Thứ Sáu, tháng 1 09, 2009

HỒi ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 10

LAO ÐỘNG LÀ VINH QUANG !

Sau khi ở tạm tại K Lò Gạch (Phân trại Lò Gạch) được 2 đêm 1 ngày, thì có lệnh thu gọn hành trang di chuyển tới Khu Nhà Ngói (K1), vào một buổi trưa trời quang nắng ấm. K1 tức là Phân trại 1, ở tận phía rià bên kia của thung lũng xã Việt Cường.

Gọi là Khu Nhà Ngói vì, đây là dẫy nhà tường gạch có mái lợp bằng ngói đỏ duy nhất, nổi bật trong thung lũng. Nó lớn hơn cả khu nhà kho của Hợp tác xã, tường gạch, nhưng mái chỉ được lợp bằng tôn. Còn tất cả các nhà của dân chúng nằm bên ven rừng sát rià thung lũng, mái đều lợp bằng rạ (đoạn thân cây lúa già còn lại, sau khi đã gặt các bông lúa chín). Nhà của Cán bộ canh Tù, cũng chỉ có vách kết bằng “chổm” chẻ nhỏ, chát đất chộn rơm, rồi dùng bay gỗ xoa cát lên cho phẳng mặt coi như tường, mái lợp bằng các vỉ tranh “chổm”, hoặc bằng tôn mỏng gợn sóng.

Lúc lên đường rời K Lò Gạch sang K1, đồ đạc của Tù được chất lên 2 chiếc xe Molotova chở đi trước. Người xếp hàng đôi, nối đuôi nhau cuốc bộ theo sau, dưới sự áp tải của Cảnh vệ. Từ rià Tây thung lũng nơi có K Lò Gạch gần Ban Chỉ huy Liên trại 1, sang rià Ðông thung lũng nơi có K1 (khu nhà ngói), chỉ có một con đường đất trộn đá duy nhất thẳng tắp, dài chừng 3 cây số băng ngang khu đồng ruộng của Hợp tác xã.

Ði đến khoảng giữa đoạn đường, nhìn về hướng Nam thấy một đồi trồng trà. Bên sườn đồi có 1 dẫy nhà chổm nhỏ trông rất nên thơ, cách phiá sau cơ sở Ban Chỉ huy Liên trại 1 khoảng độ năm trăm mét. Sau này mới biết là nơi giam các sĩ quan cấp Tướng QLVNCH. Chừng hơn 20 ông thì phải, Tôi không biết rõ con số.

Vừa đến khu vực K1, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, khi thấy số anh em Ðại tá ở lại trại Suối Máu ngày chúng tôi ra đi, cũng đang có mặt tại đây. Không biết anh em được đưa đến đây từ lúc nào. Thật là mừng vô kể. Hơn 300 Ðại tá bị đưa ra miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, được tập trung học lao động cải tạo bên nhau, trong cùng 1 trại thì đỡ lo. Ở chung với các bạn sĩ quan cấp nhỏ trẻ khỏe hơn, chắc chắn không thể “thi đua lao động đạt thành tích cao” như họ, sẽ khó lòng được coi là “tiến bộ” mà hy vọng được tha về với vợ con.

Tuy chúng tôi chỉ là bạn Tù đồng cảnh với nhau, không phải là quyến thuộc, thế mà mới xa nhau có 2 ngày 2 đêm, nay được gặp lại tay bắt mặt mừng quấn quýt, tưởng như đã xa nhau hàng năm vậy. Thật là một cảm giác lạ lùng.

Qua câu chuyện trao đổi tin tức, được biết là các Ðại tá Bác sĩ Quân Y và một vài Ðại tá Bộ binh khác, được ở lại trong Nam, không ai biết nguyên do vì sao. Có tin cho rằng, các Bác sĩ vì nhu cầu chuyên viên nên được ở lại, nghe cũng hữu lý. Nhưng còn mấy Ðại tá Bộ binh đâu phải vì nhu cầu chuyên môn? Có người cho rằng vì mấy bạn đó có thân nhân theo Cách mạng lâu năm, nay có căn cội lớn nên xin cho được ở lại.

Toàn là ý kiến đoán mò. Thật ra chẳng ai biết được chính sách đối xử thật sự của Cộng sản, đối với người dân tại miền Nam ra sao. Nói chi là quân nhân Quân lực và nhân viên Hành chánh Việt Nam Cộng hòa, đã bị chúng đặt cho cái tên “Ngụy quân, Ngụy quyền”.

Chẳng hạn như hồi gần cuối năm 1975, Ðài phát thanh chính thức của Nhà Nước, ra rả cải chính tin đồn việc đổi tiền miền Nam ra tiền Cụ Hồ là thất thiệt. Thế rồi đùng một cái, vào một buổi sáng tinh mơ, cũng lại chính cái Ðài phát thanh đó, loan báo lệnh Nhà Nước buộc nhân dân không được di chuyển ra khỏi địa phương mình cư ngụ, để thực hiện việc đổi tiền theo hộ khẩu. Thời hạn đổi phải hoàn tất trong ngày. Mỗi người chỉ được phép đổi một số lượng theo quy định. Số tiền ai có nhiều hơn mức quy định, phải nộp cho Nhà Nước lưu giữ cứu xét giải quyết sau. Của đã vào tay Nhà Nước thì còn khuya mới lấy lại được. Ngoài ra còn bị gọi tới gọi lui, tra vấn khai báo về nguồn gốc tiền từ đâu mà có nhiều thế, lại là cái họa chẳng biết đâu mà gỡ. Thật là một chính sách bần cùng hoá nhân dân, san bằng giai cấp một cách tàn bạo vô nhân đạo. Chỉ có chế độ Cộng sản man rợ dã tâm mới lì lợm thực hiện công khai như vậy.

Chính sách khoan hồng nhân đạo của Cách mạng quy định, “Ngụy quân Ngụy quyền” đáng tội chết, nhưng Cách mạng tha không giết, và tạo cơ hội cho đi “học tập lao động để cải tạo tư tưởng”. Biết được giá trị “lao động là vinh quang”, phải “tay làm hàm nhai, không ăn bám vào Xã hội” như từ trước tới nay. Biết “yêu lao động là yêu Xã hội chủ nghĩa”, “yêu xã hội chủ nghĩa là yêu nước”… Do đó phải cố gắng lao động cho tốt, ngày ngày “thi đua nâng cao năng xuất cho mau tiến bộ”, có “tiến bộ nhanh, đạt tiêu chuẩn” mới được xét cho về hội nhập vào “xã hội mới Xã hội Chủ nghĩa”.
K1 nằm ngay bên đường huyết mạch của thung lũng, trên mỏm đồi lài lài xuống một khe suối nhỏ. Từ cổng vào phải qua khoảng sân trống chừng 100 mét, rồi tới 3 dẫy nhà “chổm” và một nhà bếp cũng bằng “chổm”. Băng qua các dẫy nhà “chổm” là một dẫy nhà ngói mới xây xong, theo kiến trúc khám giam Tù rất kiên cố, dài khoảng 3 chục mét, rộng 4 mét, tường chung quanh cao 3 mét xây bằng gạch thẻ.

Phiá trước dẫy nhà ngói có 1 hàng hiên rộng 2 mét, có mái che bằng phên “chổm” đập dẹp. Dẫy nhà chỉ có một cửa ra vào duy nhất bằng sắt, ở khoảng chính giữa hàng tường mặt trước. Hai bên cửa chính, có một dẫy cửa sổ cỡ gần 1 mét vuông bịt song sắt, cao hơn mặt đất chừng 1 mét. Tường phía sau, có một dẫy lỗ thông hơi cao 20 phân, dài 40 phân, cũng bịt các song sắt dọc cách nhau 10 phân, nơi gần sát mái nhà.

Bên trong, phiá cuối nhà, có 1 phòng nhỏ tường xây kín lên tới mái, có cửa sắt khóa, không biết để làm gì. Khoảng rộng còn lại, có một dẫy bệ nằm dài suốt bề dọc căn nhà, xây bằng gạch láng xi măng sát vào tường phiá sau, cao 1 mét, rộng 2 mét. Phiá trước dẫy bệ nằm là lối đi rộng 1 mét rưỡi, suốt từ đầu này đến đầu kia của căn nhà. Xi măng láng trong nhà chưa khô hẳn, còn xông mùi hôi nồng nặc, làm cho bầu không khí ngột ngạt hăng hắc khó chịu.

Những anh em được đưa từ trại Suối Máu ra sau chúng tôi, nhưng đến K1 trước chúng tôi, được chia nằm trong các dẫy nhà “chổm” phiá trước sân dẫy nhà ngói, và gần bếp bên cạnh suối. Thoáng khí và tương đối rộng, mỗi người được một chỗ nằm bằng chiếc chiếu cá nhân, khoảng 70 phân.

Chúng tôi ra Bắc trước, nhưng chuyển đến K1 sau, nên bị giam trong dẫy nhà ngói đang còn trống. Khoảng 100 người trong nhóm chúng tôi, được chỉ định nằm trong dẫy nhà ngói. Chen nhau chặt ních, mỗi người được chia 1 khoảng nằm rộng 2 gang tay. Tôi phải nằm trong nhà này. Số còn lại khoảng 50 người, được nằm dọc dưới mái hiên bên ngoài nhà. Nằm ngoài hiên tuy thoáng khí, nhưng đêm sương gió lạnh cóng. Còn nằm trong nhà thì ngộp thở, thiếu dưỡng khí, nóng nực mồ hôi đầm đià như tắm hơi.

Ngay đêm mới được chuyển đến K1, sau khi ăn bữa chiều vừa xong, có lệnh tập họp nơi mảnh sân chật hẹp ngay trước dẫy nhà ngói. Hơn 300 người ngồi chồm hổm dưới đất, sát bên nhau chặt cứng, ngửa mặt nhìn lên chiếc ghế và bàn nhỏ để trên mặt chiếc rờ-mọc, nghe Cán bộ Trưởng K1 đến “làm việc”. Ðại khái ông ta nói :

“-Vì khẩn trương quá, nên chưa có đủ chỗ nằm thoải mái cho mọi người, anh em cố gắng khắc phục, kể từ mai chúng ta sẽ tự túc xây dựng thêm nhà để ở cho được thong thả. Mọi người hãy cố gắng học tập cho nó tốt. Có điều gì thắc mắc thì cứ thành khẩn báo cáo, cán bộ quản giáo sẽ chỉ dậy cho.”
Ông ta còn nói nhiều nữa, lâu cả tiếng đồng hồ. Tôi không quan tâm cho lắm, nên chẳng biết ông ấy đã nói những gì. Nhưng các Ðội trưởng chắc chắn phải lắng nghe, để “nắm vững” mà nhắc nhở anh em. Nhiều người ngủ gục. Tôi cũng mệt mỏi ngáp ngắn ngáp dài sái cả quai hàm, trông cho mau xong để đi ngủ cho khoẻ, sau một ngày bận bịu vất vả.

Thời tiết đang vào Ðông, ngoài trời luôn ngăm ngăm lạnh, thế mà nằm trong nhà giam nóng như nung. Ði ngủ, ai cũng chỉ mặc quần ngắn áo thun, mồ hôi vẫn vã ra như tắm hơi. Chặt cứng như nêm, không đủ chỗ để nằm ngửa phải nằm nghiêng kiểu úp thià. Mỗi lần muốn trở mình cho khỏi mỏi, phải ngồi dậy xoay người rồi mới nằm xuống lại, để khỏi làm phiền 2 bạn nằm kế 2 bên.
Không ngủ được, thường sinh ra cái chứng mót tiểu hoài. Trong nhà nóng, bên ngoài lạnh cóng, mỗi lần đi ra phải mặc quần áo, chụp mũ lên đầu cho ấm. Khi trở vào, lại phải cởi ra, thật phiền phức trần ai hết mức.

Ði tiểu còn đỡ, địa điểm đặt các thùng đựng nước tiểu ở ngay bên chuồng gà, giữa Nhà ngói và Nhà bếp, khoảng cách gần chỉ độ vài chục mét. Còn muốn đi đại tiện, phải băng qua sân dài cả trăm mét, ra tới gần cổng trại, mới rẽ trái theo con đường mòn nhỏ xuống bên bờ suối, cả mấy chục mét mới tới Nhà vệ sinh. Sương đêm dầy đặc mù mịt trơn trượt, không đèn không đuốc, mò mẫm đi lại rất khó khăn nguy hiểm. Ngoài ra còn sợ nạn bị cọp rình vồ thịt, hoặc đạp lên mình trăn rắn đang trườn ngang lối đi, sẽ bị chúng mổ cuộn thì toi mạng. Thật là trần ai bể khổ.

Trong căn lều che hố vệ sinh, tối đen như mực, và chỉ có 2 chỗ cho 2 người. Muỗi rừng bay dầy đặc như ong vỡ tổ, đuổi không kịp, đốt nhức buốt xưng u ngứa ngáy khó chịu. Nhiều bạn xấu tính, ích kỷ, ngại đạp phải dơ, ngồi phóng đại bên đường, làm những người đi sau không thấy dẫm lên bê bết. Chùi quẹt giầy lên cỏ bên đường không sạch hết, khi trở vào phòng giam mùi sông nồng nặc, tưởng như có ai đau bụng đi không kịp, phóng ra quần tại chỗ nằm.

Suốt đêm nằm trăn trở không ngủ được. Mệt mỏi quá rồi cũng lả thiếp đi lúc nào chẳng biết. Ðang lơ mơ, bỗng một hồi Cồng bom oang oang đổ dồn, chói tai nhức óc. Giật mình thức giấc ngồi dậy, nghe lẫn trong tiếng cồng, tiếng hú thảm thiết của con chó bên khu Cán bộ vọng sang. Mọi người uể oải sửa soạn đón nhận thêm một ngày mới, với những biến cố mới chưa đoán biết được, sẽ đến trong cuộc sống tù biệt xứ đang gánh chịu.

Cán bộ Trực trại ra lệnh qua loa phóng thanh, giục mọi người “khẩn trương” ra sân tập thể dục. Sau 15 phút, bài học thể dục tập thể xong, lại phải “khẩn trương” đi lo phần vệ sinh cá nhân. Trong khi đó, bạn Trực phòng của Ðội đi xuống Nhà bếp, lãnh phần khoai lang luộc điểm tâm về chia cho anh em. Mỗi phần chỉ có 1 củ khoai bằng nắm tay, hoặc 2 củ bằng 2 quả trứng gà. Ăn chưa xong, cồng tập họp đi lao động đã vang dội cả thung lũng.

Mọi người vội vã kéo nhau ra sân tập họp. Từng Ðội xếp 2 hàng dọc, ngồi chôm hổm sát bên nhau đầy sân, quay mặt ra cổng chờ lệnh Cán bộ Trực Trại. Nửa giờ sau, Cán bộ Giáo dục và các Quản giáo xuất hiện nơi cổng. Bắt đầu đọc lệnh “biên chế” lại các Ðội. Sau khi Quản giáo nhận Ðội, ông ta dẫn riêng ra một góc sân, chỉ định Ðội trưởng, các Tổ trưởng, Thư ký đội, anh phụ trách nấu nước cho Ðội ngoài hiện trường lao động, anh Trực nhà, và phân chia anh em còn lại vào các Tổ.
Xong suôi, mọi người về thu xếp tư trang dọn đến nơi ở mới quy định cho Ðội. Tôi được chia vào Ðội Nông Nghiệp, do anh Lê Minh Luân (Ðại tá Không quân) làm Ðội trưởng. Láng ở của chúng tôi là dẫy nhà “chổm” gần bên láng ở của Ðội Anh Nuôi (hoả đầu vụ). Dẫy nhà tuy cũ kỹ, vách “chổm” khô cong kẽ hở lớn, thu hút gió Ðông lạnh dễ dàng, nhưng khoảng nằm rộng rãi hơn, thoáng khí không ngột ngạt như trong nhà ngói. Mỗi người được khoảng nằm rộng 60 phân, chiếu cá nhân phải để chồng mí lên nhau.

Buổi lao động chiều, cả K được lệnh dồn nỗ lực chia nhau phát quang dọn sạch sẽ các bụi cây cỏ dại chung quanh trại, để nới rộng sân tập họp, sửa soạn chỗ cất thêm nhà mới, làm hàng rào quanh trại, tu sửa bờ suối cạnh bếp và nơi tắm giặt công cộng...

Sau cuộc “biên chế” mới, nhóm bạn ăn chung cũng như nằm gần bên Tôi, suốt từ Long Giao ra đến đây, gồm anh Võ Quế và 2 anh Pháo binh (không nhớ tên), bị tách biệt ra mỗi người mỗi Ðội khác, hơi buồn.

Ngày hôm sau, các Ðội mới chính thức xuất trại đi lao động bên ngoài trại.

Khởi đầu “lao động vinh quang”,
Cồng bom (1) giục giã, xếp hàng giữa sân.
Từng đội theo lệnh “xuất quân”,
Vào rừng chặt chổm, vác dần về K (ca).
Ðóng rào, dựng cổng, cất nhà,
Ðể mà có chốn đi ra đi vào.
Ðắp nền Láng ở cho cao,
Kẻo mùa mưa lũ, nước trào vô trong.
Sàn nằm hai dẫy thong dong,
Ðầu quay sát vách, khỏi trông thấy ngoài.
Nhà ba gian, phải phân đôi,
Nhốt chung hai đội, trăm người vào ra.
Cấm không túm bẩy tụm ba,
Chuyện trò bàn thảo việc nhà, việc chung.
Ngày lo lao động tính công,
Tối ngồi “kiểm thảo” để cùng “sửa sai”.
“Hoạch định phương án” tương lai,
“Thi đua” “phấn đấu” mỗi ngày tiến lên.
Ốm đau “khắc phục” cho quen,
Ðội không được phép nghỉ trên một người.
“Khẩu phần” nhờ “đội anh nuôi”,
Lo cho cả trại kịp thời, đúng cân.
Dù ai lao động xa gần,
Ði về sớm muộn, có phần dành riêng.
Giống như Hợp tác xã viên,
Anh hùng lao động tại miền Bắc ta.
Thảm thương Ðại tá Cộng hoà,
Ðoạ đầy thể ấy, thành ma mấy hồí !

K1, LT1, Việt Cường, Yên Bái, tháng 7-1976.

(1) Theo lời giải thích của Quản giáo Ðội chúng tôi, chiếc cồng mà K1 đang dùng, là vỏ một quả bom do máy bay Mỹ thả xuống không nổ. Người ta gỡ thuốc và ngòi nổ bỏ đi, rồi treo lên dùng làm cồng báo giờ cho cả thung lũng cùng nghe được. Chiếc cồng được xử dụng đánh báo giờ giấc cho K1, mỗi ngày 8 lần : - báo dậy buổi sáng, -tập họp đi lao động buổi sáng, -giờ nghỉ giải lao giữa buổi sáng, -mãn giờ lao động sáng, -tập họp đi lao động buổi chiều, -giờ nghỉ giải lao giữa buổi lao động chiều, -mãn giờ lao động chiều, -báo điểm danh tối trước khi vào phòng giam. Ngoài ra còn dùng để đánh liên hồi 3 tiếng một, mỗi khi cần báo động.
Chiếc cồng phát ra một loại âm thanh kim khí lanh lảnh trong, với tần số rung rất cao, làm inh tai nhức óc người ta dễ sợ. Ðến nỗi con chó đặt tên là Pho của Quản giáo Ðội chúng tôi nuôi, bị tiếng cồng làm đau đớn nhức óc khiếp đảm, phải chu lên nghe rất thảm thiết ghê lạnh cả người. Tiếng kêu y như tiếng hú của chó sói trong rừng già hoang vu, diễn tả trong các phim chuyện của Âu Mỹ.
Không ai hỏi, nhưng ông ta tự động giải thích vì thù Ðế quốc Mỹ xâm lăng, bỏ bom miền Bắc Xã hội Chủ nghiã, nên lấy tên của Tổng thống Ford đặt cho con chó, để hàng ngày gọi cho ăn, và lúc nào không bằng lòng thì cột lại đánh cho bõ ghét.
Thật tội nghiệp cho những bộ óc thiển cận, ít học, lạc hậu. Ông ta đâu có biết tâm tình của người Âu Châu hoàn toàn khác hẳn. Chỉ nhân vật thân quen nào được qúy mến nhất, họ mới lấy tên của người ấy đặt cho con vật họ thương qúy trìu mến nhất như con. Tại Hoa Kỳ, còn có Luật bảo vệ gia súc như chó, mèo… Ai hành hạ súc vật bị tố cáo, sẽ bị làm biên bản đưa ra Tòa án phán xét xử phạt nghiêm khắc. Ðâu như tại Việt Nam, chó được nuôi bằng cơm thừa canh cặn, để dọn sạch sẽ những thứ do con người thải ra, để coi giữ nhà, và đặc biệt để làm thịt ăn. “Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó. Chết xuống âm phủ biết có hay không?”

Không có nhận xét nào: