Thứ Năm, tháng 1 08, 2009

HỒI ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 28

NHỮNG NGÀY THÁNG CUỐI,
LƯU ĐẦY CẢI TẠO TẠI MIỀN BẮC VĨ TUYẾN 17

(Hồi Ức Tù Cải Tạo Việt Nam)
Nguyễn Huy Hùng


Kiếp sống Tù Cải tạo lao động khổ sai buồn thảm, cứ vất vưởng lặng lẽ trôi theo thời gian, giữa rừng già trong dải Trường Sơn. Nhưng các bà Vợ Tù, lại hăng hái gan dạ không ngại gian lao khổ cực, đường xa khe suối gập ghềnh, tìm đến thăm nuôi chồng tấp nập tại K2 Trại Thanh Phong. Hầu như ngày nào cũng có bốn năm Bà, thay phiên nhau chiếm ngụ Khu Nhà Thăm Nuôi đợi gặp chồng.

Riêng phần Tôi, đã biết rõ hoàn cảnh và sức khoẻ của Vợ Con, nên luôn luôn bình tâm chờ đợi những gói Bưu kiện hàng tháng, và ngày hết cơn đại nạn ra khỏi Trại Tập Trung, cùng Vợ Con đi định cư lập lại cuộc đời, ngoài cái nhà tù khổng lồ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, dưới quyền thống trị bạo tàn của Đảng Việt Cộng.

Mỗi buổi chiều đi lao động về, trong khi các Đội đứng xếp hàng trước cổng đợi đến lượt vào khu giam, không ai bảo ai, hầu như mọi người đều hướng mắt về Khu Nhà Thăm Nuôi, quan sát chờ trông một phép lạ sắp xẩy ra. Khi thấy bóng chiếc xe tải của K1 chạy tới, mọi người reo ồ lên : “Tới rồi! Tới rồi!”, làm Cán bộ Trực Trại phải giật mình xửng sốt hỏi : “-Cái gì, cái gì mà ồn ào vậy?” Sau khi được anh Trưởng Ban Thi Đua giải thích lý do, Cán bộ nhe răng cười, không nói gì.

Các Tuyên Úy Phật giáo, lẻ tẻ cũng có người được thăm nuôi. Có Vị được thân nhân thăm nuôi. Có Vị được Phật tử, nơi Chùa mình trụ trì hồi trước khi đi trình diện học tập, đến thăm nuôi. Riêng đối với Thượng Tọa Thích Thanh Long, Giám đốc Nha Tuyên úy Phật giáo, được Phật tử của Chùa Giác Ngạn nơi Ngài Trụ Trì trước 30-4-1975, đến thăm nuôi cũng như gửi Bưu kiện tiếp tế rất đều hoà.

Mỗi lần Thượng Tọa Thanh Long nhận được tiếp tế, các Đại Đức lần lượt lén tới thăm. Mỗi người tùy nhu cầu, được tự do chia nhau lấy những món quà của Thầy. Ngoại trừ thuốc lào, không ai dám động tới, vì biết đó là nhu cầu duy nhất mà Thầy cần. Rút cuộc, Thầy chẳng còn gì, y như chưa hề được thăm nuôi hay nhận Bưu kiện.

Mỗi khi có dịp cho các đệ tử đến chia nhau “xỉa” quà như vậy, Tôi quan sát thấy nét mặt của Thượng Tọa Thanh Long rạng rỡ hẳn ra. Chắc là trong tâm Ngài đang rộn rực hoan hỉ, vì đã đem lại niềm vui cho những người khác. Thật là một gương sáng về lòng Từ bi Hỉ xả, của một nhà Tu hành chân chính, làm Tôi thán phục vô cùng.

Những năm 1965, 66 và 67, Tôi làm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Trung Ương Địa Phương Quân và Nghĩa Quân (ĐPQ & NQ) tại Saigon, Thượng Tọa Thanh Long là Tuyên Úy trưởng của các Tuyên úy ĐPQ & NQ trên toàn 4 Vùng Chiến Thuật. Trong giai đoạn Phật Giáo xuống đường đấu tranh, thời Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch Ủy ban Hành pháp Trung Ương, Thượng Tọa Thanh Long đã giúp Tôi hoàn thành một công tác vô cùng khó khăn lúc bấy giờ, ngay tại Viện Hoá Đạo ở đường Trần Quốc Toản Saigon. Từ đó về sau, Thượng Tọa và Tôi càng thêm thân thiết, y như Ngài là Thầy đỡ đầu cho Tôi Quy Y Tam Bảo vậy. Đầu đuôi câu chuyện như thế này :
“Khắp trên toàn miền Nam Việt Nam, Phật tử dưới sự lãnh đạo của một số Tăng Ni tranh đấu chống Chính phủ, xuống đường thường xuyên ngày đêm. Đặc biệt tại Saigon, Viện Hoá Đạo được coi là trụ sở Trung ương, đại diện của Phong trào. Các Đại Lão Hoà Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni, Phật tử, và quần chúng hiếu kỳ, ra vào tấp nập suốt ngày đêm.

Một buổi sáng, đúng vào lúc cao điểm, người và xe cộ đang vội vã chen nhau đi làm, đi học, đi chợ búa cho kịp giờ. Bỗng dưng, có một xe vận tải của Quân lực Hoa Kỳ chạy ngang trên đường Trần Quốc Toản. Tới gần trước cổng Viện Hoá Đạo, đồng bào Phật tử tụ tập di chuyển hỗn độn, đầy cả mặt đường và bu quanh chiếc xe. Người lính Đồng Minh Hoa Kỳ ngồi bên tài xế trên xe sợ hãi, nổ súng chỉ thiên hướng ra phía trước, với hy vọng làm cho mọi người giật mình tránh sang 2 bên đường cho xe chạy qua. Nhưng không may, một viên đạn lạc trúng nhằm người đàn ông cưỡi xe gán máy. Ông ta gục ngã ngay bên lề đường phía gần Chợ Cá. Mọi người giạt sang bên cho chiếc xe chạy qua, rồi xúm nhau khiêng người bị nạn vào bên trong Viện Hoá Đạo để cấp cứu. Nhưng không kịp, ông ta đã chết.

Một lúc sau, tin tình báo cho biết, người đàn ông ấy là một Chiến sĩ Địa Phương Quân thuộc Tỉnh Biên Hoà, mặc thường phục đi ngang gặp nạn. Bộ Tổng Tham mưu ra lệnh cho Bộ Chỉ huy Trung Ương ĐPQ và NQ đóng tại đường Hùng Vương Chợ Lớn, phải nhờ Tuyên Úy Phật Giáo của Bộ Chỉ Huy là Thượng Tọa Thích Thanh Long, giúp can thiệp đem xác Chiến hữu này ra khỏi Viện Hoá Đạo, để tránh việc Ban tranh đấu lợi dụng xác chết làm rùm beng, gây thêm chuyện khó khăn cho Chính Phủ Nguyễn Cao Kỳ. Lệnh ra, phải tức tốc thi hành và báo cáo kết quả lên Bộ Tổng Tham Mưu, trong thời gian sớm nhất.

Là Tham Mưu trưởng của Bộ Chỉ huy Trung ương ĐPQ & NQ, Tôi phải cử ngay người lên tận Biên Hoà, tiếp xúc với thân nhân của người Chiến hữu bất hạnh để trấn an, và canh chừng không cho ai có cơ hội đến mua chuộc lợi dụng. Đồng thời, Tôi phải đích thân chạy tới nơi cư ngụ của Ban Tham mưu các Thầy lãnh đạo Viện Hoá Đạo, tìm gặp Thượng Tọa Thích Thanh Long, nhờ đạo đạt cho Tôi diện kiến Thượng Tọa Thích Tâm Châu (người lãnh đạo tối cao của Phong trào tranh đấu lúc bấy giờ), trình bầy xin giúp đỡ, tránh trường hợp những phần tử quá khích lợi dụng xác chết làm lớn chuyện. Thượng Tọa Tâm Châu không có mặt tại đó. Thượng Tọa Thanh Long phải lên xe mở đường dẫn Tôi vào Viện Hoá Đạo, để tìm Thượng Tọa Tâm Châu xin diện kiến.

Thoạt đầu, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Thượng Tọa Thanh Long phải đích thân đi gặp hết Thầy này đến Thầy kia, qua lại cả giờ đồng hồ sau mới được diện kiến Thượng Tọa Tâm Châu. Sau khi nghe trình bầy cặn kẽ mọi khía cạnh của sự việc, Ngài suy nghĩ hồi lâu rồi gật đầu thông cảm, hoan hỉ giúp đỡ chúng tôi. Nhờ thế vào lúc nửa đêm ngày hôm đó, chúng tôi đã dùng xe Quàn Mai Táng của ĐPQ & NQ, có anh em Nhẩy dù đi theo hộ tống, không mở đèn, chạy lén vào đường cổng hậu của Viện Hoá Đạo, đem xác Chiến hữu xấu số ra khỏi vòng vây của hàng ngàn người đấu tranh, lúc nào cũng tấp nập ra vào tràn ngập Viện Hoá Đạo.”

Cuối tháng 4 năm 1982, Tôi được rời Trại Thanh Phong chuyển về Nam, Thượng Tọa Thanh Long bị đưa trở ra vùng đồng bằng Bắc Việt. Ngài được tha ra khỏi trại tập trung trước Tôi, trở về tiếp tục tu tại Chùa Giác Ngạn ở Phường 10 Quận Phú Nhuận Saigon. Ngài đã qua đời ngày 22 tháng 10 năm 1991 (Tân Mùi) vì bệnh hoạn, hậu quả của mười mấy năm chịu đọa đầy trong các Trại Tập trung của Cộng sản Việt Nam.

Phần các Tuyên Úy Công giáo, việc thăm nuôi tiếp tế được các Toà Giám Mục và Tổng Giám Mục tổ chức quy củ hơn. Ngoài những Bưu kiện nhận được hàng tháng, các Ngài còn được Toà Tổng Giám Mục cử các Dì Phước đến thăm nuôi Vị Linh Mục cao niên để trao vật phẩm tiếp tế. Vị này nhận lãnh đem vào Trại chia lại cho các Linh Mục khác cùng hưởng. Các Dì Phước được tổ chức xin đi thăm nuôi dưới danh nghĩa thân nhân, chớ không nhân danh đại diện Toà Tổng Giám Mục. Do đó Cán bộ Cộng sản ác tâm xấu miệng phê phán rằng : “-Thầy Chùa, Cha Cố đi tu, mà cũng có vợ có con như mọi người thường?”

Việc thăm nuôi Tù càng tấp nập, tin tức về Chương trình Hoa Kỳ vận động giải thoát Tù Chính trị miền Nam càng được cập nhật hoá, đem lại niềm tin và tinh thần cho anh em tiếp tục chịu đựng, đợi chờ ngày được giải phóng. Mọi nét ưu tư bi quan, xưa nay hằn trên khuôn mặt mọi người tiêu tan hết, và hình như trong những giờ lao động cực nhọc, không còn ai cảm thấy là đang bị hành hạ vất vả nữa.

Cán bộ không còn kiểm soát gắt gao như những năm trước 1980. Hệ thống “ăng ten” của Trại hình như cũng được chỉ thị giảm cường độ hoạt động. Có lẽ Việt Cộng muốn tránh trường hợp sau này, các “ăng ten” của họ bị vạch mặt chỉ tên hoặc bị trả thù, bởi các Cựu Tù nhân Chính trị đi định cư lưu vong nơi hải ngoại.

Vào giờ thứ 25 này, anh em cũng chẳng còn e ngại bao nhiêu, nên trong giờ nghỉ thường lén qua lại giữa các Láng, để thăm nhau, trò chuyện, ăn uống, trao đổi tin tức. Đặc biệt vào những ngày Chủ Nhật và nghỉ Lễ, những Bạn dư giả đồ tiếp tế của gia đình, thường bầy vẽ tổ chức nấu nướng biến chế các món ăn theo sở thích, mời dăm bẩy Bạn thân tới cùng đánh chén chuyện trò vui vẻ. Lần nào cũng không quên mời một Bạn có trí nhớ tốt tham dự, để sau khi ăn bạn ấy kể những truyện kiếm hiệp của Kim Dung, hoặc truyện Đông Châu Liệt quốc, Tam quốc chí, Tây du ký... cho mọi người nghe giải trí, giết thì giờ rảnh rỗi.

Thông cảm nỗi khó khăn của các Vị Đại Đức trẻ không có quà cáp, Tôi thường lấy các thực phẩm khô do gia đình tiếp tế như : tôm khô, nước mắm khô, mứt cà chua, mì ăn liền, miến, sữa bột, bột đậu xanh và đường, góp cùng các Vị trồng được rau “cải thiện”, hoặc có sắn tươi do Cán bộ “bồi dưỡng” nhờ “lao động năng nổ”, để biến chế các món ăn đặc biệt cùng nhau thưởng thức. Những lần như vậy, chúng tôi không quên nấu miến chay có rau và mộc nhĩ nêm bột ngọt, để biếu Thầy Thanh Long chia sẻ niềm vui “bồi dưỡng”.

Thầy Thanh Long không bao giờ ăn mặn, phần thịt, cá, hoặc mắm được Nhà Nước tăng cường cho các bữa ăn trong những ngày Đại Lễ và Tết, Thầy đều cho người khác lãnh mà dùng. Nhưng đối với các Đại Đức trẻ, Thầy rộng lượng răn rằng : “-Giữ gìn ý chí cao để tiếp tục Tu hành, ngay cả trong những lúc khó khăn như thế này, mới là điều quan trọng. Nhưng trong giai đoạn hiện tại, tùy theo cái nghiệp của mỗi người, việc Trai Giới có thể tùng biến.”

Tháng 6 bắt đầu mùa mưa lũ hàng năm. Có khi mưa suốt đêm đến sáng thì tạnh. Có khi mưa kéo dài từng cơn, ròng rã 2, 3 ngày mới dứt. Con sông và các suối nhỏ hồi chiều tối còn cạn queo, qua một đêm mưa đến sáng đã tràn trề mênh mông nước lũ cuồn cuộn chảy, cuốn theo những cây rừng bật gốc, những bụi chuối rừng, những khóm khoai mì... Diện tích trồng rau bên bờ sông bị ngập hơn phân nửa, nhiều luống rau bị nước cuốn đi, chẳng còn vết tích gì.

Trong mùa mưa bão, đi lao động thật là một cực hình. Lúc phải dãi nắng chói chang oi nồng muốn ngộp thở. Lúc lại dầm mưa xối xả như thác đổ lên người, ướt sũng từ đầu đến chân lạnh cóng.
Khoảng giữa tháng 7 năm 1981, bỗng dưng Trời âm u mấy ngày liền, tiếp theo là những cơn mưa rừng tầm tả đổ xuống, nước sông dâng cao nhưng vẫn phải đi lao động. Đến nửa đêm 14 tháng 7, cơn bão nhiệt đới đầu tiên trong năm ập tới tàn phá toàn vùng. Từng đợt gió thét ù ù xé không gian, làm náo động như có những đoàn phản lực cơ đang bay ngang, khiến mọi người tỉnh giấc bàng hoàng sợ hãi.

Tôi nằm trên xạp ngủ tầng cao sát mái nhà, cảm thấy sợ hơn những người nằm ở xạp dưới gần mặt đất. Mỗi lần nghe tiếng gió gầm, ù ù nho nhỏ từ đàng xa rồi lớn dần, dẫy nhà bị xô nghiêng đi kêu răng rắc. Khi những miếng tôn trên mái nhà, bị giật kêu rầm rầm xoảng xoảng, là lúc đợt gió đang thổi qua đầu. Lúc tiếng ầm ầm ào ào xa dần và im bặt, dẫy nhà bị đẩy ngược lại, đu đưa kêu cót két như muốn xập đổ. Thật khủng khiếp.

Đợt gió đầu tiên đi qua, Láng của chúng tôi có miếng tôn trên mái bị bứt đanh bay đi mất. Đợt gió tiếp theo bóc thêm mấy miếng nữa, tạo thành một lỗ hổng khá lớn ở khúc giữa nhà. Mưa gió lùa vào trong nhà xối xả, làm ướt hết mùng mền chiếu đồ đạc. Người cũng bị ướt lạnh, lo sợ run như cầy sấy. Một số anh em gan dạ phải hiệp sức, gỡ dây kẽm cột màn dọc kệ nằm tầng trên, leo lên giàn nóc nhà tìm cách cột giữ những miếng tôn chung quanh lỗ hổng, cho những đợt gió sau không bóc thêm. Những người gan dạ tự nguyện xông xáo làm cái việc vô cùng nguy hiểm này, là các bạn Đại tá Dương Hiếu Nghĩa, Trịnh Đình Đăng, và Hoàng Trọng Trị.

Hoàn cảnh lo âu sợ xệt này, làm Tôi hồi tưởng nhớ những năm đầu Thập niên 1940. Phi cơ chiến đấu của Hoa Kỳ từ Trung Hoa lục địa bay sang Lạng Sơn, oanh kích thả bom phá các trụ sở Quân Phiệt Nhật, ở lẫn lộn trong các khu cư ngụ của dân chúng trong thành phố. Lúc đó Tôi là Hướng Đạo Sinh, đã từng đeo khăn quàng Hướng Đạo vào cổ, chạy trên đường phố băng qua các hầm trú ẩn, để băng bó tiếp cứu di tản các nạn nhân bị thương máu me bê bết đầy người. Nhưng chưa bao giờ cảm thấy sợ hãi, như trong những giây phút thịnh nộ của Thiên nhiên tại K2 Thanh Phong, trong cái đêm “cát tó duy dê (14 tháng 7) năm 1982 này”. Thật kinh hoàng, chẳng bao giờ Tôi quên được.

Chừng 3 giờ sáng, cơn bão dứt. Dưới ánh sáng tù mù của chiếc đèn chai dầu hôi, treo lửng lơ dưới khung cửa phòng vệ sinh nơi cuối Láng, anh em chúng tôi thu vén lại chỗ nằm và ngủ thiếp đi vì mệt mỏi. Sáng hôm sau được mở cửa ra đi lao động, mới thấy rõ sức mạnh tàn phá hung tàn của trận bão.

Trong khu giam Tù, những Láng nằm về phía Tây và Tây Nam, thế đất thấp, bị nước dâng ngập ngang bụng. Những người nằm xạp ngủ sát đất, phải leo lên tá túc trên xạp cao. Đồ đạc thực phẩm khô do nhà tiếp tế, chuyển lên không kịp bị ướt sũng, thấm nước phân từ các thùng chứa trong phòng vệ sinh nổi lên trôi ra, coi như hư hỏng trăm phần trăm. Cũng có đôi người tiếc, của mồ hôi nước mắt do Vợ Con chắt chiu tần tiện từng đồng mua gửi cho, nên đem phơi khô để dùng, bỏ đi sợ “phí của Trời, mười đời không có mà ăn”. Thật tội nghiệp!

Gần nhà Bếp khu giam, một cây lim cao bị bật gốc đổ nằm dài giữa 2 Láng, ngọn với cành lá um tùm choáng hết khoảng đất trống bên Hội trường, không gây thiệt hại gì cho người và của. Thật may cho Đội nhà Bếp. Hội trường, chung quanh vách trống trải, gió luồn vào bóc cuốn đi nhiều miếng tôn làm mái hư hại nặng. Có miếng bị gió cuốn băng ra ngoài hàng rào Khu giam, rớt rải rác trên đường, mắc trên các tàn cây cao. Cũng có miếng rớt ngay trong sân hoặc xuyên kẹt trên hàng rào quanh khu giam. Cách cổng khu giam Tù chừng 500 mét, khoảng giữa con đường đi tới Khu Cán bộ ở, có một cây cổ thụ gốc to cỡ 7 người dang tay ôm, cao trên 50 mét, thân chia ra 2 nhánh bị bẻ gẫy một, dính đùng đưa trên cao, ngọn gục là là mặt đất. Ai cũng sợ chẳng dám đến gần, thế mà anh em Đội Lâm Sản phải làm đủ mọi cách trèo lên, đốn cho rơi xuống. Trên suốt dọc đường ra “hiện trường lao động” của các Đội, cây đổ ngổn ngang, nhà lô tốc mái xiêu vẹo. Nước sông nước suối đục ngầu, tràn bờ cuồn cuộn chảy.

Trại làm báo cáo lên Nhà Nước, tài sản hoa mầu thiệt hại 100 phần trăm. Một đợt “thi đua khắc phục Thiên tai, đón mừng ngày Đại lễ 2 tháng 9”, lập tức được tung ra. Mọi người phải “khẩn trương” dọn dẹp tu sửa, những đổ nát hoang tàn do cơn bão để lại, và tích cực gia tăng trồng hoa mầu gấp rút trong suốt 2 tháng trời.

“Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, vừa mừng Lễ Độc Lập xong, một Thiên tai thứ 2 lại ập tới vào ngày 19 tháng 9. Lần này mưa tàn bạo hơn gió, mới chỉ có một ngày một đêm mà nước lũ đổ về mênh mông. Trong khu giam Tù, những Láng ở vùng thấp nước ngập lưng chừng nhà, mấp mé ngang xạp nằm tầng trên. Chỉ còn mấy dẫy gần sát cổng và Nhà Bếp thì nước chưa dâng tới. Mọi Tù bị giam trong các Láng bị ngập, được lệnh quăng đồ đạc lên xạp tầng cao, và tản cư tới các dẫy nhà chưa bị ngập sát bên cổng khu, cạnh sân tập họp để tá túc. Nhóm Tù Hình Sự di tản tập trung trong Hội trường.

Nước dâng thật nhanh. Lúc đó là sau giờ điểm danh tối, mọi người bị giam trong các Láng, cửa khoá trái bên ngoài. Chúng tôi nhìn qua cửa sổ và khe vách liếp, quan sát các Bạn cư ngụ tại các Láng phía Tây bị ngập tản cư ngang. Cuộc tản cư vừa dứt, nước đã theo chân họ dâng đến tận nền Láng ở của chúng tôi, và chỉ khoảng 10 phút sau tràn vào trong nhà dâng cao đến đầu gối chân. Các thùng chứa phân trong phòng vệ sinh nổi lên lềnh bềnh, trôi sang khu ngủ trong Láng.
Chúng tôi tự động tiếp tay nhau, chuyển đồ đạc của các Bạn ở xạp dưới lên xạp trên. Cán bộ Trực Trại vào mở cửa, hối “khẩn trương” quăng hết đồ đạc lên xạp ngủ tầng trên, di tản qua dẫy nhà ngay bên kia sân tập họp, khu cao nhất trong trại giam. Trời vẫn mưa tầm tã không ngớt. Láng chúng tôi gồm gần 100 người, được dồn vào tá túc trong một Láng cũng đang chứa khoảng gần 100 bạn Tù khác. Chen nhau ngồi chặt cứng như nêm, đầy cả 2 tầng xạp ngủ sát đất và trên cao.
Khoảng nửa đêm, mọi người đang thiu thiu ngủ, có tiếng loạch xoạch mở khoá cửa. Cán bộ Trực Trại, Quản Giáo Dội, và Thi Đua ập vào, chiếu đèn pin lia lịa điểm danh từng Đội trong Láng. Lúc đó mới biết là nước đã dâng ngập sân tập họp, và đang tràn vào nền nhà nơi chúng tôi tá túc. Trong khi Cán bộ điểm danh, nước từ từ dâng cao, ngập bàn chân rồi đến nửa ống quyển chân. Chúng tôi hoang mang suy nghĩ, nhưng không giám nói ra : “-Cứ cái đà này, không biết nước sẽ còn dâng lên đến đâu? Liệu có được di tản lên vùng đất cao khu Cán bộ ở không? Cả K2 gồm khoảng 5, 6 trăm Tù, Hội trường Khu Cán bộ nhỏ xíu làm sao đủ sức chứa?” May thay, nửa giờ rồi một giờ trôi qua, nước lên gần xấp xỉ mặt xạp nằm tầng dưới, thì ngưng lại không dâng tiếp.
Kiểm tra xong, Cán bộ đi ra, cửa Láng được khoá lại, tiếng mưa tiếp tục gõ rào rào trên mái tôn. Khi ánh đèn của Cán bộ vừa khuất, từ chỗ anh Đội trưởng nằm cạnh bên cửa, bắt đầu có những tiếng thì thầm truyền tai nhau, cho biết là có một anh thuộc Đội Nhà Bếp vắng mặt, nên mới có cuộc đi các Láng kiểm tra nhân số từng Đội.

Đến giờ điểm danh sáng, Cán bộ mở khoá các Láng cho Tù ra. Nước lụt đã rút ra khỏi vòng rào Trại, để lại một lớp bùn sền sệt nâu xám ngập cổ chân. Anh em không phải ra ngoài lao động, được ở trong trại thu dọn sạch sẽ. Nhờ dấu bùn còn ghi lại trên vách phên, mới biết Láng chúng tôi bị nước ngập cao khoảng 1 mét. Trong nền nhà và trên mặt xạp ngủ tầng dưới, bị phủ một lớp bùn dầy nhão nhoẹt. Anh em tiếp tay nhau quét vét bùn khỏi mặt xạp, trên nền nhà, và sân chung quanh nhà, cho trơ nền đất cứng ra để đi lại được dễ dàng.

Lúc gần hết giờ lao động sáng, anh em Đội Nhà Bếp khênh đồ ăn tới phát, tin về anh bạn mất tích đêm qua mới được xì xầm loan truyền như sau :

“Nửa đêm, nước dâng ngập chuồng lợn (heo) “cải thiện” của Tù, ở sát bờ rào gần Nhà Bếp. Cán bộ phải vào mở cửa Láng Đội Anh Nuôi, điều động mấy người ra lội mưa di tản lợn. Làm xong việc, nhóm công tác trở vào Láng, thiếu một người. Cán bộ gạn hỏi, các bạn trong toán báo cáo, anh ta bị hụt chân nước cuốn trôi mất tích. Cán bộ bủa đi tìm quanh bờ rào không thấy, liền trở lại kiểm tra tư trang của anh mất tích, thấy thiếu một số vật dụng và thực phẩm khô cần cho nhu cầu nhiều ngày. Cán bộ nghi là trốn trại, và sợ có thể nhiều người khác cũng lợi dụng mưa lụt để đào ngạch xé vách trốn, do đó phải “khẩn trương” đi kiểm tra tất cả các Láng trong đêm.”

Anh bạn Tù mất tích là một Sĩ quan cấp úy thuộc Binh Chủng Hải quân, nên không ai nghĩ là anh ấy bị chết đuối. Nhiều ngày qua đi, Trại giam không có tin tức gì về việc vớt được xác người chết đuối ở vùng hạ lưu. Cũng không thấy có ai bị bắt đem trở lại Trại. Chúng tôi nghĩ rằng anh ấy đã trốn trại. Mọi người đều nguyện cầu, mong cho anh ấy thoát được ra khơi, và sớm có Tự do.
Trận lụt này làm dẫy nhà 3 gian Khu Thăm Nuôi bị xập. Đội chúng tôi được chỉ định đến dỡ bỏ, để Đội Xây Dựng cất lại nhà mới 5 gian, có nhiều chỗ hơn tiếp đón khách “thăm nuôi”.

Xong công tác này, Đội chúng tôi được “biên chế” lại thành Đội Gạch. Anh em được chia thành nhiều Tổ, để đảm trách nhiều Khâu khác nhau. Những người khoẻ vào các Khâu : Thái đất, Quần trâu, Lên quả, Vận chuyển đất, và Đóng gạch. Còn những người yếu như Tôi, làm trong các Khâu : Đóng than đá cám thành bánh phơi khô, hoặc Chuyển gạch mộc mới đóng xong ra phơi ở giữa sân cho khô, rồi đem xếp vào nhà chứa chờ đủ mẻ sẽ Vào Lò nung.

K2 Thanh Phong có 2 Đội Gạch, một Đội gồm toàn Tù Hình Sự, phụ trách lò nhỏ cỡ mỗi mẻ 5 ngàn viên. Đội chúng tôi toàn là dân Tù Chính trị miền Nam, gồm một số Đại tá, và Linh Mục, Đại Đức, Mục sư Tuyên úy Quân đội, phụ trách lò lớn cỡ hơn 7 ngàn viên một mẻ.

Các Vị Tuyên úy tương đối tuổi còn trẻ, khoẻ nên được chia vào các Khâu nặng. Còn nhóm Đại tá chúng tôi già yếu, được chia vào 2 Khâu nhẹ. Đến giai đoạn “Vào lò”, tức là xếp gạch mộc vào lò để nung, tất cả các Khâu phải “hợp đồng” cùng làm theo dây chuyền.

Thoạt đầu Tôi và 3 Bạn nữa được giao phó công tác đóng than đá cám, thành bánh hình chữ nhật to dầy cỡ viên gạch. Công việc tương đối không nặng nhọc nhưng vất vả, vì phải làm theo “chỉ tiêu” quy định hàng ngày hơi cao. Chúng tôi phải “hợp đồng” làm liên tục không ngơi nghỉ, thực hiện lần lượt từng công đoạn một. Trước tiên, cùng đi “thái đất” sét ở hầm, xúc lên xe chuyển về đổ bên đống than đá cám. Sau đó đập bằm cho đất nhỏ tơi, trộn đều với than đá. Phải tính sao cho mỗi mẻ, đủ đóng 10 khuôn 6 miếng than, to dầy bằng cỡ viên gạch. Rồi ban mỏng mẻ than trộn đất thành một mặt tròn đường kính cỡ 2 mét. Gánh nước đổ vào trộn đều liên tục, cho đất và than quện với nhau thành một loại hồ mầu đen, vừa sền sệt không khô mà cũng không lỏng quá. Tiếp theo là xúc vào “ky tôn” khiêng ra sân, đổ vào từng mảng khuôn 6 miếng một để phơi, và xoay trở mặt hàng ngày cho mau khô. Sau cùng đem xếp vào lô tồn trữ, chờ ngày nung gạch sẽ chuyển về xếp xen kẽ với gạch trong lò.

Hiện trường làm than của chúng tôi ở phía bên kia hồ nước, đối diện với hiện trường lao động của Đội ngay bên lò gạch. Hai tuần lễ sau, đóng xong đủ số than cần cho một lò gạch, chúng tôi được điều động về lao động chung bên Đội, phụ trách Khâu chuyển phơi gạch mộc mới đóng, xoay trở hàng ngày cho khô rồi đem xếp vào lô.

Được về làm bên anh em phụ trách các Khâu khác, Tôi mới có dịp quan sát để hiểu được thế nào là Thái đất, Quần trâu, Lên quả.

“Thái đất” là sắn đất chung quanh hầm đất sét, hất mạnh cho đất tơi rải đều trên mặt nền giữa hầm, thành một lớp dầy bằng phẳng. Hầm đất, thoạt đầu nông hẹp, lần lần rộng ra và sâu xuống thêm, sau mỗi đợt “thái đất”.

“Quần trâu” là dắt trâu đi vòng tròn trong hầm, đạp cho đất nhuyễn thành một loại bùn xệt đặc, y như chúng ta thường được xem các phim chuyện thời Phong kiến bên Âu Châu, bắt nô lệ đứng trong các bồn gỗ lớn đạp nho, cho nát nhuyễn ra để đem cất rượu vang vậy. Trước khi Quần trâu, cũng như trong khi Quần trâu, phải có những người gánh nước đổ vào đều đều đủ lượng cần thiết, sao cho đất quện vào nhau sệt quánh lại như hồ, không khô và cũng không nhão.

Khi đất đã thật nhuyễn sệt quánh vào nhau, gọi là “đất chín”. Đến phiên Khâu Lên Quả xuống, sắn, xúc “đất chín” gom thành một đống tròn, cao vồng lên như nửa quả cầu ở giữa hầm đất.
Tiếp theo là nhiệm vụ của Khâu Chuyển Vận, xén “quả đất chín” đem lần lần từ hầm đất lên giữa sân, cho Khâu Đóng Gạch làm nhiện vụ của họ. “Đất chín” được xúc đổ thành đống tròn, trên một mảnh ván dầy để trên xe cải tiến, kéo đến bên bàn đóng gạch. Khâu Chuyển Vận Đất Chín phải thường xuyên theo dõi công việc đóng gạch, để lúc nào cũng có đất tiếp tế đều hoà liên tục, cho những anh đóng gạch không phải chờ. Hai công tác Chuyển Vận Đất Chín và Đóng Gạch phải được phối hợp, làm “khẩn trương” liên tục cho mau xong, nếu không “quả đất” sẽ bị khô không dùng được, sẽ phải phá ra làm lại từ đầu.

Mỗi người đóng gạch có một bàn riêng, với 3, 4 chiếc khuôn gỗ, 1 dao cắt đất, và một thùng tro. Mỗi khuôn đúc ra 2 viên gạch một lượt. Người đóng gạch phải có đôi cánh tay rất mạnh, và sức khoẻ dồi dào dẻo dai mới cáng đáng nổi. Công việc đóng gạch coi thấy chẳng khó khăn gì, nhưng rất vất vả mệt mỏi, yếu sức không thể làm nổi. Tôi đã tập đóng thử một khuôn, kết quả là đất không nhồi được đầy lòng khuôn, 2 viên gạch lấy ra đều bị vẹt góc và cạnh dưới phía chạm mặt bàn, không đầy đặn phẳng nhẵn như mặt trên cắt bằng dao.

Các công đoạn đóng gạch được thực hiện theo tự sau :

1,- Rắc một lớp tro mỏng lên mặt bàn, đặt khuôn gỗ lên rồi tung một nắm tro khác vào trong lòng khuôn, để đất sét không dính khuôn khi đổ gạch mộc đóng xong ra sân phơi.

2.- Lấy dao cắt một viên đất thật to, vừa đủ đóng 2 viên gạch một lần theo khuôn. Dùng 2 tay bê viên đất dơ cao lên, ném xuống mặt bàn nhiều lần, để nhồi cho mịn và tròn cạnh. Sau đó bê viên đất đã nhồi lên cao, ném mạnh xuống khuôn, cho đất rập đầy lòng khuôn. Rồi dùng dao cắt sát một đường dài, từ đầu bên này sang đầu bên kia khuôn, để hớt đám đất dư ngoài khuôn bỏ đi.

3.- Đẩy khuôn gạch đóng xong sang bên, để người phụ trách phơi bê đi, đổ ra trên mặt sân thành từng hàng dài nối tiếp nhau.

Khuôn gạch đóng xong vừa được mang đi, người Đóng Gạch lấy một khuôn khác, tiếp tục làm lại từ đầu những công đoạn thực hiện việc đóng gạch của mình.

“Dao cắt đất” không phải loại ta thường thấy dùng để cắt thịt hay chặt cây. Nó là một khung gỗ hình chữ U, nơi hai đầu chữ U căng ngang một sợi dây kẽm nhỏ thật thẳng. Sợi kẽm này chính là lưỡi dao cắt đất.

Công việc làm của những người Đóng gạch, Quần trâu, Lên quả và Chuyển vận đất, được coi là loại “lao động nặng” nên lãnh phần “tiêu chuẩn” ăn hàng ngày cao hơn mọi người trong Đội. Thỉnh thoảng Quản giáo Đội còn cho lén đi lấy trộm, từng bao tải sắn của Trại về “bồi dưỡng”. Dĩ nhiên, bao giờ Quản giáo và Cảnh vệ cũng có phần “bồi dưỡng” thoả thê. Nếu chẳng may, người đi lấy trộm bị bắt, ráng mà lãnh chịu kỷ luật, không được khai là Quản giáo Đội cho phép đi.

Thấm thoát, cuộc đời Tù của chúng tôi, đếm thêm mùa Thu thứ Sáu. Mưa Ngâu và nắng Hanh làm lá rừng đổi màu, từ xanh sang vàng, đỏ, nâu, để đợi gió heo may về theo nhau lả tả trút xuống mặt đất, mặc cho cây cành trơ trụi, chịu đựng mưa Phùn gió Bấc lạnh lùng suốt mùa Đông. Tết Nhâm Tuất 1982, đến với nhiều tin dồn dập khác thường. Theo niềm vui riêng của mỗi người, cả Tù lẫn Cán bộ K2 Trại Thanh Phong đều hân hoan chuẩn bị đón Tết, nhộn nhịp khác hẳn mọi năm.
Anh bạn Đại tá Hồ Hồng Nam (gốc Chiến tranh Chính trị) nằm bên cạnh Tôi, vẫn thuộc nhân số của Đội, được tăng phái làm việc trong Ban Văn Hoá chuẩn bị Hội trường đón Tết, cho biết : “-Cán bộ Giáo dục tiết lộ tin Trại Thanh Phong sẽ đóng cửa, trao lại cho Chánh quyền địa phương quản lý tiếp tục khai khẩn, Tù Chính trị được đưa hết về Nam chờ ngày tha, Tù Hình Sự sẽ chuyển đi nơi khác.”

Anh bạn Đại tá Tô văn Vân cũng nằm bên cạnh Tôi, phụ trách nấu nước tại nhà Lô của Đội cho biết, trong một lúc vui câu chuyện, Quản giáo Đội hỏi dò : “-Thủ Đức và Hàm Tân thuộc tỉnh nào tại miền Nam?”

Thân nhân đến “thăm nuôi” đưa tin : “-Có nhiều đợt Tù Chính trị được di chuyển về Nam bằng Tầu Hoả, và nhiều đợt tha lẻ tẻ dăm bẩy người hoặc từng nhóm đông cả trăm người. Có người được tha từ miền Bắc, có người được tha sau khi về các trại trong Nam.”

Để chuẩn bị ăn Tết, Anh Đội trưởng xin Quản Giáo Đội, cho Tôi nghỉ công tác chuyển phơi gạch trong vài ngày, để thực hiện việc hớt tóc cho anh em trong giờ lao động. Quản Giáo chấp thuận. Ông ta quan sát thấy Tôi hớt được đủ kiểu cao, thấp, vừa vừa với tóc mai xanh... theo ý muốn của khách hàng. Sau khi hớt cho anh em trong Đội xong, ông ta yêu cầu Tôi đến sân sau nhà Lô, phía nhìn xuống dòng sông nơi ông ấy cư ngụ, hớt tóc cho ông ấy và mấy người Bạn Cán bộ khác từ xa có dịp đi ngang ghé thăm. Quản Giáo Đội chúng tôi là Thượng sĩ Công An, mới mua được chiếc xe đạp do Trung Cộng sản xuất. Bạn bè ai cũng trầm trồ khen đồ tốt, và tỏ vẻ thèm muốn được làm chủ một chiếc như vậy.

Trong lúc hớt tóc, ông ấy hỏi chuyện Tôi về tình trạng gia đình, và trước kia gia đình Tôi sống ra sao? Đời sống của đồng bào lao động ở trong Nam như thế nào?

Vào giờ thứ 25 này thì chẳng còn e dè gì, Tôi thủng thẳng kể cho ông ấy và các bạn của ông ấy nghe sự thật nếp sống của gia đình Tôi, và một ví dụ về nếp sống của người lao động tại Saigon trước 30-4-1975 như thế nào?

Đại để : “Dưới Chế độ cũ tại miền Nam, Vợ Con của Tôi được phép làm “kinh tế” (buôn bán tự do) như mọi người dân thường khác, dĩ nhiên là phải đóng thuế cho Chính phủ. Vợ của Tôi hùn hạp với bạn bè, lập xưởng sản xuất quần áo trẻ con và người lớn, gửi bán cho các bạn hàng trên khắp các tỉnh. Lợi nhuận kiếm được hàng tháng rất nhiều, gấp 4, 5 lần lương Chính phủ phát cho Tôi. Do đó lương của Tôi chẳng bao giờ phải dùng tới. Tôi mở cho mỗi người con một Trương mục Tiết kiệm trong Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín, để gửi tiền tích lũy và lấy lời hàng tháng. Sau này khi chúng đến tuổi trưởng thành, có sẵn một món tiền làm vốn vào đời, ngoài mớ khả năng văn hoá học được tại nhà trường trong thời niên thiếu. Nhưng bây giờ thì chẳng còn gì, vì sau ngày Cách mạng giải phóng, Ban Quân quản tiếp thu Ngân hàng, không ai trách nhiệm cứu xét hoàn trả cho chúng tôi. Tiền dành dụm bao năm nay tiêu biến hết, đúng như các Cụ ta ngày xưa thường nói : “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Số Trời đã định như vậy, đành phải chịu chớ biết sao?
Hai người con lớn của Tôi học Đại học Y khoa và 3 người học Trung học, đều được Vợ Tôi mua cho mỗi người một xe máy dầu hiệu Honda, làm phương tiện di chuyển hàng ngày. Loại xe này giống như chiếc Side-Car mà Đại úy Giám thị Trưởng Phân trại K2 mới được cấp, nhưng nhỏ hơn, và không có thùng ghế cho người ngồi bên cạnh. Sau ngày giải phóng phải bán đi để mua xe đạp dùng, vì tiền ăn còn không có, lấy đâu dư mua săng chạy xe máy dầu.”

Về phần dân lao động trong Nam, Tôi kể chuyện gia đình một bác đạp xe xích lô tại Saigon. Tôi biết rõ vì Tôi có hùn vốn kinh doanh, với người bạn làm chủ công ty nhỏ cho mướn xe xích lô đạp.
“Gia đình bác X. ở một thôn trong vùng xôi đậu thuộc Tỉnh Tây Ninh. Vì chiến tranh giữa quân Cách mạng và quân Quốc gia xẩy ra thường xuyên, sinh hoạt gặp khó khăn, mạng sống không được bảo đảm an toàn. Bác X, đã giắt gia đình gồm Vợ và 2 con nhỏ lên Saigon, tá túc tại nhà người anh bà con bên Vợ để kiếm việc làm. Xưa nay sống nơi đồng quê, chỉ biết làm ruộng vườn trồng tỉa, không thông thạo các nghề của người công nhân, Bác X. đã phải nhờ người anh bà con giới thiệu, và hướng dẫn cho làm nghề đạp xích lô đưa đón khách trong Thành phố, vừa hợp khả năng, dễ kiếm tiền lại không cần vốn nhiều.

Anh bà con Vợ của Bác X. là quân nhân, tài xế lái xe cho Tôi. Anh ấy nhờ Tôi giúp đỡ thân nhân trong cơn hoạn nạn. Tôi đã bảo lãnh cho Bác X. thuê xe tại công ty Tôi có hùn vốn, để chạy kiếm sống hàng ngày không phải đóng tiền thế chân. Sáng đến ký nhận xe, đạp quanh khắp các đường trong Thành phố kiếm khách chở lấy tiền. Tối đem xe về hoàn trả công ty, và đóng tiền thuê xe cho ngày hôm đó. Chỉ vài tháng sau, Bác X. đã dành dụm được món tiền kha khá, đủ cho Vợ Bác làm vốn sắm đồ nghề mở một gánh cháo lòng bán rong trong khu gia binh, nơi gia đình Bác X. cư ngụ chung với người anh bà con.

Đến dịp Tết, gia đình Bác X. được người anh bà con dẫn đến nhà Tôi để cám ơn, chúc Tết. Bác X. khoe mới mua được một căn phố lợp tôn để ở riêng, cuộc sống gia đình ổn định thoải mái, chờ khi nào tình hình chiến sự yên ổn sẽ trở về quê làm ăn như trước. Trong lúc vui câu chuyện, Bác X. còn cho biết, bây giờ đã có vốn đóng tiền thế chân trước khi lấy xe đi. Hàng ngày, thức dậy từ lúc tờ mờ quãng 5 giờ, ăn uống lót lòng xong, đi lãnh xe chạy chở các khách quen mang hàng ra chợ. Sau đó tiếp tục chạy đón khách trên các đường phố đi chợ và về, đến khoảng hơn 11 giờ, đã kiếm được gấp đôi số tiền cần đóng để thuê xe. Bác ghé đậu xe bên lề đường, mua một phần cơm hàng gánh rong. Ăn xong, Bác ngồi lên xe gác chân chữ ngũ hút điếu thuốc lá, rồi chợp mắt khoảng nửa tiếng đồng hồ sau mới thức dậy, tiếp tục đạp xe đi kiếm khách. Trong khi nghỉ, nếu có khách đánh thức cần thuê chở một cuốc, nhưng lại mặc cả trả giá rẻ quá, Bác nhẹ nhàng xin lỗi là đang mệt, cần nghỉ ngơi đôi chút chưa chạy được. Ngày nào Bác ấy cũng kiếm được, nhiều gấp 3 lần số tiền cần để thuê xe. Vào những ngày thứ Bẩy và Chủ Nhật đông khách đi dạo phố mua bán, bao giờ cũng kiếm được nhiều hơn ngày thường.”

Trong khi kể truyện, Tôi luôn luôn đưa mắt quan sát, thấy các Cán bộ im lặng lắng nghe một cách thích thú say sưa, y như nghe truyện kiếm hiệp, không có sắc thái phản ứng khó chịu nào. Tôi yên tâm, hứng thú vừa hớt tóc vừa kể truyện liên tục, bỏ cả giờ nghỉ giải lao giữa buổi, thanh toán cả thẩy 5 cái đầu tóc cho Cán bộ chuẩn bị ăn Tết, không mảy may mệt mỏi.

Thật là một dịp may an toàn hiếm có, Tù Chính trị được tự do làm công tác Địch vận. Khai sáng cho Công An Nhân dân trẻ miền Bắc biết, về sự thật tại miền Nam Việt Nam. Những điều mà từ nhỏ đến lớn, họ chưa bao giờ được nghe nói, cũng như không có dịp thấy tận mắt.

Hớt xong cái tóc chót, vừa đúng giờ nghỉ lao động buổi sáng, Tôi thu vén đồ nghề ra tập họp, cùng anh em trong Đội đi tắm trước khi trở vào khu giam.

Đón mừng Tết Nhâm Tuất 1982 tại K2 Thanh Phong, có vài sự việc đặc biệt đáng ghi nhớ. Nội quy trại giam, cấm Tù không được tồn trữ cũng như uống rượu. Thế mà có vài bạn Tù thuộc Đội Vôi ở chung Láng với chúng tôi, được Quản giáo Đội “chiếu cố” mua giúp rượu để đón giao thừa trong Láng. Đội Rau Xanh kiêm Văn Nghệ, cũng có bạn Tù cấp Trung tá gốc Chiến tranh Chính trị, trong đêm giao thừa được Cán bộ cho phép sang Láng giam của bọn Tù Hình Sự, vui nhậu đón Xuân với chúng. Những Bạn có cơ may hưởng các đặc ân này, dĩ nhiên phải là người được Cán bộ tin tưởng, ghi nhận kết quả “học tập cải tạo tiến bộ” hơn những người khác về mọi mặt. Việc đối xử rộng rãi này chỉ dành cho các Tù “Tự giác” và “Thi đua” mà thôi. Tù “Tự giác” là những Tù được Ban Giám Thị Trại tin tưởng, giao các công tác đi lao động một mình ngoài Trại giam, không cần Cán bộ theo sát canh phòng. “Thi Đua” thuộc thành phần được lựa chọn, phụ lực cho Cán bộ Trực Trại, ban ngày được phép ra vào tất cả các Láng giam Tù, thong thả bất cứ giờ giấc nào, để thực hiện những lệnh riêng của Cán bộ Trực trại và Cán bộ An ninh, trong khi những Tù khác bị cấm không được qua lại các Láng tiếp xúc với người khác Đội.

Sau 6 cái Tết (một tại miền Nam, 5 tại miền Bắc) đau khổ tủi buồn của kiếp sống Tù, đến cái Tết thứ 7 Nhâm Tuất “Con Chó”, hình như mọi người quên hiện tại, lăng xa lăng xăng chuẩn bị đón Xuân một cách hân hoan yêu đời. Vui Tết xong, như thường lệ, một chương trình “ra quân thi đua” mới lại được phát động rềnh rang, để mọi người tiếp tục làm công cụ sản xuất ra thật nhiều của cải cho Xã hội Chủ nghĩa.

Gần cuối tháng 4 năm 1982, một sự kiện lạ đã xẩy ra vào giờ xuất Trại lao động buổi chiều. Các Đội Tù Hình Sự được gọi xuất trại xong, toàn thể Tù miền Nam ngồi tại chỗ nghe lệnh “biên chế “ lại các Đội. Sau đó là lệnh “khẩn trương” chuyển đổi phòng giam. Một vài bạn Đại tá đang trong Đội Rau Xanh được chuyển trở về chung Đội với chúng tôi. Ngược lại mấy Đại tá khác trong Đội chúng tôi được “biên chế” qua Đội Rau Xanh kiêm Văn nghệ, và Đội Rau Xanh di chuyển ra khỏi “khu cách ly” của chúng tôi.

Sáng hôm sau, toàn Khu cách ly của chúng tôi bị giữ lại trong Láng, cho đến khi tất cả các Đội xuất Trại lao động hết, mới được mở cửa Láng ra sân chờ Cán bộ “làm việc”. Đội trưởng phải lập danh sách anh em trong Đội, với đầy đủ các loại tin tức lý lịch cá nhân, gia cảnh... Loại danh sách ngang, thường phải thực hiện mỗi lần chuyển trại. Sự việc cho phép chúng tôi mừng, tin tưởng chắc chắn là trong đêm sẽ được rời khỏi cái nơi thâm sơn cùng cốc này.

Đúng như dự đoán, một lúc sau Cán bộ và anh em Ban Thi Đua vào đặt một bàn “làm việc”, sát ngay bên ngoài cổng ra vào Khu Cách ly của chúng tôi. Từng Đội một theo “biên chế” mới, lần lượt tập họp ra gặp Cán bộ, nhận lại những qúy vật tư bị Trại thu giữ bấy lâu nay, rồi vào chuẩn bị tư trang gọn ghẽ sẵn sàng “Hành quân” khi có lệnh.

Khoảng xế chiều, có mấy chiếc xe tải từ K1 vào. Chúng tôi được lệnh từng Đội một, xếp toàn bộ tư trang lên đầy trên xe. Công việc hoàn tất, xe chở đồ đi trước, người lội bộ theo sau, trực chỉ hướng K1, nơi có cơ sở làm việc của Ban Chỉ huy Trại Thanh Phong. Suốt dọc đường đi dài khoảng chục cây số, ai nấy hân hoan thoải mái, vừa đi vừa trò chuyện nổ như bắp rang. Vừa sẩm tối, chúng tôi tới K1, được hướng dẫn vào tập trung riêng từng Đội, quanh sân rộng bên Hội trường lớn, gần bên khu cơ sở của Ban Chỉ huy Trại. Nhà Bếp và Khu giam anh em Biệt Kích thuộc K1, nằm tập trung phía bên kia con đường xe hơi chạy băng qua Trại.

Đêm xuống, một đống lửa lớn được đốt lên, bập bùng cháy ở giữa sân. Anh em Biệt Kích khiêng phần ăn tối đến phát cho chúng tôi. Khuya thêm chút nữa, lại đến phát phần ăn cho cả ngày hôm sau đi đường. Nhân dịp này anh em tiết lộ cho biết : “-Đêm nay sẽ có xe đến chở ra Ga Thanh Hoá, để lên tầu hỏa vào Nam.”

Đây là đêm sau cùng nghiệt ngã, tại Thanh Phong không bao giờ quên được. Không có phòng để giam, chúng tôi phải nằm trên đất ngoài trời qua đêm, không mùng mền. Trại đốt một đống lửa lớn ở giữa sân, để vừa soi sáng vừa có khói hun xua muỗi. Mọi đồ đạc đã gói ghém gọn gàng không được mở ra. Quần áo giầy dép phải luôn luôn mặc đầy đủ trên người, sẵn sàng “hành quân”. Anh em đành chùm áo mưa phủ kín đầu và tay cho khỏi bị muỗi đốt, tựa lưng vào nhau hoặc vào đống tư trang của mình mà ngủ.

ĐÊM GIÃ BIỆT THANH PHONG.

Bâng khuâng nhìn lửa bập bùng,
Đắng cay gửi lại núi rừng Trường Sơn.
Chia tay khe thẳm, thác nguồn,
Xa lìa muỗi vắt, chim muông, khỉ già.
Quên đi lò gạch, đồi trà,
Mặc bầy ve núi reo ca nắng hè.
Nhớ chi nấm mối, măng tre,
Tiếc gì mộc nhĩ nấu chè thả sương.
Kệ cây sung đứng ven đường,
Gió rung trái chín vãi vương kiến bò.
Suối trong nương náu cá, cua,
Mặc tình sản xuất cho cò kiếm ăn.
Chẳng còn đụng rắn, gặp trăn,
Sói lang, chồn cú lăng xăng cạnh rào.
Từ mai giã biệt vùng cao,
Đồng bằng rộng mở đón chào cố nhân !


ĐÔI LỜI NHẮN NHỦ BẠN.
Thăm thẳm rừng khuya lửa bập bùng,
Màn Trời chiếu Đất, bạn đâu lưng.
Thì thầm trao đổi niềm tâm sự,
Thoát nạn, đừng quên trách nhiệm chung.


Thanh Phong, Như Xuân, Thanh Hoá, Trung Việt.
Cuối tháng 4 năm 1982.

(Chiều ngày 24-4-1982 rời K2 di chuyển sang K1, ngủ đêm tại đây để chờ xe di chuyển ra thị xã Thanh Hoá.
Hừng sáng ngày 25-4-1982 xe chở ra ga Thanh Hóa đợi đến tối lên tầu hoả đi về miền Nam.
Tới trại Hàm Tân (Z30C) Thuận Hải vào khoảng giữa đêm 26 rạng ngày 27-4-1982.)

Không có nhận xét nào: