Thứ Năm, tháng 1 08, 2009

HỒI ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 31

DÙNG CHÍNH SÁCH THÂM ĐỘC LAO ĐỘNG CẢI TẠO TƯ TƯỞNG,
CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐÃ THẤT BẠI Ê CHỀ.

(Hồi Ức Tù Cải Tạo Việt Nam)
Nguyễn Huy Hùng


Chuẩn bị mừng lần thứ 9, ngày Đại thắng mùa Xuân 30-4-1975 của Cộng sản Việt Nam, Trung Ương Đảng gửi phái đoàn hùng hậu đến Trại Z30C tổ chức học tập 2 tuần lễ liền. May mắn là trong thời gian học tập này, Đoàn Cán bộ không nhai lại như bò, những gì đã nhai liên tục suốt 8 năm qua. Họ trình chiếu một bộ phim dài cả hơn chục cuốn, phải ngồi chồm hổm trên nền đất nhà Hội trường mái tôn, chặt cứng như nêm, ngột ngạt đủ thứ mùi vị nồng nặc từ cơ thể mọi người toát ra, xem liên tục nhiều ngày mệt mỏi hơn đi lao động ngoài đồng nhiều.

Đây là bộ phim được dàn dựng theo loại phim tài liệu lịch sử, ghi lại các chiến thắng của Cộng sản Việt Nam từ năm 1945 cho tới 30-4-1975, với mục đích tuyên truyền, khoa trương những góc cạnh có lợi, nhằm đánh bóng và thần thánh hoá các hành động của Cộng sản Việt Nam.
Nhưng đối với những người có tinh thần Quốc gia Nhân bản kiên định, không những chẳng xiêu lòng thán phục, mà lại càng thấy rõ ràng hơn mặt thật xảo trá, bịp bợm tinh vi, trơ trẽn vô nhân đạo của Cộng sản Việt Nam dã man “Hại Dân Hại Nước”, chớ không phải “Vì Dân Vì Nước” suốt 30 năm qua, nay vẫn đang tiếp tục.

Người ta đưa vào phim những khuôn mặt lớn của Cộng sản, như Hồ Chí Minh, Phạm văn Đồng, Trường Chinh, Võ nguyên Giáp, Lê dức Thọ... Bên phía Quốc gia chống Cộng, họ cũng đưa vào hình ảnh của Cựu Hoàng Bảo Đại, Thủ tướng Trần văn Hữu, Nguyễn văn Tâm, Tổng thống Ngô Đình Diệm, Cố vấn Ngô Đình Nhu, một vài Tướng lãnh Việt Nam Cộng hoà..., và một số nhân vật Chính trị Quân sự của Hoa Kỳ và Pháp đã đóng vai chính yếu trong cuộc chiến Việt Nam. (Thời gian qua đi đã lâu quá rồi, hơn nữa ngồi xem trong tình trạng bị ép buộc, không quan tâm chăm chú xem những dự kiện ghi nhận một chiều, nên Tôi không nhớ các chi tiết “cụ thể” trong phim nên không ghi lại như mong muốn.)

Tất cả những người thuộc phe Quốc gia Tư bản, được cho xuất hiện trên phim trong một thời gian rất ngắn, với những trích đoạn lời phát biểu dưới góc cạnh có lợi cho Cộng sản, nhằm mục đích chứng minh nhân chứng của các sự kiện, theo mốc thời gian lịch sử đã xẩy ra trong quá khứ mà họ có dự phần.

Còn các nhân vật Lãnh tụ Cộng sản, bao giờ cũng được phô trương lâu và nói dai nói dài, theo quan điểm chỉ đạo của Cộng sản Quốc tế mà họ lệ thuộc, với những lời lẽ chải chuốt tuyên truyền, tâng bốc cái khí thế của làn sóng Cách mạng Vô sản đang cuồn cuộn dâng lên, và cái thế yếu xuy thoái, đang rẫy chết của Hoa Kỳ và phe đồng minh Tự do Tư bản.

Sau đợt học tập, các Đội lại phải thi hành cái thông lệ, họp riêng tại Láng dưới sự giám sát của Quản giáo, để mọi người thay phiên nhau phát biểu ý kiến tổng kết “thâu hoạch”, ghi biên bản trình những gì đã hấp thụ được sau các buổi học tập bằng phim ảnh.

Dĩ nhiên, kết quả bao giờ cũng mỹ mãn “đạt mục đích yêu cầu”. Mọi người đều phải “nhất trí” “Cách mạng Vô sản Việt Nam là đỉnh cao trí tuệ”, “anh hùng vô địch đã đánh thắng cả 2 Đế quốc Pháp và Mỹ giầu mà không mạnh”..., cũng như phải kết luận phần trình bầy của mình bằng câu : “...luôn luôn cố gắng cải tạo cho tốt, để sớm được trở về đoàn tụ với Vợ Con, tuân theo luật lệ của Đảng và Nhà Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng đất nước...” Không ai ngu dại gì mà nói rằng : “-Cộng sản Việt Nam là tay sai của Đế quốc Đỏ Liên Xô, Trung Cộng, được các nước Cộng sản quan thầy cung cấp vũ khí đạn dược và Cố vấn tham gia điều khiển, thi hành kế hoạch xâm lược miền Nam Việt Nam và toàn Bán đảo Đông Dương, để làm bàn đạp bành trướng xuống toàn vùng Đông Nam Á Châu...”

Kỳ Học tập chấm dứt, nhiều đợt tha Tù lại tiếp tục xẩy ra. Những tin đồn Chính phủ Hoa Kỳ đang chuẩn bị đón tiếp Tù Chính trị tới định cư, cũng dồn dập vào trại theo các đợt “thăm nuôi” hàng ngày. Các sự kiện này cho phép nhận định, mục đích chính của đợt học tập kỳ này, nhằm tuyên truyền lôi cuốn Tù Chính trị còn “nhẹ dạ cả tin” ở lại trong nước, để Việt Cộng lợi dụng làm công cụ câu tiền của Hoa Kỳ trong tương lai.

Khi lúa sắp sửa trổ đòng đòng, chúng tôi lại được tăng phái đến làm cỏ và phát bờ ruộng cho một Đội Nông Nghiệp khác, ở phía mút hướng Tây của Trại. Cây lúa cao ngang bụng, cả Đội xếp hàng ngang, dùng cuốc vừa cà cỏ nhặt vứt lên bờ vừa vun gốc lúa. Lá lúa nhỏ dài, ngọn lá nhọn, cạnh bén như lưỡi dao. Mỗi khi cúi xuống ngẩng lên, đều bị lá lúa đâm cứa vào mặt vào tay, làm rặm ngứa xót khó chịu vô cùng. Làm trong ruộng lúa dưới trời nắng, hầm nóng, bực bội, khiến cho người ta dễ nổi tính cáu bẳn một cách vô lối. Tôi đã lỡ làm một việc khiến cho anh em cả Đội, rơi vào một hoàn cảnh thật khó xử. Đầu đuôi câu chuyện như sau :

“Hàng ngày đến “hiện trường lao động”, Quản giáo Đội ra lệnh cho anh Đội trưởng cung cấp 2, 3 người để chuốt đũa bằng cuống lá buông, cho ông ấy đem bán kiếm tiền xài. Anh em trong Đội phải nỗ lực làm nhiều hơn để bao phần của các anh ấy, mới hoàn tất được chỉ tiêu quy định cho Đội phải thực hiện trong ngày. Mọi người vừa làm vừa nói chuyện bông đùa cho quên thời gian vất vả. Bỗng tôi nghe thấy anh Z. (gốc Cảnh sát) được chỉ định chuốt đũa cho Cán bộ, đến báo cáo với Cán bộ là, anh ta đến gặp thủ kho Đội chủ nhà mượn dao bén nhưng không có. Cán bộ cứ nhất định là có. Hai người nói qua nói lại, sau cùng anh Z. kết thúc bằng câu đại ý nói, nếu Cán bộ không tiếp xúc thẳng để có dao đưa cho anh ấy, thì anh ấy chịu không thể thi hành lệnh của Cán bộ được.” Tôi ngứa miệng nói đổng : “-Sao ngu quá vậy, không có dao thì lấy răng mà cạp.” Các bạn làm gần quay lại ngó, rồi từ từ lảng dần ra chỗ khác xa Tôi.

Một lúc sau, anh Đội trưởng (Trung tá Cảnh sát Phan trung Chánh) đến khu chúng tôi đang làm hỏi : “-Anh nào vừa nói gì mà lấy răng cạp?” Không ai trả lời. Anh ấy đến bên từng người hỏi có nghe ai nói không? Mọi người đều lắc đầu nói không nghe. Riêng Tôi thì anh ấy không hỏi. Đến hết giờ lao động buổi chiều, Đội tập họp đi tắm trước khi về Khu giam. Cán bộ đến đứng trước Đội, hỏi : “-Trong lúc lao động anh nào nói gì, có ai biết ai nói không?” Không ai trả lời, Tôi cũng yên lặng. Cán bộ nói tiếp : “-Nếu không tìm ra được người đã phát biểu linh tinh lúc nãy, bắt đầu từ chiều nay Đội bị phạt không được đi tắm sau giờ lao động, cho đến khi nào tìm ra được người nói mới thôi.”

Chiều đó chúng tôi không được đi tắm, anh em trong lòng chắc phiền lắm, nhưng không ai nói gì. Mọi người yên lặng trở về Khu giam, không xì xầm hay nói một tiếng nào tỏ ý phiền hà Tôi cả. Buổi sinh hoạt Đội trong phòng giam hàng đêm, cũng không thấy ai nhắc tới chuyện đã xẩy ra. Tôi cảm thấy ân hận, suy nghĩ trằn trọc suốt đêm không ngủ được. Tôi bàn với anh Nguyễn văn Sáu Đội phó nằm bên, sáng mai Tôi sẽ nhận tội, rồi ra sao thì ra. Anh ấy gạt đi nói : “-Cứ lờ đi, rồi mọi việc sẽ qua.” Nhưng Tôi nghĩ chuyện không đơn giản như vậy. Hồi mới về đây, Tôi đã bị Quản giáo gọi “làm việc” về vụ tự động vần đá vào bóng râm ngồi đập. Chắc hẳn Quản giáo vẫn đang theo sát Tôi tìm sơ hở, để kỷ luật rằn mặt.

Sáng hôm sau, từ lúc bắt đầu lao động, anh Đội trưởng đến gọi lần lượt từng người, chiều hôm trước lao động gần bên Tôi, đến gặp Cán bộ “làm việc”. Mỗi người phải “làm việc” lâu từ 10 đến 15 phút. Khi trở ra chẳng anh nào nói năng gì, lẳng lặng tiếp tục lao động. Tôi đến gần hỏi thì các bạn cho biết là hỏi chuyện chiều hôm qua. Ai cũng nói anh em vừa làm vừa nói chuyện bông đùa với nhau, nên không nghe và cũng không biết người nào đã nói như vậy. Không muốn để anh em tiếp tục bị phiền hà vì việc làm của mình, Tôi yêu cầu anh Đội trưởng xin cho Tôi gặp Cán bộ Quản giáo trình bầy về việc chiều hôm qua. Anh ấy xửng sốt nhìn Tôi với vẻ ái ngại, nhưng cũng đi trình Quản giáo. Một lúc sau anh Đội trưởng đến cho biết, Quản giáo bằng lòng gặp Tôi vào giờ giải lao.

Lúc bắt đầu nghỉ giải lao, Tôi đem Gô nước trà và bao thuốc lá thơm tới gặp Quản giáo. Ông ta đang ngồi một mình bên gốc cây, xa chỗ anh em ngồi nghỉ khoảng 100 mét. Tôi đến cách 1 mét đứng lại báo cáo trình diện, như thường lệ mỗi khi Tù gặp Cán bộ. Ông ta nói : “-Anh ngồi xuống đây, có việc gì vậy?” Tôi thong thả ngồi xuống, đưa Gô trà nóng và bao thuốc lá thơm mời ông ta dùng, rồi chậm rãi trình bầy : “- Trước nhất Tôi xin lỗi đã làm phiền lòng Cán bộ, và anh em trong Đội từ chiều hôm qua đến giờ. Tôi là người đã nói câu “sao ngu vậy, không có dao thì lấy răng mà cạp”. Tôi nói câu này, vì trong lúc anh em vừa lao động vừa kể lại câu chuyện cũ, xẩy ra từ hồi còn ở ngoài trại Thanh Phong. Có một anh khát nước quá, muốn ăn vụng mía trong ruộng, lại không có dao nên chẳng biết làm sao. Tôi buột miệng góp chuyện bằng câu : “-Sao ngu quá vậy, không có dao thì lấy răng mà cạp”. Chắc Cán bộ cũng “nhất trí”ù với Tôi, đâu phải lúc nào ăn mía cũng cần tới dao. Mình có thể dùng răng tước vỏ, rồi cắn gẫy từng mẩu nhỏ để ăn cũng được. Như vậy, lời góp ý của Tôi vào câu chuyện anh em đang nói là thật tình, có ý gì khác đâu? Tôi không hề nghe thấy anh Z. báo cáo với Cán bộ là, không mượn được dao để chuốt đũa cho Cán bộ. Đây là sự trùng hợp đáng tiếc, Tôi không ngu dại gì mà nói anh Z. như vậy. Xin Cán bộ rộng xét bỏ qua cho. Nếu Cán bộ muốn kỷ luật thì kỷ luật Tôi, chớ anh em trong Đội không can hệ gì.”

Ông ta ngồi hút thuốc và uống trà nóng do Tôi đem tới mời, mắt nhìn về phía anh em ngồi nghỉ giải lao, yên lặng nghe trình bầy không nói gì. Khi Tôi vừa dứt lời, ông ta mới quay lại nhìn Tôi, và nói : “-Anh có tinh thần tự giác nhận sai trái của mình như vậy là tốt. Thôi được rồi, đi về Đội lao động với anh em.”

Hết giờ lao động sáng, Đội được đi tắm trước khi về trại giam, mọi người vui vẻ, không khí nặng nề không còn nữa. Thế rồi, một ngày, hai ngày, ba ngày qua đi, không thấy gì, mọi người thở phào nhẹ nhõm, mừng cho Tôi tai qua nạn khỏi không bị kỷ luật. Theo suy đoán riêng, câu Tôi nói chẳng có gì là “phản động chống đối chính sách của Nhà Nước”. Nếu trình lên, Tôi sẽ bị Cán bộ Giáo dục của Trại và Cán bộ An ninh gọi lên “làm việc”. Tôi sẽ chẳng sợ gì mà không khai sự thật, sẽ lòi ra điều sai trái của chính ông ấy, lợi dụng Tù làm việc riêng cho mình trong giờ lao động để kiếm tiền. Chắc chắn ông ta sẽ phải lãnh tai họa kỷ luật trước Tôi, nên ông ta mới phải bỏ qua, mặc dù rất căm giận.

Khi trại bắt đầu thu hoạch vụ lúa Chiêm, Đội chúng tôi được cấp cho một “hiện trường lao động” riêng, sát bên bờ sông, về hướng Tây Nam, để trồng rau, bí ngô, và bầu. Muốn tới nơi lao động mới này, phải đi vòng vèo một đoạn đường khoảng 3 cây số, xuyên ngang các khu lao động của 3 Đội khác. nằm sát bên bờ sông phía Bắc, Tây Bắc, và Tây của K1 Trại Z30C.

Như vậy, Đội chúng tôi đã được đưa đi lao động trên khắp mặt địa bàn K1 của trại Z30C. Hiện trường lao động của các Đội hướng Đông Bắc, Bắc, Tây Bắc, và Tây đều nằm sát bên sông, cho phép kết luận : “K1 là một vùng đất nằm trong khúc quanh, của con sông dài chẩy từ Trại Z30D Thủ Đức qua.”

Khúc sông chẩy sát bên khoảnh đất dành cho Đội chúng tôi, hình vòng cung, bao bọc các hướng Tây và Nam của “hiện trường lao động”. Triền bờ 2 bên sông thẳng đứng, cao hơn mặt nuớc 1 mét. Bờ này cách bờ kia khoảng chục mét. Nước chảy lừ đừ, chính giữa lòng sông chỉ sâu cỡ ngang ngực, lội qua lại dễ dàng. Chúng tôi mở 2 bến lên xuống, gánh nước tưới cho các luống rau rất tiện lợi và nhanh. Việc tắm giặt của anh em cũng rộng rãi thoải mái, không bị cảnh tắm nước đục vì đông người xuống cùng một lúc. Bên kia sông là rừng cây, không thấy bóng người qua lại. Thỉnh thoảng có vài bạn Đội Lâm Sản lội về ngang, đem theo những bó măng tre rừng. Những Tù trong Đội Lâm Sản được coi là “Tù tự giác” đi lao động một mình, không cần Cán bộ theo coi chừng như các Đội khác. Đội chúng tôi chẳng hạn, hàng ngày đi lao động, ngoài Quản giáo Đội còn có thêm 2 cảnh vệ, mang súng AK đi canh chừng.

Rau và bầu chúng tôi trồng tỉa tăng trưởng rất nhanh. Vừa tới kỳ thu hoạch, bị mất trộm một mẻ rất lớn. Chỉ qua có một đêm, kẻ trộm nhổ một loạt 4, 5 luống rau, dài 25 mét, rộng 1 mét, mơn mởn tốt nhất trong khu. Đồng thời, lựa cắt những trái bầu lớn và dài, chớ không thèm lấy trái nhỏ.
Vụ trộm được coi là có tổ chức quy mô, không phải tầm thường. Hàng đêm, luôn luôn có toán Cảnh vệ đi tuần tra canh phòng cẩn mật, trên khắp các khu vực đất canh tác, thuộc quyền sở hữu của Trại. Mấy bạn Tù “tự giác” được ở tại Nhà Lô với Quản giáo kế cận “hiện trường lao động” của Đội chúng tôi, chắc không bao giờ dám làm cái việc liều lĩnh này. Vậy thì ai? Hẳn là phải có sự mưu mô toa rập, giữa Cán bộ trong trại và dân chúng ở quanh vùng gần trại. Họ tẩu tán đem qua sông, chớ không thể chuyển vận một số lượng rau nhiều như thế, theo các đường đi bên trong trại. Cán bộ An ninh mở cuộc điều tra nhiều ngày, đi tới đi lui “làm việc” với một số anh em trong Đội chúng tôi. Chẳng ai biết kết quả sau cùng ra sao.

Ít ngày sau vụ mất trộm, Đội chúng tôi và Đội Nông Nghiệp đang gặt lúa kế cận gặp một tai họa thật hi hữu, vào một buổi chiều lúc gần giờ nghỉ lao động. Tai họa không nguy hiểm, nhưng đủ làm mọi người kể cả Quản giáo và Cảnh vệ, bị một phen tản thần không bao giờ quên được. Chuyện như thế này :

Đầu giờ lao động buổi chiều, tại “hiện trường lao động”. Anh em xuống bến sông phía Tây của Đội, gánh nước tưới rau. Thấy có một bầy ong bu đen to cỡ một bao gạo trăm kí lô, trên cành cây cao phía bên kia sông. Một số con bay lượn chung quanh như đám lính canh phòng tuần tra. Một vài con bay lượn sang tận bên này sông, kêu vo vo nhưng không làm gì ai. Anh em yên tâm lao động, không ai quan tâm đến bầy ong đang đậu nghỉ cánh này nữa.

Đến gần giờ nghỉ lao động chiều, sau khi đã tưới xong hết các luống rau, anh em xuống tắm rồi lên ngồi bên Nhà Lô nghỉ ngơi đợi giờ tập họp trở về Trại giam. Bỗng thấy anh Đại tá Nguyễn văn Phúc, từ bến tắm hớt hơ hớt hải chạy lên, tay khua quanh mặt đuổi những con ong, đang đua nhau nhào vào đốt, y như các phản lực cơ nước chim chích tấn công người khổng lồ.

Những người đứng chơi bên dọc đường anh Phúc chạy ngang, cũng bị ong bay sà sà quanh mặt, quanh đầu, quanh người, kêu vo vo như đùa rỡn làm cho nhột nhạt sợ hãi. Người nào gan dạ, đứng im không nhúc nhích không bị đốt. Người nào chịu đựng không nổi sự đùa rỡn của ong, lấy tay khua đuổi tức thì bị chúng đổi giọng kêu, gọi nhau nhào tới đốt túi bụi ngay.

Hầu như mọi người ai cũng bị đốt chạy tán loạn. Tôi và một số anh đứng ở bến tắm phía Nam, cách bến phía Tây cả 500 mét, cũng bị ong bay tới quấy nhiễu đốt cả chục mũi lên mặt, lên đầu. Có người chạy vào Nhà Lô, đứng phía sau bếp đun nước đang có khói, ong không dám tới gần. Nhưng rời khỏi khu bếp, lại bị ong bay quấn chung quanh ngay. Có người đang tắm ở bến, bị ong sán đến gần phải lặn xuống nước lỉnh ra chỗ khác. Nhưng ong vẫn bay rà theo trên mặt nước, đợi khi nhô đầu lên là sà vào chích liền.

Đội bạn đang gặt lúa gần bên Đội chúng tôi, cũng bị ong nhào tới chích tán loạn. Anh bạn Đại tá Võ hữu Bá thuộc Đội chúng tôi, bị một con ong chui vào trong lỗ tai, làm mọi người quýnh quáng chẳng biết làm sao. Thật kinh hoàng! Quản giáo phải quyết định cho Đội tập họp về ngay, để anh Bá vào Bệnh xá cho người ta lấy kẹp gắp con ong ra. Suốt dọc đường đi về, vẫn có mấy con lẽo đẽo bay theo chúng tôi đến tận Trại giam, cách xa “hiện trường lao động” cả 3 cây số. Có lẽ chúng bay theo tiếng kêu cứu, của con ong mắc kẹt trong lỗ tai anh Bá, để tìm cách cứu đồng chủng.

Người nào cũng bị tối thiểu từ năm bẩy mũi trở lên, chẳng ai thoát nạn cả. Tôi chùm khăn lông kín mặt đầu và cổ, vẫn bị chích cả thẩy chục mũi ở trán, hai bên tai và phía sau ót. Rất may, không phải loại ong độc, những chỗ bị chích trên mặt trên đầu, chỉ xưng đỏ tấy đau nhức nhối, không làm độc đến nỗi bị nóng sốt. Phải dùng 2 ngón tay, bóp nặn chiếc kim ong chích đứt lại trong da bật ra, thoa chút dầu gió lên, một lúc sau mới bớt đau nhức.

Sáng hôm sau, trên đường ra hiện trường lao động, mọi người bàn tán không biết phải làm sao giải quyết vụ bầy ong. Nếu không, lại bị chúng đuổi đốt sẽ chẳng làm được gì. May thay, lúc đến gần Nhà Lô của Đội, mọi người cùng thở phào nhẹ nhõm, bầy ong bu trên cây đã biến mất. Chúng đã cuốn gói ra đi, không còn thấy bóng dáng một con nào.

Sau vụ bị trộm rau ban đêm chừng nửa tháng, Đội chúng tôi được di đô về gần Đội Nuôi Heo, sát bờ sông phía Bắc, cũng tiếp tục trồng rau. Khu vực này chỉ cách khu giam chúng tôi có khoảng 1 cây số. Cả Đội phải xúm vào phát quang, dải đất bên đường dọc theo bờ sông, phân thành khu có đường nhỏ đi chung quanh. Xong xuôi bắt đầu vào trồng tỉa. Mỗi người được giao trách nhiệm lo toan chăm sóc 5 luống, dài 25 mét, rộng 1 mét. Phải tự cuốc đất, lên luống, xẻ rãnh reo hạt, tưới nước ngày 2 đợt, làm cỏ, bón xới, chăm sóc cho tới ngày “thu hoạch”.

Thời gian trồng mỗi đợt rau, tính từ khi reo cho tới lúc “thâu hoạch” ước chừng 4 tuần lễ. Sau khi “thâu hoạch” xong, mỗi người lại phải cuốc lật đất, lên luống... tiếp tục reo trồng đợt khác. Đặc biệt chỉ có “công đoạn” reo hạt, được anh Sáu Đội phó tiếp tay từng người, theo chương trình anh ấy quy hoạch trước.

Khu đất trồng rau dài dọc bên sông, chúng tôi phải dọn 2 bến lên xuống, để gánh nước tưới cho tiện, đỡ mất thì giờ di chuyển xa. Triền bờ sông thẳng đứng, cao hơn mặt nước 2 mét, do đó phải thực hiện đường lên xuống, khúc khuỷu theo hình chữ chi, với các nấc thang rộng 60 phân, cao 30 phân. Các bậc đất phải tu sửa luôn, vì nước trong thùng gánh từ sông lên, sóng sánh tràn ướt liên tục phá hư. Mùa mưa mới thật vất vả trần ai, lên xuống gánh nước lúc nào cũng bị trơn trợt khó khăn vô cùng.

Mỗi luống phải tưới ngày 2 lần sáng và chiều. Khi rau còn nhỏ, tưới 2 gánh nước một lần cho mỗi luống. Bắt đầu từ tuần lễ thứ 3 trở đi, rau tăng trưởng mạnh phải tưới nhiều gấp đôi. Do đó, việc gánh nước tưới rau được coi là vất vả nhất hàng ngày.

Mỗi đợt rau chỉ tưới một lần phân, do Khâu Phân đi gánh từ hồ chứa bên Đội Nuôi Heo kế cận, về tưới cho từng luống. Khâu Phân gồm anh Dương hiếu Nghĩa và 2 bạn khác phụ trách. Ngày nào đến lượt rau được tưới phân, người phụ trách luống phải vất vả hơn bình thường. Phân vừa tưới xong, phải lập tức gánh nước tưới rửa liền. Nếu không, lá và cây rau bị phân bám làm cháy hư luôn. Lượng nước tưới cũng phải nhiều gấp rưỡi bình thường.

Ngày “thâu hoạch”, cả Đội tập chung “hợp đồng” nhổ hoặc cắt rau, cột thành bó 5 kí lô. Rồi tùy theo khổ người và sức khoẻ tương đương, anh em tự động “bắt bồ” thành từng cặp khiêng rau về Nhà Bếp cân nộp. Trung bình 2 người bao giờ cũng phải khiêng, một lượng rau từ 100 đến 120 kí lô một chuyến. Mỗi ngày chỉ “thâu hoạch” từ 5 đến 7 luống, theo thứ tự reo hạt trước sau. “Thâu hoạch” liên tục hàng ngày cho tới hết cả khu, rồi bắt đầu phá đất làm luống lại, reo trồng đợt khác.
Anh Trung tá Sáu Đội phó và Tôi, cao xấp xỉ ngang nhau nên xáp thành một cặp. Anh ấy mạnh hơn Tôi, nên trong lúc khiêng, bao giờ cũng cho Tôi đi phía trước. Kiện rau khiêng, lúc nào cũng để gần phía đầu đòn của anh ấy, cho sức nặng đè trên vai Tôi giảm bớt. Đối với Tôi, hình như anh Sáu có một cảm tình đặc biệt nào đó, nên trong công tác tưới các luống rau hàng ngày, anh ấy thường xuyên tự động phụ giúp Tôi, nhất là trong giai đoạn rau phát triển mạnh cần nhiều nước. Có lẽ vì anh ấy thấy Tôi yếu, mà vẫn im lặng cáng đáng công việc bằng như mọi người, không bao giờ mở miệng than van nhờ vả gì ai. Thật là một người vô cùng tốt bụng, suốt đời Tôi không bao giờ quên.
Ngày tháng cứ tuần tự trôi đi. Đội chúng tôi nay là Đội Rau chuyên nghiệp, không còn cái cảnh tăng phái nơi này nơi khác nữa. Được ổn định tại chỗ, anh em chẳng ai bảo ai, mỗi người tự động dọn một mẩu đất nhỏ, bên bến lên xuống sông trồng ít rau thơm, rau răm, mồng tơi, đậu ván, ớt, bạc hà... để “cải thiện” riêng.

Một hôm đi lao động chiều về, tự nhiên Tôi thấy người ớn lạnh, đau sau hông. Tôi vào nhà vệ sinh đi tiểu ra máu, và cảm thấy hơi choáng váng. Người hâm hấp nóng, từ trong bụng một cơn rét run bộc phát ngày một mạnh hơn không sao kềm nổi. Phải lên xạp ngủ nằm đắp mấy tầng chăn, vẫn lạnh run bắn người lên. Sau cơn lạnh là cơn nóng hừng hực, đầu nhức như búa bổ.

Tôi có bệnh sạn thận từ năm 1965, nghi có hột sạn trong thận chui vào ống dẫn nước tiểu, làm đau đớn hành như vậy. Cần phải lên Bệnh xá để được chẩn bệnh, đưa đi nhà thương cấp cứu nếu cần. Tôi báo cáo anh Đội trưởng nhờ gọi anh Thi Đua của Khu, mở cổng cho Tôi lên Bệnh xá xin cấp cứu. Anh Sáu Đội phó dìu Tôi đi lên Bệnh xá, và đứng đợi để biết rõ kết quả, trước khi trở về khu giam.

Nằm trên bàn khám bệnh chờ Cán bộ Y tế vào, thân nhiệt của Tôi mỗi phút mỗi tăng lên tới hơn 40 độ bách phân. Người nóng hừng hực, mắt môi đỏ au, cổ khô như rang, mệt mỏi bải hoải nhưng vẫn tỉnh. Mắt mở bị ánh sáng làm nhức buốt vào óc, chịu không nổi phải nhắm nghiền lại. Tai ù ù, loáng thoáng nghe mấy anh bạn Tù làm Y tá phụ cho Cán bộ Y tế của Trại, yêu cầu anh Sáu về Láng lấy chăn mùng đem lên cho Tôi nằm lại Bệnh xá theo dõi chữa trị. Nghe được tới đó, Tôi cảm thấy người lơ mơ và lịm đi không còn biết gì nữa.

Đến khuya, nghe có tiếng cạo xoạt xoạt phía dưới gầm giường. Tôi giật mình tỉnh giấc mở mắt nhìn quanh, thấy mình đang nằm trên chiếc giường gỗ nhỏ, kê bên cạnh tường nơi góc một căn phòng vắng hoe không có ai, ngoài ngọn đèn dầu vàng vọt leo lét cháy, treo nơi khung cửa cạnh đầu giường. Tôi cảm thấy nực nội khó chịu, người đẵm mồ hôi, khát nước khô cổ khô miệng, hơi thở ra nóng hừng hực. Bỏ chăn ra thì rét buốt vì khí lạnh của mái tôn toả xuống. Chống tay muốn ngồi lên đi tìm người xin nước uống. Nhưng đầu lảo đảo, cơ bắp chân tay thân mình bải hoải nhức mỏi, như vừa bị đánh một trận đòn nhừ tử, ngồi lên không được. Nằm vật nghiêng mình xuống giường, quay mặt vào tường buồn chán nản, tự nhiên thấy nghẹn ngào nơi cổ họng, nấc nấc bật thành tiếng khóc. Nước mắt trào ra dàn dụa không cầm lại được, y như đứa con nít bị đòn oan, nức nở khóc vì không nói ra được những điều uẩn ức trong lòng. Đưa tay quờ mép chăn lau nước mắt, đụng nhằm vật gì cứng lạnh, mở mắt nhìn mới biết là Gô nước của Tôi, và Cà mèn đựng cháo. Chắc là anh Nguyễn văn Sáu Đội phó đem lên cho Tôi hồi chiều tối, theo lời yêu cầu của mấy anh bạn Tù làm Y tá, khi được biết Cán bộ cho Tôi nằm lại Bệnh xá để theo dõi cấp cứu.

Như vậy là Tôi bị sốt rét Hàm Tân vật, chớ không phải căn bệnh sạn thận hành như Tôi tưởng. Tôi cố gắng ngồi dậy, uống nước và ăn cháo cho tỉnh người. Hồi tối đi lao động về, Tôi đã kịp ăn uống gì đâu. Miệng lạt đắng, hàm răng ê mỏi không muốn nhai, nhưng vẫn phải cố gắng ăn cho hết Ga men cháo. Lỡ có chết cũng được chết no, không phải làm ma đói, như các Cụ thường khuyên mỗi khi đến thăm các người bệnh nặng.

Hồi mới về đây, anh em cũ khuyên là cần uống thuốc ngừa sốt rét. Trong thời gian qua, tại Trại này đã có một số bạn Tù bị vong mạng vì bệnh sốt rét Rừng Lá. Tôi đã xin gia đình đi chuốc mua gửi cho 6 viên Chloroquine, uống ngừa cả tháng trước rồi chớ không đâu. Thế mà vẫn bị trùng sốt rét Hàm Tân vật như thường.

Ăn uống xong, người vẫn hâm hấp nóng, Tôi cố gắng ngủ lại nhưng không được. Hễ nhắm mắt là y như thấy chập chờn hiện ra, vầng ánh sáng vân vân lẫn lộn đủ mầu sắc cùng những hình mặt người đủ loại. Lúc thì hình Quan Vân Trường, Trương Phi trong chuyện Tam quốc Chí. Lúc thì hình Phật Quan Thế Âm Bồ Tát, hình Napoleon, hình Chúa Cứu Thế Jesus. Lúc thì hình những khuôn mặt Tôi chưa hề quen biết bao giờ... Có điều lạ, hình Cha Mẹ đã qua đời, hình Vợ Con, Họ hàng thân thích thì không thấy hiện ra.

Trong khi không ngủ được như vậy, Tôi bỗng dưng nhớ ra một sự kiện đã xẩy ra vào năm 1969. Hồi đó đang giữ trách vụ Chánh Sự vụ Sở Khai thác Nha Tổng Thanh tra Quân lực Việt Nam Cộng hoà, Tôi được Đại Tướng Cao văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng QLVNCH, chỉ định làm Trưởng một đoàn Thanh tra Hỗn hợp Việt Mỹ, tới Quân Y Viện của Bộ Tư lệnh Sư đoàn Thủy quân Lục chiến ở Thị Nghè Saigon, và Bộ Chỉ huy Liên đoàn Thủy quân Lục chiến đóng tại Thủ Đức, điều tra về vụ tại sao một số rất lớn Quân Sĩ trong Liên đoàn bị sốt rét vật trong khi đang hành quân tại vùng Rừng Lá Hàm Tân. Mặc dù Tiếp vận đã cung cấp thuốc phòng ngừa sốt rét, cho Quân Sĩ xử dụng hàng ngày đầy đủ. Cuộc điều tra được thực hiện theo lời yêu cầu của Phái bộ Cố vấn Hoa Kỳ, vì họ nghi là quân sĩ không chịu uống thuốc phòng ngừa nên mới bị sốt rét tấn công, gây trở ngại cho kế hoạch hành quân đã dự trù.

Sau khi điều tra, thấy rằng mọi người có uống thuốc phòng ngừa như quy định, nhưng vẫn bị sốt. Kết quả thử nghiệm phối hợp của Quân Y Việt Mỹ, phát giác ra một loại vi trùng lạ Phansiparum, thuốc Chloroquine không công hiệu, nên mới xẩy ra cớ sự. Nhờ vậy huề cả làng, các cấp Chỉ huy Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam bình chân như vại, không ai bị khiển trách. Nhưng Cố vấn Huê Kỳ hơi ngượng, vì báo cáo không đúng sự thật.

Kẻng báo thức sáng của Trại giam, chấm dứt đêm dài cơ cực mà trùng sốt rét Hàm Tân hành hạ Tôi. Cả Bệnh xá chỉ có mình Tôi nằm điều trị. Sau khi Cán bộ Y tế vào chẩn bệnh, cho thuốc khoảng vài chục bạn Tù khai bệnh buổi sáng xong, mới khám đến Tôi. Không ai trong số người đến xin khám bệnh được coi là đủø nặng, để được vào nằm Bệnh xá điều trị. Tôi được ở lại điều trị thêm vài ngày nữa.

Đến khoảng 11 giờ, tự nhiên thấy anh Nguyễn văn Sáu Đội phó vào Bệnh xá thăm Tôi. Hôm nay là ngày Đội “thâu hoạch” rau nộp cho Nhà Bếp, nên được về sớm mới có dịp ghé thăm. Theo lệ thường, hôm nào “thâu hoạch” rau, vào khoảng 9 rưỡi 10 giờ mọi việc nhổ, bó, rửa rau phải hoàn tất. Đội phó và số anh em đến lượt quy định theo thứ tự, khiêng rau về cân nộp cho Nhà Bếp. Cân nộp rau xong, anh em được về Láng giam nghỉ ngơi thong thả. Những người khác tiếp tục ở lại “hiện trường”, làm việc cho đến hết giờ lao động sáng mới được về. Nhờ thế, anh Sáu ghé thăm Tôi để biết tình hình sức khoẻ ra sao. Thấy Tôi được ở lại Bệnh xá điều trị thêm vài ngày, anh ấy rất vui mừng, và hẹn mỗi buổi chiều sau giờ lao động về, sẽ xin Thi Đua trình Cán bộ cho phép đem đồ ăn “bồi dưỡng” thêm cho mau lại sức.

Ba ngày sau, Tôi được Cán bộ Y tế cho rời Bệnh xá trở về Đội. Nhưng hằng đêm vẫn lên cơn sốt, sáng đi khám bệnh thân nhiệt vẫn còn cao, nên được nghỉ tại Láng, chưa phải đi lao động. Hàng ngày đi khám bệnh lãnh thuốc, điều trị “ngoại trú” như vậy được 1 tuần lễ, hết sốt thân nhiệt trở lại bình thường, hôm sau phải theo Đội đi lao động.

Sau 10 ngày nghỉ bệnh, tiếp tục theo Đội đi lao động, cảm thấy sức khoẻ suy nhược nhiều, trong buổi sinh hoạt Đội vào buổi tối, Tôi mở lời xin giảm “chỉ tiêu lao động” của mình. Tôi cũng biết, anh Đội trưởng sẽ bị đặt vào hoàn cảnh khó xửù, nhưng vẫn phải nói, để phòng ngừa trường hợp các luống rau của Tôi bị “năng xuất thấp”, không bị “phê bình xây dựng”. Nhất là Quản giáo Đội không thể viện cớ đó, tìm biện pháp kỷ luật trả thù Tôi. Sở dĩ Tôi phải làm như vậy, vì biết rằng trong khi Đội sinh hoạt tối trong phòng giam, bao giờ Quản giáo Đội cũng đứng bên ngoài nghe và theo dõi.
Anh em ai cũng “nhất trí”ù yêu cầu của Tôi là chính đáng, nhưng không ai đưa đề nghị nào để giải quyết. Anh Đội trưởng vướng vào thế kẹt, nếu quyết định rút bớt số luống rau Tôi đang phụ trách, biết trao lại cho ai. Không khí im lặng nặng nề đè trên buổi sinh hoạt. Quản giáo đứng ngoài cũng không lên tiếng. Anh Sáu Đội phó khẳng khái phát biểu ý kiến, “tự nguyện” phụ giúp Tôi tưới các luống rau hàng ngày. Nhờ thế, đến kỳ “thâu hoạch” các luống rau của Tôi vẫn có “năng xuất cao”, không thua gì các bạn khác. Quản giáo Đội không kiếm được lý do nào, để có thái độ khắt khe trả thù Tôi.

Một tuần lễ sau khi đi lao động trở lại, Tôi được gia đình tới “thăm nuôi”. Vợ của Tôi báo cho biết, người con gái lớn đã vượt biên trót lọt, hiện đang ở bên Phi Luật Tân chờ hoàn tất thủ tục sang Hoa Kỳ định cư, với sự bảo trợ của người con trai lớn đã ở Hoa Kỳ từ năm 1971. Tôi mừng xúc động, nước mắt trào ra không kềm nổi. Người con rể vượt biên không thoát, bị bắt giam 2 năm tại Trại Z30A mới được tha, đi theo thăm, đưa khăn tay cho Tôi chùi nước mắt, và nhắc nên cố rằn cơn xúc động giữ bình tĩnh, vì “các anh ba” này không thích như vậy, họ thấy được sẽ có điều không hay.

Lần tiếp tế này của Tôi, được coi là khá giả nhất từ xưa tới nay. “Thăm nuôi” vào, nhớ tới lòng tốt của anh Nguyễn văn Sáu Đội phó, Tôi mời anh ấy dùng cơm với Tôi, và đề nghị từ nay cho đến khi nào còn được ở chung một Đội, 2 anh em sẽ ăn chung với nhau hàng ngày. Anh ấy đồng ý ngay không suy nghĩ do dự gì cả. Hoàn cảnh tiếp tế của 2 gia đình chúng tôi, không chênh lệch nhau bao nhiêu, nên không e ngại có thể xẩy ra chuyện phân bì so sánh thiệt hơn, làm phiền lòng nhau sau này. Cũng kể từ đó, chúng tôi thu xếp để gia đình thay phiên nhau đi thăm, hễ gia đình anh Sáu đi thăm nuôi thì gia đình Tôi nhờ đem quà giùm, và ngược lại. Nhờ thế, 6 tháng gia đình mới phải đi thăm một lần, để có thì giờ ở nhà lo tần tảo kiếm ăn.

Chúng tôi trở thành bạn tri kỷ, bắt đầu từ đấy cho đến khi được tha ra khỏi Trại Z30D, vào tháng 2 năm 1988. Cũng nhờ vậy, Tôi đã giúp anh Sáu Đội phó cải tiến cách cư xử, để không làm mất cảm tình của anh em trong Đội. Anh ấy là người rất tốt bụng, thẳng thắn bộc trực, thường “nói toạc móng heo” ý nghĩ của mình, không khéo lựa lời tế nhị rào trước đón sau, khiến cho vài ba anh khó tính có thành kiến không vui lòng cho lắm.

Những năm đầu mới tới định cư tỵ nạn Cộng sản tại Hoa Kỳ, biết được gia đình anh Sáu cũng định cư tại vùng San Diego, Tôi có đưa gia đình tới thăm gia đình anh ấy. Gặp nhau mừng rỡ, ôn lại những kỷ niệm vui buồn chia sẻ ngọt bùi, trong các Trại Z30C và Z30D suốt 6 năm trời ròng rã bên nhau.


TÌNH CHIẾN HỮU TRONG CẢI TẠO.

Sa cơ lao khổ bên nhau,
Nắng mưa chia sẻ nhịp cầu đắng cay.
Một mai thoát đại hạn này,
Gặp nhau nâng chén mừng ngày Tự do.
Đấu tranh dựng lại cơ đồ,
Cho Dân tộc Việt ấm no thịnh cường.
Công bằng trải khắp quê hương,
Nhân quyền, Dân chủ, Tình thương hài hoà.
Trẻ già mọi giới hoan ca,
Chung lưng bảo vệ Sơn Hà Việt Nam.
Đập tan Cộng đảng gian tham,
Trừ loài vong bản từng làm hại Dân.
Diệt phường ác qủy vô thần,
Phục hưng Luân lý, Đạo Nhân Lạc Hồng.

Mùa Hè 1983, K1 Trại Z30C, Hàm Tân, Thuận Hải.

Không có nhận xét nào: