Thứ Tư, tháng 1 07, 2009

HỒI ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 39

CHẶNG ĐƯỜNG CUỐI CÙNG DẪN ĐẾN
TỰ DO HẠNH PHÚC.

Sáng sớm ngày 5-8-1992, phi cơ “Hàng không dân dụng Việt Nam” đưa chúng tôi rời Tân Sơn Nhất Saigon. Bay được khoảng 2 tiếng đồng hồ, phi cơ hạ cánh xuống phi trường Bangkok Thái Lan. Sau khi lăn bánh ra khỏi phi đạo, phi cơ không ghé vào trạm tiếp hành khách chính của phi cảng, chạy đến đậu tại nơi tiếp đón riêng, phía bên trong khu tiếp liệu của phi trường. Mọi người xuống phi cơ, vào ngồi trong một dẫy nhà tôn tiền chế, chờ làm thủ tục giấy tờ xếp chuyến bay đi tiếp. Thời tiết nóng như nung, mấy chiếc quạt điện cỡ lớn thổi vù vù liên tục, chẳng đem lại chút gió mát nào. Chuẩn bị đi đường dài bằng phi cơ đến xứ lạnh, ai cũng phải mặc áo len, khoác áo choàng, áo bành tô, mồ hôi ra nhễ nhại, khát nước khô cổ họng. Mấy chiếc tủ máy tự động, bán các hộp nước uống giải khát, được người ta xếp hàng đứng bên bỏ tiền vào bắt hoạt động liên tục. Cũng may các máy này nhận tiền Đô La giấy, và thối lại tiền cắc tự động, nếu không thì đành chịu nhịn khát.

Làm thủ tục suốt từ lúc xuống máy bay, đến tận 5 giờ chiều mới xong. Có nhóm được dẫn sang trạm hành khách của phi cảng, lên phi cơ đi tiếp ngay chiều hôm đó. Có nhóm ở lại tại chỗ chờ, đến tối mới có chuyến bay. Gia đình tôi lọt ngay vào nhóm chưa có chuyến bay trong ngày. Lúc 5 giờ chiều, phải lên xe mang theo tất cả hành lý đã cân gửi theo phi cơ cũng như mang tay, vào nghỉ tại nơi tạm trú trong thành phố Bangkok.

Nơi tạm trú là một dẫy nhà gạch 3 tầng, trong Khu Khám rộng lớn, gồm nhiều dẫy nhà giam các tội phạm hình sự của thành phố Bangkok. Mỗi tầng là một phòng giam rộng thông luôn, nằm ngồi ngay trên nền xi măng, chứa được khoảng 100 người. Dọc 2 bên tường có dẫy cửa sổ dài suốt căn phòng, gắn song sắt. Có đèn điện chiếu sáng ở giữa phòng, không có quạt trần nên ban ngày cũng hơi oi nồng chút đỉnh, nhưng ban đêm thì lạnh. Chỉ có một lối ra vào duy nhất, tại nơi đầu cầu thang lên. Phòng vệ sinh và phòng tắm công cộng, ở ngay kế bên đầu cầu thang cũng khá rộng rãi, có nước đầy đủ, không có giấy vệ sinh.

Ai nấy ngỡ ngàng, không ngờ trước khi được hưởng cuộc sống Tự do Hạnh phúc trên đất nước Hoa Kỳ, mình và thân quyến lại bị buộc phải nếm thử cái không khí nhà tù của xứ Thái Lan. Đối với Tôi, đã từng phải chịu đựng khổ nhục, mười mấy năm trời trong các trại tù tập trung của Cộng sản Việt Nam, quen rồi thì không sao. Nhưng quả là một hoàn cảnh vô cùng buồn tủi, cho Vợ Con Cháu đi theo mình để tìm cuộc sống Hạnh phúc Tự do Dân chủ. Kỷ niệm này là một vệt đen, làm hoen ố phần nào cái cảm tình ban đầu, đối với việc làm Nhân đạo Vị tha của người bạn Hoa Kỳ tốt bụng, đang dang tay cứu giúp mình thoát khỏi ách cai trị tàn bạo của Cộng sản Việt Nam.

Tất cả hành lý nặng mang theo, đều để tập trung trong kho dưới nhà, có cửa khoá. Mỗi gia đình phải có người theo vào kho kiểm tra, và xếp dọn hành lý của mình vào chung một chỗ, để khi lên đường lấy ra không bị thiếu sót. Nhóm chúng tôi được đưa lên tầng lầu 2. Đã có một số gia đình nằm chờ tại đó từ nhiều ngày trước. Có gia đình mới ở đây một hai ngày, có gia đình đã phải ở cả tuần lễ, mà chưa được xếp chuyến bay. Tùy theo những chỗ còn trống, mỗi gia đình tự động chiếm một khu, hoặc ngay giữa phòng, hoặc dọc bên tường. Trước khi lên phòng ngủ tạm, nhân viên hướng dẫn đã dặn dò, mọi người hãy để đồ đạc của mình gọn gàng cho khỏi bị thất lạc, vì những người ra đi ban đêm, vội vã có thể cầm lộn. Hiểu ngụ ý của những lời dặn dò, gia đình Tôi chiếm một chỗ trống sát bên tường. Hành lý để tập trung sát vào tường, người nằm bao chung quanh phía ngoài. Vậy là yên tâm, chẳng sợ ai lấy lộn. Mình cũng chẳng sợ lỡ vội vã cầm nhầm của người ta.

Trong khi ở đây, mỗi ngày được phát 2 bữa ăn. Mỗi phần được để riêng trong một bao ni lông, gồm một nắm cơm và một quả trứng luộc. Một thùng nước chín để ở đầu phòng, mình phải tự động lấy đồ chứa riêng ra đong vào để dùng dần. Ai ăn không đủ no, có thể yêu cầu nhân viên phục vụ cung cấp thực phẩm, mua giùm mì gói có châm sẵn nước sôi để ăn thêm. Việc nhờ mua đồ ăn thêm, có thể trả bằng Đô La hoặc tiền Việt Nam. Những người tự nguyện phục vụ, thuộc trường hợp đợi trả về Việt Nam, thường mời gọi những người ra đi còn sót tiền Cụ Hồ trong túi đổi lấy Đô La, dĩ nhiên là với giá rẻ hơn giá chính thức 50 phần trăm.

Mấy người tình nguyện phục vụ hướng dẫn tại đây, toàn là người Việt đã ở đây lâu ngày. Họ cũng là người thuộc thành phần đi định cư, nhưng bị ngã bệnh trong thời gian chờ đợi xếp chuyến bay, nên cả gia đình phải ở lại chờ chữa hết bệnh, mới được xếp chuyến bay đi tiếp. Hoặc vì không có thân nhân bên Hoa Kỳ bảo lãnh, đang chờ kiếm một gia đình Hoa Kỳ nào đó, tình nguyện nhận bảo trợ giúp đỡ khi tới Hoa Kỳ, mới được xếp chuyến bay cho đi. Cũng có trường hợp các cá nhân vì lý do nào đó không được đi tiếp, đợi hoàn tất thủ tục đưa trả về Việt Nam.

Ngay đêm hôm chúng tôi đến tạm trú, có một nhóm cũ được gọi đi vào lúc nửa khuya, và một nhóm khác ra đi vào lúc sáng sớm ngày hôm sau. Căn phòng trở thành rộng mênh mông. Chỉ còn gia đình Tôi và mấy gia đình khác, đi cùng chuyến bay từ Saigon đến ngày hôm trước. Sáng hôm sau, ngày 6 tháng 8 năm 1992, cả nhóm chúng tôi mới đến, được gọi xuống văn phòng làm thủ tục tiếp để xếp chuyến bay. Cả nhóm được thông báo cho biết, phải chuẩn bị sẵn sàng để ra phi trường, rời Bangkok Thái Lan trên chuyến bay dự trù cất cánh lúc 8 giờ tối.

Mọi thủ tục xong suôi, tất cả lại phải xuống văn phòng nghe thuyết trình và xem phim hướng dẫn về nếp sống bên Hoa Kỳ, trong 2 tiếng đồng hồ liền. Riêng Tôi được miễn không phải tham dự. Có lẽ vì trước kia, Tôi đã có lần sống trên đất Hoa Kỳ cả năm rồi, nên được miễn. Tôi nằm lại trên lầu trông chừng hành lý cho mọi ngườiù. Bốn giờ chiều, các chủ gia đình đi chuyến bay tối, phải xuống văn phòng nhận vé máy bay, thẻ IOM có ghi tên dán ảnh riêng của mỗi người để cài lên ngực áo, và một túi ni lông ghi chữ IOM to tướng, đựng những bì thơ hồ sơ Y tế, cùng các giấy hành chánh nhập cảnh Hoa Kỳ. Theo lời dặn, những thứ để trong túi IOM không được mở ra, cho đến khi tới đất Hoa Kỳ trình cho nhân viên phụ trách đón tiếp tại phi trường. Trong khi đó, những người khác trong gia đình lo thu xếp hành lý xuống sân tập trung, và coi chừng cho nhân viên khuân vác đem hành lý của mình, từ trong kho ra chất lên xe không thiếu sót.

Nhóm ra đi, kể cả gia đình chúng tôi, gồm khoảng 50 người. Gia đình Tôi đông nhất là 16 người, còn các gia đình khác chỉ có từ 3 đến 10 người. Đúng 6 giờ xe chuyển bánh ra phi trường. Đèn dọc đường và trên bảng quảng cáo của các nhà hàng, bật sáng trưng đủ mầu sắc, trông rất đẹp mắt và hấp dẫn. Những dòng xe hơi lưu thông buổi tối đông nghẹt. Nhiều khúc bị kẹt làm ứ đọng, phải nối đuôi nhau chạy chậm rề rề, mãi 7 giờ 30 tối chúng tôi mới tới trạm hành khách chính của phi trường Bangkok. Nhân viên Hoa Kỳ tại đây làm việc thật chu đáo. Họ biết xe kẹt bị chậm trễ, nên đã liên lạc thu xếp trước với các giới chức phụ trách phi trường. Khi đoàn chúng tôi đến nơi, được vào trình Hộ Chiếu, vé máy bay, cân gửi hành lý và lên phi cơ ngay, không phải khai báo khám xét gì cả. Những hành khách khác đi cùng chuyến đã lên hết trên phi cơ, đang kiên nhẫn ngồi đợi chúng tôi. Phi cơ đưa chúng tôi đi là của hãng hàng không Thái Lan.

Máy bay cất cánh lúc 8 giờ tối, bay liên tục tới gần trưa hôm sau, đáp xuống phi trường quốc tế tại Tokyo Nhật Bản. Chúng tôi được dẫn vào khu đợi, có nhà hàng bán các thức ăn uống kiểu Âu Mỹ rất sáng sủa. Vì Tôi nghe nói được tiếng Anh tương đối khá hơn những người khác, nên trong suốt thời gian chờ đợi, nhân viên hướng dẫn người Nhật, nhờ Tôi thông dịch hướng dẫn mọi người. Trong lúc ngồi nghỉ để ăn uống, và đợi chuyến bay của hãng Hàng không Nhật Bản đưa đi San Francisco, Hoa Kỳ, mọi người được yêu cầu không nên lang bang đi ra ngoài khu vực chờ đợi. Tuy nhiên cũng vẫn có đôi người tùy tiện không tôn trọng, nhân viên trật tự phi trường đã phải can thiệp, dẫn quay trở lại khu đợi.

Khoảng 2 giờ chiều, nhân viên hướng dẫn đến trao vé máy bay cho từng gia đình, và cho biết chuyến bay sẽ cất cánh lúc 4 giờ chiều. Ngồi đợi tiếp đến gần giờ bay, nhân viên hướng dẫn trở lại, nhờ Tôi gọi mọi người tập trung, và cho biết là nhóm H.O. chúng tôi được xếp ngồi chung một khu. Họ nhắc nhở cho mọi người biết, trên mỗi vé đều có ghi rõ số chỗ ngồi riêng. Rồi dẫn đường cho nhóm chúng tôi, ưu tiên lên phi cơ trước các hành khách đi cùng chuyến bay. Khi bắt đầu lên máy bay, Tôi tưởng rằng mọi người đã hiểu, và biết tìm vào ngồi đúng ghế dành cho mình. Nên thay vì cùng gia đình đi đầu dẫn lối, Tôi đã nhường cho mọi người lên trước, gia đình chúng tôi đứng cuối hàng lên sau chót. Nhưng không ngờ, khi vào trong phi cơ, những người lên trước không ngồi vào ghế có ghi số trên vé của mình. Thích ngồi đâu, kéo nhau vào chiếm đại chỗ đó. Những người lên sau bị mất chỗ ngồi cãi lộn om xòm, kiếm Tôi nhờ can thiệp, làm tắc nghẽn lưu thông.

Những hành khách phải nhường cho nhóm H.O. chúng tôi lên trước, đang ùn ùn vào tìm ghế của họ gặp trở ngại, ngạc nhiên nhìn ngó tỏ vẻ không hài lòng. Nhân viên phi hành đoàn phải chạy đến, hỏi xem chuyện gì đang xẩy ra. Không thể để những hành khách khác phải chờ đợi phiền hà, vì nhóm người H.O. Việt Nam tranh nhau chỗ ngồi, Tôi phải hết lời năn nỉ những người khiếu nại, vui lòng ngồi vào những chỗ còn trống cho yên chuyện.

Theo số ghế ghi trên vé máy bay, thân nhân gia đình Tôi 16 người, được xếp ngồi chung một khu sát bên nhau. Nhưng những người lên trước đã chiếm mất, đành phải chia nhau ngồi vào những chỗ lẻ tẻ còn lại, trong nhiều hàng ghế cách xa nhau. Trong suốt thời gian bay, Tôi cứ phải bỏ chỗ ngồi, chạy đi chạy lại hỏi han xem chừng các con các cháu. Bà Xã cằn nhằn hoài, thật bực mình hết sức, nhưng đành ngậm tăm chịu đựng biết làm sao hơn.

Trên ngực áo của mỗi người trong nhóm H.O. chúng tôi, đều phải ghim 1 phiếu bìa cứng mầu đỏ cỡ 5 phân cao, 10 phân rộng, ghi chữ IOM và Họ Tên, cùng ký hiệu số danh sách H.O. của người mang. Ngoài ra, còn phải đeo thêm nơi túi áo ngực, 1 thẻ IOM nhận diện khác cũng bằng giấy cứng mầu trắng cỡ 10 X 15 phân. Trên thẻ ghi Tên Họ, ngày tháng năm sinh, và dán ảnh cá nhân đóng dấu đỏ tròn (Intergovernmental Committee for Migration). Phiá trên đầu thẻ, bên trái có in chữ H.O. to tướng, bên phải đóng dấu đỏ hình chữ nhật ghi Pre-Embarcation Card và ngày làm thẻ 4 Aug 92. Ai cũng có thể nhìn thấùy và đọc dễ dàng từ xa. Chẳng làm sao dấu được tông tích, trước những hành khách đi cùng chuyến, toàn là người thuộc cái xứ mà mình đang đi đến để sống nhờ. Thật xấu hổ quá chừng! Chuyện lộn xộn này, không xẩy ra trên chuyến bay từ Bangkok đi Tokyo, vì các hành khách khác đã lên trước, đang ngồi đợi nhóm H.O. chúng tôi. Khi chúng tôi lên phi cơ, tiếp viên hàng không nhìn vé của từng người chỉ chỗ ghế ngồi.

Phi cơ rời Tokyo bay liên tục băng qua Thái Bình Dương. Lúc đang mơ màng ngủ, nghe tiếng loa thông báo cho hành khách biết phi cơ đang vượt qua Kinh Tuyến giờ Greenwitch, phân chia ngày đêm trên trái đất. Tôi bấm chuông gọi cô tiếp đãi viên, yêu cầu cấp cho một Chứng Chỉ kỷ niệm chứng nhận ngày giờ bay ngang Kinh tuyến phân chia ngày đêm giữa Thái Bình Dương, có chữ ký của Trưởng phi hành đoàn. Cô ta đi vào phòng lái một lúc trở ra trả lời, hãng máy bay của cô không dự trù làm việc này. Thật đáng tiếc! Hồi năm 1960, Tôi sang Hoa Kỳ bằng phi cơ của hãng hàng không PANAM. Lúc bay ngang qua Kinh tuyến này, Trưởng phi hành đoàn đã tự động cấp cho một Chứng Chỉ ghi rõ Họ Tên của Tôi, số chuyến bay của hãng hàng không PANAM, ngày giờ tháng năm vượt qua Kinh tuyến phân định ngày đêm trên Thái Bình Dương, tên và chữ ký của phi công trưởng phi hành đoàn. Nhưng tờ giấy kỷ niệm qúy báu này đã bị mất, cùng với tất cả các giấy tờ, hình ảnh kỷ niệm khác của gia đình, vào ngày Việt Cộng xâm lăng Saigon 30 tháng 4 năm 1975.
Gần buổi trưa ngày 7 tháng 8 năm 1992, phi cơ tới Lục địa Hoa Kỳ, đáp xuống phi trường Quốc tế San Francisco. Mọi người tuần tự dắt nhau hoà mình cùng các hành khách đi cùng chuyến, rời phi cơ đi vòng vèo dọc theo hành lang bít bùng để ra “Cửa Đến”, làm thủ tục chính thức đặt chân lên đất nước Hoa Kỳ. Ra tới “Cửa Đến”, có nhân viên nói tiếng Việt đứng đón, mời gọi những người thuộc diện H.O. đi theo đến khu làm thủ tục riêng. Trong khi làm thủ tục, phải luôn luôn nhìn chừng khi nào hành lý được thang tự động đưa ra tới, đến nhận lại ngay để còn đem theo chuyển sang phi cơ khác lên đường đi tiếp.

Tại phi trường San Francisco, từng gia đình được xếp đi theo những chuyến bay khác nhau, để về các nơi định cư quy định tùy theo trường hợp riêng của mỗi gia đình. Không biết có gia đình nào xuống tại đây không? Làm xong thủ tục, Tôi phải đi tìm khu làm việc của hãng United Airline, để dẫn gia đình chuyển hành lý tới cân gửi đi chuyến bay cất cánh lúc 2 giờ trưa, rời San Francisco Tiểu Bang California đến Cedar Rapids Tiểu Bang Iowa, nơi cậu con trai bảo trợ chúng tôi, đợi đón đưa về chỗ cư ngụ chính thức.

Nhà ga phi cảng San Francisco rộng mênh mông. Ngoài những quầy làm việc của các hãng hàng không, còn đầy những khu bán thức ăn đồ uống, quần áo, đồ kỷ niệm địa phương, sách báo, hình ảnh... Hành khách từ bốn phương trên Thế giới đến, đi, ghé chuyển đổi các chuyến bay, di chuyển bên trong nhà ga tấp nập vội vã, đông như đi mua sắm trong các siêu thị vào các dịp lễ lớn. Tôi chẳng có thời giờ mà nhòm ngó.

Khu các “Cửa Đến” và khu các “Cửa Đi” cách xa nhau, phải đi vòng quanh lên xuống cầu thang cũng cả dặm đường dài. Để giúp cho hành khách di chuyển nhanh chóng không mệt mỏi, giữa các khu bên trong nhà ga phi cảng, người ta có thiết trí những đoạn thang giây di chuyển tự động trên sàn nhà. Ai không muốn đi bộ, có thể bước lên đứng cùng với hành lý của mình, rất tiện lợi. Thân nhân gia đình Tôi chưa đi bao giờ, nên ngại không dám dùng. Đành phải dắt dìu nhau, vừa đeo trên vai hành lý xách tay và đẩy xe hành lý nặng đi bộ, suốt quãng đường dài cả cây số. Lại còn cái nạn mấy cháu nhỏ, bước đi ngắn chậm, mấy người đàn ông phải thay nhau cõng chúng lên lưng đi, để có mặt tại “Cửa Đi” của chuyến bay kịp giờ ấn định. Vừa vội vừa mệt, ai nấy thở dốc muốn hụt hơi. Nhưng cũng may, chúng tôi đến nơi vừa kịp lúc các hành khách đang trình vé để lên tầu.
Bề ngang nước Hoa Kỳ này rộng quá, người ta phải chia ra 2 khu vực hoạt động chuyển vận khác nhau : các đường bay xuyên Lục địa, và các đường bay tiếp chuyển trong từng vùng địa phương. Chuyến bay của chúng tôi không đi thẳng một lèo đến Cedar Rapids Tiểu bang Iowa. Tới phi trường Denver Tiểu Bang Colorado miền Trung Hoa Kỳ, chúng tôi phải xuống để đổi sang phi cơ khác đi tiếp đến Cedar Rapids. Vé máy bay chặng San Francisco-Denver đã được mua từ trước, nhưng trước giờ bay hành khách phải tự đến ghi danh giữ chỗ ngồi. Chúng tôi tới sau cùng nên không còn ưu tiên lựa chỗ, do đó gia đình bị chia ra thành nhiều nhóm, ngồi vào những chỗ còn lại trên chuyến bay. Tôi bị xếp ngồi một mình vào hàng ghế chót sát đuôi máy bay. Đây là vị trí tồi nhất, gần cửa buồng vệ sinh, và khu nhân viên phục dịch của phi hành đoàn sửa soạn cung cấp bữa ăn cho hành khách, cũng là nơi hứng chịu sự trồi xụt nặng nề nhất, mỗi khi máy bay gặp lỗ hổng trong không trung. Nhưng nếu rủi ro gặp tai nạn máy bay phải đáp khẩn cấp, thì khúc đuôi máy bay lại là nơi có nhiều hy vọng sống hơn khúc giữa và khúc đầu.

Dọc lộ trình bay từ San Francisco đến khoảng qua ranh giới Tiểu bang Utah vào Tiểu bang Colorado, bất thần gặp một vùng mưa giông sấm sét rộng lớn, phi cơ phải bay bao vòng bên rìa khu giông nguy hiểm, nên giờ giấc đáp xuống phi trường Denver trễ mất 30 phút so với lịch trình quy định. Đáp xuống xong, phi cơ rẽ ra khỏi phi đạo, còn phải chạy, ngừng, vòng vèo theo lệnh đài điều khiển không lưu, mất 30 phút mới vào tới bến đậu. Ra khỏi phi cơ, đi dọc theo hành lang dẫn tới “Cửa Đến”, chúng tôi chỉ còn 15 phút để băng suốt chiều dài nhà ga khoảng gần một dặm, dùng cầu thang tự động lên lầu tìm “Cửa Đi” của chuyến bay đi Cédar Rapids ghi trên vé. Cũng may, tại phi trường Denver này chỉ phải xuống đổi máy bay, chớ không phải chờ lấy hành lý ra và gửi trở lại như ở phi trường San Francisco, nên chúng tôi tìm được tới nơi “Cửa Đi” vừa kịp giờ lên phi cơ.
Đây là chuyến bay cuối cùng trong ngày, từ Denver Tiểu bang Colorado đi Cedar Rapids Tiểu bang Iowa. Hành khách ít, có rất nhiều ghế trống, chúng tôi tha hồ muốn ngồi chỗ nào tùy ý. Hai tiếng đồng hồ sau khi cất cánh rời phi trường Denver, phi cơ đáp xuống phi trường Cedar Rapids đúng 9 giờ tối, giờ Miền Trung Hoa Kỳ (Central time) ngày 7 tháng 8 năm 1992. Lúc đó là 7 giờ tối tại San Francisco Miền Tây Hoa Kỳ (Pacific time), 10 giờ đêm cùng ngày 7-8-92 tại Hoa Thịnh Đốn Miền Đông Hoa Kỳ (Eastern Time), và là 9 giờ sáng ngày 8 tháng 8 năm 1992 tại Saigon Việt Nam.

Suốt mấy ngày liền, phải ngồi trong phi cơ lên xuống chuyển đổi chuyến bay hoài, thật là vô cùng mệt mỏi. Cũng may, đến đây là chấm dứt chặng bay cuối cùng, của cuộc hành trình dài mấy ngày đêm liên tục, từ Á Châu sang Mỹ Châu của chúng tôi. Trước khi ra “Cửa Đến” để gặp thân nhân, Vợ Tôi và các cô con gái, con dâu, phải ghé phòng vệ sinh tại phi trường để coi lại đầu tóc, trang điểm sơ sơ cho bớt nét mệt mỏi bơ phờ trên khuôn mặt.

Trong khi Tôi và mọi người đứng đợi, thì 2 vợ chồng cậu con 31 tuổi và cậu con út rảnh rang, nôn nóng muốn gặp ông Anh sau 21 năm xa cách, phăng phăng kéo hành lý xách tay theo các hành khách đi cùng chuyến bay ra trước. Nhưng thật ngỡ ngàng, 2 thập niên là một thời gian khá dài của cuộc đời, làm dáng vóc con người thay đổi nhiều, nhất là từ tuổi thơ ấu sang tuổi trưởng thành, Anh Em thấy nhau mà chẳng nhận ra nhau. Mãi đến lúc khách xuống máy bay đã ra hết, những người đợi đón thấy một cậu bé chạy ra, đến cạnh 3 người đứng đó từ lâu, đảo mắt ngơ ngác như tìm kiếm ai, chạy lại hỏi mới biết là người nhà. Anh Em Bác Cháu vừa nhận được ra nhau, thì Vợ Chồng Tôi và toàn gia quyến cũng ra đến nơi. Mọi người uà lại ôm nhau mừng rỡ. Cậu con trai lớn của Tôi, thay đổi thật nhiều, mậm mạp cao lớn như người Âu Tây, chạy lại ôm chầm lấy 2 Vợ Chồng Tôi, mừng rỡ.

Từ sau biến cố 30-4-1975 Việt Cộng xâm lăng miền Nam, đã tưởng chẳng bao giờ còn hy vọng gặp được con, không ngờ đêm nay Cha Con lại được trùng phùng. Tôi vô cùng xúc động, nghẹn ngào không nói được nên lời, chỉ dang rộng hai tay ôm chặt lấy Vợ và Con vỗ vỗ lên lưng, hai hàng nước mắt giàn dụa.

“Tôi nức nở nói : -Cám ơn Trời Phật, cám ơn Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ.”

Sau những giây phút xúc động hạnh phúc, Đại gia đình gặp nhau mừng rỡ, Con trai tôi gọi Vợ và 4 cô con gái đến chào chúng tôi, và giới thiệu mọi người trong gia đình với nhau. Rồi đưa Vợ Chồng tôi đến giới thiệu với mấy người bạn Mỹ, Việt, cùng làm việc chung trong một xí nghiệp với cậu ấy, cũng đến phi trường đợi đón chúng tôi. Có 5 người Việt trạc tuổi Con trai tôi, và 2 cặp vợ chồng người Hoa Kỳ. Những bạn bè tốt bụng này, đem xe Minivan và xe du lịch riêng đến phi trường từ lúc 8 giờ tối, để chờ đón chở chúng tôi về nhà.

Trong số 4 người bạn Hoa Kỳ, có ông bà Homer Stones, bạn vong niên của Con trai tôi, là những người đặc biệt, chúng tôi nhớ mãi không bao giờ quên. Ông bà Stones là những người rất ngoan đạo, tốt bạn, lớn hơn Tôi gần chục tuổi, đã nghỉ việc về hưu trí, nhưng sức khoẻ vẫn còn tốt. Ông bà Stones rất qúy mến cậu Con tôi, và luôn luôn tiếp tay giúp đỡ, y như lo lắng cho con của chính mình vậy. Hồi Đệ Nhị Thế chiến, ông Stones cũng đã bị động viên tham gia trận chiến tại Âu Châu, nên rất thông cảm hoàn cảnh của Tôi và gia đình. Vì thế, ông bà Stones đã tự nguyện vận động quyên góp các đạo hữu trong Hội Nhà Thờ của ông bà ấy, giúp thêm để Con tôi có đủ tiền mua vé máy bay cho chúng tôi sang Hoa Kỳ. Thật là những người nhân hậu đạo đức, Chúa Trời đã thấy và đã ban ân phước cho ông bà Stones, có được người con trai duy nhất làm Mục Sư, rao giảng tin mừng và dẫn giắt đàn con chiên phụng sự Chúa.

Thời tiết tại đây mới bắt đầu vào mùa Thu, chúng tôi ai cũng phải mặc áo len áo choàng ngoài, vẫn cảm thấy lạnh. Trong khi những người đi đón, mặc quần áo vải mỏng, loại dùng trong mùa Hè một cách thoải mái. Nhận lại hành lý chuyển từ phi cơ ra xong, chúng tôi chia nhau lên 7 chiếc xe để về nhà. Từ phi trường phải chạy mất 45 phút trên xa lộ, băng qua thành phố Cedar Rapids mới về tới nhà. Mọi người được con dâu cả của Tôi, đãi một bữa phở bò nhà nấu lấy thật là ngon. Đang ăn uống trò chuyện lai rai, cô con gái và chồng đang cư ngụ tại Quận Orange Nam California, gọi điện thoại sang hỏi thăm sức khỏe mọi người đi đường ra sao, cũng như chuyển lời thăm hỏi của một số bạn bè đang định cư tại Nam California. Bữa tiệc phở mừng hội ngộ, ồn ào mãi tới nửa đêm mới dứt. Mọi người chia tay ra về để chúng tôi nghỉ ngơi, lấy lại sức sau cuộc du hành dài mấy ngày đêm mệt mỏi.

Căn nhà riêng của Con trai tôi mua, có tới 5 phòng ngủ mà vẫn không đủ chỗ cho mọi người, phải nằm choáng đầy cả 2 phòng khách trên lầu và dưới nhà. Chúng tôi ở tạm như vậy cả tuần lễ, mới kiếm thuê được thêm 2 căn nhà khác, đủ chỗ cho mọi người được thoải mái theo đúng nếp sống bên Hoa Kỳ. Cũng may, nhờ có bà thông gia ở Texas, Mẹ cô con dâu cả của Tôi, gửi cho 2 ngàn Đô la, nên mới có tiền đặt cọc thuê được nhà nhanh chóng như vậy.

Nghỉ ngơi lấy lại sức 2 ngày kể từ sau bữa đến, chúng tôi bắt đầu tuần tự đến các cơ quan công quyền Quận nơi định cư, làm các thủ tục về Y tế, và An sinh Xã hội. Ông Stones tự nguyện tiếp xúc hỏi tin tức về các thủ tục phải làm, và đích thân lái xe riêng đưa chúng tôi đi lo mọi việc. Nhờ thế Con trai tôi không phải lấy phép nghỉ tại xí nghiệp, để lo lắng cho chúng tôi. Gia đình đông quá, mỗi lần làm giấy tờ tại đâu cũng phải chia ra nhiều đợt, đi vào những ngày khác nhau. Tại nơi nào khách hàng cũng đông, phải xếp hàng lấy thẻ ngồi chờ nhân viên giải quyết, lần lượt theo thứ tự đến trước sau. Mất thật nhiều thời giờ, nhưng lúc nào ông Stones cũng vui vẻ, tận tâm giúp đỡ rất chu đáo, y như lo lắng cho chính thân nhân của mình vậy. Thật là một ân nhân hào hiệp đáng kính, chẳng bao giờ gia đình chúng tôi quên ơn hai vợ chồng ông bà Stones.

Độ 10 ngày sau khi tới Hoa Kỳ, những người nhập cư theo diện O.D.P., nhận được Thẻ Thường Trú Nhân (Permanent Resident) thường được gọi tắt là Thẻ Xanh (Green Card). Những người nhập cư theo các diện H.O. và P.I.P., tiếp tục dùng giấy I-94 đã được cấp ngay từ lúc đặt chân xuống phi trường San Francisco. Những người thuộc diện H.O. chờ đến khi thời hạn cư trú đủ một năm, được làm hồ sơ xin cấp Thẻ Xanh. Còn những người thuộc diện P.I.P. phải đợi tới 5 năm, mới được coi là đủ thời hạn luật định để xin cấp Thẻ Xanh. Những người có Thẻ Xanh và cư ngụ liên tục trên đất nước Hoa Kỳ đủ 5 năm, được quyền nộp đơn xin thi gia nhập Quốc tịch để trở thành Công dân Hoa Kỳ.

Địa phương nơi chúng tôi định cư, chỉ có khoảng một chục gia đình người Việt, nên hầu như ai cũng quen biết nhau. Hai ngày sau khi chúng tôi đến, họ rủ nhau đến thăm và làm quen. Có người trước thuộc Lực lượng Cảnh sát Quốc gia. Có người là Sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hoà. Cũng có người là Công chức Hành chánh. Toàn là những người trước đây Tôi chưa gặp bao giờ, nhưng gặp nhau nơi đất lạ quê người, rất dễ trở thành thân quen. Vào một ngày Chủ Nhật gần cuối tháng 8 Dương lịch, chúng tôi rủ nhau xuống tận thành phố Davenport, cách Cedar Rapids chừng 100 dặm về hướng Đông Nam, sát bên bờ sông Mississippi, giáp ranh với Tiểu bang Illinois, để tham dự Lễ Vu Lan do một Chùa Việt Nam tổ chức. (Theo tục truyền ông bà để lại, hàng năm cứ vào ngày Rằm tháng 7 Âm lịch, người sống tổ chức trai đàn đốt vàng mã, cầu kinh tụng niệm xin cho linh hồn những người đã chết được xá tội, ra khỏi Âm ty Địa ngục đi đầu thai kiếp khác.) Thành phố Davenport có khoảng 20 ngàn người Việt định cư, nhưng số Phật tử đến tham dự chỉ có khoảng một trăm người. Hình như đa số người Việt ở đây theo đạo Thiên Chuá.

Đầu tháng 9, cả gia đình Tôi lần lượt nhận được thẻ An sinh Xã hội, ông Stones lại phải đưa những người lớn đến cơ quan D.M.V. (Department of Motor and Vehicle) làm thủ tục thi lấy bằng lái xe hơi. Còn 4 đứa Cháu và cậu trai út của Tôi, thì đưa đến Khu học chính xin nhập học các lớp tùy theo tuổi. Gia đình các con Tôi, được chia ra ở nhà thuê tại 3 khu vực xa nhau, nên mấy đứa nhỏ phải đi học tại các trường công lập khác nhau. Nhưng không có gì trở ngại, vì hàng ngày trường học có xe đưa đón tận nhà. Theo luật lệ quy định, gia đình các con Tôi được xếp vào loại có lợi tức thấp, nhờ thế các trẻ đi học được ăn bữa trưa tại trường không phải trả tiền. Ngoài chương trình học chung của lớp học, trẻ còn được học những giờ đặc biệt riêng về Anh ngữ căn bản.

Cả gia đình Tôi, ai cũng có bằng Tú Tài Việt Nam toàn phần, ông Stones khuyên nên vừa đi làm vừa theo học tiếp chương trình Đại học, tương lai mới có cơ hội kiếm được việc làm tốt và bền vững. Đầu tháng 9, ông Stones đưa chúng tôi đến thăm trường Đại học Công cộng Kirwood, nơi ông Stones có nhiều bạn làm Giáo sư, và Cố vấn hướng dẫn sinh viên. Tại đây, chúng tôi được giúp đỡ điền đơn xin học bổng hàng năm của Liên Bang, và hướng dẫn lập hồ sơ ghi danh nhập học khoá mùa Xuân 1993. Sau đó chúng tôi được gọi tham dự thi kiểm tra khả năng tổng quát, và được cố vấn chỉ nên học chuyên về Anh ngữ trong Lục cá nguyệt đầu, đến các mùa sau hãy ghi danh học thêm các môn khác.

Cuối tháng 9, vợ chồng cô con gái cư ngụ bên California lấy phép nghỉ một tuần lễ, đem con sang thăm chúng tôi. Nhân dịp này, chúng tôi được đưa đi thăm một Thị trấn gồm toàn người gốc Đức. (Xưa kia Tổ Tông của họ rời nước đến đây, định cư vì lý do Tôn giáo từ năm 1850. Bây giờ địa phương quen gọi là Lãnh địa Amana (Amana Colonies), cách thành phố Cedar Rapids khoảng 30 dặm về phía Nam. Bắt đầu từ năm 1932, Nhà Thờ Cộng đồng Amana kêu gọi mọi người gắn bó với nhau để duy trì đạo giáo riêng của họ có từ thời Thế kỷ 17, 18, và liên kết thành một tập thể hoạt động kinh tế xã hội thuần nhất.) Lãnh địa Amana gồm 7 Làng (village), toàn người Đức cư ngụ trên một vùng đất rộng 26,000 mẫu Anh, dọc theo ven bờ sông Iowa. Đó là các làng : Amana, East Amana, High Amana, Homestead, Middle Amana, South Amana, và West Amana. Các mặt hàng do cư dân trong Lãnh địa Amana sản xuất, cung cấp cho cả thị trường quốc tế lẫn quốc nội, gồm : tủ lạnh, dụng cụ nhà bếp, hệ thống sưởi và điều hoà không khí. Họ cũng sản xuất đồ gỗ, thịt gia súc, len và các loại nước uống lạnh rất ngon, đặc biệt là bia. Lãnh địa Amana có xây dựng một khu trưng bầy, theo khuôn mẫu đặc thù của một làng Đức, để khách bốn phương đến thăm viếng, mua sắm những sản phẩm và vật kỷ niệm do họ sản xuất. Khách thăm viếng lúc nào cũng đông, phải xếp hàng lần lượt đi xem các xưởng sản xuất nước giải khát lạnh, xưởng dệt vải, xưởng sản xuất các vật dụng trong nhà bằng gỗ trạm trổ rất công phu. Đặc biệt có một phòng bầy bán đồng hồ để bàn, treo tường, đặt trang trí trong nhà, đựng trong các hộp gỗ đủ kiểu, trạm trổ điêu khác rất tinh vi sắc sảo, theo nét nghệ thuật thuần túy cổ xưa của dân tộc Đức.

Tại Hoa Kỳ, nhìn trên lịch hàng năm, thấy tháng nào cũng có ghi ít nhất là một loại Lễ kỷ niệm. Các Siêu Thị tha hồ đua nhau quảng cáo hạ giá, để thúc đẩy lôi cuốn dân chúng đi mua sắm. Hẳn đây là một phương thức kinh doanh, tạo cơ hội cho công nghiệp sản xuất liên tục các loại hàng mới cạnh tranh, để duy trì cho nền Kinh Tế Thị Trường tăng trưởng phồn vinh. Ngược hẳn với lối kinh doanh bên Việt Nam, những ngày Lễ, Tết, thường là những dịp cho các nhà buôn tăng giá bán sản phẩm đắt hơn ngày thường. Vì các gian thương thường lợi dụng những dịp này dấu bớt nguyên liệu đi, tạo ra sự thiếu thốn giả tạo để tăng giá. Nhu cầu sản xuất tăng, nguyên liệu khan hiếm, do đó người ta phải tăng giá thành các sản phẩm. Hậu quả là người tiêu thụ phải chịu cứa cổ.

Suốt tháng 10, siêu thị nào cũng trang hoàng thêm những quầy hàng bầy bán các mặt nạ, quần áo hoá trang dùng cho đêm hội Halloween (Đêm Ma Qủy) dành cho trẻ em. Ngoài ra, các chợ còn bầy bán các trái bí ngô to tướng, dân chúng mua về khoét các lỗ mắt, mũi, tai, miệng dữ tợn như đầu ma qủy, thắp đèn bên trong để trưng bầy ngoài cửa và sân trước nhà. Người ta còn treo cả những hình ma qủy, mạng nhện, các con dơi đen, bộ xương người giả....trên các cửa sổ, cửa ra vào, trước cổng, bao phủ trên cây trong vườn hoa chung quanh nhà, làm như khu vực riêng của ma qủy vậy. Đúng buổi tối ngày Thứ Năm tuần lễ cuối tháng 10, chính thức là đêm hội Halloween, từng tốp thiếu nhi nam nữ mặc đồ hoá trang Ma Qủy, giắt nhau đến các nhà hàng xóm gõ cửa xin kẹo, thật là vui. Nhà nào cũng phải mua sẵn thật nhiều loại kẹo, để lì xì cho các Ma Qủy đến gõ cửa. Người ta tin rằng càng có nhiều Ma Qủy đến xin kẹo, thì những ngày tháng tới sẽ gặp nhiều may mắn hơn trong quá khứ.

Vào đầu tháng 11, vợ chồng cô con gái ở bên California, biết rằng mãi tới tháng 1 đầu năm, khoá nhập trường Đại học mùa Xuân mới khai giảng, nên mua vé tầu hoả và gửi mời chúng tôi sang chơi. Nhiều bạn trong Quân đội cũ định cư tại Quận Orange, biết tin Tôi mới sang Hoa Kỳ cũng gọi điện thoại thăm mừng, và rủ sang chơi cho biết phong cảnh California. Tiểu Bang nằm bên bờ biển Thái Bình Dương rất đẹp, thời tiết ấm áp quanh năm y hệt Việt Nam, không có mùa đông ngập tuyết giá lạnh như bên Iowa, nơi Tôi mới tới định cư. Vé gửi cho chúng tôi không phải loại khứ hồi. Cậu con trai có linh tính sao đó, muốn can ngăn không cho đi. Nhưng sợ nói ra Cha Mẹ buồn lòng, đành phải nín thinh để chúng tôi dẫn cậu trai út, cô con gái thứ và 2 đứa cháu Ngoại sang Nam California chơi thời gian 2 tuần lễ.

Chúng tôi phải dùng xe hơi đi từ thành phố Cedar Rapids xuống tận thành phố Burlington, vượt đoạn xa lộ dài khoảng 120 dặm, mới có ga xe hoả để lên tầu đi California. Chuyến Xe Hoả xuyên Lục địa đưa chúng tôi đi, khởi hành lúc 9 giờ tối thứ Sáu, chạy ròng rã suốt 2 đêm và 2 ngày mới tới nơi. Đoàn tầu chạy băng ngang suốt miền Nam Tiểu bang Iowa, tiếp tục qua 4 Tiểu bang Nebraska, Colorado, Utah, Nevada, mới tới Los Angeles miền Nam Tiểu bang California, vào lúc 4 giờ chiều ngày Chủ Nhật. Dọc đường, tầu cũng ngừng lại một số ga chính tại các Tiểu bang, nhưng Tôi không nhớ hết, vì có lúc dừng ban ngày, có lúc dừng ban đêm ngủ nên không biết.

Khách đi tầu có 2 hạng. Hạng nhất có giường nằm trong các phòng riêng. Hạng du lịch có ghế nệm, lưng tựa ngả ra sau được y như trên máy bay. Dĩ nhiên gia đình chúng tôi đi vé hạng du lịch, như đa số dân lao động Hoa Kỳ. Đoàn tầu có toa phục dịch ăn uống riêng, có bàn ghế ngồi khang trang, dọc theo dẫy cửa sổ kính rộng, dài 2 bên hông toa xe, cho khách vừa ăn uống vừa ngắm cảnh thoải mái. Nhưng thường thì ai cũng lo ăn cho mau xong, để còn nhường chỗ cho người khác, lúc nào cũng đứng xếp hàng đợi rất đông. Hành khách có thể tới ăn bất cứ lúc nào, gọi mua các món ăn uống ghi trên bảng thực đơn, như tại các nhà hàng ăn nơi thành phố. Riêng đối với những khách đi trên các toa hạng nhất, có thể gọi nhà hàng đem thức ăn đến tận phòng nằm. Dĩ nhiên phải trả thêm tiền phục vụ đặc biệt, ngoài món tiền lót tay như thường lệ. Cũng có một toa đặc biệt, nóc và chung quanh dát toàn bằng kính mát, cho hành khách lên ngồi hút thuốc, đọc sách, hoặc ngắm phong cảnh dọc đường.

Tới ga Los Angeles, chúng tôi rời khỏi tầu xuyên lục địa, vào trong ga tìm chuyển sang hệ thống tầu địa phương. Phải ngồi đợi khoảng 30 phút mới có chuyến rời Los Angeles đi San Diego. Đây là loại phương tiện chuyên chở công cộng suốt ngày đêm, cho cư dân đi làm giữa các thành phố dọc miền Nam California xử dụng, nên khách lúc nào cũng rất đông. Chậm chân lên sau không còn chỗ ngồi, chúng tôi phải đứng dọc hành lang giữa toa cùng với nhiều người khác. Cũng may không phải đứng lâu, vì tầu chỉ chạy khoảng 30 phút đã tới thành phố Fullerton, nơi chúng tôi xuống.
Cô con gái bận đi làm chưa về, anh con rể đem xe đợi đón, chở chúng tôi từ ga xe hoả về nhà ở thành phố Santa Ana. Hành lý nặng cồng kềnh cân gửi theo tầu, phải đợi tới sáng hôm sau mới trở ra ga lấy lại được. Vì người ta chưa kịp chuyển từ tầu xuyên Lục địa qua chuyến tầu địa phương mà chúng tôi lên đi. Ngay đêm hôm chúng tôi tới Quận Orange Nam California, 2 ông bạn già Đại tá Hoàng đạo Thế Kiệt và Hoàng ngọc Tiêu, trước 30-4-1975 cùng làm việc tại Tổng cục Chiến tranh Chính trị, gọi điện thoại chào thăm và mời đi ăn mừng tái ngộ tại nhà hàng Sea foods Cove (món ăn biển, Tầu nấu) ở thị xã Westminster, vào chiều thứ Bẩy cuối tuần.

Những ngày kế theo, anh con rể chở Tôi đi thăm khu Little Saigon. Suốt dọc phố Bolsa toàn những tiệm buôn, nhà hàng ăn, nhà hàng bán đồ ăn nấu sẵn (foods to go), các siêu thị bán thực phẩm tươi, phòng mạch Bác sĩ, tiệm bán Âu dược và thuốc Nam, trung tâm băng nhạc, tiệm cà phê, tiệm phở, tiệm ảnh, tiệm may quần áo phụ nữ Việt... do người Việt lưu vong tỵ nạn làm chủ. Tôi được dẫn vào thăm văn phòng Hội Tương trợ Cựu Tù nhân Chính trị Việt Nam, do Trung tá Nguyễn Hậu làm Hội trưởng, ở gần Chợ Little Saigon của ông Trần Dũ, góc đường Brookhurt và Bolsa. Đây là một Hội Bất Vụ Lợi có giấy phép hoạt động do Chính quyền Tiểu bang California cấp, để lo giúp đỡ gia đình anh em cựu tù chính trị mới tới định cư tìm việc làm, xin trợ cấp xã hội cho người già (SSI) theo luật định, làm hồ sơ xin cấp Thẻ Xanh, cũng như làm thủ tục nhận bảo trợ, đón tiếp các anh em cựu tù và gia đình đang làm thủ tục xin rời Việt Nam, đến định cư tại Nam California theo diện H.O. Tại đây, Tôi gặp anh Thiếu tá Vũ văn Tụ cựu tù nhân chính trị đang làm Tổng thư ký của Hội, quen biết từ năm 1965. Hồi đó Tôi làm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Trung ương Địa phương quân và Nghĩa quân, anh Tụ làm việc trong Phòng Ba của Bộ Chỉ huy. Gặp nhau anh em mừng rỡ hết chỗ nói.

Qua câu chuyện hàn huyên thăm hỏi hoàn cảnh gia đình, anh Tụ đề nghị Tôi nên ở lại định cư tại California. Vì Vợ Chồng Tôi nhập cư theo diện ODP có thẻ Thường Trú Nhân ngay, có con nhỏ dưới 21 tuổi phải nuôi dưỡng, theo luật trợ cấp xã hội của Tiểu bang California, chúng tôi được hưởng trợ cấp xã hội để nuôi người con cho tới khi đủ 18 tuổi mới thôi. Ngoài ra, cả 2 vợ chồng và người con còn được cấp thẻ khám bệnh, mua thuốc, và điều trị bệnh tại nhà thương không mất tiền, cho đến khi người con đủ 21 tuổi mới dứt. Bên Tiểu bang IOWA không có loại trợ cấp xã hội như vậy.

Tại Nam California, tổng số người Việt định cư đông khoảng hơn 2 trăm ngàn, có rất nhiều công việc làm trong các Tổ chức thiện nguyện phục vụ xã hội, được chính quyền Tiểu bang hoặc Liên bang trả thù lao. Hoặc đi làm trong các công ty, cơ xưởng sản xuất tư nhân do người Việt làm chủ, lãnh lương tùy theo khả năng và thời gian làm hàng ngày, hợp với tuổi và sức khoẻ của Tôi. Ở đây cũng có rất nhiều các Hội Ái hữu đồng hương, Hội ái hữu Quân Binh chủng Quân lực Việt Nam Cộng hoà, và Đoàn thể Chính trị đấu tranh hoạt động hỗ trợ cho đồng bào trong nước, vùng lên lật đổ Bạo quyền Cộng sản Việt Nam, để sớm thoát ách cai trị tàn bạo độc tài của Đảng CSVN vong nô vô nhân đạo. Như vậy, so sánh với tình hình sinh hoạt của đồng hương Việt Nam tỵ nạn bên Tiểu bang Iowa, Tôi nhận thấy tại Nam California có môi trường thuận lợi đáp ứng đủ những điều mong ước của Tôi, nên đã quyết định ở lại định cư vĩnh viễn tại Nam California.

Tôi điện thoại báo cho con trai bên Iowa biết là không trở lại Iowa nữa. Cậu ấy rất buồn, nhưng sau khi nghe phân giải kỹ càng, cậu ấy đã phải xuôi lòng chiều theo ý muốn để Cha được sống vui vẻ hạnh phúc, trong những ngày tháng còn lại của tuổi già, là muốn :

-1. Sống tự lập, không lệ thuộc vào sự cấp dưỡng của con, trong khi còn đủ khả năng và sức khỏe tự lo toan cho bản thân, cho Vợ, và cậu con út.
-2. Tìm được chân hạnh phúc trong tuổi già, nhờ có môi trường tiếp tục giúp ích cho nhân quần xã hội, như đã từng làm trong quá khứ tại quê hương Việt Nam thân yêu, suốt từ tuổi thiếu niên cho đến 30-4-1975.
-3. Sống trong khu vực đông đảo đồng hương tỵ nạn, môi trường thuận lợi tiếp tục cuộc đấu tranh, làm cho nhân dân Thế giới thấy được mặt thật tàn bạo vô nhân đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, và hỗ trợ đồng bào trong nước vùng lên lật đổ Bạo quyền Vô sản chuyên chính, giành lại Tự do, Dân chủ, và Nhân quyền cho Dân tộc Việt Nam được sống ấm no hạnh phúc.

Một tuần lễ sau khi tới Quận Orange Nam California, Tôi dẫn Vợ và cậu con trai út đến Sở Xã hội xin được Trợ cấp và Thẻ Y tế (MediCal), đúng như anh Tụ đã mách bảo. Tôi đi tìm thuê một căn nhà 2 phòng trong khu chung cư có đông người Việt tỵ nạn cư trú. Sau khi dọn vào ở trong chung cư, may mắn làm sao, Tôi gặp được một bạn đồng nghiệp cũ trong ngành Truyền Tin Quân lực Việt Nam Cộng hoà, Trung tá Tôn thất Tâm. Anh Tâm đang đi làm cho Trung tâm thiện nguyện của Quận Cam (Voluntier Center of Greater Orange County), với giá lương 4 đồng 25 xu 1 giờ, ngày làm 4 tiếng đồng hồ, tuần lễ làm 5 ngày. Anh Tâm đã giới thiệu cho Tôi đến nộp đơn xin việc. Sau khi phỏng vấn, Trung tâm gửi Tôi đến phục vụ với tư cách Nhân viên Cao niên thiện nguyện Phụ tá (S.T.E.P. Senior Assistant) tại D.M.V. Fullerton.

Mục đích của Trung Tâm Thiện nguyện Quận Orange là, giúp cho các Công dân Hoa Kỳ và Thường Trú Nhân cao tuổi, muốn tình nguyện phục vụ xã hội, có môi trường thực hiện mong ước của mình. Đồng thời cũng để huấn luyện cho các người Cao niên thành thạo trong mọi lãnh vực sinh hoạt phục vụ xã hội, nên cứ mỗi 2 năm lại được chuyển sang làm việc phụ tá tại 1 Cơ quan khác. Do đó, chương trình này được gọi là Senior Training and Employment Program (S.T.E.P.). Sau thời gian phục vụ tại D.M.V. Fullerton, Tôi được chuyển sang làm việc tại Cơ quan United States Catholic Charities (U.S.C.C.) của quận Orange chi nhánh thành phố Garden Grove, sau cùng chuyển sang phụ việc cho Hội người già Quận Orange (Vietnamese Community of Orange County), trụ sở đặt tại đường First, thành phố Santa Ana.

Trong suốt tháng 11, các Siêu thị đua nhau quảng cáo bán đồ hạ giá, mời gọi dân chúng đi mua sắm để ăn mừng Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving Day) vào ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng 11. Họ quảng cáo ai mua một lúc trên 20 Đô La hàng hoá, sẽ được tặng không 1 con gà tây (turkey) đông lạnh nặng cỡ 5 cân Anh (pound). Mỗi năm vào dịp Lễ Tạ Ơn, dân chúng Hoa Kỳ tiêu thụ hàng triệu con gà tây, mỗi con nặng từ cỡ 10 đến gần 30 cân Anh. (Thanksgiving Day là một ngày nghỉ lễ hàng năm được ấn định bởi một Đạo Luật của Liên bang Hoa Kỳ. Theo các tài liệu giải thích chính thức, đây là ngày Nhân dân Hoa Kỳ kỷ niệm để nhớ lại, ngày những người Âu Châu đầu tiên phải lưu vong tới đất Bắc Mỹ bằng con tầu buồm May Flower, vì muốn được tự do tôn thờ Đạo giáo riêng của mình. Họ đã được Thổ dân địa phương, giúp đỡ hướng dẫn canh tác để sống còn. Một năm sau ngày định cư được muà, họ tập họp dâng lễ vật Tạ Ơn Thiên Chúa đã ban Ơn Lành cho họ. Cũng nhờ thế mới có Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ ngày hôm nay.)

Trong dịp này, các hãng xưởng công nghiệp lớn thường tặng cho nhân viên, mỗi người một con gà tây đông lạnh nặng từ 15 đến 25 cân Anh. Cô con gái lớn của Tôi cũng được Xí nghiệp tặng cho một con gà tây đông lạnh nặng 20 cân Anh. Vợ Chồng cô ấy đem thuê lò nướng nguyên con theo kiểu Hoa Kỳ, rồi mang đến nơi cư ngụ của chúng tôi xum họp tổ chức mừng Ngày Tạ Ơn, như mọi gia đình đang sống trên đất nước Hoa Kỳ. Tôi đã cảm tác ghi lại bài thơ sau đây để lưu niệm :


NGÀY NGÀY TẠ ƠN.
Cha Mẹ đưa Ta nhập cuộc đời,
Dạy theo Chính Đạo, nhớ ơn Trời.
Ơn Thần, ơn Phật, ơn Thiên Chúa,
Ơn kính Tổ Tiên, ơn dưỡng nuôi.
Trời định cho Ta nhận kiếp Người,
Biết yêu, biết ghét, biết đua đòi.
Biết trung, biết hiếu thờ Cha Mẹ,
Biết lấy ngọt bùi reo khắp nơi.
Thầy Bạn giúp Ta hiểu được đời,
Hiểu Nhân, hiểu Nghĩa, hiểu Lòng người.
Hiểu điều Lương thiện, điều Hung ác,
Hiểu Luật bù trừ mỗi cuộc chơi.
Thất bại dạy Ta kinh nghiệm đời,
Dạy khôn, dạy khéo xét dùng người.
Thực hư, trường đoản, tung tùy thế,
Giục hoãn, cương nhu, hạ đúng nơi.
Dân Mỹ giúp Ta đổi cuộc đời,
Cứu Ta ra khỏi ách tôi đòi.
Thoát vòng Cộng sản quân tàn bạo,
Ơn nghĩa muôn đời nhớ chẳng phai.
Nhân Nghĩa Ta theo hợp Đạo Trời,
Công bằng, Bác ái đẹp lòng người.
Thanh liêm, Chính trực tâm an lạc,
Thẳng bước đường đời chẳng hổ ngươi
Lễ Tạ Ơn, Tháng 11 năm 1992.
Buaro Street, Garden Grove, Nam California.


Công việc Tôi làm chỉ là bán thời gian, không nặng nhọc gì. Các ngày Thứ Bẩy và Chủ Nhật rảnh rỗi, Tôi thường ghé thăm trụ sở Hội Tương trợ Cựu Tù nhân Chính trị Việt Nam. Nhờ thế Tôi gặp thêm nhiều bạn cũ, đặc biệt anh Đại tá Dương đình Thụ, bạn từng cùng theo học Trường Cao Đẳng Quốc Phòng Việt Nam, phải đi cải tạo có 3 năm được tha về, và được đi định cư theo diện O.D.P. sớm hơn mọi người. Trong Hội Tương Trợ anh Thụ là một thành viên hoạt động rất đắc lực. Ngày 7 tháng 2 năm 1993, Hội Tương trợ Cựu Tù nhân Chính trị tổ chức ngày Tân Xuân hội ngộ, tại trường Golden West College. Có khoảng hơn 2 ngàn Cựu tù Chính trị và gia đình đến tham dự. Gia đình Tôi cũng đến họp mặt. Vì là một trong mấy gia đình mới tới định cư tại Quận Cam, nên anh Hội trưởng mời Tôi lên phát biểu ý kiến. Rồi lại giới thiệu cho phóng viên của các báo Los Angeles Times và Orange County Register phỏng vấn, để tăng cường cho bài phóng sự của họ thêm hấp dẫn.

Kết thúc ý kiến phát biểu, Tôi đã tặng toàn thể cử toạ một bài thơ 8 câu, ghi tóm những suy tư của người cựu Chiến binh Việt Nam Cộng hoà, đang phải bỏ nước lưu vong tỵ nạn Cộng sản tại Hoa Kỳ.


MỪNG XUÂN QUÝ DẬU – 1993

Qúy Dậu mừng Xuân nhớ cố hương,
Nhân dân cùng khốn thiếu tình thương.
Đêm ngày lận đận giành cơm áo,
Sớm tối âu lo vướng đoạn trường.
Gấu tuyết Liên Xô nay đã xụp.
Sài lang Việt Cộng vẫn còn cương.
Thế gian nhân đạo yêu Dân chủ,
Hãy cứu Việt Nam thoát bạo cường.
Garden Grove, Tết Quý Dậu, 23-1-1993.


Cũng kể từ sau ngày Tân Xuân Hội Ngộ này, Tôi bắt đầu viết các bài tham luận và làm Thơ tranh đấu, đăng trên Nguyệt san Hội Ngộ của Hội Tương trợ Cựu Tù nhân Chính trị, do Chị Hạnh Nhân, một Sĩ quan Nữ quân nhân cựu Tù Chính trị, làm Chủ bút. Đồng thời, Tôi cũng gửi đăng trên các Nhật báo và Tuần báo Việt ngữ phát hành tại Quận Orange, để góp ý nhắc nhở đồng hương và cựu Chiến binh Việt Nam Cộng hoà đang lưu vong, đừng quên nhiệm vụ đoàn kết hiệp lực bên nhau, tiếp tục cuộc đấu tranh hỗ trợ đồng bào trong nước vùng lên lật đổ bạo quyền Việt Cộng.
Xin ghi lại dưới đây, một trong các bài đã được phổ biến trên các báo tại Nam California, để thay cho lời kết luận cuốn truyện dài HỒI ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM này. Bài này đã đăng trên Tuần báo Lập Trường số 172, phát hành ngày 22-8-1997, do Khu Hội Cựu Tù nhân Chính trị Nam California chủ trương thực hiện, để phổ biến trên toàn Thế giới (kể cả Việt Nam). Lúc đó, Tôi được anh em Cựu Tù bầu ra gánh vác trách vụ Chủ tịch Khu hội Cựu Tù nhân Chính trị Nam California, thay Giáo sư Phan Ngô hết nhiệm kỳ.


ĐÃ ĐẾN LÚC CHÚNG TA CẦN THÊM NỖ LỰC MỚI.

Kinh nghiệm ghi nhận được trong quá khứ qua các thời đại, cho thấy hầu như là một nhu cầu tự nhiên, khi người ta cùng rơi vào chung một hoàn cảnh, thì tìm sáp lại gần nhau để nương tựa giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn, chung lưng đấu cật thực hiện những gì cần làm để cùng vươn lên, trở thành một tập thể mạnh có uy tín, khiến các tập thể khác nể trọng.

Nhưng khi đạt kết quả rồi, bắt đầu phát sinh một tệ trạng không tránh được, đó là sự tranh chấp giữa những người ham danh giành quyền lãnh đạo. Hậu quả là gây chia rẽ, lủng củng nội bộ triền miên, làm trì trệ việc thực hiện các mục tiêu căn bản cần thiết đã đề ra lúc ban đầu, và manh nha mầm mống tan rã, khiến quảng đại quần chúng hoang mang không còn biết tin vào ai. Sự kiện này còn tạo muôn vàn khó khăn, cho những người có thành tâm thiện chí, muốn tình nguyện đứng ra gánh vác việc chung sau này, cảm thấy e ngại thối chí không muốn dấn thân.

Vào những năm cuối thập niên 1950 qua đầu thập niên 1960, sự lủng củng chính trị tranh giành đòi chia chác quyền hành, giữa các phe nhóm chính trị và chính quyền Đệ nhất Cộng hoà tại miền Nam Việt Nam, đã dẫn đến cái chết tức tưởi của cố Tổng thống Ngô đình Diệm. Tiếp theo đó là khủng hoảng lãnh đạo, do sự tranh chấp triền miên suốt mấy năm trời, giữa các nhóm Tướng, Tá tham gia cuộc đảo chánh lật đổ Tổng thống Diệm ngày 1 tháng 11 năm 1963. Hậu quả là, bọn Cộng sản Việt Nam (CSVN) ở Hà Nội và nhóm tay sai đón gió trở cờ tại miền Nam, đã lợi dụng cơ hội đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ Quốc tế Cộng sản giao phó, xâm lăng miền Nam Việt Nam để áp đặt Chế độ Cộng sản trên toàn đất nước Việt Nam. Vì thế thảm họa 30 tháng 4 năm 1975 đã xẩy ra.

Từ đó đến nay, hơn 70 triệu đồng bào Việt Nam phải chịu bao thống khổ, dưới ách cai trị độc tài bóc lột tàn bạo của CSVN. Hàng trăm ngàn người phải bỏ nước vượt biên ra đi tìm Tự do, đã bỏ thây dưới lòng biển cả, trong rừng hoang âm u. Hàng trăm ngàn quân sĩ, nhân viên hành chánh Việt Nam Cộng hoà (VNCH), và thành viên các Đảng phái chính trị Quốc gia không Cộng sản, bị giam cầm đầy đọa cực nhục trong các trại tù tập trung cải tạo của CSVN. Gia đình vợ con của họ cũng bị dồn đi khai khẩn rừng hoang lập vùng kinh tế mới, phải lao động khổ cực, đói ăn, thiếu thuốc, chết lần mòn trong cảnh địa ngục trần gian, chẳng khác gì chồng, cha, anh của họ trong các trại tù cải tạo.

Chỉ một số người may mắn, nhờ bám được vào cuộc di tản của Hoa Kỳ, sau thời gian ban đầu khó khăn vất vả nơi xứ lạ quê người, nay đã tạo dựng được cuộc sống ổn định, bảo đảm tương lai sáng sủa hạnh phúc cho bản thân và con cái, nên mới có thì giờ rảnh để nghĩ tới Quốc gia Dân tộc, đúng theo triết lý cổ xưa là : thứ nhất tề gia, sau mới tham gia trị quốc, để tiến lên lãnh đạo bình thiên hạ.

Vì thế, nhiều nhóm chính trị với nhiều danh xưng khác nhau ra đời, hoạt động theo những chiêu bài đường lối hành động chống Cộng, quang phục Quê hương khác nhau. Nhóm nào cũng gồm một thiểu số trí thức, chính trị gia, khoe rằng họ đã được sự hậu thuẫn của một thế lực kinh tế, chính trị Tư bản nào đó, để chứng minh nhóm của họ có thế lực hơn các nhóm khác, vững mạnh như một mũi nhọn sắc bén cứng như thép, đủ khả năng lãnh đạo đồng bào tiếp tục cuộc đấu tranh chống CSVN, quang phục Quê hương.

Nếu chúng ta ví các nhóm đó như những ngón tay thép của một bàn tay Việt Nam xoè, dùng để đâm vào thân cây chuối CSVN, thì khi rút ra các ngón tay thép đó chỉ để lại những lỗ thủng chớ không làm gẫy được cây chuối. Nhưng, nếu những ngón tay thép đó được khép lại sát bên nhau, thành một khối để xỉa vào thân cây chuối CSVN, thì bàn tay thép đó sẽ tạo được một lằn đứt rộng như dao chém, khiến cho cây chuối gẫy đổ vào lúc nào mà chúng ta muốn.

Các Cụ ta ngày xưa đã dạy : “Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Nếu chúng ta thiệt tình có tâm huyết muốn hy sinh tranh đấu cho Tự do, Dân chủ, Nhân quyền của Dân tộc Việt Nam, thì hãy cố gắng hy sinh cái “Tôi” và cái “Nhóm của Tôi” ngồi lại bên nhau, cùng hoạch định những đường lối hành động hữu hiệu kịp thời, chia nhau trọng trách hợp với khả năng sở trường của mỗi nhóm, để thực hiện những việc cần làm, để loại bỏ được nhóm CSVN và bọn tay sai đón gió trở cờ thân CSVN, để giải phóng Quê hương Dân tộc Việt Nam thoát ách cai trị độc tài, độc đảng bóc lột tàn bạo, càng sớm càng tốt.

Con thuyền dân tộc Việt Nam, đã và đang còn lênh đênh trên sóng gió bể khổ, từ hơn nửa Thế kỷ nay rồi. Nếu coi các vị lãnh tụ của các nhóm Chính trị Việt Nam không Cộng sản nói trên, tại hải ngoại hiện nay là các thuyền trưởng, thì Dân tộc Việt Nam không thiếu các thuyền trưởng tài ba. Chẳng lẽ các thuyền trưởng khả kính này lại không đủ kiên nhẫn, khiêm nhường ngồi lại với nhau, thảo luận ủy thác cho một người tương đối trội hơn những người khác, đứng ra trách nhiệm phối hợp cuộc đấu tranh, giành lại con thuyền Việt Nam thoát khỏi tay của nhóm thủy thủ đoàn Mafia CSVN độc tài tàn bạo hiện nay sao?

Hơn 70 triệu dân Việt Nam không Cộng sản, trong đó có cả triệu quân sĩ và nhân viên hành chánh VNCH, đã từng xả thân chiến đấu cho Dân tộc Quê hương Việt Nam suốt gần nửa Thế kỷ, lại còn phải chịu thêm hàng chục năm khổ nhục, trong các trại tù tập trung cải tạo của CSVN sau thảm họa 30-4-1975, để Thế giới và toàn dân Việt Nam thấy được mặt thật tàn bạo vô nhân đạo của CSVN, đang chờ hành động sáng suốt của qúy vị, và sẵn sàng hỗ trợ qúy vị trong nỗ lực mới này bằng mọi giá, để Quê hương Dân tộc Việt Nam của chúng ta, có được Tự do Dân chủ thật sự, và Nhân quyền được tôn trọng bảo vệ, y như chúng ta và vợ con chúng ta đang được hưởng, tại những nơi tạm dung trên toàn thế giới này từ hơn 22 năm qua.

Tuy nhiên có một điều chắc chắn cần nên nhớ là, quảng đại quần chúng Việt Nam không chấp nhận, các đường lối hành động có xu hướng hoà hợp hoà giải với CSVN dưới bất cứ hình thức nào, cũng như không trông đợi để ngưỡng mộ tài biện luận lý thuyết khoa bảng xuông, mà trông đợi những hành động dấn thân hy sinh thực tiễn cho đại cuộc của qúy vị.

Là kẻ sĩ, xin qúy vị hãy chứng tỏ mình là những anh hùng tạo thời thế, hy sinh vì hạnh phúc của Dân tộc Việt Nam, chớ không phải vì danh lợi cá nhân phe nhóm. Mong lắm thay./.


NGUYỄN HUY HÙNG
Cựu Đại tá, Phụ tá Tổng cục trưởng
Chiến tranh Chính trị Quân Lực Việt Nam Cộng hoà,
kiêm Chủ nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến,
Cựu Tù nhân Chính trị, 13 năm lao động khổ sai trong các trại tập trung cải tạo của CSVN,
Chủ tịch Khu hội Cựu tù nhân chính trị Nam California.

Truyện dài HỒI ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM này, được viết xong vào ngày Táo Quân lên Trời, 23 tháng Chạp năm Tân Tỵ, tức là ngày 4 tháng 2 năm 2002, tại Quận Orange, Nam California, Hoa Kỳ.

Để chứng minh cho người đọc thấy được, tất cả các mẩu truyện kể đều thật trăm phần trăm, không hư cấu, nên Tôi đã ghi tên thật của các nhân chứng. Vì không có được địa chỉ riêng của từng vị trong hiện tại, Tôi đã không tiếp xúc được để xin phép trước. Mong các chiến hữu được nêu đích danh vui lòng thông cảm./.

NGUYỄN-HUY HÙNG.

Những vần thơ đón Tết Nhâm Ngọ, 12 - 2 - 2002.


XUÂN VÙNG LÊN

Phần tư Thế kỷ đã trôi qua,
Nam Bắc đôi nơi họp một nhà.
Khói lửa tương tàn thôi giáng họa,
Đói nghèo tham nhũng lại bùng ra.
Nhân dân gian khổ xây giềng mối,
Việt Cộâng chuyên quyền phá quốc gia.
Con cháu Tiên Rồng dòng bất khuất,
Vùng lên quét sạch lũ gian tà.
-oOo-
Cùng nhau dựng lại Sơn Hà,
Trồng cây Dân chủ, reo hoa Nhân quyền.
Công bằng Bác ái làm nền,
Phát huy Nam Nữ Bình quyền Tự do.

Khiết Châu Nguyễn-Huy Hùng
Quận Orange, Nam California.

HẾT

Không có nhận xét nào: