Thứ Năm, tháng 1 08, 2009

HỒI ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 23

NẾP SỐNG VÀ PHONG CÁCH
CON NGƯỜI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


Mấy ngày cuối năm Âm lịch Mậu Ngọ (1978), Đội chúng tôi được đưa ra quét dọn rác rưởi cỏ dại, vét mương rãnh, quanh khu gia binh và chung quanh các cơ sở của Ban Chỉ huy trại Tân Lập, để Cán bộ và gia đình đón Xuân Kỷ Mùi (1979) cho được sạch sẽ đẹp mắt.

Nhân dịp làm cỏ trong khu trồng rau của Cán bộ nơi gần bờ sông, Tôi đưa mắt quan sát bốn phiá không thấy bóng Cán bộ, liền ngồi thụp xuống bên luống rau, bứt trái bí nhỏ dấu vào bị. Anh bạn Đại tá Chu văn Sáng (An ninh Quân đội) đứng gần trông thấy, nhìn Tôi nháy mắt rồi từ từ lỉnh xa ra chỗ khác. Tôi đã mượn vắng mặt Cán bộ một trái bí rợ còn non (ngoài Bắc gọi là bí ngô), to cỡ 2 nắm tay chụm lại, đem về phòng giam ăn sống với “sắn duôi” và nước muối. Úi chao! nó ngon ngọt mát ruột biết chừng nào!

Một lần khác, anh Sáng cũng rẫy cỏ vun luống rau của Cán bộ gần bên Tôi, thấy bầy gà con cỡ nắm tay cứ sấn vào quanh lưỡi cuốc để giành những con giun. Anh ấy hỏi có dám bập gà con không? Tôi trả lời, gà phải lột lông phiền hà, không ăn sống như bí được, nên đành sinh phúc cho chúng, để tránh tội sát sanh. Nhưng Ếch, Nhái, lột da dễ dàng ngâm nước muối ăn sống được, sẽ không tha mạng chúng. Hồi còn ở bên K1, anh Sáng được chia chỗ nằm ngay bên cạnh Tôi. Anh em có nhiều dịp tâm sự, nhận biết được anh ấy là người dễ mến không độc ngầm. Sang K5 này, anh em lại được “biên chế” vào chung một Tổ, nên Tôi mới dám cải thiện linh tinh ngay trước mặt anh ấy.
Dịp Tết Mậu Ngọ (1978), tại K1 có tổ chức các cuộc thi vui Xuân, cho Tù tham gia tranh giải thưởng. Anh Sáng ghi tên đấu bóng bàn, vì trước kia anh ấy từng là đấu thủ có hạng trong đoàn tuyển thủ của Việt Nam Cộng Hoà, sang Nhật Bản dự tranh giải bóng bàn Quốc tế vùng Á Châu. Nhờ có ngón thủ tuyệt vời bền bỉ, anh ấy đã thắng và đoạt chức Vô địch. Nên hy vọng trong Trại Tù này không ai hơn nổi, giải thưởng hạng Nhất 10 trái trứng gà, sẽ lọt vào tay anh ấy dễ dàng. Tôi đã khuyên không nên tham dự, “tre già măng mọc” cơ thể đang suy nhược lại không tập luyện, e lỡ thua thì cái Danh Vị Vô địch Á Châu một thời sẽ bị tiêu vong oan uổng. Anh ấy nhất định không nghe, và nói : “-Giữa lúc “củi châu gạo quế” này, 10 trái trứng là cả một gia tài quý báu cho sức khoẻ. Hơn nữa, đây là dịp được tham gia cải thiện hợp pháp, sao mình không thử thời vận?”

Kết quả đúng như Tôi đã tiên liệu. Vào chung kết, anh Sáng thua một bạn trẻ còn khoẻ mạnh, có lối chơi tấn công thật vũ bão, phần thủ của bạn ấy cũng không phải hạng thường, nên đã giành mất giải Nhất. Anh Sáng được hạng Nhì, lãnh 5 trái trứng gà. Sau buổi tranh đua về Láng, anh Sáng nhìn Tôi mỉm cười nói : “-Vous (Bạn) nói đúng.”, và đưa tặng Tôi một trái trứng để chia sẻ tâm tình bằng hữu. Tôi không nhận vì mới được Bưu kiện của gia đình gửi tới.

Tết Kỷ Mùi (1979) tại K5 (Phân trại Trung ương), nơi có Ban Chỉ huy Trại Tân Lập, việc tổ chức mừng đón Xuân có vẻ nhộn nhịp quy mô hơn Tết Mậu Ngọ (1978) ở Phân trại K1. Chung quanh sân tập họp suốt từ cổng vào tới cửa Hội trường, những cây Mai giả, Đào giả, bông và lá làm bằng giấy mầu, được trang trí rất nghệ thuật đẹp mắt. Quang cảnh rực rỡ y như “Bồng lai Tiên cảnh” trên Thượng giới chuẩn bị mừng Chúa Xuân, mà các Văn Thi sĩ giầu óc tưởng tượng thường mô tả.
Đúng giao thừa có đốt pháo đón Tân Niên. Vài phút sau, thấy Cán bộ Trực Trại và “Thi đua” đến mở cửa phòng giam, cho Trưởng Trại Tân Lập (Thiếu tá Công An Nhân Dân Nguyễn Thùy) và Giám thị Trưởng Phân trại K5, vào chúc Tết anh em Đại tá chúng tôi, được sức khoẻ tốt để học tập mau tiến bộ. Ông Thùy còn khen chúng tôi trong năm qua đã có tinh thần học tập cải tạo tốt, và khuyên nên tiếp tục cố gắng hơn nữa, để sớm được Nhà Nước xét cho về “đoàn tụ” với gia đình.
Chúc Tết xong, ông ấy hỏi : “-Anh em có ai biết anh Nguyễn Bá Cẩn, Cựu Chủ tịch Hạ viện Quốc hội thuộc chế độ cũ tại miền Nam không?” Rồi khoe là : “- Mấy năm về trước, anh Cẩn cũng học tập cải tạo tại đây, đã được tha trước khi các anh đến đây. Từ ngày được tha đến nay, năm nào anh Cẩn cũng vẫn nhớ gửi thư chúc Tết, và không bao giờ quên ngỏ lời biết ơn sự đối xử rất “tình người” của Ban Giám thị, cũng như khoe rằng trong cuộc sống mới tại địa phương, được Chính quyền Cách mạng và đồng bào thương yêu đùm bọc.”

Anh Đội trưởng (Đại tá Lê đình Luân, Đơn Vị 101 thuộc P.2 B.TTM) đại diện anh em chúng tôi, cám ơn và chúc Tết đáp lễ Ban Giám Thị. Anh ấy cũng thay mặt anh em cả Đội, hứa sẽ luôn luôn cố gắng học tập “lao động cải tạo” hăng hái hơn năm cũ, để sớm được hưởng lượng khoan hồng của Đảng, Nhà Nước, và Ban Giám thị Trại, tha cho về “đoàn tụ” với gia đình, hội nhập vào cuộc sống mới trong lòng Dân tộc Xã hội Chủ nghiã.

Để tỏ thái độ “tình người Xã hội Chủ nghiã” của Ban Giám thị đại diện Đảng và Nhà Nước, ông Thùy kêu Cán bộ tháp tùng đem thuốc lào, thuốc lá, và trà ướp sói, sản phẩm của tỉnh Vĩnh Phú, “lì xì” cho anh em chúng tôi chia nhau mừng đón Xuân. Quà này là tiền trích từ “tiêu chuẩn” Nhà Nước cho Tù ăn Tết để mua. Thật là “của người phúc ta”.

Sáng mồng Một Tết, tất cả Tù và các Quản giáo thuộc Phân trại K5 phải tập trung lên Hội trường, để nghe lời chúc Tết của Ban Giám thị Trại trưởng (thường gọi tắt là “BAN”). Có múa Lân đốt pháo, đón rước “BAN” từ ngoài cổng vào Hội trường. Khi “BAN” vào tới Hội trường, mọi người phải đứng lên vỗ tay đón chào. Cho đến khi “BAN” an vị xong bên bàn Chủ tọa trên sân khấu, mọi người mới được phép ngồi bệt xuống đất, đợi nghe “huấn từ vàng ngọc” của “BAN”.

“BAN” chúc Tết và phác họa những điểm chính yếu, Trại cần phải thực hiện trong năm mới theo lệnh của Nhà Nước. Sau đó, đến lượt đại diện Tù lên đọc lời chúc Tết “BAN”. Tiếp theo, trưởng Ban Thi Đua của Phân trại, trình bầy Dự án Kế hoạch năm mới, cho mọi người “nắm vững” để mà ra sức “thi đua”. Sau cùng, các Đội trưởng đại diện cho từng khối : Nông nghiệp, Lâm sản, Lò gạch, Rau xanh, Xây dựng, Mộc và Đan lát lên đọc “bản cam kết quyết tâm thi đua”, hoàn thành trăm phần trăm “chỉ tiêu giao phó đúng hạn kỳ”.

Chấm dứt buổi lễ chúc Tết đầu năm, “BAN” và Cán bộ rời Hội trường, Tù giải tán ra sân tập họp dự các cuộc vui tranh giải thưởng. Tôi không nhớ có những trò vui gì, vì không quan tâm tham dự. Bỏ về phòng giam nằm ngủ cho quên nỗi nhớ Con thương Vợ, chắc giờ này đang rất buồn khổ, 3 cái Tết đã qua đi, gia đình thiếu bóng người Cha người Chồng thân thương.

Buổi tối có tổ chức trình diễn Văn nghệ tại Hội trường, cho cả Tù, Cán bộ và gia đình Cán bộ cùng xem. Những người tham gia Đội múa Lân và Đội Văn nghệ, được tuyển dụng trong nhóm anh em Tù miền Nam có khả năng, thành lập Đội Văn Nghệ tập dượt thực hiện. Một số thuộc gốc Chiến tranh Chính trị, trong đó có cả Linh Mục và Đại Đức Tuyên úy Quân đội.

Chương trình Văn nghệ rất dồi dào đầy đủ. Nào là đơn ca, tốp ca, nhạc cảnh, và đặc biệt có trình diễn một vở tuồng được các Cán bộ rất thích, trầm trồ ca ngợi. Tôi không nhớ chắc tên, hình như tuồng Dương Vân Nga. Các nghệ sĩ có trang phục trình diễn tươm tất, y như một đoàn hát lưu động miền quê. Vai Nữ được mấy bạn người mảnh mai thủ vai, hoá trang trông thật xinh đẹp, duyên dáng yểu điệu, làm mọi người vô cùng ngạc nhiên thích thú. Chẳng biết trang phục và nhạc cụ kiếm ở đâu ra? Chắc Ban Giám thị đi thuê của đoàn Văn Công Nhà Nước nào đó.

Ba ngày Tết qua đi, đợt “thi đua sản xuất” đầu năm được “phát động ra quân” rầm rộ, có Lân, có pháo mở đường. Đội chúng tôi đi tăng cường trồng đậu cho một Đội Nông Nghiệp khác, cách Trại chừng hơn cây số về hướng Bắc của thung lũng.

Trên đường ra “hiện trường lao động”, chúng tôi thấy nơi giữa đồng trống, xa xa gần bờ sông, một đám đông khoảng dăm chục người cả đàn ông lẫn đàn bà, đang túm năm tụm ba, kẻ đứng người ngồi, đi đi lại lại, nói năng ồn ào. Chúng tôi vừa đi vừa quay mặt quan sát ngạc nhiên, không biết đám ma hay đám mít tinh. Quản giáo Đội thấy vậy, lên tiếng giải thích : “-Phiên họp chợ định kỳ của dân địa phương đó.”

Đất ruộng qua suốt mùa Đông mưa phùn, ẩm ướt mềm xền xệt, có chỗ úng vũng đầy nước. Trong lúc lên luống, mỗi nhát cuốc là một lần bùn văng tùm lum lên người. Anh Trần văn Thăng (Đại tá An ninh Quân đội) vui miệng ca nho nhỏ, bài hát có câu “...nhà.a. nông, chân lấm ta.ay bùn...”. Chẳng may Quản giáo Đội đi ngang nghe được, gọi lên bắt đứng giữa sân trước Nhà Lô “làm việc” thật lâu. Ông ta lên giọng hạch hỏi, phê phán nặng nề vì tội chưa ý thức được “lao động là vinh quang”, còn “ngại khó ngại dơ”, “nặng óc tư sản, ngồi mát ăn bát vàng” ...

Ít ngày sau, Đội chúng tôi lại đổi công tác, đi xắn đất vét ao chứa phân, bên truồng “heo (lợn) cải thiện” của Cán bộ, cho xâu thêm để trại thả cá theo chương trình “VAC” của Nhà Nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi còn sinh tiền, học được của các Đồng chí Cách mạng đàn anh bên Trung Hoa đem về áp dụng. Nếu Tôi nhớ không lầm thì “VAC” là ám hiệu viết tắt của 3 chữ : Vườn rau, Ao cá, và Con lợn (chuồng lợn), theo lời giải thích của Cán bộ hướng dẫn học tập lao động.

Buổi sáng hôm đó trời âm u, thời tiết cũng còn ngăm ngăm lạnh. Anh em chia nhau thành 4 toán làm việc cùng một lúc. Hai toán lội xuống ao, đứng xắn đất thành từng khối vuông bằng lưỡi xẻng. Hai toán đứng làm dây chuyền, bê chuyển những tảng đất đã xắn ra từ lòng ao lên bờ. Đất nhão đen xì xền xệt, trộn lẫn phân heo lâu ngày hôi thối muốn ngộp thở, vẫn phải cắn răng mà cố gắng làm cho mau xong.

Vào khoảng giữa buổi lao động, một trận mưa thật lớn đổ xuống, mọi người chạy lên ẩn trú dưới mái chuồng heo để tránh mưa. Cảnh vệ nạt nộ : “-Ai cho các anh nghỉ? xuống tiếp tục làm ngay!” Mọi người còn đang ngần ngừ, Cảnh vệ lên đạn súng và hét tiếp : “-Chúng mày định chống đối phải không?”. Anh em đành lục tục trở ra tắm mưa tiếp tục công việc.

Trong khi mọi người nín lặng làm việc, giữa tiếng mưa rơi rào rào trên mái tôn, anh Nguyễn văn Phúc (Đại tá Chiến tranh Chính trị) vừa bê chuyển đất vừa ngâm nga mấy câu thơ của Tố Hữu, nói đến vấn đề tình người sao đó. Tôi không nghe rõ được từng tiếng thơ ngâm, thế mà Quản giáo Đội đứng núp mưa gần đó nghe được. Ông ta để cho mọi người tiếp tục lao động trong mưa, chừng mươi phút sau mới cho phép vào trú mưa. Trong khi ngồi nghỉ trên sàn chuồng heo, cả Đội bị Quản giáo “phê bình giáo dục” một trận nặng nề. Anh Phúc phải hết lời trình bầy chứng minh rằng đấy là những vần thơ của Đại Thi Hào Tố Hữu, đang là Bộ trưởng Giáo dục của Chính quyền Cách mạng tại Hànội, mới thoát khỏi tai vạ.

Khoảng từ tháng 9 trở đi, bắt đầu tàn Thu sang Đông, các Bà Vợ ở miền Nam được giấy phép ra “thăm nuôi” Tù tấp nập hơn, hầu như ngày nào cũng có. Mấy bạn lâu nay nhận được nhiều Bưu kiện hơn anh em trong Đội, cũng lại là những người có may mắn được “thăm nuôi” trước nhất. Các Bà đem theo cả 3, 4 chục kí lô đồ tiếp tế đủ thứ, để trong rương, trong các bao tải đầy nhóc. Trại phải cho Tù mượn xe “cải tiến” để chở đồ từ Nhà Thăm Nuôi vào Trại, vì gánh không xuể.
Đội chúng tôi có một bạn, quà nhận qua đường Bưu điện tháng nào cũng 4, 5 Bưu kiện, lúc Vợ tới thăm tiếp tế thêm cũng rất nhiều, nhắm chừng một người ăn cả năm mới hết. Anh em đã đặt cho biệt hiệu “phú ông”. Mỗi lần đổi phòng giam hay di chuyển đi trại khác, “phú ông” phải nhờ tới 2, 3 anh em phụ khuân mới xuể. Dĩ nhiên những người chấp nhận phụ giúp, cũng được “phú ông” đền ơn bằng những bữa ăn xứng đáng. Nhưng có một chuyện làm anh em xì xào, chắc “phú ông” cảm nhận được. Nên sau này khi vào tới Trại Thanh Phong, Thanh Hoá, “phú ông” đã tích cực sửa sai. Để lấy lại cảm tình của anh em, sáng Chủ nhật nào “phú ông” cũng nhờ mấy tay đàn em nấu nướng các món ăn, mời chừng 7, 8 anh em trong Đội thay phiên đến đãi rất linh đình.

Số là khi bà Xã đến thăm lần đầu tiên, ngoài rất nhiều quà khô, bà Xã còn nấu cho “phú ông” một rá cơm trắng đầy ắp, với gà luộc nguyên con, đủ cho mười người ăn một bữa no nê. Một mình “phú ông” ăn phải cả tuần lễ mới hết. Nhưng “phú ông” chỉ tặng cho 3, 4 người quen thật thân, mỗi người 1 chén cơm, còn để dành một mình ăn lần mỗi ngày 3 bữa cho đến hết.

Kẹt nỗi thời tiết gặp mùa nắng mưa lẫn lộn, không khí lúc oi lúc ẩm, trong tù không có tủ lạnh để tồn trữ thực phẩm tươi, nên chỉ hai ngày sau phân nửa rá cơm còn lại bị thiu chua không ăn được. “Phú ông” tiếc của đem phơi khô cũng chẳng thành, mốc meo vàng đỏ mọc đầy, xông mùi chua như mẻ, đành phải đổ bỏ. Phải chi ngay hôm mới thăm nuôi vào, chia cho những bạn chưa được gia đình tiếp tế đang thiếu thốn, mỗi người một chén “miếng khi đói bằng gói khi no”, tiếng thơm hào hiệp sẽ vang lừng chẳng bao giờ phai trong trí nhớ của anh em.

Một tuần lễ sau, anh em lại thấy “phú ông” đem phơi một lô năm bẩy chiếc bánh mì tươi dài 4 tấc, sản xuất tại Hànội, cũng bị mốc meo xanh lốm đốm không ăn được. Cho cũng chẳng ai dám lấy, vì sợ ăn vào tiêu chẩy thêm họa vào thân. “Phú ông” đành vứt vào thùng rác, cho Trại đem đi ủ với phân người để bón ruộng, cho luá, cho rau thêm xanh tốt thâu hoạch cao.

Hầu như tuần nào Đội chúng tôi, cũng có người được thân nhân từ miền Nam hoặc từ Hànội đến “thăm nuôi”. Những bạn nằm 2 bên cạnh và một vài bạn thân khác, mỗi lần có “thăm nuôi” đều cho Tôi đồ ăn tươi. Người cho nắm cơm nếp với miếng thịt gà luộc. Người cho mẩu bánh mì cặp ít miếng thịt kho. Người cho chén cơm trắng với chút muối mè đậu phộng. Có người cho miếng bánh tổ (một loại bánh ở trong Nam, làm bằng bột nếp trộn đường nấu chín đổ khuôn phơi khô ăn dần)...

Phần Tôi, tự biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, Vợ đau yếu phải lo nuôi tám Con còn nhỏ dại, không mong gì có ai thăm nuôi. Ngay việc nhận Bưu kiện hàng tháng cũng thất thường, tháng có tháng không. Bạn bè cho không nhận sợ mất lòng, còn nhận e rằng mình sẽ không có để trả nợ. Tôi luôn luôn trình bầy sự thật hoàn cảnh của mình, để từ chối không nhận. Nhưng ai cũng cố tình ép phải lấy, và nói : “-Trong hoàn cảnh này, không nên nghĩ đến chuyện “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Sau này nếu chúng mình còn sống, gặp nhau bạn bè tha hồ mà “chén chú, chén anh” lo gì.”

Lâu lâu hai ba tháng không chừng, Tôi mới nhận được thư của gia đình, lo lắng không biết thực trạng hoàn cảnh Vợ Con ra sao. Tôi có địa chỉ của bà Chị Vợ, nhờ hồi đầu năm 1977 tại Hoàng Liên Sơn, trong một thư kèm trong Bưu kiện tiếp tế quần áo, Vợ tôi báo cho biết bà Chị có vào Saigon kiếm thăm gia đình. Chị ấy cho biết địa chỉ, để phòng trường hợp Tôi được tha về, ghé thăm nếu thuận tiện. Thư Vợ tôi có viết thêm đôi lời dặn, trong thời gian đang cải tạo đừng biên thư làm phiền Chị ấy. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, cùng bất đắc dĩ, Tôi đành phải gửi thư cầu cứu bà Chị Vợ, nhờ liên lạc tìm hiểu giùm tình hình hiện tại của Vợ Con. Chị ấy có chồng người Trung Hoa, mở tiệm trồng răng vàng tại Hải Phòng.

Thư Tôi gửi đi được khoảng một tháng sau, nhận được hồi âm của bà Chị Vợ tốt bụng. Bà Chị trách Tôi sao không liên lạc sớm hơn để Bà giúp đỡ, và tại sao không gửi Phiếu Bưu Kiện về đều hàng tháng cho Vợ tôi gửi quà. Đồng thời Chị ấy cũng báo cho biết, Vợ tôi đang xin giấy phép ra thăm nuôi nhưng chưa được. Ngoài ra, bà Chị cũng cho biết đã ra Bưu điện Hải phòng, xin gửi Bưu kiện tiếp tế cho Tôi, nhưng người ta không cho, vì không có Phiếu Bưu Kiện của Trại giam cấp.
Thật oan nghiệt, tháng nào Tôi chẳng nộp thư và Phiếu Bưu Kiện do Trại cấp, để Quản giáo Đội kiểm tra chuyển gửi về nhà cho Vợ. Mỗi tháng chỉ được cấp có một Phiếu Bưu Kiện, làm sao có dư mà gửi để bà Chị tiếp tế phụ cho. Tin tức này chứng tỏ rõ ràng, thư Tôi gửi cho gia đình hàng tháng theo quy định của Trại, không được chuyển đi. Hoặc có thể là Chính quyền địa phương nơi gia đình Tôi cư ngụ, sau khi kiểm tra thư xong đã vứt đi không phát. Chẳng lẽ nào Bưu điện tồi đến nỗi để mất thư hoài sao? Các bạn khác trong cùng Đội đâu có gặp khó khăn như Tôi. Ai gửi thư về nhà cũng nhận được hồi âm đều đặn. Có người hàng tháng còn nhận được 2, 3 thư của gia đình gửi tới.
Mùa Đông năm nay tới sớm hơn mọi năm. Ròng rã ngày tháng khổ xác khổ tâm, cứ tiếp tục theo nhau qua đi trong giá lạnh của mưa phùn gió bấc. Bỗng một hôm, đang đứng dưới làn mưa bụi nhẹ nhàng buổi sáng, chờ lệnh xuất trại lao động, Cán bộ Trực Trại đọc tên những người được nghỉ lao động ra gặp “thăm nuôi”. Có tên Tôi, mừng hết chỗ nói, bàng hoàng tưởng như mình đang mơ ngủ. Bước ra khỏi hàng về phòng giam, cất túi đồ nghề đi lao động, thay bộ quần áo lành lặn tươm tất, đúng như Trại quy định cho những người được “thăm nuôi” phải tuân hành. Chờ mọi Đội xuất trại hết, Tôi hân hoan ra sân đến cạnh cổng trình diện Cán bộ giắt đi “thăm nuôi”, cùng lượt với 5 bạn Tù thuộc các Đội khác.

Trên đường ra Nhà Thăm Nuôi, đầu óc Tôi trống rỗng. Thực tình, Tôi không bao giờ nghĩ là Vợ dám liều, để mặc các Con nhỏ ở nhà không người lớn chăm sóc, mà đi “thăm nuôi” mình, nên không chuẩn bị tinh thần mong đợi như các bạn khác. Tôi hoang mang, không biết phải sử xự ra sao, cho đúng quy luật Trại giam, lúc gặp Vợ sau bao ngày xa cách? Chẳng biết sẽ được gặp nhau như thế nào? Được phép nói những chuyện gì?

Tới điếm canh, cách nhà thăm nuôi chừng trăm mét, thấy một số bà từ trong sân tiến ra để nhìn đón chồng. Tôi đảo mắt tìm hoài, chẳng thấy bóng dáng Vợ mình đâu. Đang ngạc nhiên suy nghĩ, nghe có tiếng gọi : “-Chú Hùng! Chú Hùng! Chị đây, Chị và cháu đi thăm Chú đây!”

Quay mặt về phiá có tiếng gọi, Tôi thấy một Bà đã lớn tuổi dáng người thấp và hơi mập, đang khua tay vẫy. Tôi chăm chú nhìn, ngờ ngợ mãi mới nhận ra được bà Chị Vợ. Sau 25 năm không gặp, bà Chị đã già đi nhiều, nhưng giáng vóc và khuôn mặt không thay đổi, nhờ thế mới nhận được. Bà Chị xáp lại giắt tay Tôi vừa đi vừa nói : “-Chú gầy ốm quá, chắc phải xút tới phân nửa người chớ không ít. Hồi cuối năm 1975 Chị có vào Saigon thăm Cô ấy và các cháu, thấy ảnh Chú mập mạp tốt tướng lắm. Bây giờ thì ốm tong ốm teo, thật tội nghiệp, may mà khuôn mặt không thay đổi, Chị mới nhận được ra Chú đấy!”

Có tiếng Cán bộ quát : “-Mấy chị kia dang ra, nếu không sẽ không cho “thăm nuôi” bây giờ. Chờ vào phòng sẽ nói chuyện.”

Các Bà tách khỏi chúng tôi, đúng lúc mọi người vừa đi tới trước sân Phòng Thăm Nuôi. Anh em Tù đứng thành một hàng ngang, một bạn Tù được Cán bộ chỉ định từ trước khi ra khỏi Trại, dõng dạc cất tiếng hô lớn như kiểu nhà binh : “-Nghiêm, báo cáo Cán bộ 6 người K5 xin thăm nuôi.” Cán bộ gật đầu cho mọi người vào Phòng Thăm Nuôi. Tù vào trước, ngồi hàng ghế bên phải chiếc bàn dài suốt căn phòng, bề ngang rộng 1 mét. Thân nhân vào sau, ngồi hàng ghế bên đối diện. Cán bộ ngồi tại ghế ngay đầu bàn, đọc Điều lệ Nội quy “thăm nuôi”, và quy định thời gian thăm là 15 phút. Hai bên bắt đầu nói chuyện. Cán bộ tiếp tục ngồi tại chỗ quan sát, lóng nghe xem Tù và thân nhân nói những gì.

Tôi bị gọi đích danh, chỉ định ngồi ngay sát đầu bàn chỗ gần bên Cán bộ. Thật là kẹt, 2 Chị Em chẳng dám trao đổi gì nhiều về chuyện thật của gia đình.

Trước mặt Cán bộ, bà Chị luôn mồm khuyên : “-Chú phải cố gắng học tập cho tốt, đừng dại dột nghe người ta xúi bẩy làm những điều sai trái, Nhà Nước sẽ sớm khoan hồng cho về với Vợ Con.” Rồi Bà kể lể : “-Hồi cuối năm 1975 vào thăm Cô ấy và các cháu, Chị đã thấy mộ phần của Mẹ (nhạc mẫu của Tôi), và những phim ảnh sinh hoạt gia đình của Cô Chú. Nhờ đó Chị biết được lúc Mẹ còn sống cũng như sau khi qua đời, Cô Chú đã làm tròn bổn phận phụng dưỡng Mẹ rất chu đáo. Nếu Mẹ ở ngoài này gần các Chị, chắc chẳng được như vậy đâu. Biết Chú ở đây rồi, Chị sẽ theo định kỳ Nhà Nước cho phép, đến tiếp tế cho Chú, tiện hơn là Cô ấy ở trong Nam, đường xá xa xôi, mỗi lần đi lại vất vả khó khăn. Việc nhà Chú đừng lo, Chị sẽ lưu tâm giúp đỡ cho. Lần thăm nuôi này, Chị không biết Trại cho phép tiếp tế cho Cải tạo nhiều thực phẩm như vậy, nên Chị đem cho Chú rất ít. Chỉ có 2 kí bánh mì khô, 1 kí đường cát, 4 cái bánh chưng nhà gói lấy, và mới nài các Bà ở trong Nam ra bớt cho được 1 kí mì ăn liền để Chú dùng đỡ. Chị đã thưa với Anh Cán bộ đây rồi, một tuần lễ nữa Chị sẽ cho Cháu mang đến tiếp tế thêm cho Chú, những thứ Chú cần để “bồi dưỡng” cho mau lấy lại sức mà cải tạo cho tốt.”

Đến lúc hết giờ thăm, thân nhân và Tù ra trước sân giao nhận quà tiếp tế, bà Chị đứng sát bên Tôi nói nhỏ : “-Lẽ ra chúng nó không cho Chị gặp Chú đâu, nhưng Chị đã đút tiền nên nó mới cho đấy. Lúc xin giấy phép di chuyển ở Hải Phòng cũng gặp khó khăn, vì không thuộc diện thăm nuôi. Nhưng Chị đã phải nại lý do Cha Mẹ đã chết hết, Cô ấy ở xa lại đang bệnh hoạn nên Chị phải thay thế. Chị đưa bức thư xin giúp đỡ của Chú ra, và đút lót món tiền kha khá hơn bình thường, chúng nó mới cấp giấy phép cho đi thăm đấy. Chị ở ngoài này mấy chục năm rồi, biết rõ cần phải làm gì, mỗi khi muốn được Chính quyền chiếu cố giúp cho mình được việc.”

Nhận quà xong, Tù chất đồ lên xe “cải tiến” rời Nhà Thăm Nuôi trở về Hội trường của Trại. Sau khi Cán bộ khám xét quà mới nhận xong, Tôi xách chiếc bị cói đựng cả gia tài tiếp tế, khoảng 6, 7 kí lô về phòng giam. Anh Trực Phòng nhìn thấy, tỏ vẻ ngạc nhiên, không nói gì. Tôi hiểu ý thong thả phân bua, Vợ xin giấy phép hoài mà chưa được, nhờ bà Chị Vợ ở ngoài Bắc này đến thăm, tìm hiểu đường đi nước bước trước. Ngoài Bắc này, chúng mình đã từng thấy thân nhân đi thăm Tù, có bao giờ mang gì nhiều đâu.

Sau giờ điểm danh Tù vào phòng buổi tối xong, Tôi lấy 2 chiếc bánh chưng ra cắt làm 8 miếng, đem biếu anh Đội trưởng, 2 bạn nằm kế bên, mấy bạn đã từng cho Tôi ăn quà “thăm nuôi” của họ trước đây, anh nấu nước ngoài “hiện trường lao động”, và anh Trực Phòng. Còn lại 2 chiếc để dành ăn dần mỗi ngày nửa chiếc.

Mười ngày sau, vào một buổi trưa vừa nhập trại sau khi đi lao động sáng trở về, Tôi được gọi lên Văn phòng Thi Đua làm việc. Tôi giật mình chẳng biết có chuyện gì lành hay giữ, nhưng vẫn phải tức tốc đi ngay. Khi tới nơi, anh “Thi Đua” hỏi tên, rồi chỉ cho Tôi chiếc rương làm bằng tôn (thường dùng để đựng quần áo), và đưa chià khoá bảo mở ra kiểm tra, xem có đủ các món như trong bức thư liệt kê không, rồi đem về. Đổi lo sang mừng, đây là rương quà bà Chị Vợ đã nói với Tôi, trước mặt Cán bộ trong Phòng Thăm Nuôi hôm trước.

Trong khi Tôi kiểm đồ đạc để trong rương, anh “Thi Đua” hỏi : “-PtX là ai vậy? » Tôi trả lời Chị Vợ của Tôi ở ngoài Bắc này. Anh ta nói tiếp với giọng ngạc nhiên : “-Làm sao mà ở ngoài này lại có người Chị Vợ tốt bụng đến thế? Anh là người tốt phúc lắm đấy!”

Kiểm xong, Tôi ngỏ lời cám ơn, và không quên biếu anh “Thi Đua » một phong bánh khảo Hải Dương. Rồi gồng hai tay, khệ nệ bê chiếc rương thực phẩm ra khỏi Văn phòng Thi Đua. May sao vừa ra tới đường, gặp anh bạn nằm cạnh cùng phòng giam, lảng vảng gần đó rình xem chuyện gì xẩy đến với Tôi, chạy đến tiếp tay khiêng. Nếu không, một mình không thế nào tiếp tục bê đi nổi, phải kéo chiếc rương lết trên mặt đất, cả trăm mét mới về tới phòng giam. Kể từ lúc này Tôi cảm thấy yên tâm, không còn lo bị chết đói trong Tù vì suy nhược thiếu dinh dưỡng nữa. Đồng thời cũng tự nhủ thầm, từ nay sẽ nhất định không cải thiện linh tinh nữa.

Kiếp sống Tù, cứ tiếp tục trôi theo nhịp xoay của Trái Đất, với niềm hy vọng lớn lao vào các cuộc thương thuyết đang diễn tiến thuận lợi tại Genève, giữa Hoa Kỳ và phe Cộng sản Việt Nam.
Đầu tháng 12, khoảng hơn 3 tuần lễ sau ngày bà Chị Vợ đến « thăm nuôi », Tôi lại được gọi tên đi « thăm nuôi ». Thật là một bất ngờ thích thú, Tôi đoán chắc là Vợ ở trong Nam ra thăm. Các bạn cùng Đội rất ngạc nhiên, không hiểu sao mới thăm chưa đầy một tháng, lại được phép thăm nữa.
Như thường lệ, sau khi tất cả các Đội xuất trại đi lao động khoảng mươi phút, anh em được “thăm nuôi » tập trung bên cạnh cổng, theo Cán bộ ra khỏi trại để gặp thân nhân. Vừa tới sân Nhà Thăm Nuôi, Tôi bỗng nghe một tiếng reo thật lớn : « -Bố ! ». Rồi từ trong nhóm các Bà đứng chờ Chồng, cô Con gái lớn của Tôi chạy ùa ra, vồn vã ôm Tôi hôn rối rít. Tôi phải nói nhỏ, coi chừng người ta phạt không cho thăm bây giờ đấy con ạ. Cô ấy mới buông Tôi ra, và lẩn vào trong đám các Bà, đang ngạc nhiên nhìn cảnh tượng bộc lộ tình thương rất là Âu Tây, của Con gái đối với Bố giữa chỗ đông người, ngay trước mặt Cán bộ.

Vào trong Phòng Thăm Nuôi, thấy có 2 anh thanh niên cỡ tuổi đôi mươi, một đứng một ngồi bên con gái, Tôi hỏi xem là ai. Con tôi trả lời : “-2 Anh con Bác ..x.., hôm trước theo Bác đến thăm Bố, nên hôm nay dẫn đường cho con đi.»

Hôm bà Chị Vợ đến thăm, các cậu ấy đi theo nhưng không vào trong phòng thăm, cũng không thấy xuất hiện để bà Chị giới thiệu lúc ra sân nhận quà trước khi trở vào Trại, nên Tôi không biết mặt.

Hai cậu với giọng lơ lớ Tầu lai nói : «Chúng cháu chào Chú. Bố chúng cháu cũng đòi đi thăm Chú, nhưng vì là người Trung Hoa nên Mẹ chúng cháu không cho. Nhưng thế nào rồi Bố chúng cháu cũng sẽ đến thăm Chú.” Tôi ngỏ lời cám ơn các Cháu đã dẫn Con Tôi đến đây, và yêu cầu chuyển lời chào của Tôi đến ông anh cột chèo tốt bụng, chưa bao giờ biết mặt. Tôi hỏi tiếp xem các cậu ấy học ngành nghề gì? công việc làm ăn ra sao? Một cậu nhanh miệng trả lời : “-Mình là Công dân hạng nhì ấy mà Chú, lo làm ăn chớ thì giờ đâu mà học với hành. Chúng cháu ở nhà học nghề làm răng của Bố truyền lại, cũng đủ sống cần gì phải đi đâu học cho nó thêm mệt. »

Tôi quay sang hỏi Con gái, về sức khoẻ của Vợ tôi, về việc học hành của mọi người ra sao? Việc học Y khoa của cô ấy và người em trai kế đến đâu rồi? có hy vọng gì không? bao giờ ra trường? Qua những câu trả lời vòng vo nhỏ nhẹ, Tôi hiểu được là :

-Con gái Tôi phải đi làm ở Bệnh viện, với tư cách Y sĩ phụ tá cho các Bác sĩ, để học nghề chớ không học ở trong trường. Chưa biết bao giờ cô ấy sẽ được trở lại trường, để tiếp tục học như các bạn khác mà lấy bằng.

-Hiện cô ấy đang làm việc tại Nhà thương Đồn Đất Saigon (sau 30-4-1975 người ta đổi là Bệnh viện Nhi đồng 2), xin được nghỉ phép 2 tuần lễ đi « thăm nuôi » Bố đang cải tạo ở ngoài Bắc. Nhờ thế mới can thiệp với Chính quyền Địa phương cho phép Mẹ đi theo, sau nhiều tháng Mẹ tự xin phép không được chấp thuận.

-Hai Mẹ Con ra Hànội, nhờ Bác ..y.. (bà Chị thứ của Vợ tôi) dẫn đi thăm Tôi. Nhưng Bà thoái thác bận công tác Chính quyền không giúp được, đành phải xuống Hải Phòng nhờ Bác ..x.. (bà Chị lớn) giúp đỡ. Hôm nay Vợ tôiù không đi thăm được, vì sau cuộc hành trình vất vả mấy ngày đêm liền bằng Xe Hoả, xuống tới Hải Phòng bị bệnh nặng ho ra máu, phải đưa vào Bệnh viện cấp cứu, vẫn đang còn nằm điều trị chưa khỏi.

Bây giờ Tôi mới hiểu, tại sao hôm bà Chị ..x.. đến thăm Tôi lại nói : « -Trước khi đi thăm Chú, Chị có ghé vợ chồng Cô ..y.. ở Hànội, hỏi xem có gửi gì cho Chú không? Cô ấy đã khuyên Chị không nên dính vào, nhưng Chị vẫn cứ đi. Cô ấy còn dặn Chị nói với Chú đừng gửi thư về nhà Cô ấy. »
Bà Chị Vợ tên ..y.. và Chồng theo Cách mạng từ năm 1945, trở về tiếp thu Hànội hồi tháng 7 năm 1954 theo Hiệp định Genève. Lúc gặp Mẹ Vợ tôi, Chị ấy đã khuyên Bà di tản vào Saigon sống với Vợ Chồng chúng tôi để an hưởng tuổi già, không nên ở lại miền Bắc. Vì Bà Mẹ có rất nhiều ruộng cho Tá điền canh tác tại Nhà Quê. Cũng nhờ vợ chồng Chị ..y.. thúc đẩy bà Mẹ di cư vào miền Nam sống với chúng tôi, nên Chị ấy đã thoát được cái tội bất hiếu đối với Mẹ. Không như Trường Chinh Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản VN, bị Thế nhân nguyền rủa đời đời, vì đã đích thân về Quê đấu tố xử tử Cha ruột của mình là Địa chủ, trong đợt Cải Cách Ruộng Đất năm 1956 tại miền Bắc. Trước khi rời Hànội xuống Hải Phòng đáp máy bay vào Saigon, sống bên chúng tôi hồi cuối tháng 12 năm 1954, Bà Mẹ Vợ tôi đã cho anh chị ..y.. căn nhà ngói rất rộng, trong khu phố Chợ Khâm Thiên.

-Về phần các Con khác của Tôi ở Saigon thì, mấy người học hết Trung học không được vào Đại học, phải đi làm thợ trong các Tổ sản xuất mành trúc của gia đình Cán bộ Cách mạng làm Chủ nhiệm. Mấy người còn nhỏ hơn vẫn tiếp tục học Tiểu học.

Trong lúc nói chuyện, Con gái Tôi quan sát thấy cổ tay trái của Tôi có vết xẹo, chắc Cô ấy nghi Tôi bị còng tay tra tấn, nên hỏi : « -Cổ tay Bố làm sao vậy, hồi ở nhà làm gì có cái xẹo đó? » Tôi trả lời, do tai nạn lao động từ hồi còn ở Hoàng Liên Sơn.

Cô ấy không thấy chiếc nhẫn cưới, xưa nay chưa bao giờ Tôi bỏ ra khỏi ngón tay, tưởng là Tôi đã bán đi để chi tiêu, nên lẳng lặng tháo chiếc nhẫn vàng Y một chỉ đang đeo, đưa cho Tôi và bảo : « -Bố cằm lấy để phòng khi cần, bán đi lấy tiền mà dùng. » Tôi xua tay không nhận, và giải thích cho cô ấy biết, trong trại chẳng có gì để mua. Hơn nữa Trại không cho phép giữ qúy kim trên người. Nhẫn, đồng hồ, dây truyền bằng vàng đeo tượng Phật, Tôi dem theo khi đi cải tạo phải nộp cho Trại giữ hết, khi nào được tha Trại mới trả lại.

Tôi nhắc nhở Con gái, cố gắng giúp Mẹ lo cho các Em, và nhắn nói lại với Vợ tôi, khi nào được ra khỏi Nhà Thương Hải Phòng, nên trở về Saigon đừng tìm cách đến đây, lỡ bệnh trở lại chẳng may có mệnh hệ nào thì tội cho cả mọi người. Tôi đang nói ngon trớn, Cán bộ báo hết giờ thăm nuôi, ra nhận quà để trở về trại. Mọi người ra sân nhận quà chất lên xe « cải tiến ». Cán bộ luôn mồm hối thúc «-Khẩn trương ! Khẩn trương !». Cha Con Chú Cháu vội vã chia tay nhau trong bùi ngùi, lưu luyến.

Quà của Tôi kỳ này gồm 2 bao tải và 1 thùng thiếc. Sau khi kiểm tra tại Hội trường, mới biết trong thùng thiếc và 1 bao tải đựng : Mì ăn liền vụn, sữa bột, cốm khô, đường cát, thịt chà bông, bột đậu xanh, mấy gói nước mắm khô, hộp margarine, sà phòng, thuốc đánh răng, một số Âu dược. Đặc biệt có 1 bao thuốc lá ngoại, để mua cảm tình Quản giáo Đội, như mọi người thường làm. Còn bao tải kia, đựng một quài chuối già (ngoài Bắc gọi là chuối tiêu) có được 15 nải đang chín nửa chừng.
Buổi tối sau khi vào phòng giam, Tôi biếu tất cả các bạn trong Đội mỗi người một trái chuối chín. Riêng phần Tôi, mỗi ngày ăn 4 trái : sáng 2, trưa 1, và tối 1. Độ 3 ngày sau, đúng vào Chủ nhật, những nải còn lại chín rộ một lượt. Tôi biếu thêm cho anh em trong Đội mỗi người 1 trái nữa. Còn lại bao nhiêu, Tôi bóc vỏ thả vào soong nước đường, đun cho cạn khô làm mứt dành ăn dần. Kết quả rất tốt. Đây là cách biến chế do anh bạn Đại úy Cảnh sát, chỉ dẫn cho anh em ghi chép từ hồi còn ở chung Đội bên K1, trong những ngày Chủ nhật nghỉ lao động, chẳng biết làm gì ngoài việc thủng thẳng hút những bi thuốc lào Trại phát cho hàng tháng, để say lơ mơ mà quên đói.
Có nhiều quà tiếp tế bồi bổ lấy lại sức khoẻ, quả là một thần dược cho tinh thần. Tôi vững tâm nhịn nhục lao động, tiếp tục cuộc hành trình gian khổ đang sắp tới cuối đường hầm, tràn trề hy vọng sẽ thấy lại ánh sáng văn minh. Nếu Trời thương không cho Thần Chết chấm tên vào sổ Thiên Tào, chẳng sớm thì chầy thế nào cũng sẽ có ngày được hít thở không khí Tự do, đã mất từ bấy lâu nay.
Người ta thường nói « Họa vô đơn chí, Phúc bất trùng lai», vậy mà không biết tại sao trong cuối năm con Dê (Kỷ Mùi) này, Tôi được gặp Phúc nhiều hơn hai lần. Chả bù với năm con Ngựa (Mậu Ngọ), bệnh hoạn kiệt sức gần chết, còn bị phạt giảm mức ăn vốn đã chẳng đủ cung ứng cho nhu cầu hàng ngày của cơ thể.

Vào một buổi sáng mưa phùn lất phất lạnh cóng, khoảng 3 tuần lễ sau khi Con gái đến « thăm nuôi », Tôi lại được gọi ra « thăm nuôi » nữa. Lần này Tôi thấy nôn nao trong lòng, đoán chắc là Vợ tới thăm và thế nào cũng có bà Chị ..x.. dẫn đi. Lúc ra xếp hàng tập họp để Cán bộ kiểm tên trước khi đưa ra khỏi Trại, anh « Thi Đua » cắc cớ lên tiếng hỏi Tôi : « -Anh này làm sao mà trong vòng 2 tháng, thăm nuôi tới 3 lần? »

Qua tin tức thân nhân đã nói nhỏ trong 2 lần thăm trước, Tôi biết chắc là nhờ những tấm giấy bạc Cụ Hồ lót tay mới được phép ra thăm, nên không sợ, lớn tiếng trả lời : -Làm sao Tôi biết, Cán bộ gọi đi « thăm nuôi » thì Tôi đi, anh có thắc mắc ra hỏi Cán bộ. Anh ấy im lặng lỉnh đi chỗ khác, vì biết rằng câu hạch hỏi tọc mạch đó làm phật lòng Cán bộ phụ trách « thăm nuôi », sẽ có hại cho bản thân anh ấy sau này.

Đến sân Nhà Thăm Nuôi, anh em Tù xếp hàng báo cáo xong. Một bên là các Bà, một bên là Tù cải tạo, bắt đầu theo nhau đi vào phòng thăm. Tôi đảo mắt tìm hoài chẳng thấy Vợ đâu. Đang đứng ngơ ngác tiếp tục kiếm thì, thấy bà Chị ..x.. từ bếp đi ra, tay dắt Vợ tôi miệng hối thúc : « -Mau lên, Cô vào nói chuyện với Chú ấy đi, để Chị lo tiếp nồi nếp và con gà luộc cho. »

Vào Phòng Thăm Nuôi, Vợ Chồng mỗi người ngồi một bên chiếc bàn, nhìn nhau mắt rưng rưng lệ nghẹn ngào chẳng nói được gì. Tôi thấy đau nhói nơi tim, khi thấy Vợ ốm yếu gầy mòn xanh xao, khác hẳn ngày Tôi chia tay đi trình diện Cải tạo. Sau đôi phút xúc động, bình tĩnh trở lại, Tôi bắt đầu hỏi chuyện về nơi ăn chốn ở có gặp khó khăn gì không ? về việc học hành của các con, về công việc làm ăn sinh sống hàng ngày ra sao ? Để trả lời, thay vì dài giòng văn tự như bà Chị, Vợ của Tôi chỉ nói rất gọn và ngắn. Gặp câu nào nhắm không dám nói sự thật trước mặt Cán bộ, thì nhỏ nhẹ bằng câu : « -Việc nhà ông đừng lo, cứ yên tâm mà học tập, giữ gìn sức khoẻ cho tốt là được rồi. »
Hiểu ý, để biết tin tức về cậu Con trai lớn du học bên Hoa Kỳ từ năm 1971 ra sao, cũng như những người ở nhà có ai vượt biên được không, Tôi đã phải đặt những câu hỏi ngụy trang. Chẳng hạn : -Thằng Hai đi công tác vùng Kinh tế mới bên Mỹ Tho, từ hồi Tôi còn ở nhà, bây giờ ra sao? Nó có liên lạc về nhà không? -Mấy đứa ở nhà có đứa nào đi vùng Kinh tế theo nó không?

Trong khi đang nói chuyện, bà Chị ..x.. đem một điã xôi có chiếc đùi gà vào đưa cho Tôi, và nói : « -Chú vừa ăn vừa nói chuyện. Chị biết Chú thích ăn cơm nếp thịt gà nên Chị nấu một nồi lớn. Sợ đem vào Trại không giữ được mà ăn, nên đem lên bây giờ cho Chú ăn. Hôm nay thấy Chú có da có thịt hồng hào khá hơn lần gặp trước, Chị rất mừng. Từ nay cứ yên tâm, sau này nếu Cô ấy không ra được, đã có Chị ngoài này đến tiếp tế cho. » Tôi lắc đầu trả lời : -Bây giờ không ăn được, Chị cứ gói tất cả cho Em đem vào trong Trại ăn dần, không sao đâu. Anh Em trong Nam ra ở chung với nhau, không ai hà hiếp giành cướp mất đâu, Chị đừng lo.

Hết giờ thăm nuôi, ra sân nhận quà xếp lên xe xong, Tôi dặn Vợ là từ nay không phải ra thăm nữa, cứ cố gắng gửi Bưu kiện hàng tháng là đủ rồi. Những quà tiếp tế qua 3 kỳ thăm này, Tôi có thế tằn tiện dùng từ 4 đến 5 tháng mới hết. Bà Chị lại gần nói nhỏ : « -Lần trước đến thăm Chú, Chị thấy có người đến thăm chồng được ở lại qua đêm. Lần này Chị cũng định cho anh Cán bộ tiền xin cho Chú được ở thăm lâu hơn, nhưng không được. Anh ấy nói phải có Quản giáo Đội chấp thuận theo đơn xin của Chú mới được, hoá nên chuyện không thành. Tội nghiệp, xin giấy di chuyển khó khăn, lại phải lặn lội vất vả cả hơn ngàn cây số, thế mà Vợ Chồng chỉ được thấy mặt nhau có mươi lăm phút. Cũng chẳng được phép ngồi kế bên nhau mà nói chuyện nữa. Thật hẹp hòi khó khăn quá chừng. »
Bà Chị đang nói thì có tiếng Cán bộ hối lên đường « khẩn trương ». Vợ Chồng chúng tôi ôm hôn tạm biệt nhau, trong quang cảnh mưa phùn dầy đặc, mờ mịt nhẹ nhàng rơi không ngớt theo luồng gió Bấc, phủ trùm vạn vật thung lũng K5, Trại Tân Lập.

Tối hôm đó trong phòng giam, Tôi lấy 2 cái đùi gà, 2 chiếc âu cánh gà, và xé 2 cái lườn gà ra nhiều miếng, rồi đong cơm nếp thành từng chén một, đem biếu anh Đội trưởng, 2 người bạn nằm kế bên, và 3, 4 bạn đã từng cho Tôi quà « thăm nuôi » của họ. Chỗ cơm nếp và những phần còn lại của con gà, Tôi ngồi chén một bữa thật no nê khoái khẩu. Lúc ngừng ăn, nhìn lại thấy chỉ còn chút ít, vừa đủ cho bữa điểm tâm sáng hôm sau.

CÂU CHUYỆN THĂM NUÔI.

Gặp nhau bốn mắt tròn xoe,
Máu dồn tê mặt, lệ nhoè khoé mi.
Nghẹn ngào chẳng biết nói gì,
Không gian trùm phủ mây chì, gió Đông.
Vói tay tính nắm tay Chồng,
Bàn tre ngăn cách, đành trông ngậm ngùi.
Oai phong Cán bộ rung đùi,
Mặt vênh lên giọng nhắc lời Nội quy.
“Lếu” ai vi phạm tức thì,
Chồng vào kỷ “nuật”, Vợ về cấm thăm.
Vợ Chồng đưa mắt hiểu ngầm,
Rưng rưng hỏi chuyện những năm vắng nhà.
Chuyện sinh sống tháng ngày qua,
Chuyện Con thay đổi học xa học gần.(1)
Chuyện bè bạn, họ hàng thân,
Chuyện đời đổi mới cận lân thế nào?
Xa xôi bóng gió đổi trao,
Ngập ngừng tiếng lóng xen vào báo tin.
Hiểu ra thời thế đảo điên,
Vợ, Con, tủi cực triền miên tháng ngày.
Xót xa nuốt lệ bó tay,
Gượng khuyên lao động hăng say với người.
Từ rày vạn dặm xa xôi,
Gửi quà Bưu kiện tiếp bồi cũng xong.
Cần luôn can đảm vững lòng,
Giữ gìn sức khoẻ đợi trông ngày về.
Hạn thăm mươi phút đã kề,
Nhận quà chuẩn bị Chồng về Vợ đi.
Tủi lòng nhau lúc chia ly,
Giữa Trời mưa gió ôm ghì hôn nhau.
Cán trông hờ hững hối mau,
Vô thần Cộng sản hiểu đâu nghiã tình!!!

K5 - Tân Lập – Vĩnh Phú, Mùa Đông 1979

(1) Hỏi mánh xem có ai vượt biên được không?

Không có nhận xét nào: