Thứ Sáu, tháng 1 09, 2009

HỒi ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 12

THIÊN LA ÐỊA VÕNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Công tác xây dựng Phân trại K1 vừa hoàn tất, một số Ðội được đưa qua tăng cường xây dựng Khu Nhà Khách cho Liên trại. Khu này gồm 1 dẫy nhà ở, 1 dẫy nhà ăn cho khoảng vài trăm người, 1 nhà bếp lớn, 1 Thư viện, và 1 dẫy nhà vệ sinh công cộng bằng gạch có mái che, ở sườn đồi gần ngay bên K Lò Gạch. Tất cả các dẫy nhà đều được lợp mái bằng tôn.

Ðội chúng tôi được tăng cường làm vệ sinh chung quanh khu nhà Máy Phát Ðiện của Liên trại, bên kia đường đối diện Khu Nhà Khách.

Sáng nào cũng vậy, đi trên đường đến nơi lao động, anh em thường gặp 1 người da trắng, mũi lõ, tóc quăn mầu bạch kim, mắt xanh, khoảng trên dưới 30 tuổi, cầm chiếc cần câu cá và 1 hộp mồi giun đi ngược chiều về phiá đập nước. Chúng tôi nhìn với vẻ ngạc nhiên, nhưng không ai dám xì xào gì cả.

Quản giáo Ðội chúng tôi lanh lợi tinh ý, chắc là đoán được suy nghĩ của chúng tôi, lên tiếng giải thích : « -Anh này là người Mỹ sinh ở Pu-éc-ta-ri-cô. Anh ta vốn là tù binh xin ở lại, và xin được làm Công dân Việt Nam, lấy tên là Nam. Anh ấy có vợ người Việt ở Hànội. Mỗi tháng được phép về thăm vợ 1 lần. Anh ấy nói và viết tiếng Việt rất giỏi. Anh ấy phụ trách máy phát điện của Ban Chỉ huy Liên trại. »

Kế ngay bên nhà máy phát điện, là dẫy nhà « chổm » 2 gian dành riêng cho anh Nam. Khoảng mươi mét, phiá sau nhà ở và nhà máy phát điện, có 1 nhà vệ riêng của anh Nam. Nhà vệ sinh là 1 căn lều khoảng 4 mét vuông, quây kín chung quanh bằng phên « chổm », bên trong có 1 bục gỗ cao, làm chỗ ngồi đại tiện xuống 1 thùng gỗ đựng phân ở phiá dưới, để hàng ngày anh Nam lấy đi bón cho khu vườn rau riêng của mình.

Anh em lao động tại đây, nếu có nhu cầu đi đại tiện, cũng được phép bộ đội cảnh vệ cho vào xử dụng. Vì anh Nam thường ngày đi lên phiá đập nước câu cá, nên không có gì trở ngại. Tôi cũng đã có dịp vào xử dụng nhà vệ sinh này.

Trên nền nhà vệ sinh, thấy có vài cuốn vở học sinh viết đầy chữ Việt, vứt bừa bãi lẫn lộn với đủ loại giấy vụn, sách báo, giẻ rách dính đầy dầu nhớt. Bià vở, các trang giấy thấy còn mới, và chữ viết mực chưa bị phai nhoè hay bạc mầu theo thời gian.

Tôi tò mò, nhặt mấy tờ giấy đầy chữ lên đọc, xem viết những gì trong đó. Liếc qua ít câu, Tôi sửng sốt ngạc nhiên bỏ ra ngoài ngay, và không bao giờ dám trở lại nữa, vì sợ Cán bộ thấy sẽ mang họa. Giấy viết toàn những lời hướng dẫn đường trốn trại, từ Việt Cường qua Nghĩa Lộ, Mường La để thoát sang Lào, hay xuôi theo sông Ðà ra biển thuộc Vịnh Bắc Kỳ.

Ðêm về nằm mung lung suy nghĩ, trằn trọc không sao ngủ được. Nhiều câu hỏi tiếp theo nhau hiện ra trong đầu. Ai viết ra và vứt tại đó vậy? Phải chăng anh Nam là người của CIA cài lại, để tìm hiểu đường đi nước bước nhằm giúp chúng tôi trốn trại? Hay chính Cán bộ Cộng sản gài bẫy, để tạo cơ hội thực hiện những chính sách cư xử với chúng tôi khe khắt hơn, mà không bị anh em oán thù là tàn bạo vô nhân đạo?...

Làm vệ sinh khu nhà máy phát điện xong, Ðội chúng tôi được đưa đi làm thuê, «tịnh kho» (dọn sạch sẽ kho) cho Hợp Tác Xã ở ngay giữa đoạn đường đi từ Ban Chỉ huy Liên trại đến K1 (nơi giam chúng tôi).

Công việc phải làm, thoạt nghe thấy rất đơn giản nhẹ nhàng. Chỉ vun gọn bắp và sắn khô còn vương vãi trong kho, xúc bỏ vào các bồ đựng, khiêng cất sang ngăn khác, rồi quét dọn sạch sẽ để chuẩn bị chỗ chứa lúa Thu Ðông sắp sửa gặt.

Khi bắt tay vào việc mới thấy là rất cực nhọc. Vì phải làm liên tục không ngơi tay, giữa bầu không khí bụi mù ngột ngạt, hôi mốc rất khó chịu. Mũi miệng phải bịt khăn kín mít, thế mà bụi vẫn chui qua vải vào đầy lỗ mũi, bám đầy trên mặt, quanh mắt làm cộm ngứa. Suốt từ đầu đến chân, quần áo phủ đầy bụi bặm mạng nhện.

Kho đóng cửa lâu ngày không mở, từ dưới gầm sàn gỗ giữ cho ngũ cốc không chạm nền đất, chuột, muỗi tuá ra vô số kể. Nhiều ổ chuột con chưa mọc lông, da bóng láng đỏ hỏn, chưa mở mắt, lúc nhúc chúi vào nhau coi thấy mà ghê sởn gai ốc đầy mình.

Chỉ có một điều mừng duy nhất, khiến ai cũng mong được đi làm thuê cho Hợp Tác Xã là, trong những ngày đi làm cho Hợp Tác Xã, mỗi buổi lao động tùy theo mùa, mỗi người được « bồi dưỡng » thêm 1 khúc sắn luộc to bằng cổ tay dài độ 30 phân, hoặc 1 trái bắp lớn, ngoài phần ăn do trại phát rất nghèo nàn.

Mỗi tháng, không phân biệt tháng 30 ngày hay 31 ngày, khẩu phần ăn cho Tù được quy định khoán là 12 kí lô gạo. Như vậy « bình quân » mỗi ngày, một người chỉ được ăn khoảng 350 gờ-ram, vì còn phải trừ đi phần hao hụt chuyển vận, tồn kho, bàn cân không chính xác.
Nhưng chẳng bao giờ được lãnh gạo. Thường xuyên quanh năm, gạo được thay thế bằng sắn khô, bắp khô, hoặc khoai lang khô, tính theo phân xuất một đổi một. Có nghiã là 1 kí lô sắn khô, hay 1 kí lô bắp (ngô) khô, được tính tương đương với 1 kí lô gạo. Trường hợp đang mùa sắn hay mùa bắp thì được ăn tươi, tính theo phân xuất 4 kí lô sắn tươi cả vỏ, hoặc 4 kí lô bắp tươi cả lõi và lá bao ngoài, quy bằng 1 kí lô gạo.

Nếu có gạo nấu cơm, phần của mỗi người được chia là : bữa sáng một phần ba ca cơm, bữa trưa bằng miệng ca, và bữa tối cũng bằng miệng ca. Sắn khô hay bắp khô nấu chín, chia ra mỗi người cũng được một lượng ao tương đương như vậy. Không biết Cách mạng Chuyên chính Vô sản, tính toán đo lường làm sao mà tài đến thế.

Bắp tươi luộc, phát mỗi bữa được 1 trái lớn, hoặc 2 trái nhỏ, đem tẽ hột ngồi đếm, bữa nào cũng như bữa nấy, được khoảng từ 800 đến 900 hột. Dĩ nhiên bữa sáng thì chỉ được bằng một phần ba bữa trưa hoặc bữa tối.

Thức ăn mỗi bữa, mỗi người được vài cọng rau muống dài chừng 10 phân nấu canh với muối, hoặc vài khoanh măng tươi kho muối, là căn bản hàng ngày. Chỉ những ngày Lễ lớn hàng năm như Lễ Ðộc Lập, 3 ngày Tết, phần ăn được tăng cường thì mới biết mùi thịt, cá, hoặc tương hột đậu nành muối mặn, và 25 phần trăm cơm, 75 phần trăm sắn.

Một hôm, có lẽ vào khoảng cuối tháng 10 năm 1976, Ðội chúng tôi đang làm tại Kho Hợp Tác Xã, ở giữa quãng đồng từ K1 (khu nhà ngói) sang BCH Liên Trại 1, thì nghe 3 tiếng súng nổ liên tiếp nhau. Cán bộ Quản giáo và bộ đội cảnh vệ, ra lệnh cho anh em ngưng lao động, tập họp điểm số “khẩn trương” trở về trại giam. Mọi người vội vã hồi hộp, chẳng ai biết chuyện gì đang xẩy ra.
Tới trại mới thấy tất cả các Ðội, dù lao động xa hay lao động gần, cũng đều được lần lượt dẫn về hết. Mỗi Ðội phải ở trong láng riêng, không được đi lại lộn xộn giữa các láng. Mọi người hết đứng lại ngồi, đi quanh quanh trong láng, ngó nhìn ra sân, xì xầm bàn tán chẳng biết chuyện gì.

Mãi tới khi anh bạn Tù trực buồng xuống Bếp, lãnh thức ăn tối cho Ðội mang về, mới thì thầm cho biết, Ðội Lâm Sản có 4 người lạc trong rừng chưa thấy về. Các Ðội phải về trại, để tập trung Cán bộ đổ đi tìm từ chiều tới giờ chưa có kết quả.

Buổi chiều lúc gần mãn giờ lao động, các Ðội trưởng (gạch nối giữa Cán bộ và anh em Tù) được gọi lên họp với Ban chỉ huy K1. Họp xong trở về, Ðội trưởng của chúng tôi tập họp anh em, cho biết 4 anh trốn trại là : Võ Quế (Không quân), Ðỗ trọng Huề (Hành chánh Tài chánh), Thi (Pháo binh), Thành (Trung đoàn trưởng thuộc Sư đoàn 9 BB). Tôi không nhớ Họ của các anh Thành và Thi. Ðội trưởng cũng chuyển lệnh Trại nhắc nhở, những ai thường có tiếp xúc thân mật với các anh ấy, biết gì về hoàn cảnh của các anh ấy phải báo cáo lên Cán bộ. Nếu giấu diếm không khai, sau này điều tra ra, sẽ bị ghép tội tiếp tay cho người trốn trại.

Tôi giật mình suy nghĩ, trước ngày các anh ấy trốn, anh Võ Quế có đến gặp Tôi nhiều lần vào buổi tối, để xin thuốc kiết lỵ và hộp quẹt (diêm). Tôi hỏi cần để làm gì, anh Quế nói là lúc này phải đi Lâm sản, nhiều lúc lạnh quá muốn đốt lửa hút thuốc cho ấm mà không có quẹt, mấy anh cùng đi có nhưng hết cả rồi. Sở dĩ anh Quế đến xin Tôi là vì, suốt từ khi vào trại Long Giao, qua trại Suối Máu, ra đến K1 Liên trại này, anh Quế cùng 2 anh bạn gốc Pháo binh và Tôi, có cùng hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, thường chia sẻ cho nhau những gì chúng tôi có, nên đã tự nhiên trở thành bạn tâm tình rất thương nhau. Ða số anh em trong Ðội của Tôi ai cũng biết. (Anh Quế là em ruột Tướng Võ Dinh bên Không quân.)

Trong khi thông báo lệnh của Trại, anh Ðội trưởng đã cố ý nhìn Tôi nhiều lần, như muốn nhắn nhủ cho riêng Tôi điều gì đó. Nhưng Tôi làm ngơ như không biết gì cả. Thông báo xong, anh em tản mát mỗi người lo việc riêng của mình. Anh Ðội trưởng cũng là một Ðại tá Không quân, đến gần Tôi hỏi nhỏ : -Mấy bữa trước thấy anh Quế, tối nào cũng xuống gặp anh tại chỗ nằm để làm gì vậy? Anh ấy có than van gì với anh không? Tôi trả lời : -Không, anh ấy đến xin thuốc lá hút như hồi còn nằm gần bên nhau chung một Ðội, chớ không nói gì cả.

Những ngày kế theo, Tôi đã giữ im lặng chẳng khai báo gì hết, và sẵn sàng ứng biến với Cán bộ nếu bị thẩm vấn. Tôi đã có kinh nghiệm, bị gọi làm việc với Cán bộ nhiều lần ở trong Nam rồi, nên không sợ.

Qua ngày hôm sau, mỗi Ðội đi lao động được tăng cường thêm 1 tay súng thứ 2. Bình thường chỉ có Quản Giáo đội và 1 bộ đội cảnh vệ mang súng thôi.

Ðội chúng tôi không ra Hợp Tác Xã lao động nữa, được giao cho công việc đào 4 hầm giam, bên sườn đồi dốc đứng, đối diện khu nhà ở của cán bộ K1. Kỳ hạn phải làm xong trong 2 ngày. Mỗi hầm bề ngang 80 phân, cao 3 mét, sâu vào lòng núi 3 mét. Mái hầm làm bằng các cây gỗ nhỏ, xếp liền nhau trên mặt đất sườn đồi, rồi cột tranh chổm và đổ đất phủ lên bên trên. Mỗi hầm cách nhau 1 mét. Mỗi hầm có 1 cửa gỗ có khoá riêng bên ngoài, và một gông bằng gỗ dầy có 2 lỗ to vừa bằng cổ chân, ở ngay cuối bệ đất nằm, đóng chắc vào 2 cột sát bên vách hầm.

Vài ngày sau vào lúc xế chiều, Ðội vừa đi lao động về đến trại, nghe tin là 4 anh trốn trại đã bị dân chúng bắt đem nộp cho trại, và đang bị cùm trong những hầm giam mà Ðội chúng tôi mới thực hiện xong từ mấy ngày trước.

Một anh bạn Tù thuộc Ðội nhà bếp, Ðại tá Trần văn Thăng cũng thân với Tôi, được Cán bộ dẫn đem thức ăn cho các anh bị giam, cho biết là các anh ấy bị đánh nhừ tử như cái rẻ rách, trông rất thảm thương. Những người bị kỷ luật, mức ăn bị giảm xuống chỉ còn 9 kí lô một tháng, so với bình thường là 12 kí lô.

Mấy ngày tiếp theo, vào một buổi sáng anh em đang ngồi đợi tại sân tập họp, chờ gọi xuất trại đi lao động. Có tin xì xầm rỉ tai nhau : “-Hồi đêm anh Thành xé chăn đắp, làm dây treo cổ lên mái hầm tự tử chết.”

Ðội chúng tôi ai cũng ngạc nhiên. Từ nền đất nằm lên tới mái hầm cao 3 mét, cả 2 chân bị cùm bằng gông gỗ, chỉ có thể ngồi lên với 2 chân duỗi thẳng sát đất, chớ không đứng lên được. Với tư thế ngồi bẹt dưới đất trên sàn nằm như vậy, 2 tay dơ thẳng trên đầu không cao quá 1 mét rưỡi, các cây phủ nóc hầm ken (xếp) sát liền nhau không kẽ hở, khung cửa lại cách xa nền nằm 1 mét, làm sao tự cột dây lên mái hầm mà treo cổ được. Nói như vậy chắc ai cũng biết anh Thành chết vì sao rồi, khỏi cần giải thích thêm.

Khi có quyền sinh sát trong tay, người ta muốn làm gì nói gì mà chẳng được. Ai xì xào nghi vấn thì lập tức bị kết ngay tội bôi xấu Chế độ, và sẽ bị kỷ luật tức khắc. Càng trình bầy minh oan tội càng nặng, vì ngoan cố không chịu nhận tội để sửa sai.

Không biết mấy bạn Tù trốn trại này, có dịp vào xử dụng nhà vệ sinh của anh Nam (người tù binh Mỹ xin ở lại làm công dân Việt Nam, lấy vợ Việt), mà lượm đọc những trang chữ chỉ đường dẫn lối không?

Hay là bạn nào đã nhặt đem về đưa cho đọc, mà tin tưởng cả gan liều lĩnh đặt kế hoạch rủ nhau trốn trại như vậy? Bản thân Tôi kính phục lòng can đảm của các anh ấy vô cùng.

Nhiều bạn cũng khen là can đảm. Nhưng cũng có bạn chê là liều không đúng lúc, chỉ tạo cơ hội cho bọn Qủy Ðỏ bầy đặt thêm biện pháp xiết chặt cách cư xử, hành hạ gây thêm khó khăn cho cả mọi người.


MẮC NẠN THIÊN LA ÐỊA VÕNG.

Biết rằng dầy đặc Công an,
Một lòng đã quyết, nguy nan chẳng sờn.
Cho Hùm ăn thịt còn hơn,
Sống trong lao nhục, chết mòn, tủi thân.
Sau đêm tầm tã mưa tuôn,
Tầng tầng sương phủ rừng hoang mịt mờ.
Cùng nhau thực hiện ước mơ,
Bốn Tù Lâm sản lủi vô lòng rừng.
Tìm đường trốn thoát khỏi bưng,
Theo sông, vượt biển, tới vùng Tự do.
Cho Thiên hạ rõ mưu đồ,
Cộng quân nham hiểm hơn Hồ ly tinh.
Bầy ra đủ thứ cực hình,
Ðọa đầy Công chức, Chiến binh Cộng Hoà.
Tiếc thay đại nạn chưa qua,
Loanh quanh rừng rậm, không ra được ngoài.
Cạn lương, tìm rẫy kiếm khoai,
Dân rình bắt được, thẳng tay hạ đòn.
Không cho phân giải thiệt hơn,
Xúm nhau đấm đá, hả cơn hận thù.
Theo lời Cách mạng mùa Thu,
Không theo Cộng sản, là thù của dân.
Dù là máu mủ, quyến thân,
Liệt vào giai cấp thành phần hiểm nguy.
Phải cần tiêu diệt hết đi,
Chỉ còn vô sản, vô nghì với nhau.
Tiến lên theo Ðảng dẫn đầu,
Hoà cùng các nước chư hầu Liên sô.
Ðại đồng Thế giới Tam vô,
Trở về nguyên thủy, tha hồ Tự do.

Nguyễn Huy Hùng

K1, LT1, Việt Cường, Yên Bái, tháng 10-1976

Không có nhận xét nào: