Thứ Sáu, tháng 1 09, 2009

HỒi ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 4

MỘT THÁNG HỌC LÀM NGƯỜI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Tờ mờ sáng 16-6-1975, đoàn xe chở các Tướng và anh em Ðại tá chúng tôi đến Trại Long Giao, Long Khánh. Nhưng xe chở Ðội chúng tôi không vào qua cổng trại, mà đậu phiá ngoài rào kẽm gai phía Tây, tại một chỗ có khúc rào bị phá xập. Trời còn tối mù, đặc hơi sương, mọi người xuống xe, vác hành trang riêng mò mẫm leo qua kẽm gai, vào mấy căn nhà tiền chế bằng tôn. Trời sáng dần, mờ mờ qua làn sương, thấy dọc bờ rào cách những dẫy nhà khoảng vài trăm mét, có mấy ụ đất xây hầm bê tông cốt sắt chứa đạn và lựu đạn, của đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (QLVNCH) để lại chưa kịp phá hủy.

Trong khi chờ các Ðội trưởng theo Cán bộ đi nhận nhà ở cho từng Ðội, một số trong anh em chúng tôi bủa đi lùng nhặt Gamen, muổng, niã, Ca uống nước, Bi đông đựng nước bằng nhôm, vứt bừa bãi quanh nhà, trong các đống rác, để rửa sạch mà dùng. Vì những bạn này cứ tưởng, theo thông cáo của Nhà nước đi học tập đóng tiền ăn cho nhà thầu nấu nướng, thì đương nhiên nhà thầu phải cung cấp đủ thứ, y như 3 ngày vừa qua tập trung tại Ðại học xá Minh Mạng, nên không đem theo đồ dùng. Có người chậm hiểu, không thức tỉnh sớm, đến bữa ăn đầu tiên tại trại tập trung không có đồ dùng để ăn, mới quýnh lên, vội vã lấy mì gói ăn liền đem theo, năn nỉ xin đổi lấy Ca, Gamen, muổng, niã, từ những bạn nhặt được nhiều không dùng hết.

Ðội của Tôi được chia một dẫy nhà tôn tiền chế, gần “nhà bếp 2” dành riêng cho khu giam Ðại tá. Nhà được dựng trên nền xi măng cao hơn mặt đất chừng 20 phân. Nhà thuộc loại kho chứa vật liệu, không có cửa sổ dọc 2 bên hông, chỉ có 2 lối ra vào ở 2 đầu nhà, cánh cửa đã bị gỡ mất. Một vài miếng tôn làm tường, dọc 2 bên hông nhà cũng đã bị gỡ mất. Chúng tôi phải chia nhau đi tìm những miếng tôn, cong rách vứt gần mấy đống rác, đem về đập thẳng ra để cột chám vào mấy chỗ trống cho kín gió, cản sương đêm, và ngừa mưa tạt. Tôn trên mái nhà cũng có nhiều lỗ thủng, không có thang để leo lên chám, đành để vậy. Ai xui xẻo nằm đúng chỗ dột, chỉ còn cách trải áo mưa hoặc miếng ni lông choàng thay áo mưa, lên trên nóc mùng (màn) mà hứng nước chịu trận. Chung quanh nhà không có cây cao tàn lá cho bóng mát, nên ở trong nhà ban ngày nóng như bị nung trong lò lửa. Ngược lại, ban đêm lạnh toát như nằm trong hầm chứa nước đá.

Trong lúc đi kiếm vật liệu gần bờ rào, quanh các dẫy nhà khác, Tôi tình cờ gặp Ðại tá Phạm văn Cảm, đang đứng tựa bên vách đầu nhà của một Ðội khác. Tôi đến gần chào, ông đã già lụ khụ mắt kém, nhưng vẫn nhận ra Tôi, bắt tay thăm hỏi thật thân thiện. Ông đã giải ngũ từ thời Tổng thống Ngô Ðình Diệm (Ðệ nhất Cộng hoà), mà cũng phải đi trình diện tập trung cải tạo. Tôi biết Ðại tá Cảm từ tháng 6 năm 1949, khi Tôi mới tốt nghiệp Thiếu úy Trường Võ bị Quốc gia được thuyên chuyển về Ðại đội 2 Tiểu đoàn 2 VN tại Hànội. Lúc đó, Ðại tá Cảm nguyên là Trung úy bên Quân đội Liên hiệp Pháp, chuyển sang Quân đội Quốc gia Việt Nam được thăng lên cấp Ðại úy, làm Ðại đội trưởng Ðại đội 1 của Tiểu đoàn 2 Việt Nam, do Thiếu tá Vũ văn Thụ làm Tiểu đoàn trưởng (sau này ông Thụ được thăng lên đến cấp Ðại tá làm Tham mưu trưởng Ðệ tam Quân khu tại Hànội một thời gian).

Theo truyền thống xã giao của Sĩ quan đã được hướng dẫn trong Trường Võ bị, sau khi trình diện Tiểu đoàn trưởng, Tôi đã đi trình diện thăm xã giao các Ðại đội trưởng. Do đó với tư cách Sĩ quan đàn anh trong Tiểu đoàn, Ðại úy Cảm đã mời Tôi đến nhà đãi một bữa ăn tối thật thân mật, đầm ấm không khí gia đình, do chính Phu nhân Ðại úy Cảm sửa soạn. Tôi không bao giờ quên cảm tình đặc biệt đó. Trong bữa ăn có cả Thiếu úy Bùi Ðình Ðạm, cùng tốt nghiệp một khoá với Tôi, được bổ nhiệm về Ðại đội 1 của Ðại úy Cảm.

Sau cuộc di cư từ Bắc vào Nam theo quy định của Hiệp định Genève tháng 7 năm 1954, Ðại tá Cảm được Tướng Tổng Tham mưu trưởng Nguyễn văn Hinh chỉ định làm Chỉ huy trưởng trường Sĩ quan Trừ Bị Thủ Ðức. Một thời gian sau, theo kế hoạch trẻ trung hoá Quân đội, Tổng thống Diệm cho giải ngũ cùng một lượt với nhiều sĩ quan khác, trước kia do Pháp chuyển từ các đơn vị thuộc đoàn quân Liên Hiệp Pháp thành lập, qua Quân đội Quốc gia Việt Nam.

Trong khi Ðại tá Cảm làm Chỉ huy trưởng Trường Sĩ quan Trừ Bị Thủ Ðức, thì Thiếu tá Bùi Ðình Ðạm làm Tham mưu trưởng của trường. Sau này anh Ðạm lên đến cấp Thiếu tướng trong QLVNCH. Trong thời Ðệ nhất Cộng hoà được Tổng thống Diệm cử làm Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh đóng tại Mỹ Tho. Trước 30 tháng 4 năm 1975, anh Ðạm làm Giám đốc Nha Ðộng viên Bộ Quốc phòng tại Saigon, hiện đang định cư tỵ nạn tại California.

Lúc bữa ăn gần tàn, Ðại úy Cảm giới thiệu Tôi với người con trai Phạm Tất Thông vừa đi học về. Sau này anh Thông cũng theo học Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam tại Ðà Lạt, và trước 30-4-1975 là Ðại tá ngành Quân Cụ, hiện cũng đang định cư tỵ nạn tại California.

Thật tội nghiệp, mặc dù Ðại tá Cảm đã già yếu, đang bị bệnh trĩ rất nặng, lòi ra khỏi hậu môn cả 10 phân, không mặc được quần, phải mặc áo choàng dài đến đầu gối cả ngày đêm, nằm ngủ trên võng vải, thế mà cũng bị buộc phải đi tập trung tại Long Giao.

Vài ngày sau Ðại tá Cảm được đưa lên Bệnh xá của trại tập trung. Khoảng một tháng sau, lại có tin Ðại tá Cảm đã được thả về nhà không phải cải tạo, nhờ lượng khoan hồng nhân đạo của Chính phủ Cách mạng Lâm thời tại miền Nam VN, đối với những người già nua bệnh hoạn mãn tính nặng. Ðược tin này, mọi người hân hoan mừng rỡ, chia sẻ nỗi vui may mắn của Ðại tá Cảm và gia đình.
Long Giao là doanh trại do Ðơn vị Pháo binh Không kỵ Hoa Kỳ xây dựng, khi rút đi để lại cho QLVNCH. Theo giải thích của Ðại tá Bùi Ðức Ðiềm (đang tỵ nạn tại California) nguyên Tỉnh trưởng Long Khánh thì, LONG GIAO là một đại danh từ ghép, lấy từ 2 chữ đầu của “LONG Khánh” và “GIAO hảo” với Hoa Kỳ, mà đặt ra. Ðơn vị QLVNCH sau cùng đóng tại trại này, là Trung Ðoàn 14 thuộc Sư Ðoàn 18 Bộ binh.

Nhà cửa bị tàn phá hư hao nhiều, cỏ dại, cây gai mọc loạn xà ngầu, phủ kín cả đường đi, sát tận quanh nhà, trên rào kẽm gai, cần phải dọn dẹp, tu sửa chỉnh trang lại thì mới ở được. Trại không cung cấp cuốc, xẻng, dao, búa, kìm chi cả, mà lại ra lệnh chia khu cho các Ðội làm sạch sẽ. Thật là vạn nan, với 2 bàn tay không anh em vẫn phải “khắc phục” thi hành lệnh.

Một anh Ðại tá trong Ðội chúng tôi, vốn gốc Công binh, đưa sáng kiến đề nghị cán bộ cho dùng gỗ đốt nung các cọc sắt rào kẽm gai đỏ lên, đập bẹt 1 đầu làm xẻng, và uốn cong 1 khúc theo hình góc thước thợ làm cuốc. Cán bộ chấp thuận cho phép thực hiện để dùng đỡ, trong khi chờ trại xin cấp trên tiếp tế dụng cụ làm nông nghiệp. Thật rõ ràng “lao động là sáng tạo”, đúng như quy luật “đỉnh cao trí tuệ Cách mạng” đã khẳng định.

Trong thời gian dọn dẹp rác rến, phát cây rẫy cỏ hoang riêng trong từng khu, đã xẩy ra một tai nạn khủng khiếp chẳng bao giờ quên được. Trong giờ nghỉ trưa, bên phiá khu giam anh em cấp úy, bỗng dưng có một tiếng nổ long trời dậy đất. Chúng tôi đang nghỉ trưa, giật mình hoảng hốt uà ra trước cửa láng ở, quan sát nghe ngóng coi việc gì xẩy ra.

Thấy Bộ đội cảnh vệ cầm súng chạy túa đi các ngả đường, đến vị trí phòng thủ. Một ý nghĩ chợt loé ra trong đầu Tôi. Không lẽ có biến động phá trại giam để giải thoát Tù? Trường hợp này thì mình phải làm gì? Có nên bàn với các bạn chuẩn bị hành động gì không? Bao nhiêu câu hỏi nẩy ra trong đầu, y như hồi đang thụ huấn tại trường Võ bị, trong giai đoạn cá nhân và Tiểu đội chuẩn bị tiến thối trong tác chiến vậy. Suy nghĩ như vậy, nhưng chỉ giữ kín cho riêng mình, không giám thổ lộ với ai cả. Hoàn cảnh giao thời này, biết ai là “cách mạng 30 tháng tư” trà trộn trong anh em. Lỡ thố lộ gặp nhằm “qủy đón gió trở cờ”, không những mang họa vào thân, mà còn có thể liên lụy cho vợ con ở nhà, thì sẽ phải ân hận suốt đời.

Mọi người còn đang ngơ ngác nhìn quanh, Quản giáo Ðội chúng tôi tới đuổi vào nhà, không được nhốn nháo mất trật tự. Mấy giờ sau được tin, có anh bạn Tù bên khu cấp Úy bị trọng thương, vì lựu đạn nổ trong hầm ụ đất cấm lai vãng. Những ngày kế theo, anh em xì xào nhiều tin tức khác nhau, không biết tin nào đúng. Có tin cho là anh ấy phải dọn hầm đạn, chẳng may làm rớt thùng lựu đạn nổ. Có tin cho là anh ấy tự tử, để chống đối cách cư xử nghiệt ngã của trại tập trung. Có tin cho là anh ấy vượt rào trốn trại đạp phải mìn. Vì trong tình trạng phải sống cách ly, người khác Láng ở không được liên hệ với nhau, vi phạm sẽ bị kỷ luật nặng, nên không kiểm chứng được. Bây giờ, chỉ có bạn nào đã cùng bị giam chung với anh bạn không may kia đang còn sống kể lại, thì sự thật mới được phô bầy chính xác.

Ít ngày sau, bỗng một hôm lại nghe nhiều tiếng súng nhát gừng, rồi liên thanh vang dội tít ngoài rừng xa, anh em cũng ngơ ngác nhìn nhau hồi hộp. Sáng hôm sau, khi “toán anh nuôi” của Ðội chúng tôi, đi lãnh thực phẩm ngoài cổng trại về, cho hay là có mấy anh em bên khu cấp Úy, hàng ngày được dẫn đi đốn củi cung cấp cho các nhà bếp của trại, đã cướp súng trốn trại.

Sau khi dọn dẹp các bờ bụi, rác rến sạch sẽ, anh em được chia khu đất trước các dẫy nhà ra sát tới hàng rào kẽm gai, cuốc lên đắp luống trồng khoai mì (sắn). Hơn tháng sau, khoai mì bắt đầu vươn lên thành những luống cây xanh mướt, trông cũng thấy mát con mắt.

Nước ăn uống, tắm giặt, trong khu Ðại tá chúng tôi có 1 giếng đào, miệng giếng rộng hơn 1 mét, sâu 25 mét, phải dùng gầu làm bằng can đựng xăng loại 20 lít cột vào đầu sợi cáp dài 50 mét, để thòng xuống múc nước kéo lên. Ưu tiên phải dành cho toán kéo nước phục vụ nhà bếp, lấy đủ 40 thùng phuy 200 lít một ngày xong, mới tới phần anh em kéo nước dùng riêng.

Mỗi toán kéo nước gồm 4 người. Hai người cầm đầu dây cáp đứng cách xa miệng giếng 50 mét, đi tới đi lui thả gầu xuống kéo gầu lên, theo hiệu lệnh của 2 người đứng sát miệng giếng điều khiển. Hai người đứng bên miệng giếng, có trách nhiệm bê gầu nước đầy vừa kéo lên, đổ vào 2 thùng phuy đặt trên xe cải tiến. Khi nào cả 2 thùng đầy ặp thì ngưng kéo nước, cả 4 tụm lại hiệp sức đẩy về nhà bếp đổ vào hồ chứa.

Trong thời gian toán kéo nước nhà bếp rời xa giếng, mọi người được phép tranh nhau, thả gầu nhỏ cá nhân xuống giếng kéo nước lên dùng riêng, cho đến khi toán nhà bếp trở ra, lại phải ngưng để nhường chỗ cho họ, tiếp tục quyền ưu tiên làm “phận sự phục vụ tập thể”.

Ðây là vùng đất sét pha cát, vào mùa nắng đất khô, đi tới đi lui gò lưng kéo nước còn dễ dàng, nhưng tới mùa mưa thì ôi thôi thật là muôn phần khó khăn. Ðất trơn trợt, phải cúi gục người về phiá trước, bấm sâu các đầu ngón chân xuống đất để đi tới mà kéo nuớc lên, thỉnh thoảng vẫn bị trượt chân ngã chúi về phiá trước, mặt vập xuống đớp đầy mồm đất và nước bùn.

Mùa nắng cũng như mùa mưa, nhóm kéo nước bao giờ cũng phải xoay trần, chỉ mặc có một chiếc quần ngắn, mà mồ hôi lúc nào cũng nhễ nhại như tắm. Ðổi lại sự cực nhọc này, cán bộ “chỉ đạo” cho “toán anh nuôi”, cấp thêm cho mỗi người trong nhóm kéo nước và nhóm bửa củi cho nhà bếp, mỗi bữa một miếng cơm cháy lớn bằng bàn tay, để gọi là “bồi dưỡng”.

Ðể áp dụng luật công bằng theo Xã hội chủ nghĩa, những đội ăn chung trong một bếp, được chỉ định luân phiên nhau phụ trách làm “ đội anh nuôi” một ngày. Trong những ngày này, anh em trong Ðội phải chia nhau thành các toán : đi lãnh gạo và thực phẩm tươi, nấu cơm, thức ăn và chia ra từng mâm 6 người riêng theo từng Ðội, bửa củi, kéo nước.

Thực đơn ăn hàng ngày, ghi trên bảng thông báo để tại nhà bếp thấy mà ham. Nào là cơm gạo Ðại Mễ, canh rau, thịt kho. Nhưng thực tế thiểu não vô cùng.

Gạo Ðại Mễ do Trung cộng cấp cho Việt cộng tích trữ trong rừng để xâm lăng miền Nam, nay lấy về cung cấp cho tù tập trung ăn. Gạo để lâu ngày dưới hầm trong rừng đã mục nát, bao thủng bị trộn đầy sạn cát và sâu, mọt, xúc đóng vào bao mới. Nấu thành cơm ăn hôi, nhão, phải xúc từng muổng nhỏ bỏ vào miệng trệu trạo qua loa rồi nuốt, không dám nhai vì đụng sạn ghê răng.
Canh rau, mỗi người được đôi ba cọng rau muống, hoặc vài lát cải xanh nấu với nước muối lõng bõng. Thịt kho, thì một con gà nặng chừng 2 kí lô cân cả lông, hoặc 1 hộp thịt bò 1 kí lô, nấu cho khoảng 150 người dùng 2 bữa. Toán “anh nuôi” phải vận dụng trí thông minh, làm sạch lông gà xong, bằm nhuyễn cả xương, thả vào bung nước muối cho thật nhừ. Lúc chia cho các mâm ăn từng 6 người một, phải dùng muôi khoắng quậy đều, múc cả nước lẫn cái. Mỗi mâm được 6 muôi, tức là mỗi người được khoảng 2 muổng húp canh cá nhân. Thịt bò hộp cũng vậy, đổ ra khỏi hộp, bằm nhuyễn, thả vào kho nước muối lõng bõng, rồi chia y như chia thịt gà kho.

Mùa nắng giếng cạn, nước khan hiếm, việc tắm giặt, giữ vệ sinh cá nhân hàng ngày là một vấn nạn lớn cho mọi người. Ðể “khắc phục”, Tôi đã nghĩ ra được kỹ thuật tắm gội có dùng xà bông, tốn ít nước, một cách tuyệt vời. Chỉ cần 1 thùng đạn 30 ly đầy 2 lít nước là đủ. Chắc trên trái đất này, chưa có một nhà bác học nào có thể nghĩ ra được.

Bỏ hết quần áo ra, ngồi chồm hổm trên 1 miếng tôn hay miếng ván mỏng, tay phải múc một ca nước đưa lên đỉnh đầu, từ từ xối nước xuống , trong khi đó tay kia xoa nhè nhẹ cho nước thấm ướt hết tóc, rồi lần theo nước chẩy xuống đến đâu thì xoa tay theo tới đó, đến khi cả người từ đầu đến chân ướt đều thì ngưng. Tiếp theo, lấy Xà bông chà lên tóc, dùng 2 tay chà cho xà bông nổi bọt để gội đầu, rồi từ từ xoa cho bọt xà bông chẩy xuống mặt, cổ, vai, mình … y như làm động tác xoa nước cho ướt mình vậy. Khi toàn thân được chà xà bông kỹ càng, lại lấy ca nước sạch từ từ dội từ đỉnh đầu, xoa kỳ cho tóc sạch hết xà bông. Và cứ tiếp tục làm như vậy bằng từng ca nước một, lần lần xuống mặt, cổ, vai, mình, tay, chân. Khi dùng tới ca nước cuối cùng là bảo đảm người hoàn toàn sạch sẽ.

Muốn biết lời Tôi nói có đúng không, xin làm thử một lần sẽ biết. Dĩ nhiên cần phải kiên nhẫn, tập trung tư tưởng ghê gớm lắm mới làm được. Ở trong tình trạng đợi học tập, không phải ra ngoài lao động, nên có gì vội vã đâu, đây cũng là một hành động thú vị để giết thì giờ buồn nản.

Ba tháng cay đắng cực khổ, đã chậm chạp trôi qua. Vẫn chưa nghe động tĩnh gì về việc tổ chức học tập quy củ, để trở thành người lao động Xã hội chủ nghiã cả. Phải chăng đây mới chỉ là giai đoạn thử thách ban đầu, trước khi chính thức bước vào học tập cải tạo thực sự. Nếu đúng vậy thì, chẳng biết sẽ còn phải chịu cực nhục đói khổ đến mức nào? Cái thông báo của Nhà Nước đi học tập một tháng, chẳng còn giá trị gì. Ðúng là xảo quyệt lừa lọc loát khoét như Vẹm (Việt Minh).

Long Giao vốn trại của Ta,
Ngày nay đời đổi hóa ra làng tù.
Lâu ngày chẳng được trùng tu,
Tan hoang nên phải lu bu sửa hoài.
Tay không bứt cỏ, bẻ gai,
Nhổ tranh, bới đất trồng khoai, trồng mì.
Ðá xanh vun đắp lối đi,
Sửa nhà, dựng vách phòng khi đổi mùa.
Tiết Trời đang chuyển sang mưa,
Nắng ngày gay gắt, sương khuya lạnh lùng.
Tập trung đủ mặt anh hùng,
Tùy theo cấp bậc, nhốt từng khu riêng.
Nấu ăn, chia đội luân phiên,
Mỗi khu hỏa vụ lo trên trăm người.
Nước dùng, kéo đáy giếng khơi,
Mỗi ngày lãnh gạo, đồ tươi về làm.
Thực đơn nghe báo mà ham,
Nay gà, mai lợn, mốt tôm, kia bò.
Lãnh về ai nấy ngẩn ngơ,
Con gà hai kí phát cho trăm người.
Vứt lông, bầm nát xong xuôi,
Nêm tiêu, xả, muối, bỏ nồi nước ninh.
Lúc chia vận trí thông minh,
Khuắng đều cái nước như sình múc ra.
Người hai muổng xả kho gà,
Trộn cơm Ðại Mễ ăn mà độ thân.
Ðổi đời phải luyện tập dần,
Miếng ăn ít ỏi, chia phân đồng đều.
Nếu không kẻ ít người nhiều,
Lời qua tiếng lại, sinh điều chẳng hay.
Ngày ngày khắc vạch lên cây,
Ðếm dư trăm ngấn mà Thầy chửa ra.
Hẳn là phải đợi đến già,
Chờ hồi xương mục, chẳng tha cũng về.

Long Giao, Long Khánh, Tháng 9-1975

Không có nhận xét nào: