Thứ Tư, tháng 12 17, 2008

CUỐI TẦNG ĐỊA NGỤC

Sách Mới: Cuối Tầng Địa Ngục
Thursday, April 17, 2008

PHẠMKIM

Báo Người Việt Tây Bắc
Seattle, WA

Sách Mới: Cuối Tầng Địa Ngục:
Hồi ký của một người lính Việt Nam
qua 10 năm trong các trại tù Cộng Sản.
Tác giả
Đỗ Văn Phúc tự xuất bản.
262 trang.Giá $15 mỹ kim.

L/l: 16204 Viki Lynn Pl.,
Pflugerville, TX 78660
(512) 251-9016

Email: www.michaelpdo.com.

Khởi sự viết từ chương Hồi ký: Trại Cải Tạo A-20, Xuân Phước rồi cứ thế cuốn hút trong ký ức với những năm ở “cuối tầng địa ngục” này, tác giả nguyên là một sĩ quan cấp úy đã từng được giải ngũ, thế mà sau 1975 vẫn bị lùa vào trại tập trung, luôn được ‘biệt đãi” bằng còng chân ngày đêm, và nhiều tháng trong hộp sắt conex kinh hoàng... suốt 10 năm. Tác phẩm là một bức tranh sống động mà xót xa: “Nếu có một địa ngục như các tôn giáo thường răn đe thì chắc hẳn địa ngục đó cũng không sánh được với cái địa ngục mà người cộng sản dành cho người quốc gia”Việt (trích lời tựa của TS Nguyễn Đình Thắng).

Có những triết gia cho rằng địa ngục hay thiên đàng chỉ là trừu tượng hoặc thiêng liêng trong niềm tin, thì nhờ tác phẩm này chúng ta biết đến địa ngục trần gian ... cũng “có thực” , có thể cảm nhận được .262 trang sách đã dẫn người đọc từ những lời khen ngợi của TS Nguyễn Đình Thắng cho đến những thổ lộ của tác giả qua lời mở đầu... và kế đến như một cuốn phim bi hùng thu hút người xem, dẫn từ “Lịch Sử Sang Trang”, đến trại tù Long Khánh, trại tù Suối Máu, trại Tù Hàm Tân, trại Tù A-20 Xuân Phước và cuối cùng đến chương “... Xin đừng quên mình là người tị nạn chính trị...”: Có lúc kiêu hãnh vì những can đảm của cá nhân và các bạn tù, thường được kể lại với giọng trìu mến, thì cũng có lúc khiêm tốn “xấu hổ” vì phải làm văn nghệ và phải hát nhạc “đỏ” trong tù; hoặc nhiều tay ăng ten, những kẻ “dùng thủ đoạn làm áp lực- blackmail” người cùng cảnh ngộ, đã dẫn đưa tác giả nói riêng bị vào conex. Mấy chi tiết này khiến ta nhớ đến hoàn cảnh tương tự, cũng bị “áp lực đe dọa gây ảnh hưởng” (blackmail) để phải bán đứng cô bé gái 15 tuổi Anne Frank như thế: Cô bé Do Thái này đã phải bỏ mình trong trại tập trung/ trừng giới Đức Quốc Xã thời Đệ Nhị Thế Chiến bên Âu Châu. Nhưng dẫu sao, khi trải qua những tầng cuối địa ngục đến như thế , văn phong và cuộc sống của tác giả vẫn thể hiện được sắc mầu bàng bạc nhân ái, cuốn hút người đọc.

Ngoài ra, còn có phụ lục về ngày các cựu tù nhân chính trị tri ân và hội ngộ một trong những ân nhân của HO là bà Khúc Minh Thơ (còn những ân nhân khác nữa, chẳng hạn như ông Lê Xuân Khoa qua tổ chức SEARAC hoạt động suốt gần hai thập niên 1980-90).

Bìa sách nền màu đỏ , đen và chữ trắng của họa sĩ Hoàng Việt (VietLand) như cùng nói lên rằng địa ngục trần gian có thật đã xảy ra trong đời tác giả, khiến chúng ta liên tưởng tới những tác phẩm cùng chủ đề , như “Cùm Đỏ” của nhà văn Phạm Quốc Bảo xuất bản năm 1983, rồi “Đáy Địa Ngục” của nhà văn Tạ Tỵ, “Đại Học Máu” của nhà văn Hà Thúc Sinh...

Không chìm đắm trong than vãn, mà vùng dậy tiến lên. Đó là những thành quả minh chứng mà tác giả Đỗ Văn Phúc đã tạo một kỷ lục hiếm hoi, như lời ca ngợi của Tiến Sĩ James Reckner ( thuộc Trung Tâm Việt Nam, Texas Tech University), lời khen ngợi đặc sắc và giá trị của cựu HQ Thiếu Tá Trần Đỗ Cẩm, của cựu Trung Tá Hoàng Minh Hòa, của báo chí truyền hình News 8-Austin, của Hoàng Lan Chi (Việt Nam Hải Ngoại),.. và hơn cả là lòng ngưỡng mộ của các bạn trẻ sinh viên trong và ngoài tiểu bang Texas.

Qua tóm tắt tiểu sử, Đỗ Văn Phúc từng tốt nghiệp kỹ sư điện tại Austin TX, và Cao học Quản Trị Công Nghiệp (Colorado). Trước đây, tác giả đã xuất bản: Quê Hương và Hoài Vọng (hai tập), Vườn Địa Đàng, Bà Chúa Tuyết, Nơi Đó Mùa Xuân Chưa Về. Đồng thời, ông cũng là chủ nhiệm nguyệt san Lửa Việt (Austin), Trách Nhiệm (Austin-TX). Trước đây, những bài viết như “Người Tù và Chiếc Lon Gô”, và “Chân Dung Người HO-Đỗ Văn Phúc” đã xuất hiện trên trang báo Người Việt, và Người Việt Tây Bắc.

* Phạm Kim.

Không có nhận xét nào: