Thứ Tư, tháng 12 17, 2008

CUỐI TẦNG ĐỊA NGỤC


Chương 1
Trại Tù Long Khánh

Phần 2: Ba Bebop, Một Slow

Tờ mờ sáng hôm sau, giấc ngủ ngon lành bị đánh thức bởi một hồi kẻng. Chúng tôi được lệnh ra sân để tập thể dục. Nhớ lại thời ở quân trường Đà Lạt, trời lạnh, những anh lười tập có thể trốn bằng cách ôm mền gối leo lên trần nhà nằm nướng thêm vài mươi phút. Ở đây thì không trốn được. Ngày thứ hai của mười lăm ngày “học tập” đó, chúng tôi được gọi lên nộp tiền ăn mười lăm ngày và đã có toán được phân công nấu bếp. Các toán khác thì làm tạp dịch thu dẹp trong trại. Tôi bắt đầu làm quen với các anh trong tiểu đội mà từ nay chúng tôi sẽ gọi là A. Anh A trưởng là Nguyễn Tấn Thành (trường Truyền Tin), kế đó theo thứ tự chỗ nằm là Nguyễn Văn Sơn (Truyền Tin), tôi, Nguyễn Văn Tấn (Địa Phương Quân), Lê Văn Toàn (Hải Quân), Đào Hoàng Đức (Bác sĩ Quân Y), Nguyễn Văn Bộ (Địa Phương Quân/Vũng Tàu), Lưu Văn Ngôi (Truyền Tin), Đỗ Văn Tấn (Địa Phương Quân), Nguyễn Duy Quế (Truyền Tin). Trong tất cả trăm người, Nguyễn Văn Sơn nổi bật nhất vì anh thường mặc bà ba đen còn mới, quàng khăn rằn, và mang đôi dép râu cứ như là du kích thứ thiệt. Nguyễn Văn Bộ thì cao mập, vui tính và thích khôi hài. Anh là người đặt tên cho Hồ Chí Minh là “quả Pắc Bó”. Đào Hoàng Đức thì có vẻ vô tư. Lưu Văn Ngôi, bệnh loét bao tử, nên lúc nào khuôn mặt cũng nhăn nhó. Lúc này chúng tôi chưa thấy e ngại nhau, nên ăn nói có phần phóng túng, không kềm chế mấy.

Anh cán bộ đội trưởng đội tôi tên Lê Thế Sự, dường như cấp chuẩn úy quân đội Bắc Việt, người Bắc, nhỏ con, có vóc dáng ẻo lả như một cô gái mới lớn. Anh ăn nói nhỏ nhẹ khác hẳn với anh đội trưởng đội 9 là một người miền Nam, cục mịch, thô lỗ như một tên lơ xe đò. Anh Việt Cộng người Nam này nhặt đâu được hai chiếc giày da của quân đội ta. Nhưng cả hai chiếc đều cùng một chân trái, nên hai mũi giày cùng quẹo về một hướng. Lại thêm việc anh ta không biết cột dây. Vì thế, các đầu dây dài thòng ra quẹt xuống mặt đất vung vẩy mỗi lần anh ta bước trông thật buồn cười. Trưởng trại là Thượng Úy Lê Tranh thì có vẻ nhanh nhẹn, pha chút đểu cáng, thâm hiểm. Chúng tôi có dịp vào tận phòng ở của những đội trưởng, thấy cũng sơ sài chiếc giường tre, bộ bàn ghế ăn cơm kiểu thông dụng như thường thấy ở thôn quê. Trên bàn lúc nào cũng có cái ấm trà, dăm ba cái ly đã cáu bẩn, và không thể thiếu ống điếu thuốc lào bằng tre. Họ là những người trong một đơn vị mà gốc là của Mặt trận Giải phóng Miền Nam, nhưng đã hao hụt nặng về quân số từ sau các trận Mậu Thân, Hè 72, nên được bổ sung thêm quân chính quy miền Bắc. Nhưng quyền chính ủy thì do hoàn toàn cán bộ đảng Cộng Sản miền Bắc. Ở trại này, các anh vệ binh ăn mặc rất lộn xộn. Ngoài những người Bắc mặc quân phục và đội nón cối màu xanh lá mạ, một số khác người Nam mặc quân phục và nón cối màu vàng đất rất đậm. Họ đều rất trẻ - tưởng như còn tuổi vị thành niên – nhưng rất hung hăng. Họ quát tháo và sẵn sàng lên đạn rôm rốp và chĩa nòng AK-47 vào chúng tôi đe dọa.

Bữa cơm đầu tiên, cứ mỗi A mười người một mâm. Cơm đựng trong một cái thúng, một thau nhôm đựng canh cà chua đậu hũ nấu với thịt chà bông và một thau khác có rau muống luộc. Tôi mới xong chén thứ hai, vừa lưng bụng, thì nhìn thúng cơm đã cạn, các thau đồ ăn cũng sạch sẽ. Vài anh khác cũng chưng hửng như thế. Chẳng là chúng tôi mang theo những cái chén nhỏ, mà lại ăn chậm. Nhìn qua anh X. thấy anh cầm một cái bát to như bát đựng canh, cơm và thức ăn đầy gần miệng bát. Trong khi những anh em khác buông đũa dọn dẹp với cái bụng chưa no, thì anh X. mang bát cơm về chỗ mình, tiếp tục ăn một cách nhẩn nha. Sau này mới nghe anh tiết lộ công thức “ba Bebop, một Slow” mà anh đã có kinh nghiệm qua những bữa ăn tập thể đâu đó. Quý vị đi nhảy đầm chắc phân biệt nhịp nhanh của điệu Bebop và nhịp khoan thai của điệu slow. Ba Bebop, nghĩa là xới lưng lưng bát, ăn thật nhanh cho đến khi cơm trong thúng gần cạn, thì xới hết cho đầy bát rồi ăn chậm lại. Thế là chẳng bao giờ chịu đói cả. Từ sau đó, chúng tôi cũng rán ăn nhanh lên, và thú thực, bắt đầu cảm thấy xấu hổ ngầm với kiểu ăn như thế. Sức ăn của dân nhà binh, mỗi bữa cơm phải bốn năm chén đầy thì làm sao chịu đựng nổi với lưng hai chén. Tuy nhiên vì lòng tự trọng, không anh nào có can đảm mở miệng than phiền với nhau. Đó là trong thời gian đầu, cơm và thức ăn tương đối chưa đến nỗi thiếu thốn thê thảm như những năm về sau khi dưới sự quản lý của Công An.

Những ngày đầu tiên, chưa thấy ai nhắc chuyện “học hành”. Chỉ thấy các công tác tạp dịch và khai báo lý lịch. Nhờ có nét chữ đẹp, tôi được giao cho giấy bút để ghi lý lịch. Bản lý lịch đầu tiên, gọi là lý lịch trích ngang, cũng đơn giản chỉ khoảng năm bảy cột, gồm tên họ, cấp bậc, chúc vụ, đơn vị cuối cùng, ngày tháng, nơi sinh, tôn giáo. Gần như hầu hết trong đội đều là những quân nhân làm việc văn phòng, quân trường và tiểu khu quanh quẩn vùng Bà Rịa Vũng Tàu. Sợ mình bị nổi lên trong đám những anh em văn phòng đó, tôi bèn khai thuộc Đơn Vị Quản Trị Không Quân là nơi quản lý quân số của tôi trong thời gian nằm điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hoà và làm thủ tục để giải ngũ cuối năm 1973.

Nóng ruột vì hết ngày qua đêm lại đã được một tuần lễ, vài anh em bắt đầu la cà kiếm cách hỏi han các anh bộ đội cấp sĩ quan để hy vọng moi ra được chút tin tức gì không. Sau cùng, một sĩ quan Cộng Sản thông báo

- Các anh sẽ được viết thư về cho gia đình mỗi tháng một lần.

Tin như sét đánh ngang tai! Cả trăm người nhìn nhau thất vọng. Một anh can đảm đứng lên hỏi:

- Chúng tôi nghe thông cáo của Ủy ban Quân quản là đi học trong mười lăm ngày mà?

Anh sĩ quan Cộng Sản ôn tồn giải thích:

- Thông cáo nói mang theo tiền ăn cho mười lăm ngày, chứ không phải thời gian học tập là mười lăm ngày. Chính sách nhân đạo khoan hồng của đảng và nhà nước trước sau như một. Các anh phải an tâm, tin tưởng và ra sức học tập để sớm trở về với gia đình. Thời gian dài ngắn là do ở kết quả học tập của các anh.

Nghe có tiếng xì xào trong đám đông, đâu đó vọng lên hai chữ “tù, giam”. Anh sĩ quan vội nói:

- Không, không, các anh không phải là tù. Tù là có nhà giam, có chuồng cọp… Các anh là trại viên, đến đây để cải tạo qua lao động, học tập và chấp hành nội quy để xoá bỏ những quá khứ sai trái. Chúng tôi là những người quản lý, giáo dục các anh trở thành công dân tốt của chế độ mới.

Trong nỗi hoang mang về thời gian cải tạo đó, tôi không dằn được sự uất hận, đã rỉ tai bạn bè, nhắc đến câu nói bất hủ của cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu :”Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm!”

Lại một đêm thật dài, trầm tư về cuộc sống. Giờ này vợ và các con tôi đang làm gì? Số tiền nhỏ nhoi mà tôi để lại may ra chỉ dùng đi chợ một hai ngày. Mẹ tôi, sau khi sang lại cửa hàng cộng tiền dành dụm suốt đời đã đem gửi hết vào công khố phiếu. Tờ biên nhận hàng triệu đồng VNCH nay trở thành tấm giấy loại vô giá trị. Căn nhà rộng rãi khang trang mặt tiền đường Nguyễn Tri Phương, có để hai bàn bi da may ra kiếm sống tạm qua ngày. Nhưng rõ ràng chúng tôi chỉ biết suy đoán, mỗi người một cách. Không ai biết hơn ai về những gì sẽ xảy ra bên ngoài cũng như ngay cho chính mình bên trong ba lớp hàng rào kẽm gai này.

Ghẻ từ miền Bắc vô Nam…

Chữ ghẻ, mà miền Nam đã hoàn toàn quên từ lâu ngoài tĩnh từ để ghép thành các chữ “chó ghẻ, chiên ghẻ” ám chỉ loại người phản phúc, nay trở nên phổ biến trong trại.

Giữa mùa hè nắng gắt. Các giếng ngoài xóm cạn dần. Nước trở nên khan hiếm đến nỗi gạo chỉ vo một lần rồi cho vào chảo nấu. Mỗi người được chia một lon guigoz nước cho một ngày, vừa uống, vừa làm vệ sinh cá nhân. Những người mới ngày nào vào trại, còn tươm tất, gọn gàng, phần nào tươi tắn. Chỉ sau mấy tuần đã trở nên những người mới: xộc xệch, nhăn nhó, cáu bẩn. Và dĩ nhiên, tâm tính cũng dần dần đổi thay.

Trong hoàn cảnh thay đổi đột ngột môi trường sống, điều kiện vệ sinh tệ hại vì thiếu nước dùng để tắm rửa, một vài anh đã phát hiện các nốt ghẻ trên người. Bắt đầu từ hai cánh tay, bàn tay rồi lan dần ra lưng, bụng. Đã thấy nhiều anh bị ghẻ toàn thân, khổ sở vô cùng vì lúc nào cũng thọc hai bàn tay vào áo, vào quần để gãi. Trước còn e dè, che dấu. Sau thì chẳng thể nín, nên đứng đâu cũng thấy gãi sồn sột. Mà càng gãi thì càng lan thêm ra, lở loét trông rất ghê rợn. Trại không có trạm y tế, thuốc men gì cả. Chúng tôi cũng chẳng ai mang theo thuốc men gì theo ngoại trừ vài ba chai dầu Nhị Thiên Đường hay cù là Mac Psu. Anh bộ đội được nhờ kiếm mua thuốc ghẻ cũng lắc đầu không biết mua ở đâu vì tình hình chợ búa đang hỗn loạn. Anh chỉ kiếm được vài cây xà phòng loại dùng để giặt giũ ở thôn quê trước đây. Những anh bị ghẻ phải pha nước muối xoa rửa hàng ngày. Trong A của tôi, đã có ba anh bị ghẻ hành hạ. Tôi bị kẹt nằm bên cạnh anh S.. Thỉnh thoảng anh lên cơn ngứa, không nén được, đã cọ nguyên cánh tay vào chiếc mền của tôi để gãi gây cho tôi một cảm giác kinh hãi mà không nỡ trách bạn. S. thường ngồi cởi trần, phơi lưng ra nắng. Tấm lưng mấy hôm trước trắng trẻo mịn màng, nay thấy ứa ra những mủ vàng từ các đốm nâu vừa tróc vảy.
Ngoài bệnh ghẻ, lác đác một số anh đã bị bệnh đường ruột như tiêu chảy, kiết lị mà phương cách điều trị duy nhất là ăn cháo trắng và xức dầu cù là. Hôm trước đây, trại cho tập trung chích ngừa. Chẳng ai biết chích ngừa bệnh gì. Chỉ thấy một anh y tá bộ đội với một cây kim tiêm độc nhất và một ly nước lã và cục bông gòn to bằng trái táo tàu. Anh chấm cục gòn vào ly nước, quẹt lên cánh tay chúng tôi để “khử trùng” trước và sau khi tiêm. Cục gòn dùng cho hơn hai trăm người ngả sang màu xám đen mà chẳng thấy thay cục khác hay thay nước trong ly, Chúng tôi không rõ thứ thuốc gì trong cái lọ con con mà anh rút ra để chích. Chích được vài chục anh, thì mũi kim đã hết bén nhọn, nên đâm vào da đau đớn vô cùng. Thôi thì cứ phó mặc số mệnh, vì không ai trốn tránh việc chích ngừa được. Tuy nhiên, khi nhận được hai viên thuốc nhỏ màu vàng vàng, thì nhiều anh đã làm bộ nuốt rồi dấu vào góc miệng để nhổ ra sau khi đã ra khỏi phòng y tá. “Biết đâu họ đầu độc mình đây?”

Ngày thứ mười lăm đã đến! Trên khuôn mặt mọi người, vẻ thất vọng chán chường hiển lộ ra. Từng nhóm nhỏ bàn tán nhau, hỏi dò nhau dù rằng chẳng ai biết điều gì hơn ai. Bây giờ thì chúng tôi tự đặt một cái mốc mới là vài ba tháng. Dù thế, chẳng ai muốn nghe đến chữ “vài ba”.

Chỉ trong tháng đầu tiên, chúng tôi đã chứng kiến một thảm cảnh gia đình mà nguyên nhân chính là ranh giới ý thức hệ. Anh Thạc (Lê Văn Thạc?) ở đội bảy, một hôm được ban Chỉ huy trại gọi lên văn phòng để gặp người cha là một đại tá Cộng Sản. Ông này người Trung, tập kết ra Bắc sau Hiệp định Geneve; để lại vợ con ở miền Nam. Nay người cha trở về theo đoàn quân chiến thắng thì đứa con trai đầu lòng đang bị tập trung vì là sĩ quan miền Nam. Qua bao nhiêu năm chiến tranh, không biết có bao lần cha con đối đầu trên chiến địa, nhắm mũi súng vào nhau để rình giết nhau? Tuy nhiên, Thạc đã khẳng khái từ chối ân huệ của cha khi ông này khuyên con rán “học tập” để ông có thể xin cho về sớm hơn mọi người. Thạc đã yêu cầu ông không tìm cách đến thăm lần nữa; vì “tôi sẽ không ra gặp nữa đâu.”

Cũng ở trại này, đã nổi bật lên những người mà trong suốt quá trình mười năm tiếp, vẫn luôn luôn là tấm gương sáng ngời của lòng bất khuất và nghị lực kiên cường trước bao thử thách, đe dọa của kẻ thù. Trong tập hồi ký này, quý vị sẽ nhiều lần gặp gỡ Phạm Đức Nhì là người mà tôi biết nhiều nhất từ các trại Long Khánh cho đến Suối Máu, Hàm Tân và Xuân Phước.

Phạm Đức Nhì có lẽ là người khánh thành conex biệt giam tại trại tù Long Khánh vì anh là người đã sớm biểu lộ sự chống đối ra mặt trong lúc hàng trăm anh em khác còn giữ thái độ dè dặt nghe ngóng. Mỗi chiều sau lúc ăn tối, chúng tôi thường nghe tiếng la hét của anh vọng ra từ conex lấn át tiếng bịch bịch của những trận đòn thù của những tên vệ binh đang xúm vào đánh hôi.

Không nói ra, nhưng tất cả anh em chúng tôi đã nhận thức được hoàn cảnh của mình trong cái mà chính quyền mới gọi bằng mỹ danh Trại Cải Tạo.

Không có nhận xét nào: