Thứ Tư, tháng 1 07, 2009

HỒI ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 36

RỜI ỐC ĐẢO NHỎ TRẠI TÙ Z30D,
VÀO ỐC ĐẢO LỚN THÀNH HỒ.


trong
Hồi Ức Tù Cải Tạo Việt Nam

Nguyễn Huy Hùng


Mắt trái của Tôi bị đục “thủy tinh thể”, không nhìn thấy cảnh vật từ giữa năm 1986. “Ban” Nhu Trưởng trại Z30D hứa cho Tôi đi Bệnh viện mổ để cứu chữa, trước mặt ông Tướng Trưởng Phái đoàn Thanh tra Trung Ương Cục Trại giam từ Hà Nội vào. Nhưng suốt một năm rưỡi trời trôi qua, không bao giờ ông ta đả động tới việc thực hiện lời đã hứa. Mãi tới giữa tháng 1 năm 1988, nhờ có Vợ Con tới Trại “thăm nuôi”, gặp đúng lúc Tôi bị bệnh hành đau đớn thập tử nhất sinh, phải đưa từ Nhà Thăm Nuôi vào Bệnh xá Trại cấp cứu, tiếp nước biển (serum) vào máu. Qua một đêm không chết, sáng hôm sau ông ta, mới quyết định cho di tản về Saigon “cấp cứu” chữa mắt. Từ lúc có quyết định đến lúc hoàn tất thủ tục giấy tờ “di tản cấp cứu”, phải mất khoảng 2 tiếng đồng hồ. Gặp đúng ngày Chủ Nhật 17 tháng 1 năm 1988 cả trại nghỉ. Nhưng Đội 23 chúng tôi vẫn phải xuất trại, ra Nhà Lô Đội nghỉ như thường lệ.

Chiếc xe hơi du lịch xưa nay ông ta thường dùng, hôm nay được xử dụng để chở Tôi và Vợ Con đang “thăm nuôi” cùng đi Saigon “cấp cứu”. Xe rời Trại vào lúc 10 giờ sáng. Đến trưa, xe ngừng tại một khu buôn bán, nhiều nhà phố vừa trệt vừa có tầng lầu, xây xen kẽ bên nhau dọc 2 bên lề đường, để ăn uống trước khi tiếp tục đi. Tôi không biết tên Thị trấn, nhưng nhớ có một ngôi Nhà Thờ khá lớn, có cả Trụ sở Công An Nhân dân và Trường học. Mặc dù mệt không muốn ăn uống gì, Tôi vẫn phải xuống xe theo mọi người vào quán. Nhà hàng có khoảng năm sáu bàn tròn, không đông khách lắm, nhưng có thể gọi đủ loại món ăn chơi, cơm bữa, hủ tiếu, mì, bia, và nước ngọt. Thấy chúng tôi đi bằng xe hơi nhỏ loại du lịch, ai cũng quay mặt ngó, như muốn tìm hiểu xem chúng tôi thuộc hạng người nào trong xã hội đương thời. Có mấy người đứng lên, bỏ tiền trên bàn, chào chủ tiệm và đi ra ngay. Những người còn lại không nói chuyện ồn ào nữa, ăn vội cho xong để thanh toán tiền. Tôi cảm thấy hơi khó chịu, nhưng các Cán bộ thì tỉnh như không.

Các Cán bộ và chúng tôi ngồi chung một bàn, y như một gia đình gồm 2 ông bà già và 4 người con (3 trai, 1 gái). Đích thân Chủ tiệm rời quầy thu tiền đến tận bàn, đứng gần bên Vợ Chồng tôi, đợi ghi các món thực khách muốn dùng. Vợ Tôi lên tiếng : “-Ông hỏi xem các Chú muốn dùng gì lo trước đi, riêng Tôi cần 2 tô hủ tiếu mì, và một ly sữa nước sôi hột gà cho ông nhà tôi, đang bệnh không ăn được.” Các Cán bộ gọi mỗi người 1 phần cơm bữa và uống trà. Vợ Tôi nói thêm : “-Các Chú dùng bia nhé! Ông Chủ đem cho 3 chai bia và một đĩa gỏi tôm để các Chú ăn chơi trước khi dùng cơm.” Các Cán bộ im lặng không nói gì.

Lúc mọi người ăn gần xong, Vợ Tôi giả bộ đi vệ sinh, để ghé quầy hàng gọi thêm đĩa trái cây ăn tráng miệng, 3 ly cà phê đá, 1 bao thuốc lá thơm cho các Cán bộ dùng thêm, và thanh toán tiền luôn. Ăn uống xong, đồng hồ trên tường nhà hàng chỉ 1 giờ. Cán bộ kêu tính tiền, ông chủ tiệm chạy đến gần, nhỏ nhẹ : “-Thưa, tiền nong đã thanh toán xong cả rồi.” Chắc là trong lúc trả tiền, chủ tiệm có hỏi chuyện, Vợ Tôi đã giải thích cho biết về hoàn cảnh của chúng tôi, nên lúc này ông chủ tiệm mới có thái độ lịch thiệp như vậy với các Cán bộ.

Ra khỏi tiệm ăn, mọi người lên ngồi yên chỗ xong, xe chuyển bánh rẽ ra đường tiếp tục chạy hướng Saigon. Được chừng 200 mét, một chiếc xe máy dầu hiệu Honda đang đậu bên lề đường, bất thần vọt đại ra giữa lộ. Cán bộ lái xe chúng tôi vừa đạp thắng, vừa bóp còi, vừa quay vội bánh lái, lạng xe ra giữa đường để tránh. Nhưng không còn kịp, chiếc Honda vẫn bị cản hậu xe chúng tôi đụng, lạng quạng đổ văng xa cả chục mét bên lề đường. Người đàn ông trung niên lái xe Honda té lộn mấy vòng, nhưng không bị thương tích gì cả, chỉ bị lấm lem bụi đất bám đầy quần áo thôi. Thật là may!

Xe chúng tôi phải ngừng tại giữa lộ, các Cán bộ xuống xe đến gần người lái xe Honda, thương thảo giải quyết hồi lâu không xong. Hai bên cùng phải đưa xe vào sân trụ sở Công An, cách chỗ xẩy ra tại nạn không đầy 100 mét, nhờ giải quyết. Chưa tới giờ làm việc, Văn phòng đóng cửa không có ai trực. Cán bộ phải chạy đến các nhà gần bên hỏi thăm, không ai giúp được gì, đành ngồi tại chỗ đợi. Một tiếng đồng hồ sau, có một nhân viên tới trụ sở. Cán bộ xe chúng tôi tới tiếp xúc, nói chuyện qua lại cũng cả mười phút, mới thấy nhân viên kia bỏ đi. Khoảng hai mươi phút sau, y trở lại cùng một người khác đứng tuổi hơn, mở cửa trụ sở mời 2 Cán bộ và người bị nạn vào trong. Thời gian mấy người “làm việc” trong văn phòng lâu khoảng nửa tiếng đồng hồ. Xong việc các Cán bộ trở ra lên xe, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đi Saigon.

Khi xe đến Cầu Xa Lộ nơi có Tân Cảng Saigon, Cán bộ tài xế lên tiếng nhờ Tôi chỉ đường cho xe chạy, vì ông ấy và 2 Cán bộ kia đều không thông thạo đường đi trong Thành phố. Vào tới khu Đa Kao Thành phố Saigon, lưu thông bắt đầu tắc nghẽn. Xe máy dầu đủ loại Honda, Suzuki, xe đạp, xích lô, xe ngựa, chạy hỗn độn chẳng theo luật lệ nào. Người ta tranh nhau luồn lách tiến lên trước, xe hơi chạy chậm rề rề thua cả người đi bộ. Phải mất hơn tiếng đồng hồ, xe chúng tôi mới tới được cổng Bệnh viện Điện Biên Phủ chuyên khoa mắt (Bệnh viện Saint Paul cũ, nơi có Dòng Tu Nữ của các Dì Phước Công giáo). Cán bộ vào phòng an ninh tại cổng, hỏi thăm nhân viên kiểm soát. Họ cho biết là phải tới Khu Nhận bệnh tại vùng Bàn Cờ, khám nghiệm làm các thủ tục chẩn bệnh nhập viện trước rồi mới tới đây. Thế là xe lại phải chạy vòng theo các đường một chiều, chen lấn nhau với các loại xe 2 bánh, để đến Khu Nhận Bệnh tại vùng Bàn Cờ. Đến nơi thấy trụ sở đóng cửa, đọc bảng thông cáo treo trên cửa, ghi giờ làm việc bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều hàng ngày, Chủ nhật nghỉ.

Không biết các Cán bộ bàn gì với nhau Tôi không nghe được, chỉ thấy Cán bộ yêu cầu Tôi chỉ đường cho xe chạy quay trở lại Bệnh viện Điện Biên Phủ. Đến nơi, xe đậu bên đường phía ngoài hàng rào mặt tiền Bệnh viện. Cán bộ Y tế xuống xe, gọi Tôi xuống và dẫn ra đứng cách xe chừng vài mét trên lề đường, nói nhỏ : “-Đêm nay chưa vào Bệnh viện được. Chúng tôi đành phải đưa anh vào gửi trong Khám Chí Hoà ngủ tạm qua đêm, sáng mai sẽ trở lại đón anh ra đi làm thủ tục nhập viện. Anh bảo Vợ Con anh xuống tại đây, thuê xe mà về nhà.”

Tôi quay lại xe gọi Vợ Con xuống, nói cho biết những gì Cán bộ vừa nói với Tôi. Vợ của tôi đưa ý kiến mời họ về ở trong nhà chúng tôi qua đêm, thay vì đưa Tôi vào gửi trong Khám Chí Hoà rồi họ cũng phải đi tìm chỗ ngủ đêm trong Thành phố, nơi mà họ không thông thạo đường lối. Tôi đồng ý và chúng tôi đến gặp Cán bộ. Tôi trình bầy : “-Nhà chúng tôi cũng ở gần đây thôi, ngay mặt tiền đường lớn, phố đông đúc hàng quán đủ loại. Nhà đúc 3 tầng lầu rất rộng, có tới 5 phòng ngủ, mỗi phòng ngủ đều có phòng tắm và vệ sinh riêng rẽ rất khang trang. Xe hơi có thể chạy vào đậu ngay trong nhà ban đêm, rất an toàn không sợ ai phá phách. Xin mời các Cán bộ cùng đến nghỉ qua đêm tại nhà chúng tôi. Qúy Vị muốn đi chơi thăm sinh hoạt ban đêm của Thành phố, hoặc muốn mua gì, 2 người Con trai của Tôi sẽ dùng xe máy dầu dẫn đi, mua sắm thoải mái.” Cán bộ có vẻ suy nghĩ lưỡng lự. Vợ của Tôi nói thêm : “-Ông nhà tôi đang bệnh yếu đuối quá, mấy ngày nay không ăn uống được gì. Xin Cán bộ thương cho về ở nhà đêm nay, cho chúng tôi lo chăm sóc lúc đêm hôm, ơn ấy không bao giờ chúng tôi quên.” Cán bộ Y tế đến bên xe bàn với 2 Cán bộ kia xong, quay lại gọi chúng tôi lên xe. Cán bộ lái xe yêu cầu Tôi chỉ đường đi về nhà. Cán bộ Y tế dặn : “-Trong khi ở nhà không được thông báo cho bạn bè người thân đến thăm, làm ồn ào đến tai Chính quyền địa phương thêm phiền phức.” Chúng tôi hứa giữ đúng lời Cán bộ dặn.

Gần 13 năm rồi, đêm nay Tôi mới lại có dịp nhìn thấy đường phố Saigon lúc ban đêm. Khu chung quanh Bệnh viện, gồm phần lớn loại nhà kiểu Villa có sân cây cối um tùm phía trước, nên ít thấy ánh sáng đèn trong các nhà, chỉ có những cột đèn đường toả ánh vàng vàng rọi sáng mặt lộ và 2 bên lề đi bộ. Nhưng bắt đầu từ ngã tư Yên Đổ-Trương Minh Giảng về đến nhà Tôi, ánh sáng bàng bạc của đèn Nê-ông, từ các nhà phố vừa trệt vừa 2, 3 tầng, xây xen kẽ nhau san sát 2 bên đường, toả ra cũng đủ soi rõ mặt lộ và lề đi cho khách bộ hành. Theo lời Vợ tôi giải thích : “-Nhờ “Chính sách cởi mở đổi mới” từ một năm nay, bây giờ phố phường mới bắt đầu có các hàng quán ăn dọc 2 bên đường, đèn đuốc sáng trưng như vậy. Hồi 1986 trở về trước, tư nhân chưa được phép kinh doanh, tối đến nhà phố 2 bên đường đóng cửa, đường phố vắng teo dưới ánh sáng vàng vọt của những trụ đèn công cộng.” Qua Nhà Thờ Ba Chuông, cái tên quen thuộc mà dân chúng Saigon thường gọi để chỉ Nhà Thờ Saint Thomas, ở góc ngã tư 2 đường Huỳnh Quang Tiên và Trương Minh Ký, là tới nhà Tôi. Nay con đường Trương Minh Ký đổi tên là đường Lê văn Sĩ.

Xe đậu ngay trước cửa nhà, Con gái tôi xuống xe bấm chuông. Con trai lớn ở trong nhà ra mở cửa, thấy chiếc xe hơi du lịch đậu trước cửa, hắn trợn tròn đôi mắt nhìn vẻ ngạc nhiên. Không chỉ riêng Con trai tôi ngạc nhiên, cả hàng xóm 2 bên đường cũng ngạc nhiên, gọi nhau ra đứng quan sát tìm hiểu sự lạ gì đang xẩy ra. Từ mười mấy năm nay, quanh khu phố này chỉ có nhà Cán bộ, ở cách nhà Tôi 5 căn phố, mới thường có xe du lịch ghé đến thăm. Tại sao hôm nay, nhà một Sĩ quan Chế độ cũ bị đi cải tạo từ sau 30-4-1975 đến giờ chưa được tha, lại có xe hơi du lịch loại sang như vậy chở Vợ Con và Tôi từ đâu về nhà vào lúc này?

Chúng tôi xuống xe, mời các Cán bộ vào nhà, và bảo các con dẹp chiếc máy may và chiếc bàn ăn dài dùng làm bàn đo cắt vải, là ủi quần áo cho thợ may vào phía trong, để lấy chỗ cho xe hơi vào đậu. Các Cán bộ được mời lên lầu đi một vòng thăm các phòng ngủ, và chỉ cho biết đêm nay Tôi sẽ nằm tại phòng nào. Các Cán bộ sẽ ngủ chung trong phòng của người Con trai lớn, đối diện ngay trước phòng của Tôi.

Trở xuống dưới nhà, chúng tôi mời các Cán bộ sang quán ăn bên kia ngã tư đường, đối diện ngay trước Nhà Thờ Ba Chuông dùng bữa tối, vì nhà không có tủ lạnh, không tích trữ sẵn thực phẩm tươi để nấu nướng. Quán ăn do thân nhân một gia đình Cách mạng đi tập kết về làm chủ, mới mở được chừng nửa năm nay, có rất nhiều món ăn nhậu nổi tiếng của miền Nam như lươn um, ếch chiên bơ, rắn hổ xào..., có cả bia và rượu Ngoại. Lúc đó đã 7 giờ tối không còn khách, quán ăn chỉ mở cửa đến 6 giờ. Nhưng vì Con trai tôi hàng ngày chở bia và nước ngọt đến bỏ mối nên quen thân, có thể yêu cầu chủ tiệm tiếp khách đặc biệt ngoại lệ như tiếp người trong nhà được. Nhờ thế các Cán bộ cũng yên tâm, bằng lòng đi ăn tiệm với chúng tôi.

Ăn xong về nhà, Con trai tôi âm thầm đưa riêng cho mỗi Cán bộ một phong bì nhỏ, và hỏi có ai muốn đi chơi thăm phố phường ban đêm, cậu ấy dùng xe Honda chở đi. Không ai muốn đi. Cán bộ Cảnh vệ có trách nhiệm đi theo canh giữ Tôi ở lại nhà qua đêm. Còn Cán bộ Y tế và Cán bộ tài xế dắt nhau đi bộ ra phố chơi, đến sáng hôm sau mới trở lại.

Tám giờ sáng, mọi người ăn điểm tâm xong, mở cửa nhà cho xe chạy ra đậu tại lề phía bên kia đường. Cán bộ Y tế, Cán bộ Cảnh vệ vàø Tôi cùng thong thả băng qua đường lên xe, trước sự nhòm ngó hiếu kỳ của bà con xóm giềng và dân chúng qua lại 2 bên lề đường. Con trai tôi phải nghỉ một buổi, nhờ em trai kế nó đi giao hàng nước uống cho các tiệm ăn. Đi theo chúng tôi, cậu ấy phải thủ sẵn trong túi một mớ tiền, để trang trải các chi phí mỗi khi cần, và biết rõ nơi Tôi được nằm điều trị.

Những con đường chúng tôi phải đi qua toàn là đường một chiều, đầy nghẹt xe đạp, xe gắn máy, xe máy dầu, xích lô đạp, giành nhau chạy lạng qua lạng lại đầy cả mặt lộ, nên hơn 9 giờ mới tới được khu Bàn Cờ. Tới nơi, xe hơi phải đậu ngoài đường lớn. Ngõ vào Cơ sở khu Chẩn bệnh, cách đường lớn chừng 50 mét, đầy nghẹt những dẫy xe 2 bánh và xích lô đợi đưa đón người khám bệnh, đi ra đi vào tấp nập như chợ Tết. Văn phòng “đăng ký” khám nghiệm nằm trên lầu một. Chúng tôi nối đuôi theo mọi người đi lên lầu, lấy số đợi, vào ghế ngồi chờ đến lượt mình. Có 2 Bác sĩ, một Nam một Nữ, làm việc liên tục không ngơi nghỉ, khám, ghi bệnh lý vào hồ sơ, và quyết định bệnh nhân phải làm những thủ tục gì tiếp theo. Có những bệnh nhân hàng ngày phải đến điều trị gọi là bệnh ngoại trú. Có những bệnh nhân sau khi khám, được chấp nhận cho vào nằm trong Bệnh viện điều trị.

Trong lúc ngồi chờ đợi, Tôi có dịp quan sát cách cư xử của 2 Bác sĩ với bệnh nhân. Ông Bác sĩ nói giọng Bắc chính cống, chắc là mới vào Nam sau 30-4-1975, khó tính, hạch hỏi bệnh nhân như Công an điều tra lấy cung người phạm tội. Còn bà Bác sĩ tính tình hiền dịu, nói năng nhẹ nhàng, giọng Bắc pha Nam, có lẽ sinh trưởng trong miền Nam sau 1954. Các Cán bộ áp giải Tôi, đi ra đi vào hoài nghe chừng sốt ruột lắm, nhưng cũng thúc thủ chẳng can thiệp được quyền ưu tiên, mặc dù giấy chuyển bệnh của Trại giam Cơ quan Đại diện Nhà Nước ghi lý do “cấp cứu”.

Đợi một giờ 30 phút mới đến lượt Tôi, may mắn làm sao gặp đúng lượt bà Bác sĩ khám. Bà ấy hỏi : “-Bác đau mắt nào?” Tôi chỉ lên mắt trái. Bà ấy hỏi : “-Bác không nhìn thấy từ bao giờ?” Tôi trả lời : “-Thưa Bác sĩ một năm rưỡi nay rồi.” Bà ấy dơ ống soi lên chiếu vào mắt Tôi, ghé sát mắt vào nhìn qua nhìn lại xong, bỏ ống rọi xuống, nhìn Tôi nói : “-Sao Bác để lâu thế bây giờ mới đi chữa?” Tôi chậm rãi trả lời : “-Thưa Bác sĩ, Tôi là Sĩ quan Chế độ Saigon cũ phải đi cải tạo. Lúc mắt trái không nhìn thấy, Tôi có tới Phòng Y tế của Trại giam khám để trình xin đi chữa, nhưng Trại trưởng không cho. Tôi đành phải chịu. Một năm rưỡi nay không sao. Nhưng trong suốt tuần lễ vừa qua, Tôi bị đau nhức mắt nhức đầu ăn uống ngủ không được. Đến tối hôm kia, Tôi ăn chút cháo cũng bị làm nôn mửa cả ra máu, nên sáng hôm qua Trại mới cho di tản đi cấp cứu.” Bà ấy ghi những gì vào hồ sơ không biết, rồi đưa cho Tôi, nói : “-Bác qua bàn giấy phía bên kia, đưa cho ông đang ngồi đó làm thủ tục nhập viện ngay.”

Tôi cám ơn và cầm hồ sơ đem sang trình, có lẽ là ông Y Tá trưởng. Ông ấy ghim thêm trên hồ sơ mấy mảnh giấy, bảo Tôi đi qua các phòng khám nghiệm phía trong, khi nào xong đem kết quả trở ra trình ông ấy. Tôi vào lần lượt qua các khu : cân mức nặng của cơ thể, đo chiều cao, đo áp huyết và nghe động mạch, đo nhãn áp, lấy máu và nước tiểu để thử nghiệm. Tại chỗ lấy máu, người ta hỏi : “-Từ sáng đến giờ đã ăn gì chưa?” Tôi trả lời : “-Không ăn nhưng có uống sữa.” Người ta nói : “-Vậy thì để sáng mai, lấy máu ngay trong bệnh viện cũng được.” Tôi đem kết quả ra trình ông Y Tá trưởng. Ông Y Tá trưởng xem rồi nói : “-Anh đi về, mai nhịn ăn sáng trở lại lấy máu thử, mấy ngày sau có kết quả rồi mới cho nhập viện được.” Tôi giải thích hoàn cảnh của mình và năn nỉ mãi, nhưng ông ấy không chịu và bỏ đi chỗ khác. Không biết làm sao, Tôi quay qua nhìn về phía bàn của bà Bác sĩ, thấy bà ta không có khách, liền đến xin gặp. Bà ấy mời ngồi và hỏi : “-Bác còn cần gì nữa?” Tôi kể lại những gì đã xẩy ra giữa Tôi và ông Y Tá trưởng, rồi nói thêm : “-Thưa Bác sĩ, nhờ bà giúp đỡ cho. Tôi đang là Tù bị giam tận Trại Z30D, vùng quận Hàm Tân tỉnh Thuận Hải. Nếu hôm nay, ở đây không chấp nhận cho Tôi được nhập viện điều trị. Cán bộ Công An đưa Tôi đến đây, sẽ áp giải Tôi trở lại Trại giam, chẳng biết bao giờ người ta mới lại cho đi nữa.” Nói đến đây tự nhiên Tôi cảm thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng, phải ngưng lại không nói nữa, để kềm giữ cho khỏi bật tiếng khóc. Chắc bà Bác sĩ cảm thông hoàn cảnh đau khổ của Tôi, Bà ấy đứng ngay lên, bước nhanh đến bàn giấy ông Y Tá trưởng để hỏi. Ông ta vẫn một mực khăng khăng, không bằng lòng ký hồ sơ của Tôi. Bà Bác sĩ nói lớn tiếng như khiển trách : “-Vào trong bệnh viện lấy máu thử cũng được. Mấy bữa trước đã có trường hợp bệnh nhân bị cườm già quá, đổ vào phía trong làm hư võng mạc không cứu được, cũng vì việc trì hoãn như vậy, không nhớ sao mà còn tiếp tục?” Rồi bà Bác sĩ cầm lấy hồ sơ, ký tên, dẫn Tôi qua bàn giấy của Dì Phước ngồi gần bên, đưa hồ sơ và nói : “-Nhờ Ma Sơ (Ma Soeur) làm thủ tục thu tiền và hoàn tất hồ sơ chẩn bệnh, cho ông này nhập viện ngay bây giờ.” Tôi nghiêng mình kính cẩn nói lời cám ơn bà Bác sĩ. Bà ấy trả lời không có chi, và bỏ đi trở lại bàn giấy riêng.

Cán bộ Y tế và Cảnh vệ đi theo Tôi, đứng gần đó thấy rõ mọi việc, im lặng không nói gì. Con trai Tôi nộp số tiền phải đóng cho Dì Phước, khoảng 4, 5 trăm đồng bạc Cụ Hồ gì đó Tôi không nhớ rõ, và chúng tôi đứng chờ. Bà Phước hoàn tất các giấy tờ, ký giấy biên nhận, rồi nhoẻn miệng cười phúc hậu đưa hồ sơ cho Tôi, với lời chúc may mắn. Tôi cúi người xuống chào cám ơn, rồi cùng Con và các Cán bộ xuống xe đi Bệnh viện.

Lần này có giấy giới thiệu nhập viện, nhân viên phòng an ninh Bệnh viện mở cổng, cho xe chạy vào trong sân đậu. Chúng tôi tìm đến chỗ Khu Hành Chánh, Phòng Nhận Bệnh làm thủ tục. Người ta bắt đóng 5 ngàn đồng bạc Cụ Hồ, và cấp cho mảnh giấy giới thiệu vào Khu Nhãn Khoa I, trên Lầu 1, phía bên cánh phải của Bệnh viện. Người ta giải thích cho Tôi biết : “-Số tiền 5 ngàn chỉ là dự tính về phí tổn công Bác sĩ khám bệnh hàng ngày, phẫu thuật, thử nghiệm, thuốc men, và chỗ nằm tại Bệnh viện trong 7 ngày. Khi nào xuất viện, sẽ tổng kết mọi chi phí quy định cho mỗi dịch vụ đã thực hiện, nếu thừa sẽ trả lại, thiếu phải đóng thêm. Còn ăn uống bệnh nhân phải tự túc, hoặc do gia đình đem đến hàng ngày, hoặc xuống Câu Lạc Bộ trong Bệnh viện mua dùng tùy theo nhu cầu.” Tôi tự hỏi, trường hợp những Tù được di tản cấp cứu, không được may mắn có gia đình đi theo như Tôi, không có tiền, chẳng biết Cán bộ đi áp tải giải quyết ra sao? Làm cách nào cho Tù nhập viện, hay áp tải Tù quay trở về Trại giam?

Cha Con Tôi cằm giấy đi trước, 2 Cán bộ lẽo đẽo theo sau. Lên đến Khu Nhãn Khoa I, vào trình giấy cho nhân viên Y tá. Cô ấy chạy đi tìm Bác sĩ đến giải quyết. Hai Bác sĩ Nam và 1 Bác sĩ Nữ xem hồ sơ, thay phiên khám mắt của Tôi, rồi hỏi : “-Ai chỉ Bác lên đây?” Tôi trả lời : “-Phòng Nhận Bệnh dưới khu Hành chánh.” Họ tụm lại bên bàn Bác sĩ trưởng Khu, bàn luận nhỏ với nhau, rồi quay ra nói : “-Trường hợp của Bác phải lên Khu Nhãn Khoa II.” Tôi quay trở xuống Phòng Nhận Bệnh, kể lại những điều Bác sĩ tại Khu Nhãn Khoa I đã nói với Tôi, và nhờ giải quyết. Một nhân viên cằm giấy chạy vào văn phòng Bác sĩ Giám đốc Bệnh viện, một lúc sau trở ra dẫn Tôi đi lên Khu Nhãn Khoa II, trên lầu 2, phía bên cánh trái của Bệnh viện. Cô nhân viên dẫn Tôi lên, đem hồ sơ vào đưa cho Y tá trong Văn phòng, và quay ra bảo Tôi ngồi đợi, rồi cô ấy đi xuống cầu thang mất hút.

Ngồi đợi, thấy nhân viên mặc áo choàng trắng và bệnh nhân, đi ra đi vào Văn phòng hoài, cả tiếng đồng hồ không thấy ai hỏi đến mình. Tôi đến gõ cửa vào hỏi. Cô Y tá ngồi bàn giấy cho biết phải chờ, Bác sĩ còn đang bận. Các Cán bộ áp giải Tôi, thấy phải đợi lâu cũng bực mình lắm, nhưng không làm gì được. Họ đành dắt nhau đi vòng vòng “tham quan” các Khu trong Bệnh viện. Thỉnh thoảng họ quay trở lại thăm chừng xem xong chưa, chớ không đứng tại chỗ bên Tôi. Mấy phút sau khi Tôi vào hỏi cô Y tá, một Dì Phước dáng người nhỏ nhắn thấp, vẻ mặt trắng trẻo phúc hậu cỡ ngoài 30 tuổi, ở trong Văn phòng đi ra. Dì Phước thấy Tôi ngồi với người con trai, đến gần lên tiếng hỏi chuyện : “-Nhà Bác ở đâu? Bác đau lâu mau rồi? Có ai đưa Bác đến đây không?” Không có các Cán bộ đứng cạnh, Tôi mạnh dạn thong thả kể lại cho Dì Phước biết rõ về hoàn cảnh của mình. Bà đưa 2 bàn tay hiền dịu nắm tay Tôi vỗ vỗ và nói : “-Tội nghiệp! Bác chờ đây, Tôi đi tìm trình Bác sĩ lo cho Bác.”

Chừng mươi phút sau, có 2 Bác sĩ (1 nam, 1 nữ) theo Dì Phước trở về Văn phòng, kêu Tôi vào “làm việc”. Họ xem hồ sơ, khám mắt, rồi hỏi thêm nhiều chi tiết về các bệnh tật mãn tính mà Tôi có, từ năm nào? đã được điều trị như thế nào? Có cơ phận nào trong cơ thể phải giải phẫu bao giờ chưa? có bị dị ứng với loại thuốc nào không?... Sau cùng, dặn Tôi : “-Sáng sớm mai phải nhịn đừng ăn uống gì, để xuống Phòng Thí nghiệm lấy máu thử, sau đó mới được ăn. Thứ Năm sẽ mổ.”
Xong thủ tục, vừa ra khỏi văn phòng Bác sĩ, đúng lúc các Cán bộ trở lại. Tôi được dẫn đến phòng số 4. Cả 4 giường xếp dọc 2 bên tường, đều đã có bệnh nhân nằm. Chỉ còn một khoảng trống chính giữa phòng, kê một bàn vuông và 4 chiếc ghế. Dì Phước và cô Y tá dẫn Tôi đến, nói : “-Sẽ để một chiếc ghế bố thấp, cho Bác nằm đỡ giữa phòng qua đêm nay. Sáng mai, người nằm giường bên cạnh cửa kia xuất viện, Bác sẽ nằm lên chỗ đó.” Thấy Tôi được nhập viện có chỗ nằm xong xuôi, Cán bộ Y tế nói : “-Ông X. ở đây với anh. Khi nào xuất viện, ông ấy sẽ lo xe đưa anh về.” Nói xong Cán bộ Y tế ra đi, chỉ còn lại Cha Con Tôi và Cán bộ X. ở lại trong phòng, với 4 bệnh nhân cũ và thân nhân của họ.

Lúc đó cũng gần 1 giờ trưa. Tôi bảo Con đưa Cán bộ X. xuống Câu Lạc Bộ dùng bữa trưa. Ông ấy bảo Tôi cùng đi một lượt. Hiểu ý, nên dù mệt Tôi vẫn phải cố gắng, lết xuống cầu thang 2 tầng lầu, ra Câu Lạc Bộ ở góc sân sau của Bệnh viện. Đây là một dẫy nhà bếp cũø khá rộng. Một nửa có các dàn bếp nấu bằng ga, bằng điện, hiện không dùng. Nửa kia, có lẽ trước là kho chứa thực phẩm, nay được sửa sang lại thành Câu Lạc Bộ, trang trí đẹp mắt, bầy nhiều bàn ghế đủ chỗ cho 50 người ăn cùng một lúc. Thực khách phải đứng xếp hàng, tại quầy ghi nhận đơn đặt món ăn, trả tiền, lấy phiếu và đứng chờ. Nhà bếp sửa soạn món ăn theo thứ tự đặt hàng. Khi xong họ báo lớn tiếng, món ăn đặt mua. Nếu phải của mình, tới đưa phiếu đã trả tiền, nhận món ăn, tự mang ra phòng ăn kiếm chỗ ngồi. Câu Lạc Bộ mở cửa từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối. Bán đủ thứ : cơm đĩa, cơm bữa, phở, mì, hủ tiếu, bánh mì, các loại kẹo bánh ngọt, nước uống đóng chai, trái cây tươi, thuốc lá, giá cả cũng tương tự như ngoài phố.

Ngoài hàng rào trước Bệnh viện, phía bên kia đường cũng có các quán lợp mái tôn, xe đẩy, gánh hàng rong, bán đủ thứ đồ ăn và nước uống suốt ngày đêm. Ai không muốn ăn trong Câu Lạc Bộ, người nhà ở nuôi bệnh có thể ra mua đem vào phòng dùng, y như trường hợp đem từ nhà vào vậy.
Chúng tôi ăn xong trở lên phòng bệnh, đã thấy chiếc bàn giữa phòng được chuyển để nằm sát một bên tường giữa 2 đầu giường, 4 ghế để cạnh mỗi giường một chiếc. Một chiếc ghế vải bố dài 2 mét, rộng 60 phân, mền, gối, và bộ quần áo đồng phục bệnh nhân dành cho Tôi, được đặt nằm chình ình giữa phòng, ngay dưới chiếc quạt máy và bóng đèn treo lơ lửng trên trần nhà. Tôi nói nhỏ với Cán bộ : “-Ở đây không có chỗ, cho Cán bộ ở bên Tôi ngày đêm. Cán bộ đã thấy nơi cư ngụ của Vợ Con gia đình Tôi, không lý do gì Tôi lại dại dột mà trốn. Tôi đề nghị Cán bộ cứ yên tâm, đến nhà chúng tôi mà ở. Trong suốt thời gian Tôi nằm điều trị tại đây, việc ăn uống của Cán bộ hàng ngày, cũng như Cán bộ cần tiêu pha mua bán gì, gia đình Tôi sẽ lo lắng đầy đủ. Xin Cán bộ cứ tự nhiên đừng thắc mắc gì.” Ông ấy suy nghĩ một lúc rồi nói : “-Được rồi, anh cứ yên tâm nằm chữa bệnh.” Rồi ông ấy cùng Con trai Tôi rời bệnh viện.

Hai người đi rồi, Tôi vào phòng vệ sinh thay quần áo bệnh nhân, trở ra nằm dài trên ghế bố. Phủ chiếc áo sơ mi che mắt cho không bị chói, Tôi cố dỗ giấc ngủ, giữa tiếng trò chuyện ồn ào của bệnh nhân và thân nhân của họ ở cùng phòng. Đang lơ mơ chưa ngủ được, Dì Phước tới phòng lên tiếng : “-Ông Hùng, Thuận Hải, đã báo cho gia đình biết được nằm tại đây chưa?” Tôi ngồi nhỏm dậy nói : “-Thưa Sơ, sáng nay Con trai Tôi đi theo đã về nhà báo rồi, cám ơn Sơ.” Dì Phước đưa cho Tôi một tấm phiếu, và dặn sáng sớm mai xuống Phòng Thí Nghiệm để người ta lấy máu thử, rồi trở lên hãy ăn sáng. Tôi đưa tay nhận tấm giấy và nói : “-Cám ơn Sơ nhiều lắm. Xin Chúa gìn giữ và ban nhiều ơn phước cho Sơ.”

Vừa đúng lúc Dì Phước quay ra, 2 cậu Con trai đem thức ăn bữa chiều đến cho Tôi. Chúng cúi đầu chào Dì Phước. Tôi giới thiệu đôi bên với nhau. Dì Phước nói : “-Các Con biết lo lắng cho Cha như vậy là tốt lắm. Chúa sẽ đền ơn trọng bội cho các Con.” Các Con tôi chắp tay cúi mình cám ơn Dì Phước, và nói : “-Bố chúng con nằm đây có gặp khó khăn gì, xin Sơ thương tình giúp đỡ.” Dì Phước gật đầu. Một trong 2 người hỏi tiếp : “-Thưa Sơ, Bác sĩ Trưởng Khu này tên gì vậy?” Dì Phước trả lời : “-Bác sĩ Nam, một Bác sĩ Quân Y cũ.” Nói xong Dì Phước rời khỏi phòng bệnh ngay.
Cậu con nhỏ của tôi nói cho biết : “-Bác sĩ Nam có phòng mạch riêng tại Quân Phú Nhuận, là người quen thân của bà Cán bộ Tập kết trở về, đang làm Bí Thư Đảng Bộ Quận Phú Nhuận. Thân nhân của bà ấy là Chủ nhiệm Tổ hợp sản xuất mành trúc. Hiện cậu ấy đang làm công nhân trong Tổ hợp, được ông Chủ nhiệm rất thương mến. Để cậu ấy đi gặp nhờ gửi gấm giúp đỡ.” Rồi cậu ấy bỏ ra về liền cho kịp. Đến tối, cậu ấy trở lại ngủ trong Bệnh viện bên Tôi, và cho biết : “-Mọi việc đã xong. Sáng mai Bác sĩ Nam sẽ khám mắt cho Tôi, và ông ta sẽ đích thân làm phẫu thuật. Sau khi mổ, ông ấy sẽ cho nằm điều trị đủ 21 ngày, cắt chỉ rồi mới phải xuất Viện. Nhưng phải giữ kín đừng nói cho ai biết. Các bệnh nhân khác, thường là 7 ngày sau khi mổ phải xuất Viện. Rồi mỗi tuần mỗi trở lại khám một lần, cho đến khi đủ 21 ngày thì cắt chỉ.”

Trong Khu Nhãn Khoa II có 3 Bác sĩ. Hàng ngày họ thay phiên nhau khám, và cấp thuốc điều trị cho các bệnh nhân nội trú của Khu. Sáng hôm nay Tôi mới được gặp có 2 người. Bác sĩ Nam Trưởng Khu có ca mổ, nên Tôi chưa được gặp.

Sáng hôm sau Bác sĩ Nam khám mắt cho Tôi. Ông cấp phiếu giới thiệu sang Khu Tim Mạch khám bổ túc, vì Tim của Tôi đập loạn nhịp cần xác định trước khi quyết định mổ mắt. Tôi cầm giấy đi sang Khu Tim Mạch, ở bên cánh phải cùng một tầng lầu với Khu Nhãn Khoa II. Bác sĩ trưởng Khu Tim Mạch và mấy Bác sĩ phụ tá, thay phiên nhau đặt ống nghe, khám đi khám lại rất kỹ. Sau khi bàn luận với nhau, Bác sĩ trưởng Khu cấp giấy giới thiệu cho Tôi ra Trung tâm chuyên khoa, đo tim mạch bằng máy điện tử, gần bệnh viện Bình Dân tại Khu Bàn Cờ, làm ECG tức là Điện Tâm Đồ. Ngay sau bữa cơm trưa, cậu con trai chở Tôi đi bằng xe Honda đến Trung tâm đo tim mạch, đứng xếp hàng làm thủ tục đóng tiền, và chờ đến lượt vào phòng máy cho chuyên viên đo. Dân chúng bị bệnh tim mạch đến chờ đông nghẹt, chen nhau như đi lãnh đồ phát chẩn những năm đói, tại các Tỉnh miền Bắc Việt Nam, dưới thời Pháp-Nhật chiến tranh đầu thập niên 1940 mà Tôi đã thấy.
Sau khi đo xong, phải đứng ngoài sân dưới trời nắng gay gắt, đợi hai tiếng đồng mới có kết quả. Tôi đem về nộp cho Bác sĩ Khu Tim Mạch trong Bệnh viện. Sau khi xem kết quả “điện tâm đồ”, Bác sĩ kết luận Tôi bị “Suy mạch vành, ngoại tâm thu thất”. Chu kỳ đập của tim lỗi nhịp, chỉ cần điều trị hàng ngày bằng thuốc điều hoà nhịp tim, và ca mổ có thể tiến hành không trở ngại. Ông Bác sĩ trưởng Khu cấp cho Tôi toa mua thuốc Rythmodan uống. Đây là loại thuốc ngoại, giá hơi đắt, trong Bệnh viện không có, phải xuống Phòng bán thuốc riêng, ngay bên cạnh cổng Bệnh viện để mua.
Tôi nhập viện ngày Thứ Hai, đến chiều ngày Thứ Tư, trong giờ thân nhân và bạn bè cũ đến thăm đang ngồi nói chuyện, Dì Phước xuất hiện trước cửa phòng bệnh, nói : “-Ông Hùng có quen gì với Bác sĩ Trưởng Khu không? Tại sao đã sắp xếp Bác sĩ Y. mổ, mà ông lại yêu cầu Bác sĩ Trưởng Khu đích thân mổ mắt cho ông vậy?” Tôi thủng thẳng trả lời : “-Thưa Sơ, Tôi không quen biết Bác sĩ nào trong Bệnh viện này cả. Nhưng chắc Con trai Tôi làm Y sĩ tại Phường trong Quận Phú Nhuận, có thể quen biết Bác sĩ Nam. Bạn bè Y sĩ với nhau có thể họ nói chuyện nhờ vả gì nhau hay không, Tôi thật tình không biết.” Dì Phước nói tiếp : “-Ngày mai có phái đoàn Bác sĩ chuyên khoa về mắt, từ bên Pháp tới “tham quan” Bệnh viện. Tất cả mọi ca mổ dự trù, đều đình không thực hiện. Nhưng riêng phần ông, kể từ 12 giờ đêm nay không được ăn uống gì nữa. Nhịn đến 1 giờ trưa mai, Bác sĩ Trưởng Khu sẽ mổ mắt cho ông.” Tôi trả lời Dạ! Dì Phước nói tiếp : “-Chúc ông may mắn.” và rời phòng bệnh.

Thực ra, Tôi chẳng có người con nào làm Y sĩ tại Phú Nhuận cả. Cậu trai lớn hồi trước 30-4-1975 đang học Đại học Y khoa Minh Đức năm thứ 3, vào khoảng tháng 8 năm 1975 đang đi học, khi không bị bắt nhốt trong “sà lim” Khám Chí Hoà cả 2 năm, vì nghi vấn có theo Phục Quốc chống Chính quyền Cách mạng. Ốm tong ốm teo gần chết mới được tha về, còn phải tình nguyện đi làm không công tại Phòng Y tế Phường mấy năm liền, mới được cho nhập Hộ khẩu. Bây giờ, cậu ấy đang phải chạy xe chở bia và nước ngọt, đi bỏ mối cho các quán ăn trong thành phố hàng ngày để kiếm sống.

Những bệnh nhân cũ nằm cùng phòng, ai cũng có thân nhân phải đi cải tạo, nên họ rất thương mến Tôi. Nghe tin Bác sĩ trưởng Khu đích thân mổ cho Tôi, ai cũng mừng rỡ chia vui. Họ cho biết có nhiều người phải ra vào Bệnh viện 2, 3 lần mới được mổ. Tôi được đặc biệt “chiếu cố” mổ ngay vào ngày có phái đoàn “tham quan”, tất cả các ca mổ đều bị đình hoãn là hên lắm.

Đúng 12 giờ trưa ngày hôm sau, Tôi và cậu con trai được phép ở trong Nhà thương nuôi bệnh, đến phòng “Tiền giải phẫu” làm thủ tục chuẩn bị chờ giờ lên bàn mổ. Cô Y tá thực hiện các việc : cân, đo thân nhiệt, huyết áp, nhịp tim, rồi cho Tôi uống viên thuốc, chắc là thuốc ngủ. Một lúc sau, dẫn Tôi vào phòng mổ, để nằm trên một chiếc bàn phủ khăn trắng toát, phía trên có một giàn đèn. Sau đó, cô ấy dán mấy đầu dây của máy điện tử theo dõi nhịp tim và huyết áp, lên da cổ chân, đầu ngón tay và trên ngực của Tôi. Tiếp theo, Cô ấy tìm tĩnh mạch nơi nhượng tay trái, để đâm kim truyền serum (huyết thanh) vào máu cho Tôi. Sau cùng, Cô ấy nhẹ nhàng cột 2 cổ tay và 2 cổ chân Tôi dính xuống bàn, phủ lên người Tôi một tấm drap mầu xanh da trời lợt, từ cổ xuống chân, để chờ đến giờ Bác sĩ vào làm phẫu thuật.

Đúng 1 giờ, Bác sĩ Nam cùng mấy người phụ tá vào phòng mổ. Mắt Bác sĩ liếc xem hồ sơ, miệng chỉ thị người nào làm việc nào..., rồi quay lại nhìn Tôi nói : “-Bác đã sẵn sàng chưa? Chúng ta bắt đầu mổ.” Tôi mơ mơ màng màng trả lời : “-Thưa Bác sĩ, Tôi đang chờ đợi đây.” Bác sĩ nói tiếp : “-Nhẹ nhàng lắm, không đau đớn gì đâu, Bác đừng lo.” Tiếp đó, người ta phủ lên mặt Tôi một miếng vải khác, chỉ có một lỗ hở để lộ mắt trái thôi. Mắt phải bị vải che kín, Tôi chẳng còn trông thấy gì, chỉ cảm thấy mọi sự diễn ra qua ghi nhận của thính giác và xúc giác mà thôi.

Bác sĩ nói : “-Mở cả 2 mắt ra.” Tôi làm theo, và cảm thấy có những cái đầu đang cúi chụm vào nhau, phía trên mặt. Những bàn tay, ngón tay đụng vào khu chung quanh con mắt trái của Tôi. Thế rồi, có mũi kim chích đâm vào làm đau từng chỗ, nối tiếp nhau trên khung xương vòng quanh con mắt trái. Đến lúc không thấy kim chích nữa, thì vùng mặt bên trái tê đi không cảm thấy gì nữa. Rồi có một vật gì, banh 2 mí mắt trái ra sát tận khung xương lỗ chứa con ngươi. Tôi vẫn tỉnh không ngủ, nhưng lơ mơ nằm im không nói năng gì, nghe Bác sĩ vừa mổ vừa giảng giải cho các Phụ tá những gì Bác sĩ đang làm. Tôi chẳng nhớ được gì ngoài mấy câu : thấm máu đi, đưa kẹp... Họ loay hoay cũng rất lâu, những bàn tay ngón tay đụng đụng trên mặt, trên chán, trên mũi, cũng cả tiếng đồng hồ chớ không ít. Thế rồi bỗng dưng, Tôi thấy có ánh sáng làm chói mắt trái, nhưng không nhìn thấy gì. Một lúc sau, nghe thấy Bác sĩ ra lệnh đưa chỉ. Chắc là việc mổ, kẹp lấy thủy tinh thể đục ra, và đặt thủy tinh thể nhân tạo vào thay thế đã xong. Mọi người đang lo may vết mổ trên con mắt lại, rồi nhỏ thuốc mỡ và dán băng. Miếng vải phủ trên mặt được nhấc ra. Các bàn tay gỡ các dây trói chân tay, lột các miếng băng keo dán các đầu dây máy điện tử trên người, nhấc bổng Tôi lên đặt sang chiếc bàn khác và đẩy đi. Thế là ca mổ đã xong xuôi tốt đẹp. Chẳng biết khi lành có nhìn thấy bình thường như cũ không. Phải chờ ít nhất là một tuần lễ mới rõ kết quả.
Hai bữa liền không thấy Cán bộ đi canh gác Tôi ghé Bệnh viện, ông ta cũng không ở tại nhà chúng tôi, chẳng biết đi đâu. Bỗng dưng đúng vào lúc người ta đang đẩy xe đưa Tôi từ trong phòng mổ ra, thì ông ấy xuất hiện. Hai mắt của Tôi bị bịt băng kín mít không thấy gì, chỉ nghe cậu Con trai đi theo nói nhỏ : “-Anh Công An đi theo canh Bố đã đến kia.” Tôi nằm im không nói gì như mình đang ngủ.

Về đến phòng, người ta bê Tôi sang giường, chích một mũi thuốc vào bên cạnh đùi, và nghe lơ mơ có lời dặn : “-Không được kê thêm gối dưới đầu, không được làm đầu quay lắc rung chuyển mạnh, không được nằm nghiêng, không được ngồi dậy, cho đến khi nào Bác sĩ cho phép mới được. Nếu cần tiểu hay đại tiện thì lấy bô giúp cho giải quyết tại chỗ nằm.” Con trai tôi trả lời : “-Dạ! Dạ!” Tiếng bánh xe và tiếng chân người xa dần. Mũi thuốc an thần vừa mới chích, bắt đầu thấm đưa Tôi chìm vào giấc ngủ nhẹ nhàng êm đềm.

Trong 2 ngày tiếp theo, Tôi cứ phải nằm ngửa trên giường, không được quay dở lắc lư đầu mạnh, nhưng may mắn thay mình và chân tay còn được phép cựa quậy. Nệm giường bọc bằng vải nhựa, lưng nóng như nung, mồ hôi ra làm ẩm ướt, nằm lâu mình mẩy nhức mỏi ngứa ngáy khó chịu vô cùng. Đến lúc này, Tôi mới cảm thông được nỗi đau khổ của các thương binh, phải băng bó cùng mình, nằm liệt trên giường cả tháng, có khi 3, 4 tháng để điều trị.

Những ngày phải nằm liệt tại chỗ, Bác sĩ và Y tá đến tận giường khám xét, theo dõi tình trạng con mắt mới mổ, nhỏ thuốc thay băng mỗi buổi sáng. Đến ngày thứ ba sau ngày mổ, được phép ngồi lên và xuống giường đi lại nhẹ nhàng trong phòng. Mỗi sáng khoảng 9 giờ, sang phòng điều trị chung, cho Bác sĩ khám bệnh, Y tá nhỏ thuốc thay băng. Cả 2 mắt vẫn còn bịt băng kín mít, mỗi lần di chuyển phải có người dắt dẫn đường.

Cái hôm được xuống giường nhờ Con dắt sang phòng điều trị khám, là ngày sung sướng nhất của đời Tôi. Ngày hôm đó, nhằm đúng phiên Bác sĩ Nam Trưởng khu khám cho bệnh nhân nội trú. Lúc Bác sĩ gỡ băng ra để khám mắt mới mổ, Tôi thấy mờ mờ loang loáng khuôn mặt Bác sĩ hiện ra. Tôi nghẹn ngào mừng rỡ reo lên : “-Tôi đã nhìn thấy rồi, cám ơn Bác sĩ, cám ơn Bác sĩ, rất nhiều.” Ông ấy cười vui vẻ nói : “-Lần lần rồi sẽ nhìn thấy như thường. Ở đây, không có loại thủy tinh thể nhân tạo có độ điều chỉnh. Sau này khi lành hẳn, khoảng 3 tháng nữa, Bác phải trở lại đây đo mắt làm kính điều chỉnh để đeo, hơi nặng nơi sống mũi.” Tôi cười nói : “-Trước kia Tôi vẫn phải đeo kính cận thị quen rồi, bây giờ đeo kính cũng không sao.” Bác sĩ nói thêm : “-Trước kia đeo kính cận chỉ có một tròng, bây giờ phải có tới 2 tròng, một để nhìn xa đi đường, và một nhìn gần để đọc sách, vì thế kính sẽ rất dầy và nặng làm mỏi sống mũi, Bác chịu được không?” Không cần suy nghĩ, Tôi trả lời ngay : “-Đành phải chịu, lâu dần rồi cũng quen, miễn được nhìn đời bằng 2 mắt vẫn hay hơn là nhìn bằng 1 mắt.”

Đêm nào 2 cậu Con trai cũng nằm trong bệnh viện với Tôi. Vào một buổi sáng, sau 6 ngày mổ mắt, 2 cậu con vừa rời Bệnh viện về nhà được một lúc. Tôi đang nằm trên giường bệnh, bỗng thân nhân người bệnh nằm chung phòng, chạy vào báo : “-Anh Công An theo canh Bác, đang ngồi trong Văn phòng nói chuyện gì với bà Bác sĩ Bí thư Đảng ủy của Khu.” Một lát sau, Cán bộ X. vào phòng hỏi : “-Anh đã khoẻ chưa? Mai xuất viện về Trại được chưa?” Tôi trả lời : “-Tôi chưa thấy Bác sĩ nói gì, nên không biết.” Ông ấy nói tiếp : “-Chuẩn bị sẵn sàng, mai có xe của Trại đón anh về Trại.” Rồi bỏ đi. Tôi chỉ trả lời gọn lỏn một tiếng : Dạ!

Đến giờ khám bệnh, Tôi sang phòng điều trị, gặp phiên bà Bác sĩ Bí thư khám bệnh. Khám song, bà Bác sĩ nói : “-Mắt ông Hùng tốt rồi, mai có thể xuất viện về nhà. Hàng tuần trở lại khám, cho đến đủ 21 ngày cắt chỉ.” Tôi hơi xửng sốt, nhưng giữ bình tĩnh thản nhiên trả lời một tiếng cụt lủn : Dạ! Trở về phòng bệnh, Tôi nhờ ngay một trong các thân nhân bệnh nằm cùng phòng, tức tốc chạy đến nhà Tôi, nhắn người Con trai nhỏ vào gặp Tôi gấp. Một giờ sau cậu Con vào tới, Tôi kể lại mọi chuyện, cậu ấy lập tức đi ngay. Đến tối cậu ấy vào Bệnh viện ở qua đêm bên Tôi, cho biết : “-Bố yên tâm, Con đã gặp đích thân Bác sĩ Nam tại phòng mạch riêng rồi. Bố sẽ nằm tại đây cho tới ngày thứ 21 cắt chỉ. Nếu tới ngày đó chưa có lệnh tha ra khỏi tù, mình sẽ tính chuyện tiếp theo.”
Mười giờ sáng hôm sau, Cán bộ X. trở lại, thấy Tôi vẫn mặc quần áo nhà thương, chỉ còn mắt trái phải băng, mắt phải được bỏ băng để nhìn đường. Ông ta nhìn Tôi ngạc nhiên hỏi : “-Sao anh chưa chuẩn bị về, lẹ đi xe đang chờ dưới sân kia.” Tôi trả lời : “-Bệnh viện đâu có làm thủ tục cho Tôi xuất viện mà chuẩn bị. Cán bộ sang Văn phòng hỏi xem sao.” Ông ta đi về phía Văn phòng. Mấy thân nhân bệnh nằm cùng buồng, đi theo rình coi việc gì sẽ xẩy ra. Một lúc khá lâu, không thấy Cán bộ trở lại phòng. Mấy người đi rình theo dõi trở về phòng, kể lại những gì họ nghe và thấy được như sau : “Anh Công an sang Văn phòng, hỏi tại sao không cấp giấy xuất viện cho anh Hùng nằm phòng số 4? Cô Y tá nói chưa có lệnh của Bác sĩ trưởng Khu. Anh ấy đòi gặp Bác sĩ trưởng Khu. Họ để ngồi chờ một lúc lâu mới đi mời Bác sĩ đến gặp. Bác sĩ hỏi : -Ông là gì của ông Hùng? Anh ta nói là Đại diện Trại cải tạo, đưa anh Hùng về mổ mắt, muốn anh Hùng phải xuất viện hôm nay, có xe của Trại đến áp giải về, đang chờ dưới sân. Bác sĩ nói : -Mắt của ông Hùng cần phải nằm tiếp tục điều trị tại đây, để chăm sóc hàng ngày cho đến khi cắt chỉ xong mới xuất viện được. Anh ta nói : -Tại sao những người khác mổ xong, 7 ngày sau Bệnh viện cho về nhà, sao anh Hùng lại phải nằm lại đây? Bác sĩ nói : -Nhà người ta có điều kiện chăm sóc cẩn thận hàng ngày, lỡ có biến chứng thì vào Bệnh viện coi lại ngay. Còn ở Trại các anh làm sao có đầy đủ phương tiện, cứu chữa không kịp hư mắt người ta ai chịu trách nhiệm? Anh về trình với Thủ trưởng của anh, là Bệnh viện mổ mắt cho Ông Hùng, có trách nhiệm lo chăm sóc cho đến khi lành hẳn, cắt chỉ xong mới cho xuất viện được. Tôi là Bác sĩ mổ mắt cho Ông Hùng, Tôi có trách nhiệm phải thể hiện đúng chức năng “Lương y như từ mẫu” của Tôi. Nói xong Bác sĩ bỏ đi đến các phòng thăm bệnh. Anh Công An tiu nghỉu bỏ xuống lầu, lên xe đi tuốt.”

“Cẩn tắc vô ưu”, Tôi liền viết ngay một tờ đơn, gửi cho “Ban” Nhu Trưởng Trại Z30D, để cám ơn và tường trình về kết quả ca mổ mắt thành công. Tôi không quên ca ngợi, khả năng kỹ thuật ưu hạng của các Bác sĩ Xã hội Chủ nghĩa. Ngoài ra Tôi còn trình thêm, nhờ việc chẩn bệnh rất khoa học của các Bác sĩ chuyên khoa, và các máy móc điện tử tân tiến, đã phát giác ra Tôi đang mắc bệnh tim mạch trầm trọng. Song song với việc điều trị mắt, Bệnh viện cũng đang điều trị bệnh tim “Suy mạch vành, ngoại tâm thu thất” cho Tôi. Cuối đơn, Tôi xin “Ban” Nhu mở lượng hải hà, cho Tôi được phép ở lại Bệnh viện, điều trị tiếp cho bệnh tim được ổn định sẽ trở về Trại. Viết xong, Tôi nhờ Vợ Con tức tốc mang quà trả ơn lên ngay Trại gặp “Ban” Nhu, đồng thời trình nộp đơn xin cho ở lại Bệnh viện tiếp tục điều trị bệnh tim. Thật không may, ngày Vợ Con tôi lên Trại, “Ban” Nhu không có mặt tại Trại, đành phải xin gặp Cán bộ Y tế nhờ nhận đơn, trình lại giùm ngay khi “Ban” trở về.

Trong những ngày kế theo, thân nhân nuôi bệnh ở cùng phòng, lúc nào cũng canh chừng. Hễ thấy bóng anh Công An đi canh Tôi, xuất hiện nơi cổng Bệnh viện, là họ chạy lên báo cho Tôi và mọi người biết trước. Để Tôi ngưng kể truyện, về những điều cam go khổ cực nhục nhằn, anh em Tù phải chịu đựng trong các trại giam.

Ba ngày sau khi Vợ con tôi lên trại nộp đơn, Cán bộ Y tế Trại Z30D ghé Bệnh viện thăm Tôi, vào khoảng 2 giờ chiều. Ông ấy đưa cho Tôi tờ đơn có bút phê, chữ ký tên của “Ban” Nhu Trại trưởng, và dấu ấn của Trại giam. Lời phê như sau : “Ông X. (ám chỉ Cán bộ Cảnh vệ đi theo canh giữ Tôi) cho nằm điều trị đến hết bệnh mới xuất viện”. Đồng thời Cán bộ Y tế cũng nói thêm : “-“Ban” Nhu dặn anh cứ yên tâm nằm điều trị, đến khi nào khỏi hẳn hãy xuất viện. Có thể trong khi anh đang nằm điều trị, lệnh tha về tới vào dịp Tết, anh sẽ về thẳng nhà, không phải trở lại Trại.” Tôi cầm tờ đơn đọc, rồi gật đầu nói lời cám ơn, và ca ngợi lòng tốt đầy “tình người” của “Ban” Nhu và Cán bộ Y tế. Ông ấy nhoẻn miệng cười vẻ hãnh diện, chìa tay ra bắt tay Tôi rồi đi ra một cách vội vã, chắc còn phải đi nhiều việc khác trước khi trở về Trại.

Thật là một chuyện lạ, từ gần mười ba năm nay, đây là lần đầu tiên Tôi được Cán bộ Cai Tù, vui vẻ bắt tay một cách lịch thiệp như vậy.

Mười ngày sau, Tôi được chuyển sang nằm trong phòng số 2, chỉ có 2 giường bệnh, gần sát ngay bên cạnh phòng điều trị của Khu. Tại đây Tôi gặp một Bác sĩ tuổi còn rất trẻ đang nằm điều trị. Ông ta cho biết là mắt phải bị cườm không nhìn thấy mới có vài tháng nay, được Nhà Nước “chiếu cố đặc biệt” cho nhập viện, để phái đoàn Bác sĩ chuyên khoa mắt từ Pháp đến “tham quan” Bệnh viện, thực hiện việc giải phẫu mắt cho ông ấy. Chẳng biết mắt bệnh tật ra sao, mổ xong bây giờ mù luôn không trông thấy gì nữa. Ông Bác sĩ giáo sư người Pháp, có kinh nghiệm mổ cả ngàn ca rồi chớ phải tay mơ đâu. Ca mổ này được thực hiện, vào cùng một ngày Bác sĩ Nam mổ mắt cho Tôi. Giật mình hú vía, Tôi tạ ơn Trời Phật đã thương, không bắt Tôi phải tật nguyền như ông bạn trẻ này. Thật là “bôn ba chẳng qua số Trời”. Mắt của Tôi bị cườm không nhìn thấy gì một năm rưỡi trời, Trưởng Trại Cải tạo Đại diện Đảng và Nhà Nước không cho đi mổ, là muốn cho Tôi phải chịu cảnh mù trột luôn. Các Cụ thường nói “ở hiền gặp lành”, nên cuộc giải phẫu mắt cho Tôi đã thành công rất mỹ mãn. Đúng là “chỉ có Trời hại mới chết, người ta hại không bao giờ chết”.

Hai mươi ba tháng Chạp, theo tục lệ cổ truyền Việt Nam, nhà nhà lo mua sắm bánh, mứt, kẹo thèo lèo, mũ mão ông Công, tiền vàng mã, rượu, hoa trái, và đặc biệt là con cá chép sống thả trong chậu nước, để chiều tối cúng tiễn Ba Vợ Chồng Táo Quân lên Trời. Các Con tôi cũng mang vào Bệnh viện một lô quà Tết, gồm : mứt, trái cây, trứng gà tươi, và mì gói ăn liền, nhờ Dì Phước biếu toàn thể Bác sĩ và nhân viên phục vụ tại Khu Nhãn Khoa II, để tỏ lòng cám ơn đã giúp đỡ chăm sóc Tôi, suốt những ngày điều trị tại Khu này.

Một ngày trước ngày dự trù cắt chỉ mắt, Tôi đưa Dì Phước xem tờ đơn có bút phê của Trại trưởng Z30D. Rồi nhờ Dì Phước dẫn Tôi qua Khu Tim Mạch, nơi đang cấp thuốc trị tim hàng ngày cho Tôi, để xin Bác sĩ Trưởng Khu chấp nhận cho làm thủ tục đóng tiền vào nằm điều trị, kể từ ngày xuất Khu Nhãn Khoa II. Tôi thành thật trình bầy hoàn cảnh của mình, đưa tờ đơn có bút phê của Trại trưởng Z30D cho Bác sĩ Trưởng Khu Tim Mạch xem. Dì Phước tiếp lời nói giúp thêm, ông Bác sĩ già rất tốt bụng, người Bắc mới vào Nam sau 30-4-1975, bằng lòng nhận. Dì Phước dẫn Tôi trở lại Khu Nhãn Khoa II, nhờ cô Y tá làm giấy cho Tôi xuống Khu Hành chánh, nộp tiền Viện phí chuyển qua Khu Tim Mạch kể từ ngày hôm sau. Mọi việc xong xuôi êm đẹp, Tôi yên tâm ngủ một đêm ngon lành, để sáng sớm hôm sau cắt chỉ mắt.

Đúng ngày thứ 21, tính từ ngày mổ mắt, vào lúc 9 giờ sáng, Bác sĩ Nam cắt chỉ mắt cho Tôi xong, nói : “-Kể từ ngày mai, Bác sang Khu Tim Mạch điều trị, hàng ngày qua đây các cô Y tá sẽ đổi băng nhỏ thuốc cho. Một tuần lễ sau không cần phải bịt băng bảo vệ mắt nữa, nhưng phải đeo kính mát cho khỏi bị chói. Sau đó mỗi tuần một lần trở vào đây theo ngày giờ hẹn trong giấy xuất Viện, để khám và theo dõi mắt. Ba tháng sau sẽ đo mắt để đi mua kính điều chỉnh là hoàn tất mọi việc.”
Ngày hôm sau lúc 9 giờ, Dì Phước dẫn Tôi qua trình diện Khu Tim Mạch. Trước khi chia tay, Bà không quên chúc lành và cầu xin Ơn Trên đoái thương cho Tôi sớm được tha về với gia đình. Thật là một nhà tu hành nhân hậu, cả gia đình chúng tôi chẳng bao giờ quên.

Trong lúc Tôi đang ngồi trước Văn phòng Khu Tim Mạch, chờ được xếp phòng nằm, Cán bộ X. từ Khu Nhãn Khoa II chạy sang. Thấy Tôi ngồi đó, ông ta ngạc nhiên hỏi : “-Anh làm gì ngồi đây?” Tôi trả lời : “-Khu Mắt chuyển qua đây, để tiếp tục điều trị bệnh Tim.” Rồi Tôi móc túi đưa cho ông ấy tờ đơn có bút phê của “Ban” Nhu, và nói : “-Mấy bữa trước, Cán bộ Y tế đem xuống và có dặn thêm là, “Ban” Nhu nhắn Tôi cứ yên tâm nằm điều trị cho khỏi hẳn mới phải về Trại. Từ hôm đó đến nay, Cán bộ không vào đây, nên Tôi vẫn giữ chưa đưa cho Cán bộ được.” Ông ta cầm tờ đơn có bút phê của “Ban” Nhu, đọc rồi chạy vào văn phòng gặp Bác sĩ, một lúc lâu trở ra đi thẳng không nói gì với Tôi.

Ông ta đi rồi, cô Y tá văn phòng Khu Tim Mạch dẫn Tôi vào nằm trong phòng Cấp Cứu Hồi Sinh. Nơi đây toàn là bệnh nhân trong tình trạng trầm trọng, phải tiếp “huyết thanh” vào máu, tiếp dưỡng khí thường xuyên qua lỗ mũi. Người nào cũng có thân nhân ngồi bên canh chừng, để kịp thời kêu Y tá cấp cứu mỗi khi cần. Trong phòng có 10 giường, đang có 7 bệnh nhân, Tôi là người thứ 8. Cửa vào phòng Cấp Cứu Hồi Sinh lúc nào cũng khép kín, treo một bảng thông cáo ghi rõ ràng : “Những người không phận sự cấm vào”.

Sáng hôm sau, khoảng 9 giờ, lúc Bác sĩ đang khám bệnh trong phòng, không biết làm thế nào mà Cán bộ X. cũng vào được tận chỗ Tôi nằm. Ông ta nói : “-Anh phải nằm trong phòng Cấp cứu Hồi sinh, tại sao Bác sĩ không cho truyền thuốc vào máu như mọi người?” Tôi nói : “-Bác sĩ có toàn quyền quyết định việc điều trị, làm sao Tôi biết.” Ông ấy nói tiếp : “-Sao anh không xin?” Tôi nói : “-Là bệnh nhân, làm sao Tôi biết mình cần được điều bằng thuốc gì mà xin.” Ông ta ra đứng bên cửa sổ nhìn xuống đường, hồi lâu quay lại đến gần Tôi, nói : “-Chắc là bệnh của anh không trầm trọng, chiều nay có xe của Trại lên công tác, để Tôi nói Bác sĩ cho anh xuất viện về Trại, nằm điều trị trong Bệnh xá cũng được.”

Tôi nổi nóng nói lớn tiếng, cốt ý cho Bác sĩ và các người đang có mặt trong phòng cùng nghe : “-Tôi bệnh, Thủ trưởng của ông cho đi Bệnh viện điều trị. Ông chỉ có bổn phận đi canh gác Tôi không trốn Tù mà thôi. Tại sao ông cứ kiếm chuyện áp lực làm khủng hoảng tinh thần Tôi hoài vậy? Tôi nhắc cho ông nhớ một điều, tờ đơn xin nằm điều trị có bút phê của “Ban” Nhu Trại trưởng mà Tôi đưa cho ông, đã được chụp in ra nhiều bản sao. Nếu ông làm cách áp lực Bệnh viện phải cho Tôi xuất viện đi về Trại. Lỡ dọc đường hoặc sau này Tôi có mệnh hệ nào, gia đình tôi sẽ làm đơn kiện lên Ông Tổng Bí Thư Đảng, lên Viện Giám sát, lên Cục Trại giam, quy mọi tội lỗi lên đầu ông ráng mà chịu. Bác sĩ điều trị đang khám bệnh, và thân nhân các bệnh nhân đang có mặt tại đây, sẽ là nhân chứng cho Tôi, ông không thể chạy tội được đâu. Ông đi đi, muốn làm gì thì làm, đừng phiền hà Tôi nữa.”

Ông ta bỏ đi ra khỏi phòng, vừa đúng lúc Bác sĩ tới bên giường khám bệnh cho Tôi. Mặc dù biết là Bác sĩ cũng đã nghe và thấy mọi việc đã xẩy ra, nhưng Tôi vẫn trình bầy lại tỷ mỉ cho ông biết rõ ràng đầy đủ hơn. Bác sĩ ôn tồn nhỏ nhẹ khuyên : “-Liệu mà thu xếp với họ cho ổn thoả thì hơn.” Khám xong, Bác sĩ rời phòng bệnh nhân được chừng mươi phút, cô Y tá đem bịch “huyết thanh” đến truyền vào máu cho Tôi.

Khoảng 2 giờ chiều Cán bộ X. trở lại, thấy Tôi đang được truyền nước biển, ông ta hỏi : “-Anh hết nóng giận chưa?” Tôi nhếch miệng cười không trả lời. Lúc đó có Con Gái Tôi đang đứng bên giường, cô ấy cất tiếng : “-Chào Cán bộ!” Ông ấy cười, nói : “-Anh Hùng có lệnh tha rồi. Tôi có đem hồ sơ giấy tha lại đây cho Anh ký nhận, không phải trở lại Trại nữa.” Lúc đó Tôi mới lên tiếng : “-Cả tuần lễ trước, “Ban” Nhu đã cho Cán bộ Y tế lên báo cho biết là Tôi sẽ được tha vào dịp Tết, và cho tiếp tục nằm điều trị đến ngày có lệnh tha. Tôi có bệnh tim mạch nên tính tình đôi lúc thất thường. Sáng nay có hơi nặng lời với ông, xin thông cảm đừng buồn nhé. Tôi còn khoảng gần nghìn đồng lưu ký tại Trại chưa dùng, để Tôi ký giấy xin nhờ ông lãnh giùm, rồi giữ lấy mà tiêu Tết cho vui vẻ.”

Trao bản lệnh tha và nhận tờ giấy ủy quyền lấy tiền của Tôi xong, ông ta vội vã ra đi, trước sự hân hoan của Cha Con Tôi và thân nhân các bệnh nhân nằm cùng phòng. Mọi người chạy lại chia vui, và chúc Tết may mắn khoẻ mạnh. Tôi nhờ Con sang Văn phòng trình Bác sĩ Trưởng Khu rõ sự việc, và xin cho Tôi xuất viện về nhà ăn Tết. Bác sĩ chấp thuận ghi hồ sơ cho xuất viện ngay không trở ngại gì.

Lúc đó là 5 giờ chiều ngày cuối năm Âm lịch Đinh Mão (con mèo). Chỉ còn 7 tiếng đồng hồ nữa là sang đầu năm Mậu Thìn (con rồng) giữa tháng 2 năm 1988. Hai Cha Con Tôi chào chia tay, và chúc mọi người qua năm mới an khang, may mắn. Trước khi xuống lầu rời Bệnh viện, Cha Con Tôi không quên ghé sang Khu Nhãn Khoa II, báo tin mừng và chào tạm biệt Dì Phước nhân hậu giầu lòng bác ái. Bà nắm tay Tôi vỗ vỗ mừng rỡ chia vui, miệng không ngớt lời tạ ơn Chúa, đã thương ban Ơn Lành cho Tôi được tai qua nạn khỏi, về đoàn tụ với Vợ Con đúng lúc năm hết Tết đến.
Cha Con tôi thuê xe xích lô đạp chở về nhà, trong lúc thành phố Saigon đang chìm dần vào cảnh tranh tối tranh sáng, của buổi hoàng hôn cuối năm. Mọi người đang tất bật tìm về nơi mái ấm gia đình, sau một ngày lao động vất vả cam go. Nhưng cũng có những người không nhà không hộ khẩu, lang thang tìm mái hiên quen thuộc bên vỉa hè, để nằm đỡ qua đêm gió sương lạnh lẽo.
Khi xe bắt đầu đến ngã tư Yên Đổ rẽ vào đầu đường Trương Minh Giảng, một mùi chua chua hắc hắc thối thối tràn lan nồng nặc. Chạy thêm trăm mét nữa mới thấy, ngay bên trái đường, giữa mấy dẫy nhà lầu và những túp nhà sàn trên bãi sình, gần đầu cầu Trương Minh Giảng, một đống rác cao 3, 4 mét, dài chừng 50 mét. Trước 30-4-1975, vào những ngày Chủ Nhật Tôi vẫn thường lái xe chở Vợ Con qua lối này, đi tới đường Lý Thái Tổ vùng ngã Bẩy Bàn Cờ ăn sáng, chưa bao giờ thấy đống rác nào như vậy giữa thành phố.


HẾT ĐẠI NẠN CẢI TẠO.

Bệnh hoạn đem Ta khỏi Trại tù,
Giã từ lang sói chốn âm u.
Cú, diều, khỉ đột tha hồ hú,
Suối, thác, mưa rừng mặc sức ru.
Thoát cảnh chim lồng đầy tử khí,
Nhập khung ốc đảo đặc quân thù.
Tai qua nạn khỏi vui đoàn tụ,
Rượu Tết đầy bình mặc sức tu.


Nhà 206A, đường Lê văn Sỹ (Trương Minh Ký) Phường 10, Quận Phú Nhuận, Saigon.
17-2-1988. Đêm trừ tịch đón Tết Mậu Thìn.

Không có nhận xét nào: