Thứ Sáu, tháng 1 09, 2009

HỒi ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 13

CHÍNH SÁCH KHOAN HỒNG NHÂN ĐẠO CỦA NHÀ NƯỚC
XÃ HỘI CHỦ NGHIÃ TRƯỚC SAU NHƯ MỘT


Khoảng vài tuần lễ sau vụ trốn trại xẩy ra, một đoàn Cán bộ Trung ương tới trại tổ chức học tập. Người ta nhai lại những gì đã học ở trong Nam trước khi ra Bắc.

Trong buổi “tổng kết thành quả thâu hoạch” tại Hội trường về đợt học tập, đã xẩy ra một chuyện bất ngờ làm anh em ngạc nhiên. Trưởng đoàn Cán bộ Trung ương, yêu cầu anh em “mạnh dạn” cho biết những khó khăn muốn được giúp đỡ để học tập cho tốt, cũng như “thành khẩn” trình bầy những u uẩn trong lòng làm ảnh hưởng đến tinh thần học tập, kể từ ngày ra đến đất Bắc Xã hội Chủ nghiã.

Có mấy anh gan dạ, lên tiếng đưa ra 2 vấn đề xin được “giải toả thoả đáng” :

1.-Cán bộ cấp Trung ương, tuổi cũng bằng cỡ chúng tôi, mà còn gọi chúng tôi là các anh. Thế mà ở đây có một cán bộ rất trẻ, chỉ bằng tuổi con của chúng tôi, lại dùng từ “chúng mày” để nói với chúng tôi. Ông ấy còn nói là “con của chúng mày sẽ không bao giờ được vào Đại học”. Điều này trái hẳn với Chính sách khoan hồng nhân đạo của Nhà nước Xã hội Chủ nghiã, mà các Cán bộ đã giảng dạy cho chúng tôi bấy lâu nay, làm chúng tôi rất hoang mang.

2.-Nhà nước thông báo là chỉ đem tiền ăn và quần áo đủ dùng cho 1 tháng học tập. Đến nay đã hơn 1 năm rồi, quần áo mùng mền của chúng tôi đã rách, lại phải ra ngoài Bắc này thời tiết quá lạnh, không quần áo ấm làm sao đủ sức chịu đựng mà học tập lao động cho “tiến bộ” được. Chúng tôi tha thiết yêu cầu cho gửi thơ về gia đình, xin tiếp tế thêm quần áo lạnh và mùng mền.
Để trả lời, Trưởng đoàn Cán bộ Trung ương đã mau mắn khen ngợi tinh thần “thành khẩn” của anh em, và xác nhận rằng : “-Chính sách khoan hồng nhân đạo của Nhà Nước Xã hội Chủ nghĩa trước sau như một, không có gì thay đổi. Tuổi trẻ bao giờ cũng nông nổi, chúng tôi sẽ “kiểm thảo” để “sửa sai” cho những ai đã có hành động như vậy. Việc quần áo ấm thì chúng tôi sẽ trình Cấp Trên cứu xét giải quyết “khẩn trương”cho anh em. Hãy cố gắng học tập cho tốt đừng nản lòng. Việc được về sớm hay muộn, tùy thuộc vào tinh thần cố gắng học tập và mức tiến bộ của chính bản thân mỗi người. Các Chị và các cháu ở nhà vẫn sinh hoạt bình thường như mọi người khác. Các anh cứ yên tâm học tập cho nó tốt, không có gì phải lo lắng.”

Thật đúng là miệng lưỡi của “Vẹm” xảo quyệt, gian ngoan, lừa đảo, láo khoét, không sao tin được.
Sau này, khi được tha về vào tháng 2 năm 1988, Tôi mới được gia đình kể cho biết là : “Tháng 9 năm 1975, sau khi Tôi đi trình diện tập trung cải tạo được 3 tháng, người con trai thứ của Tôi đang học năm thứ 3 Y khoa, Đại học Minh Đức tại Saigon, đã bị loại ra khỏi trường Đại học bằng 1 biện pháp vô cùng dã man.

Chiều ngày 26 tháng 9 năm 1975, các bạn thân cùng nhóm học với Con tôi đến nhà báo cho gia đình biết, trong lúc đang cùng mọi người nghe thuyết giảng tại Trường Luật ở đường Duy Tân, Saigon, Con tôi đã bị Công an bắt đưa lên xe chở đi đâu không biết.

Vợ của Tôi lo lắng chạy ngược chạy xuôi, trình hỏi khắp các cơ quan Công an Quận, Thành phố, không ai biết gì. Chồng đã bị bắt đi trình diện học tập, suốt mấy tháng trời bặt không tin tức. Nay, khi không, Con lại bị bắt đưa đi đâu mất tích chẳng biết sống chết ra sao. Vợ của Tôi buồn phiền, lo nghĩ sinh bệnh nặng, phải đưa đi cấp cứu mấy lần mới thoát chết.”

Thật là “Họa vô đơn chí, Phúc bất trùng lai”. Mặc dù thất vọng, nhưng gia đình chúng tôi theo đạo Phật, thấu hiểu “luật nhân quả”, nên luôn luôn tin tưởng rằng không bao giờ Trời hại người hiền lương. Gia đình chúng tôi chưa bao giờ làm điều thất đức, trước sau gì rồi cũng được an toàn thoát nạn.

“Ngày tháng buồn khổ cứ vô tình trôi qua. Bỗng dưng một hôm, vào khoảng tháng 9 năm 1976 tức là một năm sau, tự nhiên có một người trẻ, bạn tù của con Tôi mới được tha, tới nhà báo tin cho biết là con Tôi đang bị giam trong Khám Chí Hoà. Mừng rỡ, Vợ của Tôi chạy đi nhờ người chỉ vẽ cách làm đơn xin và được vào thăm nuôi con.

Hơn 1 năm xa cách, Mẹ con mới lại có dịp thấy mặt nhau, trong sân của Khám Chí Hoà. Thấy con chỉ còn da bọc xương, ốm tong ốm teo, ghẻ lở cùng mình, đầu tóc rụng trơ sọ, quần áo rách nát bẩn thỉu, không đi nổi, phải bò lết ra gặp Mẹ. Trước cảnh tượng vô cùng đau thương đó, Vợ của Tôi sót xa, nghẹn ngào, tim gan se thắt, đau đớn như đứt từng khúc ruột.”

Bây giờ, ghi lại những dòng này, Tôi vẫn còn bị xúc động mạnh, không kềm nổi những dòng lệ nghẹn ngào, thương sót cho Vợ Con đã vì mình mà phải chịu họa lây thảm thương đến như vậy.
“Sau khi thăm Con ra về, Vợ của Tôi phải đi cầu cứu bạn bè quen biết, giúp chạy chọt nhờ các gia đình Cách mạng vẽ lối chỉ đường làm đơn xin bảo lãnh cho con được tha. Mọi thủ tục hoàn tất, việc cứu xét kéo dài một năm sau con trai của Tôi mới được tha về, vào tháng 7 năm 1977. Nhưng cậu ấy không được Phường, Quận, chấp nhận cho nhập “hộ khẩu” của gia đình.

Con của Tôi, phải nhờ bạn bè chỉ vẽ cách xin tình nguyện đi làm không công trong Phòng Y tế của Phường, tham gia đoàn công tác thường xuyên đến vùng Kinh tế mới Lê Minh Xuân, cách xa Saigon 15 cây số, chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào làm Thủy lợi tại đây. Ba năm sau mới được thâu nhận làm nhân viên chính thức của Phòng Y tế Phường 10, Quận Phú Nhuận, và được giúp đỡ cho gia nhập “hộ khẩu” gia đình.

Lúc được tha về, cậu ấy kể lại cho gia đình nghe, ngay khi bị bắt đưa lên xe, người ta bịt mắt không cho nhìn đường. Họ chở tới giam trong một căn nhà villa nào đó, đánh đập tra hỏi đủ điều suốt mấy ngày liền về tổ chức Phục quốc. Cậu ấy khai không biết gì cả. Tra khảo mãi không lấy được lời cung khai nào, họ bèn đem cậu ấy ra xe đưa vào Khám Chí Hoà, Saigon, nhốt trong phòng biệt giam tăm tối. Hàng ngày, công an đến tiếp tục thay phiên nhau đánh đập tra khảo cả mấy tháng trời, vì bị nghi vấn tham gia phong trào Phục quốc, chống lại Chính quyền Cách mạng. Không khai thác được manh mối nào để kết tội, nhưng vẫn bị giam giữ suốt 2 năm trường, ngắc ngoải gần chết vì bệnh hoạn, thiếu dinh dưỡng.”

Nhờ trước 30-4-1975, Tôi và các Con hàng ngày đến Võ đường luyện tập Nhu đạo và Thái cực đạo, nên biết cách chịu đòn và biết bảo vệ những chỗ hiểm nên không chết. Nhưng cậu ấy vẫn bị hư màng nhĩ lỗ tai trái, không nghe được nữa.

“Trong khi Tôi đang đi cải tạo, ở nhà Vợ của Tôi và những bà vợ các Sĩ quan, Công chức của Chế độ Saigon cũ, thường xuyên bị Phường buộc đến tập trung nghe cán bộ nói về các chính sách của Nhà nước, thúc đẩy “đăng ký tình nguyện” đi vùng Kinh tế mới tham gia sản xuất. Có chịu đi thì chồng mới sớm được tha về đoàn tụ với gia đình. Trong khi đi vùng Kinh tế mới, Nhà Nước sẽ “quản lý” giùm nhà riêng tại Saigon.

Sau những đợt học tập như vậy, Chính quyền địa phương còn cho các nhân viên Nam Nữ trẻ, tuổi cỡ đôi mươi, ăn mặc sắc phục bộ đội, mang súng, đội mũ “tai bèo”, đến tận nhà hăm dọa đủ điều, để ép phải ký giấy tình nguyện đi vùng Kinh tế mới. Nhiều Bà nhẹ dạ cả tin đã ra đi. Một thời gian sau bệnh hoạn, đói rách, con chết, không chịu nổi, tìm cách trở lại Thành phố thì không còn nhà để ở, phải sống trong hoàn cảnh bất hợp pháp không có “hộ khẩu”.

Riêng phần gia đình của Tôi, vì đang phải nuôi người con trai út mới sanh hồi tháng 1 năm 1976, nên nhất định lỳ không chịu đi, mặc dù Phường cử nhân viên đến nhà hàng tháng đốc thúc, hăm dọa, nào là không đi thì Nhà nước sẽ không bán gạo cho, bệnh hoạn sẽ không chữa bệnh cho…
Cuối cùng, để gia đình không bị sách nhiễu nữa, cô con gái lớn của Tôi cũng là Sinh viên Y khoa, ngoài giờ đi học và thực tập tại Bệnh viện, đã phải tình nguyện đến làm việc không công cho phòng Y tế Phường, phụ trách châm cứu chữa bệnh cho đồng bào. Tới cuối năm 1977, tình nguyện và được chấp nhận cho đi làm tại nhà thương Nguyễn văn Cội vùng Củ Chi, cách Saigon chừng vài chục cây số. Đến gần cuối năm 1979, mới xin được chuyển về Saigon làm việc tại nhà thương Đồn Đất, khu Nhi (chữa bệnh con nít).

Năm người con nhỏ tuổi hơn, sau khi học hết Trung học, không ai được nhận vào Đại học, mặc dù điểm thi tuyển đạt rất cao, chỉ vì trong hồ sơ có vết tích Cha là Sĩ quan của chế độ cũ đang phải đi tập trung cải tạo. Chúng phải đi làm thợ cho các Tổ sản xuất mành Trúc, do gia đình các cán bộ Cách mạng làm chủ để kiếm cơm ăn hàng ngày.”

Vài ngày sau đợt học tập chấm dứt, một buổi sáng, các Đội đang ngồi tại sân tập họp đợi gọi đi lao động, một chuyện bất ngờ đã xẩy ra. Cán bộ trực trại tuyên đọc lệnh kiểm tra tư trang thay vì đi lao động.

Mọi người vào thu vén hết đồ dùng quần áo riêng của mình đem ra sân, bầy trước mặt trên đất, theo từng đội, tại khu vực do Cán bộ quản giáo đội chỉ định. Cán bộ đến kiểm soát kỹ lưỡng tư trang của từng người một, tịch thu những gì cán bộ cho là vi phạm quy luật trại giam, Tù không được lưu giữ bên người.

Kiểm tra suốt từ sáng đến trưa mới song. Một lệnh mới được loan ra, mỗi người chỉ được giữ lại hai bộ quần áo dùng đi lao động, còn tất cả phải xếp vào một bọc riêng cất vào kho, trong dẫy nhà ngói. Thuốc âu dược riêng của mỗi người, bỏ vào 1 túi nylon, viết giấy ghi tên mình để bên trong, cột lại, nộp cho trại giữ giùm, khi nào cần sẽ phát tùy theo nhu cầu. Tiền bạc và các vật qúy như đồng hồ đeo tay, nhẫn cưới, dây đeo cổ, đeo tay bằng vàng bạc, đều phải nộp cho trại cất giữ có cấp giấy biên nhận, khi nào được tha trại sẽ hoàn trả lại.

Một điều làm mọi người e ngại là, vàng thì ghi là kim loại màu vàng, lỡ sau này vàng sẽ bị trả lại bằng kim loại cũng màu vàng, nhưng là thau hay đồng thì sao. Lo vậy nhưng không ai dám nói gì.
Thật là thâm độc và xảo quyệt. Đây chính là biện pháp mà bọn Quản lý trại giam theo lệnh Nhà Nước, cần áp dụng đối với Tù chính trị miền Nam. Nhưng trước khi thi hành, họ lại tạo điều kiện xúi Tù trốn trại, rồi mới dựa vào cớ ấy để đưa ra biện pháp quản lý khắt khe, không ai có thể kêu ca quy tội cho họ là vô nhân đạo.

Cồng bom nhức óc, inh tai,
Chó tru thảm thiết, báo Trời rạng đông.
Dậy lo thu xếp chăn mùng,
Sẵn sàng tiếp tục thi công kiếp tù.
Sơn lâm chướng khí mịt mù,
Cỏ cây ướt sũng âm u lạnh lùng.
Não nề, ôí ! cảnh tập trung,
Dầm mưa dãi nắng, sức cùng lực tiêu.
Đắng cay, nhịn nhục đủ điều,
Gian lao, xốc vác, chỉ tiêu nặng nề.
Đọa đầy thê thảm ê chề,
Như bầy nô lệ làm thuê khốn cùng.
Đảng là vai chủ nhân ông,
Độc quyền sinh sát lao công tội tù.
Không theo Cách mạng muà Thu,
Tất nhiên Đảng phải diệt trừ không tha.
Khoan hồng, nhân đạo chỉ là,
Mượn lời Nhân Nghĩa, ba hoa bịp đời.
Lừa Nhân Thế mắc hợm chơi,
Bao giờ Cộng sản thương người Quốc gia !

K1, LT1, Việt Cường, Yên Bái, tháng 11-1976

Không có nhận xét nào: