Thứ Năm, tháng 1 08, 2009

HỒI ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 30

TRẠI Z30C HÀM TÂN,
TIA SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM.

(Hồi Ức Tù Cải Tạo Việt Nam)
Nguyễn Huy Hùng


Sau 6 năm bị lưu đầy biệt xứ trên đất miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, được trở về hít thở bầu không khí ôn hoà của miền Nam vào đúng cuối tháng 4 năm 1982, Tôi cảm thấy nao nao buồn vui lẫn lộn.
Vui mừng sung sướng, vì không ngờ sau thời gian dài 2,125 ngày bị đọa đầy hành hạ cực khổ đói khát bệnh hoạn, không bỏ thây trên đất miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa như dự tính của Đảng Cộng sản Việt Nam, còn sống trở về miền Nam đợi ngày được Tự do đoàn tụ với Vợ Con và thân quyến, bằng hữu.

Buồn vì, nhờ chuyến tầu hoả xuyên Việt, mới có dịp nhìn thấy tận mắt, suốt dọc con đường dài 1,456 cây số, hai bên thiết lộ từ Thanh Hoá vào tới Gia Rai Thuận Hải, cảnh quê hương tiêu điều, sinh hoạt của dân chúng không nhộn nhịp như trước ngày bị Cộng sản xâm lược, dưới chiêu bài Giải phóng miền Nam.

Không ai có thể quên được ngày 30 tháng 4 năm 1975, cái mốc thời gian lịch sử đau thương nhất của toàn dân tộc Việt Nam trong hậu bán Thế kỷ 20, do Việt Cộng tay sai Cộng sản Quốc tế đã ghi vào cuốn sử hơn bốn ngàn năm Văn Hiến, của dòng giống Tiên Rồng chúng ta. Cả triệu người cằm súng chống Cộng sản Quốc tế xâm lăng miền Nam Việt Nam, phải đau lòng nuốt hận buông súng, vì bị Đồng minh Hoa Kỳ và nhóm Lãnh đạo Chính trị hoạt đầu đón gió trở cờ phản bội.

Chế độ Cộng hoà Dân chủ Tự do tại miền Nam Việt Nam tan biến, hàng triệu người dân vô tội đang sống yên vui hạnh phúc, phải tất tưởi sợ hãi dắt díu nhau tìm đủ mọi phương tiện bỏ nước ra đi. Vì họ đã thấy tấm gương tầy liếp “tắm máu, diệt chủng” của dân tộc Cămpuchia, khi bọn Khmer Đỏ tay sai Cộng sản Quốc tế, cướp được Chính quyền tại Nam Vang, đã thực hiện hồi đầu tháng 4 năm 1975 trên đất nước xứ Chùa Tháp, Đế Thiên Đế Thích. Cả hơn 2 triệu người dân Cămpuchia bị đập đầu đến chết một cách rất man rợ. Chẳng khác nào Việt Cộng đã chém giết chôn sống gần chục ngàn đồng bào Việt Nam tại Huế, trong cuộc “Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968”.

Sau suốt mấy chục tiếng đồng hồ tù túng, ê mông đau lưng nằm ngồi trên chuyến xe lửa Thống Nhất đặc biệt, nay được nằm dài duỗi thẳng chân tay trên sàn ván, mọi người thoải mái từ từ chìm vào giấc ngủ mê mệt chẳng biết trời trăng gì. Tiếng cồng đánh thức sáng, oang oang vang trong sương mù, làm mọi người tỉnh giấc. Uể oải mắt nhắm mắt mở ngồi dậy, Tôi cứ tưởng mình đang ở Thanh Phong. Khi chống tay ngồi lên, thấy chiếc sàn nằm bằng ván cứng, mới nhớ ra mình đang ở Trại Hàm Tân, Thuận Hải trong miền Nam. Chờ hoài không thấy Cán bộ đến mở cửa nhà giam, anh em chẳng ai ngạc nhiên. Mọi người đã quá quen thuộc với cái quy luật cố hữu của Trại Cải tạo Cộng sản, Tù mới tới bao giờ cũng được ở nhà một đôi ngày, làm thủ tục khai báo lý lịch. Sau đó, Ban Chỉ huy Trại xếp loại thành phần để “biên chế” vào các Đội, rồi mới đưa ra ngoài lao động.
Tất cả Tù cũ xuất Trại lao động hết, Cán bộ mới đến mở cửa cho chúng tôi ra, làm vệ sinh cá nhân và đi lãnh phần ăn sáng về chia nhau. Được ra sân nhìn quanh giữa ban ngày, thấy Trại giam này rộng rãi hơn K2 Thanh Phong, Thanh Hoá. Trại ngự trị trên một khoảng đồi rộng lài lài, chia thành 2 khu riêng biệt, cách nhau bởi con đường đủ rộng cho 2 xe tải chạy ngược chiều, không phải ngừng để nhường nhau. Khu bên phía Đông con đường, có nhiều cây cao to tàn lá um tùm mát mẻ, với những nhà khang trang như một xóm dân cư, dành cho Cán bộ và các cơ sở Ban Chỉ huy Trại. Còn khu bên phía Tây trơ trụi không cây, với một hàng lũy đất cao 1 mét, trồng tre gai tươi dầy đặc rộng cỡ 2 mét bao quanh, để nhốt Tù.

Bên phần đất giam Tù được chia thành 2 khu, cách nhau bởi một khoảng trống rộng và hàng rào kẽm gai. Khu trên cao, nơi đang giam chúng tôi, gồm toàn nhà mái tôn, Nhà Bếp, Hội trường, Bệnh xá và một giếng nước lớn. Khu dưới thấp gồm 3 dẫy nhà gạch, 2 dẫy mái lợp ngói, và 1 dẫy lợp bằng những miếng fibro ciment sóng gợn. Anh em Tù cũ gọi là Khu Nhà Ngói, giam những Tù bị Trại coi là nguy hiểm cần cách ly. Nhà Kỷ Luật giam Tù vi phạm Nội quy Trại, ở trong Khu Cách Ly này. Mỗi dẫy nhà giam đều bị quây chung quanh, bởi một hàng rào kẽm gai đan ô vuông cao 2 mét. Nhà nọ cách nhà kia một khoảng đất trống chừng 50 mét, có một đường đi rộng 5 mét ở chính giữa. Dọc bên hàng rào phía cuối mỗi dẫy nhà, là nơi Tù được phép gây bếp để nấu nướng linh tinh, tăng cường cho 2 bữa ăn hàng ngày của mình.

Hết giờ lao động sáng, từng Đội Tù cũ lần lượt trở vào Láng giam, sau đó ùn ùn kéo nhau ra nấu nướng. Chúng tôi ra sát hàng rào bên Láng đứng quan sát, ngóng tìm bạn bè quen cũ trao đổi tin tức. Nhiều Bạn gặp người cùng đơn vị, hỏi thăm nhau rối rít. Tôi không nhận ra được ai quen, vì phần lớn anh em thuộc đơn vị tác chiến. Bỗng nhiên, có một anh cỡ hơn 3 chục tuổi, loay hoay nhóm bếp xong, đứng lên vẫy tay về phía Tôi, lớn tiếng gọi : “-Trưởng Hùng! Trưởng Hùng! Em là X. đây. Hướng đạo Quân đội Tiểu khu Định Tường đây. Trưởng có nhận ra không? Ôi chao! sao lúc này Trưởng già ốm quá vậy? Trưởng có cần gì không? Cho biết, em ném sang tiếp tế cho Trưởng.” Ngờ ngợ một lúc lâu, Tôi mới nhớ ra anh bạn X. Trung úy thuộc Khối Chiến tranh Chính trị ở Mỹ Tho, đã theo Trại huấn luyện Huynh Trưởng Hướng đạo Quân đội tại Căn Cứ Tiếp vận Long Bình, do Tôi làm Trại trưởng. Bạn ấy học Trại Ngành Thiếu, để về tổ chức hướng dẫn con em gia đình quân sĩ trong Tiểu khu, sinh hoạt trau dồi Trí, Đức, Dục, và hoạt động Giúp Ích xã hội trong những giờ nhàn rỗi ngoài học đường. Tôi lắc đầu trả lời : “-Không cần thực phẩm, chỉ cần ít củi đun thôi.” Anh bạn X. liền chạy ra góc sân, lấy một bó củi ngắn nhỏ, ném qua đỉnh 2 hàng rào sang cho. Tôi cám ơn rồi đem vào đưa cho anh bạn ăn chung, chuẩn bị nấu nướng món tăng cường cho bữa trưa của chúng tôi.

Hôm sau là mồng 1 tháng 5, Lễ Lao động Quốc tế, cả Trại nghỉ. Việc nấu nướng “cải thiện” được thực hiện cả ngày không hạn chế, anh em tha hồ đứng bên hàng rào hàn huyên thăm hỏi nhau thoải mái. Tôi đang ở trong Láng giam, viết thơ gửi về gia đình báo địa chỉ liên lạc mới. Một bạn ở chung Láng, từ khu nấu nướng chạy vào cho hay có người nhắn muốn gặp Tôi. Thủng thẳng đi ra khu nấu nướng bên hàng rào, nhìn sang coi ai kiếm mình, Tôi thấy Trung úy X. đứng bên một người cao lênh nghênh. Anh bạn cao như cò sếu, dơ tay vẫy vẫy rồi chào theo kiểu riêng của Hướng đạo sinh, và lên tiếng : “-Chào Trưởng Hùng. Em là “Hươu Lém” đây. Trưởng có nhớ ra Em không?” Bạn này thì Tôi nhớ ra ngay, vì cái dáng dấp cao đặc biệt. Hồi dự Trại huấn luyện Trưởng ngành Kha, đã được Toán Huấn luyện tổ chức cuộc săn đêm, theo lối sinh hoạt của Hướng đạo để đặt Tên Rừng Hướng Đạo Sinh cho bạn ấy, nên Tôi nhớ mãi không quên được. Tôi cười gật gật đầu nói : “-Nhớ! Nhớ! làm sao quên được kỷ niệm cuộc săn đêm ở Trại Kha ngày nào.” Bạn ấy vỗ tay cất tiếng ha hả cười, và ném qua hàng rào sang cho Tôi một túi ni lông. Tôi nhặt mở ra xem, thấy trong có bó rau muống và một chiếc mũ rộng vành đan bằng lá buông, kiểu Hướng đạo sinh thường đội.

Nghỉ Lễ Lao động xong, mọi người tiếp tục đi lao động. Nhóm anh em mới đến được ở trong trại chờ “biên chế”. Nhóm Đại tá chúng tôi được tăng cường một số Trung tá gốc Cảnh sát, Pháo binh, Công binh, Tổng quản trị, Biệt động quân, An ninh quân đội, Chiến tranh Chính trị, và 4 Đại tá từ nơi khác về (trong đó có anh Đại tá Hải quân Nguyễn văn Tấn), lập thành Đội Nông Nghiệp.
Anh Tấn nguyên là Tham mưu phó Chiến tranh Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân. Được “biên chế” vào chung một Tổ với Tôi. Chúng tôi chiếm chỗ nằm gần bên nhau để dễ tâm sự. Có lần Tôi hỏi anh có biết gì về tin tức Trung tướng Trần văn Trung Tổng cục trưởng Chiến tranh Chính trị không? Anh Tấn đã kể cho mọi người cùng nghe : “-Lúc 11 giờ sáng ngày 30-4-1975, sau khi Tướng Dương văn Minh kêu gọi Quân đội buông súng, Trung tướng Trung đến Bộ Tư lệnh Hải quân gặp anh ấy, và anh ấy đã lo thu xếp chiếc tầu thủy chót còn lại đang đậu trong Hải quân Công xưởng, chở Trung tướng Trung xuôi theo sông Lòng Tào thoát khỏi Saigon, ra ngoài khơi Vũng Tầu đi tỵ nạn. Nhưng cá nhân anh Tấn không đi theo.” Tôi không tìm hiểu lý do tại sao anh Tấn không đi, vì mỗi người có hoàn cảnh cá nhân riêng, không muốn người khác biết.

Tại Trại Hàm Tân này cũng như ở những Trại khác, các Đội được phân biệt bằng một số riêng. Đội chúng tôi mang số 6, tổng số gồm 42 người (17 Đại tá, và 25 Trung tá). Trung tá Phạm ngọc Xuyến (gốc Tổng Quản Trị làm việc tại Bộ Tổng tham mưu), được chỉ định làm Đội trưởng của chúng tôi. Trung tá Nguyễn văn Sáu (gốc Biệt động quân, làm việc tại Trung tâm thẩm vấn tù binh, thuộc Phòng Nhì Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hoà) làm Đội phó.

“Biên chế” xong, chúng tôi được lệnh khuân vác đồ đạc tư trang, di chuyển ngay xuống Khu Nhà Ngói. Khoảng cách giữa 2 khu cũng cỡ 1 cây số. Có người nhiều đồ tiếp tế quá, một mình vác không xuể phải nhờ bạn bè tiếp tay, đi qua đi lại 2, 3 lần mới khiêng hết được đồ đạc và tư trang. Đến nơi giam mới, chúng tôi phải mở hết tư trang và đồ tiếp tế riêng của mình, bầy mỏng trên mặt đất giữa sân, y như ngồi bán chợ trời để Cán bộ lục soát kiểm tra. Cuộc kiểm tra lần này thật là tỉ mỉ khác thường, phải phơi nắng suốt ngày đến gần chiều mới xong, để được dọn vào nhà ở.

Nghe nói các dẫy nhà giam này, được xây cất theo khuôn mẫu nhà giam bên Liên xô. Hèn chi, thấy nó thoáng rộng hơn các nhà giam xây cất ở Trại Tân Lập Vĩnh Phú, trên đất Bắc Xã hội Chủ nghĩa. Mỗi dẫy nhà được ngăn đôi, y như 2 căn phố nối dài liên tiếp, để giam 2 Đội khác nhau, nhân số mỗi Đội khoảng trên dưới 4 chục người. Cả hai bên kiến trúc giống y nhau, chia thành 3 phòng, nhưng thứ tự sắp xếp các phòng thì đối ngược lại. Trong mỗi phòng có một bóng điện thắp sáng mỗi tối từ 7 đến 9 giờ.

Phòng đầu nhà được ngăn riêng, có cửa ra vào với nhiều cửa sổ (không có cánh cửa), dành làm nơi ăn, đồng thời cũng là nơi cất các dụng cụ cần cho việc nấu nướng, và thực phẩm tiếp tế riêng của Tù. Củi đun, mỗi cá nhân được phép nhặt gom trong giờ lao động đem về, xếp đống tại khu bếp ngoài sân sát hàng rào phía cuối dẫy để dùng dần.

Phòng kế tiếp là phòng giam, bề ngang rộng 6 mét, có 2 dẫy sàn ngủ 2 tầng dọc theo chiều dài nhà. Bề rộng sàn ngủ là 2 mét. Sàn ngủ dưới thấp được xây bằng gạch láng xi măng, cao hơn mặt nền nhà 50 phân. Giàn sàn ngủ trên cao dát ván dầy chắc chắn, bằng phẳng. Mỗi người được chia một khoảng nằm bề ngang 70 phân, vừa bằng bề ngang chiếc chiếu con dành cho 1 người. Phòng giam có một cửa ra vào duy nhất ở chính giữa, với cánh cửa có cây sắt dài chặn khoá trái bên ngoài. Hai bên cửa ra vào có 2 cửa sổ cao, rộng, gắn song sắt, nhưng không cánh cửa. Những người nằm sàn ngủ trên cao cũng có thể nhìn ra ngoài được. Hàng tường mặt trước phòng giam, được xây thụt vô 1 mét làm hàng hiên cho Tù đứng xếp hàng, đợi vào phòng giam khi trời mưa lớn.

Nối liền bên phòng giam là phòng vệ sinh, có 2 lỗ hầm tiêu, 1 máng tiểu cho Tù dùng cả ngày lẫn đêm, và 1 hồ chứa nước để xối rửa cầu tiêu sau mỗi lần xử dụng. Nước chứa trong hồ, được xe bồn do Tù đi lấy từ sông nhỏ chảy ngang Trại, đem về tiếp tế mỗi ngày 1 lần vào buổi sáng. Phòng vệ sinh là phòng cuối cùng, nên bức tường của phòng này là điểm ngăn cách, tiếp giáp với phòng vệ sinh của nửa nhà thuộc phía Đội bên kia.

Dẫy nhà giam chúng tôi là dẫy thứ 2, tính từ cổng khu đi vào. Dẫy nhà thứ 3 ở phía đằng sau dẫy của chúng tôi, 1 nửa làm Nhà kỷ Luật, nửa kia giam 1 Đội cũng gồm lẫn lộn Đại tá, Trung tá. Tôi biết được, nhờ lúc ra nấu nướng vào trưa ngày hôm sau, có mấy bạn cũ cùng ngành Truyền Tin với Tôi trước kia, ra nấu nướng gọi sang hỏi thăm.

Kiểm tra tư trang xong, anh Đội trưởng đưa các Tổ trưởng vào nhà chia khu vực nằm cho từng Tổ. Sau đó mọi người mới ùa nhau vào, giành chỗ nằm tốt trong khu vực quy định cho Tổ của mình. Những chỗ nằm thường được mọi người coi là tốt, phải xa cửa vào phòng vệ sinh, gần cửa sổ. Hai chỗ nằm ở sạp ngủ dưới thấp, sát hai bên cửa chính ra vào phòng giam, phải dành cho Đội trưởng và Đội phó. Vừa ổn định xong chỗ nằm, chưa kịp ăn bữa tối, kẻng báo tập họp kiểm tra nhân số vào phòng giam đã điểm. Mọi người phải đem thức ăn vào phòng giam, thanh toán tại chỗ ngủ của mình.

Sáng hôm sau ra quân lần đầu tại Trại, Đội chúng tôi được dẫn lên Khu Nhà Tôn, dọn dẹp rác rưởi trên mấy nền nhà cháy bỏ không từ lâu ngày. Theo tin tức mấy anh em cũ cho biết, đây là vết tích của cuộc đốt phá chống đối Ban Chỉ huy Trại, của các anh em bị giam tại Trại này trong những năm cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980.

Sau một tuần lễ dọn dẹp khu nhà cháy cũ xong, chúng tôi được điều động ra bãi đất trống gần cổng khu giam Tù, ngồi đập đá hộc thành đá vụn. Anh em phải ngồi giữa trời nắng chang chang suốt buổi để đập, trong khi ngay gần bên đống đá có một cây cao tàn lá um tùm râm mát. Buổi lao động chiều, Tôi đề nghị anh Đội trưởng xin Quản giáo, cho anh em vần đá vào gần gốc cây có bóng mát để ngồi đập cho đỡ nắng. Đợi mãi chẳng thấy kết quả gì. Tôi bèn tự động vần đá vào bóng mát bên gốc cây ngồi đập. Anh Đội trưởng thấy nhưng không có ý kiến và cũng không bắt chước, tiếp tục ngồi giữa trời đập đá bên các bạn khác. Một lúc sau có thêm vài bạn làm theo Tôi, và chúng tôi thoải mái ngồi đập đá đến hết giờ lao động chiều, không có chuyện gì xẩy ra. Buổi sinh hoạt tối trong Láng giam, thảo luận rút ưu khuyết điểm công tác trong ngày, cũng không ai đề cập nhắc nhở tới hành động của Tôi.

Nhưng sáng hôm sau, vào lúc bắt đầu giờ giải lao, anh Đội trưởng thông báo lệnh Quản giáo, gọi Tôi vào túp nhà tranh ngay gần bên chỗ Đội lao động để “làm việc”. Tôi hơi chột dạ, nhưng vẫn bình tĩnh đi gặp Quản giáo ngay không do dự gì. Chuyện đã lỡ rồi, đành phải liều tùy cơ ứng biến, chớ biết làm sao bây giờ.

Tôi thong thả bước vào cửa, thấy Quản giáo ngồi sau một chiếc bàn, Cảnh vệ cằm súng đứng gác chân lên chiếc ghế khác gần bên. Tôi dừng lại, thẳng người làm đúng quy luật báo cáo : “Tôi là Nguyễn huy Hùng, trình diện Cán bộ”. Ông ta chỉ tay xuống đất nói : “-Anh ngồi xuống đây.” Không có ghế, Tôi ngồi chồm hổm trên nền nhà, cách phía trước bàn chừng 2 mét, ngẩng mặt lên chăm chú nhìn ông ta, chờ đợi.

Mở màn giáo dục cố hữu của các Cán bộ đối với Tù, ông ta nhắc lại những gì đã phải nghe suốt 7 năm qua, về Đế quốc Mỹ sen đầm quốc tế, Ngụy quân Ngụy quyền tay sai của Đế quốc, cặn bã của xã hội..., rồi kết thúc bằng câu hỏi : “-Anh học tập bao lâu rồi mà chưa tiến bộ, vẫn còn ngại mưa sợ nắng vậy?” Tôi bình tĩnh thủng thẳng trả lời : “-Thưa Cán bộ, từ ngày đi học tập cải tạo đến nay cũng được 7 năm rồi. Dầm mưa dãi nắng, lao động cải tạo cực nhọc trong mọi thiếu thốn, trên đất miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, Tôi đã học được nhiều điều hay của Xã hội Chủ nghĩa. Tôi đã “nắm được” những điều răn dạy của Cách Mạng về “lao động là vinh quang”, thì có lý nào còn ngại mưa sợ nắng. Các Cán bộ đại diện Đảng và Nhà Nước cũng đã dạy cho biết “lao động là sáng tạo”, thì làm sao Tôi quên được. Muốn đạt “năng xuất cao”, phải biết “khai thác óc sáng tạo” để tạo “môi trường lao động” thích hợp. Sở dĩ Tôi lăn đá vào gần gốc cây có bóng râm mát, là để nâng cao “năng xuất” và giữ được sức bền dai để làm nhiều ngày, chớ đâu phải sợ nắng. Cán bộ cứ ra đo thử xem, khối đá do Tôi và anh em ngồi trong bóng râm sản xuất, có nhiều hơn những người ngồi ngoài nắng không? Đấy là chúng tôi “khai thác óc sáng tạo”, để “lao động với năng xuất cao”. Nếu Cán bộ không bằng lòng, thì Tôi trở ra giữa nắng ngồi như mọi người.” Ông ấy không bắt bẻ vào đâu được, đành nói trớ rằng : “-Anh đừng ngoan cố biện minh. Hãy nhớ cố gắng mà tiếp tục học tập lao động cho mau “tiến bộ”, để sớm được về “đoàn tụ” với vợ con. Lâu hay mau, là tùy ở tinh thần phấn đấu và mức tiến bộ của chính bản thân các anh.” Tôi gật đầu và đứng lên nói : “-Rõ, báo cáo Cán bộ Tôi đi ra.”

Thời gian “làm việc” với Cán bộ kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, mất toi cả buổi giải lao. Trở ra chỗ lao động, thấy mấy anh em ngồi gần gốc cây đã di chuyển ra giữa nắng ngồi bên các người khác. Tôi đi ngang khoa tay nói nhỏ đủ cho họ nghe : “-Chuyện không có gì đừng lo”, và đi về chỗ ngồi cũ bên gốc cây, tiếp tục đập đá cho đến hết giờ lao động.

Buổi lao động chiều, khi vừa tới “hiện trường lao động”, anh Đội trưởng nói cho biết là Cán bộ bảo Tôi ra ngồi lao động chung một chỗ với anh em. Không có biện pháp kỷ luật nào đối với Tôi về vụ này. Nhưng kể từ đó trở đi, Tôi biết mình bị theo dõi thường xuyên, cả trong lẫn ngoài giờ lao động. Rút kinh nghiệm thời gian còn ở các K1, K5 Trại Tân Lập và K2 Trại Thanh Phong ngoài miền Bắc, Tôi lại phải nhẫn nhục giữ mồm giữ miệng và làm như mọi người, kẻo “tai vách mạch rừng” có thể vướng vòng kỷ luật, bị hạ mức ăn hàng ngày, không được gửi, nhận thư và tiếp tế của gia đình, sẽ làm cho gia đình lo sợ buồn lòng vì ảnh hưởng đến việc tha về “đoàn tụ”.

Đập đá chẳng được mấy ngày thì đá hết. Đội đổi công tác đi làm cỏ ruộng mạ. Nước ngập ngang bắp chân, phải vắn ống quần cao lên trên đầu gối, tay áo sát tận nách, lội xuống ruộng, cúi gập người dùng 2 tay quơ quơ dọc theo các hàng mạ để cào nhổ cỏ vứt lên bờ. Cả Đội xuống xếp hàng ngang cùng làm, liên tục suốt từ đầu này đến đầu kia của ruộng mới ngừng. Làm chậm, một mình lùi lại sau anh em thì coi không được, nên cứ phải ráng mà theo cho kịp các bạn làm nhanh. Lưng bị cúi gập lâu, bắp thịt mông và lưng như đông cứng lại đau đớn. Mỗi lần muốn đứng thẳng lên nghỉ đôi chút, phải dùng 2 mu bàn tay đập đập nhẹ vào 2 thăn lưng khúc ngang hông một hồi, cho rãn ra hết đau mới ngẩng thẳng người lên được. Hết ruộng này sang ruộng khác, cứ phải cúi lom khom như vậy, làm liên tục suốt buổi lao động, ngày này qua ngày khác. Không nặng nhọc, nhưng đau lưng mỏi gối tê chân vì ngâm nước cả ngày, đêm về nằm ê ẩm mỏi mệt, người hâm hấp nóng khó chịu vô cùng. Có điều lạ khiến Tôi ngạc nhiên, không biết tại sao ruộng ở đây đỉa nhỏ con và ít hơn ở ngoài Bắc.

Trong thời gian làm cỏ ruộng mạ, anh Đại tá Trịnh Đình Đăng và Tôi ăn chung, được dịp “cải thiện” đồ ăn tươi không mất tiền mua, lộc của Thổ Thần ban cho rất thích thú. Cá nhỏ, cua, ốc có rất nhiều trong ruộng mạ. Anh Đăng là tay rất thông thạo nghề nông, nên vào giờ giải lao giữa buổi lao động nào, cũng bắt được một số đem về nấu canh chua, hoặc rim mặn để 2 anh em cùng ăn.
Sát cạnh khu lao động của chúng tôi, có một túp nhà tranh 1 gian 2 trái, dựng bên một thửa ruộng vuông mỗi cạnh dài cỡ trăm mét, cũng đang có mạ đã cao. Hai người, một nam một nữ khoảng 40 tuổi, cặm cụi làm cỏ ngoài ruộng, còn 2 đứa nhỏ, một trai một gái cỡ 3, 4 tuổi, lăng xăng đùa rỡn với con chó vện quanh hiên nhà. Đứa chị mặc cả quần lẫn áo ngắn cũn cỡn, còn thằng em chỉ có một chiếc áo thun để chuồng lồng lộng. Theo lời Quản giáo Đội, đây là gia đình của Đại úy Bộ đội “phục viên” (đã giải ngũ), được Chính quyền địa phương cấp cho mảnh đất này để khai khẩn sinh sống.
Cả vùng ruộng chúng tôi đang lao động, chỉ có căn nhà này là khoảnh đất nổi duy nhất không ngập, nên Quản giáo cho nấu nước ở góc sân. Giờ nghỉ giải lao anh em cũng được phép tụ tập ngồi hút thuốc, ăn uống, nên có dịp lấy bánh kẹo cho 2 đứa trẻ. Cha mẹ chúng cũng lợi dụng cơ hội nghỉ giải lao, đến ngồi gần chúng tôi hút thuốc uống nước, nói chuyện với Cán bộ Cảnh vệ và Quản giáo. Qua câu chuyện trao đổi giữa họ với nhau, chúng tôi biết được : “Anh Đại úy Bộ đội “phục viên” này, người gốc địa phương Hàm Tân, trước thuộc một đơn vị trong Mặt Trận Giải phóng miền Nam, có nhiều công trạng trong “Chiến dịch hành quân Hồ Chí Minh Thần Thánh mùa Xuân năm 1975”. Anh ta bị tước Đảng tịch cho giải ngũ, vì không chịu tuân hành chỉ thị của Đảng ủy đơn vị, ngoan cố nhất định khăng khăng kết hôn với người vợ hiện tại. Chị ấy không phải là thành phần đảng viên Cộng sản.”

Mang tiếng Đội Nông Nghiệp, nhưng chúng tôi không có “hiện trường lao động” riêng, bị thường xuyên tăng phái đi làm thuê cho các Đội khác. Làm cỏ ruộng mạ vùng này xong, chúng tôi được điều động đi tăng cường phát quang cuốc đất lên luống trồng khoai lang, cho một Đội Nông Nghiệp ở vùng khác, phía gần cổng vào Trại, cách khu Nhà Thăm Nuôi khoảng 1 cây số. Lượt ra lao động tại hiện trường mới, chúng tôi được dẫn đi theo đường ra khu Nhà Thăm Nuôi, để rẽ vào. Nhưng hết giờ lao động, lại được dẫn về theo lối khác. Đi theo con đường dẫn xuống nơi có một đập đá, mặt rộng chừng 8 mét ngăn ngang sông, để tắm trước khi trở về Trại giam. Cái đập đá này, vừa dùng để ngăn dòng sông lấy nước tưới cho các khu ruộng cao của Trại Z30C, vừa làm con đường kè đá cho xe hơi chạy vào phân trại K2, cách bên kia sông chừng 5 cây số.

Đông người xuống tắm cùng một lúc, gần bờ nước bao giờ cũng bị ngầu đục. Những người biết bơi, thường bơi ra giữa dòng có một cồn đất, đứng thẳng người chỉ ngập ngang ngực, để tắm nước trong cho thoải mái. Sau khi đã tắm sạch sẽ bằng nước trong ở giữa dòng, phải bơi xuôi tới quãng giữa đập để lên, rồi đi trên mặt đập vào bờ, tránh cho khỏi bị nước đục ven bờ sông bám vào người. Tôi vẫn thường tắm như vậy. Một hôm, lúc Tôi đi trên mặt đập vào gần tới bờ, một bạn Tù cũ tốt bụng đã khuyên, không nên bơi vào cạnh đập ở khu giữa sông như vậy, nguy hiểm. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao, bạn ấy mới kể cho nghe một chuyện không may, đã xẩy ra một năm trước khi chúng tôi về đây, như sau :

“Thường thường, mọi người đều thấy anh Y. tắm nơi cồn đất giữa dòng sông, tắm xong bơi vào khúc giữa đập để leo lên. Nhưng một hôm vào mùa mưa, mực nước sông cao hơn bình thường, sau buổi tắm chiều, cả Đội tắm xong tập họp kiểm số về Trại, không thấy anh Y. đâu. Quần áo của anh ấy cởi ra để xuống tắm, vẫn còn nguyên bên bờ. Cán bộ đổ đi tìm khắp các nơi, 2 bên bờ đều không thấy. Cho mấy người bơi lội giỏi lặn mò tìm dọc đáy đập cũng không thấy. Ai cũng cho là anh ấy đã trốn trại. Nhưng mấy ngày sau, xác anh ấy nổi lên ở phía hạ lưu của dòng sông, cách xa đập cả mấy trăm mét. Lúc đó người ta mới suy luận, có lẽ anh ấy đã bị nước xoáy cuốn xuống lỗ cống ở gần đáy giữa đập, bị mắc kẹt không ra được, chết ngộp trong lòng ống cống.”

Lúc bình thường trong mùa khô, nước sông chẩy liên tục thủng thỉnh nhẹ nhàng, vừa tràn qua mặt đập, vừa thoát theo một ống cống ở đáy đập khoảng giữa sông, xuống phía hạ lưu, tạo nên một âm điệu rì rầm rào rào êm êm đều đều như tiếng quay của cối xay lúa. Quang cảnh mặt đập thật là hiền hoà nên thơ. Nhưng vào mùa mưa, nước lũ dâng cao hơn mặt đập gần 2 mét, tràn lan làm cho lòng sông mở rộng thêm, lấn vào 2 bên bờ khoảng vài chục mét, chẩy xiết không lưu thông được. Vì thế người ta đã dựng một chiếc cầu treo bằng tre, có sàn ván song song gần đập, cho người đi bộ và đẩy xe cải tiến chở đồ tiếp tế qua lại, giữa K2 và K1 (nơi có Ban Chỉ huy Trại Hàm Tân và khu Nhà Thăm Nuôi).

Trong thời gian tăng phái làm tại khu gần cổng trại, chúng tôi có dịp thấy các xe lô chở thân nhân “thăm nuôi” Tù, tấp nập đến vào buổi sáng từ khoảng 10 giờ trở đi. Buổi chiều vào quãng 4 giờ, xe trở lại tập trung đón các bà rời khu Nhà Thăm Nuôi. Các bạn Tù ra thăm nuôi thường được đưa ra làm 2, 3 đợt liên tiếp nhau. Đợt trước sắp rời Nhà Thăm Nuôi vào Trại, thì đợt kế theo được dẫn ra.

Từ ngày về Trại Z30C Hàm Tân, chúng tôi không được cấp phiếu gửi Bưu Kiện nữa. Nhưng gia đình được đến Trại xin “thăm nuôi” 3 tháng 1 lần, đem tiếp tế cho bao nhiêu cũng được, không hạn chế. Chừng 2 tháng sau khi về đây, các bạn trong Đội chúng tôi lần lượt có gia đình đến “thăm nuôi”. Những bạn vốn giầu đồ tiếp tế xưa nay, vẫn là những người được vợ con “thăm nuôi” sớm nhất, y như hồi còn bị giam ở ngoài Bắc. Có nhiều bà rất khôn ngoan, chưa kịp chuẩn bị đi thăm chồng, đến nhờ những bạn thân quen đem thư và chút đỉnh quà vào trại giam cho chồng. Người được “thăm nuôi” nhận như quà của mình, rồi đem vào trại đưa lại cho bạn. Quà gửi như vậy không được nhiều, khoảng dăm ba kí lô thôi. Nhưng một tuần lễ được 2, 3 bạn đem giùm như vậy, cộng chung cũng đủ dùng trong đôi tháng.

Phần Tôi, phải đợi hơn 3 tháng mới được Vợ dẫn mấy người con tới “thăm nuôi”. Lâu ngày mới gặp nhau, Vợ Chồng Cha Con mừng rỡ nghẹn ngào không nói được nên lời. Cô gái út của Tôi lớùn quá. Ngày từ biệt gia đình đi trình diện học tập cải tạo 7 năm về trước, cô ấy đứng đầu chỉ cao ngang nách Tôi, bây giờ thì đã cao ngang Mẹ, xấp xỉ bằng Bố.

Sau khi nhóm anh em được “thăm nuôi” làm thủ tục trình diện xong. Cán bộ vừa đưa tay ra hiệu cho phép mọi người vào phòng thăm nói chuyện. Cô gái út chạy ùa tới ôm Tôi hôn, tíu tít nói : “-Bố ốm quá! Bố đen quá!...”, làm Tôi xúc động rưng rưng nước mắt, ôm con hôn, cố gắng giữ cho khỏi bật ra tiếng khóc mừng ngày tái ngộ. Rồi quay qua vòng tay ôm vợ hôn, hỏi thăm sức khoẻ, và dắt nhau vào phòng thăm kiếm chỗ ngồi.

Có 2 phòng thăm sát bên nhau. Trong mỗi phòng kê 2, 3 chiếc bàn dài cho Tù và thân nhân ngồi nói chuyện. Tù ngồi một bên, thân nhân ngồi bên đối diện. Thời gian “thăm nuôi” nói chuyện ở đây, rộng rãi hơn Trại Tân Lập ngoài Bắc, được tới 30 phút, tha hồ thong thả nói đủ thứ chuyện. Chỉ có một Cán bộ phụ trách, nên ông ta đi qua đi lại các phòng để theo dõi, chớ không ngồi tại đầu bàn như ở Trại Tân Lập Vĩnh Phú ngoài Bắc. Mọi người tha hồ nhỏ to nói chuyện thoải mái, không e ngại gì cả. Nhờ vậy, Tôi được biết Vợ đang lo cho 2 người con đi vượt biên, nên không dư dả để có thể tiếp tế cho Tôi đều, và nhiều như mong muốn. Tôi cũng được biết, các con đang phải lao động vất vả để kiếm sống hàng ngày. Người làm gia công cho Tổ hợp sản xuất mành trúc, do gia đình các Cán bộ Cộng sản làm chủ. Người đạp xe đi bỏ mối nước ngọt và bia, cho các nhà hàng ăn. Vợ của Tôi phải nấu cháo vịt, bán ngay trên lề phố trước cửa nhà riêng của chúng tôi. Nghe chuyện, Tôi rất xót xa đau khổ, thương Vợ Con vô cùng. Nhất là Vợ của Tôi, từ ngày kết hôn với nhau cuối năm 1949 đến 30-4-1975, chưa bao giờ phải vất vả khổ cực như vậy, lúc nào trong nhà cũng có dư người giúp việc lo bếp núc, giặt giũ, quét dọn nhà cửa...

Từ đó trở đi, Tôi không biên thư yêu cầu gia đình tiếp tế món này món kia, như các bạn nữa. Tùy gia đình gửi cho thứ gì cũng được, có gì dùng nấy, và luôn luôn tiết kiệm. Thời hạn “thăm nuôi” cũng không cần thiết phải 3 tháng một lần, lúc nào thuận tiện thì đi. Năm sáu tháng một lần cũng được, miễn là biên thư cho biết tin gia đình thường xuyên là đủ. Cũng vì quyết định này, Tôi đã tách ra không nấu nướng ăn chung với anh Đăng nữa, sợ phần đóng góp của mình không cân xứng gây thiệt thòi cho bạn.

Thời gian tăng cường rẫy cỏ và vun đất cho các luống trồng khoai lang gần cổng Trại, Tôi được Thổ Thần thương, tặng cho món quà đặc biệt một cách thật bất ngờ. Trong một buổi lao động chiều dưới trời nắng chang chang, Tôi đang bình thản cuốc vun đất giữa hai luống khoai. Bỗng thấy anh em làm gần, tay chỉ miệng hô : “-nó kia! nó kia!”, và rầng rầng đua nhau rượt đuổi bắt con gì không rõ. Tôi định thần quan sát thấy một con thỏ rừng nhẩy qua các luống, tìm đường thoát thân. Nó chạy qua hướng nào cũng có người đuổi chặn đầu vồ, nhưng hụt. Không biết Thổ Thần xui khiến sao, nó quýnh quáng nhẩy ngay vào rãnh giữa hai luống Tôi đang làm để chạy tiếp. Tôi dựa cuốc vào sườn luống, dạng 2 chân đứng im không nhúch nhích, đợi nó chạy tới sát chân mới cúi thật nhanh xuống dùng 2 tay chộp bắt nó. May làm sao, Tôi đã hành động rất đúng lúc, nên nắm được ngay bụng và cổ nó nhấc lên, trước sự ngạc nhiên của mọi người. Con thỏ hết thời, đương nhiên thuộc quyền sở hữu của Tôi. Để yên bụng, không lo thỏ tinh khôn tìm đường trốn thoát, Tôi đập đầu nó vào lưỡi cuốc, hoá kiếp cho nó.

Thịt thỏ rừng thường dai và cứng, nên chiên, xào ăn không được. Đồ tiếp tế của Tôi không còn gia vị để ướp, trước khi đem hầm mềm. Tôi thương lượng giao thỏ cho anh bạn Đại tá Dương Hiếu Nghĩa giải quyết. Hết giờ lao động ra sông tắm, anh Nghĩa lột da, cắt đầu, lòng và 4 chân bỏ, chỉ lấy bộ gan, thân mình và 4 chiếc đùi, chặt thành 8 miếng đều nhau. Về tới khu giam, lấy gia vị ướp rồi đem đun một lửa cho chín. Trưa hôm sau, đun thêm lửa thứ hai cho thật nhừ, đến chiều mới đem ra chia nhau mỗi người một nửa. Phần của Tôi 4 miếng, đem tặng anh Đội trưởng và anh Đăng người ăn chung với Tôi hồi trước, mỗi người một miếng. Còn lại 2 miếng, Tôi thủng thẳng ngồi thưởng thức, và trước khi ăn không quên lẩm nhẩm khấn, cám ơn lòng thương của Thổ Thần.
Trong Khu Nhà Ngói, Tôi có dịp gặp rất nhiều bạn cũ thuộc Binh chủng Truyền Tin và Chiến tranh Chính trị. Đặc biệt không biết cơ duyên nào xui khiến, cả 3 người từng nối tiếp nhau giữ trách vụ Chủ Nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến của Quân đội, đều hội ngộ tại Khu Nhà Ngói này. Đó là Thiếu Tá Thạch (đã giải ngũ) Chủ Nhiệm đầu tiên điều hành tờ báo từ khi mới ra đời, Trung tá Ninh (Thi sĩ Hà Thượng Nhân, đã giải ngũ) Chủ nhiệm thứ 2, và Tôi người thay thế anh Ninh làm Chủ Nhiệm sau cùng, từ năm 1972 cho đến ngày Quốc hận 30-4-1975.

Trong những tháng cuối năm 1982 có tới 2, 3 đợt tha, mỗi đợt hàng trăm người. Các anh Thạch và Ninh được tha trong các dịp này cùng nhiều bạn bè của Tôi thuộc Binh Chủng Truyền Tin. Một đợt tha khác rất đông đã xẩy ra vào dịp trước Tết Quý Hợi-1983, trong đó có anh Trung tá Xuyến Đội trưởng của chúng tôi. Chừng mươi ngày sau Đội chúng tôi lại có thêm 2 Đại tá được tha là anh Điệp (người bị nhũn não (stroke) ở K2 Thanh Phong, Tôi đã kể trong một đoạn trước) và anh Tấn (Hải quân). Sau khi anh Xuyến được cuốn gói hành trang tạm biệt anh em trong Đội, Trung tá Cảnh sát Phan Trung Chánh được chỉ định làm Đội trưởng thay thế, anh Trung tá Sáu vẫn làm Đội phó. Mọi người hân hoan ăn Tết, vui vẻ chúc nhau y như đang sống trong trại tạm trú tỵ nạn, chớ không phải trong Tù. Sau 3 ngày Tết lại phấn khởi “ra quân thi đua” tiếp tục “lao động cải tạo năng nổ”, để chờ đợi tới phiên mình được gọi tên tha.


XUÂN TÁI NGỘ MIỀN NAM.

Rừng Lá Hàm Tân mai nở vàng,
Đoàn Tù Chính trị đón Xuân sang.
Xuân trên Xứ Bắc mây u ám,
Tết tại Miền Nam nắng dịu dàng.
Việt Cộng vong nô hành khổ nhục,
Cộng hoà chiến sĩ vẫn hiên ngang.
Trà Blao nhấm nháp hương đoàn tụ,(1)
Cẩm Lệ phì phèo khói nạn tan.(2)

K1-Z30C, Hàm Tân, Thuận Hải. Xuân Qúy Hợi-1983.

(1)-Trà sản xuất tại Bảo Lộc, Tỉnh Lâm Đồng.
(2)-Thuốc lá sản xuất tại Cẩm Lệ, Tỉnh Thừa Thiên.

Không có nhận xét nào: