Thứ Sáu, tháng 1 09, 2009

HỒi ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 16

LAO ĐỘNG CẢI TẠO, THƯỚC ĐO LÒNG YÊU NƯỚC
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA.


Mọi công tác chỉnh trang K2 (Trại Cây Khế) vừa hoàn tất, Trại lại phát động đợt “thi đua” mới. “Thi đua lao động cải tạo vượt chỉ tiêu Nhà Nước quy định”.

Theo lệnh Nhà nước, kể từ năm 1977, Tù phải tham gia sản xuất thật sự để làm ra tiền, tự nuôi mình, nuôi Cán bộ quản lý Trại, và đóng góp cho Nhà nước hàng năm mỗi đầu người 1 đồng một ngày. BCH trại được coi như Ban quản lý một Hợp tác xã. Chỉ có một điều khác Hợp tác xã là, Trại viên cải tạo hưởng quy chế ăn ở quy định cho Tù, chớ không phải Hợp tác xã viên.

Lý do đưa ra giải thích là : “-Vì Chiến tranh tàn phá quê hương, nay toàn Dân phải tham gia tái thiết, nên Cải tạo viên cũng phải đóng góp công sức mình, vào công việc chung của đất nước như mọi người. Đây cũng là dịp chứng tỏ lòng yêu nước, và thực tâm ước muốn cải tạo để trở thành người công dân Xã hội Chủ nghiã của các Cải tạo viên.”

Nghe tin này, nhiều người nhẹ dạ cả tin “phấn khởi”, cho rằng Chính sách này giúp mình mau quen với nếp sống của con người Xã hội Chủ nghiã, sẽ sớm được về đoàn tụ với vợ con. Thời gian lâu lắm, chắc cũng chỉ trong vòng 2, 3 năm là cùng. Ông Tướng Sư đoàn Việt cộng ra đón mình ở Phi trường, hồi mới đặt chân lên đất miền Bắc Xã Hội Chủ nghiã này, trước đây mấy tháng, cũng đã từng nói như vậy mà!

Thi hành lệnh Nhà nước, Trại khởi hoạch nhiều “phương án hành động”, làm thước đo mức “tiến bộ” của Cải tạo viên. Mọi người đều tỏ ra “hồ hởi”, sốt sắng và cố gắng hết sức mình. Tù tha hồ thi đua liên tục xả thân lao động. Cán bộ “bám sát” thúc đẩy Tù “thi đua đạt năng xuất lao động” ngày một cao hơn. Với mục đích duy nhất, làm sao Trại và Tù kiếm ra thật nhiều tiền, để đạt cho bằng được trăm phần trăm “chỉ tiêu” do Nhà nước quy định. Nếu vượt được mức “chỉ tiêu” quy định càng cao càng tốt.

Đợt thi đua bắt đầu bằng tập trung đắp đập đất, chắn ngang khe giữa 2 ngọn đồi gần K3 (Trại Cốc), để giữ nước làm hồ nuôi cá. Mặt đập rộng 50 mét, thân đập cao 30 mét, và chiều dài đập là 50 mét. Đào đất trên đỉnh đồi bên trái, khênh xuống đổ cho đầy khe.

Hình như Phân trại K3 là chủ thuê, nên thấy mỗi buổi lao động, Quản giáo Đội chúng tôi dẫn anh phụ trách nấu nước của Đội vào nhà bếp K3, lãnh một số sắn sống đem ra luộc tại hiện trường, để phát cho anh em. Mỗi người được 1 khúc bằng cổ tay, dài 20 phân, vào lúc nghỉ tại chỗ ăn bữa trưa hàng ngày. Đây là tăng cường “bồi dưỡng” của chủ thuê cho Tù, y như hồi đi làm thuê cho Hợp Tác Xã địa phương.

Các Đội tham dự công tác tại công trường đắp đập, được phân chia như sau : 1 nhóm cuốc đất trên đỉnh đồi khiêng xuống đổ dưới khe, 1 nhóm ban đất cho bằng phẳng tại mặt đập, 1 nhóm đầm nện đất, nèn cho mặt đập và sườn đập thật mịn và cứng chắc.

