Thứ Tư, tháng 1 07, 2009

HỒI ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 38

NHỮNG CỐ GẮNG CUỐI CÙNG ĐỂ THOÁT KHỎI
VÒNG KỀM KẸP CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM


Cuối tháng 7 năm 1990, nhận được Hộ Chiếu cho cả gia đình 16 người, lòng mừng khấp khởi, Tôi vội vã biên thơ báo tin và đính kèm bản sao các Hộ Chiếu cho 2 người con đang ở bên Hoa Kỳ, để yêu cầu tiếp xúc với toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan, xin họ cứu xét lên danh sách phỏng vấn sớm chừng nào tốt chừng nấy. Thế rồi ngày tháng chờ đợi, lại lặng lẽ nối đuôi nhau trôi qua. Cơ quan phụ trách Di trú của Chính phủ Hoa Kỳ, yêu cầu 2 người con tôi phải làm lại tờ khai lợi tức, để cập nhật hoá hồ sơ bảo lãnh, và lo tiền mua vé máy bay cho thân nhân. Ngoài ra, còn phải đi tìm một tổ chức thiện nguyện tại địa phương cư trú, xin họ cấp giấy chứng nhận bằng lòng tiếp tay giúp đỡ khi gia đình sang tới Hoa Kỳ. Bao nhiêu chuyện nhiêu khê, chẳng đơn giản như người ta đồn đãi. Nào là Chính phủ Hoa Kỳ lo hết, đến nơi có tổ chức đón rước rầm rộ đưa về nơi ăn chốn ở đã chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ tiện nghi, và đặc biệt được phát tiền lương bồi thường suốt từ tháng 4 năm 1975, vân vân và vân vân.

Một hôm, Tôi đang phụ các con làm “gia công” may thêu quần áo như thường ngày, bỗng thấy Trưởng Công An Phường dẫn 2 người lạ đến thăm. Sau nụ cười xã giao, ông ta giới thiệu 2 người cùng đi là Trưởng Công An Quận và nhân viên đại diện Bộ Nội Vụ từ Hà Nội, đến thăm và tìm hiểu xem Tôi có gặp khó khăn gì cần giúp đỡ không? Có giới thiệu tên và chức vụ của vị đại diện, nhưng lâu quá Tôi không còn nhớ. Ngay đến tên của Trưởng Công An Phường, Tôi cũng chẳng lưu tâm nhớ. Ngoài những câu mào đầu làm quen thăm hỏi sức khoẻ, công việc kiếm sống hàng ngày, về những “đổi mới” Nhà Nước đang tiến hành, ông Đại diện xen kẽ cài khéo một số câu, đại ý : “-Với hoàn cảnh “đổi mới” hiện tại, Bác có kế hoạch nào quy mô tham gia phát triển Kinh tế đất nước không? Bác có ý muốn xin đi định cư tại nước ngoài không? Bác đã nộp hồ sơ xin đi chưa? Nếu Bác ở lại trong nước, hàng tháng các anh chị ở Hoa Kỳ gửi về cho vài trăm Đô la, sống dư giả như ông hoàng. Chẳng sung sướng hơn là ra nước ngoài, cũng phải nai lưng đi làm mới có ăn. Tuổi đã già chịu thêm vất vả làm chi, cho nó khổ vào thân?”

Tôi thủng thẳng trả lời : “-Sau 13 năm cải tạo, sức khoẻ của Tôi bị suy nhược nhiều, lại không có cơ hội cập nhật hoá hiểu biết về khoa học kỹ thuật kịp thời đại, nên chẳng có khả năng cáng đáng những chương trình quy mô có lợi cho đất nước. Diện của Tôi hiện tại, chẳng Cơ quan Nhà Nước nào tin dùng, các Xí nghiệp cũng lắc đầu, chỉ còn ngồi nhà phụ cho các con, kiếm hàng ngày vài ba chục đồng để sống vậy thôi. Lúc đau ốm không làm được, sẽ là cái vạ lớn cho Vợ Con phải nuôi báo cô. Ngoài ra, Tôi ở đây chẳng làm được gì lợi cho đất nước, còn khiến Nhà Nước phải bận tâm cho người thường xuyên theo dõi, chẳng uổng phí tiền và thì giờ lắm sao?

Bây giờ được Đảng và Nhà Nước chủ trương “cởi mở cho nói thẳng nói thật”, Tôi xin bầy tỏ sự thực. Nếu cứ tiếp tục cuộc sống như hiện tại, các con của Tôi không có cơ hội học hỏi để thăng tiến, làm sao có khả năng kỹ thuật khoa học tiến bộ mà đóng góp cho xứ sở. Suốt thời gian qua, các con của Tôi không ai được “chiếu cố” cho theo học bậc Đại học. Có đứa đang học Đại học Y khoa năm thứ 3, ngay sau giải phóng bị nghi ngờ có tham gia hoạt động chống Nhà Nước, bị nhốt trong Khám Chí Hoà 2 năm không tìm được bằng chứng mới tha. Hiện nay, hàng ngày cậu ấy đạp xe đi bỏ nước uống cho các nhà hàng ăn, không xin được việc làm hợp khả năng. Những đứa khác, với tấm bằng Trung học, cũng chẳng kiếm được việc làm hòng có cơ hội tiến thân. Lại không có tiền vốn, chẳng làm ăn kinh tế gì lớn lao được, để có thể cải tiến cuộc sống cho được tương đối đầy đủ hàng ngày, nói chi đến dư giả mà lo cho Cha Mẹ.

Tôi đã nộp hồ sơ xin cho cả gia đình đi sang Hoa Kỳ định cư. Các con Tôi sang Hoa Kỳ, với sự giúp đỡ của 2 người con đang ở bên đó đã có cuộc sống ổn định, chúng sẽ vừa đi làm vừa theo học tiếp bậc Đại học. Như vậy chúng chắc chắn sẽ có tương lai sáng sủa hơn hiện tại. Một khi có khả năng kỹ thuật tân tiến cao, sau này nếu Nhà Nước cho phép, chắc chắn chúng sẽ có cơ hội tiếp tay phục hưng kinh tế đất nước hữu hiệu hơn. Còn riêng phần Vợ Chồng tôi, sang đó cũng chẳng còn sức khoẻ mà đi làm kiếm tiền tự sống, sẽ chỉ ở nhà trông nom các cháu nhỏ, cho Cha Mẹ chúng đi làm đi học mà thôi.

Nếu Nhà Nước chấp thuận cho đi, thì đời đời gia đình chúng tôi nhớ mãi “lòng nhân đạo đầy tình người” của “Đảng Quang vinh”. Còn không cho thì chúng tôi ở lại, tiếp tục lao động với hết khả năng của mình, như đang làm trong hiện tại, được đến đâu hay đến đấy.”

Sau hơn tiếng đồng hồ, ngồi nói chuyện trong “tinh thần cởi mở và thông cảm”, họ đã vui vẻ chia tay chẳng tỏ lộ vẻ gì khó chịu, khiến Tôi phải lo lắng. Sở dĩ Tôi vững tâm “nói thẳng nói thật” là vì đã nắm Hộ Chiếu trong tay, và gia đình Tôi đã được Bộ Ngoại Giao Nhà Nước Hà Nội xếp vào danh sách H.13, chuyển sang Thái Lan cho Toà Đại sứ Hoa Kỳ rồi, nên không lo họ trở mặt. Hơn nữa, Đảng và Nhà Nước Cộng sản Việt Nam đang cần tống ra khỏi nước, tất cả những người bị giam giữ đầy đọa lâu năm, lòng thù hận đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà Nước Xã hội Chủ nghĩa dĩ nhiên cũng rất sâu đậm. Nếu để ở lại trong nước chẳng khác nào “nuôi ong tay áo”, chắc chắn những người này sẽ cấu kết âm thầm tổ chức các phong trào gây xáo trộn Xã hội, đấu tranh làm áp lực Chính quyền phải thay đổi, từ bỏ Chế độ độc Đảng độc quyền Chuyên chính, thì đâu có lợi gì cho Xã hội Chủ nghĩa.

Từ cuối năm 1986, Đảng và Nhà Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam noi gương quan thầy Liên xô “mở cửa đổi mới”. Dân chúng được thả lỏng cho buôn bán tự do. Nhà Nước tha hồ đặt ra đủ loại thuế chồng chất lên sản phẩm, để mà thu vét làm giầu cho Đảng. Chỉ có người tiêu thụ là đưa cổ ra chịu cứa. Nhưng có đồ tốt mà mua mà dùng, còn hơn phải tiếp tục dùng những sản phẩm tồi, do các Xí nghiệp Quốc doanh độc quyền sản xuất.

Nhà Nước có biện pháp đánh thuế của Nhà Nước. Dân làm ăn buôn bán cũng có mánh lới trốn thuế, nhờ các cấp Cán bộ Nhà Nước tiếp tay “ăn móc ngoặc”, để sống phè phỡn cho bõ những ngày nằm trong “bưng” đói khổ. Nạn Cán bộ Cách mạng quan liêu tham nhũng vốn có xưa nay, được thời cơ bộc phát công khai hoành hành mạnh mẽ hơn, tại mọi cấp từ lớn xuống đến nhỏ. Nhà Nước chắc cũng biết nhưng làm ngơ, miễn sao mọi người cùng có công việc làm kiếm ra tiền để sống thong thả. Không còn ai than van thù ghét Nhà Nước, trong giai đoạn cả Thế giới Cộng sản đang gặp cơn bĩ cực, lung lay, theo nhau xụp đổ, là được rồi.

Từ sau ngày giải phóng 30-4-1975, Đảng Cộng sản Việt Nam đã bần cùng hoá nhân dân san bằng giai cấp, bằng 2 lần đổi tiền và một lần đánh Tư sản Mại bản. Nay theo gương quan Thầy Liên Xô “đổi mới, mở hé cửa”, cho làm ăn lối Kinh tế Thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa, không biết tiền của ở đâu Dân chúng còn, mà đổ ra làm ăn nhiều đến thế? Các Xí nghiệp Nhà Nước theo nhau mở Ngân hàng tiết kiệm, cho ăn lời thật cao, thu hút tiền và vàng của Dân chúng lấy vốn kinh doanh. Ai để dài hạn 6 tháng, 1 năm mới rút ra, mức lời cao gấp mấy lần mức lời dành cho các thương vụ gửi vào rút ra hàng tháng. Nhiều người nhẹ dạ không biết buôn bán, thay vì cất tiền giữ vàng trong tủ phòng thân, thấy cò mồi đua nhau đi mở trương mục tiết kiệm ăn lời ngon lành, xúi giục lôi cuốn, cũng thử liều dấn thân làm theo. Không đầy một năm, khi đã thu vét được nhiều tiền của Dân chúng rồi, Nhà Nước ra lệnh đóng cửa tất cả Ngân hàng Tiết kiệm, để kiểm tra vì có gian lận. Nhà Nước sẽ trách nhiệm hoàn trả tiền vốn, cho những trương chủ ký thác từ 100 ngàn đồng trở xuống. Còn những trương chủ có số tiền ký thác cao hơn, sẽ được một Ủy ban đặc nhiệm cứu xét, hoàn trả lần lần từng ít một. Thật là một Kế hoạch xảo quyệt khoa học tinh vi, của Đảng Cộng sản và Nhà Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tung ra thu vét cướp tiền, vàng, của Nhân dân thêm lần nữa. Với mục đích tối hậu là quyết tâm bần cùng hoá mọi người, để thực hiện cho bằng được Chế độ độc Đảng tập quyền Vô sản chuyên chính trên đất nước Việt Nam. Dùng phương pháp nắm giữ bao tử để kiềm chế chỉ huy, buộc mọi người phải ngoan ngoãn tuân theo lệnh của Đảng và Nhà Nước Xã hội Chủ nghĩa.

May cho gia đình Tôi chẳng có tiền dư, mà cho có dư, cũng không khi nào bị xập vào cái bẫy lừa bịp này. Nhưng thương cho nhiều đồng bào thiếu kinh nghiệm, trong đó cũng có một số bạn Cựu Tù Chính trị không muốn bỏ nước ra đi, phải khóc dở mếu dở vì bị lừa bịp tán gia bại sản thêm lần nữa, kêu Trời không thấu.

Sau khi nhận được Hộ Chiếu cho cả gia đình đi Hoa Kỳ, Tôi ghé Chùa Giác Ngạn thăm và báo tin vui với Thượng Tọa Thích Thanh Long. Ngài ngỏ lời chia vui và nói : “-Vậy là Đại hạn đã qua, Vận may đang tới, chúc Đại tá và Bửu quyến ra đi gặp mọi điều Phước Lành. Ráng chịu đựng dăm bẩy năm ly hương, chuẩn bị chờ thời cơ đến, trở về Việt Nam mà phực hưng tái thiết xứ sở, đem lại ấm no cho đồng bào thoát ách độc tài của Cộng sản.” Tôi hỏi : “-Sao Thượng Tọa không nộp đơn xin đi tỵ nạn?” Ngài trả lời : “-Tôi “tứ cố vô thân” lại già yếu quá rồi, ở lại đây tiếp tục tu hành, chia sẻ an ủi nỗi đau thương của đồng bào và Phật tử, vun đắp Quả Phúc tốt hơn.”

Đến khoảng gần cuối năm 1991, Thượng Tọa Thanh Long trở bệnh nặng và qua đời. Nhục thể được hỏa táng ngày 20 tháng 10 năm Tân Mùi 1991. Một cây tháp được xây dựng ngay trong sân Chùa, để lưu tro cốt của Ngài. Đám táng được tổ chức rất trọng thể, rất đông Tăng Ni và đồng bào Phật tử tham gia, tiễn đưa dài cả cây số đường. Cảnh sát phải tăng cường giữ trật tự lưu thông. Một tháng sau ngày Thượng Tọa Thanh Long viên tịch, Vị Thượng Toạ trụ trì Chùa thay thế trong khi Ngài đi cải tạo, cũng qua đời. Ngôi Chùa trở thành không chủ. Chính quyền địa phương chỉ định một Đại Đức từ Chùa Vĩnh Nghiêm ở đường Công Lý cũ, tới cai quản tạm, chờ Giáo hội Phật giáo do Nhà Nước thành lập chỉ định người thay thế.

Để ghi công đức nhà chân tu, Tôi đã đề tác một bài thơ HOÀI CỐ NHÂN, và đưa tiền xin Vị trụ trì mới khắc bia gắn trên bệ thờ Thượng Tọa Thanh Long tại ngôi Tháp. Nhưng đến tháng 8 năm 1992, Tôi đến lạy giã biệt trước di ảnh Ngài tại ngôi Tháp để đi Hoa Kỳ, vẫn không thấy thực hiện tấm bia. Đây là bài thơ :

HOÀI CỐ NHÂN.

Thượng Tọa Thanh Long đã mãn phần,
Khuôn Thiền Giác Ngạn vắng Hiền quân.
Bốn Mùa khổ hạnh xây công đức,
Tám Tiết tu thân diệt Lục Trần.
Dứt kiếp luân hồi về cõi Phật,
Lìa thân cát bụi hết trầm luân.
Danh thơm đạo đức lưu muôn thuở,
Gương sáng từ bi rạng Thế nhân.

KHIẾT CHÂU. Phú Nhuận, mùa Thu Tân Mùi 1991.

Gần ngày Lễ Giáng Sinh 1990, nhận được một giấy thông báo của Toà Đai sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan, cho biết là Tôi và gia đình được xếp vào danh sách R.D.1, với câu lưu ý : “Nếu chưa được Nhà Nước Việt Nam cấp Hộ Chiếu thì phải tiếp xúc để xin xét cấp ngay”. Tôi chẳng biết danh sách R.D. có ý nghĩa gì, nên biên thơ sang Hoa Kỳ thông báo và yêu cầu Con Tôi, tiếp xúc hỏi xem là cái gì? Cậu ấy trả lời cho biết đây là trường hợp những cựu Tù Chính trị, xin ra đi khỏi nước Việt Nam theo chương trình Nhân đạo của Hoa Kỳ có thân nhân bảo trợ, được tập trung vào các danh sách R.D. thông báo cho Chính quyền Việt Nam, để yêu cầu ưu tiên cấp Hộ Chiếu cho đi trước những người khác. Tôi đến hỏi thăm anh Đại tá Phạm tài Điệt, anh ấy cũng nhận được bản thông báo như Tôi. Anh ấy cũng đi gặp bạn bè để tìm hiểu, tin tức thâu nhận được cũng đúng như lời con Tôi đã cho biết. Mọi người vui mừng hy vọng sẽ được gọi phỏng vấn và ra đi trong năm 1991.

Nhưng đại hạn chưa dứt hẳn, luật bù trừ “Họa Phúc trùng lai” vẫn còn đeo duổi. Cuối năm con Ngựa (Canh Ngọ) 1990, vừa nhận tin vui gia đình được ghi vào danh sách D.R.1, thì đúng ngày Một Tết đón năm con Dê mới (Tân Mùi-1991), chuyện hao tài cũng xồng xộc vào nhà. Mắt phải của Tôi bị đục thủy tinh thể toàn diện, không trông thấy gì nữa. Đợi qua ngày mồng Bẩy hạ Nêu hết Tết, Tôi đi làm thủ tục vào nằm Bệnh viện Điện Biên Phủ chuyên khoa mắt, để giải phẫu. Tháng 1 năm 1988, Tôi đã có dịp vào đây từ Trại Tù Z30D Hàm Tân Thuận Hải, để mổ mắt trái bị đục thủy tinh thể, đã có kinh nghiệm nên không lo lắng bồn chồn gì cả. Lần này Tôi xin vào nằm Khu Nhãn Khoa II trên lầu 2, để Bác sĩ Nam đã mổ mắt trái của Tôi hồi tháng 1 năm 1988, mổ nốt mắt phải, nhưng không được. Người ta nói mắt phải chỉ bị đục thủy tinh thể, không bị cao nhãn áp, nên vào Khu Nhãn Khoa I ở lầu một.

Mắt phải của Tôi được cái vinh dự, do Bác sĩ trưởng Khu (ở Bắc vào đang là Khoa Trưởng Khoa Nhãn của Viện Đại Học Y Khoa Saigon) đích thân phụ trách làm phẫu thuật. Nhưng không biết vì lý do gì, sau khi mổ một ngày, con ngươi mắt của Tôi đau nhức làm buốt đầu chịu không nổi. Đến khi vết mổ mắt lành hẳn, lòng đen con ngươi cứ từ từ tự động bị kéo sát vào gần sống mũi. Khiến cho Tôi trở thành anh lé nặng, lúc nào cũng thấy 2 cảnh hiện ra trước mặt. Những bức ảnh bán thân của Tôi chụp trước 30-4-1975, cũng như Thẻ Căn Cước thời Việt Nam Cộng hòa cấp còn giữ được, minh chứng rõ ràng Tôi không phải người lé bẩm sinh. Các bạn quen thân cũ cũng ngạc nhiên, không biết vì sao sau khi đi Tù mười mấy năm về, Tôi lại biến thành anh chàng lé. (Nguyên do là một trong 8 gân giữ thăng bằng quanh mắt, bị tai nạn lao động trong tù làm hư nên mới khiến ra như vậy.)

Khoảng tháng 6 năm 1991, Tôi nhận được giấy của Bộ Ngoại giao Chính phủ Hà Nội báo cho biết, gia đình Tôi được đôn từ danh sách H.13 lên H.10. Đến đầu tháng 9, Phái đoàn Hoa Kỳ tại đường Thái văn Lung (đường Alexandre de Rhode cũ, ngay chỗ vườn hoa có dựng pho tượng nhà Bác học Việt Nam Pétrus Trương Vĩnh Ký, phía sau Vương Cung Thánh Đường Saigon), gửi giấy thông báo cho biết phải chuẩn bị hồ sơ gồm một số tài liệu chứng minh quá khứ, dịch sang Anh ngữ, để trình Đoàn phỏng vấn vào ngày 12 tháng 9 năm 1991 tại trụ sở đường Pasteur (Tôi không nhớ số nhà). Trong 10 ngày liền, Tôi phải lo moi móc tìm đủ thứ, hình ảnh cũ, giấy tờ hành chánh cũ, giấy khai sinh và giá thú, bằng cấp chứng minh đã tham dự các khoá học bên Hoa Kỳ... để góp thành một hồ sơ trình phái đoàn Hoa Kỳ phỏng vấn cứu xét. Thật là một vấn nạn lớn cho Tôi. Tất cả các giấy tờ, hình ảnh của Tôi và gia đình đã bị mất hết, từ ngày Saigon rơi vào tay Việt Cộng.

Trước 30-4-1975, gia đình Tôi cư ngụ trong Cư xá Sĩ quan Trại Trần Hưng Đạo (Bộ Tổng Tham Mưu), trên đường Võ Tánh (sau khi chiếm Saigon Việt Cộng đổi tên là đường Hoàng văn Thụ), gần lối rẽ vào phi trường Tân Sơn Nhất. Chiều 29 tháng 4 bị pháo kích dữ dội. Những người không di tản còn ở trong khu cư xá, sợ phải bỏ chạy ra nhà bạn bè thân nhân ở ngoài phố tá túc. Sáng ngày 30 tháng 4, lúc 10 giờ, Tướng phản bội đồng bào và chiến sĩ Việt Nam Cộng hoà Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng. Việt Cộng chiếm Bộ Tổng Tham Mưu, không ai được trở vào nhà cũ của mình vì là khu quân sự. Mãi cho đến khoảng giữa tháng 5 năm 1975, Tôi gặp được một anh Hạ sĩ, nguyên là Huynh trưởng Hướng đạo Quân đội thuộc khối Chiến tranh Chính trị Bộ Chỉ huy Tổng Hành dinh, nhà ở trong khu gia binh của Đại đội Tổng Hành Dinh, hướng dẫn gặp Thủ trưởng đơn vị Cộng sản đang đóng trong Bộ Tổng Tham mưu, để xin vào nhà lấy tư trang của gia đình. Nhưng họ không cho, và cho biết “phải có lệnh của Tướng Trần văn Trà Ủy ban Quân quản thành phố chấp thuận mới được”. Đến khi Tôi tìm người chỉ dẫn xin được giấy phép trở lại trình, ông Thủ trưởngï lại nói : “-Tất cả đồ đạc trong này là của Ngụy quân, không cứu xét”. Tôi trình bầy, Tôi chỉ lấy quần áo, bát đĩa nồi niêu xoong chảo, mùng mền, hình ảnh gia đình, do chính vợ chồng chúng tôi mua sắm bằng tiền riêng của mình, chứ đâu có lấy đồ gì của Nhà Nước. Ông ta nói tiếp : “-Anh đi làm cho Ngụy, lãnh lương của Ngụy, vậy thì tất cả những gì anh mua sắm cũng là của Ngụy, chứ không phải của riêng.” Nghe ông ta dùng biện chứng pháp Cộng sản như vậy, Tôi đành cúi đầu chào thua và cám ơn bỏ đi ra.

Anh cựu chiến hữu dẫn Tôi vào, nói nhỏ cho biết sự thật là : “-Tất cả đồ đạc quần áo của các gia đình Sĩ quan cư ngụ trong khu cấp Tá và Tướng, đã bị Bộ đội của đơn vị đang chiếm đóng lấy hết rồi. Quần áo, máy hình, máy hát, radio, giầy dép, họ lấy dùng làm của riêng. Đồ đạc, giường, tủ, bàn ghế... thì dẫn người vào bán lấy tiền chia nhau bỏ túi. Còn các món có giá trị hơn, như Ti Vi, giàn máy ghi nghe băng nhạc, máy giặt, máy sấy, tủ lạnh lớn nhỏ, máy điều hoà không khí, thì các cấp Chỉ huy đưa xe tải Quân đội đến chở đi. Sách vở, giấy tờ, hình ảnh thì chất đống đốt. Nếu cho Tôi vào nhà cũng chẳng còn gì mà nhặt.” Trước hoàn cảnh đó, mặt thật gian tham thổ phỉ, cướp của trắng trợn của Cán bộ Bộ đội Nhân dân, sẽ bị phơi bầy trước mắt anh chàng bị kết tội là Ngụy quân cướp của giết người thì ê mặt. Đành phải lấy uy quyền của kẻ thắng, phán đại rằng là đồ của Ngụy, không giải quyết, cho xong chuyện.

Vấn đề giấy khai sanh của các con thì không lo. Chúng được sinh ra tại Saigon, Gia Định, có thể đến các Quận xin bản sao không khó khăn. Riêng phần Khai sinh và giá thú của Vợ Chồng chúng tôi, do các cơ quan Hành chánh Chính quyền Quốc gia trên đất Bắc cấp từ mấy chục năm về trước (hồi đất nước chưa bị chia đôi), bây giờ làm gì còn hồ sơ lưu trữ mà xin được bản sao. Đành phải viết “tờ khai danh dự”, đưa chính quyền Phường nơi cư ngụ thị thực chữ ký, nếu phái đoàn phỏng vấn không chấp nhận thì đành chịu. Cũng may, hồi đi trình diện cải tạo, có 3 văn kiện sau đây : -1. Thẻ Căn Cước dân sự do Việt Nam Cộng hoà cấp; -2. Bằng lái xe dân sự do Bộ Công Chánh Chính phủ Quốc gia Việt Nam cấp từ năm 1951, có ghi nghề nghiệp của Tôi là Sĩ quan quân đội; -3. Bản trích sao Tướng mạo Quân vụ do Tổng cục Chiến tranh Chính trị cấp hồi 1973. Tôi không đem nộp mà để lại nhà cho Vợ giữ, nên lúc này là những tài liệu rất có giá trị qúy báu, để chứng minh về lý lịch của Tôi.

Một trong các Hạ sĩ quan Huynh trưởng Hướng đạo cũ đến thăm, biết Tôi đang gặp khó khăn trong việc tìm các văn kiện chứng minh về lý lịch. Anh ấy về lục trong đống ảnh gia đình, tìm được 2 tấm hình chụp tại Trại Huấn luyện Huynh trưởng Hướng đạo Quân đội vào năm 1972. Một tấm Tôi mặc quân phục tác chiến với cấp hiệu Đại tá, và một tấm Tôi đứng bên Trung tướng Trần văn Trung, Tổng Cục trưởng Chiến tranh Chính trị, mặc đồng phục Hướng đạo sinh, cùng mấy sĩ quan Cố vấn Hoa Kỳ mặc sắc phục Quân đội. Ngoài ra, con Tôi ở Hoa Kỳ cũng liên lạc được với Tướng Chỉ huy trưởng Truyền Tin Lục quân thuộc Bộ Quốc phòng trong Ngũ Giác Đài, của Chính phủ Hoa Kỳ tại Hoa Thịnh Đốn, giới thiệu cho tiếp xúc với cơ quan phụ trách huấn luyện lục hồ sơ cũ, cấp giấy chứng nhận Tôi đã theo học Trường Truyền Tin Lục quân tại Fort Monmouth, New Jersey, niên khoá 1956-1957.

Sau khi có được mọi thứ, lại còn nạn tốn tiền thuê dịch tất cả ra Anh ngữ. Chỉ có một văn phòng dịch thuật của Nhà Nước đủ “tiêu chuẩn” được phép độc quyền làm công việc này. Giá cả đòi bao nhiêu cũng phải lặng lẽ đóng cho được việc. Có những chỗ thấy họ dịch không đúng nghĩa, mình có ý kiến cũng không được. Nhiều lời qua lại họ giận lẩy, trả không nhận làm là mọi việc tiêu tùng. Đành phải ngậm tăm mà chịu, vì trên bản phiên dịch không có con dấu của văn phòng này, tài liệu bị khước từ coi như không có giá trị.

Ngày quy định phỏng vấn tới, giờ hẹn có mặt tại Cơ sở đường Pasteur là 10 giờ sáng. Cả gia đình ăn uống no nê, mặc quần áo tươm tất nhã nhặn, thuê mấy chiếc xe xích lô đạp chở đi cùng một lượt vào lúc 8 giờ cho sớm sủa, trông như phái đoàn đám cưới đi đón Dâu. Thật là vui, nhưng ai nấy hồi hộp lo lắng, chẳng khác nào thuở còn nhỏ, lần đầu trong đời đi dự thi lấy bằng Tiểu học. Đến nơi mới có 9 giờ, sớm quá chưa được vào trong trụ sở, phải đứng lóng ngóng bên lề đường đợi. Bên trong đầy nghẹt người đến làm việc từ 8 giờ sáng, còn ứ lại chưa ra hết. Đúng 10 giờ, nhân viên an ninh canh cửa thông báo xét giấy mời, cho từng gia đình lần lượt vào bên trong. Sau khi đã vào qua cửa, muốn trở ra có việc gì, phải gặp nhân viên an ninh xin phiếu tái nhập có đóng dấu để kiểm soát. Nếu không, ra rồi không cách nào trở vào lại được. Thật cẩn thận kỹ lưỡng quá chừng!
Ngay bên trong cửa vào trụ sở là khu chờ đợi. Không đủ ghế, người ta đứng ngồi la liệt trên nền nhà, choáng cả hành lang và lối dẫn vào các phòng làm việc phía nhà sau. Nhưng, bên trái cửa vào có một khu rộng, bầy bàn ghế làm Câu lạc bộ, bán đủ thứ đồ ăn uống cho người đến chờ phỏng vấn dùng với giá cắt cổ, đắt gấp đôi những gì bầy bán ngay bên lề đường ngoài cửa.

Được vào trong nhà xong, phải lo chen nhau đứng xếp hàng nộp giấy mời đến phỏng vấn, đóng tiền lập hồ sơ và chụp ảnh lăn tay cá nhân, rồi ngồi hoặc đứng dựa quanh đâu đó đợi. Mỗi gia đình được gọi tên, đều có một nhân viên phụ trách dẫn đi chụp ảnh, lăn tay, đưa vào một phòng riêng thuộc dẫy nhà kép phía sau căn nhà lớn, phát các mẫu khai bằng Anh ngữ, và hướng dẫn sơ qua cách thức điền. Lúc mọi người trong gia đình đã điền đầy đủ, chủ gia đình phải đính kèm các văn kiện tài liệu đòi hỏi ghi trên giấy mời đến phỏng vấn, đem nộp cho nhân viên phụ trách kiểm nhận. Nếu thiếu sót gì, phải đi về lấy đến bổ túc. Nếu được coi là đầy đủ, trở ra khu chờ ngồi đợi, đến lượt gọi lên lầu phỏng vấn.

Những người đến chờ phỏng vấn gồm đủ các diện. Nào là O.D.P. (Orderly Departure Progam) đoàn tụ gia đình theo Chương trình ra đi trong vòng trật tự . Nào là H.O. (Humanitarian Operation) diện Nhân đạo dành cho các Tù Chính trị đã được tha, đủ điều kiện đi tái định cư ở Hoa Kỳ. Sau cùng là diện Con Lai, dành cho những trẻ mang dòng máu người Hoa Kỳ, do các bà Mẹ người Việt đẻ ra trước khi Quân lực Hoa Kỳ rút khỏi Nam Việt Nam. Trong khi chờ đợi tới phiên được vào phỏng vấn, chúng tôi ngồi nghe và quan sát hành động của một số trong các gia đình đi theo diện Con Lai dặn dò nhau, thấy mà chán ngán. Có 3 loại trường hợp Con Lai :

-1. Trường hợp Mẹ lấy Mỹ không hôn thú sinh con. Khi người chồng Mỹ tạm bợ về nước không mang theo, bà Mẹ lấy chồng Việt Nam sanh thêm một lô con nữa. Nay cả gia đình xin đi theo diện Con Lai.

-2. Trường hợp đứa trẻ Lai bị Mẹ đẻ bỏ rơi, hoặc Mẹ đã chết được người khác nuôi. Nay gia đình người có công nuôi dưỡng, xin đi theo diện Con Lai.

Cả 2 trường hợp trên, đều đúng theo quy định của Chương trình định cư Con Lai tại Hoa Kỳ. Họ ngay thẳng thiệt tình, nộp hồ sơ xin đi theo diện Con Lai, chẳng có gì gian trá phải lo lắng, ngồi lặng lẽ chờ đợi đến lượt vào trả lời phỏng vấn “bình chân như vại”.

-3. Riêng trường hợp đáng nói là, những người không thuộc hạng hiền lương, lợi dụng thời cuộc “xoay gió đổi chiều” kiếm được nhiều tiền, nay muốn đưa cả gia đình sang Hoa Kỳ định cư. Nhưng, không thuộc bất cứ trường hợp nào có thể nộp đơn xin đi, họ phải tìm mua những trẻ Lai do người khác nuôi bấy nay, để làm hồ sơ xin đi theo diện Con Lai.

Khác với các gia đình thuộc 2 trường hợp trên. Cả Vợ lẫn Chồng, lăng xăng đi mua thức ăn đồ uống, săn đón vồ vập tỏ cử chỉ vuốt ve âu yếm, lấm lét thì thầm dặn dò, nhắc đi nhắc lại cho đứa trẻ Lai và mấy đứa con ruột, những câu trả lời phỏng vấn mẫu. Ai nhìn thấy hoạt cảnh này cũng phải tội nghiệp và buồn cười. Họ sợ đủ thứ. Nào là các giấy Khai sinh, Hộ Khẩu man trá, do mua chuộc các chức quyền địa phương làm sai sự thật, để chứng minh đứa trẻ có mặt lâu năm trong gia đình, có thể bị phát giác. Nào là, đứa trẻ mới về ở chung với những người chưa quen biết bao giờ, không hề có trong tâm khảm non nớt những kỷ niệm thân thiết vui buồn trong quá khứ, làm sao tránh khỏi những cử chỉ sơ hở bỡ ngỡ kém tự nhiên... Cho nên họ phải đẻ ra đủ loại câu trả lời mẫu, những kỷ niệm giả tạo, buộc mấy đứa trẻ phải học thuộc lòng, để trả lời như vẹt khi được nhân viên phỏng vấn hỏi. Nhưng vẫn còn sợ trường hợp nhân viên phỏng vấn hỏi một câu cắc cớ bất ngờ, đứa trẻ chưa được chỉ dẫn lo sợ lúng túng nói lỡ lời, sẽ lòi sự gian trá ra thì hỏng cả mọi việc. Không những đã mất tiền “xôi hỏng, bỏng không” thì chớ, còn có thể bị tù tội nữa. Thật là trớ trêu, và thương thay cho những kẻ gian manh xảo quyệt !

Người ta đã thấy có những trường hợp, qua mặt được đoàn phỏng vấn tại Saigon, nhưng khi đến điểm tập trung bên Phi Luật Tân, chờ hoàn tất những thủ tục tiếp theo trước khi vào đất Mỹ, đã bị phát giác và bị giao trả về Việt Nam. Cũng có những trường hợp Cán bộ Cộng sản làm giấy tờ giả mạo, đi theo diện Con Lai sang Hoa Kỳ hoạt động lén lút, đã bị các trẻ lai tố cáo. Nhưng cũng còn nhiều trường hợp không bị tố giác. Nên các Hội đoàn Cộng đồng người Việt tỵ nạn hoạt động chống Cộng, bị các phần tử này trà trộn vào, tạo môi trường gây chia rẽ làm rối loạn hàng ngũ. Khiến cho các kế hoạch Chống Cộng đưa ra thực hiện, không đạt được kết quả hữu hiệu như mong muốn.
Buổi trưa, nhân viên Phái đoàn Phỏng vấn nghỉ dùng bữa một tiếng đồng hồ. Do đó, Gia đình Tôi đã hoàn tất hồ sơ nộp xong từ lúc 11 giờ, nhưng phải đợi mãi đến 1 giờ mới được gọi lên lầu phỏng vấn. Tôi nhớ không rõ lắm, hình như ở trên lầu có đến 4 hay 5 phòng, phỏng vấn cùng một lượt. Không biết nhờ đâu, có người được gọi phỏng vấn cùng một ngày với chúng tôi, tỏ vẻ rất thông thạo về cá tính, của từng nhân viên Hoa Kỳ phụ trách phỏng vấn. Họ xì xầm cho biết, Ông ở phòng số này khó, Bà ở phòng số kia dễ..., làm ai nấy càng thêm hồi hộp. Trong lúc ngồi chờ đợi ở dưới nhà, cũng đã thấy có những gia đình phỏng vấn xong, xuống lầu với vẻ mặt buồn thiu. Hoặc vì có người trong gia đình không hội đủ điều kiện nào đó, nên không được cùng đi. Hoặc phải sửa đổi bổ túc những tài liệu hộ tịch hôn thú sao đó, nên phải về lo bổ túc rồi nộp lại cho đầy đủ, kịp hạn kỳ đòi hỏi. Nộp xong còn phải đợi cứu xét, nếu được chấp nhận mới hy vọng gọi phỏng vấn trở lại. Chẳng biết bao lâu, thật rắc rối tơ lòng, và tội nghiệp cho những gia đình bị xứt mẻ tình vợ chồng, sau những năm dài cải tạo !

Gia đình Tôi được gọi vào căn phòng, người ta đồn là ông Đại diện Hoa Kỳ phỏng vấn khó tính. Nhưng thực tế, cả gia đình Tôi nhận thấy ông ấy chẳng khó khăn chút nào. Với diện mạo nghiêm nghị, lạnh lùng kiểu cách người gốc Anh Cát Lợi, ông ta ăn nói rất từ tốn điềm đạm và thông cảm nhân hậu. Trong phòng phỏng vấn, ngoài ông Đại diện Hoa Kỳ ra, còn một người Việt Nam làm thông dịch viên. Vị này hơi hách dịch chút đỉnh, chắc là nhân viên Công An không mặc sắc phục, được Nhà Nước cài vào làm.

Thoạt tiên, tất cả gia đình được mời vào trong phòng, đứng nghiêm trang dơ bàn tay phải lên ngang vai, ông Đại diện cũng dơ tay phải của ông lên ngang vai như mọi người, và nói bằng tiếng Anh câu : “ -Quý Vị hãy thề nói sự thật và toàn sự thật.”, mọi người trả lời : “-Tôi xin thề”. Xong thủ tục tuyên thệ, chỉ còn 2 Vợ Chồng Tôi và mấy người con độc thân ngồi lại trong phòng, để trả lời phỏng vấn từng người một. Tất cả những người khác ra ngoài hành lang đứng đợi, chờ khi chúng tôi được phỏng vấn xong ra, mới lần lượt được gọi từng cặp vợ chồng và con vào phỏng vấn tiếp theo. Cuộc phỏng vấn cũng chẳng có gì khó khăn, họ chỉ hỏi để kiểm tra lý lịch cá nhân, chẳng hỏi gì về quá khứ, cũng chẳng hỏi tại sao lại muốn đi Hoa Kỳ... Tất cả thân nhân của Tôi đều được nghe hỏi và trả lời qua thông dịch viên, vì không ai nói được tiếng Anh.

Ông Đại diện Hoa Kỳ phỏng vấn Tôi đầu tiên. Khi ông ấy vừa dứt lời hỏi bằng tiếng Anh : “-Tên ông là gì?” Tôi buột miệng trả lời tên Tôi ngay, thay vì chờ thông dịch viên làm bổn phận chuyển ngữ. Trả lời xong, Tôi chợt nhớ ra là có thông dịch viên, liền ngỏ lời xin lỗi cả ông Đại diện lẫn ông thông dịch viên bằng tiếng Anh. Hai người nhìn nhau cười, và ông thông dịch viên dùng tiếng Việt nói : “-Ông nói được tiếng Anh, cứ tự nhiên trả lời thẳng bằng tiếng Anh, không sao.” Chắc ông Đại diện nghe hiểu được tiếng Việt, quay qua nhìn Tôi gật đầu. Trong cuộc phỏng vấn gia đình Tôi, chỉ có mấy câu hỏi đặc biệt làm Tôi nhớ mãi không quên là :

-1. Ông Đại diện hỏi : “-Ông có mấy vợ? Chỉ có một bà này thôi hả?” Sau đó, ông ấy cũng hỏi Vợ Tôi : “-Bà có mấy chồng? Chỉ có một ông này thôi hả? Lấy nhau từ bao giờ ? Được mấy người con ? Có mấy người đang ở bên Hoa Kỳ?”

-2. Phỏng vấn Tôi xong, Ông Đại diện điềm đạm nghiêm chỉnh nói : “-Ông có 2 người con là Công dân Hoa Kỳ, đều đang đi làm có lợi tức. Sao không yêu cầu cả 2 người, cùng đứng tên bảo lãnh cho gia đình ông? Lợi tức của một mình cậu con trai, e không đủ để bảo lãnh cho một gia đình đông đến 16 người.” Tôi trả lời : “-Cô con gái của Tôi đã lấy chồng. Tôi không biết chồng Cô ấy có đồng ý chấp nhận tiếp tay giúp không?” Ông ấy nói : “-Sao ông không cứ thử xem, biết chừng đâu cậu con rể cũng muốn tiếp tay giúp ông thì sao?” Tôi nói : “-Vâng để Tôi sẽ cố gắng hết sức mình. Ngày mai Tôi sẽ gửi thư cho con gái, để yêu cầu cô ấy làm mọi thủ tục cần thiết.”

-3. Duy nhất chỉ có người con trai sinh năm 1961 (31 tuổi), bị hỏi : “-Tại sao không đi làm nghĩa vụ quân sự?” Cậu ấy cho Tôi biết là, đã trả lời gọn lỏn : “-Không đủ “tiêu chuẩn”theo Nhà Nước quy định”, chớ không nói ra sự thật (vì là con Ngụy nên Nhà Nước không gọi). Cậu ấy cũng nghi người thông dịch viên là Công An, được cài vào làm việc tại đây, nên không dám nói sự thật, sợ có thể gây trở ngại cho việc ra đi của gia đình. Thật là khôn ngoan!

Khi mọi người trong gia đình đã được phỏng vấn xong, tất cả lại được mời vào tập trung trong phòng, để nghe ông Đại diện đọc quyết định. Kết quả thật tốt đẹp. Tất cả gia đình được chấp nhận cho sang Hoa Kỳ định cư hết. Nhưng không phải toàn thể là tỵ nạn, mà chia ra 3 thành phần nhập cư khác nhau. Ông Đại diện đọc tên từng người theo từng thành phần và giải thích như sau :

-1. Mười người đi theo diện O.D.P. (Orderly Departure Program = Ra đi trong vòng trật tự), gồm 2 Vợ Chồng Tôi và 8 người khác vừa Con vừa Cháu. Mọi người trong thành phần này, sẽ do chính người Con ở Hoa Kỳ đứng tên bảo lãnh, phải đóng tiền mua vé máy bay. Sang đến Hoa Kỳ, những người này không được lãnh trợ cấp xã hội của Chính phủ. Mọi sự hỗ trợ đều do người con đứng bảo trợ, phải lo hết trong vòng 3 năm. Chính phủ Hoa Kỳ sẽ giảm thuế lợi tức hàng năm, cho người đứng bảo trợ dùng vào việc này.

-2. Sáu người đi theo diện H.O. (Humanitarian Operation) thường hiểu là Tỵ nạn (Refugees), gồm vừa Con còn độc thân và Cháu ngoại con người độc thân. Chính phủ Hoa Kỳ sẽø ứng trước tiền mua vé máy bay cho những người này. Nhưng 8 tháng sau khi định cư tại Hoa Kỳ, phải lo gửi tiền hoàn trả lại, lần lần mỗi tháng một ít cho đến hết. Ngay khi tới Hoa Kỳ, sẽ được hưởng trợ cấp xã hội và khám trị bệnh do Chính phủ Hoa Kỳ đài thọ trong vòng 8 tháng, sau đó phải tự túc.

-3. Ba người đi theo diện P.I.P. (Public Interested Personels = Những người Xã hội cần), gồm 2 Con và 1 Cháu. Các người này cũng sẽ do người đứng tên bảo lãnh, đài thọ tiền mua vé máy bay, lo lắng hỗ trợ y như trường hợp của các người thuộc thành phần O.D.P.

Các bản chính tài liệu bằng tiếng Việt, cùng các hình ảnh chứng minh quá khứ của Tôi và gia đình, trình kèm hồ sơ phỏng vấn được hoàn trả lại. Đồng thời được cấp một giấy giới thiệu, cho mọi người đi làm thủ tục trích ngừa tại trụ sở Y tế nơi gần Cầu Công Lý, và khám sức khoẻ Tổng quát tại Bệnh viện Cảnh sát Quốc gia cũ, ở đường Hùng Vương bên Chợ Lớn (Bệnh viện đổi tên mới bằng một con số, nhưng Tôi không nhớ).

Tôi đại diện gia đình tỏ lời cám ơn, và ra về trong lòng hân hoan lâng lâng, như vừa nghe xong buổi xướng danh trúng tuyển kỳ thi vào Đại học, sau mười mấy năm trời dùi mài đũng quần trong các lớp Trung học.

Ngày hôm sau, 13 tháng 9 năm 1991, cả gia đình dắt nhau đi trích ngừa các loại bệnh, theo quy ước Y tế quốc tế buộc tất cả mọi người muốn du lịch qua các nước khác phải tuân theo. Ba ngày sau, 16 tháng 9 năm 1991, cả gia đình vào Bệnh viện Cảnh sát Quốc gia cũ ở đường Hùng Vương bên Chợ Lớn, từ sáng sớm để khám tổng quát và qua các cuộc thử nghiệm, chụp hình phổi... Sau đó, vì quá thời hạn 2 tháng gia đình chưa có chuyến bay lên đường, phải đến Cơ quan Y tế đường Công Lý trích thêm 2 đợt nữa. Đợt 2 vào ngày 13 tháng 11 năm 1991. Đợt 3 vào ngày 13 tháng 5 năm 1992. Lần nào đến trích cũng phải trả tiền lệ phí.

Khu khám nghiệm đặc biệt cho những người đi Hoa Kỳ theo diện H.O. và O.D.P., được xây dựng ngay sát phía cổng sau của Bệnh viện Cảnh sát cũ, lối ra đường Sư Vạn Hạnh. Cổng sắt lớn lúc nào cũng đóng kín, chỉ mở một cửa nhỏ sát bên cạnh trạm an ninh để kiểm soát người ra vào. Ai có giấy giới thiệu đến làm thủ tục khám nghiệm, để hoàn tất hồ sơ đi Hoa Kỳ mới được vào bên trong sân. Ngày nào cũng đông nghẹt người như đi xem hội chợ. Từng gia đình chen nhau đứng xếp hàng, chờ đóng tiền lệ phí lập hồ sơ, qua nhiều phòng khám nghiệm khác nhau, nên mất rất nhiều thì giờ. Chúng tôi đến nơi vào lúc 9 giờ sáng, nối đuôi mọi người “làm việc” liên tục, mãi đến 4 giờ chiều mới xong.

Ai đến đây cũng phải nhịn đói, để lấy máu thử nghiệm rồi mới được ăn. Sau đó tiếp tục chờ đợi qua các phòng khám nghiệm suốt cả ngày. Do đó nhu cầu ăn uống rất cao. Ban Giám đốc Bệnh viện thiếp lập tới 2 khu bán hàng ăn uống suốt ngày, để cung phụng cho khách hàng. Giá cả dĩ nhiên cao hơn bên ngoài chút đỉnh. Thực khách đông, lúc nào cũng phải xếp hàng chờ. Bệnh viện tha hồ thu tiền, cho quỹ Xã hội Đảng Bộ chi dùng.

Ở đây toàn là Bác sĩ và Y tá Việt Nam làm việc. Nhưng, cũng thấy bóng dáng đôi ba người Hoa Kỳ chạy qua lại các phòng, để kiểm soát và giải quyết những ca rắc rối tại chỗ. Nhân viên làm việc cho biết, mọi kết quả khám và thử nghiệm, đều phải gửi qua Ủy ban Y tế của Hoa Kỳ bên Thái Lan xét định. Những người có máu bị nhiễm HIV, bị khước từ vĩnh viễn không cho sang Hoa Kỳ. Những người có vi trùng lao hiện diện trong máu, hoặc hình phổi có tì vết nghi là có bệnh, phải đến lấy đờm thử 3 ngày liền. Nếu kết quả “dương tính” sẽ phải hàng ngày đến Bệnh viện, lãnh thuốc uống tại chỗ suốt 6 tháng liền. Sau đó phải chụp phổi và thử máu thử đờm lại, nếu kết quả tốt sẽ được cho lên đường. Còn chưa hết phải tiếp tục đến Bệnh viện nhận thuốc uống, điều trị cho thật hết bệnh mới được đi. Tôi biết có 2 trường hợp, cả gia đình phải ở lại chờ, một người bị buộc phải uống thuốc chữa bệnh lao phổi cả năm trời, đến lúc khỏi hẳn mới được dắt nhau lên đường sang Hoa Kỳ định cư. Hiện tại, gia đình 2 bạn ấy và chúng tôi vẫn thường gặp nhau. Mắt 2 người phải uống thuốc bị mờ loà, không nhìn thấy xa quá một mét. Ngành Y Nhãn khoa tân tiến tại Hoa Kỳ cũng thúc thủ không chữa được. Thấy cũng tội nghiệp, nhưng còn may hơn là chẳng bao giờ được đi, phải tiếp tục sống dưới chế độ độc tài bóc lột tàn bạo, của Chế độ Cộng sản Việt Nam Chuyên chính.

Tình hình Thế giới năm Khỉ (Nhâm Thân-1992) mang lại nhiều hy vọng mới cho các gia đình cựu Tù Chính trị. Để mừng Xuân, Tôi đã làm đôi câu đối và một bài thơ, lưu lại cái cảm xúc vui mừng như sau :


CÂU ĐỐI TẾT NHÂM THÂN
Nhâm Thân đến, toàn Thế giới chan hoà hương vận mới,
Chúa Xuân về, khắp năm Châu rực rỡ ánh vinh quang.

MỪNG XUÂN NHÂM THÂN 1992
Mai vàng xoè cánh đón Nhâm Thân,
Pháo đỏ reo vang rước Hỷ Thần.
Xuân lộc dạt dào hương nhựa sống,
Không gian chan chứa ánh kim ngân.
Đông Tây (1) hoà hiệp xây Dân chủ,
Nam Bắc (2) tương giao tạo hợp quần.
Trời Đất xoay vần qua vận mới,
Đại gia đoàn tụ hội Long Vân.(3)

Tết Nhâm Thân, ngày 4 tháng 2 năm 1992.
(1) Liên Xô Cộng sản tan rã để lập Liên bang Nga, sinh hoạt theo Chế độ Dân chủ Tư bản của các nước Âu Châu và Hoa Kỳ.
(2) Khu kinh tế Bắc bán cầu gồm các nước có nền kinh tế phát triển (giầu), và Khu kinh tế Nam bán cầu gồm các nước thuộc Thế giới thứ 3, kém phát triển (nghèo).
(3) Long, Vân, là tên 2 người con đang ở Hoa Kỳ.


Chắc là các Con của Tôi bên Hoa Kỳ, gặp khó khăn về tài chánh, chậm trễ trong việc nộp tiền mua vé máy bay, nên mãi đến dầu tháng 8 năm 1992, Cơ sở đại diện Hoa Kỳ tại đường Thái văn Lung (đường Alexandre de Rhode cũ) mới gửi giấy mời đến nhận vé máy bay. Chuyến bay được dự trù rời phi cảng Tân Sơn Nhất Saigon, vào 8 giờ sáng ngày 5 tháng 8 năm 1992, đi Bangkok Thái Lan. Chỉ có 1 tuần lễ, gia đình chúng tôi phải vắt giò lên cổ, chạy đôn chạy đáo lo giải quyết đủ thứ chuyện. Thật là vất vả, nhưng vui.

Vấn đề bất động sản, khi bổ túc hồ sơ xin đi nước ngoài, phải ký giấy bằng lòng giao nhà riêng của mình cho Nhà Nước quản lý, hồ sơ mới được chuyển ra Hà Nội cứu xét. Nay lại phải đích thân chạy từ Phường, qua Sở Nhà đất Quận, lên Sở Nhà đất thành phố, để làm các giấy tờ theo mẫu dâng hiến vô điều kiện. Mọi giấy tờ có chữ ký của mình, còn phải đóng lệ phí thị thực chữ ký, với “giá biểu đặc biệt” đắt gấp 10 lần bình thường. Điều nực cười trớ trêu hơn nữa, mình bị mất nhà còn phải đóng những sắc thuế trước bạ, y như trường hợp 2 bên thường dân mua bán nhà cho nhau, theo giá biểu quy định riêng rất cao. Đóng tiền đầy đủ tại mọi nơi rồi, phải về chờ Sở Nhà đất thành phố cử người xuống, kiểm tra lập biên bản thực trạng căn nhà, và buộc mình ký tên xác nhận. Vẫn chưa xong, còn phải đợi tiếp, tới khoảng 1 tiếng đồng hồ trước giờ ngày mình dự trù rời nhà ra phi trường, mới có người tới lấy chìa khoá cửa và giao giấy đã nhận nhà.

Thường thường nhân viên giữ giấy này, đến gặp mình vào tối hôm trước, để báo cho biết sáng mai mấy giờ anh ta sẽ đến nhận chìa khoá, và giao giấy biên nhận đã hoàn tất việc giao nhà. Nếu gia chủ biết điều lót tay chút đỉnh, sáng hôm sau anh ta sẽ đến khoảng 2 tiếng đồng hồ, trước giờ mình dự tính phải rời nhà lên phi trường. Nếu không, Vị Thần Ôn Dịch này, có thể làm cho gia chủ một phen lo lắng lên ruột. Anh ta đợi tới đúng giờ gia chủ phải lên xe rời nhà đi phi trường, mới chường mặt ra, với câu nói bình thản lạnh lùng : “-Rất tiếc, chiếc xe máy dầu qủy quái bị trục trặc, buổi sáng trời lạnh đạp hoài nó không chịu nổ máy.” Đó là câu chuyện do một người bạn đã được chứng kiến, khi đi tiễn chân một bạn khác đi trước, kể lại cho Tôi nghe.

Hoặc nếu chẳng may vì lý do gì, người giao giấy không đến hay đến trễ quá, người ra đi không tới phi trường đúng giờ làm thủ tục, sẽ bị lỡ chuyến bay. Bao nhiêu chuyện nhiêu khê sẽ xẩy ra tiếp theo, gây trở ngại không ít cho việc ra đi. Không có mẩu giấy nhỏ then chốt, chứng nhận đã nộp hết bất động sản này trình ra, Hải quan Nhà Nước tại phi cảng không cho làm thủ tục lên máy bay. Thật quái ác !

Chỉ có phần xin các giấy chứng nhận của Toà Án, và Sở Thuế vụ là được cấp phát ngay, dễ dàng nhanh chóng không có gì phiền hà, ngay sau khi đóng đủ lệ phí quy định.

Việc sau cùng cần phải lo cũng rất quan trọng là, lựa thuê được Công ty dịch vụ có tay trong, đưa mình đem những kiện hành lý riêng của cả gia đình, tới kho của hãng hàng không tại phi trường trước, để cân đo và trình Quan thuế kiểm soát. Dĩ nhiên phải chịu tốn khoảng vài trăm ngàn, đúng theo giá biểu của Dịch vụ đòi hỏi. Đừng kèo nèo trả giá gì cả, là mọi việc bảo đảm xuông sẻ không gặp một trắc trở nào, kể cả những hành lý sẽ mang tay theo người lên phi cơ ngày lên đường. Những người không có tiền lo trang trải loại Dịch vụ này, thì hàng hoá gửi trước cũng như các thứ mang tay theo người lên máy bay, đều bị Quan thuế phi cảng mở tung ra từng chiếc một, để khám xét thật tỉ mỉ. Có thứ bị coi là hàng kinh tế phải đóng thuế rất cao. Nếu không đóng thuế, phải bỏ ra không được mang theo. Thật là cung cách hối lộ bóc lột công khai, chẳng ai làm gì được.

Phương tiện chuyên chở cả gia đình Tôi ra phi trường, phải thuê tốn hơn 100 ngàn đồng. Tất cả lớn bé già trẻ chỉ có 16 người, nhưng chiếc xe Bus nhỏ nhất cho thuê là 40 chỗ ngồi, và phải trả cước phí khứu hồi. Biết là đắt nhưng vẫn phải thuê, vì chỉ có loại xe của Công ty chuyển vận này, có giấy phép đặc biệt ra vào trạm hành khách phi trường thong thả, không bị chặn lại nơi cổng vào để kiểm soát mất thì giờ, như các loại taxi hay microbus thường chở khách khác. Tuy rằng tốn nhưng lại có điều hay, các gia đình thông gia, bạn bè xóm giềng thân quen, được dịp đi theo chúng tôi ra tận phi trường tiễn chân. Sau khi máy bay cất cánh, xe Bus lại chở những người đi tiễn chân, trở về điểm khởi hành tại nhà cũ của người ra đi.

Nhờ phúc ấm của Tổ Tiên và Trời Phật phù hộ, các Con Tôi ở bên Hoa Kỳ không quên công ơn dưỡng dục sinh thành của Cha Mẹ, và tình nghĩa Anh Chị Em ruột thịt thắm thiết sâu xa, đã gửi tiền về cho gia đình có dư giả, để trang trải được mọi chuyện xuông sẻ êm đẹp, thông đồng bén giọt, vui vẻ mọi bề.

Theo quy định, ngày 3 tháng 8 năm 1992, tức là 2 ngày trước ngày dự trù có chuyến bay rời Saigon lên đường đi Hoa Kỳ, cả gia đình còn phải dắt nhau vào Bệnh viện Cảnh sát Quốc gia cũ bên Chợ Lớn, cho Bác sĩ người Hoa Kỳ đích thân khám kiểm tra tổng quát lần chót. Nếu mọi việc thông suốt, không ai bị cảm cúm xổ mũi, mới được cấp giấy chứng nhận sức khoẻ tốt, để lên đường theo chuyến bay đã dự trù.

Ngày 4 tháng 8 năm 1992, mọi việc được coi là xuông sẻ chót lọt. Tất cả đồ đạc đã thanh toán hết, nhà trống trơn chẳng còn gì. Ăn, nằm, tiếp khách, ngay trên mấy chiếc chiếu trải trên nền nhà. Tuy vậy các bên thông gia, xóm giềng, bè bạn thân thuộc, cũng vẫn kéo nhau đến chung vui trong bữa tiệc chia tay đơn giản, được tổ chức thân mật ngay tại nhà, đến tối mịt mới dứt. Khách khứa về hết, mọi người lo thu dọn sắp xếp lại hành trang mang tay lên phi cơ cho gọn gàng. Nằm chợp mắt được khoảng 2 tiếng đồng hồ, đã phải trở dậy ăn uống, chuẩn bị giao nhà và lên xe ra phi trường.
Đúng 4 giờ sáng ngày 5 tháng 8 năm 1992, chiếc xe Bus thuê đến đậu tại trước cửa nhà. Các bên thông gia, xóm giềng, bạn bè thân, muốn đi theo lên phi trường tiễn chân cũng lục tục kéo nhau tới. Nhân viên đại diện Nhà Nước đến, yêu cầu được dẫn đi kiểm tra nhà dựa theo tờ biên bản đã ký mấy bữa trước. Xong xuôi ông ta mới nhận chìa khoá các cửa căn nhà, và trao cho mảnh giấy đã ký trước có đóng dấu của Sở Nhà Đất, chỉ to vừa bằng bàn tay, chứng nhận việc giao nhà đã hoàn tất. Thế là xong, mọi bất động sản tư hữu đã nộp hết, chẳng còn nợ nần vướng mắc gì với Nhà Nước Xã hội Chủ nghĩa. Chỉ còn 2 bàn tay trắng với bộ quần áo trên người, tất cả gia đình và bè bạn đến tiễn đưa, cùng lên xe rời nhà. Vừa đúng lúc hồi chuông Nhà Thờ Saint Thomas, bất đầu cất tiếng ngân nga, đốc nhắc giáo dân đi dự lễ cầu nguyện 5 giờ sáng.

Xe chúng tôi tới phi trường lúc trời đang rạng đông. Những tia sáng buổi bình minh vàng trong, soi tỏ mặt mọi người. Phía trước trạm hành khách phi cảng, cả vài trăm người đứng đầy nghẹt lối vào khu làm thủ tục ra đi. Ai nấy hớn hở nói cười ồn ào vui vẻ. Nhưng cũng có những nhóm, đứng túm tụm ôm nhau bịn rịn xúc động, miệng cười tay đưa khăn lên chậm chậm nước mắt. Sau khi đứng chụp ít tấm ảnh kỷ niệm với những người tiễn chân, gia đình Tôi lách đám đông vào làm các thủ tục giấy tờ quan thuế, trình Hộ Chiếu, vé máy bay, cân hành lý xách tay. Có lẽ gia đình Tôi là nhóm chót, nên mọi việc được tiến hành nhanh chóng, không phải chen chúc giành giật gì cả.

Nhờ đã lo Dịch vụ từ trước, nhân viên Quan thuế nhìn chúng tôi, hỏi có gì bất hợp pháp trong này không? Tôi trả lời không. Chẳng khám xét gì cả, anh ta cầm cục phấn trắng ngoạch ngoạch ký tên lên túi xách của mỗi người, coi như đã kiểm tra xong. Quả thật “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” đúng như lời các Cụ ngày xưa đã dạy. Mọi việc xong xuôi êm đẹp. Chưa tới giờ lên phi cơ, chúng tôi giắt nhau lên Câu lạc bộ ở trên lầu uống nước, ngồi chờ chung với những người đến trước. Chẳng thấy ai quen ra đi cùng chuyến.

Đúng 7 giờ 45, nhân viên hãng “Hàng không Dân dụng Việt Nam” cất giọng oang oang qua loa loan báo, nhắc gọi hành khách ra cửa khởi hành trình vé lên máy bay. Gia đình chúng tôi là nhóm đứng sau chót, của đoàn lữ hành khoảng trên dưới 7 chục người, lẳng lặng leo các nấc thang lên phi cơ. Trước khi chui qua cửa vào thân phi cơ, Tôi đứng yên lặng ít giây, tại bậc trên cùng đỉnh cầu thang, quay mặt ra nhìn lần chót cảnh phi cảng Tân Sơn Nhất, dơ tay vẫy giã biệt tất cả những người đang đứng ngoài hàng rào, đến tiễn đưa bạn bè thân quyến, được may mắn rời bỏ đất nước ra đi tìm Tự do, một cách công khai hợp pháp. Tôi đã từng có nhiều dịp lên phi cơ rời xa đất nước, nhưng chưa lần nào thấy lòng xúc động bồi hồi rưng rưng lệ như lần này. Tim như muốn ngừng đập, một luồng khí lạnh chạy dọc xương sống, dâng lên tận đầu làm gai rợn toàn thân, mặt tê rầng rầng, hai tai nóng bừng reo u u, cảnh vật nhoà mờ sau màn lệ nóng hổi tràn ra khoé mắt, không sao cầm giữ nổi. Sau khi Tôi bước lọt vào trong khoang tầu, chiếc cầu thang được kéo đi và cửa phi cơ đóng lại, mới thấy yên tâm chắc chắn rằng, từ nay mình và bầu đoàn Thê, Tử, Tôn, được thoát khỏi ách cai trị độc tài bóc lột tàn bạo, của nhóm người đồng chủng Việt Nam cuồng tín Vô sản chuyên chính.

Mọi người ngồi yên chỗ, thắt dây an toàn xong, máy bay lăn bánh từ từ ra phi đạo chờ cất cánh, lòng xốn xang buồn. Tiếng động cơ bắt đầu rú mạnh lấy đà trườn tới, mỗi lúc một nhanh hơn rồi dâng đuôi lên. Cả thân phi cơ rời mặt đất lướt dần lên cao, áp lực không khí đè ép bao tử dồn lên ngực làm máu dâng lên đầu, màng nhĩ trong lỗ tai lùng bùng. Giờ phút đổi đời vừa điểm, từ đây chẳng biết bao giờ lại có dịp, đạp chân trên đất nước Việt Nam thân yêu của chính mình nữa.
Sau khi cất cánh, phi cơ nghiêng mình lượn sang trái rời khoảng không gian dành cho phi đạo. Các tia nắng vàng của mặt Trời ban mai, đang xuyên qua các khuôn cửa sổ bên phải thân phi cơ chiếu vào trong khoang, đổi hướng chiếu dần lên phía phòng lái rồi biến mất. Đường bay được chỉnh theo hướng Tây, băng qua đất Xứ Chùa Tháp (Cao Miên) để đi Bangkok Thái Lan.

Không ai bảo ai, mọi người cùng nhớn nhác quay mặt, hướng mắt nhìn qua các khuôn cửa sổ nhỏ bên thân phi cơ, để thấy lần cuối cùng khung cảnh đồng ruộng phì nhiêu mênh mông, của đồng bằng Cửu Long miền Nam. Trên dải sơn hà đầy cây trái bốn mùa tươi tốt đang hiện ra dưới kia, Tôi đã từng in dấu chân hàng ngày bên chiến hữu bên đồng bào, cùng chia sẻ những niềm vui nỗi khổ trong cuộc chiến chống Cộng sản xâm lược, suốt mấy chục năm trời. Nay phải rời bỏ ra đi, có thể là vĩnh viễn chẳng bao giờ còn thấy lại, nếu Cộng sản Việt Nam vẫn còn tiếp tục ngự trị. Thật đau lòng biết chừng nào! Ôi quê hương yêu dấu ! Ôi đồng bào mến thương! Biết bao giờ gặp lại?
Để quên đi nỗi buồn man mác đang đè nặng tâm hồn, cũng như kềm hãm sự xúc động nghẹn ngào đang dâng lên cổ, cho tiếng khóc khỏi bật ra. Tôi phải cố gắng tập trung suy tư, ghi lại mấy vần thơ chân tình mộc mạc, để đời sau cảm thông nỗi lòng của người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, chống Cộng sản xâm lược đất nước bị thất thế, phải bỏ nước đi lưu vong theo diện Nhân đạo tái định cư nơi xứ lạ quê người. Sau khi bị bọn Cộng Nô, người cùng nòi giống Việt Nam với mình, đọa đầy hành hạ khổ nhục đói khát bệnh tật, suốt mười ba năm trường trong các trại tù tập trung lao động khổ sai, giữa núi rừng hoang vu thâm sâu nước độc, trên cả 3 miền đất Mẹ Việt Nam thân yêu.

CHUYẾN BAY ĐI LƯU VONG.

Bỏ nước ra đi dạ vấn vương,
Cộng nô kỳ thị phải lên đường.
Thương Dân lận đận đầy oan nghiệt,
Xót Bạn gian lao nặng đoạn trường.
Hạnh phúc Tự do hừng Thế giới,
Khổ đau kềm kẹp phủ Quê hương.
Lưu vong quyết tạo thời cơ mới,
Trở lại cùng Dân diệt bạo cường.

Bình minh 5 tháng 8 năm 1992 (vào Thu Nhâm Thân)
Trên máy bay rời Việt Nam đi Bangkok Thái Lan.

Không có nhận xét nào: