Thứ Tư, tháng 12 17, 2008

CUỐI TẦNG ĐỊA NGỤC


Chương 2
Trại Tù Suối Máu


Phần 3: Lò Nướng Người

Ngày qua ngày, có những toán đi cuốc đất trồng rau; có những toán đi gỡ mìn bên ngoài phạm vi trại. May mà không ai tử thương. Nhưng tình hình bệnh tật thì rất thê thảm. Bệnh kiết lị hoành hoành đã cướp đi vài sinh mạng. Bác sĩ Đại tá Nguyễn Minh Châu[1] –nguyên Cục phó Cục Quân Y - phụ trách y tế cho trại cũng đành bó tay vì không có thuốc men chữa trị.

Sau khi đường xe lửa Thống nhất được phục hồi, thông thương từ Nam ra Bắc, chúng tôi thường xuyên chứng kiến những chuyến xe lửa dài hàng trăm mét chở hàng hoá miền Nam ra Bắc. Thượng vàng hạ cám, toàn bộ tài sản miền Nam bị gỡ sạch để làm giàu cho miền Bắc vốn qua hàng chục năm đói khổ. Những người miền Nam bị lùa ra khỏi những căn nhà tiện nghi, xinh đẹp để đi đến những vùng kinh tế mới. Những người chủ mới từ miền Bắc theo chân đoàn quân chiến thắng nhanh chóng chiếm ngự những biệt thự, cao ốc. Những doanh nhân miền Nam phải tự nguyên hiến nhà máy, cơ ngơi cho nhà nước để trở thành một nhân công lép vế trước những người cách mạng và công dân hạng nhất từ miền Bắc mới vào. Người miền Nam, sống trên mảnh đất màu mỡ, công nghiệp phát triển bậc nhất nhì Đông Nam Á, nay không có đủ khoai sắn để ăn qua ngày. Vợ tôi, trong một lần thăm nuôi đã kể chuyện cả gia đình có lúc phải đi dọc các con đường ngoại ô, nhặt hái những loại rau dại để ăn thêm. Mẹ tôi, nhờ chiếc tủ lạnh 50 lít đã cũ, bán từng vỉ nước đá cho hàng xóm để kiếm thêm chút tiền. Các con tôi, mới 5, 7 tuổi, ngồi xe đạp chưa với chân tới pedal, đã phải hàng đêm phụ Mẹ chở những bao cá hàng chục ký từ bến cá về nhà cho chị tôi làm mắm.

Giai đoạn này, ở trong trại tù còn sướng hơn. Vì tuy chỉ ăn bo bo, khoai lang sùng; tuy đói, nhưng ít ra không phải lo kiếm miếng ăn. Đã có nhiều anh nhịn bớt phần bo bo, phơi khô để biếu lại cho gia đình khi được thăm nuôi.

Nhiều người đặt tên cho giai đoạn lịch sử này là “Thời kỳ Bắc thuộc lần thứ Tư” Ngày xưa Bắc thuộc với ngoại bang. Ngày nay, Bắc thuộc với nội thù cùng giòng máu.

Mức độ những người được thả vào giữa và cuối năm 1977 - trước khi nổ ra cuộc chiến giữa Việt Cộng và Khmer Đỏ - tương đối cao. Gần như mỗi tuần đều có một đợt hàng chục anh. Các anh từ các phân trại khác nhau được tập trung vào phân trại bốn để làm thủ tục ra về.

Tết năm Mậu Ngọ (1978), sau những đợt tha về ồ ạt, tâm lý anh em trong trại có vẻ xôn xao, vì sắp mãn hạn 3 năm cải tạo theo như chính sách 12 điểm của Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam. Sự chống đối lắng xuống tuy trong thâm tâm, ai nấy đều mang một mầm mống bất phục đối với chế độ mới. Chúng tôi đã nghe qua gia đình, những tin về việc vệ binh các trại khác bắn chết anh em tù trốn trại, hoặc biệt giam, tra tấn và thảm sát những anh có hành vi, tư tưởng chống đối. Ở trại tù Vườn Đào, Cai Lậy, tên đại úy Cộng Sản Ba Minh đã vào tận conex biệt giam dùng khăn xiết cổ anh Quách Dược Thanh đến chết, vì các tên cán bộ trại đã thua lý trong những lần tranh luận cùng anh Thanh (Xin xem bài Ai Giết Cha Tôi ở chương cuối). Ở một trại tù khác, họ đã nhét sỏi vào miệng một anh cho đến chết vì họ cho rằng anh ấy hay tuyên truyền chống đối trong trại. Nhiều tin khác từ trại Kà Tum (Tây Ninh) cho hay nơi đây, vệ binh bắn chết anh em tù một cách dễ dàng như người ta giết con kiến, con ruồi. Một anh, vì bệnh, không thể lên hội trường để nghe trại trưởng nói chuyện, đã bị hai cán bộ lôi xềnh xệch ra khỏi phòng. Một vệ binh kê súng vào đầu bắn một phát AK. Óc và máu tung toé khắp vách tường. Sau đó, một tên khác bồi thêm nguyên một băng nát bấy cả thân mình.

Chúng tôi nghe những tin đó mà thấy vừa kinh hoàng, vừa căm phẫn. Những người đã trình diện vào trại “cải tạo” là những hàng binh, chứ không phải tù binh bắt ngoài chiến trường. Cũng không phải loại tù thường hình sự. Nếu không được quy chế Geneva bảo vệ, thì ít ra, cũng phải được đối xử nhân đạo trong tình người; những người Việt Nam cùng chung huyết thống. Dù khi hai bên còn chiến đấu một mất một còn, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã thi hành đúng với các công ước quốc tế với tù binh địch. Chính đơn vị tôi đã từng bắt tù binh khi giao tranh, và anh em binh sĩ đã chia xẻ thức ăn, nước uống cho họ; băng bó vết thương cẩn trọng và nói năng nhẹ nhàng trước khi chuyển họ về hậu tuyến.

Chúng tôi ở trại K-5 chưa thấy cách đối xử dã man, nhưng những anh lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm về Cộng Sản tin rằng khi cần, những cán bộ đang cười nói với ta hôm nay sẽ trở mặt trở thành thứ hung thần trong ngày mai.

Một buổi tối tháng tư, khi gần đến ngày kỷ niệm mất miền Nam, tôi mời được khoảng 5 anh cùng hoàn cảnh. Đó là những người đã giải ngũ trước ngày 30-4-1975. Chúng tôi ngồi trong nhà bếp, pha một ấm trà và bàn chuyện. Tôi đã viết sẵn một là đơn để yêu cầu chính quyền cứu xét cho những người đã giải ngũ được về sớm. Vì theo chúng tôi biết, tại Sài Gòn và rất nhiều địa phương khác, thành phần giải ngũ chỉ bị tập trung cải tạo có ba ngày ở địa phương. Các anh đã sốt sắng hưởng ứng ký tên. Chúng tôi hoàn toàn không thấy lo ngại gì, vì mình đã làm đơn đàng hoàng. Trong lúc bàn chuyện, chúng tôi sơ ý không để ý đến một người, anh HMD, chuyên viên lò bánh mì, đang lui cui sắp củi vào lò cho nửa đêm về sáng sẽ nổi lửa nướng bánh mì. Anh HMD là một sĩ quan phục vụ tại ban 5, tiểu khu Khánh Hoà. Anh có giọng hát hay từa tựa giọng Chế Linh, nên cũng tham gia văn nghệ rất tích cực. Nhưng có nhiều anh nghĩ không hay về HMD, vì HMD rất gần gủi với các cán bộ ngoài ban Chỉ huy trại. Mỗi sáng tinh mơ, anh thường mang bánh mì ra cho ban Chỉ Huy trại. Anh ra vào cổng thoải mái bất cứ lúc nào mà không cần vệ binh đi kèm.

Xế trưa hốm sau, tôi chưa có dịp gặp anh cán bộ Hùng (tạm thay thế anh Vũ Đình Lét đi phép về Bắc) để trao đơn, thì Thượng uý Chính trị viên đi vào cùng hai vệ binh có vũ trang. Họ ra lệnh cho đội 20 tập họp ngay trước sân nhà. Anh Thượng Úy kêu đích danh tên tôi ra khỏi hàng và đọc một lệnh tống giam nội dung tuyên án cùm biệt giam trong conex vì tội “Sách động đòi yêu sách. Anh Phúc được ăn mỗi ngày một bữa cơm với muối hột.”

Hai vệ binh bẻ quặt cánh tay tôi ra sau và kéo đi. Ra đến cổng trại, họ mở cửa thùng conex nhỏ để gần dưới vọng gác và đẩy tôi vào. Trong Conex tối om và nóng hực vì đang mùa hè. Sau vài giây định thần, tôi nhìn thấy hai thân hình trần trụi ở hai góc. Đó là Trần Hướng Đạo[2] và Phạm Văn Nhật. Họ đã bị nhốt cả tháng trước tôi.

Thùng Conex là loại thùng làm bằng sắt dày hơn 2 li để chứa và chuyên chở hàng hoá. Có nhiều cỡ, nhưng thông dụng nhất tại Việt Nam thời đó là loại army container nhỏ kích thước 1.2 x 1.6 x 1.8 mét; loai trung 1.8 x 1.6 x 1.8 mét. Thùng conex làm rất kín. Ở các khe cửa có bọc một lớp viền cao su để không khí và nước không lọt vào được. Vì thế, khi di chuyển bằng đường thủy, thùng conex có thể thả xuống nước để kéo mà hàng hoá không hề bị hư hỏng.

Có ba conex để trước cổng trại, sát chòi gác tên lính canh. Hai cái lớn thì chỉ nhốt mỗi cái một người (Đại Úy Nguyễn Văn Tuấn, tội trốn trại và Thiếu Úy Dù Nguyễn Xuân Dũng, tội viết nhật ký nói xấu chế độ). Conex nhỏ nhất (1.2 x 1.6) thì có ba người. Đó là Đạo, Nhật và tôi. Đạo và Nhật bị phạt giam vì dám gọi Hồ Chí Minh là Hồ Chó Minh. Muà hè Suối Máu, nắng đổ lửa, ít lắm cũng 40 độ C bên ngoài. Trong conex thì hừng hực như lò nướng bánh mì. Từ 9 giờ sáng, chúng tôi đã cảm thấy cái nóng nung người và chỉ dịu hẳn vào lúc gần nửa đêm. Nóng đến độ mà khi tên cán bộ coi tù và anh tù đưa phần cơm trưa độc nhất trong ngày phải dội lui vài bước sau khi cánh cửa conex được mở ra. Ba anh em chia nhau ngồi ba góc, cởi tuốt tuồn tuột. May mắn là conex đã cũ, có nhiều nơi sắt đã mục. Vì thế, mỗi ngày khi được ra ngoài một lần làm vệ sinh, chúng tôi lén nhặt các cục đá, cây đinh đem vào. Chờ khi trời làm cơn giông, thì rán đục vài lỗ cho không khí lọt vào. Anh em chúng tôi cũng lén lượm bất cứ thứ gì để quăng lên nóc conex để ngăn bớt sức nóng mặt trời. Nằm ba bốn tháng trong cái thùng sắt phơi giữa trời nóng mùa hạ Biên Hoà, thì dù Paven Korsagin trong chuyện Thép Đã Tôi Thế Đấy cũng chưa thấm vào đâu.

Mỗi ngày, chúng tôi được ra ngoài làm vệ sinh cá nhân một lần. Mỗi tuần, lại được ra giếng để tắm giặt. Nằm trong Conex, chúng tôi biết cách “tắm khô”, nên cũng chẳng thấy dơ dáy gì. Nhờ có mồ hôi đổ ra suốt ngày, chúng tôi dùng hai bàn tay chà xát da thịt. Bao nhiêu ghét bẩn đóng vón lại, chỉ cần phủi nhẹ là da thịt trơn bóng, sạch sẽ vô cùng. Tuy nhiên, mỗi lần ra tắm giặt là dịp gặp gỡ trò chuyện cùng anh em, biết thêm nhiều tin tức bên ngoài.

Thời hạn ba năm đã qua từ lâu. Chúng tôi chẳng biết có bao nhiêu phần trăm đã được thả về. Những xôn xao, bàn tán trong lại cứ xoay quanh những thắc mắc: Ngày nào, khi nào?

Một đêm về sáng, ba anh em đang mơ màng trong giấc ngủ thì bỗng nghe kẻng đánh liên hồi. Tiếng tu huýt vang lên từ khắp mọi hướng. Tiếng người chạy rầm rập bên ngoài sân trại. Tôi choàng dậy, cố nhìn qua lỗ đinh xem những gì nghiêm trọng đang xảy ra.

Trong sân trại, nhiều vệ binh súng đạn hườm hườm trong tay đang tất tả chạy lui chạy tới. Khoảng vài ba chục anh em tù mang lê lết những bao xách, túi tư trang ra tập họp thành mấy hàng dọc. Một cán bộ dùng đèn pin rọi vào bản danh sách đọc tên từng người. Anh nào có tên đều được vệ binh áp tải ra khỏi cổng trại. Tôi chợt thấy có ba anh bộ đội tiến tới khu đặt conex. Có tiếng lách cách mở cửa và tiếng người la lớn:

- Các anh Đạo, Nhât, Phúc, Tuấn, Dũng ra tập họp ngay. Khẩn trương lên.

Bước ra khỏi conex, chúng tôi đã thấy những túi tư trang của mình do ai đó mang đến. Vệ binh dắt chúng tôi đi ngay, ra trước sân của Ban Chỉ Huy trại. Nơi đây, một đoàn xe molotova kín bịt bùng đang nổ máy chờ sẵn.

Tôi và các bạn lên cùng một xe. Trên xe đã có hàng chục người khác đang ngồi bệt dưới sàn. Cứ hai người bị còng chung một chiếc còng chân. Tôi và Đạo chia nhau một còng, ngồi gần phía cửa sau của xe.

Khi tấm bạt che xuống cửa sau xe, tiếng xích sắt khoá bửng xe nghe lạnh cứng. Xe từ từ chạy. Bên ngoài trời tối đen, bên trong thì tối hơn địa ngục. Chẳng ai nhìn ra được để biết xe chạy về hướng nào.

Vài phút sau, chúng tôi biết được tất cả những người trên xe là những anh em ở cả năm phân trại, đang bị biệt giam vì các loại vi phạm từ chống đối đến trốn trại.

Tự nhiên, chúng tôi biết đây là chặng mới của sự lưu đày mà tương lai sẽ tồi tệ hơn nhiều.


--------------------------------------------------------------------------------

[1] Bác sĩ Châu, từng làm Chủ Tịch Hội Người Việt Illinois, đã quá cố.
[2] Trần Hướng Đạo hiện ở Ohio; Phạm Văn Nhật ở Úc

Không có nhận xét nào: