Thứ Sáu, tháng 1 09, 2009

HỒi ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 8

SUỐI MÁU, TAM HIỆP, BIÊN HOÀ, QUỶ ÐỎ THỊ OAI

Trại Suối Máu, Tam Hiệp, Biên Hoà được chia ra nhiều Khu với tên riêng (A, B, C, D…), ngăn cách bởi những hàng rào kẽm gai dầy chằng chịt, rộng khoảng 10 mét, cao 3 mét.

Các Khu khác thì không biết sao, trong Khu giam chúng tôi có khoảng hơn chục căn nhà tiền chế, khung sắt lợp tôn. Vách chung quanh nhà cũng bằng tôn, chân hổng cao hơn mặt đất khoảng 30 phân. Lưng chừng vách dọc 2 bên hông nhà có các khuôn cửa sổ rộng khoảng 1 mét vuông, không có cánh cửa. Lối ra vào qua 2 cửa lớn ở 2 đầu nhà cũng không có cánh cửa. Ở ngoài có thể trông suốt vào nhà, để quan sát các hoạt động bên trong, qua khoảng hở dọc bên dưới chân vách, qua các khung cửa sổ, và qua 2 cửa ra vào lúc nào cũng trống trải.

Chung quanh nhà nào cũng đào một đường rãnh, rộng 1 mét, sâu 1 mét, để nước mưa thoát đi không tràn vào nền nhà. Do đó muốn vào nhà, phải đi qua một mảnh cầu bằng vỉ sắt rộng 50 phân.

Mỗi dẫy nhà được gọi là một Láng, dùng để giam khoảng 50 người. Mỗi khoảng nằm chia cho một người rộng cỡ 70 phân, vừa đủ trải một chiếc chiếu cá nhân.

Trong Khu giam chúng tôi, được coi như có 2 phân khu nằm sát bên nhau, không hàng rào ngăn cách. Khoảng 7 hay 8 Láng nằm kế cận quanh giếng nước công cộng và hầm vệ sinh lộ thiên, được dùng để giam các Ðại tá, và vài ông Tướng chuyển từ Khám Chí Hoà Saigon tới. Số Láng còn lại ở nửa phần đất phía Tây của Khu, giam các Trung tá và hình như có lẫn cả Thiếu tá, Ðại úy. Vì thế trong Khu chúng tôi có tới 2 dẫy Nhà Bếp riêng rẽ, cách nhau bởi khoảnh sân tập họp lớn trống trải ngay bên cổng vào. Ðồn canh tại cổng cũng như văn phòng bên ngoài hàng rào Khu, có thể quan sát hoạt động trong cả 2 Nhà Bếp, thong thả, rõ ràng, thường xuyên ngày đêm.

Trong dẫy Nhà Bếp dành riêng cho nhóm Ðại tá chúng tôi, có xây hai hàng lò nấu đâu lưng sát bên nhau, dọc suốt bề dài, giữa dẫy nhà. Trên mỗi lỗ lò có để sẵn một chiếc vạc bằng gang rộng 1 mét.
Hai Láng 1 và 2 của chúng tôi ăn chung một hoả đầu vụ. Mỗi “toán anh nuôi” (hoả đầu vụ) phụ trách nấu cơm và thức ăn cho 2 Nhà, được xử dụng 3 lò sát bên nhau để nấu nướng ngày 2 bữa. Hai lò để nấu cơm và một lò để nấu canh. Còn món mặn thì dùng soong, đặt kiềng hoặc kê gạch trước các cửa lò nấu cơm mà kho, bằng than moi từ lò nấu cơm ra, sau khi gạo đun đã nở đều và cạn nước.

Những người trong “toán anh nuôi” không phải dân chuyên nghiệp, mà chính là anh em tù cư ngụ trong 2 Nhà, chia nhau luân phiên đảm trách. Mỗi nhà phải cử số người cần thiết để lo một ngày. Thường mỗi “toán anh nuôi” gồm 4 người nấu cơm, 2 người nấu canh và đồ kho, 4 người đi lãnh thực phẩm và bửa củi. Anh em trong “toán anh nuôi” và “toán bửa củi”, thường được “bồi dưỡng” mỗi người một ca nước cơm mỗi bữa, gạn từ chảo cơm đã xôi lâu, đang cạn nước trước khi rút lửa.
Láng chúng tôi nằm sát ngay dọc hông dẫy Nhà Bếp, nên ngày 2 buổi đi lãnh cơm, canh, và món mặn về chia nhau, không phải vất vả khênh khệ nệ đi xa như anh em ở các Láng khác. Gặp những lúc trời mưa đất trơn trượt, có thể bị té ngã làm văng đổ cơm và thức ăn ra đất. Ðã có Láng bị trường hợp không may này rồi. Thật là may mắn cho chúng tôi.

Nước dùng nấu ăn, vo gạo, rửa rau, làm cá, rửa soong chảo và đồ dùng đựng cơm canh chia cho anh em, đều múc ở giếng ngay tại sân bên cạnh nhà bếp. Nước tắm giặt, có một giếng khác ở phiá Bắc cuối Khu, gần hàng rào và hố vệ sinh công cộng lộ thiên, giáp ranh với Khu giam các sĩ quan cấp Úy.

Hố vệ sinh được đào sâu 2 mét, rộng 2 mét, dài 4 mét. Trên rìa một bên miệng hố, có để 1 vỉ sắt rộng 50 phân dài 5 mét (loại vỉ sắt ráp đường bay cho phi trường dã chiến), cho mọi người đứng hoặc ngồi trên đó mà tiểu hay đại tiện xuống hố. Ðây là nơi tập trung cơ man nào là giòi, và ruồi nhặng. Chúng là đoàn quân xâm lăng tấn công toàn trại, đặc biệt là các khu nhà bếp, để truyền giống bệnh thổ tả, kiết lỵ cho Tù nhân.

Nước chín để uống, các Láng giam Ðại tá chúng tôi phải sang Nhà Bếp Trung tá, ở sát bên cạnh để lãnh khiêng về phát cho anh em dùng. Vật dụng dùng khiêng nước, là 1 chiếc lu bằng nhựa ni lông cao 1 mét, chứa được khoảng 200 lít, cấp riêng cho mỗi Nhà. Mỗi ngày chỉ được phép qua lãnh 2 lần, sáng và chiều, theo giờ quy định trước.

Muốn vào Nhà Bếp Trung tá, phải đi băng qua chiếc cầu vỉ sắt rộng 50 phân, bắc ngang một rãnh sâu hơn 1 mét, rộng khoảng 4 mét. Do đó, một hôm 2 anh bạn ở Láng chúng Tôi tới phiên phải đi khiêng nước cho anh em, đã gặp phải tai nạn khủng khiếp.

Mặt vỉ cầu sắt bị nước sóng ra làm trơn trượt. Anh đi trước là Ðại tá Bá Long tự Thìn, chẳng may bị trượt cả 2 chân, té ngồi phệt đít xuống mặt cầu. Sức nặng của lu nước sôi 200 kílô khiêng trên vai, đè anh ta giáng bàn tọa xuống mặt vỉ sắt, mạnh đến nỗi làm bể xương hông không đứng lên được. Anh em phải chạy đến khiêng đi cấp cứu, may mà không bị phỏng.

Nằm liệt cả tháng không ngồi lên được, thế mà tới ngày anh em cấp Ðại tá bị đưa ra Bắc tập trung, Ban Chỉ huy Trại giam vẫn buộc anh em khiêng anh ấy ra xe cùng “hành quân”.

Ra đến Liên trại 1, ở xã Việt Cường, Yên Báy, anh Bá Long tự Thìn vẫn tiếp tục nằm không ngồi lên được. Phân trại cho miễn lao động và đưa vào nằm điều trị trong Bệnh xá của Liên trại 1, ngay chỗ ngã ba đường dẫn vào trại Cốc. Khoảng 3 tuần lễ sau, anh em nghe tin anh Bá Long tự Thìn chết. Theo lời giải thích của Cán bộ Phân trại trưởng, anh ấy chết vì nội thương biến chứng.
Một số anh em, sau 30-4-1975, vì gia đình thất tán hoặc gặp hoàn cảnh khó khăn về tiền bạc, không nhận được quà. Trong lúc thiếu đói đã nẩy sinh một sáng kiến thật độc đáo và đáng thương. Các anh ấy dù không thuộc “toán anh nuôi”, phụ trách nấu ăn cho anh em, nhưng ngày nào cũng tình nguyện phụ bếp, nhặt rau, mổ bụng cá đánh vẩy sạch sẽ, rửa các khay tôn đựng cơm sau khi chia xong còn dính cơm. Chỉ với mục đích duy nhất là lượm lặt gom góp các mẩu rau già, những bộ lòng cá moi bỏ, và những hạt cơm dính trong khay tôn, để hầm nấu lại ăn cho đầy bao tử chịu đựng qua ngày.

Ðại tá Nguyễn văn Chung (nguyên Tư lệnh phó Sư đoàn 1 BB) ở trong một Láng khác, cách Láng chúng tôi khoảng 100 mét. Nghe anh em đồn có hành động chống đối gì đó, nên bị bắt điều tra và giam giữ trong Conex.

Conex là một loại thùng vuông vắn to khoảng 10 mét khối, làm bằng kim loại cứng. Quân đội Hoa Kỳ dùng để chứa các vật liệu nhỏ dễ bị hư hỏng, bởi va chạm mạnh trong khi chuyên chở đi xa, hoặc cần thả bằng dù từ máy bay xuống cho các đồn bót hẻo lánh.

Conex được coi như là một loại nhà kho dã chiến tý hon không sợ mưa nắng. Cho nên lúc nào người ta cũng để phơi tênh hênh, giữa khoảng đất trống không bóng mát. Ban ngày trong Conex nóng như nung bởi ánh nắng, ngược lại đêm lạnh buốt vì kim loại tích khí sương.

Trại giam đã dùng Conex để nhốt tù bị kỷ luật. Thật khủng khiếp và dã man hết chỗ nói.
Khoảng vài tuần sau khi bị giam trong Conex, anh Chung đã chết. Trại loan tin là anh ấy tuyệt thực để tự tử. Ai biết đâu? Anh ấy có thể bị tra tấn đến chết. Cũng có thể anh ấy bị chết ngộp vì nóng quá, lạnh quá, thiếu dưỡng khí. Cả ngày lẫn đêm, anh em tù đâu có ai được phép ra khỏi khu giam, léo hảnh đến gần khu làm việc của Cán bộ đâu mà thấy được.

Sau Tết Bính Thìn-1976, Trại tiếp tục cho Tù gửi thơ về nhà hàng tháng, để xin tiếp tế tiền và thức ăn khô qua đường Bưu điện. Thiếu tá Bé (dân phòng nhì Tiểu khu) và Ðại úy Thịnh (An ninh quân đội), là 2 người trong số anh em thường được Ban Chỉ huy Khu giam đem ra ngoài khu, cả ban ngày lẫn ban đêm, phụ trách việc lựa xếp, lập danh sách thứ tự các gói quà gia đình gửi đến cho Tù. Ðể hàng ngày trong giờ làm việc, Cán bộ dùng loa phóng thanh kêu tên từng nhóm 5 người một, tiếp nối nhau ra trình diện nhận lãnh.

Sau nhiều lần được đưa ra làm việc như vậy, các anh Bé và Thịnh đã lợi dụng những lúc nghỉ ăn uống, giải lao hút thuốc giữa buổi lao động, ra ngồi nơi hàng hiên phiá sau kho và văn phòng Cán bộ sát bên hàng rào, để quan sát thăm thú địa thế nghiên cứu lối thoát ra đường.

Thế rồi một hôm, trời mưa gió rả rích suốt ngày đêm không ngưng. Hai anh Bé và Thịnh cũng được ra khỏi Khu giam làm việc ban đêm như thường lệ. Ðến nửa khuya, trời vẫn mưa âm u mù mịt, lợi dụng lúc ra hiên sau nhà hút thuốc giải lao, 2 anh đã cùng nhau chui hàng rào kẽm gai thoát ra ngoài trốn Trại.

Chẳng may, rào kẽm gai có treo lủng lẳng những lon nhôm trống, 1 trong 2 người đã vô ý đụng gây tiếng động. Quân canh nghi có người vượt rào đã nổ súng bắn theo. Nhờ thời tiết đêm đang mưa gió mịt mù, ánh đèn điện quanh rào bị những hạt mưa rơi chi chít phản xạ làm choá mắt, lính gác đứng trên tròi cao không nhìn được rõ ràng cảnh vật chung quanh, chỉ hướng về phía có tiếng động bắn hú hoạ không trúng mục tiêu.

Anh em đang ngủ nghe tiếng súng, giật mình tỉnh giấc hoang mang chẳng biết chuyện gì. Chung quanh láng ngủ, tiếng chân người rầm rập chạy, ánh đèn pin lia qua lia lại soi dưới rãnh quanh nhà. Ðèn điện bật sáng, Quản giáo xộc tới cửa, hối Nhà trưởng kiểm danh “khẩn trương”. Không ai vắng mặt, Quản giáo bỏ đi. Ðến sáng mới hay tin, đêm qua có người trốn trại.

Hai người trốn đã chạy thoát được ra ngoài vô sự. Nhưng buồn thay, lưới tình báo của Công an Nhân dân dầy đặc, chỉ vài ngày sau 2 anh Bé và Thịnh đã bị bọn “cách mạng 30 tháng Tư” địa phương phát giác, bắt và giải nộp cho trại giam.

Ban chỉ huy trại Suối Máu “khẩn trương” thiết lập Toà án quân sự, ngay tại Hội trường lớn của Trại, ở phía chênh chếch bên hướng Tây Nam ngoài hàng rào, xa Khu giam chúng tôi khoảng 500 mét, để đem 2 anh Bé và Thịnh ra xử án TỬ HÌNH.

Ngày xử án, Ban chỉ huy Trại buộc mỗi Láng phải chỉ định một số người ra tham dự, để chứng kiến tận mắt phiên xử. Ngoài ra, Ban chỉ huy Trại còn mắc nhiều loa lớn, truyền âm thanh ra ngoài phòng xử, cho tất cả những Tù khác không bị cử đi tham dự tại nơi xử án, cũng có thể nghe và theo dõi được những diễn tiến trong Hội trường nơi xẩy ra phiên xử.

Nhưng, Trời đã không chiều theo ý muốn của bọn Quỷ Ðỏ. Suốt buổi sáng, vòm trời Suối Máu trong vắt, le lói ánh nắng vàng. Bỗng dưng một dải mây thành dài đen kịt, hiện ra nơi phía Ðông Bắc. Gió nổi từng cơn liên tục, đưa mây tràn phủ lần lần sang hướng Tây Nam. Do đó những âm thanh, khuếch đại qua loa phóng thanh, bị cuốn đi theo chiều gió ra ngoài đồng trống. Anh em trong trại nghe câu được câu chăng, nên không theo dõi được trọn vẹn những diễn tiến của phiên xử án.

Những đoạn lõm bõm nghe được, toàn là lời buộc tội của Công tố viên và Quan toà. Không ai nghe thấy tiếng các bị cáo hay luật sư bào chữa phản bác lại. Thời gian phiên xử cũng không lâu lắm, khoảng chừng một tiếng đồng hồ. Sau cùng, những tràng súng oan nghiệt nổ vang dội khắp vùng Suối Máu, đã báo tin kết thúc phiên xử. Ôi! Thật là tang thương ai oán biết chừng nào.

Những người tham dự về cho biết. Ngay sau khi Chánh án tuyên bố án phạt tử hình. Các quân canh đứng sát ngay bên 2 anh, lập tức nhét liền một cục giẻ lớn vào mồm không cho các anh ấy kịp nói. Rồi họ dùng vải bịt mắt, xốc nách dẫn ngay ra bãi đất trống gần đó, trói vào 2 cọc gỗ đã đóng sẵn, nổ súng liên thanh giết liền.

Có một hiện tượng đặc biệt đã xẩy ra, không một ai bị giam tại Suối Máu vào lúc ấy có thể quên được. Trời đang trong sáng với ánh nắng vàng le lói, nhưng đúng lúc sắp tuyên án, gió lộng ào ào liên tục mạnh hơn, kéo mây phủ kín cả bầu Trời. Cảnh vật Suối Máu tối xầm hẳn xuống.

Ðúng vào lúc mọi người rợn mình nghe tiếng những tràng đạn nổ, cướp đi đời sống của 2 Dũng sĩ Việt Nam Cộng Hoà, thì Trời cũng đổ ào xuống một cơn mưa mau nặng hạt.

Mưa gõ rào rào trên các mái tôn, như muốn khoả lấp không cho anh em Tù, đang nhìn nhau nghẹn ngào rưng rưng lệ, phải nghe tiếng vang oan nghiệt của những tràng đạn, do bọn Qủy Ðỏ đang reo họa trên mảnh đất miền Nam thân yêu, của dòng giống Tiên Rồng Lạc Việt.

Mái tôn mưa gõ rào rào,
Luồn chân vách hổng, thì thào gió ru.
À ơi ! Thương kiếp sống tù,
Một ngày trong khám, thiên thu ngoài đời.
Bắc, Nam, chung một giống nòi,
U mê theo quỷ vô loài diệt nhau.
Chung quy chỉ Mẹ Việt đau,
Quê hương ngút lửa, máu đào tràn sông.
Thây dân vô tội đầy đồng,
Tha hồ Việt cộng dâng công tế Thầy*. (*Liên sô)
Non sông gấm vóc từ đây,
Thành nhà tù lớn, vũng lầy khổ đau.
Coong! Coong! cồng điểm canh thâu,
Ðùng đùng đạn nổ, hay đâu chuyện gì?
Rầng rầng bộ đội bủa đi,
Ào vô xục xạo, súng ghì, đèn soi.
Bàng hoàng lưng vã mồ hôi,
Ngỡ rằng Thần Chết đến nơi gọi hồn.
Lệ Trời, tuôn lúc mau hơn,
Rào rào gió thổi từng cơn lạnh lùng.
Bình minh rồn rập tin hung :
“Ðêm qua có kẻ mánh mung vượt rào.
Thiên la Ðịa võng vây bao,
Lưới Công an đặc, thoát sao khỏi vòng?”
Biết rằng đường lắm gai chông,
Cặp tù : Thịnh, Bé, vẫn không ngại ngùng.
Quyết tâm thoát cảnh ngục trung,
Tung hoành cho thoả chí hùng thuở nao.
Phục thay gan dạ anh hào,
Coi đời như giấc chiêm bao vắn dài.
Nhịp tù tiếp tục trôi xuôi,
Bỗng dưng thấy Cán dẫn đôi tù về.
Mây chiều ảm đạm lê thê,
Mạch tim quặn thắt, tái tê cõi lòng.
Oan khiên, chẳng thoát tử vong,
Qủy đang đợi dịp thi công hại người.
Thị oai cho cả trong ngoài,
Thấy quyền sinh sát, gương soi tỏ tường.
Lập Toà tuyên xử “khẩn trương”,
Tha hồ ác tặc ôn vương đóng trò.
Tử hình án trữ đầy kho,
Mặc tình xử dụng chẳng lo thiếu phần.
Nhân danh đại diện nhân dân,
Diệt trừ giai cấp đâu cần đắn đo.
Theo gương Trung Cộng, Liên Xô,
Không theo chủ nghĩa Tam Vô là thù.
Không theo Cách mạng mùa Thu,
Thành phần đối lập khử trừ thẳng tay.
Yêu tinh hiện giữa ban ngày,
Hại người yêu nước, Trời hay chăng Trời ?
Rào rào gió giục mưa rơi,
Thấm lòng đất Việt, máu người Việt Nam.

Suối Máu, Tam Hiệp, Biên Hoà, Tháng 4-1976.

Không có nhận xét nào: