Thứ Tư, tháng 12 17, 2008

CUỐI TẦNG ĐỊA NGỤC

Hãy nhớ lấy để căm thù !


"A certain readiness to perish is not so very rare, but it is seldom that you meet men who souls, steeled in the impenetrable armor of resolution, are ready to fight a losing battle to the last" Joseph Conrad

Đôi lời của tác giả:

Hơn hai trăm ngàn quân nhân, cán bộ, chính quyền VNCH đã bị Cộng sản lừa bịp đưa vào các trại tập trung mà chúng gọi bằng mỹ danh "Trại Cải Tạo". Ba năm, sáu năm, mưới năm hay lâu hơn... Không ai biết thân phận mình sẽ ra sao. Những khủng bố, cực hình, lao động khổ sai nhằm giết dần giết mòn ý chí, nghị lực và thân xác người lính miền Nam.

Sau khi loạt bài về trại A-20 Xuân Phước được phổ biến, nhiều độc giả đã gửi thư về yêu cầu viết thành một tập hồi ký từ ngày đầu để làm tài liệu, chứng tích cho một giai đoạn đen tối, đau khổ của người lính miền Nam. Cũng có bạn yêu cầu dịch ra Anh Ngữ để thế hệ nối tiếp biết đến sự chịu đựng của cha anh.

Chúng tôi thấy mình có trách nhiệm viết lại một cách hoàn toàn trung thực các sự kiện, mà gạn bỏ những tình cảm hận thù cá nhân – mà chúng tôi đã đem vào trong những bài viết về trại tù trước đây - vì nghĩ cho cùng, kẻ thù của chúng ta là cái chủ nghĩa Cộng Sản vô nhân và những người du nhập, áp dụng nó tại quê hương chứ không hẳn là những anh cán bộ, bộ đội cấp nhỏ là những người sinh ra, lớn lên trong chế độ vô nhân. Vì chính họ, xét cho cùng, cũng là nạn nhân của cái chế độ đó.

Sự việc, nhân vật trong hồi ký là thật. Trong trường hợp không nhớ được tên nhân vật nào đó, hay không muốn nói ra tên những người lầm lỡ, tác gỉa sẽ dùng các mẫu tự X Y Z hay viết tắt.

Mới quý vị đọc vài bút ký viết trong tù để cảm thông cho thân phận những người sa cơ vào tay bọn vô nhân tính. Tác giả cũng mong ước những chiến hữu nào thấy cần bổ túc hay đính chính những sai sót, xin nhanh chóng và thắng thắn gửi thư về cho tác giả. Vô vàn cảm tạ.
Lời Giới Thiệu

của Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng



Cách đây khoảng một tháng, tác giả, cựu tù nhân “Cải Tạo” Đỗ Văn Phúc, ngỏ ý muốn tôi viết lời tựa cho quyển hồi ký đời tù nhan đề Cuối Tầng Địa Ngục. Tôi đón nhận với một chút ngỡ ngàng trộn lẫn cảm giác đồng cảm thật mênh mang.

Ngỡ ngàng vì thực ra tôi chỉ biết tác giả qua một vài bài viết đăng trên Internet, đặc biệt là lời kêu gọi quan tâm đến những cụ tù nhân “cải tạo” vẫn còn kẹt ở Việt Nam. Ngỡ ngàng vì kinh nghiệm mỏng manh của tôi đối với chủ đề của tập sách. Năm 1975, khi miền Nam rơi vào tay cộng sản, tôi chưa đến tuổi động viên, chưa một ngày cầm súng và dĩ nhiên chưa một ngày đi tù. Thế thì lấy tư cách gì để viết lời tựa cho một quyển sách ăm ắp ký ức của 10 năm đầy đoạ trong các trại tù?

Mặt khác, đây cũng lại chính là một đề tài thu hút tôi từ cả chục năm nay, một đề tài mà nói bao nhiêu cũng không đủ, kể bao nhiêu cũng không hết; một đề tài mà đến nay nhiều người vẫn chưa biết đến hay chưa biết rõ; chưa kể những nỗ lực ở bên này và bên kia địa cầu nhằm tẩy xoá nó khỏi lịch sử của nhân loại, như nguời ta cố tẩy đi vết máu loang lổ trên manh vải trắng. Năm 1985, cũng là năm tác giả ra khỏi tù, hai học giả Hoa Kỳ xoá đi huyền thoại mà giới truyền thông thiên tả vẽ vời về cộng sản Việt Nam. Hai vị học giả này, Jacqueline Desbarats và Karl Jackson của Đại Học Berkeley, phủ nhận lập luận nguỵ biện hay giả trá của một số ký giả rằng bộ đội tiếp thu miền Nam lịch thiệp như du khách và không hề có cuộc tắm máu như người ta lo sợ. Qua hàng trăm cuộc phỏng vấn các thuyền nhân đã định cư ở Hoa Kỳ và Pháp, hai học giả này khám phá ra rằng cuộc tắm máu đã và đang âm thầm diễn ra sau bức màn tre của các trại tù cải tạo. Kết quả của cuộc nghiên cứu tạo xao xuyến lớn trong tôi lúc bấy giờ và âm ỉ mãi đến ngày hôm nay. Tôi luôn cảm thấy nhu cầu thôi thúc phải ghi lại những kinh nghiệm tù cải tạo, một giai đoạn u ám nhất của sử Việt cận đại. Chúng ta, những người đã vượt thoát ra với thế giới tự do có nghĩa vụ vén bức màn tre ấy lên để làm bài học cho nhân loại, cho hậu thế đừng tái diễn. Chính sự thôi thúc ấy đã rung lên nhịp đồng cảm sâu đậm nơi tôi với từng chữ, từng câu trong Cuối Tầng Địa Ngục.

Nhưng những con số thống kê, các bài tính xác suất của cuộc nghiên cứu không thể nào mô tả được chiều sâu thăm thẳm của tâm trạng người tù, cứ sâu hoắm thêm trong chuỗi ngày vô tận. Bằng lời lẽ đơn sơ, không văn hoa bóng bảy, tác giả đã mở hé ra cho người đọc thoáng nhìn vào cái thế giới nội tâm u uất đã một thời vây bủa và có lẽ sẽ mãi mãi ám ảnh người tù.

“Tuần lễ đầu tiên sau Tết Bính Thìn (1976), chúng tôi được gặp gia đình sau bảy tháng xa cách. Buổi thăm gặp được giới hạn trong ba mươi phút. Tôi gặp đủ Mẹ, vợ và các con. Cháu bé nhất sinh vào giữa tháng tư 1975 nay bụ bẫm, hồng hào. Khi tôi đưa tay ra bế cháu, cháu đã chồm về phía tôi như có sự thôi thúc của tình máu mủ. Chúng tôi cầm tay nhau mà nghẹn ngào một hồi; chẳng biết nói điều gì trước, điều gì sau…” (Trang 56).

Giây phút đoàn tụ thật ngắn ngủi chắc hẳn ăm ắp mừng tủi, quyến luyến, nhớ nhung. Mân mê những ngón tay chai của vợ, vuốt mái tóc bạc phơ của mẹ, bồng ẵm đứa con thơ trên tay, những điều mà con người bình thường nhiều khi không còn để tâm đến thì lại là cả một trời hạnh phúc cho người tù cải tạo. Phút chia tay chắc hẳn chan chứa những giọt nước mắt, những gởi gắm, bịn rịn. Và người tù đã vội ghi vào ký ức hình ảnh của người mẹ già, cảm giác da thịt của người vợ yêu, mùi thơm của đứa con thơ để dành làm ngọn gió mát trong cơn nắng cháy của ngày lao động, hay để nuôi mộng tái ngộ khi đêm lạnh về trên núi rừng hoang vu.

Chế độ khắc nghiệt đã giết chết cả những giấc mơ nhỏ bé nhất của người tù. Tết năm sau, Đinh Tỵ (1977), tác giả lại được gia đình thăm nuôi, nhưng với một tin sét đánh.

“Sau vài phút trấn an, vợ tôi đã mếu máo kể cho tôi nghe rằng cháu út bị sốt xuất huyết và không bệnh viện nào nhận cháu vì là con của người đang cải tạo, tiêu chuẩn cao nhất là các trạm y tế phường. Cháu qua đời vì không có thuốc men và chữa trị đúng mức.” (Trang 71).

Còn đau đớn nào hơn. Còn bất hạnh nào hơn.

Nhưng ở cuối tầng địa ngục vẫn có những đoá hoa rực rỡ; giữa bùn đen vẫn có những hạt vàng lóng lánh. Tác giả viết về một Nguyễn Thi Ân luôn chia sớt phần ăn cho bất kỳ ai xin hỏi, một Nguyễn Văn Phước sẵn sàng liều mạng nhảy hàng rào xà lim tiếp tế cho các bạn tù… Tác giả cũng viết về một số cán bộ quản trại lớn lên giữa bày lang sói nhưng không đánh mất lương tâm loài người, như “anh Ngà, anh Hoa chẳng bao giờ để cho chúng tôi làm việc quá sức. Các anh hàng ngày chạy ngược chạy xuôi kiếm cho chúng tôi giỏ khoai lang, nồi rau muống. Họ muốn trò chuyện và học hỏi nơi chúng tôi.”

Trên bức tranh vân cẩu, tác giả không quên điểm tô dăm nét chấm phá khôi hài, như khi kể về tượng bán thân của “Bác Hồ” ngày nào không thuốc rê cắm vào trên miệng thì cũng có cục đàm trét trên má hay sợi lông xoắn phất phơ trên đầu; đến nỗi cán bộ phải mếu máo: “Bác Hồ là người ai cũng yêu quý, kính trọng… Thế mà có anh lại dám bứt lông dái bỏ lên đầu Bác.” (trang 78) Và cũng có những mẩu chuyện cười ra nước mắt, như khi chính tác giả đang lén nấu nước bằng chiếc lon guigoz thì bị cán bộ bất thần khám xét, bèn vội ngồi lên che “lò” giả bộ đang đánh cờ tướng và cứ thấp thỏm sợ cháy quần, cháy cả mông.

Rải rác khắp quyển sách là những cảnh tra tấn, nhốt conex, còng chân, bỏ đói, bỏ khát, đánh đập, cấm thăm nuôi, lao động khổ sai, doạ bắn, hạ nhục… Thực ra tôi đã biết khá rõ về các hình thức tra tấn dùng trong tù cải tạo của cộng sản Việt Nam qua các tài liệu nghiện cứu của Bác Sĩ Richard Mollica và các cộng sự viên ở Đại Học Harvard. Đây là nhóm bác sĩ đầu tiên, và có thể độc nhất trên thế giới, đã để tâm chữa trị những vết thương tâm hồn cho cựu tù cải tạo Việt Nam. Họ tỉ mỉ phân loại 29 hình thức tra tấn cùng với mức độ thông dụng của chúng, và phân tích cũng như đo lường hậu quả lâu dài để lại nơi nạn nhân. Mục đích hiểm độc của các hình thức tra tấn là vừa bầm dập thể xác vừa đục khoét tâm hồn.

Người đọc không khỏi cảm thấy bùi ngùi, xót xa cho những người tù nằm xuống không thân nhân thăm viếng, không kèn trống tiễn đưa, không mộ bia, hương khói; cho những người tù bị cán bộ bóp cổ chết, bị xử bắn trong trại, bị hạ sát trên đường đào thoát, hay chết vì khát, vì kiệt sức. Như hai nhà học giả Desbarats và Jackson từng khẳng định sau nhiều năm nghiên cứu, cuộc tắm máu âm thầm đã xẩy ra. Cộng đồng người Việt ở các vùng trời tự do có nghĩa vụ ghi lại tất cả những cái chết trong trại tù cải tạo, như một sự tưởng nhớ đối với người quá cố và tri ân đến những thân nhân còn sống. Những cái chết oan nghiệt ấy chắc chắn đã để lại những vết hằn không thể nào phai cho người thân còn sống, với rất nhiều câu hỏi mà không có câu trả lời.

Và người đọc cũng không khỏi phấn chấn trước tinh thần bất khuất của đại đa số tù nhân cải tạo, như Hạ sĩ Đèn dám tuyên bố “ngày nào còn Cộng Sản, tôi còn chống” và phanh ngực ra thách thức cán bộ bắn, như Quách Dược Thanh từ chối không hãm hại đồng đội để đổi lấy mạng sống, như hàng trăm người tù lãng công và tuyệt thực để phản đối cán bộ đánh trọng thương hai người bạn tù. “Họ là những con đại bàng dù sa cơ vẫn không để bị lẫn lộn trong đám gà qué.” Trong quyển sách mới xuất bản, nhan đề Chữa Lành Các Vết Thương Vô Hình (Healing Invisible Wounds), Bác Sĩ Mollica của Đại Học Harvard nhắc nhở rất nhiều đến nghị lực của những tù cải tạo Việt Nam, mà ông xem là những bậc thầy về lòng dũng cảm, về ý chí sống thoát, và về khả năng hồi phục. Theo Ông, có ba yếu tố ảnh hưởng rất lớn: lòng vị tha, lý tưởng, và tinh thần xốc vác. Những mẩu chuyện tự thuật và về các bạn tù xuyên suốt quyển Cuối Tầng Địa Ngục đã minh chứng điều này.

Sau khi đọc xong bản thảo, tôi gọi điện thoại nói chuyện với tác giả--lần đầu tiên nói chuyện với nhau. Tôi kể về sự đồng cảm sâu sắc và nhận xét về văn phong đơn giản, trong sáng, và thăng bằng đến lạ. Không thấy hận thù, nguyền rủa mà chỉ thấy một cố gắng lớn để ghi lại trung thực sự kiện và cảm nghĩ. Tác giả đã bỏ ra 15 năm để viết. Tôi đoán tác giả đã nhiều lần, rất nhiều lần, duyệt đi duyệt lại để gạn lọc những lời lẽ thái quá, hay điều chỉnh những thiên kiến. Kết quả là một cố gắng dựng lại toàn cảnh của xã hội trại tù, với đầy đủ ác và thiện, ti tiện và hướng thượng, hèn yếu và dũng cảm, bóng tối và ánh sáng; đủ các mầu sắc của cầu vồng. Tôi nói với tác giả rằng sự thăng bằng ấy đã nâng tính chất sử liệu của quyển sách. Tôi đề nghị tác giả viết thêm, đào sâu hơn; cả viết hộ cho những người không quen viết, để từ từ xây dựng một tủ sách về các trại tù cải tạo--đúng hơn, một bảo tàng viện về các trại tù cải tạo, như người Do Thái có bảo tàng viện về cuộc thảm sát bởi Đức Quốc Xã (Holocaust Museum). “Chỉ mươi năm nữa chúng ta sẽ cạn kiệt nhân chứng sống”, tôi chia sẻ với tác giả.

Điều tôi không nói ra là nỗi ái ngại cho chính tác giả. Tôi hình dung Cựu Tù Nhân “Cải Tạo” Đỗ Văn Phúc, mỗi lần đặt bút là mỗi lần ôn lại những đau đớn, dày vò, mất mát. Không biết mỗi khi đọc lại đoạn viết về người con út chết vì thiếu thuốc men, hay những ngày tháng biệt giam trong conex, hay cảnh bơ vơ của người vợ trẻ, hay những cái chết tức tưởi của bạn bè… tác giả nghĩ sao, cảm giác thế nào? Hãy hình dung một người phải xem đi xem lại cuốn phim không bao giơ dứt về những khổ đau, bất hạnh của đời mình; liệu người ấy sẽ đối phó, ứng xử ra sao khi cơn xúc động dâng trào? Câu trả lời nằm ngoài sức tưởng tượng của phần lớn chúng ta mà thuộc về thế giới tâm linh ẩn kín và riêng tư của người trong cảnh. Nhưng có một điều tôi biết: khả năng đàn hồi của những cựu tù nhân cải tạo Việt Nam thật phi thường. Một chuyên gia tâm lý người Mỹ dày kinh nghiệm về các trại giam của Đức Quốc Xã và các xứ Nam Mỹ có lần nhận xét với tôi rằng ông ta chưa hề gặp nhóm tù nhân nào lại chịu sự tra tấn liên tục và kéo dài như tù cải tạo Việt Nam; và ông ta rất ngạc nhiên về khả năng chịu đựng, sống thoát và hồi phục của họ.

Trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến, tôi tìm đọc quyển Một Ngày Trong Đời Của Ivan Denisovitch của văn hào Alexander Solzhenitsyn, để chuẩn bị tinh thần nhỡ phải sống dưới chế độ cộng sản sắp phủ chụp lên miền Nam. Nếu so sánh, thì Gulag của Nga là ngưỡng cửa bước vào địa ngục, còn trại tù cải tạo của cộng sản Việt Nam nằm ở tầng cuối.

“Nếu có một địa ngục như lời các tôn giáo thường răn đe, thì chắc hẳn địa ngục đó cũng không sánh được với cái địa ngục mà Cộng sản đã dành cho người quốc gia và những ai không theo chúng.” (Trang 198)

Thế giới cần biết điều này, cho bây giờ và cho mai sau.



Nguyễn Đình Thắng
Virginia, Ngày Mùng Ba Tết Năm Mậu Tý

CUỐI TẦNG ĐỊA NGỤC

Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngoại và Tạp Chí Mạch Sống Phỏng Vấn Nhà Văn Đỗ Văn Phúc


LC: Tác Giả Đỗ Văn Phúc đã có bài đăng trên Mạch Sống số 66 và 67. Sắp tới đây, ông sẽ xuất bản cuốn hồi ký trong tù có tựa đề " Cuối Tầng Địa Ngục" Quyển sách này sẽ có lời giới thiệu của Nhà văn Vũ Ánh (Chủ Bút báo Người Việt), Ts Nguyễn Đình Thắng ( Chủ Nhiệm nguyệt san Mạch Sống), nhiều nhận xét khích lệ của các văn hữu, bạn tù, và độc giả khác, cũng như của Hoàng Lan Chi phóng viên Sóng Thần (VA) và Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngoại.

Trước khi mời ông ĐVP, chúng tôi xin tóm tắt về tiểu sử của ông.

Đỗ Văn Phúc sinh năm 1946 tại Quảng Trị, tốt nghiệp khoá 1 Đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt. Ông phục vụ tại Sư đoàn 5 Bộ binh và Sư Đoàn 2 Không quân. Giải ngũ năm 1974 vì bệnh Thyroid. Sau 1975, ông đã bị giam cầm 10 năm qua các trại tù Long Khánh, Suối Máu, Hàm Tân và Xuân Phước. Ông đến Hoa Kỳ năm 1990 trong chương trình HO-1, từ đó đến nay, ông tích cực hoạt động chính trị bằng các bài chính luận sắc bén và các buổi diễn thuyết cho nhiều đối tượng, đặc biệt là với thanh niên và sinh viên. Ông hiện là Chủ tịch Hội Chiến sĩ VNCH tại Austin, Ủy viên Điều hành tại Hải Ngoại của Hội Tù Nhân Chính trị Tôn Giáo VN, hội viên sáng lập Hội Các Nhà Văn VN Lưu Vong. Ông hiện cộng tác với hàng chục tờ báo tại Hoa Kỳ, Canada, và Úc Đại Lợi.

Bây giờ xin quý vị theo dõi buổi phỏng vấn của Hoàng Lan Chi với tác giả Đỗ Văn Phúc. Xin chào ông ĐVP


ĐP: Xin kính chào quý thính giả Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngọai, chào chị Hoàng Lan Chi

LC: Thưa ông, Ông sắp ra mắt "Cuối Tầng Địa Ngục" coi như môt tập hồi ký về những năm tháng tù đày. Xin ông cho biết sách được thai nghén từ bao giờ, dày bao trang, và có những gì đặc biệt vì như ông biết, loại sách này được viết khá nhiều?

ĐP: Khi mới đến Hoa Kỳ, tôi đã bắt đầu viết vài bài về trại tù Xuân Phước A-20. Mục đích là để luôn luôn nhắc nhở những gì mà bọn Cộng Sản phi nhân đã làm đối với anh em quân nhân VNCH. Sách gồm 5 chương. Bốn chương đầu về bốn trại tù : Long Khánh, Suối Máu, Hàm Tân, và Xuân Phước. Độ dài ngắn mỗi chương là do thời gian ở tù của tôi tại mỗi trại. Tôi chú trọng không bỏ qua những sự kiện quan trọng đã xảy ra mà có những ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tù nhân. Viết rất trung thực về việc và người. Vinh danh những anh em từng biểu lộ tinh thần bất khuất, khí phách. Và dĩ nhiên không thể không nói đến những hành vi phản bội. Tôi đã ghi tắt tên những anh em lỡ lầm vì muốn tôn trọng gia đình họ. Về tình cảnh anh em trong tù, tôi cố gắng nêu lên những khắc khoải, lo âu, nhưng vẫn luôn giữ được tinh thần, ý chí. Tôi muốn cuốn sách ra mắt sớm, vì có hàng ngàn anh em các trại đó hiện còn sống và đang cư trú tại Hoa Kỳ, sẽ đánh giá cho tính trung thực của cuốn hồi ký. Như ký giả Vũ Ánh, hiện là Chủ bút Nhật báo Người Việt ở Cali, nhà văn Nguyễn Chí Thiệp hiện ở Houston, nhà văn Trần Yên Hòa ở California, nhà văn Duy Lam, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm.…

Khi các phân đoạn được đăng trên trang KBC Hải Ngoại, Cánh Thép, Vietland, Việt Báo, Viễn Đông, Ánh Dương, Đối Thoại vân vân. Chỉ trong vòng chưa tới một tháng, đã có hàng ngàn người đọc. Các bài đăng trên Saigongate đều có số lượng độc giả cao gần cả ngàn người mỗi bài. Trên trang Thư Viện Việt Nam, chỉ trong một tuần, đã có hơn 2500 lượt độc giả. Có rất nhiều độc gỉa đã gửi thư khích lệ, tán thưởng.

Sách dày 260 trang, bìa do họa sĩ Hoàng Việt (nhóm Vietland) vẽ.

LC: Về cuốn "Cuối Tầng Địa Ngục" mà ông dự định ra mắt vào 2008, ông gửi gấm điều gì trong đó? Đơn thuần là một chứng nhân lịch sử? Hay còn ý gì khác thưa ông ?

ĐP: Chiến tranh Việt Nam dai dẳng và khốc liệt nhất từ sau Thế Chiến thứ 2. Chế độ lao tù của Cộng Sản Việt Nam cũng dã man nhất trong các chế độ lao tù trên thế giới. Thế nhưng đã có một Papillon của Henri Charrière, Quần Đảo Ngục Tù của Aleksandr I. Solzhenitsyn, mà chưa có cuốn sách nào có tầm cỡ của Việt Nam để diễn tả đầy đủ nỗi cơ cực đọa đày trong lao tù Cộng Sản. Sau khi vài bài viết về trại tù A-20 được đăng trên báo và trên web, nhiều vị đã gửi email và điện thoại khuyến khích tôi viết trọn bộ hồi ký kể từ ngày đầu cho đến ngày ra trại. Đó phải là một chứng tích trung thực và tương đối đầy đủ về một giai đoạn đau thương của những quân cán chính VNCH. Cuốn sách phải là bản hùng ca nói lên tinh thần bất khuất của anh em chúng ta dù sống trong vô vọng, đói khát, bị đe doạ, khủng bố từng giờ. Cuốn sách cũng là bản bi ca về những tấm gương sáng chói của những anh em tuẫn tiết trong tù và tình cảm gia đình dạt dào trong tâm tư người tù cũng như người thân bên ngoài xã hội. Dù tôi không có khả năng để viết một tác phẩm xuất sắc, thì ít nhất, tôi cũng để lại cho thế hệ sau biết rằng cha anh của các em đã sống và chiến đấu anh hùng như thế nào để chống chỏi lại hoàn cảnh khắc nghiệt và kẻ thủ gian ác trong các trại tập trung mà mức độ tàn bạo không thua kém các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Ngoài ra, cuốn sách sẽ là một thông điệp cho những chế độ phi nhân biết rằng, không bạo lực nào có thể dập tắt được ý chí quyết sống của con người.

Ngoài ra, tôi đang nỗ lực viết bằng Anh Ngữ cuốn hồi ký này cho độc giả ngoại quốc và các em Việt Nam không đọc được tiếng Việt.

LC: Người ta gọi trại Xuân Phước là trại trừng giới, xin ông giải thích?

ĐP: Theo tâm lý thông thường, ai ở trại nào, cũng đều cho trại tù của mình là kinh hoàng nhất. Mỗi trại tù có một đường lối, chế độ khác nhau. Nhưng phải nói trại A-20 Xuân Phước, hay A-30 cùng ở Phú Yên là hai trại trừng giới của miền Nam. Đó là nơi giam giữ thành phần tù quân chính mà Cộng Sản cho là bất trị hoặc đám hình sự bị án chung thân, tử hình. Trại tù này đã được nhà văn Nguyễn Chí Thiệp viết đến trong cuốn “Trại Kiên Giam”, nhà văn Phạm Trần Anh viết trong cuốn Đoạn Trường Bất Khuất. Về mặt dã man tàn bạo, thì trại A-20 có lẽ thua xa các trại Kà Tum, Vườn Đào, Đầm Đùn và nhiều trại cực Nam… Những nơi đó, họ giết người như nghoé. Bọn Việt Cộng Miền Nam man rợ và hiếu sát, đầy thú tính. coi mạng người như cỏ rác. Nhưng ngược lại, Trại A-20 thì sự khủng bố tinh vi hơn. Đó là đúc kết kinh nghiệm coi tù của mấy chục năm CS tại miền Bắc, cọng với bản chất man trá, đểu cáng của bọn Công an CS gốc Thanh Nghệ Tĩnh.

Chúng nó không giết mình ngay, mà cho chết dần mòn vừa về thể xác vừa về ý chí. Thế mới độc

LC: Vâng, hy vọng với những sư kiện xác thực, nhân chứng rõ ràng và cách hành văn mạch lạc, lôi cuốn sẽ khiến CTĐN sẽ được đón nhận nồng nhiệt. Xin cho biết, muốn mua sách thì liên lạc thế nào, và giá sách bao nhiêu?

ĐP: Sách sẽ được bán tại các nhà sách ở các thành phố lớn, giá bán 15 dollars (cộng 3 dollars cước phí bưu điện, nếu ở xa). Hoặc liên lạc email về cuoitangdianguc@yahoo.com

LC: Bây giờ, xin phép đi sâu vào cá nhân một chút, ông sinh truởng ở Quảng Trị, vùng đất địa linh nhân kiệt này đã ảnh hưởng thế nào đến ông?

ĐP: Không rõ chị Hoàng Lan Chi muốn nói đến ảnh hưởng về cá tính hay về sự nghiệp. Quý vị cũng biết rằng các vùng đất Quảng ở hai phía Bắc và Nam của xứ Huế thơ mộng là những vùng đất nghèo khổ, dân tình lam lũ. Vì thế, từ bao đời, người dân bốn Quảng phải cật lực đấu tranh bền bỉ trong cuộc sống. Hậu quả là người Quảng rất kiên cường, dứt khoát. Về mặt xã hội, họ là những người hiếu học và bền chí. Về mặt chính trị, họ rất trung kiên và cương quyết. Dù theo bên Quốc Gia hay Cộng Sản, họ rất trung thành và bất khuất. Trong thời chiến tranh Quốc Cộng, các đảng phái Quốc Gia như Quốc Dân Đảng, Đại Việt đã rất vững mạnh ở các tỉnh này. Và ngay cả đảng Cộng Sản cũng thế. Vì thế, đó là vùng đảng tranh mãnh liệt và đổ nhiều máu nhất trong nước.

LC: Ông chọn ngành chính trị từ Đại Học CTCT Đà Lạt rồi Vạn Hạnh. Vây trong gia phả của ông, có ai hoạt động cách mạng và giòng máu ấy truyền đến ông?

ĐP: Gia đình bên ngoại tôi có vài vị theo kháng chiến chống Pháp và kẹt lại theo Việt Minh. Sau 1975 đã trở về trong tâm tư chán nản, thất vọng và bất mãn cùng cực. Gia đình bên nội của tôi ngược lại, phục vụ vương quyền nhà Nguyễn và hai chế độ Cộng Hoà; không có ai theo Cộng Sản. Cha tôi từng bị Phát Xít Nhật đưa ra chém đầu. May nhờ chú là Cảnh Sát Trưởng Thành Phố Huế cứu kịp. Sau đó, Người lại bị Việt Minh bắt cóc đưa ra giam giữ và thủ tiêu ở trại Lý Bá Sơ ngoài Thanh Hoá. Vì thế, tôi đã bắt đầu có những suy nghĩ rất nặng về chính trị từ lúc bé.

LC: Trước 75, Ông có thường viết bài xã luận chính trị không và cho các báo nào?

ĐP: Từ những năm 1970, tôi đã có bài đăng rải rác trên các báo Chính Luận, Tiền Tuyến, Thời Nay. Khi về Không Quân, tôi đã làm chủ bút tờ Nội San Gió Cát của Căn Cứ 20 Chiến Thuật Không Quân. Báo ra hàng tháng.

Tôi nhớ một kỷ niệm: Chuyện ông Dân Biểu Ngô Văn Luông (nguyên Trung Úy QLVNCH), cậy thế mình là cháu của Tổng Thống Thiệu, bị Quân Cảnh làm khó dễ ở cổng phi trường, đã viết văn thư đến Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ 20 CT để khiển trách. Chỉ Huy Trưởng lúc đó là Đại Tá Nguyễn Đình Giao, vừa bực mình vì bị một anh Dân Biểu Trung Uý cậy thế cậy thần hống hách, vừa e ngại cái thế lực quá lớn của anh ta, đã không vừa ý các thư trả lời do Chánh Văn Phòng đệ nạp. Ông gọi tôi lên nhờ viết thư trả lời. Sau khi đọc thư của tôi, ông nói: “Chú viết rất khéo, vừa đủ để mắng cái tên phách lối, mà vừa không làm cho nó có điều kiện để ton hót lên Tổng thống làm hại mình.”

Khi còn học năm thứ Ba tại Đại Học Vạn Hạnh, giáo sư môn Bang Giao Quốc Tế là Đại Đức Thích Giác Đức đã chỉ định các sinh viên trưởng nhóm luân phiên thuyết trình các chương trong cuốn sách của Giáo sư Hans Morgenthau. Sau khi nghe phần thuyết trình của tôi, Giáo sư Giác Đức đã giao hẳn cho tôi việc thuyết trình những chương còn lại của năm thứ Ba, và liên tục trong năm thứ Tư. Còn Thầy thì ngồi cuối phòng để nghe và cho ý kiến bổ sung. Nhân đây, tôi xin muợn qua làn sóng Đài Phát Thanh Việt Nam, gửi lời kính thăm sức khoẻ Giáo Sư Đại Đức Thích Giác Đức, Giáo Sư Nguyễn Văn Canh, Giáo Sư Phạm Như Hồ, Giáo Sư Phạm Thị Tự, Giáo sư Nguyễn Thị Huệ và Giáo Sư Tạ Văn Tài là những vị thầy khả kính đã nâng đỡ tôi trong những năm học ở Đại học Vạn Hạnh. Tôi cũng đã học được ở Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy phong cách nói chuyện đơn giản mà rất gây ấn tượng trong lòng người nghe.

LC: Đuợc biết ông phục vụ ở Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Bình Dương và Sư Đoàn 2 Không Quân, Phan Rang khiến tôi tò mò muốn hỏi vậy "chuyên lính" của ông là gì, thưa ông? Trên bốn vùng chiến thuật với gót giầy đinh hay cánh dù giữa rừng thẳm?

ĐP: Trước khi nhập ngũ, tôi cũng đã làm thông dịch viên cho Cơ quan Chống Khủng Bố của Hoa Kỳ trong gần hai năm. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại Học CTCT, tôi được bổ nhiệm làm Đại Đội Phó tại một Tiểu đoàn tác chiến của Sư Đoàn 5 Bộ Binh một thời gian. Nhưng thấy đường binh nghiệp có vẻ bế tắc, cuối năm 1969, tôi quyết định xuất nghành để trở thành Đại Đội Trưởng. Có rất nhiều anh em cùng khoá tôi đã trở thành các Tiểu đoàn trưởng xuất sắc như Đại Úy Nguyễn Văn Mục (SĐ5BB), cố Thiếu tá Nguyễn Đình Can (SĐ22BB), Đại Úy Đỗ Minh Hưng (Trinh Sát 5 Biệt Động Quân)

Cuối năm 1972, qua chương trình phát triển Hải và Không Quân, tôi được chuyển về Sư Đoàn 2 KQ, và làm Trưởng Phòng Chính Huấn Căn Cứ 20 Chiến Thuật tại Phan Rang.

LC: Cuộc đời binh nghiệp ngắn ngủi, chỉ 8 năm nhưng ông được thưởng khá nhiều huy chương, nào là 6 Anh Dũng Bội Tinh, trong đó có một với nhành Dương liễu, các bội tinh cho Quân, Dân vụ, Chiến thương và cả Tưởng Lục cấp sư đoàn khiến tôi vô cùng tò mò, hẳn ông đã phục vụ rất đắc lực trong các ngành mà ông lưu dấu giầy?

ĐP: Tôi là một người lính hiện dịch và rất yêu binh nghiệp. Dù ở hoàn cảnh nào cũng cố gắng làm hết sức mình, phục vụ cho đất nước và cái lý tưởng mình theo đuổi. Ra trận tiền, chính khói thuốc súng, tiếng bom đạn làm mình náo nức, can đảm thêm. Vả lại, với tư cách đơn vị trưởng, nắm trong tay sinh mệnh hơn trăm người, mình phải biết làm gương dù rằng trong cái ranh giới tích tắc của sự sống và cái chết, ai mà không cảm thấy sợ hãi. Tôi xin bày tỏ lòng mến phục sâu sắc, sự biết ơn và cầu nguyện đến những người lính đã góp máu xương để chiến đấu cho quê hương, làm nên những chiến công cho đơn vị. Mỗi lần đọc các cuốn đặc san của các hội đoàn Cựu Quân Nhân, nhìn hình ảnh những quân nhân ưu tú, khôi ngô mà đã hy sinh hay còn sống sót, lòng tôi rất bồi hồi. Năm tháng dù trôi qua, nhưng trong tôi, những người lính Việt Nam Cộng Hoà vẫn là hình ảnh sáng ngời nhất.

LC: Một con người thích chính trị, qua Hoa Kỳ tiếp tục sinh hoạt cộng đồng nhưng lại chọn các tác phẩm của Andersen để dịch. Phải chăng, từ sâu thẳm tâm hồn ông, là niềm hoài vọng một thế giới an bình cho tuổi thơ? Phải chăng những tháng ngày binh đao của quê hương Quảng Trị đã khiến chàng hướng đạo sinh Đỗ Văn Phúc mơ uớc một Bà Chúa Tuyết cho Thánh địa La Vang?

ĐP: Đa số những truyện cổ tích đều dạy về lòng nhân ái, khoan dung, cách đối xử tốt lành với đồng loại. Đặc biệt cổ tích của Hans Christian Andersen vừa đẹp với những cảnh sắc Bắc Âu, vừa nhẹ nhàng như những giấc mơ hoa, lại vừa đầy nhân tính. Nó có sức hấp dẫn không những đối với trẻ em, mà còn với những người lớn. Chiến tranh, hận thù, giết chóc đã quá nhiều. Tất cả là do từ lòng ích kỷ, ham muốn vô bờ của con người. Vì thế, bên cạnh các giáo điều của các tôn giáo dạy những điều lành, bên cạnh nỗ lực của phong trào Hướng Đạo đào tạo những cá tính và tinh thần giúp đỡ vị tha, thì truyện cổ tích đưa ra những tấm gương tốt mà dễ dàng đi vào tiềm thức của các trẻ em để khi lớn lên, chúng sẽ có những hành xử thích ứng.

LC: 10 năm tù đày, điều gì còn đọng lại trong ông vào ngày hôm nay, sau 32 năm Sài Gòn mất tên? Thù hận vẫn rực lửa, bao dung hay ..?

ĐP: Những năm mới đặt chân đến Hoa Kỳ, lòng tôi chan chứa tràn ngập hận thù. Họ đã cướp của tôi 15 năm đẹp nhất của tuổi thanh xuân; những hạnh phúc quý báu bên người vợ trẻ và đàn con thơ. Họ đã phá hủy tuổi thơ và tương lai các con tôi. Khi chủ trương tờ báo Trách Nhiệm của Hội Cựu Quân Nhân Austin, tôi đã mở một mục lấy tên: Hãy Nhớ Lấy Để Căm Thù. Với bài viết đầu tiên nhan đề: Trại Cải Tạo A-20 Xuân Phước, tôi đã trút vào đo tất cả những sự oán thù, khinh bỉ đối với chế dộ, con người Cộng Sản. Sau đó, đăng đẳng nhiều năm tôi không ngừng dùng ngòi bút để lên án Cộng Sản. Gần hết một cuộc đời, tôi vẫn giữ ý chí lập trường chống Cộng. Nhưng cái chế độ Cộng Sản tại Việt Nam ngày nay chỉ còn là cái bình phong cho một tập đoàn Mafia phản quốc trong khi nhu cầu cấp bách của đồng bào là Nhân Quyền, Tự Do, Dân Chủ. Vì thế, tôi phải đặt mục tiêu hàng đầu là tranh đấu cho các khái niệm trên.

Dĩ nhiên, tôi có học được sự độ lượng, bao dung qua nhiều năm hoạt động tại Hoa Kỳ. Đó là từ sự cảm thông hoàn cảnh con người sinh ra, sống và bị ảnh hưởng bởi môi trường chính trị, xã hội, kinh tế. Xét cho cùng, những cấp nhỏ cũng chỉ là những nạn nhân của chế độ. Chúng ta quyết liệt lên án bọn đầu sỏ, bọn ngoan cố bám lấy quyền lực, giáo điều để thủ lợi, đàn áp đồng bào, đưa đất nước đến sự suy vong. Nhưng chúng ta cũng cần vận động lôi kéo các cấp thừa hành để tăng sức mạnh đấu tranh của chúng ta. Tôi rất có cảm tình với những người trong nước thuộc giới trẻ hay những vị từng ở phe bên kia mà nay thức tỉnh. Họ từ trong lòng chế độ, sẽ có phương thức đấu tranh hiệu quả hơn, và tiếng nói của họ đối với người dân sẽ có sức thuyết phục hơn chúng ta.

LC: Năm 1996, ông nói chuyện với thanh niên nhân ngày quốc hận cho Đài Truyền Hình ACTV, đền 2002 thì Đài Truyền Hình Fox 7 lại mời ông nói chuyện với sinh viên UT. Thời gian 6 năm có gì khác biệt trong cách nói chuyện với giới trẻ? Và rút tỉa, ông sẽ cho một lời khuyên thế nào với thế hệ 60 về cách gần gũi với thế hệ 20?

ĐP: Tôi xin đưa ra ý kiến, chứ không dám khuyên ai. Sự nghiệp đấu tranh cho Việt Nam Dân Chủ Tự Do phải chuyển qua các bàn tay của thế hệ 40, 20. Đó là luật đời. Thế hệ trên 60 càng ngày càng ít dần và đa số đã tỏ ra mệt mỏi. Mà thế hệ tiếp nối thì càng lớn mạnh và có suy nghĩ khác với chúng ta. Một phần thế hệ trẻ là những người hấp thụ văn minh dân chủ Hoa Kỳ, một phần lớn là những người mới đến Hoa Kỳ sau này. Họ đã sinh ra và lớn lên trong sự tuyên truyền của Cộng Sản Việt Nam. Vì thế, chúng ta không thể xơ cứng, đi mãi trên một con đường mòn mà đã tỏ ra kém hiệu quả trong hơn 30 năm qua. Thế giới thay đổi hàng ngày. Ngay cả chế độ Cộng Sản cũng thay đổi để sống sót. Một khi đối tượng của chúng ta đã có thay đổi, tài nguyên nhân sự của chúng ta cũng khác với chúng ta, thì bắt buộc, chúng ta cũng cần thay đổi cách làm việc. Sự thay đổi về phía chúng ta mà tôi muốn trình bày ở đây là một chiến lược đấu tranh phù hợp nền văn minh dân chủ mà các thế hệ nối tiếp đã thu nhận qua giáo dục tại Hoa Kỳ và các nước tự do. Chúng ta không thể cố nhét cái lòng căm thù CS của chúng ta vào tâm thức các em. Đối với các em, phải nặng vể hoạt động xã hội hơn chính trị; phải thuyết phục bằng lý luận, chứng minh cụ thể. Chúng ta nên truyền đạt kinh nghiệm về Cộng Sản để các em suy nghĩ; mà không nên cưỡng ép, áp đặt một cách độc đoán. Dĩ nhiên, ai cũng biết Cộng sản thì tinh ma, giỏi lừa bịp. Nhưng chúng ta phải có một niềm tin vào thế hệ trẻ mà nên đóng vai trò hướng dẫn trong tinh thần tương trọng cùng học hỏi nhau thì hơn.

Một điều cần cảnh giác là hiện nay Cộng Sản đổ công sức, tiền bạc cho những tên Việt Gian len lỏi vào các hoạt động Cộng Đồng nhằm thu hút giới trẻ hải ngoại. Họ đưa ra những mục tiêu nhẹ nhàng hấp dẫn như Văn Hoá, Công tác Nhân Đạo, vân vân. Nếu chúng ta không khéo và sáng suốt, nguồn nhân lực quý báu này sẽ rơi vào tay bọn CS. Chừng đó, chúng sẽ dễ dàng thi hành nghị quyết 36, nhuộm đỏ Cộng Đồng hải ngoại.

LC: Vâng, cảm ơn Ông. Trước khi tạm biệt, xin cho biết dự định tương lai?

ĐP: Thưa chị, hiện tôi còn viết dở dang hai cuốn “Nơi Đó Mùa Xuân Chưa Về” và “Nanh Hùm Nọc Rắn”

“Nơi Đó Muà Xuân Chưa Về” là tuyển tập các bài viết về quê hương, về các bà Mẹ Việt Nam và hoàn cảnh quê hương còn đọa đày trong tay giặc. Đó là hồi tưởng một thời thanh bình hoan lạc của Miền Nam, và niềm khao khát về một quê hương an bình trong tương lai. Tuyển tập sẽ có các bài để vinh danh những người Lính Việt Nam đã chiến đấu và xây dựng trong 21 năm của nền Cộng Hoà.

“Nanh Hùm Nọc Rắn” gồm các bài tham luận chính trị vạch trần thủ đoạn gian manh của Hồ Chí Minh và bè lũ Cộng Sản Việt Nam, cổ võ cho phong trào dân chủ tự do tại quê nhà; là những bài rất được ưa chuộng tại hải ngoại trong những năm qua.

LC: Xin cảm ơn ông. Xin chúc 'Cuối Tầng Địa Ngục" sẽ được đón nhận rộng rãi.

ĐP: Xin chân thành cảm ơn Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngoại và chị Hoàng Lan Chi. Đồng thời cám ơn quý thính giả đã theo dõi chương trình. Trước thềm năm mới, kính chúc tất cả quý vị một năm Mậu Tý an lành và hạnh phúc. Mong ước được sớm thấy ngày quê hương Việt Nam tự do, dân chủ và phú cuờng.

ĐP: Xin kính chào quý thính giả Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngọai, chào chị Hoàng Lan Chi

CUỐI TẦNG ĐỊA NGỤC

Sách Mới: Cuối Tầng Địa Ngục
Thursday, April 17, 2008

PHẠMKIM

Báo Người Việt Tây Bắc
Seattle, WA

Sách Mới: Cuối Tầng Địa Ngục:
Hồi ký của một người lính Việt Nam
qua 10 năm trong các trại tù Cộng Sản.
Tác giả
Đỗ Văn Phúc tự xuất bản.
262 trang.Giá $15 mỹ kim.

L/l: 16204 Viki Lynn Pl.,
Pflugerville, TX 78660
(512) 251-9016

Email: www.michaelpdo.com.

Khởi sự viết từ chương Hồi ký: Trại Cải Tạo A-20, Xuân Phước rồi cứ thế cuốn hút trong ký ức với những năm ở “cuối tầng địa ngục” này, tác giả nguyên là một sĩ quan cấp úy đã từng được giải ngũ, thế mà sau 1975 vẫn bị lùa vào trại tập trung, luôn được ‘biệt đãi” bằng còng chân ngày đêm, và nhiều tháng trong hộp sắt conex kinh hoàng... suốt 10 năm. Tác phẩm là một bức tranh sống động mà xót xa: “Nếu có một địa ngục như các tôn giáo thường răn đe thì chắc hẳn địa ngục đó cũng không sánh được với cái địa ngục mà người cộng sản dành cho người quốc gia”Việt (trích lời tựa của TS Nguyễn Đình Thắng).

Có những triết gia cho rằng địa ngục hay thiên đàng chỉ là trừu tượng hoặc thiêng liêng trong niềm tin, thì nhờ tác phẩm này chúng ta biết đến địa ngục trần gian ... cũng “có thực” , có thể cảm nhận được .262 trang sách đã dẫn người đọc từ những lời khen ngợi của TS Nguyễn Đình Thắng cho đến những thổ lộ của tác giả qua lời mở đầu... và kế đến như một cuốn phim bi hùng thu hút người xem, dẫn từ “Lịch Sử Sang Trang”, đến trại tù Long Khánh, trại tù Suối Máu, trại Tù Hàm Tân, trại Tù A-20 Xuân Phước và cuối cùng đến chương “... Xin đừng quên mình là người tị nạn chính trị...”: Có lúc kiêu hãnh vì những can đảm của cá nhân và các bạn tù, thường được kể lại với giọng trìu mến, thì cũng có lúc khiêm tốn “xấu hổ” vì phải làm văn nghệ và phải hát nhạc “đỏ” trong tù; hoặc nhiều tay ăng ten, những kẻ “dùng thủ đoạn làm áp lực- blackmail” người cùng cảnh ngộ, đã dẫn đưa tác giả nói riêng bị vào conex. Mấy chi tiết này khiến ta nhớ đến hoàn cảnh tương tự, cũng bị “áp lực đe dọa gây ảnh hưởng” (blackmail) để phải bán đứng cô bé gái 15 tuổi Anne Frank như thế: Cô bé Do Thái này đã phải bỏ mình trong trại tập trung/ trừng giới Đức Quốc Xã thời Đệ Nhị Thế Chiến bên Âu Châu. Nhưng dẫu sao, khi trải qua những tầng cuối địa ngục đến như thế , văn phong và cuộc sống của tác giả vẫn thể hiện được sắc mầu bàng bạc nhân ái, cuốn hút người đọc.

Ngoài ra, còn có phụ lục về ngày các cựu tù nhân chính trị tri ân và hội ngộ một trong những ân nhân của HO là bà Khúc Minh Thơ (còn những ân nhân khác nữa, chẳng hạn như ông Lê Xuân Khoa qua tổ chức SEARAC hoạt động suốt gần hai thập niên 1980-90).

Bìa sách nền màu đỏ , đen và chữ trắng của họa sĩ Hoàng Việt (VietLand) như cùng nói lên rằng địa ngục trần gian có thật đã xảy ra trong đời tác giả, khiến chúng ta liên tưởng tới những tác phẩm cùng chủ đề , như “Cùm Đỏ” của nhà văn Phạm Quốc Bảo xuất bản năm 1983, rồi “Đáy Địa Ngục” của nhà văn Tạ Tỵ, “Đại Học Máu” của nhà văn Hà Thúc Sinh...

Không chìm đắm trong than vãn, mà vùng dậy tiến lên. Đó là những thành quả minh chứng mà tác giả Đỗ Văn Phúc đã tạo một kỷ lục hiếm hoi, như lời ca ngợi của Tiến Sĩ James Reckner ( thuộc Trung Tâm Việt Nam, Texas Tech University), lời khen ngợi đặc sắc và giá trị của cựu HQ Thiếu Tá Trần Đỗ Cẩm, của cựu Trung Tá Hoàng Minh Hòa, của báo chí truyền hình News 8-Austin, của Hoàng Lan Chi (Việt Nam Hải Ngoại),.. và hơn cả là lòng ngưỡng mộ của các bạn trẻ sinh viên trong và ngoài tiểu bang Texas.

Qua tóm tắt tiểu sử, Đỗ Văn Phúc từng tốt nghiệp kỹ sư điện tại Austin TX, và Cao học Quản Trị Công Nghiệp (Colorado). Trước đây, tác giả đã xuất bản: Quê Hương và Hoài Vọng (hai tập), Vườn Địa Đàng, Bà Chúa Tuyết, Nơi Đó Mùa Xuân Chưa Về. Đồng thời, ông cũng là chủ nhiệm nguyệt san Lửa Việt (Austin), Trách Nhiệm (Austin-TX). Trước đây, những bài viết như “Người Tù và Chiếc Lon Gô”, và “Chân Dung Người HO-Đỗ Văn Phúc” đã xuất hiện trên trang báo Người Việt, và Người Việt Tây Bắc.

* Phạm Kim.

CUỐI TẦNG ĐỊA NGỤC

Hồi Ký: CUỐI TẦNG ĐỊA NGỤC

Đỗ Văn Phúc



Phần mở đầu
Lịch Sử Sang Trang


Oái Oăm của Lịch Sử: Man Dã Hung Tàn Lại Thắng Văn Minh, Nhân Nghĩa.



Khi trời rạng sáng, tiếng súng lớn nhỏ từ các ngoại ô, nhất là hướng phi trường Tân Sơn Nhất, đã rời rạc dần và chấm dứt hẳn vào khoảng xế trưa; sau khi Đài Phát Thanh Sài Gòn loan truyền lệnh buông súng của Tổng Thống ba ngày Dương Văn Minh. Dân chúng bắt đầu rời các nơi trú ẩn ùa ra đường. Người ta đã thấy các binh sĩ Cộng Sản miền Bắc tràn vào các ngõ nghách. Khi chạy lúp xúp qua những xóm nhà dân, họ chỉa súng quát tháo om sòm để biểu lộ quyền uy của kẻ thắng trận. Bên ngoài đường phố, đã thấy những đoàn xe đủ loại: từ xe buýt chở khách đến các xe đò đường dài, xe tải lẫn trong những chiếc xe Molotova màu cứt ngựa. Trên xe là các du kích, lính địa phương Việt Cộng miền Nam. Sự phân biệt lính Việt Cộng miền Nam và bộ đội miền Bắc rất dễ dàng. Vì lính Việt Cộng miền Nam thì ăn mặc lộn xộn, đủ kiểu đủ màu. Từ bộ bà ba đen cho đến chiếc quần ka ki xanh cũ, cái áo người thì trắng đã ngả sang màu cháo lòng; người thì xanh, đỏ tím vàng… Họ đội những chiếc nón tai bèo và quàng quanh cổ chiếc khăn rằn hoặc xanh hoặc đỏ; chân mang đôi dép cao su cắt từ vỏ xe hơi và đặc biệt là họ có cùng một khuôn mặt đầy sát khí. Lính Bắc Việt thì khác hẳn. Họ là những thanh thiếu niên còn rất trẻ; khuôn mặt xanh xao có vẻ ngờ nghệch, nhưng trang bị vũ khí đầy người. Họ mặc những bộ binh phục xanh lá cây thùng thình cắt may vụng về, quá khổ so với thân thể ốm đói nhỏ thó của họ.

Thỉnh thoảng, người ta thấy vài chiếc xe díp mui trần còn nguyên vẹn huy hiệu của quân đội miền Nam chạy qua. Trên xe là các thanh niên bặm trợn, và các thầy tu mặc áo nâu sồng. Họ mang băng đỏ bên cánh tay và cầm những khẩu súng M16 của Mỹ mới lượm được bên đường do quân miền Nam vứt bỏ. Đó là bọn đón gió trở cờ mà người ta gọi là bọn “cách mạng 30 tháng tư”

Hoà bình! Hoà bình!

Như một dòng nước trong mát đối với những kẻ lữ hành trên sa mạc đã nhiều ngày và sắp quỵ gục. Như một chấm xanh xanh phiá chân trời đối với người thủy thủ đang lạc hướng ngoài biển khơi. Đó là ước vọng sâu sắc nhất của những người Việt Nam cả hai bên bờ vĩ tuyến 17 sau 30 năm chiến tranh điêu linh, nếu tính từ khi chiến tranh Pháp Việt bắt đầu. Hoà bình! Trên quê hương vốn đã điêu tàn sẽ không còn nghe tiếng súng nổ, bom rơi. Vành khăn sô sẽ ngưng quấn trên mái đầu xanh các thiếu phụ. Những người cha chinh chiến bao năm sẽ trở về săn sóc dạy dỗ đàn con. Các bà mẹ sẽ không phải nhòa mắt đứng trước cửa ngày ngày ngóng tin con từ những chiến trường mờ mịt nào đó.

Sau một cuộc chiến dài đăng đẳng và quá tàn khốc, người Việt Nam đã quá kiệt lực. Họ mong mỏi hoà bình, và sẵn sàng chấp nhận trả với bất cứ giá nào. Đối với người dân thường miền Nam, họ biết sẽ có cuộc đổi thay sâu sắc dẫn đến nhiều mất mát. Nhưng ở mức độ nào thì họ không thể đoán ra được. Những người miền Bắc đã di cư vào Nam năm 1954 thì biết là sẽ khốn khổ, khốc liệt có thể đổ nhiều máu. Những quân nhân, cán bộ chính quyền miền Nam thì đau đớn biết rằng từ đây sẽ mất tất cả. Một tương lai ảm đạm đang chờ đón họ và gia đình. Nhưng họ chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Họ đã mất các cơ hội leo lên những chuyến bay vội vàng hay những con tàu nêm kín người rời bến trong những giây phút hỗn loạn cuối tháng tư. Những người cầm đầu đã nhanh chân tẩu thoát. Giờ này không ai chỉ bày cho họ phương hướng nữa. Họ chờ đợi một cách bi hùng những gì sắp xảy đến cho đời mình.

Khi chiếc xe tăng T-54 của Nga sô chế tạo cán sập chiếc cổng sắt của dinh Độc Lập và đám quần thần Dương Văn Minh ríu rít buớc ra đứng sắp hàng như những tù nhân chờ giải giao thì coi như “Lịch sử đã sang trang!”

Một trang tương đối huy hoàng của chế độ Cộng hoà đã bị xếp lại.
Một trang u tối ảm đạm của chế độ Cộng Sản đang được mở ra.

Đó là cảm nhận đau xót của tôi, một người lính có nhiều kinh nghiệm thực tế về cuộc chiến và những kiến thức về lý thuyết, sách lược Cộng Sản được trang bị trong bốn năm ở Đại học vừa dân chính, vừa quân sự.

Tuy nhiên, nhiều người miền Nam – trong đó, than ôi!, có cả chúng tôi – rán nuôi một ảo tưởng rằng sau chiến tranh, những người Cộng Sản của cuối thế kỷ Hai mươi khi có chính quyền sẽ xử sự công chính và độ lượng hơn những tên Cộng Sản man dã của thập niên 1950. Cuộc tắm máu mà báo chí phương Tây dự đoán chắc sẽ không xảy ra. Mà dù có xảy ra, thì âu cũng là số phận vậy.



CUỐI TẦNG ĐỊA NGỤC


Chương 1
Trại Tù Long Khánh


Phần 1: Lệnh Tập Trung: mười lăm Ngày Học Tập

Vài ngày sau, trong lúc thành phố Sài Gòn vẫn còn hoang mang và hỗn loạn, tôi thu xếp đưa vợ và bốn cháu về lại Vũng Tàu. Cầu Cỏ May bị đánh sập trước đó khoảng một tuần, hành khách phải xuống xe dùng đò qua sông. Hai vợ chồng tôi và bốn cháu bé – có một cháu sơ sanh - vất vả vô cùng, loay hoay với mớ tài sản thu gọn trong hai chiếc vali lớn. Đến nhà, gặp lại Mẹ tôi mừng rỡ vì thấy con cháu đều bình yên. Những đêm 28, 29 tháng Tư, Việt Cộng pháo kích bằng hoả tiễn vào khu nhà thờ Tân Sa Châu, là nơi tiểu gia đình chúng tôi đang thuê nhà trú ngụ trong thời gian tôi làm việc cho hãng thầu LSI chuyên bảo trì phi cơ C-130 của Không Đoàn 53 Chiến Thuật. Đã quá quen với bom đạn, tôi bảo vợ con cứ ngủ yên trên giường. Bom rớt trúng chỗ thì núp đâu cũng chết; còn rớt xa thì còn mảnh văng theo vòng cầu đã có vách tường cản bớt sức công phá.

Tuy ở Vũng Tàu đã lâu, nhưng tôi ít bạn. Thời còn ở bộ binh thì mỗi năm về phép có một lần, ru rú ở nhà. Thời gian phục vụ trong quân chủng Không quân thì cả gia đình di chuyển theo ra Phan Rang. Vì thế, tôi chẳng có ai để hỏi han tình thế và bàn chuyện. Ông Sáu Khương, một người thợ hớt tóc gần nhà đến thăm, khuyên lơn an ủi. Hoá ra ông là cán bộ cơ sở của Việt Cộng tại địa phương. Ông biết quá nhiều về tôi, từ cá tính đến quan điểm lập trường. Bây giờ, trong chế độ mới, ông là khóm trưởng khóm Rẫy, phường Thắng Tam rồi. Sẽ phải vất vả vì ông này thôi.

Loanh quanh ở nhà được gần một tháng thì bắt đầu nghe có thông cáo gọi anh em hạ sĩ quan binh sĩ đi học tập ba ngày tại địa phương. Lớp này vừa về thì có lệnh cho sĩ quan cấp tá đi “học tập” một tháng. Kế đó là sĩ quan cấp úy trong mười lăm ngày. Xét ra cũng hợp lý thôi. Cấp nhỏ “học” ít ngày; cấp trung “học” nhiều hơn một chút; cấp cao thì “học” dài ngày. Thế là giải toả hết âu lo về việc “tắm máu”; ai nấy thở phào như cất bớt một gánh lo âu. Bây giờ chỉ còn câu hỏi của bản thân tôi. Thế thì những người đã giải ngũ “học” bao lâu? Sao không thấy nhắc đến trong thông cáo?

Ông Sáu Khương nhanh nhẩu góp ý:

- Đã tham gia quân đội “ngụy” thì bề gì cũng phải “học” thôi. Đi sớm thì về sớm.Đi trễ thì về trễ.

Thế là tôi thu xếp một túi hành trang gọn, bọc theo một ít tiền vừa đủ chi dùng trong mười lăm ngày; tạm biệt mẹ, hôn vợ và các con rồi quày quả ra đi.

- Mười lăm ngày cũng nhanh. Em rán tiêu xài dè xẻn chút tiền còn lại, chờ anh về.

Tuy đã quen nếp sống xa nhau từ những năm tôi đi chiến đấu xa nhà, vợ tôi cũng cảm thấy ái ngại. Có một điều trùng hợp ngẫu nhiên. Trước đó mấy hôm, rảnh rang không làm gì, tôi lôi cuốn “Giờ Thứ Hai Mươi Lăm” của C. V. Georghiu ra đọc. Câu chuyện anh chàng Ian Moritz ở xứ Romania cũng từ giã người vợ đang mang bầu để theo lệnh tập trung đi làm lao động trong muời lăm ngày ở phòng tuyến biên giới Romania và Hungaria. Rồi biền biệt muời lăm năm, anh phải trải qua hàng chục trại tù khổ sai của nhiều nước khác nhau trước khi được quân đội Mỹ cứu thoát ở Đức khi Thế Chiến thứ hai kết thúc. Tôi vô tâm không hề suy nghĩ và so sánh đến hoàn cảnh của mình. Vì nếu thật biết vậy, ai trong trường hợp này cũng thà trốn đi chứ có ngu gì đút đầu vào cái bẫy gian dối kia!

Ngày Thứ Nhất của Mười Lăm Ngày “Học Tập Cải Tạo”

Chúng tôi được những chiếc xe đò dân sự đưa về hướng Bắc trên con đường tỉnh lộ, qua các địa danh Bình Ba, Bình Giã nổi tiếng một thời. Xe dừng ở “Trại Lê Lợi” trên một ngọn đồi nhỏ, nơi trước đây là căn cứ Tiếp Vận của Tiểu Khu Long Khánh. Tên trại vẫn còn là tên cũ của Quân Lực VNCH mà Việt Cộng chưa kịp thay đổi. Mấy trăm con người được đưa vào trong bốn dãy nhà tôn tiền chế trước đây làm nhà kho; nhưng nay đã trống trải ngoại trừ bốn dãy sạp gỗ mới làm xong để làm chỗ ngủ cho “cải tạo viên”. Nơi đây có một đơn vị quân chính quy Bắc Việt trú đóng. Bao bì, thùng bọng của quân Cộng hoà vương vãi đó đây, nhưng hàng hoá, quân dụng chắc đã bị cộng quân thanh toán gọn gàng hết rồi. Một sĩ quan Cộng Sản đọc tên từng mười người, phiên chế thành một A (tiểu đội); bốn A thành một B (trung đội); bốn B thành một C (đại đội) và huớng dẫn mỗi C vào một căn nhà. Nhiều người tìm những bạn bè quen biết để chiếm các chỗ ngủ kế nhau. Riêng tôi, không quen ai, nên chẳng bận tâm mấy. Nằm đâu cũng thế; chỉ mười lăm ngày thì cũng nhanh thôi. Trong đoàn chúng tôi có một nữ Trung Úy, - chị Lê Thị Huệ - phục vụ ở Đặc Khu Vũng Tàu. Chị Huệ là vợ của anh Hồ Văn Khởi[1], năm 1971 là trưởng ban Hai kiêm Trung đội trưởng Quân Báo của Tiểu đoàn 4/8 nơi tôi đang chỉ huy Đại đội 15. Sau trận Snuol, anh được chuyển về trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu. Tôi không quen với chị Huệ, nên cũng không tiện tiếp xúc. Chị thu vén một góc cuối căn nhà để làm chỗ ngủ vì biết chắc sẽ không có chỗ nào khác đặc biệt cho phụ nữ tại một nơi mà chỉ toàn nam giới. Trên chiến trường Miền Đông Nam Phần, tôi đã nhiều lần phát giác các căn cứ du kích gồm một tổ hợp những hầm chìm dưới đất. Trong các hầm đều có lương thực dự trữ và đặc biệt có đủ quần áo, đồ lót phụ nữ. Tra vấn tù binh mới biết rằng họ sống chung đụng gái trai như thế (hai nam một nữ trong một hầm), Có lẽ quen việc chung đụng như thế, nên họ không nhìn thấy và thông cảm cho một tình huống rất khó khăn cho những nữ binh miền Nam, và cho ngay cả mấy trăm bạn nam đồng cảnh.

Buổi chiều đầu tiên, mấy anh lính Bắc Việt nhìn chúng tôi có vẻ dò xét; và một phần nào e sợ. Thì ra các chính trị viên Cộng Sản đã nhồi nhét vào đầu óc họ hình ảnh người lính miền Nam chuyên giết người để ăn gan uống mật, “cực kỳ” hung ác. Có anh, khi bất ngờ chạm mặt chúng tôi, đã tỏ ra hốt hoảng. Sau này mới biết là họ tưởng quân nhân miền Nam ai cũng giỏi võ nên họ sợ bị tấn công.

Một anh, có lẽ là hậu cần, cầm một cuốn sổ đến gặp chúng tôi. Anh lính này trông có vẻ cục mịch, nhưng hiền lành. Anh hỏi anh em chúng tôi cần mua thức ăn, thức uống hay món linh tinh gì không, thì anh sẽ đạp xe xuống phố mua ngay. Thế là anh em chúng tôi lấn tới, hỏi anh có thể ra bưu điện gửi giùm thư của chúng tôi về gia đình không. Anh bối rối trả lời: “Chúng tôi chưa có lệnh gì về việc liên lạc với gia đình các anh.” Chừng hơn một giờ sau, anh lọc cọc đạp xe trở về. Sau yên xe là một bao tải to lớn mà anh cột chằng chịt những loại dây khác nhau, kể cả cọng dây tước từ cây chuối tươi. Trên áo anh mồ hôi nhễ nhải; anh thở dốc từng cơn ra vẻ rất nhọc nhằn vì phải đạp xe lên đồi. Chúng tôi thấy ái ngại và phần nào cũng tự an ủi rằng: “họ cũng đối xử tốt với chúng ta.”

Trong lúc chờ anh bộ đội đi mua hàng về, chúng tôi được lệnh cử mỗi tiểu đội một hai người để đi lấy nước. Họ chỉ cho chúng những thùng đạn đại liên 30 và ống đạn 105 ly chất đống trong sân để làm vật liệu chuyển nước. Chúng tôi đi theo hai anh bộ đội võ trang đi ra khỏi trại, vào một khu vườn lớn của dân cách đó chừng một cây số, nơi có một giếng nước. Đi, về như thế nhiều chuyến, chúng tôi đã đổ đầy các thùng phuy ở mỗi góc nhà và tại nhà bếp của trại.

Người ta đã đào sẵn hai dãy nhà cầu bên ngoài giữa hai lớp hàng rào kẽm gai. Không có cách ngăn giữa các hố xí, chỉ có một tấm bình phong sơ sài che phía trước làm bằng tre và lá chuối. Hai dãy hố, phiá trên có các thanh sắt - loại cọc sắt ấp Chiến lược – làm chỗ ngồi. Lần đầu tiên trong đời chúng tôi phải làm công tác vệ sinh trong loại nhà cầu như thế này và cũng không cần che đậy nhau thứ gì! Trước còn ngượng ngập, rồi cũng quen dần đi.

Đêm đầu tiên trong “trường cải tạo”, ít ai ngủ được dù rất mệt mỏi. Tâm tư còn bao vương vấn về gia đình. Chúng tôi chưa thấy quá lo lắng cho tương lai mình, nhưng ưu tư về cách nào mà các bà vợ chân yếu tay mềm có thể bươn chải sống qua những ngày đổi đời sắp tới. Trong cái yên ắng của một đêm không trăng nơi xứ lạ, tôi nghe nhiều tiếng thở dài và âm thanh của những người đang trăn trở trên cái sàn gỗ còn mới với những vệt bào nham nhở.

Đâu ngờ rằng đó là cái “thiên thu” đầu tiên của hàng ngàn cái “thiên thu” dằng dặc của những người càng ngày càng đi sâu vào những tầng địa ngục trần gian!

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Hai vợ chồng anh Khởi hiện ở San Jose

CUỐI TẦNG ĐỊA NGỤC


Chương 1
Trại Tù Long Khánh

Phần 2: Ba Bebop, Một Slow

Tờ mờ sáng hôm sau, giấc ngủ ngon lành bị đánh thức bởi một hồi kẻng. Chúng tôi được lệnh ra sân để tập thể dục. Nhớ lại thời ở quân trường Đà Lạt, trời lạnh, những anh lười tập có thể trốn bằng cách ôm mền gối leo lên trần nhà nằm nướng thêm vài mươi phút. Ở đây thì không trốn được. Ngày thứ hai của mười lăm ngày “học tập” đó, chúng tôi được gọi lên nộp tiền ăn mười lăm ngày và đã có toán được phân công nấu bếp. Các toán khác thì làm tạp dịch thu dẹp trong trại. Tôi bắt đầu làm quen với các anh trong tiểu đội mà từ nay chúng tôi sẽ gọi là A. Anh A trưởng là Nguyễn Tấn Thành (trường Truyền Tin), kế đó theo thứ tự chỗ nằm là Nguyễn Văn Sơn (Truyền Tin), tôi, Nguyễn Văn Tấn (Địa Phương Quân), Lê Văn Toàn (Hải Quân), Đào Hoàng Đức (Bác sĩ Quân Y), Nguyễn Văn Bộ (Địa Phương Quân/Vũng Tàu), Lưu Văn Ngôi (Truyền Tin), Đỗ Văn Tấn (Địa Phương Quân), Nguyễn Duy Quế (Truyền Tin). Trong tất cả trăm người, Nguyễn Văn Sơn nổi bật nhất vì anh thường mặc bà ba đen còn mới, quàng khăn rằn, và mang đôi dép râu cứ như là du kích thứ thiệt. Nguyễn Văn Bộ thì cao mập, vui tính và thích khôi hài. Anh là người đặt tên cho Hồ Chí Minh là “quả Pắc Bó”. Đào Hoàng Đức thì có vẻ vô tư. Lưu Văn Ngôi, bệnh loét bao tử, nên lúc nào khuôn mặt cũng nhăn nhó. Lúc này chúng tôi chưa thấy e ngại nhau, nên ăn nói có phần phóng túng, không kềm chế mấy.

Anh cán bộ đội trưởng đội tôi tên Lê Thế Sự, dường như cấp chuẩn úy quân đội Bắc Việt, người Bắc, nhỏ con, có vóc dáng ẻo lả như một cô gái mới lớn. Anh ăn nói nhỏ nhẹ khác hẳn với anh đội trưởng đội 9 là một người miền Nam, cục mịch, thô lỗ như một tên lơ xe đò. Anh Việt Cộng người Nam này nhặt đâu được hai chiếc giày da của quân đội ta. Nhưng cả hai chiếc đều cùng một chân trái, nên hai mũi giày cùng quẹo về một hướng. Lại thêm việc anh ta không biết cột dây. Vì thế, các đầu dây dài thòng ra quẹt xuống mặt đất vung vẩy mỗi lần anh ta bước trông thật buồn cười. Trưởng trại là Thượng Úy Lê Tranh thì có vẻ nhanh nhẹn, pha chút đểu cáng, thâm hiểm. Chúng tôi có dịp vào tận phòng ở của những đội trưởng, thấy cũng sơ sài chiếc giường tre, bộ bàn ghế ăn cơm kiểu thông dụng như thường thấy ở thôn quê. Trên bàn lúc nào cũng có cái ấm trà, dăm ba cái ly đã cáu bẩn, và không thể thiếu ống điếu thuốc lào bằng tre. Họ là những người trong một đơn vị mà gốc là của Mặt trận Giải phóng Miền Nam, nhưng đã hao hụt nặng về quân số từ sau các trận Mậu Thân, Hè 72, nên được bổ sung thêm quân chính quy miền Bắc. Nhưng quyền chính ủy thì do hoàn toàn cán bộ đảng Cộng Sản miền Bắc. Ở trại này, các anh vệ binh ăn mặc rất lộn xộn. Ngoài những người Bắc mặc quân phục và đội nón cối màu xanh lá mạ, một số khác người Nam mặc quân phục và nón cối màu vàng đất rất đậm. Họ đều rất trẻ - tưởng như còn tuổi vị thành niên – nhưng rất hung hăng. Họ quát tháo và sẵn sàng lên đạn rôm rốp và chĩa nòng AK-47 vào chúng tôi đe dọa.

Bữa cơm đầu tiên, cứ mỗi A mười người một mâm. Cơm đựng trong một cái thúng, một thau nhôm đựng canh cà chua đậu hũ nấu với thịt chà bông và một thau khác có rau muống luộc. Tôi mới xong chén thứ hai, vừa lưng bụng, thì nhìn thúng cơm đã cạn, các thau đồ ăn cũng sạch sẽ. Vài anh khác cũng chưng hửng như thế. Chẳng là chúng tôi mang theo những cái chén nhỏ, mà lại ăn chậm. Nhìn qua anh X. thấy anh cầm một cái bát to như bát đựng canh, cơm và thức ăn đầy gần miệng bát. Trong khi những anh em khác buông đũa dọn dẹp với cái bụng chưa no, thì anh X. mang bát cơm về chỗ mình, tiếp tục ăn một cách nhẩn nha. Sau này mới nghe anh tiết lộ công thức “ba Bebop, một Slow” mà anh đã có kinh nghiệm qua những bữa ăn tập thể đâu đó. Quý vị đi nhảy đầm chắc phân biệt nhịp nhanh của điệu Bebop và nhịp khoan thai của điệu slow. Ba Bebop, nghĩa là xới lưng lưng bát, ăn thật nhanh cho đến khi cơm trong thúng gần cạn, thì xới hết cho đầy bát rồi ăn chậm lại. Thế là chẳng bao giờ chịu đói cả. Từ sau đó, chúng tôi cũng rán ăn nhanh lên, và thú thực, bắt đầu cảm thấy xấu hổ ngầm với kiểu ăn như thế. Sức ăn của dân nhà binh, mỗi bữa cơm phải bốn năm chén đầy thì làm sao chịu đựng nổi với lưng hai chén. Tuy nhiên vì lòng tự trọng, không anh nào có can đảm mở miệng than phiền với nhau. Đó là trong thời gian đầu, cơm và thức ăn tương đối chưa đến nỗi thiếu thốn thê thảm như những năm về sau khi dưới sự quản lý của Công An.

Những ngày đầu tiên, chưa thấy ai nhắc chuyện “học hành”. Chỉ thấy các công tác tạp dịch và khai báo lý lịch. Nhờ có nét chữ đẹp, tôi được giao cho giấy bút để ghi lý lịch. Bản lý lịch đầu tiên, gọi là lý lịch trích ngang, cũng đơn giản chỉ khoảng năm bảy cột, gồm tên họ, cấp bậc, chúc vụ, đơn vị cuối cùng, ngày tháng, nơi sinh, tôn giáo. Gần như hầu hết trong đội đều là những quân nhân làm việc văn phòng, quân trường và tiểu khu quanh quẩn vùng Bà Rịa Vũng Tàu. Sợ mình bị nổi lên trong đám những anh em văn phòng đó, tôi bèn khai thuộc Đơn Vị Quản Trị Không Quân là nơi quản lý quân số của tôi trong thời gian nằm điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hoà và làm thủ tục để giải ngũ cuối năm 1973.

Nóng ruột vì hết ngày qua đêm lại đã được một tuần lễ, vài anh em bắt đầu la cà kiếm cách hỏi han các anh bộ đội cấp sĩ quan để hy vọng moi ra được chút tin tức gì không. Sau cùng, một sĩ quan Cộng Sản thông báo

- Các anh sẽ được viết thư về cho gia đình mỗi tháng một lần.

Tin như sét đánh ngang tai! Cả trăm người nhìn nhau thất vọng. Một anh can đảm đứng lên hỏi:

- Chúng tôi nghe thông cáo của Ủy ban Quân quản là đi học trong mười lăm ngày mà?

Anh sĩ quan Cộng Sản ôn tồn giải thích:

- Thông cáo nói mang theo tiền ăn cho mười lăm ngày, chứ không phải thời gian học tập là mười lăm ngày. Chính sách nhân đạo khoan hồng của đảng và nhà nước trước sau như một. Các anh phải an tâm, tin tưởng và ra sức học tập để sớm trở về với gia đình. Thời gian dài ngắn là do ở kết quả học tập của các anh.

Nghe có tiếng xì xào trong đám đông, đâu đó vọng lên hai chữ “tù, giam”. Anh sĩ quan vội nói:

- Không, không, các anh không phải là tù. Tù là có nhà giam, có chuồng cọp… Các anh là trại viên, đến đây để cải tạo qua lao động, học tập và chấp hành nội quy để xoá bỏ những quá khứ sai trái. Chúng tôi là những người quản lý, giáo dục các anh trở thành công dân tốt của chế độ mới.

Trong nỗi hoang mang về thời gian cải tạo đó, tôi không dằn được sự uất hận, đã rỉ tai bạn bè, nhắc đến câu nói bất hủ của cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu :”Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm!”

Lại một đêm thật dài, trầm tư về cuộc sống. Giờ này vợ và các con tôi đang làm gì? Số tiền nhỏ nhoi mà tôi để lại may ra chỉ dùng đi chợ một hai ngày. Mẹ tôi, sau khi sang lại cửa hàng cộng tiền dành dụm suốt đời đã đem gửi hết vào công khố phiếu. Tờ biên nhận hàng triệu đồng VNCH nay trở thành tấm giấy loại vô giá trị. Căn nhà rộng rãi khang trang mặt tiền đường Nguyễn Tri Phương, có để hai bàn bi da may ra kiếm sống tạm qua ngày. Nhưng rõ ràng chúng tôi chỉ biết suy đoán, mỗi người một cách. Không ai biết hơn ai về những gì sẽ xảy ra bên ngoài cũng như ngay cho chính mình bên trong ba lớp hàng rào kẽm gai này.

Ghẻ từ miền Bắc vô Nam…

Chữ ghẻ, mà miền Nam đã hoàn toàn quên từ lâu ngoài tĩnh từ để ghép thành các chữ “chó ghẻ, chiên ghẻ” ám chỉ loại người phản phúc, nay trở nên phổ biến trong trại.

Giữa mùa hè nắng gắt. Các giếng ngoài xóm cạn dần. Nước trở nên khan hiếm đến nỗi gạo chỉ vo một lần rồi cho vào chảo nấu. Mỗi người được chia một lon guigoz nước cho một ngày, vừa uống, vừa làm vệ sinh cá nhân. Những người mới ngày nào vào trại, còn tươm tất, gọn gàng, phần nào tươi tắn. Chỉ sau mấy tuần đã trở nên những người mới: xộc xệch, nhăn nhó, cáu bẩn. Và dĩ nhiên, tâm tính cũng dần dần đổi thay.

Trong hoàn cảnh thay đổi đột ngột môi trường sống, điều kiện vệ sinh tệ hại vì thiếu nước dùng để tắm rửa, một vài anh đã phát hiện các nốt ghẻ trên người. Bắt đầu từ hai cánh tay, bàn tay rồi lan dần ra lưng, bụng. Đã thấy nhiều anh bị ghẻ toàn thân, khổ sở vô cùng vì lúc nào cũng thọc hai bàn tay vào áo, vào quần để gãi. Trước còn e dè, che dấu. Sau thì chẳng thể nín, nên đứng đâu cũng thấy gãi sồn sột. Mà càng gãi thì càng lan thêm ra, lở loét trông rất ghê rợn. Trại không có trạm y tế, thuốc men gì cả. Chúng tôi cũng chẳng ai mang theo thuốc men gì theo ngoại trừ vài ba chai dầu Nhị Thiên Đường hay cù là Mac Psu. Anh bộ đội được nhờ kiếm mua thuốc ghẻ cũng lắc đầu không biết mua ở đâu vì tình hình chợ búa đang hỗn loạn. Anh chỉ kiếm được vài cây xà phòng loại dùng để giặt giũ ở thôn quê trước đây. Những anh bị ghẻ phải pha nước muối xoa rửa hàng ngày. Trong A của tôi, đã có ba anh bị ghẻ hành hạ. Tôi bị kẹt nằm bên cạnh anh S.. Thỉnh thoảng anh lên cơn ngứa, không nén được, đã cọ nguyên cánh tay vào chiếc mền của tôi để gãi gây cho tôi một cảm giác kinh hãi mà không nỡ trách bạn. S. thường ngồi cởi trần, phơi lưng ra nắng. Tấm lưng mấy hôm trước trắng trẻo mịn màng, nay thấy ứa ra những mủ vàng từ các đốm nâu vừa tróc vảy.
Ngoài bệnh ghẻ, lác đác một số anh đã bị bệnh đường ruột như tiêu chảy, kiết lị mà phương cách điều trị duy nhất là ăn cháo trắng và xức dầu cù là. Hôm trước đây, trại cho tập trung chích ngừa. Chẳng ai biết chích ngừa bệnh gì. Chỉ thấy một anh y tá bộ đội với một cây kim tiêm độc nhất và một ly nước lã và cục bông gòn to bằng trái táo tàu. Anh chấm cục gòn vào ly nước, quẹt lên cánh tay chúng tôi để “khử trùng” trước và sau khi tiêm. Cục gòn dùng cho hơn hai trăm người ngả sang màu xám đen mà chẳng thấy thay cục khác hay thay nước trong ly, Chúng tôi không rõ thứ thuốc gì trong cái lọ con con mà anh rút ra để chích. Chích được vài chục anh, thì mũi kim đã hết bén nhọn, nên đâm vào da đau đớn vô cùng. Thôi thì cứ phó mặc số mệnh, vì không ai trốn tránh việc chích ngừa được. Tuy nhiên, khi nhận được hai viên thuốc nhỏ màu vàng vàng, thì nhiều anh đã làm bộ nuốt rồi dấu vào góc miệng để nhổ ra sau khi đã ra khỏi phòng y tá. “Biết đâu họ đầu độc mình đây?”

Ngày thứ mười lăm đã đến! Trên khuôn mặt mọi người, vẻ thất vọng chán chường hiển lộ ra. Từng nhóm nhỏ bàn tán nhau, hỏi dò nhau dù rằng chẳng ai biết điều gì hơn ai. Bây giờ thì chúng tôi tự đặt một cái mốc mới là vài ba tháng. Dù thế, chẳng ai muốn nghe đến chữ “vài ba”.

Chỉ trong tháng đầu tiên, chúng tôi đã chứng kiến một thảm cảnh gia đình mà nguyên nhân chính là ranh giới ý thức hệ. Anh Thạc (Lê Văn Thạc?) ở đội bảy, một hôm được ban Chỉ huy trại gọi lên văn phòng để gặp người cha là một đại tá Cộng Sản. Ông này người Trung, tập kết ra Bắc sau Hiệp định Geneve; để lại vợ con ở miền Nam. Nay người cha trở về theo đoàn quân chiến thắng thì đứa con trai đầu lòng đang bị tập trung vì là sĩ quan miền Nam. Qua bao nhiêu năm chiến tranh, không biết có bao lần cha con đối đầu trên chiến địa, nhắm mũi súng vào nhau để rình giết nhau? Tuy nhiên, Thạc đã khẳng khái từ chối ân huệ của cha khi ông này khuyên con rán “học tập” để ông có thể xin cho về sớm hơn mọi người. Thạc đã yêu cầu ông không tìm cách đến thăm lần nữa; vì “tôi sẽ không ra gặp nữa đâu.”

Cũng ở trại này, đã nổi bật lên những người mà trong suốt quá trình mười năm tiếp, vẫn luôn luôn là tấm gương sáng ngời của lòng bất khuất và nghị lực kiên cường trước bao thử thách, đe dọa của kẻ thù. Trong tập hồi ký này, quý vị sẽ nhiều lần gặp gỡ Phạm Đức Nhì là người mà tôi biết nhiều nhất từ các trại Long Khánh cho đến Suối Máu, Hàm Tân và Xuân Phước.

Phạm Đức Nhì có lẽ là người khánh thành conex biệt giam tại trại tù Long Khánh vì anh là người đã sớm biểu lộ sự chống đối ra mặt trong lúc hàng trăm anh em khác còn giữ thái độ dè dặt nghe ngóng. Mỗi chiều sau lúc ăn tối, chúng tôi thường nghe tiếng la hét của anh vọng ra từ conex lấn át tiếng bịch bịch của những trận đòn thù của những tên vệ binh đang xúm vào đánh hôi.

Không nói ra, nhưng tất cả anh em chúng tôi đã nhận thức được hoàn cảnh của mình trong cái mà chính quyền mới gọi bằng mỹ danh Trại Cải Tạo.

CUỐI TẦNG ĐỊA NGỤC


Chương 1
Trại Tù Long Khánh

Phần 3: Ai Cũng Đáng Tội Chết

Sau khoảng hai tháng, từ Trại Lê Lợi, vốn là khu Tiếp vận của Tiểu khu Long Khánh, chúng tôi được di chuyển qua một khu gia binh cũ của Trung đoàn 48, Sư đoàn 18 BB. Nơi đây có danh số là Trại 2, Liên trại 2, đoàn 775.

Trại mới này chỉ có một hai hàng rào đơn sơ bên ngoài. Có nhiều dãy nhà xây táp lô chia từng căn cho các gia đình binh sĩ trước đây. Chúng tôi được phiên chế thành bốn Đội (C), Mỗi đội có bốn B, mỗi B có bốn A. Mỗi A mười người ở một căn. Căn nhà có một phòng phiá trước bề ngang chừng ba mét, sâu khoảng mười mét. Tiếp đến là khoảng trống làm nơi gia đình giặt rửa, sau đó là cầu tiêu và bếp. Họ lót một sạp gỗ bào thô sơ suốt chiều dài căn phòng chính làm chỗ nằm cho chúng tôi. Lấy lý do dân miền Nam ăn ở dơ dáy “Các anh ỉa cả trong nhà”, trại trưởng ra lệnh đập phá hết các cầu tiêu, rồi ra bên ngoài vòng rào thứ nhất của trại để đào các hố cầu có gác hai thanh sắt dùng để ngồi. Thế là chúng tôi học được bài học thứ nhất: chế độ Cộng Sảnđưa miền Nam từ văn minh cơ giới (nhà cầu con thỏ giật nước) xuống hàng văn minh trung cổ (nhà cầu hố lộ thiên)

Chúng tôi phải tự đào giếng mà dùng. May thay, chỉ đào khoảng năm mét là có nước. Thật không ngờ anh em sĩ quan - trước khi đi lính chỉ là sinh viên, học sinh – mà lại tháo vát vô cùng. Với hai bàn tay không, chúng tôi đã tự chế ra các công cụ như dao chặt thép, cưa bào, đục, gàu múc nước, ròng rọc để kéo nước giếng… Chúng tôi cắt được cả những tấm vỉ hợp kim nhôm pha magnesium dày bốn, năm cm mà ngày xưa dùng lót các phi đạo nó cứng đến độ nào. Mà đường cắt lại thẳng băng như cắt bằng máy. Chúng tôi làm gàu múc, thùng chứa nước bằng bất cứ thứ vật liệu gì có thể kiếm được. Chúng tôi lượm các đai niềng các kiện hàng. Khi bằm một mặt dẹp thì dùng làm dũa, khi băm phần cạnh thì dùng làm cưa. Mấy tay cán bộ miền Bắc thấy thế, hỏi:

- Các anh trước đây là kỹ sư à?

Tại trại tù này, chúng tôi được trấn an rằng:

- Các anh không phải là tù. Các anh là “học viên” được tập trung ngắn hạn để “học” chính sách đường lối của “cách mạng”.

Hoặc:

- Các anh phải tỏ ra “hồ hởi, phấn khởi”, Cách mạng đã đưa các anh vào đây cho ăn học. Cớ gì mà phải lo âu, buồn bã. Học tiến bộ rồi thì về với gia đình, xã hội tạo cuộc sống mới ấm no hạnh phúc.

Khi có người cắc cớ hỏi rằng:

- Trường học sao kẽm gai giăng đầy?

Một tên cán trả lời:

- Các anh vẫn có tự do chứ. Tự do đi lên xuống từ nhà đến nhà bếp, quanh quẩn trong khu của mình. Các anh được tự do nói lên những điều sai trái của Mỹ Ngụy, hay nói những điều hay đẹp của bác Hồ, của “cách mạng”. Đừng tự cho mình là tù nhé!

Tuy thế, chúng tôi đã sớm chứng kiến những hành vi dã man của tên Trưởng trại hung ác như Thượng úy Lê Tranh, và một tên Đội trưởng đội 6 – đã rút súng bắn chết tươi anh Diệp Lang (Lâm?) Sơn trên đường đi lấy củi từ chân núi Chứa Chan về; chỉ vì anh bạn xấu số chưa kịp đứng lên theo lệnh y. Chỉ mới trong thời gian 6 tháng đầu, đã có vài anh trốn trại. Khi bị bắt lại, các anh đã bị đánh đập dã man. Bọn cai tù treo ngược các anh trong conex trong nhiều tuần lễ. Đêm nào cũng có vài tên vào đánh đập các anh. Phiá sau dãy nhà đội 8, có một căn phòng u ám. Chúng tôi thường nghe tiếng rên rỉ mỗi ngày một yếu dần của một người nào đó. Một hôm, chúng tôi đánh bạo mon men lại gần và đã thấy một người bị xiềng cả hai tay hai chân vào vách tường. Anh ta lê lết như một con thú trên đống nhầy nhụa vừa phân, vừa nước tiểu trộn với cơm nước vương vãi. Sau này, mới biết đó là một quân nhân VNCH bị bắt tại mặt trận Long Khánh và bị đối xử như một con dã thú.

Vì là thời gian đầu, với thông cáo lừa bịp kêu gọi tập trung cải tạo trong mười lăm ngày, anh em sĩ quan vẫn còn tin tưởng chắc cũng vài tuần, vài tháng; nên rán chờ đợi. Bên cạnh đó, bọn quản lý trại giam không ngừng đưa ra những lời đồn đại nhằm gây cho anh em tù càng tin rằng ngày về chẳng còn xa. Một thí dụ, là khi anh em trồng những loại rau quả; các cán bộ đội trưởng chép miệng:

- Chớ trồng làm gì, mất công. Các anh không kịp ăn đâu.

Trong thời gian học tập mười bài đầu tiên, mỗi bài được ấn định thời lượng là một tuần. Lên lớp một ngày, còn lại ba ngày để thảo luận trong tổ, một ngày để viết “thu hoạch”, và một ngày để đọc bản “thu hoạch” để anh em trong tổ phê bình, bổ túc. Thời lượng này được áp dụng đúng cho đến bài thứ tư thì cán bộ triệu tập các đội trưởng tù ra lệnh vận động anh em tù góp tiền mua bóng đèn để học đêm vì:

- Thời gian GẤP RÚT nắm, các anh phải “chanh thủ” học mỗi bài ba ngày thôi. Vì thế phải học và thảo nuận ngày đêm cho kịp

Đến bài thứ sáu, thì:

- Mỗi bài chỉ một ngày thôi. Sáng nên nớp, chiều và tối thảo nuận. “Khẩn chương” nên lào.

Đối với hầu hết anh em, thì đó là dấu hiệu sắp “mãn khoá”. Vì thế ai nấy vui hẳn lên, bàn tán, chuẩn bị tư trang cho ngày về đã kề cận!

Chúng tôi không rõ là bọn vệ binh cấp thấp có biết đến chính sách lừa bịp hay không; nhưng đã có anh vệ binh còn rỉ tai thân mật:

- Mai mốt đây rồi các anh về sẽ gia nhập vào bộ đội nhé!

Chương trình học mười bài xong. Hoàn tất trong khoảng một tháng thay vì hơn ba tháng như dự trù. Sắp về rồi, anh em lại tỏ ra rất hân hoan hơn bao giờ hết. Các nhà, đâu đâu cũng là những lời chào hỏi, trao đổi địa chỉ, nhắn tin. Cứ như là ngày mai sẽ xách khăn gói ra khỏi trại.

Thế nhưng!

Một buổi sáng đầu tuần, chúng tôi thấy rất nhiều bộ đội lạ mặt, áo quần mới toanh. Mỗi anh vào một căn nhà dành cho một A (tiểu đội gồm mười người). Anh ta tự giới thiệu là cán bộ cấp trên về để tham dự phần thảo luận “tổng kiểm điểm, tổng thu hoạch” sau khoá học.

Mười anh trong tiểu đội ngồi xếp bằng trên sạp gỗ, mỗi người có một bản tổng thu hoạch vừa hoàn tất đêm trước. Lần lượt từng người đọc bản thu hoạch của mình trong đó có phần nhận thức cũ và mới (trước và sau khi đợt học tập) về “Mỹ Ngụy”, về “Cách Mạng” và cuối cùng là tự xác định tội lỗi của bản thân đối với đất nước và dân tộc.

Dĩ nhiên có vài anh rán viết thật hay để khoe tài văn chương. Nhưng tựu trung, nội dung vẫn là các luận điểm mà bọn Việt Cộng đã lên lớp; cứ như các bản in chép từ một cái máy photocopy. Anh Đào Hoàng Đức – Bác Sĩ Quân Y tại Quân Y Viện Vũng Tàu - độc đáo với bản spreadsheet một trang với ba cột: vấn đề, nhận thức cũ, nhận thức mới. Câu trả lời gọn lỏn, không văn chương hoa bướm, không thành câu thành cú. Ai phê bình gì thì anh vẫn cứ bào chữa rằng anh làm đúng yêu cầu rồi, không cần sửa đổi.

Đến mục nhận tội mới thật căng thẳng. Đối với các anh tác chiến thì dễ dàng thôi. Tỷ như :”tôi đã hành quân giết chết mấy chục, mấy trăm chiến sĩ cách mạng…” Hay các anh Pháo binh thì: “đã bắn mấy trăm mấy ngàn trái pháo…” Tội nghiệp các anh Nha, Dược, Bác sĩ suốt đời chỉ cứu người làm sao khai ra tội ác. Thế là anh cán bộ trung ương bèn gợi ý:

- Các anh cứu chữa cho lính ngụy là làm tăng cường thêm quân số của địch để giết hại đồng bào.

- Cho tải thương quân sĩ thì bị tội là cứu chữa để phục hồi quân số “ngụy”; mà không cho tải thương thì lại bị tội bảo tồn quân số chiến đấu của “nguỵ”’

Đàng nào cũng là tội ác cả. Các anh nguyên là sĩ quan biệt phái qua nghành giáo chức thì có tội làm an ninh theo dõi, cùm kẹp các học sinh và thầy giáo khác. Các anh Quân tiếp vụ thì có tội bán nhu yếu phẩm để nâng cao đời sống binh sĩ, như thế là tăng cường tinh thần và sức chiến đấu của “ngụy”. Nói chung, làm gì cũng là tội ác. Nhiều anh cố sử dụng ngòi bút thần tình để viết một cách khéo léo, nói chung chung mà không tự quy tội cho mình hay tự ghép mình là có “nợ máu”, là đáng chết. Vì dụ như câu: “Tôi biết các tội phản bội tổ quốc và nhân dân là trọng tội.” Nhưng dứt khoát không cho rằng mình mang tội phản bội. Sau một đêm không kết quả, đến hơn 10 giờ khuya, tên cán bộ cho giải tán và hẹn hôm sau sẽ tiếp tục làm việc:

- Cho đến khi "lào" các anh thấy được tội nỗi mình.

Sáng sớm hôm sau, có lệnh tập họp toàn trại lên hội trường. Bọn VC huy động một lực lượng vệ binh lớn, súng ống đầy người. Chúng đứng thành từng hàng bao quanh anh em tù để tạo sự uy hiếp tinh thần. Mấy chục tên cán bộ trung ương kéo vào ngồi kín các băng ghế hai bên bục gỗ. Nhiều tên ngồi xổm lên ghế, bàn tay móc móc các móng chân sần sùi đầy cáu bẩn. Đôi mắt cú vọ không ngừng đảo qua đảo lại nhìn gườm guờm vào anh em tù nhân. Sau khi có vài lời tự giới thiệu, một tên - có lẽ là cán bộ chính trị hay an ninh cao cấp - đã đọc một bản tự kiểm điểm của một ông cựu Đại tá X. nào đó tự kết cho mình tội CHẾT để rồi lại xin “cách mạng” khoan hồng. Y nói:

- Các anh phải theo gương Đại tá X. này để viết cho thành khẩn. Cách mạng đánh “dá” các anh có thành khẩn khai báo, nhận tội thì mới khoan hồng cho. Còn cứ “noanh” quanh “rấu riếm” sẽ thêm tội “lặng” hơn. Ngày về của các anh hoàn toàn tùy thuộc vào bản kiểm điểm “lày”.

Lần này chúng cho anh em đến ba ngày tròn để viết lại bản tự kiểm cho “đạt yêu cầu”.

Anh em rời hội trường mà lòng nặng trĩu lo âu. Các cuộc thảo luận trong tổ căng thẳng đến độ có nhiều anh đổ mồ hôi, mặt tái mét vì lo âu không biết tội như thế có bị xử bắn không. Anh Nguyễn Văn Bộ, vốn dân di cư năm 1954 nói một cách quả quyết:

- Bắn thì chúng nó đã bắn ngay rồi. Tớ nhớ hồi Cải Cách Ruộng Đất, chúng nó lôi ra chặt đầu có cần phải học tập, tự khai tự kiểm gì đâu.

Tội nghiệp đa số anh em trong tổ là sĩ quan phục vụ tại trường Truyền Tin Vũng Tàu, nặn mãi chẳng ra tôi gì cả. Họ phải cắn răng bịa ra những thứ tội không hề làm để lên án mình gay gắt, rằng mình có nợ máu với nhân dân, rằng tội đáng chết… Viết ra rồi, đọc đi đọc lại, sửa tới sửa lui mà vẫn cứ áy náy trong lòng. Chỉ riêng anh Nguyễn Văn Sơn thì ỷ có bà mẹ vợ là cơ sở của thị ủy Vũng Tàu. Anh khoe rằng nhà anh là nơi chú Ba Thu – Bí thư Thị ủy Vũng Tàu - thường về trú ẩn. Ngày vào trại, anh thường mặc bộ bà ba đen có khăn rằn quàng quanh cổ ra dáng một du kích miền Nam. Tuy nhiên, với đôi kính cận trên khuôn mặt trắng trẻo, thân hính gầy gầy; trông anh ra vẻ một nhà giáo hơn là một người lính - dù là một người lính văn phòng. Trong bài tổng kiểm điểm, anh khai:

- Tôi đã nhiều lần được vợ móc nối, nhưng vì yếu đuối nên không dứt khoát theo cách mạng. Tuy nhiên tôi đã có nhiều lần giúp đỡ cách mạng bằng cách cung cấp pin hoặc che dấu không khai báo khi chú Bí thư về trú ẩn trong nhà.

Chúng tôi nhớ các bài “thu hoạch”, anh Sơn viết rất dài. Có bài dài cả chục trang giấy kiểu giấy viết đơn ngày trước, nắn nót từng dòng chữ. Bài nào anh cũng bắt đầu bằng một đoạn lung khởi văn hoa bóng bẩy rồi mới đi vào phần chính của vấn đề. Tôi nằm sát anh nên cũng hơi e ngại. Tuy nhiên anh là một người hiền lành và vui vẻ, nhiều nghệ sĩ tính không hề có ý gì hại bạn bè nên tôi vẫn cứ thân với anh.

Loay hoay nhất là anh Lưu Văn Ngôi, sĩ quan tài chánh trường Truyền Tin. Vì anh chẳng có gì để khai và nhận tội cả. Anh em bèn góp ý:

- Thôi anh cứ viết rằng mình phát lương cho binh lính là giúp họ có tiền tiêu xài, ăn uống no đủ để ra sức đánh phá cách mạng.

Anh cải lại:

- Lính ở trường Truyền Tin thì đánh phá ai?

Anh Nguyễn Văn Bộ bực mình:

- Thì phải kiếm cái gì mà khai cho chúng nó thông qua chứ.

Sau cùng rồi anh Ngôi cũng nhận tội chống phá cách mạng, đáng tội chết.

Lần cuối này thì các bài viết nghe nổ đôm đốp. Cả người đọc lẫn người nghe đều thấy rợn người, dù rằng có quá nhiều điều khôi hài, mỉa mai.

Bài của tôi có lẽ là bài chứa đầy bom đạn, máu me nhất; vì tôi là đơn vị trưởng tác chiến độc nhất trong bốn mươi anh em trong B (trung đội) mà đại đa số là sĩ quan văn phòng. Phần vì tự ái của một người lính tình nguyện, phần vì e rằng hồ sơ của mình ở Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 BB tại Lai Khê, hay ở Bộ Tổng Tham Mưu vẫn còn nguyên vẹn; dễ gì mà khai láo với chúng nó. Vì thế, tôi viết đủ, trận nào, giết bao nhiêu “anh cách mạng” trên cả địa bàn ba tỉnh miền Đông Nam Phần lẫn chiến trường Kampuchea. Tên cán bộ nghe đọc, hai môi nó bặm lại. Ai cũng lo cho tôi. Sau này, Lê Cảnh Sao (Trung Đoàn 9 BB, hiện ở Santa Ana) gọi điện thoại qua thăm, anh có nhắc lại chuyện cũ:

- Nghe bạn đọc mà tôi cũng rợn tóc gáy giùm bạn. Nghĩ sao anh này liều mạng thế.

Anh Bộ là người vui tính nhất, lại có óc khôi hài. Vì thế, khi anh đọc bản Tổng kiểm điểm của anh với giọng lên xuống như đọc sớ, ai nấy phải rán bấm bụng nín cười dù rằng trong tình thế rất căng thẳng, gay go. Anh Bác sĩ Đức thì vẫn tờ spreadsheet ba cột như cũ. Riết rồi tên cán bộ cũng phải chấp nhận.

Chuyện rồi cũng qua. Bọn cán bộ trung ương hí hửng thu góp hết các bài viết, các cuốn vở ghi chép của tù trong gần hai tháng học tập rồi đi mất. Sau đó khoảng một tuần, bọn cán bộ trại lại gọi các đội trưởng lên họp. Chúng phát các xấp giấy và ra lệnh đem về đội để làm lại bản “lý lịch trích ngang” với nhiều chi tiết hơn. Kể từ ngày vào trại, không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu chúng tôi phải khai đi khai lại bản lý lịch này. Có ngờ đâu, lần này chính chúng tôi đã chuẩn bị cho mình bản án tù cải tạo mà sẽ kéo dài từ 3 năm cho đến 6, 10, 12, 15 năm tùy theo các tiêu chuẩn mà bọn Cộng Sảnđã dựa vào các chi tiết lý lịch.

Anh em vẫn tiếp tục lao động thường nhật. Mơ ước ngày về lại thấy viển vông hơn. Vì suốt cả mấy tháng sau đó, chẳng nghe tin tức gì mới. Vẫn hàng ngày các đội đi vào chân núi Chứa Chan, chặt gỗ vác về làm củi cho trại. Vẫn có vệ binh súng ống đầy người đi kèm hai bên. Vẫn ngày hai bữa chia nhau đi nhà bếp để lãnh cơm nước mà càng ngày càng teo lại vừa về phẩm vừa về lượng.

CUỐI TẦNG ĐỊA NGỤC


Chương 1
Trại Tù Long Khánh

Phần 4

Chính sách 12 điểm của “Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam”

Chỉ tiêu lao động mỗi người trong ngày là một khúc củi dài một mét rưỡi, đường kính ít nhất là ba tấc. Chúng tôi dùng các dụng cụ tự chế để cưa và tỉa nhánh. Sáng sớm, ăn một chén cháo lỏng với muối để lội bộ chừng mười lăm cây số trên con đường đất đỏ từ trại đến chân núi Chứa Chan. Mỗi đội có chừng một tiểu đội vệ binh mặc quân phục màu vàng sậm mang AK đi kèm hai bên. Một số anh có gia đình ở thị xã Long Khánh có thể nhìn thấy vợ con đứng chờ bên đường, nhưng không được tiếp xúc, trò chuyện hay nhận quà. Tôi thấy các chị đứng lau nuớc mắt ái ngại mỗi khi nhìn các anh đi qua. Chắc họ phải đau lòng lắm khi nhìn thấy chồng mình tiều tụy trong những bộ áo quần bạc màu sờn rách đã bắt đầu có nhiều miếng vá. Kể ra lúc này muốn trốn cũng không khó. Vì vào đến nơi, anh em phân tán ra tứ phía, mà vệ binh thì không đủ người để bủa ra một chu vi rộng lớn trong rừng tương đối rậm rạp. Nhưng vào thời gian này, chẳng ai biết tình hình bên ngoài ra sao. Vả lại trong thâm tâm, chúng tôi vẫn còn nuôi hy vọng ngày về sẽ không xa.

Những đợt đi củi sau này, chúng tôi khôn ra. Có anh lựa khúc cây rỗng ruột, nhém lá vào hai đầu để che mắt bọn cai tù, rồi giả bộ như cây củi nặng lắm, vừa đi xiêu xẹo vừa thở dốc. Có anh lựa loại cây xốp như gòn. Nó nhẹ như một bó bông gòn. Loại cây này khi đốt chẳng cháy được mà lên khói mịt mù. Vì thế, nhà bếp khiếu nại lên trại làm chúng tôi bị sỉ vả một trận. Từ đó, bọn vệ binh đi kiểm soát từng người trước khi cho mang củi về trại.

Có lúc, gặp toán vệ binh dễ tính. Họ cho đi vòng về qua chợ Long Khánh và cho anh em để củi vào một bên đường để vào chợ mua sắm cả nửa tiếng đồng hồ. Những lần đó, thế nào các anh có gia đình ở Long Khánh cũng đuợc mang vào trại vài túi xách đầy đồ ăn, và đặc biệt một số tin tức sốt dẻo qua câu chuyện với gia đình hay những tờ báo ngụy trang thành giấy gói thức ăn.

Một chiều, sau khi trút bỏ khúc củi nặng xuống sân nhà bếp, tôi thấy nhiều nhóm tụ tập bàn tán có vẻ xôn xao. Anh Đinh Quang Trung, B trưởng, vừa được gia đình cho một giỏ quà. Anh tìm thấy môt mẩu báo “Sài Gòn Giải Phóng” có đăng nguyên văn bản Chính sách 12 điểm của cái gọi là “Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam”. Chúng tôi chúi mắt vào đọc ngấu nghiến từng câu, từng đoạn và biết rằng đây là chính sách áp dụng đối với những người mà họ gọi là Ngụy quân, Ngụy quyền đang bị tập trung cải tạo. Cuối cùng thì cũng tìm thấy điểm mấu chốt ở gần cuối bản văn: “Thời gian cải tạo được ấn định là trong vòng ba năm, những người ít nợ máu, học tập tốt hay có thân nhân gia đình cách mạng sẽ được cứu xét cho về sớm.”

Bàng hoàng.

Thất vọng

Lo lắng, xôn xao.

Đó là phản ứng tức thời của tất cả mọi người. Từ mười lăm ngày, nay thời lượng tăng lên con số ba năm, nghĩa là gấp 72 lần. Một con số khủng khiếp đủ sức bóp nghẹt con tim của mọi người. Chúng tôi đọc đi đọc lại hàng chục lần cho đến khi thấm thía rằng đây đã là sự thật.

Không khí trong trại lắng đọng. Nhiều anh đã tìm một góc nhà, úp mặt vào hai bàn tay và ngồi thừ ra hàng giờ. Lo cho số phận bản thân một; thì lo cho gia đình gấp trăm lần.

Mấy hôm sau, người chỉ huy trại tập họp toàn trại vào hội trường để loan báo về chính sách Kinh tế mới của đảng và nhà nước. Ông khuyến thích anh em cải tạo và gia đình tình nguyện đi kinh tế mới. Ông ta nói:

- Trước đây, các anh không nao động, chỉ ăn bám xã hội. Lay các anh đã học bài “Nao động nà Vinh quang”. Các anh đã nhận thức nao động để cải tạo con người. Lước nhà đã độc nập, phải phát triển mở mang. Còn nhiều vùng đất mầu mỡ cần bàn tay con người khai phá. Bác Hồ lói:”Với sức người, sỏi đá cũng thành cơm.” Lếu các anh tình nguyện đi xây dựng kinh tế mới, thì gia đình sẽ được đoàn tụ với các anh.

Lúc này chúng tôi đã biết nhiều biến chuyển bên ngoài. Những biến chuyển dồn dập đến chóng mặt. Trước hết là chuyện đổi tiền. Cứ năm trăm đồng Việt Nam Cộng Hòa, đổi được một đồng mới của Cộng hoà Miền Nam. Nhưng mỗi gia đình chỉ được đổi một số lượng tối đa được ấn định chừng vài trăm đồng tiền mới. Số còn lại phải dâng nộp cho nhà nước. Lệnh đổi tiền chỉ được thông báo một cách đột ngột nên tất cả mọi người không ai kịp tìm cách chuẩn bị để đối phó. Thế là đùng một cái, người miền Nam mất trắng tài sản dành dụm được sau bao nhiêu năm làm lụng cực nhọc. Trong trại, chúng tôi chẳng có bao nhiêu để đổi. Những đồng tiền mới gồm các tờ từ một xu, hai xu, năm xu, một hào… đến một, hai đồng in đơn sơ trên loại giấy chẳng có kỹ thuật cao cấp nào. Chúng tôi phải bắt đầu làm quen với các đơn vị mới, xu hào; và cách tính toán sao cho khỏi lộn. Đến chuyện thứ hai là cải tạo tư sản mà thành phần đầu tiên là “Tư sản mại bản”. Nhà cầm quyền mới phân loại những người công thương nghiệp ra năm thành phần, mà trên hết là tư sản mại bản. Đó là những người mà chính quyền mới cho rằng phản động nhất, trong chiến tranh đã cấu kết với đế quốc Mỹ để nuôi dưỡng chiến tranh, bóc lột đồng bào. Họ trấn an thành phần thứ hai “tư sản dân tộc”, gọi đây là tư sản yêu nước. Vì thế, không có gì phải lo âu cả. Dưới nữa là lớp tiểu thương, buôn bán nhỏ… mà họ nói là thành phần lao động chân chính, là đồng minh của giai cấp công nông. Những gia đình bị coi là tư sản mại bản, quân cán chính cao cấp… đã bị bắt buộc phải hiến cơ sở, nhà máy, công nghiệp cho nhà nước. Họ bị buộc phải rời thành phố để đến các khu rừng hoang vu xa xôi khai khẩn đất đai. Nhà cửa tài sản riêng của họ bị tịch thu toàn bộ. Họ không đuợc cấp phát lương thực hay dụng cụ sản xuất mà phải tự túc hoàn toàn ngay khi được đưa đến những nơi gọi là kinh tế mới đó.

Chúng tôi biết hai chữ “tình nguyện” chỉ là cách dùng chữ khéo léo của Cộng Sản. Vì nếu không tình nguyện cũng sẽ bị cưỡng ép vì họ đã có chủ trương rõ ràng rồi. Chúng tôi đã đọc trong các truyện về chiến tranh của Cộng Sản. Khi họ cần những ngưòi ôm bom nhảy vào công sự đối phương. họ cũng nhắm vào một thành phần nào đó mà kêu gọi tình nguyện. Tình nguyện thì được vỗ tay, biểu dương; không tình nguyện thì họ cũng chỉ định mà lại mang tiếng thiếu tinh thần tự giác. Bây giờ chỉ còn cách sử dụng đòn cân não để đối phó mà thôi. Sau những ngày đắn đo, chúng tôi ai cũng viết đơn tình nguyện; nhưng lại tìm cách dùng văn từ khéo léo, như đặt các điều kiện mà thường là thòng thêm một câu: “nếu được thả về, chúng tôi sẽ đưa gia đình đi kinh tế mới.”

Không ngờ rằng bên ngoài, cũng có những gia đình bướng bỉnh không chịu rời bỏ thành phố. Sau khi tin tức từ những người từ khu kinh tế mới nhắn về về tình trạng đem con bỏ chợ của nhà cầm quyền, và nhất là đã có nhiều gia đình trốn về, lang thang khắp thành phố vì đã mất nhà mất cửa, những người còn lại càng tỏ ra bướng bỉnh hơn. Mẹ tôi dứt khoát đặt điều kiện:

- Tôi già rồi, không đủ sức đi làm rẫy trên rừng. Nếu các ông thả con tôi về, chúng tôi sẽ đi.

Nhờ thế, nhiều gia đình đã bám lại thành thị, dù rằng các người phụ nữ - nay là trụ cột gia đình - không thể kiếm được việc làm, phải xoay ra bán dần bán mòn tư trang, tài sản, vật dụng; và sau cùng thì trở thành “con buôn chợ trời” hay buôn lậu đủ thứ, thượng vàng hạ cám để sống còn trong một xã hội đầy xáo trộn và đe doạ từ mọi phía.

Việc ăn uống đã trở nên tồi tệ. Trước tiên là việc cân đong.

Trong trại không có loại cân bàn để cân các bao gạo một tạ. Họ dùng một cân xách đã quá cũ mà chỉ một xê dịch nhỏ là sự sai biệt lên tới hàng kí lô. Bao gạo tính một trăm kí, nhưng thật ra chỉ khoảng bảy lăm, tám chục kí là cùng. Đến khi vác về nhà bếp, mở ra thì ôi thôi, đủ loại trong đó. Lẫn trong những hạt gạo đã mục nát là các thứ rác rến, giẻ rách. Thậm chí chúng tôi còn thấy cả các mẩu kim loại. Như thế, sau khi đã bỏ ra hàng giờ nhặt gần hết các thứ rác rến, chỉ còn lại chừng năm, sáu chục kí gạo. Vì thế, những thau cơm càng ngày càng ít dần; chia ra, mỗi người chỉ lưng hai chén. Đã bắt đầu có hiện tượng nhà bếp gian lận trong việc chia cơm.

Mỗi ngày, một B (trung đội) được luân phiên nhau làm bếp. Sau khi ăn vụng no nê ngay tại bếp, họ xới vào những thau cơm của họ đầy ú, và nén thật chặt rồi mang về phòng để có thể dành ăn no thêm được vài bữa kết tiếp. Có những anh vì đói, đã chầu chực quanh chảo vo gạo hay chảo cơm đang sôi để xin nước vo gạo, nước gạo khi sôi lấy cớ là để trị phù thủng. Mỗi lần như thế, họ nhanh chóng múc vào ca một số gạo, hay cơm đang chín tới. Chỉ có khoảng chục anh thôi. Trên tay lúc nào cũng dính chặt chiếc ca nhựa hay ca nhôm. Họ trở thành thường trực tại nhà bếp. Trông vừa thảm hại vừa buồn cười. Họ đứng rình ở cửa lò. Mặc cho lửa cháy hừng hực hắt ra, mỗi lần anh phụ bếp dở vung ra đảo cơm, là có hàng chục chiếc ca chìa ra xin nuớc cơm, xin cơm, xin cháy. Dù nhà bếp có cho hay không, thì những chiếc ca cũng vục vội vàng vào chảo để múc – càng đầy càng tốt.

Các B không có nhiệm vụ nấu bếp trong ngày thì chắc chắn là ăn đói. Vì thế, anh em chúng tôi trong mỗi A (tiểu đội) đã đi đến việc chia cơm và thức ăn ra cho từng người. Chia cơm, còn tương đối dễ; nhưng chia cá thịt không kể ra thì ai cũng biết là cả một vấn đề. Cục xương, cái đầu cá, chút mỡ… làm sao chia ra làm mười phần cho đều nhau? Cuối cùng, phải đồng ý cách chia tương đối, và bắt thăm. Ai có thăm số một sẽ chọn trước, và cứ thế đến số hai, số ba, … mà bắt thăm kế tiếp.

Trong giai đoạn này, thức ăn vẫn còn khá. Thông thường, chúng tôi nhận các bao thịt chà bông, có cà chua tươi, hành ngò, bột ngọt để nấu canh. Thỉnh thoảng có cá đuối hoặc cá nhám (cùng họ với cá mập, nhưng nhỏ hơn. chỉ dài chừng hơn một mét). Lúc đầu, anh em chúng tôi chưa biết cách làm cá. Dùng dao chặt thì dao bật trở lại vì da cá nhám được bao bọc bởi một lớp mỏng như cát, mà chỉ có cách dùng nước sôi mới cạo đi được. Có anh đã dùng cưa rán hết sức để cưa cá nhám ra từng khoanh nhỏ. Kéo cưa qua lại hàng giờ, nó vẫn trơ trơ. Thịt cá nhám, cá đuối rất tanh mà chỉ có vài loại gia vị cay hay lá rau răm mới trị được. Tuy có thức ăn không đến nỗi tệ, và tuy cũng rất đói, bữa ăn đối với chúng tôi vẫn là một cực hình. Khi lùa miếng cơm vào miệng, chúng tôi phải dùng lưỡi để tìm ra những hạt sạn, vật lạ tí họn; sau đó, nhai nhè nhẹ để không bị mẻ răng nếu còn những sạn nhỏ hay các hạt cát mà không bao giờ thiếu trong cơm. Có anh thậm chí đã đùa ra khỏi miệng cái nút áo, chiếc kim băng hay một miếng bông gòn.

Sau vụ nổ kho đạn do Quân Lực VNCH để lại ở một trại gần đó, một số nhà cửa bị sập. Kho gạo xây bằng táp lô cũng sập nát. Xi măng, cát trộn lẫn vào gạo. Nhà bếp cũng bị hư hại nặng. Trại quyết định chia gạo, thức ăn cho tận các đội để anh em chúng tôi tự nấu lấy. Từ đội, chia cho B, rồi B lại chia ra cho các A. Anh Thành, A trưởng, đi lãnh về bày biện ra trên sạp gỗ. Các thứ đều được chia làm mười phần. Món ít nhất là bột ngọt. Mỗi A được khoảng nửa cc; chia ra mỗi người chừng vài tinh thể nhỏ như hạt cát. Lấy không khéo tay thì coi như không còn gì.

Vấn đề bây giờ là làm sao mà nấu. Mỗi A mười người, vị chi phải gầy ra mười cái bếp con con. Chúng tôi tận dụng các loại lon, hộp kim loại để làm nồi nấu cơm và thức ăn. Những lần nấu nướng như thế, không khí trong nhà rộn ràng lên. Khói từ củi ướt bốc lên ngập cả căn phòng. Có anh khéo thì nấu chín lon cơm, có anh dở thì cơm khi sống, khi cháy, khi nhão, khi khê. Nhưng bù lại, chẳng còn ai phàn nàn so đo việc chia chác nữa.

Vụ nổ kho đạn mà tôi vừa nói trên là một biến cố rất lớn xảy ra vào những ngày gần cuối năm 1975. Thoạt đầu là một tiếng ầm lớn long trời lỡ đất. Lúc đó chừng xế trưa. Đã nghe tiếng rít trên không trung của những mảnh các loại đạn đại bác. Kinh nghiệm những năm chiến đấu dạy cho tôi biết khi nào thì đạn sẽ rơi gần mình. Đó là lúc nghe tiếng xịt xịt. Nhưng nếu nghe tiếng hú, tiếng rít, đạn đang bay qua đầu mình và sẽ rơi xuống rất xa. Sau một loạt những tiếng nổ lớn đó, hàng trăm tiếng nổ phụ vang lên. Các loại đạn của một kho đạn lớn cấp sư đoàn đang thi nhau nổ tung. May mắn là không trái đạn sống nào văng đi, mà chỉ là các mảnh và sắt thép của nhà kho. Có những khung nhà bằng sắt nặng hàng tạ rơi xuống ngay sân trước nhà của chúng tôi. Sức mạnh của hơi nổ và độ nóng làm cho cả thanh sắt lớn bị uốn vặn vẹo đi. Một vỏ đạn đồng còn sáng bóng, đầu bị tưa ra sắc bén, xuyên qua mái tôn và cắm phập vào vách tường bằng táp lô ngay trên đầu nằm anh Sơn cạnh tôi. Tôi chui xuống dưới sạp gỗ, hy vọng miểng đạn chạm gỗ sẽ không xuyên phá như khi chạm vào vách xi măng. Có nhiều anh từ đội 6, 7, chạy hốt hoảng về hướng chúng tôi, ra tận hàng rào và bị kẹt lối tại đây. Họ đội trên đầu bất cứ thứ gì vớ được trong tầm tay. Có anh che bằng một miếng cạc tông, có anh che bằng chiếc chiếu. Họ cố thu nhỏ người trong những rãnh nước. Có anh nhảy ùm xuống giếng, không biết bơi, nên la ơi ới. Báo hại trong cơn kinh hoàng mà chúng tôi phải phơi mình ra trên thành giếng để tìm cách kéo anh ta lên. Đến tối mịt, vẫn còn tiếng nổ lai rai của những viên đạn nhỏ còn sót lại. Lâu lâu mới nghe một tiếng bùm lớn. Nhưng anh em ai nấy đã trở về phòng kiểm điểm lại ai còn ai mất, ai bị thương tích gì không. Nhờ ơn trên, trại chúng tôi không bị tổn thất gì, ngoài vài anh bị những vết trầy trụa sơ sài.

Thế nhưng trong đêm ấy, đã có nhiều bàn tán vô căn cứ về những khả dĩ rất lạc quan. Có anh loan tin rằng có một lực lượng kháng chiến gồm các đơn vị của quân ta không chịu theo lệnh đầu hàng đã rút vào rừng tiếp tục chiến đấu. Họ đã thực hiện vụ nổ này như một sự khởi đầu cho giai đoạn chiến đấu giành lại miền Nam. Chúng tôi thầm thì trò chuyện rất lâu trưóc khi chìm vào một giấc mơ được trở lại trong ngày chiến thắng, đánh bại quân xâm lược Cộng Sản phương Bắc, xây lại nền Cộng hoà.

CUỐI TẦNG ĐỊA NGỤC


Chương 1
Trại Tù Long Khánh

Phần 5: Một Phát Giác Động Trời: Từ ba năm đến cải tạo lâu dài.

Trong khuôn viên trại 2 có nhiều dãy nhà kho tiền chế khung sắt, mái và vách bằng hợp kim nhôm. Những tấm nhôm bề ngang 1.2 mét, cao 2.4 mét, uốn sóng vuông rất chắc chắn. Chúng được gắn vào khung bằng hàng ngàn con ốc thép không gỉ. Khung các cửa sổ toàn bằng nhôm cứng. Những dãy nhà này truớc đây có hệ thống máy lạnh nhưng máy đã bị tháo gỡ, chỉ còn lại các ống chuyền hơi. Giá mỗi nhà nghe đâu lên đến hàng chục ngàn đô la. Sau vụ nổ, một số bị hư hại.

Một hôm, các đội được gọi đi lãnh các cây cọc sắt ấp chiến lược và được lệnh tháo gỡ những căn nhà đó bằng một cách rất bán khai. Chúng tôi đứng quanh căn nhà, dùng cây sắt phang mạnh vào các nơi có các con ốc thép cho đến khi tấm tôn bị rách và bung ra. Thì ra những anh bộ đội miền Bắc chưa hề biết đến con ốc và những chìa khoá để vặn ốc. Sau mấy ngày đem sức người ra cật lực làm việc, vùa phồng tay, vừa rách chân, hàng trăm tấm tôn đã được tháo ra khỏi khung nhà. Chúng tôi chất thành những đống cao nghệu những tấm tôn rách nát, vặn vẹo. Không có lấy một tấm nào còn nguyên vẹn. Một số anh, chắc có cái nhìn xa, đã nhanh chóng tháo gỡ những thanh nhôm cửa sổ đem về dấu trong phòng. Qua hôm sau, anh đội trưởng đi họp trên Ban Chỉ Huy về (họ gọi là giao ban) tập họp một nhóm các anh khéo tay và biết qua về việc gò rèn. Anh nói:

- Trại muốn các anh làm ra các thùng gánh nuớc, gàu nước, thùng tưới từ các tấm nhôm đó.

Trong cả hàng trăm tấm nhôm ngổn ngang, các anh chỉ tìm ra được khoảng vài chục tấm là còn tương đối xài được.

Anh Lê Thế Sự, cán bộ đội đã tỉ tê với anh X.:

- Tôi ước chi có một cái hòm, anh có thể làm cho tôi không?

X. trợn trừng mắt ngạc nhiên:

- Anh muốn cái hòm? Để chôn ai?

Người miền Nam khi nói đến cái hòm là nghĩ đến cái quan tài chôn người chết. Trong khi anh Sự muốn nói đến cái rương, hay cái va li đựng áo quần. Thế là chỉ vài ngày sau, cái hòm anh Sự hoàn tất. Coi cũng khéo, các góc cạnh vuông vức; có bản lề, có hai khoá móc hai bên, có quai xách đàng hoàng. Từ đó về sau, các anh bộ đội khác cũng bắt đầu kéo đến, ỉ ôi năn nỉ để nhờ làm hòm đem về Bắc. Anh nào cũng xuýt xoa khen:

- Gớm, các anh khéo tay ghê!

Cả đời họ sống ở Bắc, chưa bao giờ có được một thứ tài sản sang trọng như thế. Vì thế họ tỏ ra rất trân trọng, biết ơn. Và món quà trả ơn thường là dấm dúi cho các anh thợ những gói thuốc lá thơm hiệu Tam Đảo, Điện Biên.

Tôi bắt đầu gia nhập nhóm làm lược, kẹp từ các thanh nhôm gỡ ra ở khung cửa sổ. Những thanh nhôm này mỏng chừng hai li, có độ cứng vừa phải nên dễ cưa và khắc chữ, chạm hình. Một anh tạo mẩu cắt ra theo hình chiếc lược đàn bà có tay cầm đủ kiểu. Một anh khác cưa các răng lược sao cho thật đều nhau, sau đó là dũa cho mịn các góc cạnh rồi mài hai mặt với giấy nhám nước. Tôi phụ trách phần áp chót là vẽ những hình ảnh theo đơn đặt hàng rồi dùng những chiếc đinh nhọn đã mài thành mũi dùi để chạm hình hay viết chữ. Công việc này chúng tôi gọi là “xủi”. Hình thường là những hoa văn trang trí, hay các thiếu nữ, hoặc hoa cúc, hoa hồng… Tôi có khả năng khắc lên những giòng chữ nhỏ xíu mà khi đọc, phải dùng đến kính lúp. Tuy thế, chữ vẫn đều đặn, tròn trịa như nét chữ viết bằng bút mực trên giấy. Khâu chót là đánh bóng. Chúng tôi dùng giấy nhám nước đã thật mòn nhẵn, hay xà bông pha với tro bếp mịn. Các hàng nhôm này sau khi đánh bóng, có thể soi mặt được.

Ban đầu là những món trang sức phụ nữ, như kẹp tóc, lược, trâm cài đầu… mà anh em chúng tôi đặt vào đó bao trìu mến để mong có dịp gửi về cho gia đình. Sau đó, có anh đã khéo tay chế ra những bộ chén bát trà xinh xinh. Lúc này, chúng tôi đã chuyển qua hút thuốc lào, vì thuốc điếu trở thành mặt hàng xa xí. Những ống nhôm từ vỏ trái sáng là nguyên liệu làm ống điếu hay nhất. Vừa dễ kiếm, vừa dễ làm, lại vừa có thể trang trí bằng những hình vẽ, hoa văn…

Các anh bộ đội cũng bắt đầu để mắt đến các sản phẩm của chúng tôi.

- Lày anh Phúc, nàm cho tôi một cái "nược" nhé. Cái lày đem về Bắc tặng bạn gái nà nhất.

Nhờ công việc này mà chúng tôi được nhàn hạ một thời gian dài; lại có sự trao đổi thù lao bằng các gói thuốc lá thơm hay bánh thuốc lào ba số tám; hay có thể nhờ các anh ấy mua sắm vặt vãnh các thứ bên ngoài. Họ cũng sốt sắng kiếm vật liệu, mua dụng cụ cho chúng tôi. Chúng tôi có thể làm một cái lược trong vài tiếng; nhưng lúc nào cũng kéo dài đến vài ngày. Một va li nhôm vài ngày, thì khai gần một tháng. Các bộ đội xuất thân ở thôn quê miền Bắc, chưa hề biết đến văn minh hàng nhựa, hàng nhôm. Vì thế, họ rất tin chúng tôi và luôn luôn trầm trồ khen ngợi các sản phẩm:

- Gớm, sao các anh tài thế? Cái gì cũng biết “nàm”!

Anh Sự, đội trưởng, thì nhờ tôi nhiều nhất. Và nhờ đó, tôi có nhiều dịp nghe tâm sự của anh. Có lần anh ngồi theo dõi tôi đang khắc chạm hình, vừa khe khẽ ngân nga các bản nhạc tình của Lam Phương. Anh hỏi:

- Anh bày cho tôi hát nhạc vàng nhé. Tôi đi cách mạng bao năm mà vẫn không mê nổi các bài hát the thé của cách mạng.

Thì ra, những người lính miền Bắc còn trẻ cũng vẫn còn chan chứa trong tim họ những tình cảm lãng mạn, mà họ phải che dấu khi sinh hoạt trong môi trường khô khan đầy nghi kỵ, dòm ngó của các đồng chí. Bản nhạc đầu tiên mà tôi tập cho anh hát là bản Mưa Nửa Đêm của nhạc sĩ Trúc Phương. Anh thích lắm, hát lui hát tới hoài.

Nhạc sĩ kiêm hoạ sĩ Phan Công Danh, một sĩ quan biệt phái làm việc tại Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Xây Dựng Nông Thôn Vũng Tàu, ở cùng đội với tôi. Chúng tôi rất thân nhau vì có nhiều điểm tương đồng để tâm sự. Anh đã làm bản nhạc rất hay để gửi gắm tình thương yêu cho người vợ trẻ (chị có dòng máu Ấn, nên đẹp rất mặn mà.)

...

Muà xuân ngọt ngào,
Tình xuân dạt dào.
Một ngày yêu nhau
Thành đôi vợ chồng
Một ngày yêu nhau,
Tình nồng in sâu.
Yêu anh, em yêu tình đầu tiên
Yêu em, anh yêu tình lần cuối.
Tình anh, tình anh đậm đà
Tình em, tình em mặn mà.
Cầu mong được gần nhau mãi thôi.
Ngày xuân nhạc vàng
Lòng xuân rộn ràng
Cận kề bên nhau
Tình đầu cho nhau
Tình nồng thiên thu

….
Phan Công Danh hiền lành, rất dễ mến. Những đêm ngồi hút thuốc lào, anh thường tâm sự về người vợ trẻ. Những thắc mắc ưu tư anh giải bày với tôi rất chân thành. Vợ anh còn rất trẻ, mà lại đẹp, lại chưa có con cái. Dĩ nhiên, chúng tôi đều có chung những ưu tư giống nhau. Ngày về thì chưa biết bao xa. Ngoài đời thì đầy rẫy khó khăn, cạm bẫy. Người phụ nữ ở tuổi xuân thì liệu có đủ nghị lực và tình yêu mặn nồng để chịu dựng và vượt qua bao nghiệt ngã không? Ngày xưa, thế hệ cha ông chúng tôi có còn là trong xã hội nặng tính nông nghiệp, khép kín, lại có những đạo lý khắt khe ràng buộc. Nhiều người vợ đã vẹn lòng thủy chung dù mất chồng lúc tuổi đôi mươi. Ngày nay, đã bước qua thời đại giải phóng phụ nữ và ảnh hưởng văn minh Tây phương; cộng thêm sự đổi đời do chế độ Cộng Sản đem lại. Với những o ép, cưỡng bức, đe dọa, chúng tôi có lý do để lo về một nỗi lo mà chính chúng tôi không thể giải quyết được trong tầm tay mình. Chỉ còn hy vọng ở tình yêu và đức hạnh của người phụ nữ, cũng như khả năng sinh tồn tiềm tàng trong mỗi người.

Từ tháng thứ nhì, chúng tôi đã được phép viết thư về thăm gia đình. Các anh cán bộ nhắc nhở chúng tôi viết những điều tích cực; như khuyến khích gia đình “làm tốt” ở địa phương, an tâm tin tưởng để chờ ngày sum họp. Về phía chúng tôi, các anh cũng nhắc phải viết về mình đang lao động tốt, học tập tốt, chấp hành tốt. Và trên hết thảy là nhắc đến chính sách khoan hồng độ lượng của đảng và nhà nước. Dù không ai cho ai xem thư riêng của mình, chúng tôi cũng hình dung nội dung các lá thư đều na ná nhau. Cùng những câu khẩu hiệu như trong các văn bản của nhà nước, rồi những sáo ngữ giả dối mà chúng tôi phải tập quen dần. Càng giả dối càng mong được thông qua sự kiểm duyệt để về đến tay gia đình. Miễn sao cho người thân đọc được tuồng chữ của mình để tạm yên tâm rằng “anh ấy vẫn còn sống, đang ở trại X, trại Y.” Càng về sau, khi gần tết Âm lịch, trại đã báo tin cho phép viết thư nhắn gia đình thăm nuôi lần đầu tiên. Lá thư có hình thức như một toa hàng. Mở đầu vài ba câu đúng quy tắc thăm hỏi, động viên; sau đó là danh sách liệt kê những thứ nhu yếu phẩm và thức ăn. Chúng tôi hiểu rõ sự khó khăn của cha mẹ vợ con bên ngoài, nên chỉ dám xin những thứ thật cần thiết và thức ăn khô rẻ tiền như mắm ruốc, cá khô… Thế mà cũng còn e ngại không biết gia đình có sắm nổi không. Riêng tôi, khi nhận lá thư đầu của gia đình, tôi đã không ngăn được những cảm xúc bồi hồi, thương cảm, nhớ nhung. Vợ tôi đã không kể lể những khó khăn thế nào; nhưng tôi cũng phải hình dung ra được. Nàng là một thiếu nữ mới lớn lên. Rời mái trường trung học là gia nhập đoàn Nữ Trợ Tá của Quân Đội. Những năm cuối tôi học ở quân trường Đà Lạt, nàng đang làm việc ở Phòng Xã Hội thuộc trường Chỉ Huy Tham Mưu. Sau ngày cưới, nàng bỏ quân đội để theo tôi về Bình Dương; sau đó về ở với mẹ tôi ở Vũng Tàu. Ngoài khả năng của một nhân viên văn phòng, nàng chỉ còn biết đôi chút về nội trợ. Chân yếu, tay mềm, không biết nàng đã xoay trở ra sao trong những tháng năm bị ngược đãi bên ngoài. Mẹ tôi, đã ngoài sáu mươi. Thời đó trên sáu mươi là coi như ở tuổi già rồi. Mẹ một đời vất vả buôn bán nuôi con. Tưỏng khi tôi giải ngũ thì cụ có thể hưởng được ít năm có con và dâu phụng dưỡng. Nào ngờ vật đổi sao dời. Đời đang màu hồng thì bỗng chuyển qua xám ngắt, với những đám mây đen dày u ám che khuất hết nẻo tương lai. Điều an ủi nhất là các con tôi vẫn còn được đi học. Nhưng đáng lo là chúng đang học thêm những điều tuyên truyền của chế độ mới. Tôi đã làm một bài thơ trong có các câu


Em bé Việt Nam, tuổi đời thơ dại,
Vừa lọt lòng mang kiếp khổ sai.
Vú mẹ khô quắt, sữa ngoài không bán
Sớm tối cầm hơi, chén cháo chén khoai.
Mẹ vừa sinh em là đi thủy lợi
Bố tập trung mòn mỏi tăm hơi



Trường học biến thành trại lính
Các em quên chữ, quên bài
Nhớ chăng, những điều “Bác” dạy
Hận thù, giai cấp đấu tranh.



(Đã hơn ba mươi năm. Tôi quên gần hết bài thơ của mình. Thế mà có anh bạn tù là Nguyễn Dương Hoài Việt hiện ở California còn nhớ nguyên bài).

Tuần lễ đầu tiên sau Tết Bính Thìn (1976), chúng tôi được gặp gia đình sau bảy tháng xa cách. Buổi thăm gặp được giới hạn trong ba mươi phút. Tôi gặp đủ Mẹ, vợ và các con. Cháu bé nhất sinh vào giữa tháng tư 1975 nay bụ bẫm, hồng hào. Khi tôi đưa tay ra bế cháu, cháu đã chồm về phía tôi như có sự thôi thúc của tình máu mủ. Chúng tôi cầm tay nhau mà nghẹn ngào một hồi; chẳng biết nói điều gì trước, điều gì sau. Mẹ tôi rưng rưng:

- Con rán chịu khó mà về. Mẹ đã già rồi, không biết chết sống ngày nào. Mong thấy con được về nhà rồi chết cũng cam.

Vợ tôi thì gầy hẳn đi, và nước da đã đổi từ sắc hồng mịn qua ngăm ngăm đen. Có lẽ phải làm việc nhiều vất vả. Mấy con lớn thì khoe đã biết viết, làm toán và hỏi bố đủ điều.

Nửa giờ ngắn ngủi qua mau. Khi người cán bộ la lớn rằng giờ thăm sắp mãn, chúng tôi vội vã trao quà. Người bên ngoài thì chuyền những bao bị thức ăn; nguời bên trong thì dúi vào tay thân nhân những chiếc lược, chiếc kẹp nhôm. Rồi lại bịn rịn, lại nước mắt tuôn rơi, lại những dặn dò, an ủi. Biết bao giờ gặp lại?

Chúng tôi lại tiếp tục màn khai lý lịch. Trích ngang rồi lại trích dọc. Họ muốn chúng tôi khai báo thường xuyên để tìm tòi xem có gì sơ sót, đối chiếu để lượng giá sự chính xác trong lý lịch chúng tôi. Càng về sau, mẩu lý lịch càng nhiều chi tiết hơn. Một hôm, không nhớ vào dịp lễ lạc gì, anh Sự giao cho tôi một xấp giấy trắng có kẻ giòng (loại giấy đôi khổ lớn mà trước đây thường được dùng để làm đơn từ). Anh nói:

- Nhờ anh Phúc cắt cho một câu khẩu hiệu…..

Tình cờ, trong xấp giấy, tôi thấy có mấy tờ có chữ. Tôi vội lựa ra và đem ra phía sau nhà để xem. Thì ra đó là một phần của bản lý lịch trích ngang của anh em đội 6. Ba phần tư của bản lý lịch là những cột dọc ghi những chi tiết do chính cá nhân khai báo. Phần tư kế đó là cột cuối cùng, có những dòng chữ khác nét có ghi những đề nghị của một cán bộ nào đó về thời hạn cải tạo. Trong hơn 60 người có tên trong những trang đó, có gần nửa số anh được ghi: cải tạo ba năm. Một vài người được phụ chú: đề nghị tha sớm vì có thân nhân cách mạng. Một số khác thì được ghi: cải tạo 6 năm. Còn khoảng năm, bảy thì anh được ghi: đề nghị cải tạo lâu dài. Dò qua các cột bên trái, tôi khám phá ra rằng những anh bị đề nghị cải tạo lâu dài là các anh có một hay nhiều chi tiết lý lịch sau: Bắc di cư, Công giáo, đảng viên các đảng Quốc gia, thuộc các binh chủng tác chiến, An ninh, Chiến tranh Chính trị, Tình báo, Pháo binh… Tôi lặng người. Tự đánh giá mình thuộc vào thành phần nào và án cải tạo cỡ nào. Cải tạo lâu dài? Nghĩa là lâu hơn sáu năm; thì có thể là bảy, tám, chín, mười năm? Nghe mà rụng rời. Thế cái bản chính sách 12 điểm của chính phủ Lâm thời kia ghi rõ ràng là ba năm kia mà? Chẳng nhẽ nó vô hiệu chăng?

Tôi bèn khều những bạn thật thân tín để tiết lộ khám phá kinh hoàng này. Bàn qua, bàn lại. Ai cũng cố lý luận thật gần với cảm tính và ước vọng của mình:

- Ba năm thôi là đã quá lâu. Chẳng lẽ họ ký ra bản thông cáo mà không áp dụng đúng sao?

- Đây nè, nó ghi rành rành: mốc thời gian cải tạo là trong vòng ba năm. Trong vòng là “within”, là “less than”.


Một anh rành Anh ngữ đã giảng như thế. Một anh có vẻ lạc quan hơn:

- Đất nước hoà bình, cần xây dựng. Họ sẽ cần trí thức, tài sức chúng ta thôi.

Trong đầu óc tôi lại lởn vởn câu nói của ông Thiệu: “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói; mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm.”