Thứ Năm, tháng 1 08, 2009

HỒI ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 18

ĐÔI GIỌT “MẬT ĐƯỜNG” TẠO NIỀM TIN CHO TÙ.

Cả mấy trăm ngàn chiến sĩ Việt Nam Cộng hoà mọi giới (Quân nhân, Công chức Hành chánh, Đảng phái Chính trị, Báo chí truyền thông, Giáo chức…) thuộc miền Nam Việt Nam, đã bị Cộng sản Việt Nam đưa đi Lao động Cải tạo Tư tưởng trên đất miền Bắc Xã hội Chủ nghiã, vì đã chiến đấu chống sự bành trướng của Cộng sản tại Việt Nam. Sau thời gian 2 năm tập trung đầy đọa khổ nhục, tin đồn có đợt tha vào tháng 4-1977, nhân kỷ niệm 2 năm thống nhất đất nước, chỉ là cái bánh vẽ đưa ra để phát động đợt thi đua, thúc đẩy Tù làm ra nhiều tiền theo lệnh của Nhà nước mà thôi.

Mãi đến tháng 9-1977, kỷ niệm ngày Độc lập của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghiã Việt Nam, Đoàn Cán bộ Trung Ương mới từ Hànội tới Liên Trại 1, tổ chức học tập và thông báo tin tức đợt tha đầu tiên. Con số Đại tá được tha rất ít, có thể đếm trên đầu ngón bàn tay không hết. Chỉ vỏn vẹn có 3 người:

1/ -Đại tá Huỳnh hữu Ban (nguyên Trưởng Phòng 5 Bộ Tổng tham mưu) bị đưa ra Bắc hồi giữa năm 1976 cùng lượt với chúng tôi, đã chết vì bệnh phổi tại Bệnh xá Liên trại 1 vào khoảng cuối năm.

2/ -Đại tá Thọ (gốc Nhẩy dù) bị bắt tại trận Hạ Lào trong cuộc Hành quân Lam Sơn 719, (Tôi không nhớ Họ của anh Thọ). Phái đoàn Trung ương giải thích : “Anh Thọ được Nhà Nước Trung Ương tha, vì đã “cải tạo nhiều năm rất tiến bộ”. Nhưng Chính quyền Địa phương không nhận, vì lý do không bảo đảm được an ninh cho anh Thọ, tại địa phương nơi xin về cư ngụï. Do đó, Nhà Nước đành phải để anh ấy ở lại tiếp tục cải tạo.” Anh Thọ không ở chung Trại với chúng tôi, nên không có dịp tiếp xúc để kiểm chứng.

3/ -Đại tá Hồng Sơn Đông, ở chung với chúng tôi, từ khi bị đưa ra Bắc hồi cuối tháng 6 năm 1976. Anh Đông đã giải ngũ từ thời Tổng thống Ngô đình Diệm, Đệ nhất Cộng hoà tại miền Nam Việt Nam.

Từ khi ra khỏi Quân đội, anh Đông sống ở vùng Thủ Đức, Gia Định, thường xuyên cộng tác với một Nhật báo tại Saigon. Trong thời Đệ nhị Cộng hoà, anh Đông tham gia NHÓM KÝ GIẢ ĐI ĂN MÀY, xuống đường biểu tình chống đối Chính quyền vì đã kiểm duyệt và đóng cửa các Báo thân Cộng. Tất cả các Đảng phái Quốc gia chống Cộng sản tại miền Nam lúc bấy giờ đều biết rõ, những tờ báo này thường xuyên cố tình loan tin gây hoang mang, làm suy giảm tinh thần chống Cộng sản của Chiến sĩ Việt Nam Cộng hoà và Đồng bào tại miền Nam Việt Nam.

Trước khi có lệnh tha, anh Đông đã từng úp mở nói với vài bạn thân là, “NHÓM KÝ GIẢ ĐI ĂN MÀY tại Saigon trước kia là Cán bộ Cộng sản nằm vùng. Từ sau ngày Giải phóng, họ có Uy thế lớn trong Chính quyền Cách mạng tại Saigon. Họ đãõ vận động cho anh ấy không phải đi cải tạo nhưng không kịp, nên cứ phải đi tập trung như mọi người, và đang đợi lệnh tha để ra về trong dịp sớm nhất.”

Đợt học tập này được tổ chức luân phiên, tại cả 2 địa điểm : K2 (Trại Cây Khế) và K3 (Trại Cốc). Ngày nào tổ chức học tại K2 của chúng tôi, anh em trong K3 phải dắt nhau ra học chung. Ngược lại, ngày nào tổ chức tại K3 trong khu tận cùng của thung lũng, anh em chúng tôi phải di chuyển vào trong đó, để cùng tham dự.

Hội trường K2 của chúng tôi chỉ có sức chứa 200 người. Nay dồn cả 2 Phân trại gần 400 người vào ngồi chung, chen nhau chặt cứng như nêm. Mọi người phải ngồi chồm hổm sát bên nhau. Đầu gối người sau đụng lưng người ngồi trước. Vai sát vai không chỗ hở mà cựa quậy. Hơi người bốc ra nồng nực. Đã có anh vì mắc bệnh xuyễn kinh niên, bị ngộp thở phải dẫn ra ngoài cấp cứu. Trong Hội trường không đủ chỗ, phải ngồi đầy cả ngoài hiên chung quanh bên ngoài.

Ngày nghe thuyết giảng trong Hội trường. Đêm được xem chiếu bóng ngoài trời, nơi sân tập họp lớn trước Thư viện. Mọi người ngồi bệt trên mặt đất. Sương đêm lạnh buốt, nhiều người phải mang cả chăn ra chùm kín từ đầu xuống chân, để không bị cảm lạnh.

Phim thuộc loại tuyên truyền ngây ngô xảo trá, với tựa đề “Anh hùng diệt tăng”, giàn dựng diễn tả lại trận phục kích Chiến đoàn Pháp, tại vùng Tây nguyên Trung phần Việt Nam hồi thập niên 1950. Đại ý kể truyện một anh Bộ đội Cộng sản Bắc Việt nằm phục kích bên lề đường, ném lựu đạn lên xe tăng của Pháp. Lựu đạn nổ trên đỉnh bên ngoài xe tăng không hề hấn gì. Xe tăng tiếp tục chạy trên đường vòng sang phiá bên kia sườn đồi. Anh Bộ đội chạy leo qua đỉnh đồi sang phiá sườn bên kia, trước khi xe tăng bò tới. Nhờ lợi thế ở trên cao sát bên mặt đường, anh Bộ đội nhẩy xuống nóc xe tăng, thả quả lựu đạn vào trong lòng xe. Anh Bộ đội từ nóc xe nhẩy xuống đất vừa xong, xe tăng nổ và bốc cháy???

Trong đợt học tập này, có một sự kiện rất đặc biệt không ai quên được. Đoàn Cán bộ Trung ương đã dẫn theo ông PHẠM KHẮC HOÈ, nguyên làm Ngự Tiền Văn Phòng của Hoàng đế Bảo Đại. Ông này đã giác ngộ, dứt bỏ giai cấp quan lại của mình trong Triều đình nhà Nguyễn, theo Cách mạng từ mùa Thu 1945. Hiện nay đang là người Cộng sản chính tông, đến nói chuyện tâm tình với Tù cấp Đại tá, thuộc giai cấp cầm quyền như ông Hoè trước kia trong “Ngụy quyền phản động”.
Ông Hoè khoe rằng, chính ông ấy đã khuyên và đốc thúc Hoàng đế Bảo Đại thoái vị Vua vào tháng 8 năm 1945. Nhờ thế, đã được Cách mạng trọng dụng từ bấy đến nay, không hề bị kỳ thị vì quá khứ của mình.

Khi chiến tranh giữa Việt Minh và Pháp bùng nổ vào tháng 12 năm 1946, ông ấy bị Pháp bắt giam tại nhà tù Hoả Lò Hànội. Tháng 1 năm 1947 được đưa vào Saigon và Đàlạt để tiếp xúc với một số nhân sĩ : Vương quang Nhường, Phan huy Đán, Đinh xuân Quảng, Trần trọng Kim, Nguyễn văn Sâm, Trịnh đình Thảo, và Nam Phương Hoàng hậu. Đến giữa tháng 4 năm 1947, Pháp đưa trở ra Hànội và trả tự do cho ông ấy. Tháng 8 năm 1947, ông ấy bỏ Hànội ra Chiến khu theo Việt Minh. Tháng 9 được gặp Cụ Hồ, và ở lại theo Cách mạng luôn kể từ đó.

Ông ấy cũng đã được Nhà nước Cộng sản Bắc Việt, cho cái vinh dự làm một trong các thành viên tham dự Hội nghị Genève 1954, chia cắt đất nước Việt Nam làm hai miền Nam Bắc tại Vĩ tuyến 17.
Ông Hoè nói rất nhiều để sau cùng kết luận, nhờ suốt mấy chục năm trời theo Cách mạng, chỉ học được có 2 điều “cơ bản chính yếu” : YÊU và GHÉT.

“Ghét Giai cấp Thống trị, vì là kẻ thù bóc lột Giai cấp Vô sản.
Ghét ăn bám vào xã hội, nhờ thế mới biết Yêu Lao động.
Yêu Lao động tức là yêu Xã hội Chủ nghiã.
Yêu Xã hội Chủ nghiã mới là yêu Nước.”

Qua sự kiện này ai cũng thấy được, người ta đưa ông Hoè đến với mục đích chính yếu duy nhất, trình diện nhân chứng sống bằng xương bằng thịt. Cho mọi người nghe tận tai, thấy tận mắt, tấm gương của một người trước kia thuộc Giai cấp thù địch với Giai cấp Vô sản, biết giác ngộ, nhiệt thành hối cải, tận tụy theo Cách mạng lập công chuộc tội, đã được đối xử bình đẳng trong giai cấp Lãnh đạo của Cộng sản như thế nào. Tù hãy yên tâm noi gương mà cố gắng cải tạo.

“Đường đi khó không vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”, đấy là câu ông Hoè đã dùng để kết thúc buổi nói chuyện tâm tình thật dài của ông ấy, với các Tù Đại tá Quân lực Việt Nam Cộng hoà, đang bị tập trung cải tạo tại Liên trại 1, xã Việt Cường, Yên Bái, tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Trong kỳ học tập này, Đoàn Cán bộ Trung Ương còn cho phát thanh một cuộn băng nhựa, ghi âm bài phát biểu ý kiến của Tướng Nguyễn vĩnh Nghi, gửi anh chị em Chiến sĩ thuộc Chế độ Việt Nam Cộng hoà cũ. Tướng Nghi nguyên là Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tiền phương của Quân đoàn III, bị quân Cộng sản Bắc Việt bắt tại mặt trận Phan Rang trước khi Saigon thất thủ, và đã bị Cộng sản Bắc Việt tuyên án tù chung thân,

Không biết kỹ thuật thâu băng dở, hay máy phát âm của Trại dở, mà âm thanh phát ra lúc rè, lúc nhỏ, lúc lạo xạo pha trộn các nhiễu âm, rất khó nghe. Tôi không nghe được đầy đủ nội dung nói những gì.

Nhưng sau buổi học tập, nhiều anh em cực đoan khó tánh, kín đáo thì thầm với nhau, có ý bất bình về những lời nói của Tướng Nghi. Đa số còn lại chỉ nhè nhẹ thở dài yên lặng, giữ thái độ “Im lặng là vàng” không biểu lộ ý kiến gì. Tôi thuộc nhóm thứ 2, cũng có vài suy nghĩ riêng, nhưng không nói ra trong lúc đó. Giả dụ như, Tướng Nghi có tự nguyện ngỏ lời kêu gọi khuyên anh em cố gắng cải tạo, lập thành tích đái công chuộc tội… để sớm được hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước Cộng sản đi nữa, cũng chẳng có gì đáng trách.

“Gặp thời thế, thế thời phải thế.” Chính quyền miền Nam đã hoàn toàn xụp đổ. Quân lực Việt Nam Cộng hoà tan rã. Đồng minh bỏ rơi, cuốn gói chạy. Các Đại cường tham gia ký Hiệp Ước Paris 1973, im hơi lặng tiếng, làm ngơ trước sự vi phạm trắng trợn của Cộng sản trong suốt 2 năm qua. Trong hoàn cảnh vô vọng, mỗi người phải tự lo cho số phận riêng của mình. Tôi nghĩ, trong thâm tâm Tướng Nghi không muốn làm việc đó, nhưng vì bị áp lực cách nào đó ghê gớm lắm, mới chẳng đặng đừng, phải cắn răng nhịn nhục làm vậy thôi.

Chắc ai cũng nhớ rằng, sau mỗi buổi học rời Hội trường trở về Láng, mọi người bị buộc phải ngồi bên nhau mổ xẻ đào sâu thêm về đề tài đã được nghe, trước sự hiện diện theo dõi của Cán bộ. Mỗi người bị buộc phải thay phiên nhau, tự kiểm điểm và liên hệ với bản thân, tìm cho ra những sai trái của mình, của Chế độ mình đã phục vụ trước kia. Phải tự buộc tội mình, để mà hối hận, mà xin Cách mạng khoan hồng tha chết. Mọi ý kiến phát biểu đều phải kết thúc bằng lời hứa, quyết tâm cải tạo cho thật tốt, để sớm được về đoàn tụ với vợ con. Mặc dù chính mình cũng biết, trong các bài thuyết giảng có rất nhiều điều phi lý, suy luận một chiều, sai sự thật, nhưng chẳng ai dám có ý kiến ngược lại. Bởi vì làm như vậy, cả Đội sẽ phải tiếp tục ngồi xây dựng cho nhau hoài không được nghỉ. Cho đến khi nào Cán bộ thấy mọi người tỏ ra “thành khẩn” nhiệt liệt công nhận, “hào hứng” góp ý kiến tán tụng, những điều ghi trong tài liệu học tập là rất chính xác khoa học, mới được coi là “đạt mục đích yêu cầu”, “kết quả thâu hoạch tốt”, và cho ngưng thảo luận để nghỉ ngơi.

Đã có lần ở trong Đội chúng tôi, một anh bạo gan góp ý kiến thành thật, theo đúng tinh thần Dân chủ mà Nhà nước Cộng sản thường rêu rao. Lập tức được Quản giáo Đội (Trung úy Khảm) nhắc khéo rằng : “Một hai bộ óc dù có thông minh đến đâu, cũng không thể bằng cả trăm cả ngàn bộ óc của Bộ Chính trị Trung ương Đảng được. Các anh phải “nắm cho thật vững” điều đó. Chính vì “bản chất đại ngoan cố” như vậy, mà các anh đã lạc đường phản lại Cách mạng. Học tập đến giờ này mà còn chưa “giác ngộ”, bao giờ mới “tiến bộ” được tha về với Vợ Con?”

Nhờ có đợt học tập này, 3 anh Quế, Huề, và Thi, đang bị cùm trong nhà kỷ luật bên truồng heo của K2, suốt từ hồi trốn trại cuối năm 1976 bị bắt lại đến nay, được khoan hồng ân xá cho ra khỏi nhà kỷ luật. Mỗi người được biên chế vào một Đội khác nhau, để tiếp tục đi lao động với anh em như thường. Thấy hiện trạng cơ thể suy nhược của các anh ấy mà xót xa. Thương cho bạn mà cũng lo cho chính bản thân mình, cứ cái ngữ lao động cực khổ, đói ăn như vầy, rồi đây chắc cũng chẳng hơn gì.

Sau đợt học tập, anh em tiếp tục chuẩn bị làm vụ lúa Thu Đông. Đội chúng tôi được giao trách nhiệm đi lấy “cây cứt lợn” một loại thảo, mọc từng bụi cao cỡ 1 mét, có hoa từng chùm nhỏ mầu vàng, nhụy đỏ, mùi hôi hôi, hắc hắc như phân lợn, thân và lá có lông li ti đụng vào da làm ngứa ngáy như bị rôm cắn. Hàng ngày, mỗi người phải chặt 2 gánh nặng cỡ 40 kílô đem về bỏ tại khu ruộng của Trại. Có Đội khác ngồi đó chuyên lo bằm nhỏ, vãi xuống ruộng đầy nước cho mục rữa lần ra thành phân bón trước khi cấy mạ.

Đến tháng 10 năm 1977, mọi việc hàng ngày đang tiến hành êm ả. Bỗng dưng vào một hôm đẹp trời, toàn thể Tù K2 chúng tôi, không phải xuất Trại lao động buổi chiều, tập trung tất cả nơi sân tập họp trước Thư viện. Trại trưởng xuất hiện, thông báo tên một số người được lựa đưa đi lao động cải tạo thật sự. Ai nấy hồi hộp chờ đợi, hy vọng có tên mình trong danh sách.

Khoảng 2 chục người có tên, toàn là dân Chiến tranh Chính trị, An ninh Quân đội, Phòng Nhì, Tuyên Úy, Tỉnh trưởng, Xây dựng nông thôn, và Ban Liên hiệp Quân sự 4 bên. Đội chúng tôi có tới 4 người, gồm các anh Dương Hiếu Nghiã, Võ hữu Bá, Tôn thất Hùng và Tôi (Nguyễn-huy Hùng).

Bữa ăn tối, cả K2 “đột xuất” được đặc biệt tăng cường thịt heo, do chính Toán Chăn Nuôi của K2 chăm vỗ bấy lâu nay. Trại trưởng cho biết : “Đây là dịp “công khai” thanh toán sòng phẳng tiền dư thực, cho mọi người cùng hưởng trước khi chia tay nhau”. Mọi người được phép nấu nướng ăn uống đãi đằng, hàn huyên tiễn biệt nhau thong thả từ chiều tối cho đến giờ đi ngủ. Bạn bè kẻ ở người đi bồn chồn quấn quýt.

Đây cũng là lần đầu tiên, Tù được phép qua lại giữa các Láng ở, để nói chuyện chào tiễn biệt bạn bè thân quen của mình. Tại K2 của chúng tôi, có cả mấy vị Linh mục, Mục sư Tuyên Úy Quân đội, mang cấp bậc Đại tá nhiệm chức, nên cũng bị bắt đi cải tạo.


KẺ Ở NGƯỜI ĐI.

Giúp nhau chuẩn bị lên đường,
Thì thầm chia xẻ tình thương bạn bè.
Mai này cách trở sơn khê,
Chừng nào có được ngày về gặp nhau.
Bao năm cùng khoác chiến bào,
Sa cơ thất thế cùng vào Tập trung.
Bên nhau hứng chịu bão bùng,
Trăm chiều nhục nhã cực cùng khổ đau.
Còn đêm nay nữa bên nhau,
Dặn dò nhắn gửi hết câu chân tình.
Ai may sớm gặp gia đình,
Đừng quên tiếp tục công trình dở dang.
Đừng quên Quốc hận đang mang,
Đừng quên những kẻ đầu hàng cầu vinh.
Đừng quên tội phạm chiến tranh,
Là bầy lang sói đang hành hạ Dân.

K2 (Trại Cây Khế) Liên Trại 1, cuối tháng 10-1977

Không có nhận xét nào: