Thứ Tư, tháng 1 07, 2009

HỒI ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 35

KHÚC QUANH SAU CÙNG CỦA ĐẠI NẠN CẢI TẠO

trong

Hồi Ức Tù Cải Tạo Việt Nam

Nguyễn Huy Hùng


Ngày “ra quân đầu năm Bính Dần-1986”, ngoại trừ mấy anh tiếp tục tưới những luống rau chưa “thâu hoạch”, toàn Đội 23 chúng tôi phải tập trung dựng 2 giàn bầu, ở 2 bên đầu cầu trước khu Nhà Thăm Nuôi mới, dài 50 mét, rộng 10 mét, để phủ kín từ bờ này sang bờ kia khúc sông cạn. Quản giáo Đội cho biết, “Ban” Nhu muốn công tác phải giải quyết “khẩn trương” trong vòng 1 tuần lễ, để kịp “hạ thổ” các cây bầu giống, do anh Dương hiếu Nghĩa (Đại tá Thiết giáp) ương từ trước Tết, nay đã đủ sức mạnh đâm rễ xuống đất và tăng trưởng ngọn leo lên giàn. Hẳn là sắp có nhu cầu trình diễn, nên “Ban” Nhu Trưởng Trại Z30D mới quy định kỳ hạn, cho Đội chúng tôi phải hoàn tất công tác như vậy.

Chiều ngày mồng 2 Tết, Đội Lâm Nghiệp đã chặt tre rừng, và xe tải của Trại đã chuyển đến, đổ xuống khoảng đất trống trước sân khu Nhà Thăm Nuôi, một đống cao lù lù, nhiều hơn nhu cầu. Ngày mồng 3 “ra quân”, Đội chúng tôi chỉ việc hiệp nhau lựa cây, sắp xếp trôn cột, ráp nối đóng khung, gác buộc giàn ô vuông cỡ 4 tấc như quy định. Ngày nào “Ban” Nhu cũng ghé qua xem tiến triển công tác, và góp ý kiến hướng dẫn cho việc thực hiện được đúng như “Ban” muốn. Chúng tôi chỉ mất có 4 ngày, đã làm xong 2 giàn bầu rất đẹp mắt, trông như 2 cánh của con chuồn chuồn. Đầu chuồn chuồn là hòn đảo có 2 dẫy Nhà Thăm Nuôi với các bồn bông, thân chuồn chuồn là chiếc cầu gỗ ở giữa 2 giàn bầu, và đuôi chuồn chuồn là con đường dài từ cầu dẫn ra Vườn Tao Ngộ.
“Ban” Nhu rất ngạc nhiên, tấm tắc khen chúng tôi giỏi, việc gì làm cũng rất thông thạo, kỹ càng, mỹ thuật. Những lời nhận xét này, được “Ban” Nhu nhắc đi nhắc lại trước các đoàn “tham quan”, như cố ý khoe cái tài của ông ấy cải tạo các Đại tá Chế độ cũ, trở nên người lao động Xã hội Chủ nghĩa thành thạo. Nhưng, các phái đoàn Trung ương và địa phương tới Trại Z30D “tham quan” đâu có biết. Những năm 1976-1977 ở Liên trại 1, xã Việt Cường, Yên Bái, Hoàng Liên Sơn, do Bộ đội Cộng sản Bắc Việt quản lý, anh em chúng tôi đã phải lên rừng, chặt tre, đốn gỗ về làm nhà, làm hàng rào để giam chính bản thân mình, làm cơ sở Văn phòng cho Ban Chỉ huy trại và nhà cho Bộ đội canh gác Tù ở đã quen, nên bây giờ mọi việc mới thực hiện được dễ dàng nhanh chóng, chẳng bỡ ngỡ khó khăn gì.

Dựng giàn bầu xong, anh em chúng tôi phải cải tiến tổ chức Đội, phân công lại, để hoàn thành “chỉ tiêu thi đua” sản xuất Rau Xanh quy định cho năm 1986, cao hơn năm cũ, nhưng không tăng cường nhân số. Chúng tôi biết trong số Tù Nam giam tại K1, cũng có bạn Tù cấp bậc Đại tá trong vài Đội khác, không biết vì sao các bạn ấy không được tập trung vào cùng Đội với chúng tôi.
Nhờ mớ kinh nghiệm thực tế, học được trong thời gian trồng rau bên Z30C, tại Z30D, câu phương châm đầu môi chót lưỡi của Cách mạng Vô sản, phải nghe thường ngày như kinh nhật tụng, suốt hơn mười năm cải tạo : “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, và dựa theo khả năng sức khoẻ của mỗi người, anh em chúng tôi đồng thoả thuận chia thành những nhóm, phụ trách các phần vụ chuyên biệt khác nhau.

Nhóm lo trồng 3 vạt ớt, săn sóc chục cây đu đủ, các bụi chuối, giàn nho, vườn hoa quanh Khu Nhà Thăm Nuôi và dọc đường 2 bên bờ sông, không cần sức nhiều, giao cho Linh mục Bùi đức Sinh và các anh Đại tá Nguyễn văn Phúc (Chiến tranh Chính trị), Lại đức Nhi (An ninh Quân đội) phụ trách. Riêng vạt ớt của Linh mục Sinh ở ngay 2 bên đầu cầu trước khu Nhà Thăm Nuôi, hàng ngày được anh Đại tá Nguyễn quốc Quỳnh (Chiến tranh Chính trị) Đội trưởng, tự nguyện phụ giúp gánh nước tưới, nên cây lúc nào cũng xanh tốt xum xuê sai trái hơn 2 vạt kia.

Hai giàn bầu gồm hơn chục gốc, trồng dài 2 bên đầu cầu, như mái che mưa nắng cho khúc sông cạn trước Khu Nhà Thăm Nuôi, do một mình anh Nghĩa chăm lo. Anh ấy tự nguyện nhận lãnh, vì được chỉ định ở cả ngày lẫn đêm ngoài Nhà Lô với anh Đại tá Tô văn Vân và Quản giáo Đội, không bị lệ thuộc vào giờ giấc ra vào Trại, nên có thể thủng thẳng chăm sóc tưới tắm lúc nào cũng tiện. Ngoài ra, anh Nghĩa còn phụ trách thêm việc phun thuốc trừ sâu cho các luống rau, một lần cho mỗi đợt mới trồng, khi tới kỳ bén rễ bốc mạnh.

Nhóm làm luống vô phân và gánh nước tưới, do các bạn Đại tá Phạm chí Kim, Đỗ văn Sáu, Trịnh đình Đăng, Trần văn Thăng, Phạm tài Điệt, Trần kim Hoa, còn tương đối khoẻ phụ trách. Đây là nhóm nỗ lực chính của công tác trồng rau. Để mọi người cùng vui vẻ, anh em được quyền tự nguyện nhận tưới một số luống rau tùy theo khả năng của mình, ít nhất cũng là 6 luống, nhiều nhất là 8 luống.

Hạt Giống, qua những mẩu chuyện trao đổi giữa Cán bộ Quản giáo Đội và “Ban” Nhu lúc ghé thăm Đội, anh em biết là anh Quỳnh Đội trưởng đã tự nguyện, nhờ gia đình đến các vựa rau quanh Saigon, mua gửi lên cho Trại 3 loại hạt Giống (rau muống, cải củ, cải bẹ xanh) nhập cảng từ Đài Loan rất tốt. Nhờ thế, kết quả sản lượng rau “thâu hoạch” của Đội bao giờ cũng cao.

Phân bón “cơ bản chủ yếu” là phân bò, đi lấy một tuần lễ 2 lần, tại chuồng nuôi bò cả trăm con trong Phân trại K2, cách “hiện trường lao động” của Đội chúng tôi khoảng hơn 3 cây số. Chúng tôi phải đánh xe bò vào, tự vét lấy đổ lên xe chuyển về, tích thành đống lớn để trộn lẫn với phân Bắc dùng dần. Vì thế, ruồi nhặng xâm lăng Khu Nhà Thăm Nuôi đông đến nỗi, các gia đình “thăm nuôi” phải giăng mùng, ngồi trong giường ngủ để ăn cơm giữa ban ngày. Phân Bắc là phân người, do một bạn tù chuyên đánh xe bò đi lấy hàng ngày, từ các phòng giam Tù trong trại giam chuyển tới, đổ cho Đội mỗi tuần lễ một xe, để bằm trộn lẫn với phân bò bón lót trong luống trước khi reo hạt rau.

Muốn cho ớt có trái lớn và hương vị thật cay, Đội được phép đi lấy mỗi tuần lễ 1 xe bò phân gàø, ở khu Đội Nuôi Gà về trộn lẫn với phân bò để bón.

Phân hoá học cũng được dùng để hoà vào nước tưới, thúc cho rau bốc nhanh sau khi đã tỉa bớt và vun gốc. Phân hoá học do Cán bộ Quản giáo dẫn Đội phó đi lãnh hàng tháng về tồn trữ tại Nhà Lô Đội, phát lần cho các bạn phụ trách tưới các luống rau xử dụng.

Anh Nguyễn văn Sáu (Trung tá Biệt động quân) Đội phó và Tôi, ngoài nhiệm vụ xẻ rãnh, vào phân, reo hạt, tỉa xới vun gốc rau, còn là nhóm lo chở phân, và chuyển vận nộp rau cho Nhà Bếp trại. Một tuần lễ 3 lần đi lấy phân và 2 lần chuyển rau. Tôi là chuyên viên đánh xe bò. Khi nào Vợ Con tới “thăm nuôi”, Tôi được nghỉ lao động, anh Quỳnh Đội trưởng phải đánh xe thay thế, vì anh Sáu không điều khiển được bò.

Vào những ngày đi lấy phân bò, anh Sáu Đội phó dẫn 3 người xuất trại trước, vào K2 để lo vét vun phân thành từng đống lớn. Sau khi Đội xuất trại ra đến Nhà Lô, Tôi đi một mình sang khu gần bên Đội Nuôi Gà, dắt bò về Đội, mắc vào xe, rồi đánh thẳng vào K2. Thoạt đầu vào nghề đánh xe bò, Tôi gặp nhiều vất vả với con bò non mới tập bắt kéo xe này. Nó vùng vằng không chịu lùi đít vào giữa 2 càng xe, để mình đặt vai kéo xe lên sống gáy cổ nó, hoặc mới đặt xong chưa kịp cột dây vòng dưới cổ để giữ,ø nó đã bước 2 chân sau ra khỏi càng xe. Đôi khi nó vùng vằng lùi lùi, đẩy cho xe quay đít tuột xuống rãnh bên lề đường... Bực mình quá đỗi, Tôi đành phải dùng bạo lực để trị bắt nó phải phục tùng mình, mặc dầu trong lòng cũng thấy áy náy bất nhẫn vô cùng. Một tay cằm chặt thừng xỏ mũi nó kéo lên, một tay cầm roi tre quất qua quất lại thật mạnh vào 2 bên má của nó túi bụi. Nó đau nhắm nghiền 2 mắt lại, cúi đầu xuống lùi lùi chịu trận không dám kháng cự. Nhờ mấy trận đòn phủ mặt như vậy, nó mới biết sợ. Mỗi lần thấy Tôi cằm dây xỏ mũi điều khiển, nó ngoan ngoãn lùi vào giữa 2 càng xe, đứng im chờ cột dây an toàn vòng dưới cổ đàng hoàng. Và chỉ khi nào, thấy Tôi đã ngồi trên xe phất cây roi hô : “-Đi!”, nó mới bắt đầu chậm rãi cất bước kéo xe tiến tới.

Để cho nó phải hoàn toàn thuần thục, bớt sinh chứng ương ngạnh dọc đường, chuyến đi bao giờ Tôi cũng ra roi bắt nó phải kéo xe không chạy như ngựa, suốt đoạn đường dài 3 cây số, thoai thoải xuống đồi rồi lại lên đồi, từ Đội chúng tôi vào gần đến chuồng bò K2 mới cho đi thong thả trở lại. Mặc dù phải làm giữ để rằn mặt nó như vậy, nhưng Tôi rất thương nó. Ngày nào phải đi kéo xe với Tôi, nó cũng được một bao cỏ thật non, cắt sẵn từ chiều hôm trước, để điểm tâm trong khi chờ kéo xe phân về Đội, hoặc chở rau vào Trại. Sau mỗi lần chuyển vận xong, nó lại được nghỉ cả buổi chiều, lang thang bên bờ sông trong khu vực lao động của Đội, để kiếm cỏ ăn no nê trước khi dẫn trả về khu giam nó. Nhờ thế chỉ 2 tuần lễ sau, nó và Tôi đã trở thành đôi bạn thân thiết. Mỗi lần thấy Tôi đến cởi dây cột bên bụi tre dắt nó đi làm, nó luôn luôn mừng rỡ cúi đầu cà cà vào người Tôi như chào hỏi, chớ không ương bướng như hồi đầu mới gặp nhau. Ngược lại, để bầy tỏ tình thương của Tôi đối với nó, thỉnh thoảng Tôi nhét vào miệng nó vài cục đường thẻ, một tay xoa xoa vỗ vỗ trên gò trán giữa 2 cái xừng của nó. Nó cúi đầu lim rim đôi mắt, ngọ nguậy 2 tai ra chiều thích thú lắm.
Những luống rau nào được “thâu hoạch” nộp Nhà Bếp xong, các anh phụ trách tưới khu rau đó, phải cuốc đảo đất làm lại các luống của mình. Mùa nắng phải làm luống chìm ngang mặt đất, đường đi chung quanh luống cao hơn độ 10 phân, để giữ cho lúc nào trong luống rau cũng ẩm nước, rau không bị chết khô hoặc èo ọt không tăng trưởng mạnh. Mùa mưa, ngược lại phải làm luống nổi cao hơn mặt đất chừng 20 phân, cho rau không bị úng nước thối gốc.

Tổ Reo Hạt Giống, gồm anh Sáu Đội phó và Tôi, tiếp tay các anh ấy sửa luống, xẻ rãnh, vào phân, reo hạt đợt mới. Sau khi chúng tôi hoàn tất nhiệm vụ, các anh ấy lại tiếp tục công việc tưới hàng ngày, cho đến khi rau “đạt tiêu chuẩn” để “thâu hoạch”.

Sau khi Hồ nước Đập Thủy Điện được khơi rộng xong. Tourbine cỡ nhỏ được đặt trong căn nhà tháp bên đầu Đập khởi sự quay, cung cấp điện cho trại. Khu “hiện trường lao động” của Đội chúng tôi, các dây bầu bắt đầu bò phủ lá xanh to dầy đặc mặt giàn, các luống rau tăng trưởng xanh mướt, đu đủ, chuối, ớt, bắt đầu đâm bông kết trái, vườn hoa trước sân khu Nhà Thăm Nuôi nở rộ mầu sắc rực rỡ, là lúc các đoàn từ Trung ương, Địa phương khác nối tiếp nhau đến “tham quan” tới tấp.
Trời vào Hè bắt đầu nắng gắt. Một hôm vào khoảng 3 giờ chiều, Tôi đang xới đất vun gốc mấy luống rau mới tỉa, tự nhiên thấy choáng váng mặt mày, mắt trái buốt nhức thốn lên tận óc, đau quặn thắt ngang lưng. Tôi phải bỏ việc đi lần qua những miếng ván dài, bắc chênh vênh nối giữa các mô đá suốt bề ngang dòng sông, về Nhà Lô Đội nằm lăn ra chiếc giường riêng của anh Nghĩa chịu đựng. Anh Sáu Đội phó thấy vậy, cũng bỏ việc chạy theo về, thoa dầu Cù Là cạo gió cho Tôi. Một lúc sau bớt đau, ngồi dậy lấy nước uống, Tôi thấy mắt trái tức tức và không nhìn thấy gì. Tôi lấy tay bịt mắt bên phải, chỉ nhìn bằng mắt trái không thôi để kiểm chứng. Quả rằng mắt trái của Tôi đã mù, chỉ thấy một màn ánh sáng mờ đục chớ không thấy hình cảnh bên ngoài nữa. Tôi hoảng hốt, Quản giáo Đội không có mặt tại Nhà Lô, đành phải báo cho anh Đội trưởng biết, rồi tức tốc rời “hiện trường lao động” vào Bệnh Xá Trại giam xin khám bệnh “đột xuất”.

Cán bộ Y tế không có mặt tại Bệnh Xá. Anh bạn Tù trẻ, Bác sĩ Tôn thất Sang, vốn thuộc Đội anh em Phục Quốc trẻ gốc Đà Nẵng, đình công không đi lao động nhân vụ Tôi bị “Ban” Nhu phạt cùm một chân trong Nhà Kỷ Luật 5 ngày 5 đêm (Tôi đã kể trong một đoạn trước), được chỉ định vào Bệnh Xá làm phụ tá cho Cán bộ Y tế Trại, khám định bệnh cho Tôi. Anh ấy cho biết là mắt trái của Tôi bị “đục thủy tinh thể” (cataract), nên không nhìn thấy hình cảnh bên ngoài. “Thủy tinh thể” mắt bên phải, cũng bắt đầu chớm đục chút đỉnh nên vẫn còn nhìn thấy. Nhưng một thời gian sau, không biết trước là bao lâu, khi “thủy tinh thể” đục hoàn toàn như mắt trái, thì cũng sẽ không nhìn thấy gì nữa. Tôi lo lắng hỏi : “-Như vậy là mắt trái của Tôi hư luôn rồi sao? Có cách nào chữa cho mắt phải không bị đục “thủy tinh thể”, để còn một mắt mà nhìn đời chớ, cả 2 mắt mù luôn thành người tàn phế thì còn gì là tương lai?”

Để cho Tôi yên lòng, anh Bác sĩ trẻ cười, nhẩn nha giải thích : “-“Thủy tinh thể” ở con ngươi mắt được ví như miếng thấu kính (lens) của máy chụp hình. Nó phải trong suốt thì ánh sáng hình cảnh bên ngoài mới thấu qua, in lên phim trong phòng tối của máy ảnh được. Có một cách giải thích cụ thể khác dễ hiểu hơn, tỉ như ta đứng sau một cửa sổ ráp kính trong vắt, có thể nhìn thấy hình cảnh bên ngoài sân rõ ràng. Nhưng nếu kính trên cửa sổ là loại đục, ta chỉ thấy ánh sáng mờ mờ chớ không thấy hình cảnh bên ngoài sân. Cũng vậy, “thủy tinh thể” trong con ngươi mắt bị chất vôi làm đục mờ đi, bộ não không còn ghi nhận được hình cảnh nữa, chỉ thấy ánh sáng mờ mờ xuyên qua cái màng đục thôi. Muốn nhìn được trở lại, người ta phải làm phẫu thuật. Mổ mắt bỏ miếng “thủy tinh thể” bị đục đi, thay thế bằng miếng “thủy tinh thể nhân tạo” trong vắt không khó khăn gì. Tại Thành phố Saigon, có một Bệnh viện rất lớn chuyên khoa về mắt, hàng ngày người ta giải phẫu thay “thủy tinh thể” cho rất đông bệnh nhân, có thể coi như trăm phần trăm ca mổ đều thành công mỹ mãn. Còn thuốc chữa cho “thủy tinh thể” không bị chất vôi trong cơ thể làm đục, hiện nay chưa có.”

Nhờ sự giải thích này, Tôi không còn cảm thấy chán nản buồn lo nữa. Chỉ cần có cơ hội xin “Ban” Nhu Trại trưởng cho đi Bệnh viện mổ mắt thay “thủy tinh thể”, là mọi chuyện lại bình thường. Nhưng, chuyện này chẳng dễ dàng gì. Tấm gương anh Đại tá Hồ hồng Nam, bị đau gan, đại tiện ra máu cả bao tháng trời, cứ phải nằm điều trị tại Bệnh xá Trại, cho đến khi bệnh nặng quá, gia đình khéo chạy chọt lắm mới được tha về, vài tháng sau thì chết.

Sáng hôm sau Tôi ghi sổ xin khám bệnh, để được Cán bộ Y tế Trại đích thân xét nghiệm ghi vào hồ sơ tại Bệnh xá, tiện dụng sau này. Mấy bữa sau, có phái đoàn thuộc Cục Trại giam Trung ương do một Tướng cầm đầu (nghe nói là quan thầy của Ban Nhu) tới “tham quan” Trại Z30D, ghé Nhà Lô Đội 23 chúng tôi, ngồi uống trà hút thuốc vào giờ giải lao giữa buổi lao động sáng. Lợi dụng trong lúc vui câu chuyện, Tôi trình bầy về con mắt trái của Tôi bị đục “thủy tinh thể” không trông thấy gì, cần phải đi Bệnh viện mổ, xin “Ban” Nhu “chiếu cố” để cứu cho khỏi bị mù. Thấy “Ban” Nhu ngồi yên lặng nhìn Tôi vẻ ngạc nhiên, Tôi trình bầy lại mọi việc đã xẩy ra, và không quên báo cáo là Cán bộ Y tế của Trại đã đích thân khám xét xác nhận như vậy. Vài phút sau, “Ban” Nhu mới lên tiếng : “-Được rồi, để tháng tới có người đang nằm điều trị tại Bệnh viện Phan Thiết về, Tôi sẽ cho Bác đi.”

Vào giờ nghỉ lao động buổi trưa, anh em quây quần trong Nhà Lô ngồi ăn cơm. Anh Điệt mới nói cho biết, lúc Tôi nói chuyện với “Ban” Nhu, anh ấy đang ngồi phía bên trái của Tôi. Thấy “Ban” Nhu lưỡng lự không quyết định, anh ấy đã nắm tay đấm dọa thẳng vào thái dương trái của Tôi. Không thấy Tôi chớp mắt hoặc giật mình phản ứng tự vệ, chứng tỏ mắt trái của Tôi không trông thấy gì thật, lúc đó “Ban” Nhu mới tin và trả lời bằng lòng cho đi Bệnh viện trong tháng tới.
Một tháng, rồi 2 tháng qua đi, không thấy “Ban” Nhu nhớ đến việc cho Tôi đi Bệnh viện. Tôi cũng chẳng tìm cơ hội để nhắc lại, vì mới có tin anh bạn Tù (cấp bậc Trung tá) nằm điều trị tại Bệnh viện Phan Thiết, được gia đình móc nối giúp đỡ sao đó, đã trốn đi biệt tích. Ban Chỉ huy Trại đang phiền lòng, điên đầu vì vụ này xẩy ra ngay trong thời gian “thi đua lập thành tích tranh giải Trại Cải tạo gương mẫu cả nước”. Tôi đành tiếp tục nhìn đời bằng một con mắt, nhẫn nhục chịu đựng sự hành hạ của thời Đại Nạn đến đâu hay đó. Biết làm sao hơn, khi vận bí của mình chưa hết.

Gần cuối tháng 6, Linh mục Bùi đức Sinh, phụ trách trồng ớt phía trước Nhà Thăm Nuôi, được gọi “làm việc” mấy ngày liền. Sau đó Ngài được chuyển đi nơi khác. Sau này khi được tha về, gia đình Tôi ở gần nhà Thờ Ba Chuông, đường Lê văn Sĩ (Trương Minh Ký cũ), quận Phú Nhuận, có dịp ghé thăm Linh mục Sinh. Mới biết là rời Trại Z30D, Ngài được đưa về Trại Z30A tại Xuân Lộc, Long Khánh, ở chung với các vị Linh mục Tuyên Úy Quân đội.

Hết Hè vào Thu, mùa mưa lũ nước sông dâng cao, chẩy xiết làm đất 2 bên bờ lở, mở lòng sông rộng thêm cả 2, 3 mét. Một số luống rau và 2 vạt ớt trồng ven bờ bị xụt, nước cuốn trôi mất tích. Cứ sau mỗi trận nước lũ, bờ sông lở xụt thêm, diện tích canh tác của chúng tôi tự nhiên được giảm bớt đi một phần tư, nhờ vậy anh em đỡ vất vả phần nào.

Sau Lễ Độc Lập 2 tháng 9, được tin Trại Z30D chiếm giải “Trại cải tạo gương mẫu cả nước”, “Ban” Nhu hân hoan, cung cách cư xử đối với Cán bộ cũng như đối với Tù có nhiều thay đổi, rộng rãi bớt khắc nghiệt hơn trước. Cũng dịp này, Trung Ương cử một phái đoàn hùng hậu đến Trại tổ chức đợt học tập mới, với tinh thần “Dân chủ Cởi mở, nói thẳng nói thật, để Lãnh đạo ghi nhận mọi ưu khuyết điểm, nhằm chấn chỉnh Đổi mới Chính sách quản lý Tù cho tốt hơn, hữu hiệu hơn”. Anh em được nghỉ lao động cả tuần lễ để nghe thuyết giảng, và viết bài tường trình tổng kết mọi nhận xét riêng, về cách giáo dục cũng như quản lý của các Trại, suốt “quá trình cải tạo” của mình một cách “thành khẩn”. Đúng theo tinh thần “cởi mở, đổi mới” của Tổng Bí Thư Nguyễn văn Linh, đã đi tiên phong qua loạt bài “Những việc cần làm ngay” được phổ biến rộng rãi để toàn Quân toàn Dân học tập. Ngoài ra anh em Tù cũng được yêu cầu cho biết nguyện vọng cá nhân, tương lai được tha về đoàn tụ với gia đình, có muốn ở lại trong nước để cùng Nhân dân xây dựng kiến thiết đất nước, hay muốn xin đi định cư tại nước ngoài? Đặc biệt bài “thâu hoạch” kỳ này, không phải đem ra mổ sẻ trước Đội như những lần học tập trước, và do chính nhân viên phái đoàn Trung Ương thâu góp, không nộp qua hệ thống Quản Giáo của Trại như thường lệ. Làm như vậy để cho Cải tạo viên yên tâm, không sợ Ban Chỉ huy Trại trù dập, vì những điều “nói thẳng nói thật” có liên quan tới Trại đang quản lý mình.

Anh em khác không biết viết sao, phần riêng Tôi đã thẳng thắn nhận xét là :

1.-Các Trại Bộ đội đối xử với Cải tạo viên tương đối có “tình người” hơn các Trại do Công An quản lý. Cán bộ Quản giáo bên Bộ đội tháo vát, có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi trồng tỉa cũng như xây dựng, chỉ dẫn cho Cải tạo viên cặn kẽ. Không như Quản giáo Công An lầm lầm lỳ lỳ, chỉ biết chỉ tay năm ngón và hạch xách nạt nộ, chớ chẳng biết gì để mà hướng dẫn.
2.-Về quản lý Tài chánh, các Trại Bộ đội luôn luôn công khai xòng phẳng. Nhà Nước quy định “tiêu chuẩn” cho Cải tạo viên bao nhiêu một ngày, thì lo tiếp xúc với địa phương mua các thực phẩm Trại chưa sản xuất đủ hoặc không có, để Cải tạo viên có ăn hàng ngày. Còn bên các Trại Công An, ngày nào cũng thấy ghi trên bảng Chi Thu tại Nhà Bếp tiền dư không dùng hết, trong khi thực phẩm cung cấp hàng bữa nghèo nàn không có gì, ngoài vài muổng nước muối và đôi cọng rau do chính Cải tạo viên sản xuất ra. Đôi khi rau cũng không có, phải dùng lá đọt sắn muối chua rồi đem nấu chín. Dân chúng địa phương hình như lúc nào cũng sợ, lo thủ thế không có cảm tình với Công An cho lắm, nên chẳng mua được gì để cung cấp cho Cải tạo viên.
3.-Từ năm 1985 được chuyển về Trại Z30D, thấy ngoài việc trồng lúa, khoai mì, bắp, khoai lang, còn có nhiều chương trình làm “kinh tế” khác như : gia công sản xuất quần áo, sản xuất đồ gỗ, trồng mía làm đường, nuôi bò, nuôi heo, nuôi gà đẻ trứng, được thực hiện cùng một lượt. Đồng thời Trại xây dựng được Đập Thủy Điện nhỏ, đủ cung ứng cho nhu cầu soi sáng và kéo các loại máy công nghiệp không tốn tiền xăng nhớt. Nguồn sức lao động của Cải tạo viên cả Nam lẫn Nữ, được khai thác đến mức tối đa, để làm ra nhiều của cải và tiền cho Trại. Nhờ thế, hàng ngày Cải tạo viên được ăn cơm không độn. “Chế độ thăm nuôi”, gia đình tiếp tế cho Cải tạo viên cũng được cởi mở dễ dàng hơn các Trại khác. Mọi người vui vẻ cố gắng lao động sản xuất, hoàn thành các “chỉ tiêu” Trại đề ra kịp thời đúng lúc, y như đang tham gia lao động trong Hợp tác xã thực sự vậy.”
Về nguyện vọng trong tương lai, sau khi được tha về đoàn tụ với gia đình, Tôi trả lời nước đôi một cách vô thưởng vô phạt. “Nếu Nhà Nước “chiếu cố” cho phép ra nước ngoài thì Tôi sẽ đi. Vì biết mình già yếu bệnh hoạn, mắt bên trái đã mù không thấy đường, chẳng những không làm được gì lợi ích cho Xã hội, mà lại còn ăn bám vào Xã hội là điều Tôi không muốn. Còn nếu Nhà Nước không cho đi, Tôi sẽ cùng vợ con cố gắng đóng góp sức già yếu của mình vào công việc chung của đất nước, được đến đâu hay đến đó.”

Đợt học tập chấm dứt, có 1 Đoàn Y tế Trung Ương được cử tới Trại, khám sức khoẻ tổng quát cho chúng tôi. Họ làm việc chậm rãi kỹ càng, đo chiều cao, cân mức nặng của cơ thể, đo huyết áp, nghe nhịp tim và phổi, khám mắt, tai, mũi, họng và răng, quan sát khả năng di chuyển, và sau cùng ngồi hỏi từng người để ghi nhận những loại bệnh mà mình nghĩ rằng mình đang có bấy lâu nay. Ai cũng nhân cơ hội này khai đủ thứ bệnh mãn tính, hy vọng hồ sơ sức khoẻ ghi nhiều bệnh tật, sẽ là một dự kiện giúp cho việc xét tha thuận lợi hơn những người có sức khoẻ tốt ít bệnh tật. Tôi cũng khai một lô bệnh. Nào là đau bao tử, sạn thận, huyết áp thấp, nhịp tim không đều, mắt trái bị cườm mù không trông thấy gì. Nào là thấp khớp, đau cột xương sống ở khúc ngang bả vai và thắt lưng, thỉnh thoảng buốt một bên đầu. Riêng phần răng của Tôi, sau khi khám họ nói cho nghe và ghi vào hồ sơ chỉ còn dùng được 50 phần trăm. Nhưng thực tế, chẳng ai biết việc xét tha Tù, Việt Cộng dựa vào “tiêu chuẩn” nào? Tỉ dụ, tình trạng sức khoẻ của Tôi, thua xa các anh Nguyễn quốc Quỳnh, Tô văn Vân, thế mà các anh ấy lại được tha trước Tôi cả nửa năm Trời.

Qua những lời bật mí úp mở của “Ban” Nhu và Quản giáo Đội, ghi nhận được trong câu chuyện với đoàn Cán bộ Trung Ương, mọi người “hồ hởi” tin tưởng ngày tha hàng loạt sẽ được thực hiện ngày rất gần. Nhưng niềm vui, hy vọng sắp thoát cảnh ngục tù vừa chớm nở chưa được bao lâu, 2 tin giật gân do báo chí và đài phát thanh của Nhà Nước liên tiếp tung ra cách nhau mấy tháng, làm anh em chưng hửng buồn vui lẫn lộn một thời gian. Vui vì, trong số những người bỏ nước ra đi hồi cuối tháng 4 năm 1975, cũng còn có người can đảm dám đứng ra vận động chiến hữu tiếp tục cuộc tranh đấu chống Cộng sản Việt Nam, để giải cứu quê hương dân tộc thoát ách cai trị độc tài. Buồn vì, các sự kiện này bất ngờ xẩy ra không đúng lúc, có thể gây ảnh hưởng bất lợi làm trì hoãn thời điểm mãn hạn Đại nạn, cải tạo cực khổ nhục nhằn của anh em không biết đến bao giờ.
Hai tin đó là :

“-1. Võ đại Tôn, Đại tá chế độ cũ, từ Úc Đại Lợi về Việt Nam tổ chức mưu toan xúi giục lật đổ Nhà Nước Xã hội Chủ nghĩa, đã bị bắt đưa ra Toà án Nhân dân xử tội, và đang bị câu lưu thi hành bản án.
-2, Hoàng cơ Minh, Tướng Hải quân chế độ cũ Saigon cùng nhóm phản động, từ Hoa Kỳ lén lút về nước hoạt động chống phá Chính quyền Cách mạng, đã bị bắn chết tại vùng biên giới Lào Việt. Một số đồng bọn bị bắt, đưa ra Toà án Nhân dân xử câu lưu cải tạo.”

Mỗi lần có tin tức mới, “Ban” Nhu Trưởng Trại Z30D thường tới Nhà Lô Đội, đưa tờ báo Nhân dân cho anh em coi hình, và hỏi có ai quen biết không? Anh em cầm tờ báo nhìn ảnh thật kỹ, rồi ai nấy lắc đầu trả lời chưa hề thấy bao giờ, và nói : “-Cái tên nghe cũng có vẻ lạ, trong Quân đội lúc sau này nhiều người được thăng cấp mặt trận nhanh quá, nên không biết hết được.” Mặc dù cũng có người biết, nhưng không ai dại gì mà nhận có, lúc đang còn nằm trong vòng kiềm toả của Trại cải tạo.

Nhưng theo suy nghĩ của riêng Tôi, các sự kiện này đem lại may nhiều hơn rủi cho anh em. Có thể đây là những “hư chiêu” mà Hoa Kỳ muốn tung ra để hù dọa Việt Cộng. Để buộc họ phải dứt khoát chấp nhận kế hoạch thả hết Tù Chính trị miền Nam, theo đề nghị của Hoa Kỳ, mà hưởng những gì Hoa Kỳ hứa đền bù trao đổi. Còn chậm trễ, nhiều biến cố bất ngờ khác có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, hậu quả sẽ là “xôi hỏng bỏng không”.

Theo thời gian, mọi chuyện cũng qua đi và mờ dần trong quên lãng. Ngày tháng tiếp tục lầm lũi nối đuôi nhau, chẳng mấy chốc năm lại hết, Tết lại đến. Tết con Mèo (Đinh Mão-1987) nhờ chính sách “cởi mở”, anh em Tù được chuẩn bị đón Xuân thoải mái hơn Tết năm con Hổ. Ngay từ giữa tháng Chạp, nhân một dịp ghé Nhà Lô Đội chúng tôi, để chứng tỏ sự quan tâm khích lệ tinh thần lao động cần cù của anh em, “Ban” Nhu mở lời mời mọc thân thiện : “-Tết này Bác nào muốn có dịp đón Xuân bên Bà Xã và Con Cháu, hãy nhắn Bà Xã đưa lên, Tôi sẽ cho ở lại suốt 3 ngày Tết. Vợ chồng con cái tha hồ thong thả nấu nướng ăn uống, dắt nhau rong chơi ngắm cảnh Vườn Tao Đàn, Hồ Thủy Điện, chụp hình kỷ niệm.”

Ngày 30 Tết, nhiều gia đình đến “thăm nuôi”. Nhưng phần lớn ưa kiêng cữ, không ai muốn đón Xuân trong đất có liên hệ đến Nhà Tù. Nên chỉ có vài gia đình xin ở lại, được “Ban” Nhu chấp thuận cho hết, đúng như đã nói với chúng tôi từ nửa tháng trước. Đội chúng tôi, có Anh Quỳnh Đội trưởng nhắn Bà Xã lên thăm ở lại ăn Tết bên anh ấy.

Vào đêm Mồng Một Tết, nhờ sự “chiếu cố đặc biệt” của“Ban” Nhu Trại Trưởng, Đoàn Văn Công số 1 của Thành phố Hồ Chí Minh, do Ca Nhạc sĩ Nghệ nhân Cộng sản Nguyễn trọng Cầu hướng dẫn, đã được thuê đến bao thầu một chương trình văn nghệ thật đặc sắc. Trong số Nữ Ca sĩ có Thanh Lan, nổi danh trước 30-4-1975 tại miền Nam, được toàn thể khán giả cảû Cán bộ lẫn Tù hoan hô nhiệt liệt. Cô ấy được vỗ tay yêu cầu hát liên tiếp một lúc 3, 4 bài, khán giả vẫn chưa tha cho rời sân khấu, hô Bis! Bis! yêu cầu hát nữa. Hình như lẫn lộn trong sự ngưỡng mộ, người ta muốn khích cho con thiêu thân nhuốm mầu ánh sáng đỏ, hát đến hết hơi mệt đứt ruột, chết gục trên sân khấu mới thôi.

Các gia đình được phép ở lại ăn Tết bên Tù trong khu Nhà Thăm Nuôi, cũng được “Ban” Nhu cho Cán bộ dẫn vào xem chương trình văn nghệ đầu năm rất hấp dẫn này. Các bạn ấy và thân nhân được “đặc biệt chiếu cố”, xếp chỗ ngồi ngay hàng ghế đầu sát sân khấu, khu dành cho Cán bộ.
Tết đã qua đi cả tháng rồi, dư âm “cởi mở” của Ban Giám Thị đối với Tù, vẫn tiếp tục kéo dài chưa dứt. Các Cán bộ Quản giáo và Cảnh vệ cũng dễ dãi, bớt khắt khe nên thiếu cảnh giác, đã xẩy ra một vụ cướp súng trốn Trại giam giữa ban ngày, một cách thật ly kỳ như chuyện đang xẩy ra trong phim trường Hồ Ly Vọng (Hollywood) bên Hoa Kỳ vậy. Chuyện xẩy ra trong giờ lao động chiều, tại cây cầu gỗ bắc ngang sông, chỗ có khu Nhà Tiếp Đón thân nhân Tù đến “đăng ký xin thăm nuôi”, gần Quốc lộ Saigon-Phan Thiết. Ba anh cướp súng bỏ chạy ra khỏi Trại, thuộc Đội anh em Phục Quốc trẻ gốc Đà Nẵng, đã đình công không chịu đi lao động, hồi “Ban” Nhu phạt cùm Tôi trong nhà Kỷ Luật (đã được kể trong một đoạn trước). Các bạn cùng Đội và mấy Tù phục vụ tại Khu Tiếp Đón thân nhân, mục kích sự việc lúc xẩy ra kể lại như sau :

“Vào giờ nghỉ giải lao giữa buổi lao động chiều, Cán bộ Quản giáo không mang súng, Cảnh vệ mang súng nhưng để xuống đất ngay bên cạnh chỗ ngồi, hút thuốc, uống nước, ăn quà bánh do Tù mời như thường lệ. Bỗng dưng có một bạn Tù bất thần nhào tới cướp súng lên đạn, chĩa về phía Cán bộ hô lớn : -Tất cả nằm xuống, không được nhúc nhích. Thế rồi mấy anh dự định trốn Trại, theo nhau rút qua cầu bỏ chạy vào phía rừng bên kia sông. Khi các anh ấy chạy xa ngoài tầm súng AK, các Cán bộ mới dám vùng lên chạy theo đuổi cầm chừng, miệng la bắt trốn trại. Lúc đó mới nghe bên kia sông có tiếng súng bắn 3 phát báo động. Khoảng nửa giờ sau, rất đông Cán bộ Trại được huy động, rầng rầng bủa đi tìm bắt, cho đến tối mịt không kết quả. Không biết các anh ấy còn trốn lẩn quất đâu đó trong rừng, trong nhà dân chúng quanh vùng, hay đã cao bay xa chạy thoát khỏi vùng.”

Một cuộc điều tra sâu rộng, đã làm cả Trại giam bị giao động trong nhiều ngày liền, nhất là Đội chúng tôi. Anh Quỳnh Đội trưởng của chúng tôi bị gọi “làm việc” trước nhất, vì có tin báo cáo mấy người trốn Trại đã nhiều lần tiếp xúc với anh ấy. Nhưng sau khi điều tra, anh Quỳnh và Đội chúng tôi không bị liên hệ gì. Vì mấy người kia còn trẻ, “tiêu chuẩn thực phẩm” Trại quy định hàng ngày thấp, họ bị thiếu đói nên mục đích gặp chỉ để xin thực phẩm. Y như trường hợp nhiều Tù khác, cả Nam lẫn Nữ, cũng thường tiếp xúc với chúng tôi để xin thực phẩm vậy thôi.

Hồi Linh mục Bùi đức Sinh còn ở Đội chúng tôi, Ngài cũng đã bị một lần sợ lên ruột. Một buổi trưa, lúc Ngài đang tắm một mình dưới sông, có một Tù Nữ bên Đội Nuôi Heo lặn lội từ bờ sông bên kia sang, đến gần kể lể nỗi niềm riêng với Cha tinh thần để xin thực phẩm. Linh mục Sinh hoảng hốt ôm quần áo bỏ chạy lên Nhà Lô, kể chuyện cho anh Quỳnh Đội trưởng nghe, và nhờ anh ấy với tư cách là ông Trùm Họ Đạo tiếp xúc giải quyết giùm. Ngài sợ có người trông thấy, xuyên tạc làm tổn hại đến thanh danh Linh mục thì thật khốn khổ.

Hơn tháng sau, một trong mấy anh trốn Trại bị bắt đem trở lại. Tin Cán bộ Quản giáo Đội chúng tôi cho biết, người ta bắt được anh ấy về thăm thân quyến tại vùng quê Đà Nẵng. Anh ấy bị cùm 1 chân trong Nhà Kỷ Luật, nơi mà Tôi đã từng bị cùm 5 ngày 5 đêm. Nhưng không biết làm thế nào, 2 ngày sau anh ấy gỡ được cùm thoát ra khỏi Nhà Kỷ Luật, vượt 2 lớp hàng rào kẽm gai và tre tươi, cao 3 mét dày 2 mét, phía hông sau Khu giam Tù, chạy trốn lần nữa vào lúc nửa đêm. Thật là một cuộc vượt ngục tài tình, làm mọi người kể cả Cán bộ cũng phải ngả nón chào sát đất để tỏ lòng thán phục.

Để mừng Lễ Độc Lập 2 tháng 9 năm 1987 của Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, một đợt khá đông anh em Tù được tha. Đội chúng tôi, có các anh Nguyễn quốc Quỳnh Đội trưởng, Tô văn Vân coi Nhà Lô Đội, và Nguyễn văn Phúc phụ trách chăm sóc cắt tỉa cây kiểng vườn bông quanh khu Nhà Thăm Nuôi, cũng có tên trong danh sách được tha. Lễ đọc danh sách tha, được tổ chức vào một buổi sáng đẹp trời, tại Hội trường trước giờ xuất trại lao động. Sau buổi lễ, những người được tha ở lại chuẩn bị hành trang về đoàn tụ với vợ con, còn những người vận may chưa đến ra sân tập họp đi lao động như thường lệ. Người về kẻ ở, bu lại chia tay nhau, xúc động nước mắt lưng tròng, dặn dò nhắn gửi vội vã ồn ào hỗn độn, y như buổi bãi trường đi nghỉ hè thời còn thơ ấu vậy.
Sau đợt tha, nhân số Đội chúng tôi bị giảm nhưng không được bổ xung, nên buộc phải bỏ bớt một số luống rau không trồng tiếp. Các khâu phụ trách những phần vụ chuyên biệt, vẫn tiếp tục công việc hàng ngày như bình thường, không có gì thay đổi. Anh Đại tá Trịnh đình Đăng, bạn nấu nướng ăn chung với Tôi hồi mới từ Trại Thanh Phong về bên Trại Z30C, có sức khoẻ, tháo vát, thông thạo về nhiều ngành nghề, được chỉ định làm Đội trưởng thay anh Quỳnh.

Vài tháng sau ngày được tha, anh Nguyễn quốc Quỳnh trở lại Trại thăm chào cám ơn Ban Giám Thị. Nhân dịp này “Ban” Nhu cũng cho phép ghé thăm, và đem chút quà tình nghĩa cho anh em chúng tôi tại Nhà Lô của Đội. Anh em gặp nhau vui mừng, trao đổi những câu chào hỏi xã giao, không có dịp thuận tiện tâm sự về những tin tức cần biết ngoài xã hội.

Khoảng giữa tháng 1 năm 1988, đúng lúc Tôi đang bệnh, Vợ và Cô gái út đến xin “thăm nuôi”. “Ban” Nhu cho phép ở lại 5 ngày để chăm sóc. Ngay đêm đầu, Tôi đau bụng quằn quại, mắt trái đau nhức khi thấy ánh sáng, hâm hấp sốt, đầu buốt như búa bổ, cả đêm đi ra đi vào tiểu tiện rắt không ngủ được. Hai Mẹ Con phải cực nhọc vất vả lo thuốc thang, đun nước hoà sữa cho Tôi uống từng chút từng chút, cả đêm chẳng được ngơi nghỉ. Thật tội nghiệp! Ngày hôm sau, vào lúc mãn giờ lao động chiều, Tôi ngồi dựa lưng bên giường ngủ, vừa húp xong chén cháo đường, thấy lợm giọng buồn nôn. Chỉ kịp với tay cầm chiếc thau nhôm hứng trước mặt, những gì vừa nuốt vào tuôn ra hết, cùng với một bụm máu đỏ tươi phủ trên đám cháo trắng. Cô gái út của Tôi vội vã chạy băng qua cầu gỗ, nơi khúc sông hẹp, ngay phía sau Nhà Thăm Nuôi sang Nhà Lô Đội, xin anh Đăng Đội trưởng cho anh Sáu Đội phó đến giúp đỡ. Đến nơi thấy sắc mặt và tình trạng của Tôi bất thường, anh Sáu chạy gấp đi gặp Cán bộ phụ trách Thăm Nuôi báo cáo, mời ông ấy đếân xem và xin đưa Tôi vào Bệnh xá Trại cấp cứu. Cán bộ phụ trách Thăm Nuôi và Quản giáo Đội, cùng theo anh Sáu đến phòng dành cho gia đình Tôi, quan sát và đồng ý cho anh Sáu dìu Tôi vào Bệnh Xá Trại cấp cứu.

Vào tới Bệnh xá, Tôi được yêu cầu nằm trên bàn khám, anh bạn Tù Bác sĩ Sang hỏi các triệu chứng để định bệnh. Miệng cổ khô khát, Tôi xin nước uống, nhưng vừa nuốt vào lại mửa ra ngay. Bác sĩ Sang bóp da mu bàn tay của Tôi kéo lên, lúc buông ra không thấy da tự động căng thẳng trở lại. Anh ấy nói : “-Cơ thể thiếu nước trầm trọng, cần phải tiếp nước biển (serum). Bệnh xá chỉ còn có một chai, phải chờ trình Cán bộ Y tế chấp thuận mới được dùng.” Anh Sáu Đội phó vẫn ở bên cạnh Tôi, khẩn khoản xin Bác sĩ lo “khẩn trương” giúp. Tôi bắt đầu cảm thấy người mệt nhoài không còn muốn cựa quậy, 2 tay tê tê buồn buồn phải co ruỗi các ngón tay liên tục, mi mắt nặng trĩu mở ra không muốn nổi. Anh Sáu đứng bên cạnh, phụ bóp 2 cánh tay cho Tôi đỡ mỏi. Sau này Tôi mới biết triệu chứng đó, thường được các Cụ già cho là bệnh nhân tay bắt chuồn chuồn, tức là sắp tới giờ chết.

Một lúc sau, cả Cán bộ Y tế và Quản giáo Đội của Tôi cùng vào Bệnh xá. Sau khi nghe Bác sĩ Sang trình bầy, Cán bộ Y tế chẩn bệnh kiểm tra rồi đi ra ngoài, một lúc mới quyết định chấp thuận cho xử dụng chai nước biển. Chắc là điện thoại xin lệnh “Ban” Nhu. Tôi được dìu vào nằm trên một giường trống, bên các bệnh nhân đang nằm điều trị trong Bệnh xá. Mạch máu giữa nhượng cánh tay của Tôi lặn mất không tìm ra, Bác sĩ Sang phải đâm kim chích vào tĩnh mạch nơi mu bàn tay, để truyền nước biển vào máu cho Tôi.

Hai mắt mỏi xụp xuống, Tôi ngủ thiếp đi không biết được bao lâu, thấy có vật gì lành lạnh đè lên trán làm giật mình tỉnh giấc. Mở mắt thấy Cán bộ Y tế và Quản giáo Đội đứng bên giường, và hỏi : “-Anh thấy thế nào?” Tôi chưa kịp trả lời, Cán bộ Y tế nói tiếp : “-“Ban” Nhu chấp thuận cho đưa anh đi Bệnh viện. Anh muốn đi Phan Thiết chữa bao tử hay đi Saigon chữa mắt?” Tôi trả lời : “-Nhờ Cán bộ trình “Ban” cho Tôi đi Saigon để chữa mắt, vì mắt trái của Tôi bị đục “thủy tinh thể” hơn 1 năm rưỡi nay rồi. Chắc để lâu quá không chữa trị, mới biến chứng hành đau đớn như vậy. Trong khi chữa mắt tại nhà thương, Tôi cũng có thể đồng thời xin chữa trị bao tử một thể. Như vậy chỉ một lần đi Bệnh viện, giải quyết được 2 bệnh cũng rất thuận tiện. Hơn nữa gia đình Tôi ở Saigon, có thể ghé chăm sóc Tôi thường xuyên dễ dàng hơn.”

Các Cán bộ vừa đi ra, anh Sáu Đội phó vào phòng thăm Tôi. Lúc đó Tôi mới biết trời đã sáng, anh em đang chuẩn bị đi làm. Tôi xin mảnh giấy viết mấy chữ, nhờ anh Sáu đem ra báo và dặn dò Vợ Con mấy điều :

“-1. Cán bộ Y tế vừa cho biết, “Ban” Nhu Trại trưởng chấp thuận cho di tản Tôi đi Bệnh viện tại Saigon, ngay sáng nay để “cấp cứu” chữa mắt.
-2. Đưa hết quà “thăm nuôi” cho anh Sáu giữ dùng, vì anh Sáu và Tôi ăn cơm chung, nên tháng tới Chị Sáu mới lên tiếp tế.
-3. Mẹ Con chuẩn bị hành trang sẵn sàng, về Saigon ngay trong buổi sáng nay.”

Anh Sáu cằm thơ của Tôi đi ra, thì mấy anh bạn thân trong Đội ghé thăm. Tôi cho anh em biết, “Ban” Nhu cho đi Saigon chữa bệnh vào buổi sáng hôm nay. Ai cũng tỏ vẻ mừng rỡ, chúc cho Tôi thượng lộ bình an gặp nhiều may mắn. Một lát sau, khi mọi người xuất Trại lao động hết, Bác sĩ Sang bảo Tôi về phòng giam thu vén tư trang, đem ra chỗ phòng canh tại cổng lớn, đứng chờ xe Cán bộ đến chở đi Saigon.

Tôi về phòng giam của Đội, chẳng đâu xa, ngay đầu Dẫy Nhà đầu tiên của Khu giam Tù Nam, bên kia khoảng sân rộng khoảng 2 chục mét, đối diện với Bệnh xá. Tôi thu vén chăn gối mùng, bọc thuốc trị bệnh cần dùng hàng ngày, vài gói mì ăn liền, nhét tất cả vào trong túi đeo lưng vải kaki xanh (do chính Tôi tự may lấy đem theo từ hồi trình diện Học tập Cải tạo đến nay). Xong suôi mệt toát mồ hôi, Tôi vừa tính đeo túi lên vai đi ra cửa, anh Võ hữu Bá (Đại tá) Trực Phòng chạy đến bắt tay chào chúc lên đường bình an, và giành cầm chiếc túi đồ dùng và dắt Tôi đi ra bên cổng, cùng đứng chờ cho đến khi xe Cán bộ đến chở Tôi đi, anh ấy mới quay vào. Anh Bá cũng là một người bạn tốt, đã ở chung một Đội với Tôi suốt từ hồi còn ở Trại Cốc - Liên trại 1 - Yên Bái - Hoàng Liên Sơn, qua Trại Tân Lập - Vĩnh Phú, vào K2 - Trại Thanh Phong - Thanh Hoá, về Trại Z30C, rồi sang đến Trại Z30D này.

Tôi ngồi chồm hổm bên trong cổng khu giam chờ chừng 30 phút, chiếc xe hơi du lịch loại sang của “Ban” Nhu thường dùng chạy đến. Cán bộ Y tế và 1 Cảnh vệ xuống xe vào tìm Tôi, hối đem tư trang ra cất vào thùng xe phía sau, rồi lên xe đi “khẩn trương”. Trong khi anh Bá giúp Tôi để túi đồ lên xe, Cán bộ hỏi : “-Vợ Con anh đâu?” Tôi trả lời : “-Đang ở trong Nhà Thăm Nuôi bên bờ sông.” Ông ấy hối : “-“Khẩn trương” lên xe ra đón Vợ Con anh cùng đi Saigon một lượt.” Tôi quay lại bắt tay cám ơn anh Bá và dặn thêm : “-Đồ đạc của Tôi còn lại trong phòng, nhờ anh nhắn anh Sáu thu gọn bỏ hết vào trong chiếc rương tôn giùm”, rồi lên xe ngồi vào hàng ghế phía sau. Cán bộ Y tế và Cảnh vệ theo canh gác Tôi trong thời gian nằm Nhà Thương, ngồi ở hàng ghế trước bên cạnh Cán bộ tài xế.

Xe chạy tới Vườn Tao Ngộ khu Nhà Thăm Nuôi bên bờ sông, ngừng tại ngã ba phía trước cầu gỗ. Cán bộ Y tế bảo Tôi vào gọi Vợ Con ra lên xe. Xuống xe, Tôi lảo đảo cố gắng đi từng bước một qua cầu, tới phòng đã thấy hai Mẹ Con và anh Sáu Đội phó đang ngồi đó nói chuyện chờ Tôi. Vợ Tôi cho biết anh Sáu Đội phó không chịu nhận các món quà “thăm nuôi”. Tôi biết tính anh ấy khẳng khái cố ép cũng không được, bèn nói : “-Chúng tôi đi bằng xe nhỏ của “Ban” Nhu đang đậu chờ ngoài kia, không có chỗ chứa mấy bọc đồ ăn, và gà còn sống, cồng kềnh này. Chừng mươi ngày mổ mắt xong Tôi trở lại Trại, Chị Sáu chưa tới kỳ lên tiếp tế, lấy gì cho tụi mình ăn?” Rồi Tôi hối hả thúc Vợ Con ra xe lẹ lẹ kẻo Cán bộ đợi lâu phiền lòng, để mặc anh Sáu đứng đó với đống quà “thăm nuôi” của Tôi.

Hai Vợ Chồng tôi và Cô con gái ngồi hàng ghế phía sau, 3 Cán bộ ngồi hàng ghế trước. Xe lăn bánh thong thả qua khu Vườn Tao Ngộ, đến chỗ Xưởng Mộc vàø Câu Lạc Bộ bên đầu Đập Thủy Điện rẽ phải, chạy trên con đường dọc bờ rào bên hông Khu Giam Tù, băng qua cổng lớn của Trại Z30D để ra ngã ba Quốc lộ, rẽ phải đi hướng Saigon. Đặc biệt, chuyến đi này cả 3 Cán bộ đều mặc thường phục, tay của Tôi không bị còng xích trong khi di chuyển ra ngoài Trại giam, như thường áp dụng trước đây, nên mọi người đều cảm thấy vui vẻ thoải mái. Tôi mệt mỏi lấy chiếc gối đệm sau ót, ngửa đầu tựa vào lưng ghế, chùm chiếc khăn lông che mặt cho khỏi bị ánh nắng làm chói nhức mắt, thiêm thiếp ngủ theo tiếng ru vo vo đều đều của máy xe hơi.


BẢN CHẤT KHÔNG THAY ĐỔI.

Lũ lụt non sông nước đục ngầu,
Đỏ Xanh hoà lộn biến thành Nâu.
Vàng ròng nung lửa càng tinh khiết,
Đen Trắng muôn đời đối nghịch nhau.
0+0+0+0+0.
Thời gian chồng chất mái đầu,
Nắng mưa vương tóc ngả mầu muối tiêu.
Giang sơn tan tác tiêu điều,
Toàn dân cùng cực trăm chiều đắng cay.
Thề xưa vẫn nhớ đêm ngày,
Kiên tâm nhịn nhục bấy nay đợi chờ.
Nạn tan Trời giúp thời cơ,
Mài gươm tiếp tục ước mơ thuở nào.
Chung vai sát cánh Đồng bào,
Diệt bầy qủy đỏ, trương cao cờ vàng.
Cứu Dân Việt hết lầm than,
Nhân quyền Dân chủ hân hoan mọi nhà.


Rời K1-Z30D, Hàm Tân, Thuận Hải.
Ngày 17 tháng 1 năm 1988.
(sắp vào tháng giáp Tết Mậu Thìn)

Không có nhận xét nào: