Chủ Nhật, tháng 1 11, 2009

Người Lính Việt Nam Cộng Hòa - phần 01

Người Lính Việt Nam Cộng Hòa - phần 02

Người Lính Việt Nam Cộng Hòa - phần 03

Người Lính Việt Nam Cộng Hòa - phần 04

Người Lính Việt Nam Cộng Hòa - phần 05

Người Lính Việt Nam Cộng Hòa - phần 06

Người Lính Việt Nam Cộng Hòa - phần 07

Người Lính Việt Nam Cộng Hòa - phần 08

Người Lính Việt Nam Cộng Hòa - phần 09

Người Lính Việt Nam Cộng Hòa - phần 10

Người Lính Việt Nam Cộng Hòa - phần 11

Người Lính Việt Nam Cộng Hòa - phần 12

Thứ Sáu, tháng 1 09, 2009

HỒi ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

HỒI ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM


NGUYỄN-HUY HÙNG

Cựu Ðại Tá Quân lực Việt Nam Cộng hoà.


TIỂU SỬ TÁC GIẢ

NGUYỄN-HUY HÙNG
-Phật tử, Pháp danh KHIẾT CHÂU,
-Sanh vào ngày Saint Patrick's Day, cuối thập niên 20, Thế kỷ 20, tại Thị xã LẠNG SƠN, Bắc phần Việt Nam. (nơi có di tích lịch sử ẢI NAM QUAN).
-1945, gia nhập Phục Quốc Quân hoạt động bí mật.
-5 tháng 7 năm 1947, gia nhập Vệ binh Bắc Kỳ.
-1 tháng 6 năm 1949, tốt nghiệp Thiếu úy, Khoá 1 (Khoá Bảo Ðại) Trường Võ bị Quốc Gia Việt Nam. Bổ nhiệm về Tiểu đoàn 2 VN cùng ngày, tại HÀNỘI.
-1950, du học bổ túc Sĩ quan chuyên nghiệp tại Pháp.
-1956, Thiếu tá, du học Truyền Tin tại Hoa Kỳ.
-1957, Giám đốc Trường Truyền Tin, Liên Trường Võ Khoa Thủ Ðức.
-1961, Chỉ huy phó Viễn Thông, Bộ Tổng Tham mưu Quân lực việt Nam Cộng Hoà.
-1965, Trung tá, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Trung ương Ðịa phương quân và Nghiã quân QLVNCH.
-1970, Ðại tá Phụ tá Tổng cục trưởng Chiến tranh chính trị QLVNCH, kiêm Chủ nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến.
-1975, Tù nhân chính trị trong các Trại tập trung của Cộng sản Việt Nam, 13 năm (từ sau 30 tháng 4 năm 1975 cho tới 13 tháng 2 năm 1988).
-Tháng 8 năm 1992, định cư tỵ nạn Cộng sản tại Liên Bang Hoa Kỳ.

LỜI MỞ ÐẦU.

Thời gian tiếp tục quay, những dấu vết lịch sử ghi trên không gian cũng phai mờ dần theo luật biến hoá sinh diệt của Tạo hoá, nhưng không bao giờ bị xoá mờ trong bộ não của con người, cho đến khi phổi ngưng thở, tim ngừng đập, mắt nhắm, tay xuôi trở về với cát bụi.

Trong suốt 13 năm ở trong các trại tập trung, bạn bè đồng tù, trong đó có cả các vị Tuyên úy Quân đội như Linh mục, Mục sư, Thượng tọa, Ðại đức, đều yêu cầu Tôi, sau khi ra tù hãy ghi lại hết sự thực gian khổ nhục nhằn, mà Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã dành cho chúng tôi, những người đã cả gan cằm súng chiến đấu chống lại Cộng sản quốc tế mà CSVN làm tay sai. Ðể cho Nhân dân Thế giới và đồng bào Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng thấy được mặt thật quỷ quyệt, tàn bạo vô nhân đạo, giả nhân nghiã của CSVN, đối với những ai không chịu theo đường lối chính trị chuyên chính vô sản bạo tàn của bọn chúng.

Từ khi được cùng gia đình tới Hoa Kỳ, định cư theo diện H.O. (Humanitarian Operation) tỵ nạn Cộng sản đến nay cũng được 8 năm, rất nhiều các bạn trẻ con các gia đình di tản trước 30-4-1975, hoặc được sanh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ sau 30-4-1975, không biết gì về biến cố đen tối này của dân tộc Việt Nam, đã yêu cầu Tôi kể cho họ nghe, rồi lại yêu cầu ghi chép để phổ biến rộng rãi cho mọi người, cùng thấy được mặt thật của CSVN mà đề phòng khỏi bị cám dỗ lôi cuốn.

Tôi suy nghĩ đắn đo mãi mà chưa muốn thực hiện. Không phải vì Tôi sợ CSVN hay tay sai của họ có mặt khắp nơi trả thù, mà vì muốn chờ xem những lời cam kết đổi mới của CSVN, sau khi cái nôi CS quốc tế là Liên sô tan rã hoàn toàn, có sẽ đem lại được gì tốt hơn cho Dân tộc Việt Nam như CSVN đã rêu rao không?

Nhưng cho tới nay, sau 25 năm CSVN độc quyền “một mình một chợ múa gậy vườn hoang”, không ai cản trở, thế mà cái Chế độ Xã hội Chủ nghiã thường được CSVN khoa trương là ngàn lần tốt đẹp hơn Chủ nghĩa Quốc gia Tư bản, đã không đem ấm no hạnh phúc đến cho Dân tộc Việt Nam. Trái lại, Quốc gia Việt Nam vẫn trong tình trạng lạc hậu chậm phát triển, bị Quốc tế xếp vào hàng các nước nghèo đói nhất Thế giới. Dân chúng không có bất cứ một tự do căn bản nào của con người trong một nước có chủ quyền độc lập, còn bị bóc lột sức lao động một cách tinh vi, tàn bạo, dã man hơn cả các thời Phong kiến, Thực dân xa xưa bóc lột nông nô. Riêng chỉ có các Lãnh tụ và Ðảng viên của Ðảng CSVN, tùy theo thứ vị quyền lực đang nắm giữ, trở nên giầu có ăn tiêu phung phí xa hoa, chẳng khác nào các nhà Ðại Tư Bản trong Thế giới Tự do, vẫn từng bị CSVN lên án là bọn Ðế quốc Tư bản bóc lột giới lao động.

Trắng trợn hơn nữa, CSVN còn ngoan cố đánh bóng và thần thánh hoá, những việc làm tội lỗi của chúng đối với Dân tộc suốt hơn nửa Thế kỷ 20 vừa qua, và gán cho những người chống đối Cộng sản là phản quốc, bán nước, làm nô lệ cho ngoại Bang để cầu vinh. Trong khi những bí mật chính trị trong thời gian qua vừa được tiết lộ, đã chứng minh rõ ràng Hồ Chí Minh và bọn CSVN mới chính là nhóm tay sai ngoại bang, tàn phá quê hương, giết hại đồng bào Việt Nam, để chiếm độc quyền cai trị Dân tộc theo Chế độ Cộng sản chuyên chính của Liên sô nay đã tan rã.

Chế độ Cộng sản chuyên chính độc tài, độc đảng của Liên sô đã bị chính nhân dân Nga hủy diệt, vào những năm cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990, để tái lập chế độ chính trị quốc gia theo mô thức Cộng Hoà đa đảng của Liên Bang Hoa Kỳ, với cái tên mới “Liên Bang Nga”.

Một số đảng viên kỳ cựu của Ðảng CSVN, theo Hồ chí Minh từ thuở ban đầu, nay thấy được những sai trái tội lỗi của Ðảng, đã phản tỉnh can đảm lên tiếng phê bình xây dựng, theo tinh thần Dân chủ mà Ðảng rêu rao. Lập tức bị Ðảng thi hành kỷ luật khai trừ, bắt bớ hạch sách, cô lập theo dõi, làm khó dễ đủ đường. Nhiều người đã bị kết án tù hoặc bị giam cầm cải tạo vô thời hạn.

Vì thế, Tôi quyết định không chờ đợi nữa, phải bắt tay vào viết ngay “HỒI ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM”, để đáp ứng lời yêu cầu của những người muốn biết mặt thật của CSVN, nhưng chưa có may mắn sống dưới sự cai trị của Bạo quyền CSVN.

Mặc dù biết mình không có khả năng của một văn sĩ hay thi sĩ. Nhưng là một nhân chứng của dòng lịch sử Việt Nam, trong suốt ba phần tư sau của Thế kỷ 20, đã cùng đồng bào của mình trải qua bao sóng gió phũ phàng của chiến tranh giành độc lập, tranh chấp giữa hai ý thức hệ Cộng sản và Nhân bản Quốc gia, ngay trên đất nước. Tôi vẫn thấy cần phải cố gắng hết sức mình, ghi lại một cách chân tình, mộc mạc, trung thực, những gì Tôi đã chứng kiến, bản thân đã phải chịu đựng. Ðể đóng góp vào kho tài liệu sự kiện đã xẩy ra tại Việt Nam trong Hậu bán Thế kỷ 20, cho các thế hệ sau Tôi tham khảo, biết được sự thật không bị bóp méo như các dữ kiện của bọn CSVN đã cố tình tạo ra và phổ biến, với dụng ý giành phần phải cho chúng trước sự phán xét của Dân tộc Việt Nam và dư luận Thế giới.

Hy vọng lòng nhiệt thành của Tôi, sẽ được chư độc giả bỏ qua cho những thiếu sót về sưu tập tin tức tài liệu, cũng như kỹ thuật cú pháp hành văn, thơ.

Viết “HỒI ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM”, Tôi cũng muốn dành riêng để tặng, và tỏ lòng biết ơn sâu xa của Tôi đối với Vợ và các Con nay đã là Công dân Hoa Kỳ, về những hy sinh lớn lao cao quý của họ. Trong suốt thời gian mười mấy năm trời sau 30-4-1975, Vợ Con đã phải kiên nhẫn chịu đựng mọi cay đắng nhục nhằn, sống dưới sự cai trị của Bạo quyền Cộng hoà Xã hội Chủ nghiã Việt Nam, để hỗ trợ cả tinh thần lẫn vật chất cho Tôi sống còn, đến khi được tha ra khỏi Trại tập trung của CSVN. Lại còn phải lo phần tài chánh cần thiết, để hoàn tất được mọi thủ tục xin đi định cư tỵ nạn Cộng sản trên đất nước Hoa Kỳ, đầy tình người và giầu lòng bác ái này.

“HỒI ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM” cũng được viết ra để tỏ lòng biết ơn sâu xa của Gia đình chúng tôi, đến Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ, cùng tất cả các Quốc gia có chân trong Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đã tham gia áp lực Liên sô, Trung cộng, buộc tay sai của họ là CSVN phải thả chúng tôi. Những người Việt Nam đã liên tục chiến đấu mấy chục năm trời, ngăn cản làn sóng xâm lăng bành trướng của Cộng sản Quốc tế trên đất nước Việt Nam thân yêu của mình, nên bị CSVN giam cầm đầy đọa, tiêu diệt lần mòn theo Chính sách Lao động cải tạo tư tưởng do Hồ chí Minh nghĩ ra, trăng trối lại cho bè lũ đàn em thi hành.

Thoạt nghe “Lao động cải tạo tư tưởng”, ai cũng cho là một chính sách vô cùng nhân đạo. Nhưng có là nạn nhân của chính sách, mới thấy nó độc ác tàn bạo vô nhân đạo gấp trăm ngàn lần chính sách xử bắn hay xử chém của Phong kiến, Thực dân cũ. Vì phương châm thực hiện của nó theo lời chỉ dạy của Hồ Chí Minh là : “-Ðừng giết chúng nó, hãy dùng chúng nó làm công cụ sản xuất cho Xã hội, bắt chúng nó làm cho chúng nó ăn, đầy đọa cho chúng nó chết lần chết mòn vì kiệt sức nơi rừng thiêng nước độc, thâm sơn cùng cốc, thì ai mà biết được.”

NGUYỄN HUY HÙNG.

Quận Orange, Nam California, Ngày 30-4-2000.



Chương 1

30 THÁNG 4 NĂM 1975, NGÀY QUỐC HẬN
CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM.


Vì áp lực của Hoa Kỳ cắt viện trợ nên ngày 21-4-1975, Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu phải từ chức, nhường cho Phó Tổng thống Trần văn Hương lên thay. Trước khi bàn giao, Tổng Thống Thiệu đã xuất hiện trên màn ảnh của đài vô tuyến truyền hình Saigon, nói chuyện để giã biệt quốc dân đồng bào miền Nam Việt Nam, với những lời nghẹn ngào phân bua là bị đồng minh Hoa Kỳ phản bội.

Ðến lượt tân Tổng Thống Hương cầm quyền, vẫn tiếp tục bị áp lực, nên ngày 25-4-1975, cũng lại phải tuyên bố từ chức, và yêu cầu Quốc hội Việt Nam Cộng Hoà đề cử người thay thế.

Ngày 27-4-1975, một số Dân cử trong Quốc hội chưa di tản, họp nhau lại thảo luận sôi nổi đến tối, và đi đến quyết định cuối cùng là ủy quyền cho Ðại tướng Dương văn Minh làm Tổng thống, để tiếp xúc với Việt cộng tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến.

Sáng sớm ngày 28-4-1975, ký giả Huy Vân (bút hiệu của Trung úy Nguyễn Trung Hoà, đã chết trong trại tập trung Tân Lập, Vĩnh Phú, Bắc Việt, năm 1978) Chủ bút Nhật báo Tiền Tuyến, đã trình cho Tôi (Chủ nhiệm) biết là, có nguồn tin chính xác từ giới thân cận Tướng Dương văn Minh cho hay, hôm nay ông Minh sẽ dùng trực thăng đi thị sát mặt trận Long Khánh, để bí mật tiếp xúc với người đại diện của Cộng sản Bắc Việt.

Buổi chiều cùng ngày 28-4-1975, ông Minh làm lễ nhậm chức, chỉ có mặt 2 vị Ðại sứ Hoa Kỳ và Pháp tham dự. Tối 28-4-1975 ông Minh tuyên cáo trên làn sóng đài phát thanh Saigon, yêu cầu Ðại sứ Hoa Kỳ rút hết nhân viên D.A.O. ra khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, để ông ta dễ thương thuyết với Cộng sản về giải pháp đình chiến.

Tướng Vĩnh Lộc, tân Tổng Tham mưu trưởng Quân lực VNCH, do Tổng thống Minh bổ nhiệm, xuất hiện trên màn ảnh của đài vô tuyền truyền hình Saigon, kêu gọi quân sĩ vững tâm duy trì kỷ luật tiếp tục chiến đấu, sau khi đã bầy tỏ những lời khinh chê các Tướng, Tá, hèn nhát bỏ quân đào ngũ trốn chạy như chuột.

Ngày 29-4-1975, trực thăng của Hoa Kỳ từ Hạm đội 7 đang hoạt động tại ngoài khơi Thái Bình Dương, bắt đầu dồn dập liên tục bay vào Saigon bốc người di tản, và chấm dứt vào tảng sáng 30-4-1975.

Saigon trong những ngày cuối tháng 4-1975 được đặt trong tình trạng giới nghiêm, tất cả các báo ngưng hoạt động, riêng chỉ có Nhật báo Tiền Tuyến vẫn phát hành hàng ngày, để gửi qua Cơ quan chuyển vận thuộc hệ thống Tiếp vận Quân đội chuyển đến các đơn vị. Việc này thực hiện được là nhờ Trung tướng Trần văn Trung Tổng Cục Trưởng Chiến tranh Chính trị, chỉ thị Cục Tâm lý chiến in hàng đêm, và chuyển sang Tiếp vận gửi đi. Ðại tá Phan Trọng Thiện, Cục Phó Cục Tâm Lý Chiến được lệnh tiếp xúc với Tôi làm việc này. Sau 30 tháng 4, Ðại tá Thiện cũng phải đi tập trung cải tạo. Chúng tôi cùng phải chuyển qua nhiều trại. Ðến năm 1982 đang ở trại Thanh Phong, Như Xuân, Thanh Hoá (nơi có trại Thanh Cầm mà CSVN đã dự tính đem tất cả vợ con tù cải tạo, đến cùng chồng định cư vĩnh viễn ở nơi vùng rừng núi Trường Sơn đó), thì Tôi được chuyển về trại Z30C, Hàm Tân, Thuận Hải, Nam Việt, còn anh Thiện bị chuyển ra vùng Nam Hà, Bắc Việt. Sau khi định cư tỵ nạn tại Hoa Kỳ, Tôi có dịp gặp lại anh Thiện, trong một kỳ họp mặt anh em Hội ái hữu Chiến tranh Chính trị Hải ngoại tại quận Orange, Nam California, nên biết được anh Thiện định cư tại Connecticut, Hoa Kỳ.

Chiều ngày 29-4-1975, đường phố Saigon bỗng dưng nhộn nhịp như vỡ chợ, mặc dù vẫn còn lệnh giới nghiêm. Xe dân sự, xe quân sự đua nhau chạy ngược chạy xuôi vội vã. Người ta đi tìm đến các điểm tập trung theo giấy thông hành di tản riêng quy định từ trước, để chờ trực thăng Mỹ bốc đi. Ðầy nghẹt xe cộ và người bu đông trước Toà Ðại sứ Mỹ ở đường Thống Nhất, và tại Bến Bạch Ðằng cuối đường Tự Do, khu gần Bộ Tư lệnh Hải Quân QLVNCH.

Khu Thị Nghè gần Tân Cảng, đồ hộp thực phẩm đủ loại lấy ở các kho của Mỹ đổ bán đầy đường, rẻ mạt, người ta tranh nhau mua về tích trữ. Những khu có các chung cư người Hoa Kỳ di tản, người ta ùn ùn kéo nhau vào hôi đồ đạc tự do, trước sự chứng kiến của Cảnh sát.

Khoảng 10 giờ ngày 30-4-1975, Dương văn Minh tuyên cáo qua làn sóng Ðài phát thanh Saigon, ra lệnh cho binh sĩ buông súng thôi không chiến đấu nữa, đợi Cách mạng vào bàn giao. Tôi rời Toà báo lái xe chạy sang Tổng cục, không thấy Trung tướng Trung, theo lời nhân viên văn phòng cho biết, Trung tướng được lệnh gọi sang họp bên dinh Tổng Thống.

Tôi lên xe chạy về đón vợ con tìm đường thoát xuống miền Tây, hoặc tìm tầu di tản. Bến Khánh Hội, bến Tân Cảng, không còn tầu. Ðường qua cầu Bến Lức đi miền Tây, đầy nghẹt xe hơi đủ loại đậu nối đuôi nhau dài hàng cây số. Ðường đi Vũng Tầu còn giao tranh nguy hiểm không đi được. Vô kế khả thi, Tôi đành chở vợ con vào trú tạm nhà người quen ở ngay khu bến xe Lục tỉnh, gần Viện Hoá Ðạo, sẵn sàng đón nhận tất cả những điều tồi tệ nhất sẽ đến với mình và vợ con mình.

Khoảng 4 giờ chiều 30-4-1975, không biết từ đâu về, bao nhiêu là đàn ông lực lưỡng nhào lên ngồi đầy trên tất cả các chiếc xe đò đi miền Tây, miền Ðông, nằm ụ tại đó từ những ngày bắt đầu giới nghiêm đến giờ, và yêu cầu các chủ xe chở họ đi miền Tây hoặc miền Ðông. Trong xe hết ghế, người ta ngồi đầy cả trên nóc xe. Hỏi ra mới biết là quân nhân thuộc Trung đoàn đóng ở cầu Bến Lức, đường đi Long An. Sau khi nghe lệnh Dương văn Minh yêu cầu buông súng đợi bàn giao cho Cộng sản, họ đã vứt bỏ quân trang vũ khí xuống sông, rời đơn vị đi tìm đường về quê quán với gia đình, chớ không đợi bàn giao cho Cộng sản như lệnh của ông Tướng phản bội chiến hữu, phản bội nhân dân miền Nam.

Cũng trong lúc đó, từ các ngõ hẻm, một số dân đi theo mấy anh Nhân dân Tự vệ mặc quần áo đen, cột mảnh băng vải đỏ nơi tay áo, lăm lăm cây súng, ùn ùn kéo nhau ra, trèo đại lên các xe GMC quân đội bỏ bên đường, lái đi hôi của tại các Kho hàng của Quân tiếp vụ QLVNCH ở phiá sau Chợ Cá Trần quốc Toản.

Một nhóm khác, gồm đôi ba Nhân dân tự vệ mặc quần áo đen, mang súng của VNCH cấp, cùng mươi lăm người dân lao động khác đeo nơi tay áo trái băng vải đỏ (những người Cách mạng 30 tháng 4), hô hoán kéo nhau ra Bình bông ngã 7, căng biểu ngữ và cờ nửa xanh nửa đỏ, có ngôi sao vàng ở giữa (cờ quân giải phóng miền Nam), đợi đón mừng giải phóng quân vào Thành phố.

Khoảng 5 giờ thì có 1 đoàn xe Molotova, chở mỗi xe chừng dăm bẩy anh Giải phóng quân, mặt non choẹt, xanh lét, búng ra sữa, dáng sợ sệt, ngồi bệt dưới sàn xe, tựa lưng vào nhau, tay ôm chặt khẩu AK của Cộng sản, quay mặt ngơ ngác nhìn lên các tầng lầu 2 bên phố mà đoàn xe chạy qua. Ðứng trên lầu cao nhìn xuống, thấy chẳng khác nào những con ếch ngồi trong đáy thùng thiếc mà người ta đem ra chợ bán vậy. Trông thật đáng tội nghiệp, chẳng thấy tý hào khí nào của những anh hùng giải phóng, kiêu hãnh như các anh Cán bộ Cộng sản Bắc Việt cả.


Big MINH (1) hàng, thế là xong,
Nghe lời tuyên cáo mà lòng nát tan.
Thất thần, cổ nghẹn, lệ tràn,
Tim rung loạn nhịp, thời gian đọng chìm.
Bàng hoàng như gẫy cánh chim,
Không gian đảo lộn, khó tìm lối ra.
Thôi rồi ! mất nước mất nhà,
Bao năm chiến đấu bôn ba ích gì?
Sóng lùa Dân chủ trôi đi,
Tự do biến mất còn chi cuộc đời.
Xuôi tay phó mặc ông Trời,
Chờ coi đảng cướp thị oai thế nào.
Xem bầy phản bội ra sao,
Vinh thân hay cũng phải vào ngục đen.
Cộng Hoà Chiến sĩ chẳng hèn,
Lột Quân trang phục vứt bên lề đường.
Tản đi khắp nẻo Quê hương,
Không hàng Việt Cộng, như phường Big MINH.

Saigon, Tháng 5-1975.

(1) Hoa kỳ thường gọi Dương văn Minh bằng Big MINH, để phân biệt với Thiếu tướng Trần văn Minh Tư lệnh Quân khu 1, sau này được thăng Trung tướng, đi làm Ðại sứ đại diện Việt Nam Cộng Hoà tại các nước thuộc Phi Châu.

HỒi ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 2

CHƠI VƠI GIỮA DÒNG SÓNG ÐỎ.

Lúc mười giờ sáng 30-4-1975, qua làn sóng đài phát thanh Saigon, Dương văn Minh chính thức tuyên bố đầu hàng, dâng miền Nam Việt Nam cho Cộng sản Bắc Việt xâm lăng. Ðến tối, Trần văn Chà tướng Việt cộng, Chủ tịch Ban Quân quản Saigon, ra thông cáo cũng đọc trên làn sóng đài phát thanh Saigon, buộc tất cả Quân nhân, Công chức thuộc Chế độ Saigon cũ phải đến nhiệm sở để trình diện kể từ ngày 1-5-1975. Ai không thuộc các đơn vị ở Saigon, phải đến trình diện tại Phường nơi gia đình đang cư ngụ hoặc tạm trú.

Ngày 1-5-1975, Ủy ban Quân quản Saigon tổ chức Mít-tinh mừng ngày Quốc tế Lao động và Thống nhất đất nước, rất lớn tại đường Thống Nhất trước dinh Ðộc Lập. Chắc chắn sẽ có nhiều người hiếu kỳ và bọn “Cách mạng 30 tháng 4” ra đường, nên Tôi quyết định không đi trình diện vào ngày đó. Hơn nữa, Vợ Con tôi cũng khuyên, trong lúc còn hỗn quân hỗn quan, tình hình chưa hoàn toàn ổn định không nên ra đường, e có thể gặp những kẻ xấu đón gió trở cờ, hại mình để lập công với quân Giải phóng thì thiệt thân.

Sau khi nghe lời thông cáo của Trần văn Trà, hai người con lớn của Tôi cưỡi xe đạp đi tìm gặp Hạ sĩ D., một nhân viên làm việc trong Văn phòng của Tôi, nhà cũng ở khu Bàn Cờ gần nơi gia đình tôi đang tạm trú, để tìm hiểu xem gia đình anh ấy có di tản không? Nếu anh ấy còn ở đó với gia đình, thì tìm hiểu xem anh ấy đã đi trình diện chưa? Hạ sĩ D. có nhà riêng 3 tầng ngay bên mặt lộ lớn, giữa trung khu Bàn Cờ. Các tầng lầu để ở, tầng trệt dưới cùng mở cửa hàng bán sách, dụng cụ cắm trại và các loại huy hiệu trang phục cho Hướng đạo sinh. Gia đình anh D. người miền Trung, thuộc dòng gốc theo đạo Thiên Chúa. Cha anh D. có nhiều liên hệ quen thân với các Linh mục đang trách nhiệm các cơ sở dòng tu và Nhà Thờ tại thị xã Vũng Tầu.

Nửa tiếng đồng hồ sau, các con Tôi trở về có anh D. đi theo. Thấy Tôi, anh em ôm nhau mừng rỡ. Vì cùng là Huynh trưởng Hướng đạo, nên xưa nay chúng tôi vẫn đối xử với nhau không theo cung cách cấp bậc Quân đội. Anh D. xửng sốt kêu : “-Sao Anh không di tản đi?”. Tôi trả lời cũng có tìm đường đấy, nhưng không gặp giây, đành chịu vậy biết làm sao bây giờ.

Trong những dịp tổ chức Trại huấn luyện Huynh trưởng Hướng đạo Quân đội, tại Long Thành hoặc Vũng Tầu hồi trước 30-4-1975, Tôi thường đưa Vợ và các Con đến dựng lều ở chơi trong Trại, nhờ thế các Con tôi và anh D. có nhiều cảm tình thân thiết với nhau. Hẳn là các Con tôi đã nói gì với anh D. trước, nên để trấn an tinh thần cho Tôi, anh ấy nói tiếp ngay : “-Mồng hai, em mới đi trình diện. Em sẽ ghé lại đèo Anh cùng đi bằng Honda của em. Anh đừng lo. Mồng một, người ta tổ chức mít tinh lớn lắm, sẽ có đông người, Anh không nên ra đường.”

Anh D. cũng khoe rằng, một người thân của Cha anh ấy đi tập kết mới trở về có ghé thăm gia đình, cho biết là cứ yên tâm đi trình diện, làm thủ tục xong sẽ được tạm về chờ lệnh Nhà nước gọi đi học tập sau. Hạ sĩ quan, Binh sĩ như anh ấy, thì sẽ học tập 3 ngày tại địa phương. Còn Sĩ quan là những người quan trọng hơn lính, sẽ phải đi cải tạo một thời gian, rồi mới được trở về hội nhập vào xã hội mới Xã hội Chủ nghiã.

Sáng ngày 2-5-1975, anh D. đem Honda đến đón Tôi cùng đi trình diện, tại trụ sở Tổng cục Chiến tranh Chính trị, số 2 Ðại lộ Thống Nhất, Saigon. Trên dọc đường đi anh D. dặn Tôi, khi đến nơi hãy đứng ở ngoài cổng giữ xe, để anh ấy vào thăm thú xem tình hình ra sao. Nếu thấy thuận lợi không có gì nguy hiểm thì sẽ trở ra kêu Tôi vào. Còn ngược lại thì sẽ ra đưa Tôi về nhà tìm phương cách khác.

Văn phòng Tổng cục trưởng của Trung tướng Trung, được dùng làm nơi trình diện và hoàn tất các thủ tục khai báo. Anh D. vào được 5 phút thì quay ra khoá cổ xe Honda và rủ Tôi cùng vào.

Khoảng 20 Sĩ quan, Hạ sĩ quan, Binh sĩ thuộc Tổng cục đã đến từ trước ngồi đầy các ghế, Tôi và anh D. ngồi vào 2 ghế còn trống trên hàng đầu.

Một Cán bộ Cộng sản, mặc bộ đồ Tác chiến xám mầu cứt ngựa, không thấy đeo cấp hiệu, ngồi nơi bàn làm việc của Tướng Trung, vẫy tay kêu từng người lên làm việc theo thứ tự tới trước sau. Sau này khi nhận được giấy chứng nhận đã trình diện do ông ấy ký, Tôi mới biết tên là Việt, cấp bậc thì không rõ vì không ghi trên giấy.

Tôi ngồi trên chiếc ghế ở hàng đầu, sát gần trước bàn giấy ông Việt đang ngồi, được một lúc thì thấy cánh cửa phiá thông qua phòng tùy viên bật mở. Một người cũng mặc đồ trận, vai đeo chiếc máy ảnh dã chiến loại nhà nghề, tay trái đeo một băng vải đỏ (cách mạng 30 tháng tư), bưng phích nước trà sâm bước ra để lên bàn.

Liếc nhìn thấy Tôi, người này ghé tai nói nhỏ điều gì với ông Việt, rồi đi trở vô trong. Một phút sau trở ra, để lên bàn trước mặt ông Việt một mẩu giấy nhỏ. Nhờ thế, Tôi nhận ra được người kia chính là anh Hạ sĩ quan chuyên viên chụp ảnh của Cục Tâm Lý Chiến, thường được chọn lựa cho đi theo ghi những hình ảnh phóng sự, hoạt động của Tổng thống Thiệu và các cấp Lãnh đạo lớn trong Chính phủ VNCH trước 30-4-1975.

Ông Việt liếc mắt đọc mảnh giấy xong, ghé sát tai anh ta nói nhỏ. Sau đó anh ta đi vào bên trong mất hút. Hai phút sau, có tiếng nói ở cuối Phòng, yêu cầu mọi người tạm sang phòng Họp kế bên chờ, Cán bộ cần làm việc riêng một lúc. Tôi đứng lên thì ông Việt nói : “-Mời Ðại tá ngồi đó, tôi có chuyện hỏi riêng.”

Tôi giật mình, không biết chuyện gì sẽ xẩy ra, nhưng vẫn bình tĩnh ngồi xuống. Ðã rơi vào tay Cộng sản, thì trước sau rồi cũng chết có gì mà phải lo.

Chẳng có gì đặc biệt, ông ấy hỏi Cấp bậc, Chức vụ trong Tổng cục, lý lịch cá nhân, có mấy con, bây giờ Vợ Con đang ở đâu, quá khứ hoạt động trong chính quyền cũ, tên các cấp chỉ huy các cơ quan và đơn vị mình đã phục vụ, bây giờ họ ở đâu?… và sau cùng yêu cầu nộp súng cá nhân, y như đã làm đối với mọi người đã trình diện trước vậy thôi.

Khi Tôi nộp khẩu súng lục có ổ quay tròn và hộp đạn xong, ông ấy hỏi : “-Không có dao găm à?” Tôi trả lời Sĩ quan Quân đội chúng tôi đâu có được phát dao găm. Ông ta gật đầu rồi hỏi tiếp : “-Ðại tá có biết bây giờ Trung tướng Trung đang ở đâu không?” Tôi trả lời, hồi sáng sớm 30-4-1975, Tôi còn tiếp xúc với Trung tướng Trung qua điện thoại Văn phòng này, bây giờ thì không biết Tướng Trung ở đâu.

Sau khi hỏi cung Tôi xong, mọi người lại được mời trở lại chỗ ngồi như trước. Ông Việt yêu cầu một anh em nào đó đang có mặt trong Phòng phát biểu ý kiến. Anh D. xung phong nói : “-Ăn cây nào thì phải rào cây nấy, sống dưới Chế độ miền Nam thì chúng em phải tuân hành luật lệ như mọi người, thi hành nghiã vụ quân sự vậy thôi. Bây giờ Cách mạng thành công, đất nước thống nhất dưới quyền của Cách mạng, thì chúng em chỉ muốn được tiếp tục sống như những người dân bình thường, tuân theo luật lệ của Nhà nước Cách mạng.”

Ông ấy gật đầu rồi chỉ tay vào Tôi hỏi : “-Ðại tá có ý kiến gì không ?”

Tôi chậm rãi hỏi : -Cán bộ có thể cho Tôi biết Cấp bậc của Cán bộ, để tiện xưng hô không?

Ông ta nói : “-Ðối với chúng tôi cấp bậc không quan trọng, Ðại tá cứ gọi Cách Mạng là được rồi.”

Tôi bình tĩnh nói : -Cách mạng và chúng tôi, mỗi bên đi theo một lý tưởng xây dựng kiến thiết Quốc gia khác nhau, nay chúng tôi thua, trở thành tù binh của Cách mạng, thì tùy quyền xét xử của Cách mạng. Làm gì thì chúng tôi cũng phải chịu. Chỉ xin một điều duy nhất, là Vợ Con của chúng tôi không liên hệ gì vào công việc làm của chúng tôi, cũng như bao nhiêu người dân sống ở miền Nam này vậy, xin hãy đại lượng cho họ được tiếp tục sinh sống như mọi người dân thường khác.

Ông ấy nói : “-Cách mạng rất Ðại lượng và Công bằng, các anh cứ yên tâm đừng lo, tôi sẽ cấp giấy chứng nhận đã trình diện để các anh ra về thong thả, và ở nhà đợi lệnh Nhà nước sẽ gọi đi học tập cải tạo một thời gian, chắc chắn không lâu bằng thời gian đã phục vụ trong Chế độ cũ đâu.” Và để trấn an mọi người, ông Việt với giọng ôn tồn thân thiện trịnh trọng nói thêm : “-Tội ai làm nấy chịu, Vợ con không liên can gì, vẫn được cư xử công bằng như mọi người dân bình thường khác. Cách mạng không bao giờ nói sai đâu. Các anh cứ yên tâm.”

Sau khi nhận giấy đã trình diện xong, Tôi thở phào nhẹ nhõm, mừng vì có được thêm thời gian lo ổn định nơi ăn chốn ở cho Vợ Con, trước khi ly biệt nhau không hy vọng ngày trở lại. Anh D. vui mừng khoác tay Tôi kéo đi vội ra cổng, làm như sợ người ta đổi ý kiến.

Tới cổng, trong khi anh D. mở khoá cổ xe Honda, Tôi ghếch ngồi lên nệm phía sau lưng anh ấy, người bộ đội gác cổng nhìn Tôi hất hàm hỏi : “-Hộ lý của anh đấy à?”. Anh D. nhanh miệng trả lời : “-Không, anh này làm chung một chỗ với em, nhà ở gần nhau, nên cùng đi cho vui vậy thôi.” đồng thời lẹ làng mở máy xe, thả ga vọt đi thật nhanh chở Tôi về căn nhà gia đình Tôi đang tạm trú.

Ðến chiều tối, anh D. đến mời cả gia đình Tôi, sang tạm trú tại nhà riêng của anh ấy cho được “bảo đảm” an ninh hơn. Vì nhờ ông thân sinh của anh ấy, có người thân thuộc hàng Cán bộ đi tập kết về, được xe hơi nhỏ của Nhà Nước chở tới nhà thăm gia đình, xóm giềng ai cũng thấy, nên Cán bộ địa phương và bọn “Cách mạng 30 tháng tư” không dám héo lảnh làm phiền.

Hồi cuối năm 1995 hay đầu 1996, Tôi không nhớ rõ ngày, nhân dịp về dự Trại Họp bạn Hướng đạo Việt Nam tại vùng Quận Orange Nam California, anh D. được Mục sư Nguyễn quang Minh, cũng là một Huynh trưởng Hướng đạo Việt Nam trước kia, cho biết tin về Tôi. Anh D. đã gọi điện thoại hỏi xin địa chỉ, và nhờ bạn lái xe đưa đến tận nhà thăm Tôi và gia đình. Nhờ thế Tôi được biết gia đình anh D. cũng đã vượt biên sang Hoa Kỳ, và đang định cư tại Tiểu bang Texas.

Cái kỳ anh em chúng tôi phải trình diện Quân CSBV lần thứ nhất, tại nhiệm sở hồi đầu tháng 5-1975, không ai bị giam giữ ngay, ngoại trừ một thiểu số đặc biệt đã bị họ ghi tên trong sổ đen từ trước. Theo Tôi nghĩ, có lẽ một là vì chưa có lệnh của Hànội, hai là các đơn vị Cộng sản còn đang bận tiếp tục hành quân tiến chiếm các Tỉnh miền Tây chưa xong, nên chưa kịp thu xếp nơi giam cũng như không có người để canh giữ, hàng chục ngàn sĩ quan trong một lúc tại Saigon.

Trong thời gian được ở nhà chờ lệnh gọi đi trình diện học tập cải tạo, có một số Sĩ quan cao cấp (trong đó có Tôi) bị gọi riêng để thẩm vấn nhiều lần, tại mấy căn nhà trên con đường bên hông sau Toà Ðại sứ Anh quốc đường Thống Nhất (Tôi không nhớ tên đường). Họ hỏi về Tổ chức và nhiệm vụ của những Cơ quan Ðơn vị mình đã phục vụ, suốt từ khi nhập ngũ cho đến ngày 30-4-1975, tên các người chỉ huy mình... Sau suốt một ngày thẩm vấn, có người được ra về, có người bị giữ lại thấm vấn tiếp, rồi đưa đi đâu không ai biết.

Vào gần cuối tháng 5-1975, Ban Quân quản Saigon lại ra thông cáo buộc mọi người phải trình diện lần thứ 2, tại đường Trần Hoàng Quân, Chợ Lớn. Lần này, họ tịch thu thẻ căn cước dân sự, thẻ Sĩ quan, và cấp cho một mảnh giấy chứng nhận đã trình diện chờ ngày đi tập trung cải tạo.

Hôm ấy, Tướng, Tá, Úy Nam Nữ đến trình diện rất đông. Tôi gặp một số bạn quen biết tại Saigon, và rất nhiều người lạ từ các địa phương chạy về Saigon tá túc. Nét mặt ai nấy đăm chiêu ngại ngần, không dám vồn vã chào hỏi nhau như thường lệ. Ngoại trừ một thiểu số (cách mạng 30 tháng Tư) có vẻ mặt hoan hỉ, quan trọng, lạnh lùng, làm ngơ trước bạn bè cũ như chưa bao giờ quen biết nhau. Nhưng đến giữa tháng 6-1975, tới nơi trình diện tập trung cải tạo, Tôi lại gặp những người này cũng phải đi chung với chúng tôi.

Trong thời gian chưa bị đưa đi tập trung cải tạo, Tôi đã tiếp xúc với một số Huynh trưởng Hướng đạo Quân đội còn ở lại Saigon, tìm đường giây vượt biên nhiều lần nhưng không thành, đành chịu bó tay ngồi chờ sự bất hạnh chung với các chiến hữu khác.

Tới tháng 6-1975, mặc dù Trung Ương Ðảng CSVN tại Hànội chưa soạn xong các tài liệu nhồi sọ, cũng như chưa huấn luyện xong Cán bộ giảng huấn, mà vẫn phải ra lệnh tập trung, vì nhiều người tìm cách vượt biên. Ðồng thời cũng có những tổ chức Phục quốc hoạt động bí mật, ám sát Cán bộ Cộng sản xâm lược miền Nam Việt Nam, ngay trong thành phố Saigon Chợ Lớn.

Hạn chót phải đi trình diện tập trung là 15 tháng 6 năm 1975, nhằm ngày Ðoan Ngọ, 5 tháng 5 âm lịch năm Ất Mão. Năm người con lớn, dùng xe đạp chở và theo tiễn Tôi đến nơi trình diện. Chỉ còn 2 người con gái 13 và 10 tuổi ở lại nhà cùng Vợ tôi, trông nhà không đi.

Một toán Bộ đội giải phóng đặt súng liên thanh, làm nút chặn ngay tại Bình bông ngã sáu đầu đường Minh Mạng, cách Ðại học xá Minh Mạng địa điểm trình diện khoảng mấy trăm thước. Cha Con chúng tôi phải chia tay nhau tại Bình bông này.

Trong khi ôm hôn từ biệt, thấy nét mặt thơ ngây đôn hậu ngơ ngác của các Con, một nỗi buồn man mác xâm chiếm xé tim gan làm Tôi xúc động rưng rưng lệ. Không biết các Con của Tôi lúc đó có nghĩ rằng, đây có thể là lần chót Cha Con được nhìn thấy mặt nhau không? Hay chúng vẫn an tâm, đinh ninh hy vọng ở lời tuyên bố ngọt ngào trịnh trọng khoan hồng nhân đạo của Cách mạng, là 30 ngày sau, Cha Con, Vợ Chồng lại đoàn tụ bên nhau xây dựng cuộc sống mới.

Thật là giây phút não nuột nhất trong cuộc đời Tôi, không thể tìm ra lời nào tả được đầy đủ cái cảm giác xúc động đau đớn này.


Bánh tro Ðoan Ngọ vàng trong,
Anh hùng thất thế đành lòng nộp thân.
Vợ con lo lắng tiễn chân,
Hoang mang, ngơ ngác, tần ngần lệ rơi.
Tháng Tư đại nạn đổi đời,
Vì Dân nay phải vào nơi đọa đầy.
Tự do giã biệt từ đây,
“Chim lồng cá chậu” biết ngày nào ra.
Chơi vơi đâu chỉ riêng Ta,
Toàn dân Nam Việt lệ nhòa đau thương.
Kiêu binh Cộng sản đầy đường,
Bợ thời phản bội khối phường tiểu nhân.
Từng quen luồn cúi kiếm danh,
Nhiễu nhương lật lọng ôm chân kẻ thù.
Bọn thì đội lốt nhà Tu,
Xúi người khác đạo gây thù hại nhau.
Con buôn chính trị hoạt đầu,
Vội mang băng đỏ dép râu làm hề.
Lăng xăng mừng Cách mạng về,
Tung tăng bợ đỡ làm thuê không tiền.
Du côn, đứng bến, nằm hiên,
Bỗng dưng đời đổi, nắm quyền trị dân.
Cướp đường, trộm chợ, phu khuân,
Hóa thành Cách mạng, áo quần bảnh bao.
Ủy ban Quân quản ra vào,
Tiền hô hậu ủng, Cờ sao đỏ đường.
Ðổi đời rối loạn Âm Dương,
Ðảng đoàn, chồn cú, ma vương hoành hành.
Khắp nơi xú uế hôi tanh,
Còn đâu không khí trong lành Tự do.
Sài - gòn đổi ra Thành Hồ,
Mặc tình bè lũ Tam Vô hại đời.

Saigon, Ðoan Ngọ Ất Mão, Tháng 6-1975.

HỒi ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 3

BẮT ÐẦU CUỘC ÐỔI ÐỜI


Sau khi chiếm được Saigon, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam (hậu thân của Mặt trận Giải phóng miền Nam) ban hành lệnh đổi tên Thành phố Saigon, nguyên Thủ đô của Việt Nam Cộng hoà tại miền Nam Việt Nam, ra Thành phố Hồ Chí Minh.

Họ cũng buộc tất cả mọi nhà phải treo cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam (nửa xanh nửa đỏ có sao vàng 5 cạnh ở giữa), cờ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà của miền Bắc Xã hội Chủ nghiã (nền đỏ, sao vàng) nơi trước cửa, và trong nhà treo ảnh Hồ Chí Minh. Những nhà thuộc loại Ðảng viên Cộng sản, còn hãnh diện treo thêm cờ Búa Liềm của Ðảng Cộng sản Quốc tế. Những nhà người Việt gốc Hoa, ngoài 2 lá cờ của Cộng sản Việt Nam (CSVN), phải treo thêm cờ Trung Cộng. Thật là đầy đủ mầu sắc của Quốc tế Cộng sản, tràn ngập khắp nẻo ngõ ngách đường phố trên đất nước Việt Nam.

Ðến khoảng cuối tháng 5-1975, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam, ra thông cáo buộc tất cả Quân nhân, Công chức, thành viên Ðảng phái Chính trị không Cộng sản phải đi trình diện một lần nữa. Các Sĩ quan QLVNCH thì trình diện tại đường Trần Hoàng Quân bên Chợ Lớn, nơi gần nhà máy sản xuất Bia và nước ngọt. Họ thu thẻ căn cước và cấp giấy chứng nhận tạm, để dùng cho đến ngày đi học tập cải tạo.

Một hôm, nhân đi ngang đường Lê Lai gần chợ Bến Thành, Tôi gặp Hạ sĩ T. nguyên là thư ký trong Ban Trị sự của Nhật báo Tiền Tuyến, đang đứng lớ ngớ trước cửa nhà. Thấy Tôi, anh ấy vồn vã mời vào nhà chơi, để trao đổi tin tức thời sự nóng bỏng về tình hình hiện tại, đang xẩy ra trong vùng Saigon, Chợ Lớn, Gia Ðịnh.

Vào đến trong nhà, Tôi giật mình định lui ra. Nhưng anh T. đã nhanh nhẹn ôm ngang lưng Tôi kéo đại vào, và giới thiệu với 3 người Bộ đội Cộng sản, bằng một giọng rất thản nhiên : “-Thưa các anh, đây là chồng Chị Hai của em ở Ngã Tư Bẩy Hiền, nhân hôm nay có dịp đi chợ Bến Thành ghé thăm vợ chồng chúng em. Anh ấy là giáo viên Trung học.” Tôi nhoẻn miệng cười xã giao, gật gật đầu chào mấy người kia xong, thì anh T. kéo vội Tôi lên lầu tâm sự.

Anh T. cho biết, 1 trong 3 người Bộ đội này là người đi tập kết ra Bắc hồi 1954, nay theo đoàn quân CSBV giải phóng trở về Nam. Người đó tên Thọ (không phải Lê đức Thọ), là anh họ bên vợ của anh T.

Khu phố gia đình anh T. đang ở, nhà nào cũng phải tiếp nhận 3 Bộ đội Giải phóng cư trú trong nhà mình như vậy, theo chính sách “BA CÙNG” của Chính quyền Phường (cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt). Anh T. hỏi thăm khu Tôi ở có vậy không, Tôi lắc đầu.

Tiếp theo, anh T. thì thầm kể câu chuyện tâm sự của ông anh họ Vợ, đi tập kết trở về rất lý thú như sau :

“Trong khi học tập chuẩn bị trở về Nam, anh Bộ đội tập kết được Ðảng và Nhà nước Cộng sản Bắc Việt rỉ rả tuyên truyền ngày đêm rằng :

-Ðồng bào miền Nam Việt Nam bị Mỹ Ngụy cấu kết nhau bóc lột rất tàn bạo.

-Dân lao động phải ở chui rúc trong những nhà ổ chuột, dựng bằng loại giấy cứng dùng làm thùng chứa hàng hoá do Mỹ thải ra, bên những bãi đổ rác cao như núi hôi thối.

-Ðàn ông, đám trẻ bị bắt đi lính, còn đám già ở nhà thất nghiệp. Ðàn bà con gái phải đi làm đĩ điếm kiếm tiền giúp gia đình, vô cùng nhục nhã …

Vì thế chúng ta phải nhanh chóng tiến hành công cuộc Giải phóng, để cứu Ðồng bào ruột thịt Nam Bộ đang sống quằn quại đau khổ. Các đồng chí cần dành dụm tiền, để mang về cứu giúp họ hàng thân quyến khỏi cảnh khổ cực hiện nay.”

Anh Bộ đội đã chắt bóp, để dành suốt mấy chục năm trời được 2 ngàn Ðồng bạc Cụ Hồ, chắc mẩm rằng khi thân quyến tại miền Nam nhận được món tiền của anh cho, sẽ mừng rỡ tới mức nào. Chắc chắn mọi người cũng sẽ thấy được, công lao bao năm theo Cách mạng của anh thật xứng đáng, và anh sẽ “vô cùng hồ hởi” hãnh diện với bà con làng nước.

Nhưng không ngờ, khi trở về gặp gia đình thì Cha Mẹ đã qua đời. Người anh duy nhất cũng đã già, có vợ và 3 con đã lớn, đứa nào cũng đi làm, có xe máy dầu Honda, Suzuki riêng. Gia đình người anh đang ở trong căn nhà riêng 3 tầng lầu với 4 phòng ngủ, có xe hơi nhỏ như các Ðồng chí Bộ trưởng ở Hànội vậy. Nhà ở ngay mặt đường lớn Khu Bàn cờ, Saigon. Hai tầng lầu để ở, còn tầng dưới cùng thì phiá trong làm phòng khách, phòng ăn, nhà bếp, phiá trước mở tiệm bách hoá, bán đủ thứ đồ dùng và gia dụng hàng ngày cho đồng bào hàng phố, mua sắm tự do. Không như ngoài miền Bắc Xã hội chủ nghiã, không ai được mở cửa hàng buôn bán riêng. Mọi người tùy theo chức vị công tác, được Nhà Nước cấp “tem phiếu” theo “hộ khẩu”, riêng cho từng “cấp mặt hàng”, đem đến “nhà hàng quốc doanh” mới có mà mua. Nhiều khi chậm chân, không còn hàng để mua.

Món tiền 2 ngàn Cụ Hồ mà anh ta đem về cứu giúp, không đủ để trang bị một căn phòng tắm bên mỗi phòng ngủ. Chung quanh tường cẩn toàn gạch men trắng toát. Bồn tắm, bồn rửa mặt, bồn ngồi đại tiện, toàn bằng sứ tráng men nhập cảng từ nước Ý (Italia).

Trước thực tế hiển nhiên, Anh bộ đội đi tập kết về vỡ mộng, tức giận vì không ngờ bao năm qua đã bị Cộng sản tuyên truyền lừa bịp xảo trá. Bây giờ, tuổi Ðảng cũng được cả chục năm rồi, ân hận vô cùng, nhưng phải cam lòng ngậm đắng nuốt cay một mình, chẳng dám hé môi.

Khoảng đầu tháng 6-1975, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam ra lệnh, và các phường khóm thúc đẩy, mọi Quân Cán Chính chế độ cũ phải chuẩn bị đi trình diện tập trung học tập cải tạo một tháng, hạn trình diện quy định trong 3 ngày 13, 14 và 15-6-1975.

Nơi trình diện tập trung các Sĩ quan cấp Tướng và Ðại tá, không phân biệt Nam Nữ, là khu Ðại học xá Minh Mạng ở đường Minh Mạng Chợ Lớn. Còn các Nam Nữ sĩ quan cấp Trung tá, Thiếu tá, Úy, và nhân viên Hành chánh thì tập trung tại các nơi khác. Tôi không quan tâm nên không nhớ rõ những nơi nào.

Tôi đợi tới ngày sau cùng, tức là 15-6-1975 mới đi trình diện. Suốt đêm hôm trước trằn trọc không ngủ được. Vợ Chồng Con cái dặn dò nhau đủ thứ chuyện. Tôi dặn Vợ, nếu có thể tìm được đường dây vượt biên thì Mẹ Con cứ việc giắt nhau đi, phần Tôi sẽ tự tính lấy sau. Tôi dặn như vậy, vì Tôi có người con trai lớn du học bên Hoa Kỳ từ năm 1971, vào năm 1975 cậu ấy đã tốt nghiệp Kỹ sư điện tử, đủ khả năng lo cho Mẹ và các Em trên đất Hoa Kỳ.

Tôi chia trách nhiệm cho các con lớn nào, phải lo săn sóc em nhỏ nào. Rồi dặn tất cả mọi người hãy nhớ lấy ngày Ðoan Ngọ (5 tháng 5 Âm lịch) hàng năm, để làm giỗ cho Tôi nếu sau này Tôi không trở về, hoặc không biết được Tôi đã chết ở đâu vào ngày nào.

Sáng sớm 15-6-1975 (ngày Ðoan Ngọ), chuẩn bị túi đeo lưng đựng quần áo, chăn mùng, và các vật dụng để ăn uống hàng ngày xong, cả nhà đang ăn sáng, thì có đoàn cán bộ Phường tới nhà “kiểm tra nhân số Hộ khẩu”. Họ hỏi Tôi đi đâu, Tôi trả lời đi trình diện học tập cải tạo, hôm nay là ngày hạn chót. Lúc đó họ mới biết Tôi là Ðại tá Quân lực Việt Nam Cộng hoà (QLVNCH), và ghi hàng chữ Ðại tá thật lớn trên tờ Hộ khẩu.

Từ ngày quân Cộng sản vào Saigon, gia đình tôi không được trở lại cư trú trong căn cư xá Sĩ quan trong Trại Trần Hưng Ðạo. Ðồ đạc, áo quần, giấy tờ hộ tịch khai sanh, hôn thú, bằng cấp, hình ảnh kỷ niệm của gia đình… đều bị mất hết. Chúng tôi mua vội được căn nhà 3 tầng bán rẻ, của một ông chủ tiệm bán đồ gỗ, tại mặt đường Trương Minh Ký gần ngã tư Huỳnh Quang Tiên. Ông bà già này cần về sống tại vùng xóm đạo Gia Kiệm, vì có 2 người con gốc Cảnh sát quốc gia và Hải quân, đã di tản trước ngày 30-4-1975. Tôi khai mất sổ gia đình để xin tờ Hộ khẩu mới, và ghi nghề nghiệp là Giáo viên Trung học.

Lúc 10 giờ, năm người Con lớn, dùng 3 chiếc xe đạp đưa Tôi lên đường tới Ðại học xá Minh Mạng để trình diện. Khi tới Bình Bông ngã 6 đầu đường Minh Mạng, nơi dựng tượng An Dương Vương đài thánh Tổ Binh chủng Công Binh trong QLVNCH, thấy có toán bộ đội kiểm soát lưu thông, cản không cho người và xe cộ đi vào đường Minh Mạng. Những người trình diện phải đi bộ, vác hành trang vào một mình, trên khoảng đường dài cả mấy trăm mét. Cha Con chúng tôi ôm nhau hôn chia tay, trước sự nhòm ngó thản nhiên của Dân chúng hiếu kỳ, đang đứng xem tại các góc đường quanh Bình Bông, và những đôi mắt tròn xoe ngạc nhiên, của mấy người Bộ đội Cộng sản đang làm nhiệm vụ kiểm soát.

Ðeo túi hành trang lên vai, Tôi thong thả một mình đi giữa lòng con lộ, có những cây cao đổ bóng mát xuống 2 bên đường. Con đường mà trước đây, Tôi đã từng lái xe đưa 2 người con trai, đến học tại trường Trung học Chu văn An, gần bên Ðại học xá.

Ðường vắng tanh, không một tiếng động cơ xe hơi, xe Lambretta, xe máy dầu làm náo động. Cũng chẳng một bóng người qua lại, chỉ có một mình Tôi cô đơn thầm lặng, vừa đi vừa nghe tiếng gót chân của chính mình, ình ịch nặng nề nện trên đường phố.

Tôi chợt lo, không biết có ai đi trình diện không hay chỉ có một mình mình thôi. Rồi lại tự nhủ thầm để tự chấn tĩnh mình. Chắc người ta muốn cho Cách mạng thấy thiện chí muốn cải tạo để sớm trở thành Công dân Xã hội chủ nghiã, nên đã sốt sắng đi trình diện sớm hết cả rồi, chỉ còn mình là chót thôi. Nếu đúng vậy thì cũng phiền, mình sẽ bị quan tâm theo dõi, thật nguy hại cho tương lai suốt thời gian học tập.

Trong khi đi, thỉnh thoảng Tôi ngừng lại quay mặt về phiá sau, nhìn xem các Con còn đứng ở đầu đường dõi theo mình không? Chúng vẫn còn đó, Tôi xúc động bật lên khóc một mình không sao cầm nổi. Từ ngày đón chúng vào đời đến nay, có bao giờ nghĩ rằng có thể xẩy ra cảnh ngộ chia ly đau đớn như thế này đâu. Thật tội nghiệp cho mấy đứa trẻ thơ, chúng đâu có tội tình gì.

Tôi tới nơi trình diện lúc 12 giờ trưa. Sau khi làm các thủ tục giấy tờ khai báo lý lịch cá nhân, đóng tiền ăn 1 tháng xong, người ta chỉ Tôi lên lầu kiếm chỗ nào trống thì nằm vào đó. Lâu quá rồi, Tôi không nhớ số tiền ăn đã phải đóng là bao nhiêu. Trong khi đưa tờ biên nhận tiền cho Tôi, nhân viên nhận tiền thông báo : “-Vì mới đến đóng tiền trễ vào giữa ngày, không có phần ăn buổi tối, phải tự túc.” Tôi gật đầu không nói gì và cũng chẳng lo. Vợ tôi cẩn thận biết lo xa, đã chuẩn bị cho nắm cơm, mấy trái trứng luộc với ít muối tiêu, khúc bánh mì cặp thịt, và bi đông nước chín, để trong túi đựng quần áo từ trước khi rời nhà ra đi rồi.

Lên hết cầu thang, trong lúc đi rảo qua các phòng tìm chỗ, bất chợt Tôi thấy Tướng Nguyễn Hữu Có, bạn tốt nghiệp cùng Khoá 1 Sĩ quan Trường Võ bị với Tôi hồi tháng 6 năm 1949, dơ tay vẫy chào. Tôi tiến tới bắt tay chào, và hỏi : -Sao anh không đi, Chị và các cháu có đi được không? Ông ấy lắc đầu, hỏi lại : “-Mới tới à?” Tôi gật đầu rồi quay đi tìm chỗ nằm.

Mọi phòng đều chặt cứng. Cuối cùng Tôi tìm được một chỗ trống, ở căn phòng gần bên phòng vệ sinh chung của tầng lầu. Bước chân vào phòng, Tôi vui mừng yên bụng vì gặp được vài người quen, còn toàn người chưa có dịp gặp bao giờ.

Vừa ổn định xong chỗ nằm trên sàn nhà, thì Thiếu tướng Văn Thành Cao, gốc Lực lượng võ trang Cao Ðài, trước 30-4-1975 làm Tổng cục phó Tổng cục Chiến tranh Chính trị QLVNCH, đến gặp Tôi bắt tay và ghé tai thì thầm nói nhỏ : “-Chốc nữa nếu có Cán bộ gọi anh “làm việc”, nếu họ hỏi về tôi thì anh vui lòng nói rằng, tôi là người rất tốt, mọi người phục vụ tại Tổng cục rất qúy mến tôi. Dân Tổng cục ở đây chỉ có mấy người, chúng mình phải bảo vệ nhau, mấy bạn khác tôi cũng đã dặn như vậy.” Tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao, nhưng cũng gật đầu đồng ý. Tướng Cao cám ơn, rồi lanh lẹ quay trở về phòng của các ông Tướng, cũng đến trình diện tập trung đi cải tạo.

Tôi bước vào phòng vệ sinh chung để giải quyết tiểu tiện, gặp thêm vài bạn quen khác làm việc tại Saigon lâu năm, trong đó có anh Bùi Dzinh đã giải ngũ. Thời Ðệ nhất Cộng hòa, anh Dzinh đã được Tổng thống Ngô Ðình Diệm cử làm Tư lệnh Sư đoàn một thời gian. Anh Dzinh đang mặc quần cụt áo thun, ngồi lom khom lau sàn nhà, thấy Tôi anh nhoẻn miệng cười nói : “-Ðây là việc của chung, bây giờ mình phải tự giác xung phong làm lấy chớ đợi ai làm thay cho.” Tôi gật đầu cười tỏ dấu hiệu đồng ý, để phụ họa cho anh ấy đỡ ngượng trước mặt anh em khác, cũng đang đứng xếp hàng chờ đến lượt giải quyết nhu cầu cho nhẹ bầu tâm sự.

Khoảng 5 giờ chiều, Tôi bị gọi vào 1 căn phòng nhỏ để “làm việc”, với 1 cán bộ mặc đồ tác chiến, không biết cấp bậc gì, chắc là sĩ quan cao cấp vì thấy mang bên mình túi da đựng tài liệu. Ông ta hỏi Tôi 3 câu : 1- Có biết hiện giờ Trung tướng Trần văn Trung ở đâu không? (vì Tôi là Phụ tá Tổng cục trưởng Chiến tranh chính trị QLVNCH). 2- Nhà văn Xuân Vũ (hồi chánh viên) viết truyện dài “Ðường đi không đến” trên Nhật báo Tiền Tuyến bây giờ ở đâu? 3- Số tiền 20 triệu ký qũy của Nhật báo Tiền Tuyến bây giờ để đâu? (vì Tôi là Chủ nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến).

Câu 1, Tôi trả lời, sáng sớm 30-4-1975 Tôi còn gọi điện thoại cho Trung tướng Trung tại văn phòng, bây giờ thì Tôi không biết.

Câu 2, Tôi cho biết, ông Xuân Vũ hàng tuần đến nộp bản thảo cho Ban Biên tập, để họ trình bầy đưa lên báo in lần, do đó ông ấy và Tôi ít có dịp thấy mặt nhau, nên chẳng biết ông ta ở đâu.

Còn câu thứ 3, là Chủ nhiệm Tôi phải đứng tên vay 20 triệu đồng của ngân hàng Việt Nam thương tín (VNTT), để chuyển vào chương mục của Nhật báo Tiền Tuyến trong Ngân hàng Trung ương, đóng ký qũy phát hành báo theo luật báo chí quy định. Hàng tháng, với tư cách Chủ nhiệm báo đứng tên vay tiền, Tôi phải ký chi phiếu của toà báo trả tiền lời cho ngân hàng VNTT. Trường hợp báo bị đóng cửa, Ngân hàng Trung ương tự động chuyển hoàn số tiền đó cho Ngân hàng VNTT, chớ Tôi không dính líu gì cả. Hợp đồng vay tiền của Ngân hàng VNTT quy định như vậy. Ông đi mà hỏi Ngân hàng Trung ương, hoặc Ngân hàng VNTT thì rõ. Ông ta hỏi thêm câu thứ 4 : “-Còn tiền mặt lưu giữ điều hành cho tờ báo hàng ngày, lên đến cả trăm ngàn đồng thì để đâu?” Tôi trả lời, để trong tủ sắt tại văn phòng Quản lý, và chính Quản lý giữ chià khoá, Tôi không giữ. Ông muốn biết còn có bao nhiêu thì đi tìm Quản lý mà hỏi, Tôi không biết bây giờ ông ta ở đâu.

Cuộc hạch hỏi này, cho phép Tôi nhận định rằng họ chỉ cần tìm tiền, chớ thực ra họ chẳng cần tìm Trung tướng Trung, hay nhà văn hồi chánh Xuân Vũ. Vì ngày 30-4-1975, khi họ vào chiếm doanh trại Nha Tâm Lý Chiến và toà báo Tiền Tuyến, chắc chắn họ biết rõ là Tôi đã không tuân lệnh Dương văn Minh buông súng đầu hàng, bỏ toà báo về nhà chớ không đợi bàn giao cho ai cả. Như vậy, họ nghĩ là Tôi đã cướp số tiền của toà báo, tìm đường thoát xuống miền Tây, ra Vũng tầu, hoặc tìm ghe thuyền vượt biển khơi trốn ra khỏi nước. Không ngờ hôm nay lại thấy có tên Tôi trong danh sách những người đến trình diện tập trung, vì trốn đi không thoát, nên họ đến hạch hỏi để tìm cho ra, cái món tiền chiến lợi phẩm quá lớn đó mà thôi.

Khoảng nửa đêm, có lệnh báo động, mọi người phải thu xếp hết hành trang gói ghém gọn gàng lại, rồi xuống sân tập họp nghe lệnh.

Người ta đọc tên xếp thành từng Ðội đứng riêng ra, rồi lần lượt dẫn ra đường, lùa lên những chiếc xe Molotova có mui vải bạt, bịt kín mít cả chung quanh như để chở hàng hoá.

Hơn một tiếng đồng hồ sau, mọi người lên hết các xe mới có lệnh di chuyển. Mỗi xe có 2 Bộ đội Cộng sản cằm súng AK đi theo canh chừng, ngồi ở cuối mỗi xe.


Nửa đêm lệnh gọi “hành quân”
Gập chăn, cuốn chiếu, xuống sân xếp hàng.
Nối đuôi nhau đứng hoang mang,
Va-li lếch thếch, túi quàng bên vai.
Nghe tên gọi bước ra ngoài,
Tập trung thành Ðội ba mươi mốt người.
Dồn lên từng chiếc xe hơi,
Bít bùng, ngột ngạt, đứng ngồi chen nhau
Lao nhao, bàn tán xì xào,
Ðoán xem chuyển đến nơi nào, gần xa?
Người sành tin tức ba hoa,
Chắc là Phú Quốc, phải ra bến tầu.
Xe lăn mỗi lúc một mau,
Bò lên, lao xuống, thấy đâu mà mò.
Lắc qua, lắc lại vòng vo,
Lanh quanh đến sáng tờ mờ mới ngưng.
Sương mai phủ kín cây rừng,
Rào gai xiêu vẹo, tầng tầng bìm leo.
Xuống xe, gối mỏi lăn quèo,
Lồm ngồm bò dậy, tiếp nhau xuống hàng.
Quơ quờ tìm kiếm hành trang,
Leo qua rào kẽm vào làng tập trung.

Long Giao, Long Khánh, 16-6-1975.

HỒi ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 4

MỘT THÁNG HỌC LÀM NGƯỜI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Tờ mờ sáng 16-6-1975, đoàn xe chở các Tướng và anh em Ðại tá chúng tôi đến Trại Long Giao, Long Khánh. Nhưng xe chở Ðội chúng tôi không vào qua cổng trại, mà đậu phiá ngoài rào kẽm gai phía Tây, tại một chỗ có khúc rào bị phá xập. Trời còn tối mù, đặc hơi sương, mọi người xuống xe, vác hành trang riêng mò mẫm leo qua kẽm gai, vào mấy căn nhà tiền chế bằng tôn. Trời sáng dần, mờ mờ qua làn sương, thấy dọc bờ rào cách những dẫy nhà khoảng vài trăm mét, có mấy ụ đất xây hầm bê tông cốt sắt chứa đạn và lựu đạn, của đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (QLVNCH) để lại chưa kịp phá hủy.

Trong khi chờ các Ðội trưởng theo Cán bộ đi nhận nhà ở cho từng Ðội, một số trong anh em chúng tôi bủa đi lùng nhặt Gamen, muổng, niã, Ca uống nước, Bi đông đựng nước bằng nhôm, vứt bừa bãi quanh nhà, trong các đống rác, để rửa sạch mà dùng. Vì những bạn này cứ tưởng, theo thông cáo của Nhà nước đi học tập đóng tiền ăn cho nhà thầu nấu nướng, thì đương nhiên nhà thầu phải cung cấp đủ thứ, y như 3 ngày vừa qua tập trung tại Ðại học xá Minh Mạng, nên không đem theo đồ dùng. Có người chậm hiểu, không thức tỉnh sớm, đến bữa ăn đầu tiên tại trại tập trung không có đồ dùng để ăn, mới quýnh lên, vội vã lấy mì gói ăn liền đem theo, năn nỉ xin đổi lấy Ca, Gamen, muổng, niã, từ những bạn nhặt được nhiều không dùng hết.

Ðội của Tôi được chia một dẫy nhà tôn tiền chế, gần “nhà bếp 2” dành riêng cho khu giam Ðại tá. Nhà được dựng trên nền xi măng cao hơn mặt đất chừng 20 phân. Nhà thuộc loại kho chứa vật liệu, không có cửa sổ dọc 2 bên hông, chỉ có 2 lối ra vào ở 2 đầu nhà, cánh cửa đã bị gỡ mất. Một vài miếng tôn làm tường, dọc 2 bên hông nhà cũng đã bị gỡ mất. Chúng tôi phải chia nhau đi tìm những miếng tôn, cong rách vứt gần mấy đống rác, đem về đập thẳng ra để cột chám vào mấy chỗ trống cho kín gió, cản sương đêm, và ngừa mưa tạt. Tôn trên mái nhà cũng có nhiều lỗ thủng, không có thang để leo lên chám, đành để vậy. Ai xui xẻo nằm đúng chỗ dột, chỉ còn cách trải áo mưa hoặc miếng ni lông choàng thay áo mưa, lên trên nóc mùng (màn) mà hứng nước chịu trận. Chung quanh nhà không có cây cao tàn lá cho bóng mát, nên ở trong nhà ban ngày nóng như bị nung trong lò lửa. Ngược lại, ban đêm lạnh toát như nằm trong hầm chứa nước đá.

Trong lúc đi kiếm vật liệu gần bờ rào, quanh các dẫy nhà khác, Tôi tình cờ gặp Ðại tá Phạm văn Cảm, đang đứng tựa bên vách đầu nhà của một Ðội khác. Tôi đến gần chào, ông đã già lụ khụ mắt kém, nhưng vẫn nhận ra Tôi, bắt tay thăm hỏi thật thân thiện. Ông đã giải ngũ từ thời Tổng thống Ngô Ðình Diệm (Ðệ nhất Cộng hoà), mà cũng phải đi trình diện tập trung cải tạo. Tôi biết Ðại tá Cảm từ tháng 6 năm 1949, khi Tôi mới tốt nghiệp Thiếu úy Trường Võ bị Quốc gia được thuyên chuyển về Ðại đội 2 Tiểu đoàn 2 VN tại Hànội. Lúc đó, Ðại tá Cảm nguyên là Trung úy bên Quân đội Liên hiệp Pháp, chuyển sang Quân đội Quốc gia Việt Nam được thăng lên cấp Ðại úy, làm Ðại đội trưởng Ðại đội 1 của Tiểu đoàn 2 Việt Nam, do Thiếu tá Vũ văn Thụ làm Tiểu đoàn trưởng (sau này ông Thụ được thăng lên đến cấp Ðại tá làm Tham mưu trưởng Ðệ tam Quân khu tại Hànội một thời gian).

Theo truyền thống xã giao của Sĩ quan đã được hướng dẫn trong Trường Võ bị, sau khi trình diện Tiểu đoàn trưởng, Tôi đã đi trình diện thăm xã giao các Ðại đội trưởng. Do đó với tư cách Sĩ quan đàn anh trong Tiểu đoàn, Ðại úy Cảm đã mời Tôi đến nhà đãi một bữa ăn tối thật thân mật, đầm ấm không khí gia đình, do chính Phu nhân Ðại úy Cảm sửa soạn. Tôi không bao giờ quên cảm tình đặc biệt đó. Trong bữa ăn có cả Thiếu úy Bùi Ðình Ðạm, cùng tốt nghiệp một khoá với Tôi, được bổ nhiệm về Ðại đội 1 của Ðại úy Cảm.

Sau cuộc di cư từ Bắc vào Nam theo quy định của Hiệp định Genève tháng 7 năm 1954, Ðại tá Cảm được Tướng Tổng Tham mưu trưởng Nguyễn văn Hinh chỉ định làm Chỉ huy trưởng trường Sĩ quan Trừ Bị Thủ Ðức. Một thời gian sau, theo kế hoạch trẻ trung hoá Quân đội, Tổng thống Diệm cho giải ngũ cùng một lượt với nhiều sĩ quan khác, trước kia do Pháp chuyển từ các đơn vị thuộc đoàn quân Liên Hiệp Pháp thành lập, qua Quân đội Quốc gia Việt Nam.

Trong khi Ðại tá Cảm làm Chỉ huy trưởng Trường Sĩ quan Trừ Bị Thủ Ðức, thì Thiếu tá Bùi Ðình Ðạm làm Tham mưu trưởng của trường. Sau này anh Ðạm lên đến cấp Thiếu tướng trong QLVNCH. Trong thời Ðệ nhất Cộng hoà được Tổng thống Diệm cử làm Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh đóng tại Mỹ Tho. Trước 30 tháng 4 năm 1975, anh Ðạm làm Giám đốc Nha Ðộng viên Bộ Quốc phòng tại Saigon, hiện đang định cư tỵ nạn tại California.

Lúc bữa ăn gần tàn, Ðại úy Cảm giới thiệu Tôi với người con trai Phạm Tất Thông vừa đi học về. Sau này anh Thông cũng theo học Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam tại Ðà Lạt, và trước 30-4-1975 là Ðại tá ngành Quân Cụ, hiện cũng đang định cư tỵ nạn tại California.

Thật tội nghiệp, mặc dù Ðại tá Cảm đã già yếu, đang bị bệnh trĩ rất nặng, lòi ra khỏi hậu môn cả 10 phân, không mặc được quần, phải mặc áo choàng dài đến đầu gối cả ngày đêm, nằm ngủ trên võng vải, thế mà cũng bị buộc phải đi tập trung tại Long Giao.

Vài ngày sau Ðại tá Cảm được đưa lên Bệnh xá của trại tập trung. Khoảng một tháng sau, lại có tin Ðại tá Cảm đã được thả về nhà không phải cải tạo, nhờ lượng khoan hồng nhân đạo của Chính phủ Cách mạng Lâm thời tại miền Nam VN, đối với những người già nua bệnh hoạn mãn tính nặng. Ðược tin này, mọi người hân hoan mừng rỡ, chia sẻ nỗi vui may mắn của Ðại tá Cảm và gia đình.
Long Giao là doanh trại do Ðơn vị Pháo binh Không kỵ Hoa Kỳ xây dựng, khi rút đi để lại cho QLVNCH. Theo giải thích của Ðại tá Bùi Ðức Ðiềm (đang tỵ nạn tại California) nguyên Tỉnh trưởng Long Khánh thì, LONG GIAO là một đại danh từ ghép, lấy từ 2 chữ đầu của “LONG Khánh” và “GIAO hảo” với Hoa Kỳ, mà đặt ra. Ðơn vị QLVNCH sau cùng đóng tại trại này, là Trung Ðoàn 14 thuộc Sư Ðoàn 18 Bộ binh.

Nhà cửa bị tàn phá hư hao nhiều, cỏ dại, cây gai mọc loạn xà ngầu, phủ kín cả đường đi, sát tận quanh nhà, trên rào kẽm gai, cần phải dọn dẹp, tu sửa chỉnh trang lại thì mới ở được. Trại không cung cấp cuốc, xẻng, dao, búa, kìm chi cả, mà lại ra lệnh chia khu cho các Ðội làm sạch sẽ. Thật là vạn nan, với 2 bàn tay không anh em vẫn phải “khắc phục” thi hành lệnh.

Một anh Ðại tá trong Ðội chúng tôi, vốn gốc Công binh, đưa sáng kiến đề nghị cán bộ cho dùng gỗ đốt nung các cọc sắt rào kẽm gai đỏ lên, đập bẹt 1 đầu làm xẻng, và uốn cong 1 khúc theo hình góc thước thợ làm cuốc. Cán bộ chấp thuận cho phép thực hiện để dùng đỡ, trong khi chờ trại xin cấp trên tiếp tế dụng cụ làm nông nghiệp. Thật rõ ràng “lao động là sáng tạo”, đúng như quy luật “đỉnh cao trí tuệ Cách mạng” đã khẳng định.

Trong thời gian dọn dẹp rác rến, phát cây rẫy cỏ hoang riêng trong từng khu, đã xẩy ra một tai nạn khủng khiếp chẳng bao giờ quên được. Trong giờ nghỉ trưa, bên phiá khu giam anh em cấp úy, bỗng dưng có một tiếng nổ long trời dậy đất. Chúng tôi đang nghỉ trưa, giật mình hoảng hốt uà ra trước cửa láng ở, quan sát nghe ngóng coi việc gì xẩy ra.

Thấy Bộ đội cảnh vệ cầm súng chạy túa đi các ngả đường, đến vị trí phòng thủ. Một ý nghĩ chợt loé ra trong đầu Tôi. Không lẽ có biến động phá trại giam để giải thoát Tù? Trường hợp này thì mình phải làm gì? Có nên bàn với các bạn chuẩn bị hành động gì không? Bao nhiêu câu hỏi nẩy ra trong đầu, y như hồi đang thụ huấn tại trường Võ bị, trong giai đoạn cá nhân và Tiểu đội chuẩn bị tiến thối trong tác chiến vậy. Suy nghĩ như vậy, nhưng chỉ giữ kín cho riêng mình, không giám thổ lộ với ai cả. Hoàn cảnh giao thời này, biết ai là “cách mạng 30 tháng tư” trà trộn trong anh em. Lỡ thố lộ gặp nhằm “qủy đón gió trở cờ”, không những mang họa vào thân, mà còn có thể liên lụy cho vợ con ở nhà, thì sẽ phải ân hận suốt đời.

Mọi người còn đang ngơ ngác nhìn quanh, Quản giáo Ðội chúng tôi tới đuổi vào nhà, không được nhốn nháo mất trật tự. Mấy giờ sau được tin, có anh bạn Tù bên khu cấp Úy bị trọng thương, vì lựu đạn nổ trong hầm ụ đất cấm lai vãng. Những ngày kế theo, anh em xì xào nhiều tin tức khác nhau, không biết tin nào đúng. Có tin cho là anh ấy phải dọn hầm đạn, chẳng may làm rớt thùng lựu đạn nổ. Có tin cho là anh ấy tự tử, để chống đối cách cư xử nghiệt ngã của trại tập trung. Có tin cho là anh ấy vượt rào trốn trại đạp phải mìn. Vì trong tình trạng phải sống cách ly, người khác Láng ở không được liên hệ với nhau, vi phạm sẽ bị kỷ luật nặng, nên không kiểm chứng được. Bây giờ, chỉ có bạn nào đã cùng bị giam chung với anh bạn không may kia đang còn sống kể lại, thì sự thật mới được phô bầy chính xác.

Ít ngày sau, bỗng một hôm lại nghe nhiều tiếng súng nhát gừng, rồi liên thanh vang dội tít ngoài rừng xa, anh em cũng ngơ ngác nhìn nhau hồi hộp. Sáng hôm sau, khi “toán anh nuôi” của Ðội chúng tôi, đi lãnh thực phẩm ngoài cổng trại về, cho hay là có mấy anh em bên khu cấp Úy, hàng ngày được dẫn đi đốn củi cung cấp cho các nhà bếp của trại, đã cướp súng trốn trại.

Sau khi dọn dẹp các bờ bụi, rác rến sạch sẽ, anh em được chia khu đất trước các dẫy nhà ra sát tới hàng rào kẽm gai, cuốc lên đắp luống trồng khoai mì (sắn). Hơn tháng sau, khoai mì bắt đầu vươn lên thành những luống cây xanh mướt, trông cũng thấy mát con mắt.

Nước ăn uống, tắm giặt, trong khu Ðại tá chúng tôi có 1 giếng đào, miệng giếng rộng hơn 1 mét, sâu 25 mét, phải dùng gầu làm bằng can đựng xăng loại 20 lít cột vào đầu sợi cáp dài 50 mét, để thòng xuống múc nước kéo lên. Ưu tiên phải dành cho toán kéo nước phục vụ nhà bếp, lấy đủ 40 thùng phuy 200 lít một ngày xong, mới tới phần anh em kéo nước dùng riêng.

Mỗi toán kéo nước gồm 4 người. Hai người cầm đầu dây cáp đứng cách xa miệng giếng 50 mét, đi tới đi lui thả gầu xuống kéo gầu lên, theo hiệu lệnh của 2 người đứng sát miệng giếng điều khiển. Hai người đứng bên miệng giếng, có trách nhiệm bê gầu nước đầy vừa kéo lên, đổ vào 2 thùng phuy đặt trên xe cải tiến. Khi nào cả 2 thùng đầy ặp thì ngưng kéo nước, cả 4 tụm lại hiệp sức đẩy về nhà bếp đổ vào hồ chứa.

Trong thời gian toán kéo nước nhà bếp rời xa giếng, mọi người được phép tranh nhau, thả gầu nhỏ cá nhân xuống giếng kéo nước lên dùng riêng, cho đến khi toán nhà bếp trở ra, lại phải ngưng để nhường chỗ cho họ, tiếp tục quyền ưu tiên làm “phận sự phục vụ tập thể”.

Ðây là vùng đất sét pha cát, vào mùa nắng đất khô, đi tới đi lui gò lưng kéo nước còn dễ dàng, nhưng tới mùa mưa thì ôi thôi thật là muôn phần khó khăn. Ðất trơn trợt, phải cúi gục người về phiá trước, bấm sâu các đầu ngón chân xuống đất để đi tới mà kéo nuớc lên, thỉnh thoảng vẫn bị trượt chân ngã chúi về phiá trước, mặt vập xuống đớp đầy mồm đất và nước bùn.

Mùa nắng cũng như mùa mưa, nhóm kéo nước bao giờ cũng phải xoay trần, chỉ mặc có một chiếc quần ngắn, mà mồ hôi lúc nào cũng nhễ nhại như tắm. Ðổi lại sự cực nhọc này, cán bộ “chỉ đạo” cho “toán anh nuôi”, cấp thêm cho mỗi người trong nhóm kéo nước và nhóm bửa củi cho nhà bếp, mỗi bữa một miếng cơm cháy lớn bằng bàn tay, để gọi là “bồi dưỡng”.

Ðể áp dụng luật công bằng theo Xã hội chủ nghĩa, những đội ăn chung trong một bếp, được chỉ định luân phiên nhau phụ trách làm “ đội anh nuôi” một ngày. Trong những ngày này, anh em trong Ðội phải chia nhau thành các toán : đi lãnh gạo và thực phẩm tươi, nấu cơm, thức ăn và chia ra từng mâm 6 người riêng theo từng Ðội, bửa củi, kéo nước.

Thực đơn ăn hàng ngày, ghi trên bảng thông báo để tại nhà bếp thấy mà ham. Nào là cơm gạo Ðại Mễ, canh rau, thịt kho. Nhưng thực tế thiểu não vô cùng.

Gạo Ðại Mễ do Trung cộng cấp cho Việt cộng tích trữ trong rừng để xâm lăng miền Nam, nay lấy về cung cấp cho tù tập trung ăn. Gạo để lâu ngày dưới hầm trong rừng đã mục nát, bao thủng bị trộn đầy sạn cát và sâu, mọt, xúc đóng vào bao mới. Nấu thành cơm ăn hôi, nhão, phải xúc từng muổng nhỏ bỏ vào miệng trệu trạo qua loa rồi nuốt, không dám nhai vì đụng sạn ghê răng.
Canh rau, mỗi người được đôi ba cọng rau muống, hoặc vài lát cải xanh nấu với nước muối lõng bõng. Thịt kho, thì một con gà nặng chừng 2 kí lô cân cả lông, hoặc 1 hộp thịt bò 1 kí lô, nấu cho khoảng 150 người dùng 2 bữa. Toán “anh nuôi” phải vận dụng trí thông minh, làm sạch lông gà xong, bằm nhuyễn cả xương, thả vào bung nước muối cho thật nhừ. Lúc chia cho các mâm ăn từng 6 người một, phải dùng muôi khoắng quậy đều, múc cả nước lẫn cái. Mỗi mâm được 6 muôi, tức là mỗi người được khoảng 2 muổng húp canh cá nhân. Thịt bò hộp cũng vậy, đổ ra khỏi hộp, bằm nhuyễn, thả vào kho nước muối lõng bõng, rồi chia y như chia thịt gà kho.

Mùa nắng giếng cạn, nước khan hiếm, việc tắm giặt, giữ vệ sinh cá nhân hàng ngày là một vấn nạn lớn cho mọi người. Ðể “khắc phục”, Tôi đã nghĩ ra được kỹ thuật tắm gội có dùng xà bông, tốn ít nước, một cách tuyệt vời. Chỉ cần 1 thùng đạn 30 ly đầy 2 lít nước là đủ. Chắc trên trái đất này, chưa có một nhà bác học nào có thể nghĩ ra được.

Bỏ hết quần áo ra, ngồi chồm hổm trên 1 miếng tôn hay miếng ván mỏng, tay phải múc một ca nước đưa lên đỉnh đầu, từ từ xối nước xuống , trong khi đó tay kia xoa nhè nhẹ cho nước thấm ướt hết tóc, rồi lần theo nước chẩy xuống đến đâu thì xoa tay theo tới đó, đến khi cả người từ đầu đến chân ướt đều thì ngưng. Tiếp theo, lấy Xà bông chà lên tóc, dùng 2 tay chà cho xà bông nổi bọt để gội đầu, rồi từ từ xoa cho bọt xà bông chẩy xuống mặt, cổ, vai, mình … y như làm động tác xoa nước cho ướt mình vậy. Khi toàn thân được chà xà bông kỹ càng, lại lấy ca nước sạch từ từ dội từ đỉnh đầu, xoa kỳ cho tóc sạch hết xà bông. Và cứ tiếp tục làm như vậy bằng từng ca nước một, lần lần xuống mặt, cổ, vai, mình, tay, chân. Khi dùng tới ca nước cuối cùng là bảo đảm người hoàn toàn sạch sẽ.

Muốn biết lời Tôi nói có đúng không, xin làm thử một lần sẽ biết. Dĩ nhiên cần phải kiên nhẫn, tập trung tư tưởng ghê gớm lắm mới làm được. Ở trong tình trạng đợi học tập, không phải ra ngoài lao động, nên có gì vội vã đâu, đây cũng là một hành động thú vị để giết thì giờ buồn nản.

Ba tháng cay đắng cực khổ, đã chậm chạp trôi qua. Vẫn chưa nghe động tĩnh gì về việc tổ chức học tập quy củ, để trở thành người lao động Xã hội chủ nghiã cả. Phải chăng đây mới chỉ là giai đoạn thử thách ban đầu, trước khi chính thức bước vào học tập cải tạo thực sự. Nếu đúng vậy thì, chẳng biết sẽ còn phải chịu cực nhục đói khổ đến mức nào? Cái thông báo của Nhà Nước đi học tập một tháng, chẳng còn giá trị gì. Ðúng là xảo quyệt lừa lọc loát khoét như Vẹm (Việt Minh).

Long Giao vốn trại của Ta,
Ngày nay đời đổi hóa ra làng tù.
Lâu ngày chẳng được trùng tu,
Tan hoang nên phải lu bu sửa hoài.
Tay không bứt cỏ, bẻ gai,
Nhổ tranh, bới đất trồng khoai, trồng mì.
Ðá xanh vun đắp lối đi,
Sửa nhà, dựng vách phòng khi đổi mùa.
Tiết Trời đang chuyển sang mưa,
Nắng ngày gay gắt, sương khuya lạnh lùng.
Tập trung đủ mặt anh hùng,
Tùy theo cấp bậc, nhốt từng khu riêng.
Nấu ăn, chia đội luân phiên,
Mỗi khu hỏa vụ lo trên trăm người.
Nước dùng, kéo đáy giếng khơi,
Mỗi ngày lãnh gạo, đồ tươi về làm.
Thực đơn nghe báo mà ham,
Nay gà, mai lợn, mốt tôm, kia bò.
Lãnh về ai nấy ngẩn ngơ,
Con gà hai kí phát cho trăm người.
Vứt lông, bầm nát xong xuôi,
Nêm tiêu, xả, muối, bỏ nồi nước ninh.
Lúc chia vận trí thông minh,
Khuắng đều cái nước như sình múc ra.
Người hai muổng xả kho gà,
Trộn cơm Ðại Mễ ăn mà độ thân.
Ðổi đời phải luyện tập dần,
Miếng ăn ít ỏi, chia phân đồng đều.
Nếu không kẻ ít người nhiều,
Lời qua tiếng lại, sinh điều chẳng hay.
Ngày ngày khắc vạch lên cây,
Ðếm dư trăm ngấn mà Thầy chửa ra.
Hẳn là phải đợi đến già,
Chờ hồi xương mục, chẳng tha cũng về.

Long Giao, Long Khánh, Tháng 9-1975

HỒi ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 5

MÙA NHỒI SỌ MỞ MÀN

Ðến tháng 9-1975, tự nhiên thấy trại tập trung mở Căng tin, bán đủ thứ hàng thực phẩm khô như mì ăn liền, kẹo, bánh bít-quy, bánh mì xấy khô, thịt cá hộp, đường, sữa, trứng tươi, có cả giấy bút, vở học trò…, và cho phép các Ðội trưởng, hàng ngày dẫn người đại diện đi mua giúp cho anh em cả Ðội, tùy theo nhu cầu của mỗi người. Những bạn dư giả tiền mang theo, tha hồ mua từng thùng mì ăn liền và sữa hộp, bánh mì về xài rả rích cả ngày đêm, chẳng thèm ngó tới cơm trại. Nhờ thế, các bạn nghèo không tiền mua “đồ bồi dưỡng cao cấp”, được thừa hưởng các phần dư cũng đỡ khổ.
Ðộ chừng một tuần lễ sau có tin sắp khởi sự học tập. Mọi người “phấn khởi hồ hởi”, “chuẩn bị tư tưởng sẵn sàng tham gia học tập”.

Chắc là sau hơn 4 tháng giải phóng ổn định miền Nam xong, nay Trung Ương Ðảng CSVN mới soạn xong các bài tuyên truyền nhồi sọ, các Cán bộ giảng huấn đã được chỉ dậy ôn luyện kỹ càng, nên mới khởi sự giắt nhau vào miền Nam bắt đầu phát động chương trình nhồi sọ, nhằm cải tạo tư tưởng cho Tù tập trung và toàn thể Dân chúng tại mọi nơi học tập cho mau “thông suốt”, để “khẩn trương”ø trở thành người mới Xã hội chủ nghĩa.

Phương châm Chính sách học tập cải tạo tư tưởng của Cộng sản là, dùng áp lực để nhồi vào óc, buộc mọi người phải dứt khoát chấp nhận tư tưởng lý luận một chiều : hận thù Ðế quốc Mỹ, khinh bỉ, coi Ngụy quân, Ngụy quyền miền Nam là những tội đồ của Dân tộc, cặn bã của xã hội. Chỉ có Xã hội chủ nghiã do Cộng sản Bắc Việt lãnh đạo, dưới sự chỉ đạo của Liên sô và Quốc tế Cộng sản mới là chính nghĩa, dẫn đến Thiên đường Cộng sản tốt đẹp gấp trăm ngàn lần hơn Thế giới Tư bản.
Ðợt giáo dục nhồi sọ, được “khởi phát” bằng một buổi chiếu phim Liên sô học tập ngoài trời. Ðêm đó trời gió mưa tầm tã liên tục, mọi người vẫn phải khoác áo mưa đi tham dự, ướt át lạnh run cực khổ hết chỗ nói. Sau buổi xem phim về, còn phải ngồi thảo luận phê bình, rút “ưu khuyết điểm” “liên hệ với bản thân”. Phải chăng đây là thử thách ban đầu, Cách mạng muốn tung ra để đo lường “quyết tâm học tập” của cải tạo viên? Trong Ðội chúng tôi, có một anh dại dột lên tiếng than van lén, ngày hôm sau bị gọi lên “làm việc” với Cán bộ Giáo dục. Sự việc này cho thấy là có dân “cách mạng 30 tháng tư” sống lẫn bên chúng tôi làm “ăng ten”. Thật nguy hiểm.

Sáng ngày hôm sau, trời vẫn còn mưa rả rích, buổi thuyết giảng đầu tiên được khai diễn tại Ðại Hội Trường của trại. Ðây là lần tụ hội đầu tiên đủ mặt anh hùng cải tạo tại trại này. Tướng, Tá, Úy, nam nữ, trẻ già đủ lứa tuổi có dịp được thấy mặt nhau giữa ban ngày. Mọi người ăn mặc đủ loại y phục thời đại của mùa giải phóng (quần áo thường dân, quần áo lính bằng vải kaki và đồng phục tác chiến mua ngoài chợ trời, đã nhuộm nâu, đen, xanh dương, mang dép râu cao su, giầy da thấp cổ, giầy Bata, có người liều mang giầy bốt của lính, chưa có ai biết đi chân đất).

Sau mỗi bài giảng ở Hội trường, các Ðội trở về láng ở của mình tiếp tục “thảo luận, đào sâu thêm”, “tự liên hệ vào bản thân”, và bắt buộc phải luân phiên nhau “phát biểu” trước Ðội để “nhận tội phản quốc, chống phá Cách mạng, làm trì trệ bước tiến của Xã hội Chủ nghiã”.

Các buổi thảo luận tại Ðội, luôn luôn có sự hiên diện của Quản giáo Ðội và đại diện Ban giảng huấn trung ương ngồi chứng kiến theo dõi. Khi nào Cán bộ nhận thấy là mọi người đã “thành khẩn phát biểu, thấm nhuần sâu sắc” bài học, mới cho ngừng thảo luận để viết bài “thâu hoạch” kết quả học tập cá nhân, trình nộp cho Cán bộ Giáo dục khai thác, xét định “mức độ tiến bộ” của mỗi người.
Vào ngày tổng kiểm điểm kết quả học tập, các Ðội đi theo hàng đôi, nối đuôi nhau ùn ùn từ các khu kéo đến Ðại Hội Trường, y như các đoàn lao công đi tham dự “Ðại hội Ðảng” địa phương. Chỉ khác là không có cờ quạt, biểu ngữ, và không la hét om xòm các khẩu hiệu hoan hô, đả đảo vậy thôi. Thay cho nhóm Công an giữ trật tự trong cuộc biểu tình, làø bọn Bộ đội Cộng sản mặt non choẹt, cằm AK đi áp tải đầy đường hối thúc : “Khẩn trương! Khẩn trương!”.

Ðoàn người đi tham dự đại hội học tập, lẳng lặng buồn thiu cất bước nặng nề bên nhau, trong đầu mỗi người một suy nghĩ riêng. Tuy vậy cũng có đôi anh vô tâm thiếu suy nghĩ, vẻ mặt “hân hoan” nói cười pha trò bô bô, như bầy trẻ được người lớn dẫn đi xem Hội Chợ Tết. Vì các anh ấy tưởng rằng học xong đợt cải tạo này, sẽ được cấp chứng chỉ làm người Xã hội chủ nghĩa, về sống thong thả bên vợ con và xóm giềng thân thích, như đại diện lớn nhỏ của Ðảng từng xa xả nhai đi nhai lại, mỗi lần họ có dịp xuất hiện trước quần chúng tại địa phương, trước ngày đi trình diện tập trung.

Tới gần Hội trường, hàng ngàn người kẹt cứng đầy đường, các Ðội phải đợi cả tiếng đồng hồ mới tới phiên được di chuyển vào trong hội trường ngồi.

Bên trong Hội trường có trang hoàng các biểu ngữ, Tôi chẳng nhớ nội dung gồm những gì, nhưng chắc chắn có câu “Không có gì qúy hơn độc lập tự do” của Bác Hồ, sáng tạo ra từ hồi Cách mạng tháng 8 thắng lợi năm 1945.

Mọi người ngồi chồm hổm trên nền nhà đất nện, sát sạt bên nhau chặt cứng, ngửa mặt nhìn lên Thuyết trình đoàn ngồi chễm trệ sau dẫy bàn có phủ khăn nỉ mầu xanh lá cây xậm. Ðủ thứ hơi hổ lốn : mồ hôi, quần áo, dầu gió… của mọi người tiết ra, ngột ngạt khó chịu muốn ngộp thở.
Sau khi Cán bộ Thủ trưởng trại tập trung, báo cáo tập thể cải tạo viên gồm những thành phần nào xong, Trưởng đoàn Giảng huấn trung ương, với giọng kẻ cả thắng trận, nói ra những nhận xét của mình về kết quả theo dõi học tập tại các láng, cũng như qua “phản ánh” trong các bài “thâu hoạch tự giác khai báo nhận tội” của cải tạo viên. Ðại ý tóm gọn như sau : “-Mọi người đã ý thức được là cao trào sóng Cách mạng vô địch đang dâng lên mạnh mẽ, Ðế quốc Tư Bản đang suy tàn dẫy chết. Cũng như ý thức được sự sai trái của bản thân trong quá khứ, quyết tâm học tập cải tạo phục thiện theo Cách mạng và nhân dân xây dựng Xã hội chủ nghĩa, là rất tốt. Bây giờ hết chiến tranh rồi, anh em Trung Nam Bắc hoà hợp cùng một nhà, cùng chung một dòng giống mà ra, phải thương yêu đùm bọc nhau là lẽ đương nhiên. Chắc chắn thời gian học tập sẽ không lâu bằng thời gian làm dưới Ngụy Quyền Ngụy Quân trước đây đâu. Mọi người hãy cố gắng học tập cho nó tốt, mau tiến bộ. Tùy theo mức tiến bộ của mỗi người, Nhà Nước sẽ khoan hồng nhân đạo, lần lượt cho trở về hoà nhập vào xã hội mới Xã hội chủ nghĩa, để cùng nhân dân tái thiết đất nước Việt Nam anh hùng vô địch, giầu mạnh, đã từng chiến thắng cả 3 Ðế quốc giầu mà không mạnh là Pháp, Nhật và Mỹ…”
Những lời huênh hoang toàn là nhai lại như vẹt, các điều ghi trong loạt bài nhồi sọ mọi người, cả ngày lẫn đêm suốt thời gian học tập. Chừng gần một tiếng đồng hồ thao thao bất tuyệt, ông ta mới ngừng nói. Cả hội trường vỗ tay rào rào như pháo nổ, đinh tai nhức óc muốn xập cả nhà. Người nghe mệt mỏi, đang lơ mơ ngủ gục, giật mình tỉnh dậy. Người nói khô cổ hụt hơi, cúi xuống lấy chiếc điếu cầy từ gầm bàn ra, nhồi bi thuốc lào vào lõ điếu, đốt lửa, rít một hơi dài, cầm tách trà mạn sen chiêu một ngụm, rồi ngửa mặt phả ra ba dòng khói trắng mờ mờ khoái trá. Y hệt như “ba dòng thác cách mạng” đang lơ lửng bay lên, tan dần trong không khí ngột ngạt của hội trường.
Cán bộ Giáo dục của Trại lên bục có gắn mi crô, ca ngợi và cám ơn những lời chỉ giáo hữu ích của Ðồng chí đại diện Trung ương Ðảng cho các cải tạo viên, rồi chỉ định người lên phát biểu cảm tưởng.
Hình như những người được gọi lên đã có sự “móc nối” chuẩn bị từ trước, vì thấy vẻ mặt của họ không tỏ vẻ ngạc nhiên, lúng túng, e ngại gì cả. Họ mạnh dạn nghẹn ngào, sùi sụt nước mắt dầm dề hai má, nhận tội phản Cách mạng, oán trách Mẹ Cha đã không hướng dẫn để họ lầm đường lạc lối, nay xin Cách mạng đại lượng khoan hồng tha tội chết cho họ.

Anh chị em có mặt trong hội trường, ai cũng buồn lòng bất bình về tinh thần hèn yếu đó, nhưng lặng thinh thông cảm chia sẽ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của họ. Nghĩ rằng, nếu chẳng may mình bị lựa làm con thiêu thân như họ, thì cũng phải làm như vậy thôi. Ai dại gì mà làm trái ý kẻ thắng kiêu căng, trong lúc mình sa cơ thất thế như vầy, chỉ tổ hại vào thân và vợ con ở nhà cũng có thể bị vạ lây không chừng. Cộng sản xảo quyệt thâm độc bất nhân, ai mà lường trước được.

Sau lời phát biểu ý kiến của người Tù thứ nhất là một Ðại tá xong, thì được nghỉ giải lao 15 phút cho mọi người ra ngoài hút thuốc, đi tiểu, đại tiện nếu có nhu cầu.

Mọi người chen nhau, vội vã uà ra bãi đất trống phiá sau Hội trường. Lợi dụng lúc hỗn độn này, những bạn bè thân quen cũ tìm cách lén đến gần nhau chào hỏi, trao đổi tin tức gia đình.

Qua đôi mắt kính cận thị 4 độ, Tôi đang hướng mắt tìm trong đám đông xem có những ai quen, thì có bàn tay người vỗ nhẹ sau vai. Giật mình quay lại, thấy Bà Trung tá Hồ thị Vẽ. Chúng tôi bắt tay nhau. Bà Vẽ hỏi thăm gia đình của Tôi có di tản được không, Tôi lắc đầu.

Bà Vẽ biết Tôi từ hồi 1965, lúc Tôi làm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Trung ương Ðịa Phương quân và Nghĩa quân, đến nhờ Trung Tâm huấn luyện Nữ quân nhân, giúp đỡ việc huấn luyện Nữ trợ tá Xã hội cho Lực lượng Ðịa phương quân. Bà Vẽ có người con rể là Sĩ quan, phục vụ trong ngành Chiến tranh Chính trị, cũng phải đi tập trung cải tạo.

Sau này, vào tháng 2 năm 1985, Tôi được chuyển từ Trại Z30C (Hàm Tân) qua Trại Z30D (Thủ Ðức), lại gặp Bà Vẽ đang bị giam bên khu Nữ tù của K1, và cũng gặp cả người con rể của bà Vẽ, Ðỗ Duy Chương (Tôi không nhớ rõ anh ấy là Thiếu tá hay Ðại úy) làm ở Ðội Lâm sản, giam chung bên khu Nam với chúng tôi.

Hết giờ giải lao, Cán bộ hối thúc mọi người trở vào Hội trường, tiếp tục nghe mấy Tù khác lên phát biểu ý kiến của họ sau 10 bài học căn bản tẩy não. Mọi ý kiến phát biểu cũng na ná một giọng điệu như nhau.

Bỗng dưng trại mở Căng tin,
Tha hồ Tù viếng, miễn tiền đủ chi.
Mặt hàng chẳng thiếu thức gì,
Trứng tươi, mì, sữa, bánh quy,
Ðồ ăn đóng hộp, hệt y chợ trời.
Kẻ giầu mặc sức mua xơi,
Bỏ cơm trại nấu cho người nghèo ăn.
Mở màn khích lệ tinh thần,
Cho Tù “hồ hởi dấn thân” học hành.
Mừng đoàn Cán bộ nổi danh,
Từ Trung ương xuống tung hoành múa môi.
Ðúng ngày mưa gió tối trời,
Nhóm người thắng trận đến nơi khoe tài.
Nhằm đêm tầm tã mưa rơi,
Ðoàn Tù ngồi xổm đội Trời xem phim.
“Bước đầu thử thách” con tim,
Xét lòng “đối tượng” nổi chìm ra sao.
Có người dại miệng xì xào,
Ðược mời lên hít thuốc lào thẩm tra.
Thì thầm tin tức đồn ra,
Gọi là dằn mặt “phe ta” khỏi lờn.
Ðể mà suy nghĩ thiệt hơn,
“Kiến trong miệng chén” còn chuồn đi đâu?
Loạt bài nhồi sọ bắt đầu,
Phê bình Ðế quốc sang giầu dã man.
Thế, Thời, Tư bản đang tàn,
Sóng Thần Cách mạng dâng tràn khắp nơi.
Khôn ngoan nên biết thức thời,
Cúi đầu theo Ðảng làm người Cộng nô.
Noi gương các cụ Mao, Hồ,
Làm con cái nước Liên sô anh hùng.
Ngu si giữ giống Tiên Rồng,
Làm sao hội nhập Ðại đồng Tam vô.
Rầng rầng tay vỗ hoan hô,
“Ðỉnh cao trí tuệ” tha hồ ba hoa.
Công, Danh, Việt cộng chói lòa,
Nhân dân đổ máu, Ðảng ta kiêu hùng.
Ðảng ta “nhân đạo khoan hồng”,
“Ngụy”(1), tha tắm máu, tập trung học nghề.
Bao giờ tiến bộ thì về,
Tiếp tay xây dựng lại quê hương nhà.
Giờ đây chinh chiến đã qua,
Bắc Nam đoàn tụ một nhà thương nhau.
Thời gian học tập chẳng lâu,
Yên tâm cố gắng cho mau đạt thành.
Gia đình vô sự yên lành,
Các con vẫn được học hành như xưa.
Vợ theo lao động thi đua,
Tham gia sản xuất, đợi Cha, đợi Chồng.
Bọn hèn xuất diện lập công,
Mở lời phụ họa, tố Ông, tố Bà.
Nghẹn ngào oán hận Mẹ Cha,
Lệ tuôn tức tưởi xin tha tội mình.
Ðáng thương cho lũ bạc tình,
Bạn bè xa lánh, rẻ khinh mãn đời.
Lúc nguy mới rõ lòng người,
Vàng thau lẫn lộn, lửa thui hiện hình.
Rớt vào tay bọn súc sinh,
Dần dà mới thấy cực hình bủa vây.
Tinh thần căng thẳng đêm ngày,
Ðọa đầy kiệt sức bỏ thây rừng già.
Rồi đây sẽ sáng mắt ra,
Ðừng nghe “Vẹm” nói ngọt mà vội tin.
KẾT QỦA THÂU HOẠCH SAU ÐỢT NHỒI SỌ.

Tưởng rằng Cộng sản là vô địch,
Hăng hái Bác Hồ nhắm mắt theo.
Nửa Thế kỷ qua nước vẫn nghèo,
Nhân dân nguyền rủa, buồn, nên chết.

Cách mạng theo Nga dân đói rách,
Theo Tây, theo Mỹ, nước phồn vinh.
Lòng tham muốn cướp, Ðảng hành binh,
Xâm lược miền Nam, mặc sức vét.

Chuyên quyền độc đảng, Nga hơn Mỹ,
Dân chủ bình quyền, Mỹ thắng Nga.
Nam Việt đắn đo lập Cộng hoà,
Nga, Hoa, lo lắng hè nhau diệt.

Chủ nghiã Tam Vô phá Quốc gia,
Tự do Dân chủ nước hưng thịnh.
Ðộc tài Ðảng trị dân thù oán,
Thiển cận làm sao thấy được xa.

Long Giao, Long Khánh, Tháng 9-1975.

(1) Cộng sản Bắc Việt gọi Quân nhân và Công chức hành chánh Việt Nam Cộng Hoà là Ngụy quân, Ngụy quyền.

HỒi ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 6

LÊN ÐƯỜNG LAO ÐỘNG
CẢI TẠO TƯ TƯỞNG

Khoảng độ 3 tuần lễ sau đợt học tập loạt 10 bài cải tạo tư tưởng, từng khu Tù được lần lượt chuyển đi khỏi trại Long Giao, không biết đi đâu. Nhiều nguồn tin được loan truyền râm ran giữa các khu, qua các “toán anh nuôi” đi lãnh thực phẩm mỗi buổi sáng ngoài cổng trại, nghe ngóng đem về rỉ tai nhau.

Có người đồn về trại Sóng Thần, làm lễ mãn khoá cấp Thẻ Công dân Xã hội Chủ nghĩa, để về đoàn tụ với gia đình. Có người đoán ra đảo Phú Quốc, nơi có một trại rất lớn giam tù binh Cộng sản Bắc Việt xâm nhập miền Nam trước kia, trong vùng vịnh Hà Tiên tỉnh Châu Ðốc, để học tập làm người lao động trong Hợp tác xã. Có người đồn đi vùng cao nguyên, tham gia lao động sản xuất trong các Hợp tác xã. Tin tức dồn dập rối mù hàng ngày, chẳng biết đâu mà mò.

Tôi chân thật đưa ý kiến dự đoán, có thể bị đưa ra Bắc học tập lao động trong các Hợp tác xã, một thời gian tối thiểu dăm bẩy năm thử thách. Nếu thấy ai có tiến bộ, thực lòng quy phục Nhà Nước Xã hội chủ nghĩa, và không chết vì bệnh hoạn, thiếu ăn, thiếu thuốc, kiệt lực, còn sống sót, mới hy vọng được tha về đoàn tụ với gia đình. Lập tức bị mấy bạn đang lạc quan, tin tưởng được đưa về trại Sóng Thần làm lễ tha, phản đối cho Tôi là bi quan đoán tầm bậy. Từ đó Tôi đành im lặng không góp ý với ai, về bất cứ vấn đề gì nữa. Vì sợ phải tranh luận chứng minh, không hợp ý muốn “chủ quan” riêng của các bạn, có thể bị “ăng-ten” xuyên tạc báo cáo, chẳng có lợi gì trong hoàn cảnh đang bị tập trung tù tội.

Sở dĩ Tôi đoán vậy là vì, chỉ có giam trong vùng đất miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, lạ cảnh lạ người, không biết đường đi nước bước ra sao, Tù mới không dám và không có cách nào móc nối với bên ngoài, để thực hiện việc trốn trại. Mạng lưới Công an nhân dân dầy đặc khắp mọi nơi, không cần tốn thêm ngân quỹ “bố trí” bọn cảnh vệ canh giữ ngày đêm.

Hơn nữa, thời gian phục vụ trong ngành Chiến tranh Chính trị, Tôi đã phải nghiên cứu tìm hiểu nhiều về Cộng sản Thế giới, nên chưa quên các sự kiện diễn tiến lịch sử trong các nước Cộng sản. Trong “quá trình hoạt động vùng lên cướp chính quyền”, tất cả Liên Sô, Trung Cộng, và các nước theo chủ nghĩa Cộng sản khác kể cả Cộng sản Việt Nam, đều dùng sách lược “đấu tranh tiêu diệt giai cấp” để giành quyền lãnh đạo. Không bao giờ họ để những người trong giai cấp cầm quyền thuộc chế độ họ lật đổ, được sống còn và sống chung với họ.

Một sự kiện lịch sử vô nhân đạo rõ nét nhất, cả Thế giới đều biết là, Cách mạng tháng Mười Liên Sô thành công, tất cả các giai cấp không thuộc giới công nhân vô sản đều bị đưa đến vùng Si-bê-ri. Họ bị đầy đọa chết lần mòn bỏ thây giữa nơi hoang vu băng tuyết lạnh lùng, vì phải ngày đêm quanh năm suốt tháng lao động khổ sai kiệt sức, đói rét, thiếu thực phẩm thuốc men, sống trong những túp nhà thiếu tiện nghi tối thiểu, dưới sự hành hạ tàn bạo của Hồng quân. Sự kiện này đã được một nhà văn Nga nổi tiếng tên là Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn (Mỹ gọi là Alexander Solzhenitsyn) được giải Nobel về Văn chương năm 1970, viết thành truyện có tựa đề Gulag Archipelago (ốc đảo), viết tắt từ Glavnoye Upravleniye Ispravitelno-Trudovykh Lagerey. Cuốn truyện này đã được Thomas P. Whitney. NY: Harper & Row dịch ra Anh văn, phát hành lần đầu tiên vào năm 1973, dầy 660 trang. Truyện kể về Hệ thống quản trị các trại tập trung lao động cải tạo của Liên sô (Chief Administration of Corrective Labor Camps). Thời Việt Nam Cộng hoà hình như đã có người chuyển dịch sang Việt ngữ (Tôi không nhớ tên người dịch).

Khu các Trung tá, Thiếu tá, bao 2 bên phiá trái và phiá phải khu Ðại tá chúng tôi, được lần lượt di chuyển đi trước. Các dẫy nhà tôn mấy tháng nay đầy người ồn ào vui nhộn, nay trở thành hoang vắng lạnh lùng, khiến chúng tôi nao nao kiên nhẫn chờ đợi trong âu lo. Hồi hộp hay “hồ hởi” tùy theo dòng suy tư riêng của mỗi người. Ngày giờ trông đợi cứ chậm chạp trôi qua, theo sương đêm lạnh lùng và ánh nắng ngày gay gắt.

Thế rồi điều mong đợi cũng đã đến vào một sáng đẹp trời, chúng tôi được lệnh đóng gói “tư trang” để “hành quân” trong ngày. Trại phát phần ăn khô cả ngày cho mỗi người. Hình như 2 khúc bánh mì và mấy miếng thịt kho thì phải, Tôi không nhớ chắc. Mãi đến xế chiều mới có đoàn xe Molotova chở chúng tôi, rầm rầm tung bụi chạy vào trong khu. Các Ðội tập họp để Bộ đội áp tải kiểm danh, và phân phối lên xe.

Khi đoàn xe chuyển bánh, mặt trời đang từ từ lặn xuống ngang đỉnh dẫy rừng núi phía Tây trại Long Giao. Ðoàn xe ra Quốc lộ, bon bon chạy về hướng Saigon. Mấy anh tin tưởng được về trại Sóng Thần làm lễ tha, mừng vui cười nói oang oang. Tiếng nói của họ vừa phát ra khỏi miệng, đều bị tan bay ngay theo gió, ngược chiều với hướng xe chạy.

Ði ngang vùng ga Sóng Thần, không thấy đoàn xe rẽ vào, một dự đoán khác lại được loan ra. Chắc về bến Tân Cảng nơi đầu cầu Xa lộ khu Thị Nghè, Saigon, để xuống tầu thủy chuyển ra đảo Phú Quốc.

Tất cả các tin đồn đều sai hết. Khi đèn điện các thị trấn nằm dọc bên đường bắt đầu bật sáng, lúc gần tới Biên Hoà, đoàn xe rẽ vào đường đi Suối Máu, Tam Hiệp. Nơi có Trại tạm giam tù Cộng sản Bắc Việt xâm nhập miền Nam, đợi đưa đi trao đổi tù binh tại cầu Hiền Lương, tỉnh Quảng Trị, hồi năm 1973 sau khi Hiệp Ước Paris được ký kết.

Ðoàn xe ngừng bên hàng rào chằng chịt hai ba lớp kẽm gai cao, trước cổng một khu giam nhìn thấy lộ lớn. Bộ đội áp tải thúc hối “khẩn trương” xuống xe tập họp. Ðèn pha trước cổng bật lên sáng chóa, rọi đường cho “cải tạo viên” tay sách nách mang tư trang, nối đuôi nhau từng người một, vòng vèo di chuyển theo lối đi chữ chi, bề ngang hẹp chừng 80 phân, giữa 2 hàng rào kẽm gai cao một thước, dựng lên phiá trong cổng vào.

Hình như về đây nằm chờ phân phối đi các nơi khác, nên chẳng thấy có chương trình học tập lao động cải tạo nào được phát động. Ở không, chẳng có việc gì làm, những người vốn có máu mê thì ngày ngày túm năm tụm ba trong các láng ở, lập sòng bài, đánh chắn, mạt chược, xì phé, cờ tướng, sát phạt vui chơi bằng những gói mì ăn liền, đôi ba điếu thuốc lá, để giải khuây.

Ðồ nghề như bài lá (chắn, tam cúc, tứ sắc, sì phé) và quân cờ Mạt chược, cờ tướng, cờ Domino chẳng thiếu. Nhiều nhóm có đồ nghề thứ thiệt sản xuất tận Hồng Kông, do thân nhân gửi kèm trong quà, theo lời xin ghi trong thơ được phép gửi về nhà hồi trước Noel. Những nhóm thuộc loại neo túng, không yêu cầu gia đình cung cấp, thì lấy bià cứng của các hộp bánh kẹo gia đình gửi vào cắt ra, vẽ hình vẽ chữ lên dùng tạm. Trông thấy cũng rất đẹp, dùng chơi cũng thú vị chẳng kém gì bài lá thứ thiệt.

Ít ngày sau, nhờ phát giác được củi đun bếp là loại gỗ cây cao su, mộc mềm, mịn, dễ đẽo, lại trắng muốt có thể viết mực lên mặt gỗ dễ dàng, nên một số anh đã hì hục gọt đẽo làm quân cờ tướng, cờ Mạt chược, cờ Domino, trông rất đẹp.

Tôi cũng bắt trước đẽo một bộ Mạt chược, và học cách đánh Mạt chược. Loại bài này chơi cũng tương tự như chơi Chắn Phỗng, nên Tôi học rất nhanh. Chỉ cần nhớ thêm các Khung, Hoa, Lá, và cách làm bài ăn lớn là được. Cũng chẳng khó gì, ghi luật lệ chơi vào một tờ giấy để trên đùi, lại có thêm ông thầy ngồi kè ngay bên để mách nước, thành ra chơi cũng mau thạo lắm.

Không ai nỡ hối thúc người mới vào nghề, nhưng việc đánh không đúng bài để cho người ta ù lớn, phải chi tiền thế cho thiên hạ thì không được tha. Mỗi lần phải chi tiền đền thay thiên hạ như vậy là một tai họa lớn, làm cho tiêu gia bại sản dễ như chơi. Thường chỉ những lúc Thầy cố vấn mắc đi giải quyết việc riêng, các tay mơ ngồi chơi bài một mình, mới bị các kiện tướng lừa vào tròng. Họ làm như vậy là muốn tạo cho mình học hỏi kinh nghiệm mau “tiến bộ”, nhưng cũng để có dịp cho họ vui cười lượm bạc cắc, trước sự đau khổ của mình.

Trong thâm tâm, ai cũng vẫn luôn luôn nhớ bài học thuộc lòng hồi Tiểu học : “Cờ bạc là bác thằng bần, Ai mà dính nó xa chân vào cùm”. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, các loại giải trí này cũng là những phương tiện tốt để giết thì giờ, khỏi phải suy nghĩ vẩn vơ. Ngồi không bàn tán chuyện tào lao, lỡ gặp phải dân “ăng-ten” nghe được báo cáo thì khốn cả lũ.

Trong khi đó, ở ngoài giữa sân có 2 anh, bị Cán bộ chỉ định, phải ngồi phơi nắng hì hục gõ gõ, đục đục, cắt miếng tôn còn mới, gò ghép thành một chiếc thùng lớn, hình ống cao có nắp đậy, có lẽ để đem về nấu bánh chưng Tết. Tôi đến ngồi xem, bắt chuyện làm quen, biết được một anh là Ðại tá Trịnh Ðình Ðăng. Người “Anh hùng An Lộc”, nguyên Trưởng Phòng 3 của Sư đoàn, bị thương mà không chịu rời Bộ tham mưu đi tản thương, nhất quyết ở lại cùng anh em tử thủ. Ðến khi viện binh của Quân đoàn giải vây xong, Tổng thống Thiệu đã cho thả bộ cấp hiệu Ðại tá xuống ngay trận tuyến, thăng cấp đặc cách mặt trận cho anh ấy.

Hồi chiến trận An Lộc xẩy ra, Tôi đang làm Chủ nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến, đã cho chạy tin 5 cột vàø ảnh của anh Ðăng nơi trang nhất, đến bây giờ mới được gặp mặt người “Anh hùng An Lộc” bằng xương bằng thịt. Trước khi bị động viên theo học khoá Sĩ quan trừ bị Thủ Ðức, Anh Ðăng đã có học Trường Kỹ thuật Bách khoa tại Hànội, nên rất giỏi về chuyên nghiệp thợ nguội. Anh Ðăng có một thời gian phụ trách Xây dựng Nông thôn tại Quân đoàn 3. Trước ngày 30-4-1975, làm việc trong Bộ Tham mưu Tiền phương của Quân đoàn 3 tại tuyến đầu Phan Rang, dưới quyền chỉ huy của Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi.

Tôi ngồi chuyện gẫu làm quen, và quan sát gần cả buổi, mới ngỏ lời xin học nghề. Anh Ðăng vui vẻ bằng lòng, và chỉ dẫn cho Tôi thứ tự những việc phải làm, theo từng động tác rất kỹ lưỡng. Nhờ vậy, Tôi đã tự gò được chiếc gầu múc nước nho nhỏ cỡ 2 lít, chiếc soong có cả quai xách và nắp đậy rất vừa vặn xinh đẹp, đủ lớn để nấu canh cho 4 người dùng một bữa. Lúc đó Tôi ăn chung mâm với 2 anh Ðại tá Pháo binh, và anh Ðại tá Võ Quế gốc Không quân (em ruột Tướng Võ Dinh).
Suốt thời gian mười mấy năm cải tạo về sau, anh Ðăng và Tôi luôn luôn ở cùng Trại. Chúng tôi cùng thuộc nhóm Ðại tá đầu tiên, bị chuyển qua Trại tù do Công An “quản lý” ở Tân Lập, Vĩnh Phú. Anh Ðăng và Tôi được “biên chế” vào chung một Ðội. Rồi cùng phải chuyển đi Trại Thanh Phong, Thanh Hoá. Ðến tháng 4 năm 1982, chúng tôi được đưa về Trại Z30C, rồi Z30D ở vùng quận Hàm Tân, Thuận Hải miền Nam Việt Nam, cho đến khi được tha vào giữa tháng 2 năm 1988, Tết Mậu Thìn. Hiện nay anh Ðăng đang định cư tỵ nạn tại California.

Sau Tết dương lịch, các đội được thay phiên đưa ra đồng, sát ngay bên thiết lộ Saigon-Biên Hoà, để cuốc đất vun luống trồng khoai mì. Một sự kiện đã xẩy ra vô cùng ngoạn mục không ngờ được là, khi đoàn xe hoả chạy ngang qua khu vực lao động của chúng tôi, trên các toa xe đầy đặc bộ đội Cộng sản mặc đồ tác chiến, súng lăm lăm nơi tay, thế mà có một nhóm trẻ em chơi sát đường rầy, đã can đảm ném đá khi đoàn xe chạy ngang, và lớn tiếng chửi : “-Ð..M.. Cách mạng giải phóng!”
Bộ đội Cách mạng mang súng đi theo canh bọn tù cải tạo chúng tôi, chỉ nghệt mặt làm ngơ yên lặng chẳng nói gì. Chúng tôi phải giữ thái độ thản nhiên, như không hề thấy sự việc vừa xẩy ra. Nhưng khi về trong trại, anh em mới xôi nổi ngỏ lời bàn tán, thán phục mấy em nhỏ thật là dũng cảm.
Kể từ ngày hôm sau, không đội nào được đưa ra ngoài lao động nữa. Thật là một chuyện vui bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Có thế, bọn nhân danh Cách mạng Giải phóng mới hiểu được rằng, dân chúng miền Nam chẳng ưa gì họ, mà chỉ sợ vì họ là những người không còn nhân tính có vũ khí trong tay, có thể giết bất cứ ai, kể cả Cha Mẹ nếu Ðảng chỉ thị. Như trường hợp điển hình của Cán bộ trung kiên cao cấp lão thành Trường Chinh chẳng hạn.

Trước khi Trường Chinh được Ðảng đưa lên làm Tổng Bí thư, đã từng phải thi hành lệnh Ðảng về quê “nơi chôn nhau cắt rốn”, đấu tố xử tử chính Cha ruột của mình, trong chiến dịch cải cách ruộng đất ở miền Bắc Xã hội chủ nghiã hồi năm 1955, thời gian CSVN nắm toàn quyền sinh sát trên đất Bắc, theo Hiệp định Genève tháng 7-1954 ký kết với Pháp do lệnh các quan Thầy Nga Tầu “chỉ đạo”.

Hành trang chuẩn bị xong rồi,
Tập trung từng Ðội đứng ngồi đợi xe.
Xôn xao chuyện gẫu bên hè,
Nôn nao chẳng biết chuyển về nơi đâu ?
Cao nguyên ? Phú quốc ? Cà mâu ?
Côn sơn ? Quảng đức ? rừng sâu ? đồng bằng ?
Có nguồn tin nhảm, đồn xằng,
Tập trung về trại Sóng Thần, Lễ tha.
Ngây thơ quá đỗi thật thà,
Ðấu tranh giai cấp, thả ra thế nào?
Ðộng cơ vận tải lao xao,
Mặt Trời đang tụt phiá sau cây rừng.
Lên xe nửa sợ nửa mừng,
Gian truân bám hại tới chừng nào đây?
Xe lăn bánh, gió hây hây,
Người đi kẻ ở vẫy tay tiễn chào.
Lâu rồi mới thấy đồng bào,
Dọc hai bên lộ dẫn vào Hố Nai.
Nhà Thờ cửa đóng then cài,
Chẳng như thuở trước, trong ngoài đầy Chiên.(1)
Xót xa thương nhớ vợ hiền,
Làm sao xoay sở có tiền nuôi con?
“Còn Trời, còn nước, còn non”
Còn quân Cộng sản, Em còn gian truân.
Cầu xin Trời, Phật, Linh thần,
Ðộ cho Em được yên thân hàng ngày.
Vững tâm vượt hạn hôm nay,
Trời thương chẳng hại, còn ngày gặp nhau.
Thất thời, đành chịu lao đao,
Tới đâu hay đó, hơi nào mà lo.
Xe ngưng, Trời đã tối mò,
Ðèn pha rọi sáng, điểm cho Tù vào.
Ngoằn ngoèo theo giậu kẽm cao,
Nối đuôi hàng một bước vào khu giam.
Mỗi gian năm chục chỗ nằm,
Nhà tôn tiền chế, xi măng đúc nền.
Gióng hàng ngủ dọc hai bên,
Ðầu quay đụng vách, gối lên đồ dùng.
Nội quy luật lệ tập trung,
Chín giờ đèn tắt, hạ mùng ngủ yên.
Riêng Ta vận khí luyện thiền,
Quên đi bao nỗi truân chiên trong ngày.
Quên đi mọi nỗi đắng cay,
Giữ hồn trong sáng đợi ngày Tự do.
Ðấu tranh dựng lại cơ đồ,
Cho toàn dân Việt ấm no, phú cường.
Nơi nơi bàng bạc tình thương,
Nhân quyền, Bác ái, bốn phương hài hoà.
Ví rằng Trời chẳng thương cho,
Thì đành bỏ xác nơi bờ rừng hoang.
Thề không phục bọn bạo tàn,
Cho dù thịt nát xương tan cũng đành.
Chẳng thành công, phải thành danh,
Mệnh Trời định sẵn, ai giành được sao?


Suối Máu,Tam Hiệp, Biên Hoà, Tháng 10-1975.

(1) Những người theo đạo Thiên Chúa thường được các Linh mục gọi là Bầy Con Chiên của Chúa

HỒi ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 7

1976 - BÍNH THÌN, TẾT ÐỔI ÐỜI.

Tháng 12 năm 1975, lần đầu tiên kể từ khi bị tập trung đưa đi cải tạo vào giữa tháng 6 năm 1975, Ban Chỉ huy Trại giam Suối Máu, Tam Hiệp, Biên Hoà, cho Tù Cải Tạo được viết thơ để trại chuyển về báo tin cho gia đình biết là mình đang còn sống. Ðồng thời xin gia đình gửi tiền, quà “bồi dưỡng”, và quần áo chống lạnh, qua hệ thống Bưu điện, để ăn mừng Noel 1975 và Tết Bính Thìn (1976).

Tùy theo khả năng của mỗi gia đình, ai muốn gửi bao nhiêu tiền, bao nhiêu gói quà cũng được, không bị hạn chế. Riêng anh Nhà trưởng Nhà 2 của chúng tôi, còn nhờ được Cán bộ Quản giáo Ðội, đưa thư đến tận nhà riêng, và đem giùm những thực phẩm nhà tiếp tế vào cho, từ nhiều ngày trước khi trại chính thức cho phép, Tù được biên thư xin gia đình gửi đồ “tiếp tế” qua hệ thống Bưu điện.

Vài ngày trước Lễ Giáng sinh 1975, anh em Công giáo trong Khu giam các Ðại tá thì thầm truyền tai nhau, có lễ mừng Giáng sinh tổ chức lén tại dẫy nhà gần cuối khu. Mọi người yên tâm tham dự không sợ, vì đã cắt cử người canh chừng báo động, đề phòng trường hợp Cán bộ vào trại bất tử. Tôi không quan tâm tìm hiểu kỹ, vì không phải là tín hữu Kitô giáo, nên không biết Lễ cử hành tại đâu, vào giờ nào, ai Chủ Tế, và số người tham dự có đông không.

Sáng ngày cuối năm Ất Mão, trong Láng chúng tôi có anh Dương Hiếu Nghĩa (Ðại tá Thiết giáp binh) chủ xướng, đề nghị kín với anh Nhà trưởng Nhà 2, thiết lập một bàn hương án ngoài sân trống nằm giữa hai dẫy Nhà 1 và Nhà 2, để anh em cúng Giao Thừa đón Xuân Bính Thìn (1976). Ðược sự đồng ý của anh Nhà trưởng, Tôi đã tiếp tay với anh Nghĩa lập một “bàn hương án dã chiến”, bằng chiếc khay tôn dài 80 phân, rộng 60 phân, vẫn dùng đựng cơm phát cho anh em trong Láng chúng tôi ăn hằng bữa, đặt trên chiếc lu bằng nhựa ni lông tròn cao 1 mét, vẫn dùng đi lãnh nước chín về phát cho anh em hàng ngày. Trên “bàn hương án dã chiến” này, chúng tôi bầy cành hoa mai giấy làm lấy, bánh chưng, mứt kẹo, nước trà, đèn cầy (nến), và lon sữa bò cắm nhang, để cúng Trời Ðất Thần Linh.

Chúng tôi bầy “bàn hương án dã chiến” tại cuối khoảng sân nhỏ hẹp giữa hai dẫy Nhà 1 và Nhà 2. Vì khoảng sân này được coi là địa điểm an toàn. Nó không bị quan sát từ phía ngoài rào trại, cũng như từ đồn canh kiểm soát tại cổng Khu, nhờ có dẫy Nhà Bếp lớn dài của Khu che khuất.

Khu giam chúng tôi chỉ có một cổng ra vào duy nhất. Muốn vào trong khu, phải đi vòng vèo theo lối nhỏ chật hẹp giữa 2 hàng kẽm gai, bề ngang cỡ 80 phân, mất ít nhất là 3 phút, mới từ cổng vào đến được trước cửa điếm canh bên trong sân. Vào lọt rồi, còn phải đi qua một sân trống, rộng dài cả hơn trăm mét, mới tới lối rẽ vào đầu dẫy nhà kế bên Nhà 2 của chúng tôi.

Ðặc biệt đêm 30 Tết, Ban chỉ huy trại giam “chiếu cố”, để đèn điện sáng tới lúc qua Giao Thừa mới tắt, cho Tù trong các Láng được vui chơi trò chuyện thoải mái, chuẩn bị đón năm mới. Cán bộ canh tù cũng mải chuẩn bị vui Tết đơn vị, mừng một năm Cách mạng toàn thắng, Thống nhất đất nước, nên cũng chẳng vào bên trong Khu, rảo quanh kiểm soát gắt gao như thường lệ. Anh Nghĩa và Tôi sửa soạn các thứ cúng từ hồi chiều, nhưng đợi tới khoảng hơn 11 giờ khuya, mới bắt tay vào việc bầy biện “bàn hương án dã chiến” ra sân. Công tác vừa hoàn tất dược chừng năm phút, thì nghe tiếng chuông Nhà Thờ gần trại giam bắt đầu vang vọng báo Xuân sang.

Pháo bắt đầu đùng đẹt nổ bên phiá khu nhà Cán bộ cảnh vệ, và râm ran vang vọng từ xa xa nơi Dân chúng sống gần quanh trại giam. Anh Nghiã và Tôi ra sân, đến bàn thờ thắp nhang đèn, vái cúng Trời Ðất Linh Thần. Chúng tôi cầu xin phù hộ cho Dân tộc Việt Nam được sống yên vui hạnh phúc, khắp nơi bàng bạc tình thương, và cho chúng tôi cùng gia đình vợ con luôn sức khoẻ, tai qua nạn khỏi, sớm được đoàn tụ bên nhau, xây dựng cuộc sống an lành trong xã hội mới.

Mấy phút sau, lẻ tẻ cũng có một số bạn trong Nhà 1 và Nhà 2 của chúng tôi, lần lượt âm thầm đến trước “bàn hương án dã chiến”, chắp tay vái lạy cầu nguyện Trời Ðất Thần Linh phù hộ. Mỗi người vái lạy cầu xin Trời Ðất Thần Linh phù hộ xong, lập tức rời ngay bàn thờ lanh lẹ trở vào Láng của mình, tìm bạn bè bắt tay mừng chúc nhau mọi sự tốt lành trong năm mới.

Hai Láng của chúng tôi làm như vậy, còn các Láng khác thì không biết. Không dám liều lĩnh lần mò đi quan sát, nên không biết. Quy luật trại rất gắt gao, cấm mọi di chuyển ra ngoài Láng ban đêm, ngoại trừ nhu cầu đi vệ sinh. Ban đêm, mỗi khi đi ra đi vào nhà, đều phải báo cáo lớn tiếng : “-Báo cáo anh bộ đội, tôi đi nhà vệ sinh.” hoặc “-Báo cáo anh bộ đội, tôi đi nhà vệ sinh vào.” Chẳng biết anh bộ đội đứng rình ở khe ngách nào, nếu không làm đúng quy lệ, bỗng nhiên anh ta lên tiếng hạch hỏi : “-Anh kia đi đâu?” thì lãnh tai vạ ngay.

Ðể cho Tù “biết ơn Cách mạng,” và “hân hoan” mừng đón Tết Bính Thìn (1976), trại giam tổ chức thực hiện “báo tường”, đấu bóng chuyền, đấu cờ tướng. Mọi người, mọi Ðội được “khích lệ” “đăng ký” “thi đua”, tranh giải thưởng.

Nhà 2 của chúng tôi phối hợp với Nhà 1, lập Ðội bóng chuyền tham gia tranh giải, vì 2 nhà thuộc chung một nhóm hoả vụ, nên hàng ngày thường xuyên được phép qua lại liên lạc mật thiết với nhau.

Nhân số cầu thủ ghi danh tham dự đội bóng của Nhà 2 đông hơn Nhà 1. Anh em cầu thủ thuộc Nhà 2 phần đông làm việc trong Bộ Tổng tham mưu, biết Tôi từ hồi làm Chỉ huy phó Viễn Thông Bộ TTM những năm đầu thập niên 1960, là một cầu thủ tài tử khá trong đội bóng chuyền Sĩ quan của Bộ Chỉ huy Viễn thông. Nên mọi người “nhất trí” yêu cầu Tôi làm Trưởng đội bóng, để đôn đốc anh em tập luyện hàng ngày.

Những người ghi danh tham gia trong Ðội bóng chuyền chúng tôi, được miễn mọi dịch vụ hàng ngày, để tập luyện gấp rút cả sáng lẫn chiều. Chúng tôi đã cố gắng hết sức mình, luyện tập tinh thần kỷ luật đồng đội, kỹ thuật đón chuyền banh cho nhau được thật thuần thục, cũng như tập luyện thể dục và sức chịu đựng của cơ thể ngoài nắng cho thật dẻo dai. Rút cuộc, thành quả sau cùng chúng tôi đạt được rất vẻ vang.

Trong Khu giam chúng tôi được chia ra 2 phân khu nằm sát bên nhau, không rào gai ngăn cách. Khoảng 7 Nhà bên phiá Ðông và Bắc, giam các Ðại tá và vài ông Tướng đưa từ Khám Chí Hoà, Saigon tới. Số còn lại bên phần đất phiá Tây và Tây Nam, giam các Trung tá ít hơn chúng tôi.
Bên phiá các Trung tá chỉ lập có 1 đội banh. Bên phân khu Ðại tá chúng tôi đông người hơn, nên có tới 2 đội “đăng ký” tranh giải. Như vậy là có tất cả 3 đội bóng chuyền ghi danh tranh tài, nên cuộc chơi được tổ chức theo thể lệ đấu Tam Giác. Theo phương thức này, cả 3 đội phải thay phiên đấu với nhau theo kết quả bốc thăm. Ðội nào bị thua cả 2 đội kia thì bị loại. Hai đội thắng đấu chung kết, tranh giải Nhất, Nhì, trong 3 ván 21 điểm. Ðội nào thắng liền 2 không, hoặc 2 trên 1 thì được coi là vô địch lãnh phần giải Nhất.

Mồng Một Tết, cuộc tranh giải bắt đầu lúc 8 giờ sáng. Ðội bóng của chúng tôi được gọi là đội A, may mắn bốc thăm được ra quân đầu, tranh ăn thua với đội B. Chúng tôi thắng 2 không, được ngồi nghỉ chờ xem 2 đội B và C đấu với nhau. Ðội C thắng đội B cũng 2 không, được nghỉ 30 phút giải lao, trước thi đấu chung kết với đội chúng tôi.

Cuối cùng, đội của chúng tôi thắng trận chung kết với tỷ số 2 trên 1, lãnh giải thưởng hạng Nhất, gồm 1 hộp mứt thập cẩm và 1 bao thuốc lá Sapa sản xuất tại miền Bắc Xã hội chủ nghiã. Anh em tụ lại thưởng thức vui vẻ để mừng thắng lợi đầu năm, do chính công sức hợp quần kỷ luật của cả đội nên mới đạt được.

Trận đấu chung kết diễn ra khá gay go, sau khi hai bên hoà nhau 1-1 với tỷ số ngang ngửa. Ván thứ nhất đội chúng tôi thắng 21 trên 19. Ván thứ 2 đội chúng tôi thua lại 21 dưới 23. Ván sau cùng đội C dẫn trước 10 trên 9. Theo luật thi đấu đã thoả thuận trước, trong thời gian tranh đấu ván kết thúc, khi có đội dẫn đến 10 điểm thắng, thì bắt buộc phải thực hiện việc đổi sân giữa 2 Ðội, trước khi tiếp tục giao đấu.

Thật là may mắn, đội chúng tôi được chuyển sang phiá sân quay lưng vào mặt Trời, nên không bị chói mắt. Chúng tôi đã khai thác lợi thế đó, lúc thì đưa bóng thật cao và sâu sang tận cuối sân bên đối phương, lúc thì bỏ nhỏ sát lưới. Dĩ nhiên xen kẽ các cú banh dài ngắn, có những cú đập vũ bão sát lưới, của 3 tay đập thường xuyên đứng tại hàng đầu. Ðội của chúng tôi có tới 4 tay nhẩy cao đập bóng lận. Chúng tôi áp dụng lối thay đổi chớp nhoáng vị trí các cầu thủ, ngay sau tiếng còi trọng tài thổi báo cho phép đối phương giao banh. Nhờ thế, lúc nào tại hàng đứng bên lưới, chúng tôi cũng có 3 tay búa để cản và áp đảo đối phương.

Cuộc đấu bóng chuyền trong tù đầu năm Bính Thìn này, đã lưu lại trong tâm hồn Tôi một kỷ niệm rất xúc động không bao giờ quên được. Anh Nghĩa đã nhắc Tôi áp dụng mánh khoé, xin trọng tài cho ngưng đấu một phút để đổi người, vào lúc đội C đang dẫn 19 huề, mặc dầu đội chúng tôi không có ai bị trục trặc gì cần phải ra sân cả. Nhờ thế, hùng khí ưu thế của đối phương đang hăng bị giảm đi, chúng tôi có thời gian lấy lại bình tĩnh, và bàn luận thay đổi chiến thuật.

Tiếp tục đấu lại thật gay go, cả 2 bên cứ thay phiên nhau huề, đổi giao banh, lợi điểm một, rồi lại huề... Tất cả anh em trong Ðội chúng tôi, không ai quan tâm đến chuyện được hay thua, nên bao giờ cũng bình tĩnh giữ tinh thần thể thao giải trí vui vẻ, vừa đánh vừa bông đùa khích lệ tinh thần nhau cố gắng thêm, chớ không cằn nhằn nhau khi có người lỡ làm hỏng đường banh, như bên đối phương. Nhờ thế, tinh thần đoàn kết của chúng tôi vẫn cao, lần lần nâng tỷ số bàn thắng lên, chiếm được ưu thế dẫn trước 22 trên 21.

Ðang ăn điểm, chúng tôi được tiếp tục giao banh. Trái banh đánh đi thật độc, xà xà sát mặt lưới. Bên đối phương bị mặt Trời làm choá mắt, 3 anh đứng hàng sau cũng nhanh nhẹn nhào mình lăn ra đất, vớt banh kịp thời cứu nguy. Nhưng họ không có cơ hội tung banh lên cao, cho hàng đứng sát lưới đập. Nhờ thế banh được búng trả lại, sâu trong góc sân bên chúng tôi, một cách thật hiền hoà, không có gì nguy hiểm.

Anh bạn đội chúng tôi đứng thủ nơi góc sân, đón banh một cách dễ dàng. Anh ấy nhẹ nhàng chuyển tới Tôi, để nâng lên cao cho anh đứng giữa sát lưới đập như thường lệ. Liếc nhanh bên sân đối phương thấy có chỗ trống. Thay vì nâng banh lên cao, Tôi bất chợt bỏ nhỏ, sau lưng người đứng cạnh rìa sân đối diện bên kia lưới, đang nhẩy lên hiệp cùng 2 bạn đứng sát lưới để cản banh. Trái banh đã nhẹ nhàng rơi xuống đất, ngay chỗ trống sau lưng anh ta, cùng lúc hết đà nhẩy chân anh ta vừa hạ xuống chạm mặt đất. Không vớt kịp, cú bỏ nhỏ tuyệt vời đã chấm dứt ván thứ 3, với tỷ số 23 trên 21, đem lại thắng lợi vẻ vang cho Ðội chúng tôi.

Tiếng còi của Trọng tài, tuýt tuýt tuýt, tuýt tuýt tuýt, nhiều hồi liên tiếp vang lên báo hiệu mãn trận đấu. Khán giả đứng xem chung quanh sân ùa vào, nhấc bổng Tôi lên vai, khênh đi một vòng giữa những tiếng “hoan hô ông già nhỏ con”, một cách nồng nhiệt.

Mọi người tán thưởng đội chúng tôi nồng nhiệt như vậy, vì cầu thủ của đội C toàn là anh em cấp Trung tá, cũng lớn tuổi nhưng tương đối trẻ hơn chúng tôi. Mọi người thấy rõ ràng, sức chịu đựng của anh em mạnh và dẻo dai hơn chúng tôi. Nhưng vì nóng nẩy muốn dứt điểm sớm, hay cằn nhằn làm bực mình nhau, nên mới thua. Chúng tôi đã thắng, nhưng thật vô cùng vất vả.

Về “Báo tường”, Nhà 2 của chúng tôi có Ðại tá Bá Thìn tự Long rất khéo về hoạt hoạ, trình bầy tờ báo thật đặc sắc, mầu sắc hài hoà nổi bật, hình vẽ mỹ thuật sắc sảo vui mắt. Bài vở thì do anh em cả hai Nhà 1 và 2, cùng đóng góp rất phong phú, có cả sớ Táo quân, thơ Xuân, bài Xã luận, và nhiều chuyện vui rất dí dỏm.

Dĩ nhiên là muốn được an toàn xa lộ, thì mọi bài viết phải xoay quanh đề tài mừng “Cách mạng mùa Thu đại thắng”, “Chiến dịch Hồ Chí Minh Xuân Ất Mão (1975) thần thánh, Thống nhất đất nước,”, “Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng vô địch” đã đánh thắng cả 3 Ðế quốc Tư bản “giầu mà không mạnh” là Pháp, Nhật, và Hoa Kỳ.

Phần lớn ý tứ diễn đạt trong các bài được lựa đăng trên “báo tường”, đều phải “phản ánh” đúng những gì 10 bài học tập muốn nhồi sọ. Thật tình, phải thán phục những anh em tham gia góp bài rất khôn khéo, đã sáng tác những đoạn văn rất hay làm vui lòng Cách mạng. Cũng có những bài vô thưởng vô phạt nhưng rất hữu ích, do các Ðại tá Quân y viết. Như các đề tài gìn giữ vệ sinh cá nhân và luyện tập vận động cơ thể để sống khoẻ mạnh hàng ngày, gìn giữ vệ sinh công cộng tránh các bệnh truyền nhiễm, thường phát sinh lan truyền trong đám đông sống chung thiếu các tiện nghi và thuốc phòng ngừa... Nhờ thế báo tường của Nhà 2 chúng tôi, cũng được giải thưởng. Anh Nhà trưởng của chúng tôi rất vui, cho biết là Cán bộ Quản giáo Ðội cũng được Ban chỉ huy trại “biểu dương”. Từ đó anh em thấy cử chỉ Quản giáo đối xử với Ðội, tương đối dễ dãi hơn các Ðội khác.
Ngày Tết Nguyên Ðán đầu năm, Nhà 2 của chúng tôi có được hai điều vui, nhưng lại gặp một điều buồn, tủi hổ không thể nào quên được. Số là anh em thường tụm thành từng nhóm 4, 5 người ăn chung. Ðến giờ lãnh cơm và thức ăn, chỉ cần 1 người đại diện lấy vật dụng của các bạn trong nhóm, tập trung nộp cho người trực ngày của Láng phân chia. Trước khi chia, bao giờ người trực cũng đếm số dụng cụ đựng thực phẩm đã xếp hàng, xem có phù hợp với số người được thụ hưởng không. Nếu thấy thiếu thì nhắc nhở lớn tiếng, để ai quên chưa nộp phải đem ngay dụng cụ tới lãnh phần của mình. Trường hợp dư cũng phải loan báo lớn tiếng, nhắc nhở người nào lỡ quên để 2 dụng cụ phải đến lấy bớt ra.

Hôm đó, trước khi ra trạm canh tại cổng gặp Cán bộ Quản giáo Ðội, anh Nhà trưởng đã tự để dụng cụ lãnh phần thịt của mình rồi, nhưng anh bạn cùng ăn trong nhóm không biết, lại để dụng cụ đúng theo sĩ số cho cả nhóm. Do đó tổng số dụng cụ nộp lãnh thịt dư ra một chiếc. Nhắc nhở 3 lần không ai trả lời, vì mọi người còn mải đi xem các cuộc vui Xuân ở ngoài sân, nên anh trực phụ trách chia thịt, tự động bỏ đại 1 Gamen ra bên.

Chẳng may gặp đúng ngay Gamen của 1 bạn, chẳng ăn chung mâm với ai. Thịt chia xong, anh bạn kia đến lấy, thấy Gamen của mình bị bỏ sang một bên, trống trơn không có phần thịt, đã lớn tiếng khiếu nại. Lời qua tiếng lại gây gổ, suýt nữa thành ra ẩu đả.

May sao anh Nhà trưởng ở ngoài bước vào, hỏi rõ sự việc, liền quyết định yêu cầu mọi người đến nhận diện dụng cụ, để tự lấy phần của mình. Nhờ thế, mới lòi ra chính người phụ trách chia thực phẩm, ăn cùng mâm với anh Nhà trưởng, đã lầm lẫn để dư dụng cụ nhận phần thịt cho nhóm. Thành ra anh Nhà trưởng được chia tới 2 phần thịt.

Anh nhà trưởng và người trực chia thực phẩm, đã phải chân thành xin lỗi anh em. Sự việc tuy nhỏ, nhưng là một điều thật đáng buồn cho cái Tết Ðổi Ðời đầu tiên trong tù, không bao giờ quên được.
Kể từ Noel, trại đem 1 máy thu hình nhỏ (TV) đặt trên bàn gỗ ở giữa sân, để tối tối anh em Tù trong cùng Khu được phép ra ngồi xem. Ai nấy lo kiếm 1 khúc gỗ kê đít, một chiếc dép râu bỏ không dùng vì đứt hết quai cao su, chiếc guốc đẽo lấy bằng gỗ cao su đun bếp, hoặc chiếc ghế nhỏ thấp, đặt xếp hàng giành chỗ trước từ sáng sớm. Vì màn ảnh TV quá nhỏ, người ra xem quá đông, chậm chân ra trễ phải đứng xa cả 50 mét, thì sẽ chẳng thấy hình ảnh, mà chỉ nghe được âm thanh như nghe radio vậy thôi.

Một chuyện thú vị khác, diễn ra trên màn ảnh nhỏ (hệ thống tuyên truyền bằng TV của Nhà Nước Xã hội Chủ nghĩa tại Saigon) đã làm cho chúng tôi thấy khoái trá trong lòng. Chẳng khác nào vụ nhóm các em nhỏ, đứng bên cạnh thiết lộ Biên Hoà - Saigon, ném đá lên đoàn xe hoả chở bộ đội, và chửi thề : “-Ð..M.. Cách mạng Giải phóng!”, hồi đầu năm Dương lịch 1976 (đã kể trong một đoạn trước).

Trong chương trình đêm giao thừa, sau bài ca vọng cổ của nữ ca sĩ nổi danh miền Nam, Bạch Tuyết, ca ngợi Cách mạng mùa Thu đại thắng, là tin phóng sự của một phóng viên trẻ “đội mũ tai bèo”, phỏng vấn 1 bà lão bán rau, ngồi bên lề đường phía cổng Tây chợ Bến Thành.

Bỗng nhiên, mọi người đang ngồi xem đồng loạt cười ồ vỗ tay rào rào. Cán bộ tuần kiểm trong trại, cũng đang dừng chân đứng xem ké, ngơ ngác chẳng hiểu gì cả, nhưng cũng cười theo rồi bỏ đi. Ðầu đuôi câu chuyện phỏng vấn như thế này :

Anh phóng viên mào đầu ngỏ lời chào bà cụ rồi hỏi :

-Thưa Bác, năm nay ăn Tết Cách mạng Giải phóng Thống nhất đất nước, Bác thấy thế nào?
Bà lão thật thà trả lời :

“-Vui mừng lắm, vì Giải phóng rồi, không còn Việt Cộng pháo kích vào Thành phố, vào Chợ, vào Trường học giết hại đồng bào và trẻ con nữa!”

Thật là một chuyện hy hữu, không thể xẩy ra trong hệ thống tuyên truyền của Cộng sản, thế mà nó đã xẩy ra. Có Trời mới biết được tại sao.


BÍNH THÌN-1976, TẾT ÐỔI ÐỜI.

Mất hết, còn chi Tết với Xuân,
Nhà tan, Tổ vỡ đọa đầy thân.
Nghe tràng pháo nổ, lòng tan nát,
Ngó cánh Mai rơi, não bí vần.
Kẻ thắng cuồng vui cười hể hả,
Người thua chua chát hận phân vân.
“Anh hùng mạt lộ” âm thầm chịu,
Tà, Chính, Trời cao sẽ định phần
.

Suối Máu, Tam Hiệp, Biên Hoà, Tháng 2-1976.