Thứ Năm, tháng 1 08, 2009

HỒI ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 27

KẾT QUẢ CÁCH MẠNG XÃ HỘI, CỦA BÁC HỒ VÀ ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM

(Hồi Ức Tù Cải Tạo Việt Nam)
Nguyễn Huy Hùng


Mùa mưa lũ năm 1980 tại Thanh Phong, đã làm gián đoạn lưu thông giữa Trại và bên ngoài nhiều lần. Mỗi lần lâu từ một tuần lễ đến 10 ngày. Ban Hậu Cần không nhận được tiếp tế đều hoà đúng kỳ hạn, nên trong những dịp này cả Trại cùng chịu thiếu đói như nhau. Cán bộ K2 phải ăn ngày 2 bữa cháo độn khoai tây. Anh em Tù chỉ được phát thực phẩm mỗi ngày một lần, vào buổi sáng trước khi đi lao động. Mỗi phần ăn dành cho cả ngày, được khoảng chục củ khoai tây luộc, to bằng trái trứng gà.

Đa số anh em Tù nhờ có Bưu kiện tiếp tế, của gia đình gửi hàng tháng để tích trữ, nên vẫn đầy đủ ngày 3 bữa no nê. Chỉ tội cho các bạn không có tiếp tế, thiếu đói nặng phải cải thiện linh tinh, nhưng không thấy Cán bộ làm khó dễ. Quản giáo Đội cũng thông cảm, trong mỗi buổi lao động thường cho 2 người lén lội qua sông, đào trộm sắn non của Trại, đem về nấu cho Quản giáo và Cảnh vệ ăn no tại chỗ. Anh em Tù trong Đội cũng được chia phần “bồi dưỡng” chút đỉnh, nên vui vẻ cả làng, không ai báo cáo ai. Những người có dư giả, nhường phần “bồi dưỡng” của mình cho các bạn thiếu thốn, để bầy tỏ tình tương thân tương ái “miếng khi đói bằng gói khi no”.

Sau nhiều cơn hoạn nạn, Cán bộ và Tù đã có dịp cùng nhau chia sẻ ngọt bùi thiếu đói, nên tình cảm cư xử với nhau đổi khác hẳn. Cũng nhờ thế, không khí chuẩn bị mừng đón Tết Tân Dậu-1981, có vẻ rôm rả đầm ấm hơn năm trước. Cán bộ mạnh rạn xin Tù cho quần áo Trại phát không dùng, đem đi đổi lấy thịt chó về vui nhậu trong 3 ngày Tết. Ngược lại, Tù cũng nhờ Cán bộ đem quần áo đi đổi giùm, lấy gạo nếp, đậu xanh và trứng gà, để tăng cường các món ăn đầu năm của mình thêm phần phong phú. Việc này thực hiện được, nhờ quần áo Nhà Nước phát cho Tù 6 tháng một bộ, không may pha lộn 2 mầu xanh trắng như hồi còn ở Trại Tân Lập, không đóng dấu ám hiệu Trại giam trước khi phát, vải nhuộm toàn một mầu xanh chàm, đồng bào Thái ở gần Trại có thể dùng được không trở ngại gì.

Trong 2 Đội Rau Xanh, có 1 Đội gồm toàn các Tuyên úy Quân đội, Đại tá, và anh em gốc Chiến tranh Chính trị, được đặt tên là Đội Rau Xanh kiêm Văn Nghệ. Đội này, ngoài việc trồng rau, phải dàn dựng tập dượt các chương trình Văn Nghệ. Buổi thử lửa trình diễn đầu tiên, vào dịp mừng Lễ Độc Lập 2 tháng 9, thành công rất mỹ mãn. Nên vào ngày mồng 3 Tết Tân Dậu-1981, Phân trại K2 tổ chức “xuất quân Thi Đua đầu năm” với một chương trình Văn Nghệ lưu động, thúc đẩy tinh thần anh em lao động rất hào hứng. Có múa Lân, có toán Nhạc nhẹ và Ca sĩ lần lượt đến từng khu vực lao động, trình diễn giúp vui cho anh em hăng hái, xông pha phát bụi rậm, cỏ tranh, cỏ bông lau, còng lưng cuốc đào đất bỏ hom trồng khoai mì, trên sườn núi hai bên quãng đường dài 4 cây số, bên kia sông hướng đi tới Xóm Hoán Bù.

Có những bài hát của miền Nam, sau 30-4-1975 bị cấm vì Cộng sản Việt Nam coi là Nhạc Vàng phản động, nhưng thấy Ban Văn Nghệ hoà tấu không lời ca, cho anh em thưởng thức. Anh em thích thú hoan hô nhiệt liệt và rất ngạc nhiên, không biết vì sao Ban Văn Nghệ giám liều lĩnh đến thế. Trong giờ nghỉ lao động ở trong trại, Tôi tìm gặp Linh Mục Tuyên úy, Đội trưởng Rau Xanh kiêm Văn Nghệ để hỏi. Ngài cho biết : “-Mọi tiết mục trong chương trình đều phải trình Cán Bộ Quản Giáo duyệt trước. Mình nói là nhạc Liên Xô và nhạc Cu Ba, họ hân hoan gật đầu ngay. Họ đâu có biết khỉ khô Ất Giáp gì nhiều về ca nhạc, ngoài mấy bài hát do Đảng và Nhà Nước nhồi vào sọ hàng ngày. Còn anh em chúng mình, chắc chắn không ai đi tố cáo, nên chẳng có gì để mà sợ.”
Để tới “hiện trường lao động thi đua đầu năm” Con Gà Mới (Tân Dậu), mọi người phải đi theo con đường từ khu trại giam qua Đội Gạch bên đồi miá, xuống chân đồi băng qua sông chỗ khúc cạn ngập ngang đầu gối. Dòng nước lúc nào cũng chẩy rất xiết, lòng sông đầy sỏi đá rêu bao trơn trợt. Anh em phải nắm tay nhau, kẻ trước người sau dò đi từng bước một. Tội nghiệp cho các Bạn đến phiên trực, phải vác các bó cuốc ra hiện trường cho Anh Em dùng, thật vất vả. Nếu lỡ trợt chân, bị nước cuốn băng đi cả chục mét. Khi gượng đứng lên được, bị ướt sũng từ đầu đến chân, chẳng khác nào tắm gội không cởi bỏ quần áo.

Mỗi Đội được giao khoán phát quang, đào hố, bỏ hom trồng khoai mì (sắn), trên một khoảng đất bề dài 1 cây số, sâu vào 2 bên lề chừng 200 mét, dọc theo con đường đi Xóm Hoán Bù. Đội nào làm xong trước nhất, được thưởng mỗi người 1 kí lô sắn “bồi dưỡng”. Dĩ nhiên Đội các bạn trẻ bao giờ cũng dành phần thắng lợi. Đội chúng tôi già yếu, chỉ cố gắng làm cho không bị chỉ trích chây lười là tốt rồi.

Nhưng cũng may, trong kỳ “thi đua” này Trại đặt ra một biệt lệ, phát “giải thưởng bồi dưỡng” 5 cây miá cho cá nhân nào được Đội trưởng ghi nhận là “lao động năng nổ vượt chỉ tiêu” trong ngày. Đội trưởng, Đội phó và Thư ký Đội chúng tôi bàn luận với nhau, rồi cho anh em biết là, mỗi ngày sẽ trình danh sách 5 người “lao động xuất sắc”, để thay phiên nhau lãnh thưởng về chia đều cho cả Đội. Anh em phải kín đáo, âm thầm tiếp tay cho các “anh hùng lao động” này hoàn thành “vượt chỉ tiêu”, tối thiểu từ 5 đến 7 hố sắn nhiều hơn những người khác. Anh em vui vẻ “nhất trí”, nhờ vậy ngày nào toàn thể Đội chúng tôi cũng có miá “bồi dưỡng”.

Một hôm, khi đang phát bụi rậm trong buổi lao động sáng, Tổ chúng tôi gặp phải một tổ ong vàng. Chúng bay toả ra đốt túi bụi, anh em bỏ chạy tán loạn la ôi ối. Cán bộ Quản giáo thấy vậy, chạy đến vơ nắm cỏ tranh bện làm một nùi đuốc, đốt lên đem đến chỗ bụi rậm hun, xua ong bay tản đi chỗ khác, rồi vạch tìm lấy tổ ong đưa cho chúng tôi.

Chúng tôi xé tổ ong, chia nhau mỗi người một mảnh, lấy một ít xáp và ong nhộng chà lên những chỗ bị ong chích để giải độc. Chỗ còn lại, gồm cả ong nhộng và mật, bỏ vào miệng ăn tươi rất bùi béo ngọt. Từ đó về sau, mỗi khi đi phá bụi rậm, anh em lại mong được gặp tổ ong càng lớn càng tốt, để có nhiều mật tươi ăn cho nó bổ. Cũng may, chúng tôi gặp phải tổ ong cỏ hay ong đất gì đó, mầu vàng như nghệ, thân ngực to bằng hột đậu xanh, khúc bụng to dài hơn hột đậu đen một chút, thế mà chúng đốt đã nhức nhối đau rát, y như bị phỏng lửa chịu không nổi. Nếu gặp nhằm tổ ong Vò Vẽ (mình vằn đen vàng), nọc độc của nó làm cho bị nóng sốt mê man, xưng phù, nếu không có thuốc giải cứu kịp thời có thể vong mạng. Thật là hú viá!

Trong rừng núi Trường Sơn, thời gian giao mùa hết Đông sang Xuân, sáng sớm đi làm, sương đêm đọng đầy trên cỏ, đụng vào lạnh cóng. Trưa nắng chói chang, lao động mau mệt, vã mồ hôi, khô cổ họng. Xế chiều, vừa tới giờ nghỉ lao động, mặt trời đã vội vã lỉnh xuống phiá sau các đỉnh núi cao rừng rậm, khí lạnh toả ra rất nhanh. Cả buổi lam lũ, bụi đất bụi cỏ bám đầy từ đầu đến chân, người đẫm mồ hôi, không tắm thì dơ bẩn ngứa ngáy sinh ghẻ lợ. Còn tắm, phải cởi quần áo lội xuống nước lạnh rùng mình, rất dễ bị nhuốm bệnh cảm. Sổ mũi nhức đầu, mệt mỏi bải hoải, nhưng không sốt cao độ, chẳng bao giờ được nghỉ lao động. Đằng nào cũng khổ, nhưng nhu cầu giữ vệ sinh là ưu tiên số một nên phải liều, cơ thể phải tự thích ứng lần, và cuối cùng trở thành quen dày dạn chẳng sao.
Một hôm, giữa buổi lao động chiều, chúng tôi đang ngồi bên lề đường nghỉ giải lao, có 3 người đàn bà Kinh đứng tuổi, mặc váy đen, áo cánh nâu, chít khăn đen mỏ quạ đã bạc mầu, đi ngang. Bỗng, một người đang đi ngồi thụp xuống, ôm đầu nhăn nhó, mặt mày xanh lợt. Anh Đại tá Trần văn Thăng (gốc An ninh Quân đội) tới gần hỏi : “-Bà làm sao vậy?”. Bà ấy trả lời : “-Thưa, tự nhiên Em thấy choáng váng, chóng mặt nhức đầu quá!”. Anh Thăng lấy hộp sáp dầu Cù Là hiệu Macshu của Singapore (Dân chúng miền Nam ưa dùng), đưa cho Bà ấy bôi vào 2 bên thái dương, trán và sau gáy để trị trúng gió. Sau khi bôi được chừng vài phút, Bà ấy tỉnh hẳn ra, mặt mày hồng hào trở lại, cám ơn rối rít rồi đứng lên đi tiếp cho kịp 2 Bà bạn kia.

Một lúc sau, một trong 3 người đàn bà quay trở lại, chià tay xin chút thuốc trị trúng gió. Anh Thăng nói : “-Hồi nãy đã cho Bà rồi!” Bà ta lý nhí nói : “-Thưa, lúc nãy Anh cho Chị kia chớ không phải Em.” Anh Thăng lấy hộp sáp Cù là mở nắp, thấy còn rất ít dính đáy hộp, bèn đưa luôn cho Bà ta và nói : “-Chỉ còn có chút đỉnh thôi, Bà cầm lấy luôn để mà chia nhau xài.” Bà ta ngước mắt ngạc nhiên, lắc đầu nói : “-Không dám, xin Anh một tý dùng thử cho biết mùi thôi.” Sợ nói chuyện lâu với thường dân, Cán bộ lại buộc tội vi phạm Nội Quy trại thì phiền, Anh Thăng nói nhanh : “-Tôi cho Bà luôn đấy, thôi đi đi kẻo Cán bộ rầy rà thêm phiền phức.” Mắt Bà ấy sáng rực lên, gật đầu lia lịa, cám ơn rối rít, cầm hộp xáp Cù là chạy vội đi khỏi chỗ chúng tôi.

Cảnh tượng này, khiến tất cả anh em chúng tôi vô cùng xót xa thương cho số phận người dân, sống trong Thiên đường Xã hội Chủ nghiã bấy lâu nay tại miền Bắc Việt Nam.

Đợt “Thi đua” trồng sắn đầu năm vừa dứt, Đội chúng tôi được chỉ định khai quang, và đắp sửa con đường băng qua xóm Hoán Bù cho đủ rộng, để xe vận tải có thể lưu thông được.

Xóm Hoán Bù gồm khoảng chục căn nhà vách đất mái rạ, nằm dọc theo sát bên trái con đường. Trong thời gian lao động tại khu này, sáng cũng như chiều, chúng tôi không thấy bóng một Nam Nữ trẻ tuổi nào, ngoài vài ông bà già và ít đứa con nít dưới 5 tuổi. Chúng tôi không quan tâm tìm hiểu tại sao lại đặt tên là xóm Hoán Bù, và hai chữ Hoán Bù có ý nghĩa gì?

Tình cờ trong giờ giải lao giữa buổi lao động sáng, sương mù chưa tan hết, không khí còn ẩm lạnh căm căm, bà cụ nhà ở sát bên đường đon đả mời Cán bộ Quản giáo và Cảnh vệ, vào uống trà tươi và khoai luộc còn nóng hổi cho ấm lòng. Đúng lúc đó, một ông cụ từ bià rừng về tới, xà xuống bên chúng tôi, xin điếu thuốc lào hút cho ấm dạ. Chúng tôi phải mặc 2, 3 tầng áo len áo bông dài tay, còn cảm thấy lạnh. Trong khi ông già chỉ phong phanh có 1 bộ quần áo “kiểu bà ba” nâu, bằng vải mỏng đã bạc mầu, bên ngoài phủ chiếc “áo bông chấn thủ” cụt tay, đã rách phải vá víu nhiều chỗ. Da mặt ông cụ xám ngoét, môi tím bầm, co ro cúm rúm, xoa 2 tay vào nhau cho đỡ lạnh.

Một anh trong chúng tôi hỏi : “-Cụ năm nay đã đến 70 chưa, già nua vậy mà vào rừng chi sớm vậy?” Ông cụ trả lời : “-Cám ơn Trời cho năm nay mới được 60 thôi! Sống trong Xã hội Chủ nghiã, ai cũng phải lao động mới được chấm công, để lãnh phần “tiêu chuẩn” quy định hàng ngày. Chúng tôi dẫn trâu của Hợp tác xã đi ăn cỏ. Lợi dụng trong lúc chúng kiếm ăn, mình mò về kiếm chút khoai sắn đỡ dạ vậy mà. Bà nhà tôi ở nhà chăm sóc nhà trẻ cho xóm. Các cháu cỡ 6, 7 tuổi trở lên, phải đi hót phân cắt cỏ cho trâu ăn. Mỗi người một việc Qúy ông ạ!”

Chúng tôi lại hỏi : “-Phiếu vải được Nhà Nước cấp hàng năm để may quần áo đâu, sao Cụ không mua mà dùng?” Ông cụ trả lời : “-Ấy, hàng năm Nhà Nước có cấp Phiếu cho đấy. Nhưng vài năm nay, mỗi lần đến Hợp Tác Xã đều nói chưa có hàng về, nên mình phải đợi thôi! Từ ngày chấm dứt chiến tranh, không còn viện trợ của các nước anh em Xã hội Chủ nghiã nữa, cái gì cũng thiếu.”
Trong lúc nói chuyện, có dịp quan sát kỹ khuôn mặt ông cụ, Tôi ngờ ngợ thấy hình như mình đã có dịp gặp ông cụ này ở đâu, nhưng không nhớ ra được. Bèn hỏi : -Cụ và bà con Xóm này ở đây bao lâu rồi, mà trông các mái rạ còn mới quá vậy? Ông cụ trả lời : “-Ấy cũng chưa lâu lắm đâu. Trước chúng tôi ở vùng Yên Bái, Hoàng Liên Sơn, đủ hạn kỳ Nhà Nước lại điều động đến đây khai phá làm ăn sinh sống.” Tôi hỏi tiếp : -Gia đình cụ tình nguyện đi lập vùng Kinh tế mới ở đây à? Ông cụ lắc đầu, đảo mắt liếc quanh không thấy bóng Cán bộ nào gần chỗ chúng tôi đang trò chuyện, mới hạ thấp giọng nói tiếp : “-Trước năm 1954, Cha của tôi làm Lý trưởng vùng Tề ở Thái Bình. Sau tháng 7 năm 1954, toàn miền Bắc được giải phóng khỏi tay Tây và phe Quốc gia, Cha tôi bị Toà án Nhân dân xử tử, vì tội Việt gian bán nước. Cả đại gia đình họ Nội, họ Ngoại chúng tôi được Nhà Nước khoan hồng tha tội chết, nhưng phải đi lao động tại các vùng Kinh tế mới. Cứ 4, 5 năm lại rời nơi lao động, miết từ bấy đến nay chẳng biết bao giờ mới được ở yên một chỗ. Khi còn ở Yên Bái, gia đình chúng tôi ở Hợp tác xã trong vùng Xã Việt Cường. Hồi đó, chúng tôi cũng đã có dịp gặp bạn bè của Qúy ông đến đắp đập cho Hợp tác xã. Gia đình chúng tôi phải hàng ngày cung cấp sắn bồi dưỡng cho các ông ấy đấy!”

Thảo nào! Tôi nhớ ra rồi và bây giờ mới hiểu, tại sao ông cụ này hồi đó cư xử rất tử tế với chúng tôi, trong khi nhiều người khác luôn luôn có thái độ căm thù. Hồi còn ở Liên trại 1, Đội chúng tôi được chỉ định đi đắp đập thuê ở quanh vùng xã Việt Cường, Yên Bái (Tôi đã kể trong một đoạn trước). Hàng ngày, Tôi được Đội trưởng cử đi cùng 1 bạn khác, theo Quản giáo Đội vào Hợp Tác Xã để nhân viên đưa đi đào sắn sống. “Tiêu chuẩn bồi dưỡng” Hợp Tác Xã cho mỗi người 1 kí lô một ngày. Chúng tôi lãnh đem ra trao cho anh Nấu nước của Đội, rửa luộc chia đều cho anh em “bồi dưỡng” trong giờ giải lao, sau khi đã lựa mươi củ to ngon để Quản Giáo Đội và Cảnh Vệ dùng trước. Chính ông cụ này, đã được Chủ nhiệm Hợp Tác Xã giao cho việc đưa chúng tôi ra ruộng sắn tự đào củ, và cân cho chúng tôi. Bao giờ ông cụ cũng cho chúng tôi lấy nhiều hơn số cân lượng quy định.
Công việc sửa sang đường, băng qua xóm Hoán Bù vừa được chừng 1 cây số, Đội chúng tôi được điều động đi rẫy cỏ phá bụi trồng lúa nương, ngay bên kia bờ sông đối diện với khu trại giam. Đoạn đường còn lại chưa sửa, không biết do Đội nào tiếp tục phụ trách.

Đường đi đến khu lao động mới rất gần. Chúng tôi chỉ phải lội qua sông nơi khúc cạn, nước cao ngang đầu gối, ngay khu bến tắm hàng ngày của Anh Em Tù, sát hàng rào Nhà Bếp của Trại giam ngó xuống.

Làm việc tại khu này, cá nhân Tôi học được một kinh nghiệm hú viá để đời. Một buổi sáng ra lao động, thấy trên khúc gỗ mục mọc đầy nấm, mầu nâu non đẹp y như nấm Đông Cô. Đúng loại nấm anh bạn thuộc Đội khác ở chung Láng, chiều nào cũng nấu cả Gô đầy. Bạn ấy ăn ngon lành và khen rất ròn ngọt, chẳng thua gì nấm Đông Cô trong các Nhà hàng ăn của Tầu. Tôi liền hái một lố cỡ đầy 2 Gô, rửa sạch sẽ đem về trại giam. Chuẩn bị bữa ăn trưa, Tôi lấy một nửa số nấm hái được, nấu chung với bánh mì luộc trại phát, cắt miếng vuông nhỏ bằng đốt ngón, và mì vụn gia đình gửi tới để ăn thử. Quả không sai, nước súp rất ngọt y như có bỏ bột nêm, miếng nấm ăn rất ròn ngon lạ thường.

Anh bạn nằm kế bên, Đại tá Nguyễn Quốc Di (Trưởng Khối Tài Chánh của Tổng cục Chiến Tranh Chính trị) thuộc số anh em nghèo quà của gia đình, thấy Tôi tấm tắc khen ngon, ngỏ ý muốn nếm thử. Tôi múc ra tặng một Ca, bạn ấy chỉ lấy phân nửa, ý chừng sợ gặp nấm độc không dám ăn nhiều. Thấy mấy Bạn khác nằm gần đưa mắt nhìn chúng tôi ăn, Tôi mời nếm thử, nhưng họ lắc đầu không ai dám liều.

Ăn vừa xong bữa, Tôi cảm thấy đầu bừng bừng lâng lâng. Giật mình nghi là bị say nấm, Tôi bèn báo cho Đội trưởng và các Bạn nằm kế bên biết, để lỡ bất tỉnh thì các Bạn đem đi Bệnh xá cấp cứu. Sau đó, Tôi chạy vào nhà vệ sinh trong Láng móc cổ họng cho mửa ra, nhưng chỉ nôn ra được có chút đỉnh thôi. Người bắt đầu cảm thấy lảo đảo như say rượu, phải vội vã lấy đường và bột đậu xanh ra hoà đầy một ca uống giải độc. Hai mắt mỏi xụp xuống buồn ngủ vô cùng. Tôi cố hoạt động để cưỡng lại, sợ ngủ có thể ngất lịm đi luôn, không ai biết thì nguy. Cứ nằm xuống ngồi lên, Tôi múc từng muổng đường cát cho vào miệng ngậm. Cho đến giờ kẻng tập họp đi lao động buổi chiều trổi lên, cảm thấy dễ chịu hơn, Tôi sửa soạn đi lao động như thường. Dĩ nhiên phải mang theo Gô đường cát đầy nhóc, để tiếp tục ngậm liên tục từng muổng một, cho mau giải say. Anh bạn Di ăn ít nên chẳng sao.

Trên đường đi đến hiện trường lao động, lúc lội ngang sông, Tôi trầm mình xuống nước cho ướt sũng cả quần áo và đầu. Hy vọng cái lạnh làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, sẽ giúp cho cơ thể trở lại bình thường nhanh hơn. Nhưng cái nạn buồn ngủ vẫn đè nặng trên đầu. Tôi phải cố gắng lao động liên tục, hăng hái hơn bình thường, cho mồ hôi vã ra thật nhiều để thải độc. Lạ một điều, lao động hăng hơn bình thường, mà không cảm thấy mệt. Vừa lao động vừa suy nghĩ “thật chẳng cái dại nào giống cái dại nào” như các Cụ thường ví von, nên Tôi cứ tủm tỉm cười một mình hoài. Anh Bạn Di bông đùa, đặt cho loại nấm mà chúng tôi ăn, một cái tên thật kỳ lạ : “khích tiếu nấm”, tức là loại nấm kích thích cho mình phải cười hoài.

Chiều về, Tôi mang chỗ nấm còn lại chưa dùng bỏ thùng rác. Anh Bạn khác Đội ở chung láng, chạy lại xin để ăn. Tôi nói không nên, nấm này ăn làm say nguy hiểm. Lúc đó anh Bạn mới tiết lộ cái bí quyết sửa soạn loại nấm đó ăn không bị say, và đêm ngủ ngon thẳng giấc y như uống thuốc ngủ. Đó là, phải luộc thật kỹ, đổ bỏ nước, chỉ ăn xác nấm đã luộc chín như ăn rau, và chỉ ăn vào buổi tối. Thảo nào, thấy anh Bạn ấy ăn hàng ngày không sao, mình vừa mới thử đã bị say làm sợ hết hồn hết vía.

Mặc dù được anh Bạn chỉ cho bí quyết rõ ràng, nhưng từ đó trở đi Tôi không bao giờ dại dột thử lần thứ hai, kể cả nấm mối hay nấm trứng vẫn thường ăn xưa nay, ngoại trừ nấm mèo (mộc nhĩ). Vùng này có nhiều mộc nhĩ to bằng bàn tay và dầy, chúng tôi thường lấy về xắt nhỏ, nấu với đậu xanh làm chè ăn rất ngon.

Một hôm, bỗng dưng toàn K2 được nghỉ lao động buổi sáng, tập trung lên Hội trường nghe “Ban” Thùy (Giám thị Trưởng Trại Thanh Phong) từ K1 vào nói chuyện. Ông ta vòng vo Tam quốc về tình người, về lòng nhân đạo..., để đi đến kết luận : “-Trại sẽ đem khoảng một trăm Tù Hình Sự trong K3 (vùng tử địa), đang bệnh hoạn không đủ khả năng lao động, về ở chung tại K2. Để cứu sống nhóm “đầu lâu chân tay” này, Trại sẽ trích bớt phần “tiêu chuẩn” ăn hàng ngày của anh em, tăng cường “bồi dưỡng” cho bọn chúngï trong vòng 2 tháng. Theo tinh thần Dân Chủ, Trại yêu cầu anh em cho biết ý kiến, để kịp thời quyết định.”

Thật là “nhân nghĩa Bà Chuá Đễ”, ai cũng biết là không đồng ý cũng chẳng được, lại mang tiếng Vô Nhân Đạo, nên mọi người vui vẻ vỗ tay “nhất trí”. Thế là Ban Giám Thị đã đạt được “mục đích yêu cầu” một cách dễ dàng vẻ vang, mà không mang tiếng độc tài đảng trị.

Kể từ hôm sau, mấy Đội nông nghiệp (dĩ nhiên có cả Đội chúng tôi) được tập trung thực hiện một hàng rào tre cao 2 mét, để nguyên cây ken sát bên nhau, chôn sâu xuống đất 80 phân. Hàng rào nằm dọc theo bên này con đường rộng 6 mét, phân cách Khu Cách Ly giam chúng tôi và Khu sẽ giam Hình sự. Sau 1 tuần lễ lao động “khẩn trương”, hàng rào hoàn tất. Bọn “Đầu lâu chân tay” được xe tải chuyển từ K3 về K2, nhốt trong 2 dẫy Láng ở góc sân thấp nhất của Trại giam. Nơi mà chúng tôi bị đưa vào giam, từ đêm mới đến hồi đầu năm 1980, đến khi “biên chế” lại và chuyển sang Khu Cách Ly hiện tại.

Bọn Tù Hình Sự này còn rất trẻ, ốm tong teo chỉ thấy da bọc xương, ghẻ lở cùng mình, quần áo rách rưới bẩn thỉu hôi hám, đầy chí rận. Chúng được ở trong trại “bồi dưỡng” khoảng 2 tuần lễ, tạm coi như đã tỉnh táo trở lại, nên phải đi tham gia lao động. Một nhóm đi làm tại Khu trồng rau xanh, một nhóm sang làm gạch, và làm mía. Chúng bị cấm ngặt không được “quan hệ” với chúng tôi. Nhưng tại hiện trường lao động, cũng như tại bến tắm sau giờ lao động, chúng luôn luôn tìm cách mon men đến gần chúng tôi, để xin thức ăn, thuốc hút, đồ dùng lặt vặt như khăn mặt, quần áo cũ... Ai tỏ ra hào hiệp sởi lởi, được chúng nịnh Bố Bố Con Con ngọt sớt. Còn ai lạnh lùng làm ngơ không đáp ứng lời năn nỉ, chúng đổi giọng hỗn xược, chửi thẳng thừng “Đ..M.. Bố già keo kiệt”. Thật là mất dậy hết chỗ nói.

Đa số trong bọn Tù Hình Sự này toàn là thành phần băng đảng, ăn cắp, cướp của, hãm hiếp, giết người ngoài Xã hội, đã bị bắt tập trung trong các Trại Cải Tạo Thiếu Nhi từ thuở còn thơ ấu. Đến khi chúng hết tuổi vị thành niên, phải chuyển sang Trại Cải tạo của người lớn, tiếp tục cải tạo cho đến hết án phạt.

Có đứa rất tội nghiệp, vì hoàn cảnh gia đình đông anh em túng thiếu, cha mẹ bệnh hoạn, phải lập bọn tổ chức ăn cắp của Hợp Tác Xã nên bị bắt Cải Tạo, lúc nào cũng mong cho mau hết hạn trở về với gia đình. Nhưng cũng có đứa thuộc loại “cải tạo chuyên nghiệp”, ra vào tù như đi chợ. Ngoài xã hội, chữ nghiã ăn đong, nghề nghiệp chuyên môn không có, lại thích sống phè phỡn như các cậu ấm cô chiêu con Đảng viên Cán bộ Nhà Nước, nên phải chuyên hành nghề bất hảo, trấn lột của người mà tiêu dùng cho đỡ cực nhọc. Cướp một lần sống thoải mái rong chơi đàn đúm đĩ đượi cả tháng, rồi mới chuẩn bị làm mẻ khác. Nếu chẳng may bị thộp, thì vào cải tạo ít lâu đâu có sao! Mấy đứa này, thường là các tay “anh chị đầu nậu” hiếp đáp tù khác trong trại, để được cung phụng sống chẳng khác nào Cán bộ cai tù. Trường hợp trại giam có 2, 3 đứa thuộc loại này cùng bị nhốt một lượt, thì chúng lập phe cánh riêng, chém giết nhau để tranh giành ảnh hưởng, làm Chúa tể trong Láng ngủ.

Từ ngày có bọn Hình Sự về ở chung trong K2, anh em chúng tôi gặp cái nạn bị mất đồ lặt vặt thường xuyên nơi bến tắm. Cán bộ Cảnh Vệ bắt được, đánh đập chúng rất tàn nhẫn. Họ dùng báng súng đánh vào đầu cho ngã lăn ra đất, xỉa đầu mũi súng vào ngực vào bụng, đá vào mặt vào đầu. Chúng co rúm người lăn lộn trên mặt đất, chịu đòn kêu la xin tha tội, nhưng chẳng được “chiếu cố”. Một người đánh chưa đủ, họ xúm nhau 2, 3 người ùa vô đánh “đòn hội chợ”, thấy mà khủng khiếp. Thế mà chúng cũng chẳng sợ, chứng nào vẫn tật nấy.

Mánh khoé cướp đoạt công khai giữa ban ngày, của bọn Hình Sự này rất tinh vi. Muốn lấy cả đôi “dép râu” của mình, chúng lén lấy một chiếc giấu vô trong bờ bụi quanh bãi rác bên bờ sông. Khi tắm song lên, nạn nhân bị đánh cắp thấy chỉ còn một chiếc dép, tìm hoài không thấy chiếc kia, đành vứt quách chiếc còn lại vào đống rác đi chân đất về trại. Thế là buổi tắm kế theo, thằng qủy sứ mò đến đống rác, công khai đi lượm trước mặt các Cán bộ Cảnh Vệ, cả 2 chiếc dép mang ra để làm của riêng, chẳng ai làm gì được nó. Thật vô cùng tinh khôn bịp bợm. Phải chăng, đây là nền văn hoá giáo dục mà chúng đã tiêm nhiễm được, từ khi còn nằm trong lòng mẹ trước khi ra đời?
Trong giờ lao động, bao giờ chúng tôi cũng nhờ anh Nuôi của Đội, nấu chín giùm những Gô mì, cơm, hoặc các thức ăn phụ khác, để đem vào trại tăng cường cho các bữa ăn của mình. Hết giờ lao động, trước khi trở vào khu giam, tất cả các Đội đều được tập trung xuống bến sông tắm. Trong khi mình tắm, mấy thằng Hình Sự ốm đói đảo tới khu để quần áo, lén lấy những Gô đồ ăn chạy ra bên đống rác, bốc bỏ miệng ăn ngấu nghiến cho kỳ hết, rồi vứt lon Gô không vào đống rác. Trường hợp có người trông thấy tri hô lên, Cán bộ Cảnh Vệ xấn tới đánh nó túi bụi, nó vẫn tỉnh khô chịu đòn và tiếp tục nhồi nuốt cho hết mới thôi. Cũng có đứa chậm chạp hơn, chiếc Gô đang ăn dở bị giật ra, để trả lại cho sở hữu chủ. Nhưng, ai mà dám ăn chỗ còn lại, đành phải đổ đi. Lập tức có một đứa khác chạy ùa tới, bốc cho vào miệng ăn lấy ăn để.

Từ đó về sau, mỗi khi xuống sông tắm, chúng tôi phải tổ chức cử người thay phiên nhau, đứng canh chừng bên khu quần áo và đồ đạc cho yên bụng.

Một buổi trưa đi lao động về, anh em đang chuẩn bị ăn, nghe nhiều hồi còi huýt toét toét liên tục. Rồi thấy nhiều Cán bộ từ ngoài cổng Trại, rầng rầng chạy vào Khu giam Tù Hình Sự. Khoảng 10 phút sau, thấy dẫn ra 2 đứa tay bị còng quặt ra sau lưng. Một đứa, vừa đi vừa bị đánh túi bụi ngã xấp ngã ngửa. Đứa kia, máu me đầy áo quần nơi bụng. Buổi chiều đi lao động hỏi ra mới biết, 2 tay “anh chị đầu băng đảng” thanh toán nhau, vì chuyện xích mích giành đàn em phục vụ.

Đứa đâm người, là “Bụi đời” gốc Hà-nội, bị án tù chung thân vì tội bắt cóc, hiếp và giết chết cô gái con của ông Lãnh Sự thuộc Toà Đại sứ Đông Đức, đồng minh của Nhà Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đứa bị đâm, là “Anh hùng” khét tiếng của Hải phòng, từng nổi danh đem một toán bạn về tra khảo Bà Nội của chính nó để đòi tiền ăn chơi, rồi thay phiên nhau hiếp dâm và giết để phi tang.

Từ khi có bọn Hình Sự giam tại K2, các Cán bộ Cảnh vệ có dịp được mua vui thoả thích tại “hiện trường lao động” một cách dã man, y như ta thường thấy các đoạn giải trí của Vua Chúa thành La Mã trong các phim truyện cổ, trích từ Kinh Cựu Ước. Họ treo giải thưởng 1 củ sắn, để cho 2 đứa đánh đấm vật đá nhau kịch liệt. Đứa nào, đánh được đứa kia hộc máu mồm máu mũi phải quỳ lạy xin thua, thì được lấy giải thưởng. Lúc nào cũng có 2 đứa hăng hái ra đấu để tranh giải.
Thật khủng khiếp, kết quả “to lớn” của nền giáo dục Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đấu tranh san bằng giai cấp, đem lại công bằng xã hội, nhập cảng từ Liên xô Trung Cộng, và “Chính sách trăm năm trồng người” của Bác Hồ áp dụng trong suốt hai mươi mấy năm, độc quyền cai trị tại miền Bắc là như vậy sao?

Một buổi sáng trời trong vắt, anh em đang chuẩn bị ra tập họp xuất Trại lao động, có lệnh An ninh yêu cầu các anh Đại tá Lê Đình Luân (Đơn vị 101 thuộc P.2 Bộ TTM), Phạm văn Phô (Đội phó), Trịnh Bảo Chương, Tôn Thất Hùng (dân gốc Phòng Nhì) ở lại Láng làm việc với Cán bộ. Đến trưa mãn lao động vào trại, mới biết các anh ấy đã được Cán bộ từ Hànội tới chở đi khỏi Trại. Đến tối, trong giờ sinh hoạt kiểm thảo, Quản Giáo Đội đứng ngoài cửa sổ chuyển lệnh, chỉ định anh Đại tá Lê Phú Phúc làm Đội trưởng thay thế anh Luân. (Anh Phúc gốc Truyền Tin, hồi những năm đầu thập niên 1960, Tôi là Thiếu Tá Cục Phó Cục Truyền Tin Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tại Saigon, anh Phúc là Đại Úy Liên Đoàn trưởng Liên đoàn Truyền Tin. Cơ sở Liên đoàn đóng tại gần Trường đua ngựa Phú Thọ.)

Mấy ngày sau, bất thần có cuộc tổng xét tư trang Tù Chính trị miền Nam toàn K2. Bọn Tù Hình Sự vẫn xuất trại đi lao động như thường. Sau buổi xét tư trang, có anh Trung tá (Chiến tranh Chính trị thuộc Không Quân), ở một Láng trong cùng Khu Cách Ly của chúng tôi, bị bắt giam vào Nhà Kỷ Luật. Hình như Cán bộ bắt được quả tang, anh ấy xé và vứt xuống hố nước tiểu, nơi đầu nhà phía sau Láng chúng tôi, mấy tờ giấy có ghi chép những điều liên quan tới vụ thành lập Chính phủ lưu vong, hay một Hội Cựu Tù Nhân Chính trị gì đó.

Những ngày kế theo, nhiều người bị gọi lên “làm việc” với Cán bộ An ninh. Đội chúng tôi có anh Đại tá Nguyễn văn Lương (gốc Địa phương Quân) cũng bị gọi lên “làm việc”, hình như anh ta có ghi danh nhận một chức vị gì đó trong Ban Chấp hành của tổ chức dự trù thành lập. Linh Mục Phan Phát Hườn thuộc Đội Rau Xanh kiêm Văn Nghệ, cũng bị gọi lên điều tra, vì nghe nói Ngài cũng có nhận một chức vị nào đó trong Ban Chấp hành. (Hồi những năm đầu thập niên 1960, lúc Tôi làm Cục Phó Cục Truyền Tin Bộ Tổng Tham mưu, Linh Mục Hườn là Tuyên úy của Binh chủng Truyền Tin. Ngài đã giúp cho Binh chủng xây dựng được một Nhà Nguyện, và một Trường Trung học đệ Nhất Cấp “Tinh Thần”, tại Trại Gia binh của Tiểu đoàn Truyền Tin, ở ngay phía sau toà Nhà Chánh của Bộ Tổng Tham Mưu. Đức Tổng Giám Mục Nguyễn văn Bình đến Chủ lễ Khánh thành,)
Ngay sau buổi xét tư trang, Đội chúng tôi có sự thay đổi lớn. Một số bạn Đại tá được chuyển qua Đội Rau Xanh kiêm Văn Nghệ. Ngược lại, một số Đại Đức Tuyên úy Phật Giáo và Linh Mục Tuyên úy Công Giáo trẻ khoẻ, thuộc Đội Rau Xanh được tăng cường vào Đội chúng tôi. Sau vụ “biên chế” này, Đội chúng tôi chấm dứt công tác Nông Nghiệp, trở thành Đội Mía. Chúng tôi làm trong lò mía, chớ không làm ngoài đồng mía như hồi trước. Đội được chia thành 4 toán (gọi là Khâu) để thực hiện 4 công tác khác nhau. Khâu Róc Vỏ Mía và chuyển vào phòng ép mía. Khâu Ép Mía, chia thành 2 toán thay phiên nhau làm việc từng đợt 30 phút. Mỗi đợt 2 người làm trâu đẩy cần quay, 1 người ngồi đẩy mía vào giữa 2 trục ép, và 1 người lo chuyển miá vào cho người ép, và đem các thùng nước mía đã ép đổ đầy vào các vạc lớn để trên lò. Khâu Nấu Mật, lo đun các vạc nước miá, liên tục suốt ngày đêm, cho sôi đến độ cạn quánh thành “mật đường”. Khâu sau cùng, gồm anh Dương Hiếu Nghĩa (Đội phó) và một bạn phụ tá, lo ủ nước mía sống cho lên men, để cất rượu trắng.
Mỗi Khâu làm việc có những vất vả nguy hiểm khác nhau. Khâu Róc Mía phải làm thật nhanh, mới kịp đủ mía cho Khâu Ép không phải ngồi đợi. Thân cây mía nhỏ cầm nơi tay trái, tay phải cầm dao róc. Làm không cẩn thận, sẽ vạt đứt luôn mấy đầu ngón tay trái như chơi. Róc bỏ vỏ dầy quá, sẽ bị kiểm điểm phung phí của Xã hội Chủ nghĩa.

Công tác của Khâu Ép Miá, có lẽ nặng nhọc vất vả nhất trong các Khâu. “Bộ phận” đẩy cần trục ép gồm 2 người. Mỗi người đứng ở một đầu cây cần gỗ dài, đi vòng tròn đuổi theo nhau, đẩy cho 2 trục ép bằng kim khí cao 1 mét, đường kính rộng 50 phân, đầu trục có răng cưa xoay ngược chiều nhau. Khi nào giữa khe của 2 trục không có những cây miá mới đẩy vào để ép, việc đẩy trục quay thấy nhẹ nhàng, không tốn sức bao nhiêu. Nhưng đến khi có những cây mía mới được đẩy vô ép, sức cản trở nên nặng vô cùng. Muốn cho trục quay, cả 2 người đẩy phải để 2 bàn tay ngang ngực đè vào cần trục, bấm các đầu ngón chân xuống đất ra sức đẩy về phía trước theo thứ tự từng chân một. Cứ mỗi 30 phút, các người đẩy cần trục quay phải được thay phiên, nếu không chẳng còn sức mà tiếp tục. Tôi được chia vào toán phụ trách “bộ phận” đẩy trục ép mía, thật vất vả hết chỗ nói.
Người chuyên ngồi đẩy mía vào giữa 2 trục ép, ngó thấy có vẻ không vất vả, nhưng lại có nhiều rủi ro nguy hiểm hơn cả. Phải làm sao đưa đều đều liên tục từng ôm 4, 5 cây mía, vào khe giữa 2 trục ép một lúc. Nếu không cẩn thận, bàn tay có thể bị dính cuốn theo, và bị ép nát cả cánh tay như chơi. Còn một điều khó khác nữa là, phải giữ làm sao cho không cây mía nào đẩy vào ép, rắt vào các răng cưa của trục. Dù chỉ 1 răng cưa bị rắt, trục cũng sẽ khựng lại không quay được. Mỗi lần trục đang quay ngon trớn, bị kẹt khựng lại là một đòn nặng đánh dồn vào ngực, của những người đẩy cần trục ép, đau tức ê ẩm như muốn gẫy bộ xương lồng ngực.

Khâu Nấu Mật có những nguy hiểm vất vả khác. Mỗi khi có vạc đầy nước mía bắt đầu đun, phải thay phiên nhau tiếp củi, giữ lửa cháy liên tục đều đều suốt ngày đêm, đến khi cạn quánh thành “mật đường” mới hoàn tất nhiệm vụ. Trong khi đun còn phải dùng cây bơi chèo, thong thả khuậy nước mía sôi trong vạc, liên tục theo chiều quay của kim đồng hồ, cho mật không bị lắng khê nơi đáy vạc. Trong lò nấu lúc nào cũng có 2, 3 vạc sôi sùng sục, khí nhiệt toả ra nóng nực kinh khủng hơn cả phơi nắng ngoài trời vào giữa trưa mùa Hạ. Khi nước mật bắt đầu xệt lại, việc đứng bên mép miệng vạc cầm gậy khuậy tròn, được coi là lúc nặng nề khó khăn nguy hiểm nhất. Sơ ý có thể bị té vào vạc mật chết phỏng như không. Trước khi Đội chúng tôi vào làm trong lò mật, đã có một Tù Hình Sự bị phỏng nặng vì tai nạn này.

Công tác của Đội Miá vất vả nguy hiểm như vậy, nên Ban Giám Thị K2 “chiếu cố” chỉ thị Quản Giáo, cho chúng tôi một đặc ân làm chúng tôi rất ngạc nhiên. Hàng ngày, mỗi buổi lao động, mỗi người trong Đội chúng tôi, được “bồi dưỡng” 1 Gô đầy nước mía ép. Có thể để uống tươi như vậy, hoặc đun sôi lên rồi mới uống, tùy ý. Nhờ thế, sau vài tuần làm tại lò miá, anh em chúng tôi ai cũng có đôi má hồng hồng như thoa phấn.

Nhưng, cuộc sống Tù có bao giờ được phẳng lặng, xuôi dòng êm ả theo mong muốn đâu. Thường xuyên lúc nào cũng có những tai ách bất ngờ, hoặc do người hoặc do Trời đem đến, khiến cho mạng sống của Tù mong manh chẳng khác nào “trứng treo đầu chỉ”. Vào một buổi trưa Chủ Nhật, mọi người đang chuẩn bị nấu nướng thêm những món ăn “cải thiện”, tăng cường cho ca Bo Bo luộc do Trại phát (loại thực phẩm dành cho ngựa, của Ấn Độ viện trợ, ghi rõ bằng Anh ngữ ngoài bao đựng), thì từ Khu bếp lộ thiên bên hàng rào phía cuối Khu Cách Ly của chúng tôi, có tiếng xôn xao náo động. Rồi thấy một toán 3, 4 người xúm nhau khiêng một anh mập mạp hôn mê bất tỉnh, xuống Bệnh Xá cấp cứu. Tôi chạy ra coi, thấy đang khiêng anh Đại tá Nguyễn Ngọc Điệp (trước 30-4-1975 làm Tỉnh trưởng Bặc Liêu, từng nổi danh là “Hùm Xám Rừng Đước”). Đến gần tối, mới thấy xe tải từ Phân trại K1 chạy vào, di tản anh Điệp ra Bệnh Xá Trại Thanh Phong điều trị, vì Bệnh Xá K2 không đủ phương tiện cứu chữa.

Theo tin tức từ Bệnh Xá, do bạn Tù (Bác sĩ Quân Y của QLVNCH) phụ tá cho Cô Cán bộ Y tế của K2 cho biết : “-Anh Điệp bị hôn mê có lẽ vì bị đứt mạch máu não do cao áp huyết. Tình trạng rất nguy kịch. Với phương tiện nghèo nàn về Y Tế của Trại không biết có cứu được không? Không biết Trại có cho di tản, ra Nhà Thương Thanh Hoá cấp cứu kịp không?”

Chúng tôi rất buồn, thương cho hoàn cảnh không may của anh Điệp. Mọi người chẳng làm gì hơn được, chỉ biết cầu nguyện cho Bạn tai qua nạn khỏi. Sống chết, đều do mệnh Trời sắp đặt riêng cho mỗi người, chẳng ai biết trước mà tránh.

Chừng mươi ngày sau, anh bạn Tù (Bác sĩ) Phụ tá tại Bệnh Xá K2, có dịp theo Cán bộ Y tế ra K1 lãnh thuốc về cho biết : “-Anh Điệp nằm mê man nơi Bệnh Xá Trại Thanh Phong cả tuần sau thì hồi tỉnh. Nay anh ấy đã bắt đầu cử động được, nhưng chậm chạp khó khăn, nói năng phát âm hơi ngọng nghịu, quên không biết mình là ai, cũng như không nhận ra được bạn bè cũ. Thường xuyên nói chuyện với những người vô hình, y như người bị bệnh tâm thần trong các nhà thương điên.” Thật tội nghiệp. Nhưng Trời chưa bắt chết là mừng rồi, sau này được tha chắc chắn bệnh sẽ hết.
Hai tháng sau anh Điệp lành hẳn, đi lại nói năng được bình thường, trí nhớ phục hồi được khoảng 80 phần trăm. Rời Bệnh xá Trại tại K1 trở về K2, anh Điệp được Ban Giám Thị Phân trại “chiếu cố”, đặc biệt giao cho phụ trách chăm sóc vun tưới vườn bông, và vườn rau “cải thiện” nhỏ của các Cán Bộ Trực Trại, ngay bên trước cổng Khu giam.

Lúc này anh bạn Tù (Bác sĩ) mới giải thích : “-Anh Điệp bị trường hợp Nhũn Não (stroke), chớ không phải đứt mạch máu não, nên mới có may mắn như vậy.”

Sau anh Điệp, ở K2 còn có thêm 2 người nữa cũng bị trường hợp y như vậy. Một là Linh Mục người gốc Trung Hoa cao lớn mập mạp (trước 30-4-1975 cai quản Đặc Khu Hải Yến, gồm toàn người Trung Hoa vùng Quảng Tây chạy sang Việt Nam tỵ nạn, từ khi toàn Lục địa Trung Hoa Dân Quốc của ông Tưởng Giới Thạch lọt vào tay Trung Cộng Mao Trạch Đông. Đặc Khu Hải Yến là một vùng biệt lập hẻo lánh giữa ranh giới Cà Mâu và Rạch Giá tại miền Tây Nam Việt. Cư dân có tinh thần chống Cộng rất mãnh liệt.) Sau nhiều ngày bị nằm liệt vì Nhũn Não tại Bệnh Xá K1, Linh Mục cũng hồi tỉnh trở lại bình thường, trả về K2 làm chung công tác lo vườn hoa với anh Điệp. Ngày ngày đi xuống leo lên con dốc nghiêng 50 độ, dài chừng 50 mét, để sách từng thùng nước sông lên tưới rau và hoa trước cổng Khu Giam. Người thứ hai là Trung tá Nguyễn Thủy Chung thuộc Đội Nhà Bếp (trước 30-4-1975 làm Phụ tá Trưởng Khối Tổ chức Tổng Cục Chiến tranh Chính trị, Tôi đã có dịp nói đến trong một đoạn trước). Số mệnh anh Chung không may bằng 2 vị kia, nên bị “bán thân bất toại”, nói ngọng. Một thời gian sau được tha về, và đã qua đời tại Saigon. Chẳng biết sau này Vợ Con của anh Chung, có được Chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận cho đi định cư tỵ nạn theo diện H.O. hay không ?


CƯ DÂN XÓM HOÁN BÙ.

Sửa đường xuyên xóm Hoán Bù,
Phùn giăng Bấc thổi mịt mù rừng hoang.
Tranh nghèo mươi mái chắn ngang,
Thành phần Đảng buộc bỏ làng đến đây.
Xưa kia Cha ruột theo Tây,
Thuộc dòng “Tư Sản” phải đầy cách Dân.
Bốn năm chuyển chỗ một lần,
Thâm sơn cùng cốc, trước gần sau xa.
Quần quây Nam, Nữ, Trẻ, Già,
Bên nhau cả Họ tham gia cuốc cầy.
Thiếu nhi tuổi trẻ thơ ngây,
Gom phân, cắt cỏ hàng ngày định công.
Tuổi già sáu chục lưng cong,
Trăn trâu, giữ trẻ, vợ chồng chia lo.
Sắn, ngô độn bữa đói no,
Thân choàng áo đụp co ro cơ hàn.
Ốm đau, lá ngải xông than,
Mệnh chung, chiếu cuộn xác quàn bờ gai.
Sống nay chẳng biết đến mai,
Cuộc đời tăm tối, nào ai thấu cùng?
Tiếng than dâng thấu Thiên Cung,
Hỡi Trời! thấy cảnh não nùng này chăng?

Xuân Tân Dậu-1981.
Trên đường đi K3,
Trại Thanh Phong, Như Xuân, Thanh Hoá.

Không có nhận xét nào: