Thứ Năm, tháng 1 08, 2009

HỒI ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 21

TƯ PHÁP KIỂU CỘNG SẢN,
TÙ PHẢI TỰ VIẾT BẢN LUẬN TỘI ĐỂ LÊN ÁN MÌNH


Sức khoẻ Tù suy xụp tới mức cùng cực. Mọi người đang sống trong hoàn cảnh thất vọng, đợi chờ ngày đến lượt mình nhắm mắt xuôi tay rũ sạch nợ trần. Bỗng dưng, có phái đoàn Y tế Trung ương Cộng sản tới K1 Trại Tân Lập, khám sức khoẻ cho Tù, tìm nguyên nhân vì sao sĩ số tử vong hàng tuần lại cao đến thế ?

Sau kỳ kiểm tra của Đoàn Y tế, Trại phát cho Tù mỗi người một Phiếu Bưu Kiện gửi 5 Kí lô thực phẩm khô qua đường Bưu điện, và được phép viết thơ để trại chuyển về cho gia đình xin tiếp tế. Ai đang bị giam trong nhà kỷ luật hoặc bị phạt giảm mức ăn hàng tháng, thì không được hưởng đặc ân này. May mắn cho bọn 4 người chúng tôi (Trần văn Thăng, Phạm Tài Điệt, Nguyễn văn Phúc, và Tôi) đã hết hạn phạt giảm mức ăn, nên cũng được nhận Phiếu Bưu Kiện, và viết thư gửi về cho gia đình xin tiếp tế, như mọi người trong Đội.

Cũng kể từ đấy, Trại giam không muối ngọn sắn (đọt cây khoai mì) làm dưa chua, phát cho Tù ăn thay rau hàng ngày nữa. Trước đó, Trại giam đã dựa vào một bài báo của một Kỹ sư Nông nghiệp Giáo sư tại Đại học Cần Thơ, phổ biến trên Nhật báo “Nhân Dân” của Đảng và Nhà Nước, phân tích xác định rằng “bốn kí lô lá đọt sắn” có “chất lượng dinh dưỡng” tương đương vớiù “một kí lô thịt bò”.

Cây sắn do Tù trồng để lấy củ nộp cho Trại. Đọt sắn cũng do Tù đi cắt về giao cho nhà bếp. Nhưng trên bản kê công khai thu chi tiền thực phẩm hàng ngày tại nhà bếp, đọt sắn muối dưa cũng tính vào mục chi. Như vậy mỗi kí lô đọt sắn cho Tù ăn được tính tiền 3 lần :

1/- tiền công lao động hàng ngày của Tù đi trồng sắn ;
2/- tiền công Tù đi cắt đọt sắn đem về nộp cho nhà bếp ;
3/- tiền công nhà bếp muối thành dưa chua cung cấp cho Tù ăn hàng ngày.

Cũng kể từ ngày này, địa chỉ Trại giam được ghi rõ ràng, tên Trại, quận hạt và Tỉnh nơi Trại tọa lạc, không dùng ám số như hồi ở bên Trại Quân đội quản lý. Thư phải dán tem cước phí đầy đủ mới được chuyển đi. Nhờ vậy, khoảng một tháng sau, trong Đội Đại tá chúng tôi có bạn được thân nhân ở Hànội, làm cách nào không biết, được phép đến Trại “thăm nuôi”, đem theo cả chục kí lô thực phẩm khô tiếp tế cho mà “bồi dưỡng”. Anh bạn Tù được “thăm nuôi” cho biết, người anh Vợ tốt bụng đến thăm em rể này, trước năm 1954 cũng là một Hạ sĩ quan trong lực lượng võ trang chống Cộng sản của phe Quốc gia. Anh ấy đã ở lại Hànội, không di cư vào Nam theo quy định của Hiệp định Genève tháng 7 năm 1954. Vì thế anh ấy đã bị đưa đi “tập trung cải tạo”, suốt từ cuối tháng 7 năm 1954 cho đến sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nước Việt Nam thống nhất, mới được thả ra cho làm người công dân Xã hội Chủ nghiã.

Báo “Nhân Dân” của Đảng và Nhà Nước, loan tin Trung Cộng xua quân đánh chiếm một số Tỉnh biên giới Bắc Việt. Một số Tù miền Nam bị giam trong các Trại cải tạo ở các Tỉnh miền biên giới như : Lào Kay, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn… bị Trung Cộng đánh chiếm, được di chuyển về K1-Tân Lập với chúng tôi.

Ít ngày sau, Trung ương Đảng Cộng sản Hànội cho Phái đoàn về tổ chức học tập. Cũng vẫn những điều đã nhồi sọ đi nhồi sọ lại từ mấy năm qua, về “bản chất phản động” của Đế quốc Mỹ, của Ngụy Quân, Ngụy Quyền, và những “điểm son thành công to lớn” của Cách mạng Vô sản và Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của “Liên xô Cộng sản vô địch” và “Bác Hồ vĩ đại”. Đặc biệt lần học tập này, đoàn Cán bộ dùng hình học lý giải bài toán Tiểu học về Lực, Thời gian, và Khoảng cách, để dẫn chứng cho Tù hiểu rõ hơn về ý nghiã câu nói cửa miệng, mà các Cán bộ Trung ương cũng như Địa phương thường xuyên lập đi lập lại với Tù là : “Thời gian cải tạo mau hay lâu, tùy thuộc vào thiện chí và tinh thần cố gắng, của chính bản thân mỗi người trong các anh tự quyết định. Cách mạng chỉ tạo môi trường cho các anh thực hiện thôi.”

Khi giới thiệu đoàn Cán bộ Trung ương, Thiếu tá Công an Nhân dân Nguyễn Thùy Trại trưởng trại Tân Lập, đã khôn khéo lợi dụng dịp may hiếm có, để khoa trương tài ăn nói và “lập trường trung thành cao độ” của mình đối với Bác, Đảng. Với hy vọng các “đồng chí đàn anh” từ Hànội đến, sẽ “quan tâm chiếu cố đề bạt” cho “thăng hàm” (lên cấp bậc) nhanh hơn. Có lẽ nhờ thế, năm 1980 Thùy đã được thăng cấp Trung Tá, để đưa một số chúng tôi vào Huyện Như Xuân, Tỉnh Thanh Hoá thành lập Trại Thanh Phong gần Trại Thanh Cầm, trong vùng rừng núi âm u hẻo lánh giữa lòng dẫy Trường Sơn. Nơi mà Cộng sản Việt Nam dự tính đem tất cả gia đình chúng tôi, vào lập Vùng Kinh Tế Mới định cư vĩnh viễn.

Thùy đã trích cả thơ trong chuyện Kiều của Cụ Nguyễn Du, lẫn thơ bợ đỡ đề cao Bác, Đảng, và các ông Tổ Cộng sản Liên xô của bồi bút Tố Hữu, để mạt sát tinh thần người dân miền Nam là vong bản, sợ Mỹ, phục Mỹ, bắt chước Mỹ, lệ thuộc Mỹ..., chê sự phồn vinh của nền Kinh tế miền Nam Việt Nam là “phồn vinh giả tạo”. Hắn ta đơn cử những thí dụ rất điển hình mộc mạc như : “-Đất nước ta thiếu gì tre, giang để đan rổ rá, bện giây thừng, mà phải làm rổ rá, giây nhợ đủ cỡ bằng chất nhựa nilông của nước ngoài. -Chúng ta thiếu gì đất đai để trồng bông hoa đủ loại, để nặn nung ra bát điã, tách uống nước, bình cắm hoa, chum vại chứa nước, mà phải làm các thứ này bằng nhựa nilông mầu mè loè loẹt, nhập khẩu từ các nước Đế quốc Tư bản...”

Đấy là những lời phát biểu như vẹt, dựa theo các bài học nhồi sọ của Đảng và Nhà Nước đã phổ biến, cộng với tầm nhìn không xa quá sống mũi của Thùy trong năm 1978.

Qua năm 1979, trong một dịp nói chuyện với Tù tại Hội trường của Trại, có sự hiện diện các Cán bộ trực thuộc, Thùy khoe là mới đi tham quan các Trại Cải tạo bên Liên xô và Nam Bộ Việt Nam về. Có dịp được thấy tận mắt thực tế tại miền Nam Việt Nam, Thùy lại có những lời phát biểu khác hẳn với những gì hắn đã nói trong năm 1978.

Hắn khen “Đường xá trong Nam rộng rãi, tráng nhựa bằng phẳng, ngồi trên xe di chuyển trên Xa lộ êm như ngồi trong phòng khách, không gập ghềnh nhồi muốn gẫy xương sống lưng, như đường của chúng ta ở ngoài này (tức là ngoài Bắc).”

Hắn khen “Nhà vệ sinh trong Trại cải tạo ở Nam Bộ sạch sẽ văn minh. Người ta đại tiện vào lỗ hầm có nước giật, cho trôi ra hầm chứa phân kín. Không dùng những thùng gỗ để lộ thiên, như của chúng ta ở đây, lúc nào mùi hôi thối cũng theo gió xông nồng nặc cả ngày lẫn đêm, làm ô nhiễm không khí, làm ổ cho ruồi bọ sinh sôi nẩy nở gây bệnh truyền nhiễm.”

Hắn khen “Phụ nữ ở trong Nam, mặc quần áo may bằng những loại vải ni lông mềm, có in hoa lá, mầu sắc hài hoà, trông thấy dịu dàng vui con mắt. Còn Nữ giới của chúng ta ở ngoài này, quanh năm đi đâu cũng bộ quần áo cánh nâu xồng thâm đen...”

Mục đích chính của đợt học tập kỳ này, là để buộc Tù “tự giác”, “thành khẩn” khai mọi chi tiết lý lịch 3 đời, dòng họ Nội, họ Ngoại của mình và của Vợ. Liệt kê tất cả mọi hoạt động của mỗi người theo sự hiểu biết của mình, phân tích và quy trách xem những hành động nào có hại cho Nhân dân, và làm cản trở Cách mạng trong việc xây dựng Xã hội Chủ nghiã. Phải ghi ra rõ ràng, ai thương mình nhất, mình ưa ai, ghét ai nhất, tại sao? Kể cả đối với riêng từng người con của mình.
Về phần “bản thân”, phải kể đầy đủ chi tiết mọi hoạt động, từ khi mới lọt lòng Mẹ cho đến ngày 30-4-1975, và tự quy trách những lỗi lầm của mình đối với Cách mạng và Nhân dân như thế nào? đáng xử tội gì?

Ngoài ra, còn phải dựa theo những việc làm đã vạch ra trong các bài học tập, được coi là “phản động đối với Cách mạng và Nhân dân”, để tố cáo rõ tên, tuổi, hành động, và nơi ở hiện tại của những người quen.

Mỗi người phải viết tối thiểu, đầy một cuốn vở học sinh 100 trang do Trại cung cấp. Trong dịp này, cũng có người “thành khẩn” đến nỗi viết đầy cả cuốn vở, mà vẫn còn thấy thiếu giấy cần phải xin thêm. Nhưng cũng có người viết chữ thật lớn, cố nặn óc cả tuần lễ mà chẳng tìm được gì nhiều để khai cho đặc hết một cuốn vở.

Sau thời gian viết “Bản tự khai, tự luận tội và tự lên án” chính mình xong, là thời gian từng Đội ngồi tập chung, để mỗi người phải đích thân đọc nguyên văn “Bản Tự Khai” của mình, cho anh em trong Đội cùng nghe. Sau khi nghe, anh em phải thay phiên nhau góp ý kiến, xem viết như vậy đã “thành khẩn” đầy đủ chưa? Có điều gì cần phải làm sáng tỏ thêm không? Cái án mà người khai tự quy định cho mình, có nhẹ quá đối với tội lỗi đã tự nhận không?...

Các Đội khác được tập trung thực hiện tại Láng ngủ của họ. Riêng Đội Đại tá chúng tôi, Láng giam chật hẹp nên phải lên Hội trường để làm công việc này, dưới sự giám sát của Quản giáo Đội. Các Cán bộ thuộc đoàn Trung ương và Cán bộ canh gác Tù tại Trại, có thể thoải mái đứng ngoài cửa quan sát và lắng nghe, bất cứ lúc nào họ muốn.

Đến lúc này, những anh em nông nổi nhẹ dạ cả tin nhất, cũng đã thấu hiểu rõ ràng cái ác tâm của Cộng sản, nên chẳng ai “thành khẩn” khai thật cũng như góp ý kiến “xây dựng” nhau khắt khe nữa.

Trong thời gian viết ai cũng đăm chiêu suy nghĩ, cố gắng sáng tác ra một tác phẩm tưởng tượng hợp tình hợp lý nhất, cho phù hợp với “thành kiến đại ngoan cố” và “độc đoán cố hữu” của Nhà Nước Cộng sản về “Ngụy quân Ngụy quyền”, cho nó xong chuyện.

Đến lúc góp ý kiến “xây dựng”, bạn bè thân cũng ngầm thoả thuận với nhau từ trước. Lần lượt “sốt sắng” thay phiên “xung phong” phát biểu ý kiến. Nào là “thành khẩn”, đã nhận rõ được lỗi lầm của mình đối với Cách Mạng và Nhân Dân... theo đúng với “yêu cầu” của Đảng và Nhà Nước đã đề ra. Rất xứng đáng được hưởng Chính sách Khoan hồng Nhân đạo của Đảng và Nhà Nước, tha cho tội chết để cải tạo mau tiến bộ, trở về đoàn tụ với gia đình…

Trong thời gian học tập này, đoàn Cán bộ Trung ương muốn tỏ cho Tù thấy “lượng khoan hồng nhân đạo của Đảng và Nhà Nước trước sau như một”, đã chỉ thị Ban Chỉ huy Trại giải toả thư của gia đình gửi tới cho Tù nhận đọc. Tôi cũng may mắn nhận được một bức thư, do cô con gái thứ viết và gửi đi từ hồi cuối năm 1977. Bức thư gởi tới điạ chỉ Liên trại 1 bên Quân đội quản lý trước kia, được chuyển tiếp sang đây chẳng biết từ lúc nào, bây giờ mới được nhận để đọc. Có lẽ những tháng trước Tôi bị phạt giảm mức ăn, nên Quản giáo không phát cho.

Sự kiện này cho phép kết luận rằng, mấy bức thư có kèm Phiếu Bưu kiện Tôi được viết gửi về nhà theo quy định, chưa bao giờ đến tay gia đình Tôi cả. Chẳng biết là Trại giam vứt không gửi đi, hay là Chính quyền Địa phương nơi gia đình Tôi cư ngụ không phát thư cho, sau khi họ rạch phong bì lấy thư đọc để kiểm tra.

Sau này khi được tha về “đoàn tụ” với gia đình, Vợ Con của Tôi mới cho biết là thỉnh thoảng 3, 4, 5 tháng không chừng, nhà mới nhận được một thư của Tôi gửi về, viết từ mấy tháng trước. Tất cả mọi thư do Tôi gửi về, đều bị Công An Phường cắt ra đọc kiểm tra trước, rồi mới đem đến phát cho gia đình.

Tại Trại giam cũng vậy, bao giờ thư gia đình gửi tới cũng đều bị Quản giáo Đội cắt phong bì, lấy đọc kiểm tra trước rồi mới phát cho Tù. Nếu trong thư có điều gì không phù hợp với đường lối của Nhà Nước, hoặc có điều gì Cán bộ thắc mắc không hiểu, không những Tù không được nhận đọc, mà còn bị gọi lên làm việc để Cán bộ hạch hỏi đủ điều, và buộc phải viết “tờ kiểm điểm”.

Những trường hợp như vậy, Tù chưng hửng chẳng biết phải “kiểm điểm” cái gì? Nhưng vẫn phải tự nặn óc dựa theo những điều Cán bộ hạch hỏi, đoán xem mình và thân nhân ở nhà có làm điều gì sai trái, để mà viết “bản kiểm điểm” với lời hứa sẽ “sửa sai” và không bao giờ tái phạm nữa. Không viết thì bị kết tội “ngoan cố”, bị kêu tới kêu lui hoài. Đã có trường hợp Tù bị giam vào Nhà Kỷ Luật, cho đến khi chịu viết “tờ kiểm điểm” nộp xong, mới được xét xem có đáng được tha ra hay không. Những vụ việc như vậy, biết được là nhờ hàng ngày, trước giờ gọi các Đội xuất trại lao động, những Tù bị bắt giam vào Nhà Kỷ Luật, đều được Cán bộ Trực Trại đọc lệnh ghi rõ tội danh vì sao bị tống giam.

Trước khi chấm dứt đợt học tập “Tự luận tội và lên án mình”, Tù còn được yêu cầu bầy tỏ lòng yêu Nước, yêu Cách mạng Xã hội Chủ nghiã, bằng cách viết “Tờ Thỉnh Nguyện” xin gia nhập Lực lượng Võ trang để ra biên giới chiến đấu chống quân Trung Hoa xâm lăng đất nước Việt Nam thân yêu, nếu ai muốn.

Một số bạn trong đó có Tôi, mặc dù biết là sẽ chẳng bao giờ được chấp thuận, nhưng vẫn viết và nộp “tờ thỉnh nguyện” cầu may. Không biết khi viết “tờ thỉnh nguyện” các bạn khác nghĩ sao? Riêng phần Tôi tính rằng, một khi được ra mặt trận, dù chỉ được xử dụng làm lao công tiếp tế chiến trường không cầm súng chiến đấu, sẽ có nhiều cơ hội để trốn khỏi cái nhà tù lớn là toàn cõi nước Việt Nam Cộng sản này, để có lại được Tự do cho bản thân. Hơn là cứ ở trong tù, đợi cái chết lần mòn khổ nhục đến với mình, theo Chính sách tiêu diệt giai cấp đối nghịch của Cộng sản. Hơn nữa, nếu được quyền chọn lựa, giữa cuộc sống mãn đời làm người “Tù tập trung không án”, và việc dấn thân nơi chiến trường bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, nhận cái chết vì hòn tên mũi đạn của Trung Cộng xâm lăng, thì hành động thứ hai có ý nghiã hơn.

Theo bình luận trên báo “Nhân Dân” của Nhà Nước, và lời giải thích của đoàn Cán bộ Trung ương thì, “việc Trung Cộng huênh hoang là chúng xua quân chiếm một số Tỉnh biên giới Bắc Bộ, nhằm mục đích cho chúng ta (tức là Cộng sản Việt Nam) một bài học, về tội dám đưa quân sang Cămpôchia làm nghiã vụ Quốc tế do Liên Xô chỉ đạo, để hạ đàn em tay sai của Trung Cộng, đưa đàn em của Việt Cộng tay sai Liên Xô lên cằm quyền, là tuyên truyền láo khoét bịp bợm. Cuộc xâm lăng của Trung Cộng đã bị Quân đội Nhân dân anh hùng của chúng ta chặn đứng. Chính chúng ta mới là người cho Trung Cộng một bài học đích đáng, để chúng thấy rõ tinh thần chiến đấu can trường gan dạ của Quân Dân Việt Nam như thế nào, sau khi đã đánh thắng cả 2 Đế quốc Pháp và Mỹ.”

Nhưng theo suy nghĩ của riêng Tôi, những lời rao truyền này của Trung Cộng chỉ là cái cớ nổi bề ngoài. Cái mục đích thật sự ngầm bên trong, của Trung Cộng là dùng “bạo lực rằn mặt” buộc Cộng sản Việt Nam, phải ngoan ngoãn nghe lời, tham dự tích cực vào cuộc họp tại Genève do Liên Hiệp Quốc triệu tập, theo đề nghị của Hoa Kỳ, giải quyết vấn đề Tù nhân Chính trị miền Nam Việt Nam, đã bị Cộng sản Bắc Việt đem ra Bắc giam cầm đầy đọa vô thời hạn, không tuyên án suốt từ sau 30-4-1975.

Những thái độ thay đổi bớt khắt khe hơn của Cán bộ trong trại giam đối với Tù, và đặc biệt nhất là việc Nhà Nước chính thức chỉ thị cho các Địa phương, phải triệt để thi hành việc cho phép thân nhân Tù gửi thực phẩm tiếp tế bằng đường Bưu điện cho Tù tẩm bổ lấy lại sức khoẻ, là những sự kiện rõ ràng cụ thể xác nhận tin đồn đang có hội họp tại Genève, để giải quyết vấn đề thả Tù Chính trị miền Nam là có thực.

Các sự kiện trên đây, phối kiểm với những tin tức thâu lượm được qua các mẩu tin, do thân nhân lén viết rải rác trên những mẩu báo cũ dùng gói quà gửi đến cho Tù bằng đường Bưu điện, hoặc do thân nhân đến trại thăm nuôi ghi trên những mẩu giấy vo tròn vứt lén cho Tù nhặt lúc gặp dọc đường. Cho phép tin tưởng rằng, tia ánh sáng đầu tiên ở cuối đường hầm, đã hiện ra chọc thủng màn đêm thăm thẳm giữa ban ngày, đang bao trùm anh em Tù miền Nam trên đất Bắc Xã hội Chủ nghiã. Nhờ vậy, tinh thần anh em Tù lên trở lại, ý nghĩ muốn chết quách đi cho rồi trong những ngày vừa qua, không còn lởn vởn trong suy nghĩ của một số người nữa.

Các Bưu kiện do thân nhân từ miền Nam gửi ra cho Tù bồi bổ, được Trại lên Tỉnh lãnh về phát hàng tuần, đã tạo ra một bầu không khí háo hức mong đợi, y như lao công chờ đón kỳ phát lương vậy. Ai có quà thì mừng hí hửng. Ai chưa có thì buồn đôi phút, nhưng vẫn hy vọng là Vợ Con không quên mình, hoặc không cùng cực đến nỗi không có khả năng tiếp tế cho mình chút đỉnh, để đỡ tủi thân trước các bạn bè đồng Tù.

Một phong trào vui nhộn bắt đầu nẩy sinh, lôi cuốn nhiều người quên cả nghỉ ngơi sau những giờ lao động vất vả hàng ngày. Hầu như tất cả mọi người trong Đội chúng tôi, bất cứ lúc nào rảnh rỗi, cũng lo cặm cụi ghi chép cách biến chế các món ăn, do anh bạn cựu Đại úy Cảnh sát phụ trách Tổ Lò Rèn, kể lể chỉ dẫn một cách rất thành thạo. Hình như trước tháng 4 năm 1975, Bà Vợ anh ấy là chủ một nhà hàng bán các đồ nhậu thì phải. Ngoài ra, anh em cũng còn nhờ anh ấy cố vấn, nên yêu cầu gia đình “biến chế” thịt heo, thịt bò… như thế nào, để có thể dành được lâu ăn dần không bị hư hỏng.

Một hiện tượng khác thường nữa, cũng lan tràn trong cả Trại. Mỗi khi anh em ở các Đội khác nhau, có dịp tiếp xúc bất cứ ở đâu, cũng thì thầm trao đổi những tin tức mới nhất ghi nhận được từ bên ngoài đưa vào, về cuộc thảo luận giải quyết Tù Chính trị miền Nam, giữa Hoa Kỳ và Cộng sản Việt Nam tại Genève tiến triển đến đâu? Như thế nào?...


ĐẤT TỔ HÙNG VƯƠNG.

Núi đá rừng chồi đất Tổ đây,
Bao năm Cách mạng vẫn như vầy.
Xóm làng xơ xác, dân nghèo đói,
Đồng ruộng khô cằn, thú lất lây.
Ven núi cheo leo Làng Thiểu số,
Dọc sông san sát Trại Tù đầy.
Quanh năm cặm cụi trồng ngô sắn,
Suốt tháng còng lưng ép miá gầy.

Hậu quả Cách mạng tháng 8-1945.
Nước Nam khởi phát tại đây,
Trải bao dâu biển ngày nay vẫn còn.
Nhờ dòng giống Việt tinh khôn,
Không tham danh lợi cúi luồn ngoại bang.
Không vì quyền tước cao sang,
Dẫn đưa Dân tộc nhập hàng vong nô.
Như bầy bán nước họ Hồ,
Vinh danh Qủy Đỏ Liên Xô nạ dòng.
Quên đi gốc gác Tổ Tông,
Chạy theo Thế giới Đại đồng Tam vô.
Xoá tan ranh giới cõi bờ,
Buộc toàn dân Việt tôn thờ Mác-Lê.

K1-Tân Lập-Vĩnh Phú, mùa Đông 1978.

Không có nhận xét nào: