.

Thứ Hai, tháng 11 16, 2009

Nhà Trần: Cuộc Chiến lần thứ 2 của Quân Dân Đại Việt với Nguyên Mông - Phần I


Thực hiện : Hiền Vy và Nguyễn Phục Hưng




Thời gian: 1285

Nguyên nhân: Nhà Nguyên tìm mọi cách xâm lược Đại Việt - Quân dân Đại Việt cương quyết chống lại để bảo toàn lãnh thổ

Kết quả: Quân dân Đại Việt chiến thắng . Nguyên Mông phải rút lui khỏi Đại Việt

Thứ Năm, tháng 11 12, 2009

Tài Liệu quan trọng về Chủ Quyền cuả Hoàng Sa

Đây là chứng cứ quan trọng khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.



Văn bản bằng tiếng Pháp của châu bản

Tờ châu bản đề ngày 3/2/1939. Nó đặc biệt ở chỗ có đến 2 văn bản khác nhau (một bản bằng tiếng Việt, một bản bằng tiếng Pháp), nhưng liên quan mật thiết với nhau.

Về hình thức, mỗi văn bản đã được đánh máy trên một mặt của một tờ giấy cỡ 21,5 x 31cm. Đây là một loại giấy tốt, chuyên dùng ở Ngự tiền Văn phòng dưới thời Vua Bảo Đại. Bởi vậy, ở góc phía trên bên trái của mỗi tờ, ngoài hai hàng chữ Pháp "Palais Impérial" (Hoàng cung) và "Cabinet Civil de Sa Majesté" (Ngự tiền Văn phòng), tờ nào cũng có in dòng chữ Hán "Ngự tiền Văn phòng dụng tiên".

Văn bản thứ nhất có nội dung như sau:

Huế, ngày 15 tháng 12 năm Bảo Đại thứ mười ba (3.2.1939)

Ngự tiền Văn phòng kính tâu:

Nay Văn phòng chúng tôi có tiếp tờ thơ số 68-sp ngày 2 tháng 2 năm 1939 của quý Khâm sứ Đại thần thương xin thưởng tứ hạng Long tinh cho M. Fontan, Louis, Garde principal de 1ère classe de la Garde Indigène , vừa tạ thế ở nhà thương Huế; và nhờ chúng tôi tâu lên Hoàng đế ban chuẩn. Phí ngân cấp chỉ và thiệt chất huy chương ấy sẽ do ngân sách Trung Kỳ đài thọ. Vậy chúng tôi xin sao nguyên thơ của quý Khâm sứ Đại thần, phụng đính theo phiếu nầy, kính tâu lên Hoàng đế tài định, hậu chỉ lục tuân. Nay kính tâu, Tổng lý Đại thần, Thần: [ký tên: Phạm Quỳnh].
Văn bản thứ hai gửi từ Toà Khâm sứ Trung Kỳ đóng ở bờ Nam sông Hương và viết bằng tiếng Pháp, được tạm dịch toàn văn như sau:

Huế, ngày 2.2.1939; Khâm sứ Trung Kỳ; Huân chương Bắc đẩu Bội tinh.

Kính gửi ngài Tổng lý Ngự tiền Văn phòng, Huế.

Thưa ngài, tôi kính nhờ ngài vui lòng tâu lên Đức Kim thượng xin phê chuẩn cho một đề nghị là truy tặng Long tinh của Nam triều cho ông Louis Fontan là Chánh cai đội hạng nhất của ngạch lính Khố xanh, vừa tạ thế vào ngày hôm nay tại Nhà thương lớn ở Huế sau khi bị bệnh sốt "typhus" mà ông đã nhiễm phải trong thời gian công tác ở đảo Hoàng Sa.

Trong trường hợp lời đề nghị này được chấp nhận, tôi sẽ rất biết ơn ngài nếu ngài gửi thật gấp bằng khen và huy chương ấy cho tôi qua trương mục ngân sách địa phương. Ký tên: Graffeuil. Sao y nguyên bản, Thương tá Ngự tiền Văn phòng -[Ký tên: Trần Đình Tùng].



Văn bản bằng tiếng Việt có chữ ký của Vua Bảo Đại ở châu bản

Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, nội dung của hai văn bản trên đây có thể gộp chung lại để diễn đạt một cách đơn giản như sau:

"Vào ngày 2.2.1939, Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuil gửi cho Tổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Quỳnh một văn thư đề nghị tâu xin Hoàng đế Bảo Đại truy tặng Huy chương Long tinh của Nam triều cho ông Louis Fontan - người vừa qua đời trong ngày hôm ấy.

Trước đó, ông này giữ chức vụ Chánh cai đội hạng nhất của đội lính Khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa. Trong thời gian ra công tác tại đây, ông đã bị nhiễm phải một loại bệnh sốt rét rất nguy hiểm, rồi mất tại Nhà thương lớn ở Huế. Ngay sau khi ông lâm chung, văn thư vừa nêu liền được tống đạt.

Sau khi nhận được văn thư này, Tổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Quỳnh giao cho quan chức dưới quyền trực tiếp của mình là Thương tá Trần Đình Tùng trách nhiệm sao y nguyên văn một bản để đính kèm vào tờ phiến đệ trình lên nhà vua.

Ngày 3.2.1939, nghĩa là chỉ một hôm sau, tờ phiến và bản sao văn thư ấy được Ngự tiền Văn phòng dâng lên Vua Bảo Đại. Trong tờ phiến, ông Tổng lý tuy không nhắc lại nguyên nhân cái chết của ông Fontan (vì đã có nói rõ ở văn thư đính kèm rồi), nhưng đề nghị ban thưởng "tứ hạng Long tinh" cho viên chức người Pháp ấy. Đây là một thái độ coi trọng những người thuộc chính quyền bảo hộ có công phòng thủ đảo Hoàng Sa của Nam triều.

Đọc xong tờ phiến và văn thư đính kèm, Vua Bảo Đại chấp nhận ngay những lời đề nghị trong đó. Nhà vua đã "ngự phê" hai chữ "Chuẩn y" và ký tắt hai chữ "BĐ" (Bảo Đại) bằng viết chì màu đỏ".

Điều này có nghĩa là ngay sau đó, mọi việc cứ thế mà thi hành.

Cũng theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An: "Chúng ta cần chú ý, mặc dù Louis Fontan là người Pháp, nhưng vì đã bất chấp gian khổ để giữ đảo Hoàng Sa cho Việt Nam, cho nên Nam triều đã đánh giá cao công lao của ông ngay khi ông qua đời.

Tờ châu bản này khẳng định thêm một lần nữa là trước khi diễn ra Thế chiến thứ hai và quân đội Nhật xâm chiếm vùng Châu Á - Thái Bình Dương, đảo Hoàng Sa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam. Và sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc thì Hoàng Sa vẫn trở lại thuộc chủ quyền của nước ta như cũ".

Thứ Hai, tháng 11 02, 2009

Nhà Trần: Trận chiến giữa quân dân Đại Việt và Nguyên Mông lần thứ nhất




Hiền Vy và Nguyễn Phục Hưng thực hiện
...


Nửa đêm ngày 28 tháng 1 năm 1258 , từ nơi trú quân là Hoàng Giang, Trần Thái Tông cùng Thái tử Trần Hoảng ngược sông, bất ngờ đánh thẳng vào quân Mông Cổ. Quân Mông Cổ cho rằng lực lượng quân Trần đã kiệt quệ sau trận thua đầu nên rất chủ quan, do đó khi bị tập kích đã không kịp trở tay, bị thua to.

Chủ Nhật, tháng 11 01, 2009

Lễ Giỗ lần thứ 46 Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm tại Houston

Hôm nay, ngày 1 tháng 11 năm 2009 tại Nhà Thờ La Vang TP Houston - TX - USA Cộng đồng Người Việt Quốc Gia đã qui tụ lại để làm Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, vị Tổng Thống của Nền Đệ I Công Hòa đã bị Chánh phủ Hoa Kỳ và các phản Tướng VNCH làm đảo chánh ngày 1/11/1963 và giết chết Ông và Bào đệ là Ông Ngô Đình Nhu ngày 2/11/1963.

Đã 46 năm trôi qua, nhưng trong lòng người Việt của Miền Nam Việt Nam vẫn luôn tưởng nhớ đến Người.

Sau đây là một số hình ảnh do Bùi Ngọc Thắng chụp và bienchet thực hiện vào video maker.

Phần 1 : Buổi lễ được Tổ chức theo Nghi lễ Thiên Chúa Giáo trong Nhà Thờ La Vang :



Phần 2 : Lễ Truy điệu tại Hội trường Nhà Thờ La Vang :