Đội chúng tôi thuộc nhóm đào đất nơi đỉnh đồi, khiêng xuống đổ lấp khe sâu giữa 2 quả đồi. Quản giáo Đội quy định, mỗi Tổ 10 người phải đào và khiêng đất xuống đổ vào đập mỗi ngày 5 mét khối. Vì thế, anh em Tổ của Tôi phải chia thành : 3 toán khiêng đất hết 6 người, và 1 toán 4 người vừa cuốc vừa xúc đất vào “ki” (cáng khiêng) cho các toán khiêng đi đổ xuống khe.

Chúng tôi thoả thuận luân phiên nhau, hôm nay cuốc xúc đất, thì hôm sau đổi lại đi khiêng đất, cho nó công bằng. Cũng như để mọi người, có dịp rút kinh nghiệm bản thân về các công tác khác nhau, mà “sáng tạo” ra phương pháp thực hiện cho thật nhanh. “Lao động là sáng tạo”, Cách mạng đã nghiên cứu xác định như vậy trong các bài học cải tạo tư tưởng, cần phải áp dụng cho Cán bộ nhận thấy là mình đã “thấm nhuần”, và “nắm được vững vàng sâu sắc” những gì đã học.

Trong suốt thời gian đắp đập, mọi người phải làm thông tầm (kể cả Cán bộ cảnh vệ và Quản giáo). Chỉ được nghỉ tại chỗ, 30 phút lúc giữa trưa để dùng bữa. Ăn xong là phải “tranh thủ” tiếp tục làm ngay. Đến chiều tối, khi nào đạt “chỉ tiêu” quy định trong ngày, báo cáo Quản giáo Đội đến kiểm tra chấp nhận đúng, Đội mới được ngưng để tập họp ra về.

Đặc biệt trong thời gian lao động vất vả này, Trại được cung cấp bột mì thay cho sắn khô hoặc bắp khô. Do đó, buổi sáng mỗi người được lãnh một nửa ca cháo bột mì, sền sệt như loại bột gạo người ta thường khuậy chín cho trẻ con ăn. Bữa trưa và bữa tối, được mỗi bữa một chiếc bánh bột mì nhồi nước đổ khuôn tròn luộc chín, đường kính 10 phân, bề dầy 1 phân. Thức ăn thì mỗi bữa đôi ba cọng rau muống bung nước muối.

Thời gian 30 phút nghỉ ăn trưa được coi là dài. Vì sau khi nhơi thong thả từng mẩu nhỏ của chiếc bánh mì luộc và khúc sắn, cho nhuyễn nhuần với nước miếng trước khi nuốt vào bụng. Cũng còn dư được ít nhất là 15 phút để nằm dài trên mặt đất chợp mắt xả hơi, trước khi bắt tay vào tiếp tục lao động trở lại.

Số giờ lao động hàng ngày quy định là 8 tiếng đồng hồ. Nhưng bao giờ anh em cũng phải làm nhiều hơn, mới đạt đủ “chỉ tiêu” quy định. Vì thế, chỉ trong vòng có 1 tuần lễ, ai nấy đều hốc hác xạm xọp đi ít nhất cũng 5 kílô. Nhưng sức chịu đựng vất vả, được tôi luyện dẻo dai hơn, và thuần nhuyễn như một cái máy chạy tự động không cần ai bấm nút.

Hằng đêm, sau giờ “kiểm điểm, phê và tự phê” xong, anh nào cũng lăn đùng ra ngủ say như chết. Nhờ vậy mà ngày hôm sau mới có sức chịu đựng tiếp. Nếu không ngủ được, phải thức trắng đêm như hồi mới ra, chắc là bây giờ chẳng còn sống trên Thế gian mà ngồi viết Hồi ký.

Ngày thứ 2 đi làm đập, toán của Tôi đến phiên đào và xúc đất vào “ki” cho các toán khác khiêng. Lúc phát quang các bụi rậm trước khi đào đất, Tôi may mắn gặp một ổ 4 chú Cúi con (trông giống như sóc, nhưng mặt mõm giống như lợn, lông đen, đuôi ngắn). Mỗi chú Cúi to bằng nắm tay. Tôi đưa cho anh Đại tá Dương Hiếu Nghiã, cùng một Tổ với Tôi, biến chế làm món Cúi bỏ lò trong lon Gô. Để 2 anh em chia nhau, thưởng thức lộc của Chúa Sơn Lâm “bồi dưỡng” cho Tù nghèo. Tôi tự làm lấy cũng được, nhưng vì đồ tiếp tế của Tôi đã hết, không còn gia vị để ngâm ướp, nên phải đưa cho anh Nghiã lo toan.

Sau này, qua 5 trại khác nhau trong suốt 13 năm cải tạo, lúc nào anh Nghiã và Tôi cũng ở chung một Đội. Chỉ có thời gian ngắn khoảng 1 năm ở K5 Trại Tân Lập, Vĩnh Phú, anh Nghiã ra làm Đội trưởng Đội Gạch, gồm toàn các Linh mục, Thượng tọa, Đại đức Tuyên úy QLVNCH (cũng phải đi cải tạo như chúng tôi) thì 2 anh em chúng tôi mới không ở chung Đội. Tới tháng 1 năm 1980, bị chuyển vào trại Thanh Phong, Thanh Hoá, anh Nghĩa và Tôi lại được “biên chế “ vào chung một Đội. Cuối tháng 4 năm 1982, chúng tôi cùng được đưa trở về Nam một lượt. Sau cùng, anh Nghĩa được tha trước Tôi 6 tháng, vào dịp 2 tháng 9 năm 1987, kỷ niệm Lễ Độc Lập của Cộng sản Việt Nam.

Những ngày nghỉ lao động trong đợt “thi đua muà Xuân 1977”, Ban chỉ huy Phân trại K2 cho phép anh em nấu nướng biến chế thực phẩm “bồi dưỡng”, không cấm đoán như hồi mới ra. Nhờ thế, các món thực phẩm khô, do gia đình gửi lén trong các bưu kiện tiếp tế quần áo lạnh, được Tù đem ra trổ tài biến chế. Không theo sách vở nào cả, thế mà mùi vị thức ăn biến chế xông ngào ngạt thơm phức cả một vùng, tưởng như đang đứng trong khu phố tiệm ăn Tầu Chợ Lớn vậy. Chỉ tội cho các bạn không được tiếp tế, phải vào xạp nằm chùm chăn kín mít, tìm khuây khoả trong giấc ngủ.
Từ khi “đợt thi đua mùa Xuân 1977” được “phát động”, tất cả Tù và Cán bộ đều bận rộn. Ngày nào cũng xuất trại lao động rất sớm, và đi đến tối mịt mới trở về. Nhóm đi đắp hồ cá K3. Nhóm đi hạ bồ đề, trên sườn núi cao gần ngay bên Bệnh xá Liên trại, thả xuống đường xếp thành đống, để Công ty khai thác Lâm sản đến đo, tính tiền công theo thước khối, rồi chở đi. Nhóm đi làm thuê cho các Hợp Tác Xã, trồng hoa mầu …

Sau khi đắp đập hồ cá K3 xong, Đội chúng tôi được đưa đi đắp đập thuê cho một Hợp Tác Xã, ở xa trại khoảng hơn 10 cây số, về phiá Tây. Ra đi từ sáng sớm, trước khi kiểng tập họp các Đội xuất trại lao động. Đến chiều, trở về đến trại trời đã nhá nhem, mọi người ở nhà đã nghỉ và dùng bữa tối xong xuôi.

Gần Tết tại vùng này, sáng nào sương cũng mịt mù đến 10 giờ mới tan, nên lúc ra đi phải dùng đường cái lớn, qua BCH Liên trại 1, qua K lò gạch, qua một công trường làm đường, rồi rẽ vào con đường nhỏ ngoằn ngoèo theo các sườn đồi, lên một vùng bình nguyên của Hợp tác xã (không biết tên) có khoảng vài chục căn nhà. Từ trại đến nơi lao động, lúc nào chúng tôi cũng phải đi nhanh như chạy Marathon, thế mà thời gian di chuyển tính ra cũng mất khoảng 2 tiếng đồng hồ.
Buổi chiều, lao động xong, chúng tôi không trở về trại theo đường cái lớn, mà đi theo một con đường mòn, tắt băng rừng. Phải leo lên tụt xuống qua 3, 4 đỉnh đèo, qua đập nước K3 (Trại Cốc), rồi thêm một đoạn sườn núi chừng 1 cây số nữa mới về tới K2 (Trại Cây Khế) của chúng tôi.
Trong chuyến đi làm xa này, một ấn tượng vô cùng chua chát, đã hằn sâu vào bộ não của chúng tôi không bao giờ quên được, sau khi nhìn thấy tận mắt cái quang cảnh Công trường làm đường, và nơi ăn chốn ở của những Công dân Xã hội chủ nghiã miền cao nguyên Hoàng Liên Sơn.
Theo lời rêu rao của Bác Hồ, của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà Nước Xã hội Chủ nghiã thì, những người vô sản lao động thuộc giai cấp lãnh đạo Cách mạng kiến thiết đất nước. Thế mà hoàn cảnh sống “thực tế” của họ, trông thấy rõ ràng, so với cảnh sống của vợ con các Chủ nhiệm Hợp Tác Xã, hoặc Cán bộ Cộng sản lãnh đạo các cấp Trung ương, Địa phương, khác xa nhau một trời một vực.

Giá trị cuộc sống của giới lao động, công dân trung kiên theo Xã hội Chủ nghiã, từ hồi Cách mạng mùa Thu 1945 thành công đến nay, còn như vậy. Huống chi mình, đã từng cầm súng chống đối chế độ, đang phải cải tạo để được trở thành công dân Xã hội Chủ nghiã, tương lai sẽ như thế nào?
Một tấm bảng to tướng, ghi chữ “Công trường làm đường, Công ty…” được dựng ngay bên đường, mà chỉ thấy khoảng vài ba chục người, dùng cuốc, xẻng, xà beng, búa tạ, đầm cầm tay, “ki” làm bằng “chổm” khiêng đá, đất, cuốc ở sườn núi ra, để hì hục giặm vá, lấp các lỗ ổ gà xâu hoắm trên mặt đường. Trông chẳng khác nào đám phu làm đường miền thượng du, thời Thực dân Pháp đô hộ mấy chục năm về trước, mà Tôi đã từng thấy ở miền Lạng Sơn, Thất Khê.

Nhân công gồm toàn người lớn tuổi, và nam nữ thanh thiếu niên trạc 15 đến 17. Người nào trông cũng phong sương, đen xạm, làm việc không ngơi tay, dưới sự hò hét thúc giục “thi đua” của Giám đốc Công trường và các Trưởng toán.

Gần ngay nơi Công trường có 2 dẫy nhà ở, một khu nhà bếp, và dẫy nhà ăn tập thể. Tất cả các nhà đều lợp mái tôn, vách phên, sườn khung nhà bằng gỗ. Trong khi người lớn đi lao động, mấy đứa trẻ trên dưới 10 tuổi, áo quần rách rưới, lem luốc bẩn thỉu, mắt mũi đầy ghèn, đùa giỡn bên lề đường, trước sân nhà ăn.

Khi đi ngang, trong số anh em Tù chúng tôi có người lên tiếng thân thiện hỏi : “-Các cháu không đi học à ?” Lập tức có em lớn hơn cả trả lời ngay, không cần suy nghĩ : “-Ông nội của chúng mày, chớ cháu chắt gì, đồ ngụy bán nước.”

Thật ngỡ ngàng. Từ đó về sau, anh em rút kinh nghiệm, không bao giờ còn dại dột tìm cách làm quen xã giao với quần chúng địa phương nữa.

Đến nơi làm thuê, mới biết công việc của chúng tôi là phá đất đỉnh đồi, ban ra, để nâng cao mặt đập đã có sẵn từ trước, nèn đập cho thật chắc. Đập dài cả trăm mét, mặt đập rộng 50 mét, sườn đập phiá ngoài, từ mặt đến chân khe ước chừng cũng khoảng 100 mét. Đây là đập của hồ thủy lợi, vừa dùng tích trữ nước trong mùa mưa, để vào mùa nắng khô cạn có nước tưới ruộng trong bình nguyên, vừa lợi dụng thả cá “làm kinh tế” cho Hợp Tác Xã.

Ngoài Đội chúng tôi từ K2 (Trại Cây Khế) đến, thấy còn nhiều Đội khác ở trại nào không rõ, đang làm ở đây trước chúng tôi. Họ lấy đất đỉnh đồi ở đầu đập bên phiá Bắc, khiêng ra mặt đập, ban, nèn, đầm mặt và sườn đập cho chắc. Đội chúng tôi đến sau, được giao việc phạt sườn đồi ở đầu phiá Nam của đập, tạo một mặt bằng thật rộng, để sau này dựng cơ sở gì đó không biết.

Đất đồi nơi chúng tôi phá vỡ ra, phải dùng “xe ban” hất trôi xuống chân đập. “Chỉ tiêu” quy định mỗi người phải làm 1 mét khối đất một ngày, tức là gấp đôi “chỉ tiêu” làm tại đập hồ cá K3 (Trại Cốc).

Sau khi Cán bộ quản giáo và các anh Tổ trưởng đi đo đất, đóng cọc mốc diện tích riêng cho từng Tổ theo “chỉ tiêu” quy định xong. Các Tổ bắt đầu “thi đua khởi công”. Tổ nào xong trước được nghỉ sớm, ngồi chờ các Tổ khác làm xong mới cùng tập họp, rời “hiện trường lao động” trở về Trại.
Với chỉ tiêu nặng như vậy, chả có Tổ nào có cơ may nghỉ sớm cả. Ngày nào cũng phải làm khoảng hơn 10 tiếng đồng hồ mới xong. Vừa đúng lúc mặt trời đang tụt xuống, ngang đỉnh dẫy núi phiá Tây của bình nguyên.

Để “triển khai thi công”, Tổ chúng tôi phải chia thành 3 toán làm việc : 2 toán kéo “xe ban” hết 6 người, toán 4 người còn lại hiệp lực vừa phá đất, vừa gom vun thành đống cho “xe ban” kéo đi.
Nghe chữ “xe ban”, ai cũng tưởng là một loại cơ giới nào đặc biệt lắm. Thực ra nó chỉ là một miếng ván dầy 5 phân, dài 1 mét rưỡi, mặt rộng 50 phân, có một khung càng gồm 3 thanh gỗ tròn, đóng vào khoảng gần 2 đầu miếng ván, và 2 sợi dây kéo. Hình dáng “xe ban” trông y như chiếc bừa, nhà nông vẫn thường dùng để làm tơi đất, sau khi cầy lật thành từng hàng dài trên ruộng.

Xử dụng “xe ban”, có thể di chuyển được lượng đất nhiều và nhanh hơn dùng “ki” khiêng, nhưng phải cần tới 3 người. Một người cầm càng điều khiển, 2 người cầm dây kéo dài khoảng 3 mét cột ở 2 đầu miếng ván, y như dùng 2 con trâu keo 1 cái bừa vậy. Người điều khiển phải biết kỹ thuật cầm càng và phụ đẩy, xe mới trượt đi suông sẻ, nhẹ nhàng. Nếu không, xe sẽ khựng lại không kéo đất trơn đi, mà người cầm càng còn bị sức kéo, lôi cả người lẫn xe ngã chúi về phiá trước, rất nguy hiểm.

Ngày nào, Tôi cũng bị anh em trong toán, đùn cho việc lái “xe ban”. Qua kinh nghiệm học được, muốn “xe ban” chạy được suông sẻ, người cầm càng phải đứng ở khoảng đúng giữa “xe ban”. Chân trái, đưa ra phiá trước, để phần 3 lòng bàn chân lên cạnh trên của miếng gỗ thân xe. Chân phải, đứng trên đất soạc ra phiá sau, làm sao cho sức nặng của toàn thân, được chia đều trên cả 2 chân. Hai tay dang rộng nắm chặt đà ngang càng xe, và giữ cho càng xe nghiêng khoảng 30 độ góc, hướng vào ngang rốn của mình. Khi hô 2 bạn kéo tới, mình phải vừa đè càng cho thân xe sát mặt đất, vừa phụ đẩy, xe sẽ chạy nhẹ nhàng và rất nhanh. Sơ ý là cả 3 cùng lăn tuột theo sườn đập đến chân khe luôn.

Kinh nghiệm phá vỡ đất cho nhanh, chúng tôi được Trung úy Khảm Quản giáo Đội tiếp tay hướng dẫn thật tận tình. Ông ta vốn người lanh lợi, tháo vát, và có chút “tình người” đối với anh em trong Đội. Qua những lúc chuyện vãn trong giờ giải lao, ông ta thường khoe trướùc kia đã từng nhiều lần tham dự các cuộc “thi đua lao động”, do các Đại đơn vị Quân đội Nhân dân tổ chức, và lần nào cũng đoạt giải “Anh hùng lao động”.

Sở dĩ chúng tôi phá vỡ đất được nhanh, là nhờ phần sườn đồi nơi chúng tôi làm, đã được vạt thẳng đứng từ trước, cao khoảng 4 mét. Nên trước nhất, phải cuốc khoét đoạn dưới chân sát mặt đập, sâu vào khoảng 70 phân, cao 1 mét. Sau đó lên phiá trên, cuốc một rãnh dài sâu rộng chừng 3, 4 chục phân, và những lỗ xâu cách nhau 50 phân, rồi dùng xà beng bẩy mạnh là từng mảng đất lớn sẽ lở ra tụt xuống.

Thật rõ ràng “trăm hay không bằng tay quen” là thế. Nhưng “thực tế” bắt tay vào việc, mới thấy chẳng đơn giản như vậy đâu. Lẫn trong đất núi còn gặp những tảng đá to tướng, phải dùng búa tạ đục đẽo phá cho nó vỡ lần lần ra, cũng trần ai lắm. Vì thế mà chẳng ngày nào hy vọng làm ít hơn 10 tiếng đồng hồ cả.

Muốn cố gắng lột bỏ cái áo “Giai cấp Tư sản” của mình do Cộng sản gán cho, bằng “Lao động Cải tạo Tư tưởng” để trở thành người “Công dân Xã hội chủ nghiã”, thật không đơn giản dễ dàng gì.
Cái giá phải trả luôn luôn bằng máu, mồ hôi, và nước mắt, không chỉ của riêng bản thân mình trong các trại cải tạo, mà còn phải cộng chung của cả Vợ Con mình tại địa phương đang cư ngụ nữa.


KHOAN HỒNG NHÂN ĐẠO ?

Xót xa tình nghiã đồng bào,
Tha không xử chết, cho vào tập trung.
Học gương lao động anh hùng,
Tập tành đắp đập, phá rừng, làm nông.
Bao giờ thành thạo reo trồng,
Chăn nuôi,canh tác tinh thông thì về.
Xung vào Hợp tác xã quê,
Sống theo đời mới đủ nghề làm ăn.
Vợ, Con, khỏi phải băn khoăn,
Tội ai nấy chịu, chẳng can hệ gì.
Trẻ con vẫn học, vẫn thi,
Vợ thì lao động, hưởng tùy khả năng.
Thoạt nghe phấn khởi tinh thần,
Định tâm cải tạo bản thân đêm ngày.
Rêu rao chính sách thật hay,
Đến khi thực hiện đọa đầy dã man.
Gớm thay bè lũ bạo tàn,
Nỏ mồm lừa bịp thế gian nhân quần.

K2 (Trại Cây Khế) Liên Trại 1, tháng 1 năm 1977.

Không có nhận xét nào: