Thứ Năm, tháng 1 08, 2009

HỒI ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 25

TUNG LÁ BÀI "THÁU CÁY" ÐỂ NÈO CO GIÁ CẢ.


Vài ngày sau khi mừng đón Tân niên 1980 tại Phân trại K5 trại Tân Lập, Ðội Ðại tá chúng tôi và Ðội các Tuyên Úy không phải xuất trại đi lao động buổi chiều, ở lại trong Trại chuẩn bị thu xếp tư trang gọn ghẽ sẵn sàng “hành quân”.

Mọi người bị nhốt trong Láng giam không được ra ngoài. Ðến tận lúc trời tối mò, Cán bộ Hậu Cần mới vào phòng giam, đổi giấy biên nhận cũ ghi các vật quý của Tù, bị Trại lưu giữ từ ngày chuyển tới đây, lấy giấy biên nhận mới, do một Cán bộ khác ký không ghi rõ tên.

Anh Ðại tá Vĩnh Biểu và Ðại Ðức Tuyên Úy Phật Giáo bị cùm trong Nhà Kỷ Luật, vì đêm giao thừa 1979-1980 đã đập Gamen và Ca nhôm ầm ĩ làm nhịp gây náo động phòng giam, lúc cùng anh em vui hát đón mừng Tân niên, được thả ra để chuẩn bị lên đường một lượt với chúng tôi.

Ăn cơm tối xong, mọi người đã sẵn sàng, ngồi tựa lưng vào hành trang của mình, ngủ gà ngủ gật tại chỗ nằm trong Láng. Mãi đến nửa đêm, đèn bật sáng, mọi người thức dậy lãnh thực phẩm ăn đường cho cả ngày hôm sau, và đem tư trang ra sân tập họp. Cán bộ đọc tên “biên chế” thành từng Ðội 30 người, tập trung bên nhau thành từng nhóm đợi giờ “Hành quân”. Mọi người ngồi giữa sân phơi sương đêm lạnh lùng, tới gần sáng mới có những chiếc xe Bus chuyên chở hành khách của Nhà Nước, rầm rầm chạy tới trại đón đưa đi.

Mỗi Ðội được chỉ định lên một xe. Tất cả Vali, túi đeo lưng, rương, thùng thiếc, bao đựng tư trang và thực phẩm khô, đều đưa lên xếp trên nóc xe, có phủ một tấm vải bạt lớn che mưa, và cột dây kỹ càng cho không bị rơi rớt dọc đường.

Mỗi xe chỉ có một lối lên, ở phiá trước bên tay phải buồng lái của tài xế. Trong xe có 2 dẫy ghế đôi, gắn dọc theo chiều dài thân xe, phân cách bởi 1 lối đi hẹp chính giữa. Ghế ngồi và lưng dựa đều có nệm bọc da giả (simili cuir). Dọc 2 bên hông xe có hàng cửa kính, đẩy qua lại được để thông thoáng gió.

Hai hàng ghế ngay cửa lên xuống và sau lưng tài xế, dành cho Cán bộ áp giải ngồi. Anh em, từng đôi một bị khoá tay chung một chiếc còng số 8, ngồi các hàng ghế phiá sau.

Tất cả lên xe xong, một hồi còi dài ra lệnh cho đoàn xe chuyển bánh. Ánh mặt Trời chưa thấy rạng ở hướng Ðông. Ðoàn xe ù ù nối đuôi nhau chạy ra khỏi Trại giam K5, đi ngược lại con đường đã đưa chúng tôi tới đây khoảng 2 năm về trước. Mặc dù chẳng biết mình đang bị đưa tới đâu, liệu có khá hơn chốn này hay tệ hơn, nhưng ai nấy đều vui mừng được giã biệt cái Trại Tân Lập “Ðịa ngục Trần gian” này, không một mảy may nào luyến tiếc.

Trời còn tối, cảnh vật chìm đắm trong sương mù, chẳng nhìn thấy gì ngoài những bóng đen lù lù mờ ảo của cây rừng, nối tiếp nhau xa dần 2 bên đường. Các cửa kính 2 bên hông xe đóng kín. Hơi người toả ra làm bầu không khí trong xe âm ấm. Mệt mỏi vì phải thức từ nửa đêm, mọi người thiu thiu chìm trong giấc ngủ theo nhịp ru vo vo, đều đều của giàn máy xe. Ngoại trừ anh tài xế và các Cảnh vệ áp giải phải thức không dám ngủ, vì trách nhiệm nặng nề do Nhà Nước giao phó đang đè nặng trên vai.

Vài giờ sau, ánh sáng ban mai dần dần soi rõ cảnh vật. Ðoàn xe ra khỏi đoạn đường rừng vòng vèo lên xuống, tiếp tục bon bon chạy trên đường nhựa lớn. Ðến lúc mặt Trời chiếu xéo ngang vai, đoàn xe lần lượt băng qua một vài Thị trấn, chẳng mấy gì sầm uất, nhà cửa cũ kỹ thiếu trùng tu. Không có bảng hiệu hướng dẫn nên chẳng biết là nơi nào, nhưng chắc vẫn trong địa phận tỉnh Vĩnh Phú. Hai bên đường và phiá trước mặt thấy toàn là đồng ruộng, nên đoán là đoàn xe đang chạy về miền đồng bằng sông Hồng.

Tới lúc mặt Trời gần đứng bóng, thấy phiá xa xa đằng trước, xeo xéo bên phải con đường, xuất hiện một cây cầu đúc lớn, cao và dài như loại cầu Xa lộ Saigon-Biên Hoà. Ðây là một cây cầu mới, Tôi chưa được thấy trước năm 1954. Nghe loáng thoáng qua các mẩu đối thoại giữa Cán bộ áp giải với anh tài xế, đó là cây cầu mới băng qua sông Hồng, tại vùng Trèm, Vẽ, do Trung Cộng viện trợ xây cất. Nhưng từ ngày Trung Cộng xua quân xâm lăng một số tỉnh biên giới, rút hết Cố vấn kỹ thuật về nước, thì các đồng chí Liên Xô thay thế, yểm trợ tiếp tục công trình đang bỏ dở.

Tôi hoàn toàn bị mất phương hướng, chẳng nhận ra được đâu là đâu. Vì suốt từ cuối năm 1950 đến nay 1980, đã mấy chục năm qua đi, Tôi chưa bao giờ có dịp trở lại quanh vùng Hànội.

Ðoàn xe tiếp tục chạy tới vùng Gia Lâm, mọi người xì xào chỉ trỏ nhận ra chiếc cầu sắt quen thuộc. Cầu Long Biên (Pont Doumer) băng ngang sông Hồng vào Hànội, với nhiều nhịp nối tiếp nhau dài trên ngàn mét. Lúc đoàn xe chạy trên cầu đến khoảng giữa, nhìn xuống 2 bên thấy Bãi Phúc Xá, như một hòn đảo dài nổi lên chia đôi dòng sông, làm Tôi nhớ lại những kỷ niệm hồi thập niên 1940. Tôi đã có dịp đi bộ trên suốt nửa cây cầu, rồi lần mò theo các bậc thang sắt xuống xóm nhà trên Bãi, vui chơi trong những ngày chủ nhật mùa Hè, để ăn bắp luộc, tắm nước sông trộn đầy phù xa hồng hồng mát rượi.

Qua hết cầu, đoàn xe vòng xuống chui qua gầm đầu cầu, chạy theo con đường dọc bờ sông, đi về phiá Văn Miếu. Bên trái đường, cái Bến xe hồi nào sầm uất đưa đón khách từ Hànội đi các Tỉnh và ngược lại, nay vắng hoe, thưa thớt có đôi nhóm người dắt xe đạp thồ hàng hoá tụ tập. Những dẫy nhà hai tầng dọc bên phải đường, trước kia tầng trên để ở, tầng dưới mở cửa hàng buôn bán, nay thấy vôi sơn cũ kỹ loang lổ, tưởng như bỏ hoang lâu ngày không người cư ngụ.

Lúc xe chạy ngang một ngã 3, nhìn vào con đường nhỏ bên phải, thấy nhiều người dắt xe đạp chất đầy trên tay lái và phiá sau yên ngồi, những bao và giỏ đựng hàng hoá, đi lại hoặc tụ tập 2 bên lề đường. Tưởng là khu chợ trời nhưng không phải, họ dắt nhau đi vào cửa sau Chợ Ðồng Xuân ở tận cùng con đường. Cái cổng cũ kỹ của Thành Thăng Long xưa kia, rêu phong cổ kính vẫn nằm lù lù ngay giữa con đường, chẳng có gì thay đổi.

Xe tiếp tục chạy qua các phố dọc bờ sông phiá sau Nhà Hát Lớn, qua khu Nhà Thương của Pháp trước kia, qua Chợ Mơ, Ngã Tư Cống Vọng khu Bạch Mai, rẽ xuống hướng Văn Ðiển trên đường đi Nam Ðịnh. Ðến gần khu ga xe hoả Văn Ðiển, nơi có ngã ba rẽ vào Hà Ðông, đoàn xe ngừng lại bên trái đường, cho Tù xuống xe, ngồi bên vệ đường nhìn ra đồng trống không bóng người, nghỉ ngơi ăn bữa trưa. Chúng tôi lấy thực phẩm Trại phát, và bánh mì khô, thịt, cá hộp do gia đình tiếp tế để ăn. Khi đang ăn, có mấy người dân địa phương hiếu kỳ, lảng vảng dưới ruộng lân la đến gần nhòm ngó. Họ nhặt và quan sát những chiếc hộp thiếc hết thức ăn, chúng tôi vừa vứt xuống bờ ruộng, rồi chỉ chỉ trỏ trỏ nói với nhau những gì không rõ.

Chính tại ngã ba đường này, hồi đầu năm 1948, Ðại đội 4 Vệ Binh Bắc Kỳ của Tôi, được di chuyển từ Ngã Tư Cống Vọng tới đóng 1 đồn lớn, 2 đồn nhỏ, theo thế chân vạc. Hàng rào tre và kẽm gai chung quanh đồn làm chưa hoàn tất, thì một đêm quân Việt Minh đến tấn công. Họ lặn ao lách qua hàng rào bao chung quanh đồn, mò sát tận chân tường phòng thủ, ném lựu đạn và xung phong hỗn chiến với cả 3 đồn một lúc. Nhờ có Pháo Binh vị trí bắn yểm trợ sát ngay chung quanh hàng rào, Việt Minh đã bị đẩy lui không chiếm được đồn nào.

Giữa 3 đồn không có phương tiện liên lạc bằng Vô tuyến, đường dây điện thoại duy nhất bị cắt đứt. Ðến lúc tiếng súng vừa lắng dịu, Ðại đội trưởng người Pháp ra lệnh cho Tôi, một mình ra khỏi đồn Chỉ huy, đến tiếp xúc với 2 đồn Con tìm hiểu tình hình. Sở dĩ Tôi được chọn làm công tác nguy hiểm này, vì Tôi nói được cả 4 ngôn ngữ thông dụng của các thành viên trong Ðại đội : tiếng Kinh là tiếng Mẹ đẻ, tiếng Thổ vùng Lạng Sơn (sau này Việt Minh gọi là tiếng Tầy), tiếng Tầu vùng Móng Cáy, và tiếng Pháp.

Tổng kết cả 3 đồn chúng tôi có 4 bị thương, một rất nặng bể nát ống quyển chân trái cần tản thương ngay. Ðại đội liên lạc Vô tuyến về Phân khu xin trực thăng không được. Tôi phải buộc Garrot ở ngang đùi để ngăn máu cho anh ấy, chờ tới mờ sáng đoàn xe Thiết giáp mở đường xuống tản thương. Khi đoàn xe vừa đến đồn, cũng là đúng lúc anh bạn bị thương (người Thổ Lạng Sơn) trút hơi thở cuối cùng. Tôi rất buồn và đau khổ, với 2 bàn tay không đã phải chăm sóc an ủi anh ấy suốt nửa đêm trường. Ðến lúc có phương tiện đem anh ấy đi cứu chữa, thì anh ấy lià đời để lại một vợ và 2 con nhỏ. Sau trận đánh này, Ðại đội trưởng đề nghị xin ân thưởng Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao đồng của Pháp, cho một số anh em đã chiến đấu gan dạ, đẩy lui quân Việt Cộng tấn công đồn, trong đó có Tôi. Nhưng Tôi đã từ chối không nhận, chỉ xin được nghỉ phép 7 ngày về Hànội chơi cho thoải mái. Ðại đội trưởng đã thăng cho Tôi từ hạng Binh Nhì lên hạng Binh Nhất, không cho đi phép, vì đơn vị cần người làm thông dịch viên thường trực.

Ðoàn xe chúng tôi nghỉ ngơi được chừng 45 phút, ăn uống xong lại lên đường, chạy song song phiá bên trái đường xe hoả. Ðến khoảng gần Phủ Lý, đoàn xe băng ngang đường sắt, tiếp tục chạy trên Quốc lộ 1 đi hướng Nam. Có người đoán là chuyển đến Trại Nam Hà. Nhưng không phải, vì đoàn xe tiếp tục chạy qua Thị xã Ninh Bình, qua cầu sông Ðáy, nơi gần dẫy núi đá tên Thúy, hồi cuối tháng 5 năm 1951 đã xẩy ra trận chiến rất khốc liệt giữa quân Việt Minh và quân Viễn chinh Pháp. Trận chiến này Pháp đặt tên là “Trận bên bờ sông Ðáy”, mở màn ngày 29 tháng 5 kéo dài tới khoảng giữa hạ tuần tháng 6 năm 1951 mới dứt, cả Thế giới đều biết. Trong “trận bên bờ sông Ðáy”, Tướng de Lattre de Tassigny, Cao Ủy Pháp kiêm Tư Lệnh đoàn quân viễn chinh Pháp tại Ðông Dương, đã mất người con trai yêu quý duy nhất là Trung úy Bernard de Lattre, tử thương ngay tại ngôi Ðền trên lưng chừng sườn núi Thúy, nơi đặt Bộ chỉ huy của đơn vị.

Lúc trận chiến “trên bờ sông Ðáy” xẩy ra, Tôi đang là Thiếu úy du học bổ túc chuyên nghiệp Sĩ quan, tại Trường Thực hành Chiến thuật Bộ Binh (Ecole d’application de l’Infantery) nằm trong cùng một doanh trại của Trường Sĩ quan Lục quân Saint Cyr, ở vùng Coetquidan thuộc Bretagne, Tây Bắc nước Pháp.

Qua khỏi vùng núi Thúy, đoàn xe tiếp tục chạy suôi hướng Nam, chẳng gặp chiếc xe nào lưu thông cùng chiều hay ngược chiều. Dưới trời nắng trang trang, tung bụi mịt mù, đoàn xe băng qua Bỉm Sơn, vùng Phố Cát, Ðèo Ngang, thuộc Tỉnh Thanh Hoá. Phong cảnh Ðèo Ngang làm sống dậy 2 sự kiện, ghi đậm nét trong trí nhớ của Tôi từ thuở thơ ấu, không bao giờ phai nhoà.

Thứ nhất, là bài thơ vịnh Ðèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, phải học thuộc lòng trong giờ Việt Văn của chương trình Tiểu học.

“ Bước tới Ðèo Ngang bóng xế tà,
“ Cỏ cây xen đá, lá chen hoa.
“ Lom khom dưới núi Tiều vài chú,
“ Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
“ Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
“ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
“ Dừng chân đứng lại Trời Non Nước,
“ Một mảnh tình riêng Ta với Ta.

Thứ hai, là câu chuyện Ðền Sòng. Bà Ngoại của Tôi gốc người Nam Ðịnh kể cho nghe, vào những buổi tối thời tiền chiến, lúc cả nhà thanh thản quây quần ngồi ngoài sân, uống trà ngắm trăng sao trên nền Trời miền Thượng du Bắc Phần.

Theo chuyện kể : « Tại Sòng Sơn, có ngôi Ðền thờ một trong TỨ THÁNH BẤT TỬ của Việt Nam, gọi là Ðền Sòng thờ Bà Liễu Hạnh Công Chúa. Bà là Tiên Chúa thứ hai trên Trời tên gọi Quỳnh Nương, phạm lỗi bị giáng xuống Trần, làm ái nữ của vợ chồng một Hiền nhân tên Lê Thái Công ở Thôn An Thái, xã Vân Cát, Huyện Vụ Bản, Tỉnh Nam Ðịnh.

Sau khi chết Bà đã hiển Thánh và thường hiện ra ở nhiều nơi để phù hộ cho quần chúng thoát qua nhiều tai ách hiểm nghèo. Dựa theo lời tâu của Dân chúng địa phương và Quần thần trong Triều, thời Hoàng đế Lê Huyền Tông cũng như thời Vua Cảnh Hưng, cả hai Vị đều ra Chỉ Chiếu cho Công Bộ của Triều đình, đến lập Ðền thờ và phong Tước Hiệu cho Bà tại 3 nơi : Sòng Sơn, Phố Cát, và Ðèo Ngang, để dân chúng thờ phượng hương khói lễ bái sùng kính.

Tại xã Vân Cát, Huyện Vụ Bản, Tỉnh Nam Ðịnh nơi Bà được sinh ra đời cũng có đền thờ. Hàng năm Dân chúng tổ chức Lễ Hội rất linh đình suốt từ mồng 1 đến mồng 10 tháng 3 Âm lịch, gọi là Hội Phủ Giầy. »

Ở Thị xã Lạng Sơn, nơi Tôi được Cha Mẹ sinh ra và nuôi dưỡng lớn lên, cũng nghe nói Tiên Chúa Quỳnh Nương đã có lần hiện lên đối đáp Văn Thơ cùng danh nhân Phùng Khắc Khoan. Dân chúng sùng kính lập đền thờ, gọi là Ðền Thánh Mẫu Vân Hương tại phố Cửa Nam. Hàng năm tổ chức Lễ Hội từ ngày 20 tháng 3 và kéo dài trong 5 ngày, để quần chúng thập phương tới lễ bái, dâng hương cầu xin Bà phù hộ cho làm ăn hanh thông phát đạt. Những cặp vợ chồng hiếm muộn, hoặc sinh con khó muôi, tìm đến lạy cầu Bà độ trì cho được toại nguyện.

Mỗi kỳ Lễ Hội, người ta tổ chức rước Kiệu Linh Vị Bà đi thăm xã giao 4 Vị Thần Linh khác, cũng được Dân chúng dựng Ðền thờ phượng, tại những khu phố ở chung quanh bên ngoài Cổ Thành Lạng Sơn.

TỨ THÁNH BẤT TỬ của Việt Nam là :

1.-Thánh Gióng, tức Phù Ðổng Thiên Vương, giúp vua Hùng Vương thứ 6 dẹp giặc Ân, có Ðền thờ Ngài tại làng Phù Ðổng, Huyện Tiên Du, Tỉnh Bắc Ninh (quê Nội của Tôi).

Những năm cuối Thập niên 1930, Tôi đã có dịp theo Cha về thăm quê và dự Hội vào ngày 8 tháng 4 Âm lịch. Cuối năm 1949, là Thiếu úy thuộc Ðại đội 2, Tiểu đoàn 2 Việt Nam, đóng tại làng Phù Lưu, Tỉnh Bắc Ninh, Tôi đã được Ðại đội giao phó chỉ huy một cuộc hành quân tuần tiễu về tới gần làng Phù Ðổng, nhưng không ghé thăm làng vì ngoài khu vực nhiệm vụ quy định.

Sau khi Cộng sản Việt Nam có toàn quyền cai trị miền Bắc hồi cuối năm 1954, họ đã chuyển làng Phù Ðổng từ huyện Tiên Du phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh, sang địa hạt Huyện Gia Lâm thuộc Thành phố Hànội.

2.- Chữ Ðồng Tử, Chồng của Công Chúa Tiên Dung con vua Hùng Vương thứ 3. Hai vợ chồng hiển Thánh tại Ðầm Nhất Dạ và Bãi Tự Nhiên vùng Chử Xá.

3.- Tản Viên Sơn Thần (Núi Tản Viên còn gọi là núi Ba Vì, trong địa hạt Làng Và, Huyện Bất Bạt, Tỉnh Sơn Tây). Ðức Tản Viên Sơn Thần chính là Sơn Tinh, chồng của Công Chúa Mị Nương con vua Hùng Vương thứ 18, trong chuyện Cổ tích Sơn Tinh và Thủy Tinh của dân tộc Việt Nam.

4.- Liễu Hạnh Công Chúa, tức là Tiên chuá Quỳnh Nương, Vị Thánh Bất Tử thứ Tư theo truyện Cổ Tích của dân tộc Việt Nam, lưu tuyền từ thời Nhà Lê.

Trong khi xe chạy ngang vùng Ðèo Ngang, Tôi cố đảo mắt tìm bóng dáng ngôi Ðền thờ, cũng như những chú tiều phu lom khom dưới núi, nhưng chẳng thấy gì, chỉ toàn là rừng cây âm u rậm rạp.
Mặt trời miền Trung bắt đầu xuống thấp, đoàn xe chúng tôi băng qua cầu Hàm Rồng trên sông Mã, qua Thị xã Thanh Hoá, tới khoảng giữa đồng không mông quạnh nơi ngoại ô, dừng lại bên phiá Trái đường, chẳng biết để làm gì. Tù không được xuống xe.

Chừng mươi phút sau, có một đoàn người độ hơn chục đứa trẻ nít cả trai lẫn gái, do một bà tuổi chạc trên dưới 30, chắc là Cô giáo, dẫn giắt di chuyển về hướng Thị xã. Tới ngang chỗ đoàn xe chúng tôi đang đậu, bầy trẻ nhỏ dừng lại nhìn ngó, chỉ chỉ trỏ trỏ. Một lúc sau có thêm mấy người đàn ông đứng tuổi, người vác cuốc, kẻ cằm đòn xóc đi tới, ngừng lại nói chuyện với người đàn bà. Thế rồi tự nhiên thấy người đàn bà bắt đầu xỉa xói vào chúng tôi, cất tiếng chửi rủa những câu rất tục tỉu. “Chém cha đẻ mẹ chúng bay, khi không sao lại pháo kích, xâm lấn đất đai của Nhân dân Việt Nam anh hùng của bà? Chúng bay mà rơi vào tay bà, thì bà phanh thây xé xác chúng bay ra.”... Rồi bà ta xúi giục bọn trẻ ném đá vào xe chúng tôi. Mấy người đàn ông cũng hung hăng xấn đến sát xe, dơ đòn gánh và cuốc tính đập vào dẫy cửa kính, nơi chúng tôi đang ngồi. Cán bộ Công an áp giải phải chạy ra can thiệp. Họ giải thích với nhau những gì, chúng tôi không nghe được, vì cửa kính đã phải đóng kín từ lúc bọn họ ném đá.

Mọi việc êm xuôi, Cán bộ bước lên xe giải thích : “-Họ thấy các anh mặc áo bông và đội mũ bông bịt tai chống lạnh của Quân đội Tầu, tưởng là tù binh Trung Hoa bị bắt tại các trận vùng biên giới giải vào, mới làm giữ như vậy.” Thật là phiền, những áo bông và mũ lạnh chúng tôi đang mặc, do Liên Trại 1 tại xã Việt Cường, Yên Bái, tỉnh Hoàng Liên Sơn, phát cho từ hồi đầu năm 1977, đã kể rõ trong một đoạn trước.

Ðộ mươi phút sau vụ lộn sộn, đoàn xe nổ máy tiếp tục cuộc hành trình, nhưng không chạy theo Quốc lộ 1 nữa, rẽ vào đường dẫn tới vùng núi rừng Trường Sơn. Ðoàn xe vòng vo, ngoằn ngoèo, qua các triền đồi khe suối, đến nhá nhem tối gặp một ngã ba đường, có một khu nhiều nhà sau một chiếc cổng lớn. Không đọc được trên bảng hiệu ghi gì vì trời đã tối, lại không có đèn soi sáng. Phiá đằng sau hàng rào, có rất nhiều bóng người đứng lố nhố. Họ la hò ỏm tỏi và ném đá vào xe chúng tôi đang chạy ngang. Cán bộ Công an áp giải văng tục, càu nhàu cho biết đây là Trung tâm huấn luyện của Bộ đội.

Ðoàn xe tới ngã ba rẽ theo hướng Trái. Sương rừng đêm bắt đầu dầy đặc. Quang cảnh chìm trong tăm tối mịt mù, chẳng còn thấy gì ngoài 2 luồng ánh sáng rọi trước đầu xe. Anh tài xế giải thích cho Cán bộ biết, rẽ sang Phải dẫn đến Huyện lỵ Như Xuân. Có bạn trong chúng tôi tỏ vẻ thông thạo, cho biết hướng phải đi Trại Ðầm Ðùn. Tôi chưa có dịp tới đây bao giờ, nên ai nói sao nghe vậy, không dám quyết đoán.

Suốt mấy tiếng đồng hồ tiếp theo, lắc qua lắc lại, lao xuống bò lên, băng qua 15, 16 con suối, đoàn xe ngừng lại giữa một Khu trại có nhà 2 bên đường, độ 20 phút sau lại tiếp tục di chuyển. Chạy được mươi phút đoàn xe lại ngừng, để từng chiếc một chậm chạp rà rà băng ngang một dòng sông cạn, rộng khoảng 100 mét. Sau khi toàn bộ đã qua sông, cả đoàn chạy tiếp chừng mười lăm phút tới một khu nhà, có hàng rào ghép bằng cọc tre cao bao chung quanh. Xe chạy qua cổng lớn vào trong, ngừng lại giữa bãi sân rộng. Anh em được lệnh xuống xe. Cán bộ tới mở khoá còng tay, mọi người tiếp nhau rỡ hành lý.

Lúc đó vào khoảng 12 giờ đêm, người ta đốt đuốc soi cho chúng tôi gom tư trang, hướng dẫn di chuyển vào một dẫy nhà tôn ở phiá trong cùng của khu giam. Vách nhà bằng phên nứa đan, sàn nằm hai tầng cũng bằng phên nứa đan, có một cửa gỗ ra vào duy nhất, then chốt sắt khoá ở bên ngoài.

Anh em tiếp tay nhau khuân vác đem tư trang vào Láng giam xong, phải ra ngoài xếp 2 hàng dọc theo vách phiá trước cửa nhà. Cán bộ đếm đầu người, cho từng đôi một đi vào phòng giam. Ðầy đủ không thiếu ai, cửa đóng lại, khoá trái bên ngoài. Mọi người lo thu vén đồ đạc riêng, và sắp xếp chia nhau chỗ ngủ.

Nhà nền đất, khoả đại khái không đập nén bằng phẳng nên chỗ lồi chỗ lõm, đêm tối đi lại vấp té lên té xuống. Cuối Láng giam có một Phòng Vệ Sinh dài 3 mét, rộng suốt bề ngang căn nhà. Nền phòng vệ sinh láng xi măng, có 3 bệ gạch cao để 3 thùng gỗ phiá dưới cho Tù giải quyết vệ sinh ban đêm, và một rãnh dẫn nước tiểu chẩy ra hồ chứa ở ngoài đầu nhà. Ngay nơi cửa ngăn cách Phòng Vệ Sinh và 2 hàng sạp nằm 2 tầng cho cả trăm người, có treo một ngọn đèn dầu làm bằng chai thủy tinh, leo lét cháy chập chờn cả đêm. Lục đục thu xếp chỗ nằm, căng mùng, cả tiếng đồng hồ sau, mọi người mệt mỏi chìm vào giấc “mộng Hoàng Lương” đầu tiên, giữa lòng rừng núi Trường Sơn. Cho tới lúc kẻng báo thức sáng, ai nấy ngủ ngon, nhờ sàn nằm bằng phên nứa không có rệp hút máu ngứa ngáy, như hồi ở Trại Tân Lập tỉnh Vĩnh Phú ngoài Bắc.

Thức giấc rồi, chúng tôi phải ở trong Láng giam đợi, cho đến lúc toàn thể Tù cũ xuất trại lao động hết, Cán bộ mới đến mở cửa cho ra. Một anh “Trật Tự” cùng với 2 bạn Tù thuộc Ðội Nhà Bếp, khiêng phần ăn sáng đến tận nơi phát cho từng Ðội. Trong 3 anh bạn Tù này có 1 người Tôi quen. Trung tá Chung trước 30-4-1975 làm Sĩ quan Phụ tá Trưởng Khối Tổ chức thuộc Tổng Cục Chiến tranh Chính trị tại Saigon.

Ðến trưa, khoảng 30 phút trước khi Trại đánh kẻng báo hết giờ lao động buổi sáng, anh Chung lại khiêng đồ ăn đến phát cho chúng tôi. Không có Cán bộ và anh “Trật Tự” đi theo, Tôi men đến gần anh Chung, chào và hỏi thăm tin tức về Trại mới này.

Qua câu chuyện trao đổi chớp nhoáng, Tôi biết được đây là K2 thuộc Trại Thanh Phong. Trưởng Phân trại này là một Ðại úy Công an Nhân dân gốc người Thiểu số. Trưởng Trại Thanh Phong là Trung tá Nguyễn Thùy (nguyên Trưởng Trại Tân Lập ở Vĩnh Phú). Ban Chỉ huy Trại đặt tại K1, nơi mà tối hôm qua đoàn xe của chúng tôi phải chạy ngang để vào đây. Tại K1 người ta giam cả trăm anh em Biệt Kích Dù, nhẩy ra Bắc từ những năm đầu Thập niên 1960 bị bắt. Anh em đã bị kết án tù trung thân khổ sai. Ngoài Trại Thanh Phong, trong vùng này còn có 2 Trại khác nữa là Trại Thanh Cầm và Trại Thanh Lâm.

Nghe cái tên Trại Thanh Cầm, làm chúng tôi suy tư bàn tán nhiều về cái Kế hoạch tập trung tất cả Tù Chính trị miền Nam và gia đình vào lập Khu Kinh tế mới, đồn đãi om sòm từ hồi còn ở Trại Tân Lập. Nhưng, chúng tôi vẫn yên tâm lạc quan, tin rằng đây chỉ là mánh khoé của Việt Cộng, tung lá “bài tháu cáy” để nèo co giá cả với Hoa Kỳ trong các cuộc thương thuyết tại Genève, về việc thả hết Tù Chính trị miền Nam đem đi định cư tại Hoa Kỳ mà thôi.

Dẫy nhà giam chúng tôi cách xa các nhà khác khoảng 100 mét, tại vị trí đất thấp nhất trong góc cùng của khu trại. Quanh nhà có sân rộng 10 mét và hàng rào kẽm gai đan ô vuông cao 2 mét. Chắc dẫy nhà này mới được dựng thêm để đón chúng tôi, chung quanh còn đầy cỏ dại rác rến bừa bãi dơ dáy.

Suốt cả ngày sau đêm mới tới, chúng tôi được ở trong trại dọn dẹp sạch sẽ, san nện nền nhà cho bằng phẳng. Ngày hôm sau, chúng tôi được đưa ra ban đất, phá đá sườn đồi để làm Sân Bóng Tròn cho Trại. Sân banh nằm giữa Nhà Thăm Nuôi cạnh khe suối cạn, và Khu nhà Cán bộ Phân trại K2 ở trên đỉnh đồi.

Khu giam chúng tôi ở phiá dưới chân đồi sát bên bờ suối, cách Khu Cán bộ chừng 500 mét về hướng Ðông Nam. Từ trong khu giam, chúng tôi có thể nhìn thấy các sinh hoạt tại Nhà Thăm Nuôi, ở về hướng Tây xa chừng 1 cây số. Khu giam gồm khoảng 8 dẫy nhà tôn, một Nhà Bếp, và một Trạm Y tế nhỏ với vài giường bệnh. Một Bác sĩ Quân y Việt Nam Cộng Hoà, tập trung cải tạo, được chỉ định lo toan, với một bạn Tù khác phụ trách châm cứu (gốc Sĩ quan Truyền Tin). Hai người làm việc dưới sự chỉ đạo của Nữ Cán bộ Y tế Công an Nhân dân.

Hàng ngày, cứ vào khoảng chừng 10 phút trước hạn mãn giờ lao động trưa cũng như chiều, Tù được Quản Giáo Ðội và Cảnh vệ dẫn xuống suối, tắm giặt trước khi trở vào khu giam. Nên anh em Tù khác Ðội có thể gặp nhau nói chuyện thoải mái, ở giữa dòng suối.

Mấy ngày sau, chúng tôi được ở trong trại 1 ngày, làm thủ tục “khai báo lý lịch”, “kiểm tra tư trang”, “biên chế” lại Ðội. Nhóm Ðại tá chúng tôi bị chia làm hai để hoà đồng cùng các Tuyên úy Công Giáo, Phật Giáo và Tin Lành, lập thành 2 Ðội riêng rẽ. Một Ðội Rau Xanh và một Ðội Nông Nghiệp.

Tôi thuộc thành phần Ðội Nông nghiệp, do anh Lê Ðình Luân (Ðại tá Ðơn vị 101-P2 Bộ TTM) làm Ðội trưởng, anh Dương Hiếu Nghiã (Ðại tá Thiết Giáp) làm Ðội phó, anh Tô văn Vân (Ðại tá Bộ Binh) làm Anh Nuôi, anh Hồ Hồng Nam (Ðại tá Chiến tranh Chính trị) làm Thư ký Ðội, và một người dân sự tên Khuông, gốc Tây Ninh, (trước 30-4-1975 là Cán bộ Nghiệp Ðoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao công Saigon) cũng là Tù Chính trị miền Nam bị đưa ra Bắc như chúng tôi, làm Trực Nhà cho Ðội.

Sau khi “kiểm tra và biên chế” xong, phải “khẩn trương” di chuyển đến ở 2 dẫy nhà trong Khu Cách Ly, sát bên cổng ra vào. Khu Cách Ly được phân cách với các dẫy nhà khác trong trại giam, bởi một con đường rộng 5 mét và hàng rào kẽm gai. Sau này chúng tôi phải làm lại bằng tre nguyên cây, cao 2 mét, dựng sát nhau, chôn sâu xuống đất 1 mét. Tù trong các nhà khác bị cấm, không được lai vãng vào khu giam chúng tôi.

Khu Cách Ly của chúng tôi nằm sát bên sân tập họp, chỉ có một lối ra vào ngay gần Cổng lớn, Cán bộ Cảnh vệ ngồi canh gác ngày đêm, nên chẳng ai dám léo hảnh tới. Dịp duy nhất anh em có thể liên lạc nói chuyện với nhau, là trong thời gian xuống suối tắm giặt sau những buổi lao động sáng, và chiều hàng ngày.

Ngay bên ngoài hàng rào trại giam, nhìn vào Khu Cách Ly của chúng tôi có 1 dẫy nhà, một phần dành cho các Cán bộ Trực Trại cư ngụ, một phần là Văn phòng làm việc của các Cán bộ An ninh, và Giáo Dục (tức là Quản Giáo) của Phân trại K2.

Có 2 điểm đặc biệt tại Phân trại K2 này là :

1.- Anh em Ðội Nhà Bếp phải khiêng thực phẩm và nước chín, đến từng Nhà giao cho Trực Nhà của Ðội nhận lãnh, chớ Trực Nhà không phải xuống Bếp lãnh như vẫn áp dụng tại các Trại khác trước đây.

2.- Trong trại giam không có Tù Hình Sự ở chung với chúng tôi.
Môi trường cải tạo hoàn toàn mới, với rừng già núi cao khe sâu âm u chưa hề khai phá. “Chỉ tiêu lao động” hàng ngày nặng nề gian khổ hơn. Ngày hai buổi, dù thời tiết nắng nóng như nung, hay mưa gió lạnh buốt như cắt da xé thịt, vẫn phải lặn lội xông pha đốn cây phá rừng, trồng sắn, trồng bắp, trồng miá, trồng lúa, trồng rau, để tự nuôi mình theo “tiêu chuẩn” dành cho Tù, và để nuôi Cán bộ canh gác mình, theo quy định của Nhà Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghiã Việt Nam.
“Kế hoạch Chương trình làm Kinh tế” chính của Phân trại K2 này là, phá rừng lập các nương trồng sắn, bắp, luá, trà, chăn nuôi trâu bò, phá đá nung vôi, đào nhồi đất xét làm gạch ngói nung chín, trồng miá ép làm mật đường, cất rượu, để Trại đem bán lấy tiền nộp cho Nhà Nước. Chẳng khác nào một khu đồn điền tư nhân, rộng lớn thời Pháp thuộc. Cán bộ Nhà Nước là chủ nhân ông, Tù Cải Tạo là bọn nô dịch phu đồn điền.

Ngoài công tác sản xuất, còn phải lo xây dựng thêm Nhà cho Cán bộ ở được khang trang hơn, có thêm nhà giam đón nhận Tù các nơi khác sẽ dồn tới, có một Hội trường đủ rộng để chứa 6, 7 trăm người.

“Tiêu chuẩn thực phẩm” ăn hàng ngày của Tù, vẫn nghèo nàn tồi tệ chẳng khác gì những Trại trước. Chỉ có số anh em được gia đình tiếp tế bằng Bưu kiện hàng tháng, và đến thăm nuôi đều đặn từng 3 tháng, là không lo đói. Những bạn có dư giả này, được dịp tỏ tình chiến hữu thương yêu đùm bọc nhau, bằng cách không dùng đồ ăn Trại phát hàng ngày, để tặng cho những bạn đang gặp hoàn cảnh kẹt thiếu thốn.

CUỘC SỐNG TẬP TRUNG CẢI TẠO

Môi trường cải tạo cheo leo,
Ðo rừng Yên Bái, đếm đèo Trường Sơn.
Sắn khô lưng chén thay cơm,
Ðọt lang dăm cọng, muối om nửa thià.
Nắng nung nối bước nhau đi,
Mưa phùn gió bấc, lầm lì Cán theo.
Vắt kim, điả đói bám đeo,
Muỗi mòng khát máu mừng reo cả bầy.
Run run những tốp thân gầy,
Bên nhau lặng lẽ đốn cây phá rừng.
Ðói phi bi thuốc môi rung,
Lơ mơ theo khói mung lung chuyện đời.
Trợn trừng Cán nạt thị oai,
Lăm lăm nòng thép hăm đòi cùm chân.
“Chỉ tiêu tối thiểu định phần,
“NÀM” chưa đạt mức, “NẦN” khân nghỉ hoài.”
Tù trong chịu phép Tù ngoài,
“Ếch ngồi đáy giếng coi Trời bằng vung.”
Xót thương Chiến sĩ anh hùng,
Sa cơ đành chịu sống cùng bọn ngu.

K2, Trại Thanh Phong, Thanh Hoá, tháng 1-1980.

Không có nhận xét nào: