Thứ Sáu, tháng 1 09, 2009

HỒi ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 7

1976 - BÍNH THÌN, TẾT ÐỔI ÐỜI.

Tháng 12 năm 1975, lần đầu tiên kể từ khi bị tập trung đưa đi cải tạo vào giữa tháng 6 năm 1975, Ban Chỉ huy Trại giam Suối Máu, Tam Hiệp, Biên Hoà, cho Tù Cải Tạo được viết thơ để trại chuyển về báo tin cho gia đình biết là mình đang còn sống. Ðồng thời xin gia đình gửi tiền, quà “bồi dưỡng”, và quần áo chống lạnh, qua hệ thống Bưu điện, để ăn mừng Noel 1975 và Tết Bính Thìn (1976).

Tùy theo khả năng của mỗi gia đình, ai muốn gửi bao nhiêu tiền, bao nhiêu gói quà cũng được, không bị hạn chế. Riêng anh Nhà trưởng Nhà 2 của chúng tôi, còn nhờ được Cán bộ Quản giáo Ðội, đưa thư đến tận nhà riêng, và đem giùm những thực phẩm nhà tiếp tế vào cho, từ nhiều ngày trước khi trại chính thức cho phép, Tù được biên thư xin gia đình gửi đồ “tiếp tế” qua hệ thống Bưu điện.

Vài ngày trước Lễ Giáng sinh 1975, anh em Công giáo trong Khu giam các Ðại tá thì thầm truyền tai nhau, có lễ mừng Giáng sinh tổ chức lén tại dẫy nhà gần cuối khu. Mọi người yên tâm tham dự không sợ, vì đã cắt cử người canh chừng báo động, đề phòng trường hợp Cán bộ vào trại bất tử. Tôi không quan tâm tìm hiểu kỹ, vì không phải là tín hữu Kitô giáo, nên không biết Lễ cử hành tại đâu, vào giờ nào, ai Chủ Tế, và số người tham dự có đông không.

Sáng ngày cuối năm Ất Mão, trong Láng chúng tôi có anh Dương Hiếu Nghĩa (Ðại tá Thiết giáp binh) chủ xướng, đề nghị kín với anh Nhà trưởng Nhà 2, thiết lập một bàn hương án ngoài sân trống nằm giữa hai dẫy Nhà 1 và Nhà 2, để anh em cúng Giao Thừa đón Xuân Bính Thìn (1976). Ðược sự đồng ý của anh Nhà trưởng, Tôi đã tiếp tay với anh Nghĩa lập một “bàn hương án dã chiến”, bằng chiếc khay tôn dài 80 phân, rộng 60 phân, vẫn dùng đựng cơm phát cho anh em trong Láng chúng tôi ăn hằng bữa, đặt trên chiếc lu bằng nhựa ni lông tròn cao 1 mét, vẫn dùng đi lãnh nước chín về phát cho anh em hàng ngày. Trên “bàn hương án dã chiến” này, chúng tôi bầy cành hoa mai giấy làm lấy, bánh chưng, mứt kẹo, nước trà, đèn cầy (nến), và lon sữa bò cắm nhang, để cúng Trời Ðất Thần Linh.

Chúng tôi bầy “bàn hương án dã chiến” tại cuối khoảng sân nhỏ hẹp giữa hai dẫy Nhà 1 và Nhà 2. Vì khoảng sân này được coi là địa điểm an toàn. Nó không bị quan sát từ phía ngoài rào trại, cũng như từ đồn canh kiểm soát tại cổng Khu, nhờ có dẫy Nhà Bếp lớn dài của Khu che khuất.

Khu giam chúng tôi chỉ có một cổng ra vào duy nhất. Muốn vào trong khu, phải đi vòng vèo theo lối nhỏ chật hẹp giữa 2 hàng kẽm gai, bề ngang cỡ 80 phân, mất ít nhất là 3 phút, mới từ cổng vào đến được trước cửa điếm canh bên trong sân. Vào lọt rồi, còn phải đi qua một sân trống, rộng dài cả hơn trăm mét, mới tới lối rẽ vào đầu dẫy nhà kế bên Nhà 2 của chúng tôi.

Ðặc biệt đêm 30 Tết, Ban chỉ huy trại giam “chiếu cố”, để đèn điện sáng tới lúc qua Giao Thừa mới tắt, cho Tù trong các Láng được vui chơi trò chuyện thoải mái, chuẩn bị đón năm mới. Cán bộ canh tù cũng mải chuẩn bị vui Tết đơn vị, mừng một năm Cách mạng toàn thắng, Thống nhất đất nước, nên cũng chẳng vào bên trong Khu, rảo quanh kiểm soát gắt gao như thường lệ. Anh Nghĩa và Tôi sửa soạn các thứ cúng từ hồi chiều, nhưng đợi tới khoảng hơn 11 giờ khuya, mới bắt tay vào việc bầy biện “bàn hương án dã chiến” ra sân. Công tác vừa hoàn tất dược chừng năm phút, thì nghe tiếng chuông Nhà Thờ gần trại giam bắt đầu vang vọng báo Xuân sang.

Pháo bắt đầu đùng đẹt nổ bên phiá khu nhà Cán bộ cảnh vệ, và râm ran vang vọng từ xa xa nơi Dân chúng sống gần quanh trại giam. Anh Nghiã và Tôi ra sân, đến bàn thờ thắp nhang đèn, vái cúng Trời Ðất Linh Thần. Chúng tôi cầu xin phù hộ cho Dân tộc Việt Nam được sống yên vui hạnh phúc, khắp nơi bàng bạc tình thương, và cho chúng tôi cùng gia đình vợ con luôn sức khoẻ, tai qua nạn khỏi, sớm được đoàn tụ bên nhau, xây dựng cuộc sống an lành trong xã hội mới.

Mấy phút sau, lẻ tẻ cũng có một số bạn trong Nhà 1 và Nhà 2 của chúng tôi, lần lượt âm thầm đến trước “bàn hương án dã chiến”, chắp tay vái lạy cầu nguyện Trời Ðất Thần Linh phù hộ. Mỗi người vái lạy cầu xin Trời Ðất Thần Linh phù hộ xong, lập tức rời ngay bàn thờ lanh lẹ trở vào Láng của mình, tìm bạn bè bắt tay mừng chúc nhau mọi sự tốt lành trong năm mới.

Hai Láng của chúng tôi làm như vậy, còn các Láng khác thì không biết. Không dám liều lĩnh lần mò đi quan sát, nên không biết. Quy luật trại rất gắt gao, cấm mọi di chuyển ra ngoài Láng ban đêm, ngoại trừ nhu cầu đi vệ sinh. Ban đêm, mỗi khi đi ra đi vào nhà, đều phải báo cáo lớn tiếng : “-Báo cáo anh bộ đội, tôi đi nhà vệ sinh.” hoặc “-Báo cáo anh bộ đội, tôi đi nhà vệ sinh vào.” Chẳng biết anh bộ đội đứng rình ở khe ngách nào, nếu không làm đúng quy lệ, bỗng nhiên anh ta lên tiếng hạch hỏi : “-Anh kia đi đâu?” thì lãnh tai vạ ngay.

Ðể cho Tù “biết ơn Cách mạng,” và “hân hoan” mừng đón Tết Bính Thìn (1976), trại giam tổ chức thực hiện “báo tường”, đấu bóng chuyền, đấu cờ tướng. Mọi người, mọi Ðội được “khích lệ” “đăng ký” “thi đua”, tranh giải thưởng.

Nhà 2 của chúng tôi phối hợp với Nhà 1, lập Ðội bóng chuyền tham gia tranh giải, vì 2 nhà thuộc chung một nhóm hoả vụ, nên hàng ngày thường xuyên được phép qua lại liên lạc mật thiết với nhau.

Nhân số cầu thủ ghi danh tham dự đội bóng của Nhà 2 đông hơn Nhà 1. Anh em cầu thủ thuộc Nhà 2 phần đông làm việc trong Bộ Tổng tham mưu, biết Tôi từ hồi làm Chỉ huy phó Viễn Thông Bộ TTM những năm đầu thập niên 1960, là một cầu thủ tài tử khá trong đội bóng chuyền Sĩ quan của Bộ Chỉ huy Viễn thông. Nên mọi người “nhất trí” yêu cầu Tôi làm Trưởng đội bóng, để đôn đốc anh em tập luyện hàng ngày.

Những người ghi danh tham gia trong Ðội bóng chuyền chúng tôi, được miễn mọi dịch vụ hàng ngày, để tập luyện gấp rút cả sáng lẫn chiều. Chúng tôi đã cố gắng hết sức mình, luyện tập tinh thần kỷ luật đồng đội, kỹ thuật đón chuyền banh cho nhau được thật thuần thục, cũng như tập luyện thể dục và sức chịu đựng của cơ thể ngoài nắng cho thật dẻo dai. Rút cuộc, thành quả sau cùng chúng tôi đạt được rất vẻ vang.

Trong Khu giam chúng tôi được chia ra 2 phân khu nằm sát bên nhau, không rào gai ngăn cách. Khoảng 7 Nhà bên phiá Ðông và Bắc, giam các Ðại tá và vài ông Tướng đưa từ Khám Chí Hoà, Saigon tới. Số còn lại bên phần đất phiá Tây và Tây Nam, giam các Trung tá ít hơn chúng tôi.
Bên phiá các Trung tá chỉ lập có 1 đội banh. Bên phân khu Ðại tá chúng tôi đông người hơn, nên có tới 2 đội “đăng ký” tranh giải. Như vậy là có tất cả 3 đội bóng chuyền ghi danh tranh tài, nên cuộc chơi được tổ chức theo thể lệ đấu Tam Giác. Theo phương thức này, cả 3 đội phải thay phiên đấu với nhau theo kết quả bốc thăm. Ðội nào bị thua cả 2 đội kia thì bị loại. Hai đội thắng đấu chung kết, tranh giải Nhất, Nhì, trong 3 ván 21 điểm. Ðội nào thắng liền 2 không, hoặc 2 trên 1 thì được coi là vô địch lãnh phần giải Nhất.

Mồng Một Tết, cuộc tranh giải bắt đầu lúc 8 giờ sáng. Ðội bóng của chúng tôi được gọi là đội A, may mắn bốc thăm được ra quân đầu, tranh ăn thua với đội B. Chúng tôi thắng 2 không, được ngồi nghỉ chờ xem 2 đội B và C đấu với nhau. Ðội C thắng đội B cũng 2 không, được nghỉ 30 phút giải lao, trước thi đấu chung kết với đội chúng tôi.

Cuối cùng, đội của chúng tôi thắng trận chung kết với tỷ số 2 trên 1, lãnh giải thưởng hạng Nhất, gồm 1 hộp mứt thập cẩm và 1 bao thuốc lá Sapa sản xuất tại miền Bắc Xã hội chủ nghiã. Anh em tụ lại thưởng thức vui vẻ để mừng thắng lợi đầu năm, do chính công sức hợp quần kỷ luật của cả đội nên mới đạt được.

Trận đấu chung kết diễn ra khá gay go, sau khi hai bên hoà nhau 1-1 với tỷ số ngang ngửa. Ván thứ nhất đội chúng tôi thắng 21 trên 19. Ván thứ 2 đội chúng tôi thua lại 21 dưới 23. Ván sau cùng đội C dẫn trước 10 trên 9. Theo luật thi đấu đã thoả thuận trước, trong thời gian tranh đấu ván kết thúc, khi có đội dẫn đến 10 điểm thắng, thì bắt buộc phải thực hiện việc đổi sân giữa 2 Ðội, trước khi tiếp tục giao đấu.

Thật là may mắn, đội chúng tôi được chuyển sang phiá sân quay lưng vào mặt Trời, nên không bị chói mắt. Chúng tôi đã khai thác lợi thế đó, lúc thì đưa bóng thật cao và sâu sang tận cuối sân bên đối phương, lúc thì bỏ nhỏ sát lưới. Dĩ nhiên xen kẽ các cú banh dài ngắn, có những cú đập vũ bão sát lưới, của 3 tay đập thường xuyên đứng tại hàng đầu. Ðội của chúng tôi có tới 4 tay nhẩy cao đập bóng lận. Chúng tôi áp dụng lối thay đổi chớp nhoáng vị trí các cầu thủ, ngay sau tiếng còi trọng tài thổi báo cho phép đối phương giao banh. Nhờ thế, lúc nào tại hàng đứng bên lưới, chúng tôi cũng có 3 tay búa để cản và áp đảo đối phương.

Cuộc đấu bóng chuyền trong tù đầu năm Bính Thìn này, đã lưu lại trong tâm hồn Tôi một kỷ niệm rất xúc động không bao giờ quên được. Anh Nghĩa đã nhắc Tôi áp dụng mánh khoé, xin trọng tài cho ngưng đấu một phút để đổi người, vào lúc đội C đang dẫn 19 huề, mặc dầu đội chúng tôi không có ai bị trục trặc gì cần phải ra sân cả. Nhờ thế, hùng khí ưu thế của đối phương đang hăng bị giảm đi, chúng tôi có thời gian lấy lại bình tĩnh, và bàn luận thay đổi chiến thuật.

Tiếp tục đấu lại thật gay go, cả 2 bên cứ thay phiên nhau huề, đổi giao banh, lợi điểm một, rồi lại huề... Tất cả anh em trong Ðội chúng tôi, không ai quan tâm đến chuyện được hay thua, nên bao giờ cũng bình tĩnh giữ tinh thần thể thao giải trí vui vẻ, vừa đánh vừa bông đùa khích lệ tinh thần nhau cố gắng thêm, chớ không cằn nhằn nhau khi có người lỡ làm hỏng đường banh, như bên đối phương. Nhờ thế, tinh thần đoàn kết của chúng tôi vẫn cao, lần lần nâng tỷ số bàn thắng lên, chiếm được ưu thế dẫn trước 22 trên 21.

Ðang ăn điểm, chúng tôi được tiếp tục giao banh. Trái banh đánh đi thật độc, xà xà sát mặt lưới. Bên đối phương bị mặt Trời làm choá mắt, 3 anh đứng hàng sau cũng nhanh nhẹn nhào mình lăn ra đất, vớt banh kịp thời cứu nguy. Nhưng họ không có cơ hội tung banh lên cao, cho hàng đứng sát lưới đập. Nhờ thế banh được búng trả lại, sâu trong góc sân bên chúng tôi, một cách thật hiền hoà, không có gì nguy hiểm.

Anh bạn đội chúng tôi đứng thủ nơi góc sân, đón banh một cách dễ dàng. Anh ấy nhẹ nhàng chuyển tới Tôi, để nâng lên cao cho anh đứng giữa sát lưới đập như thường lệ. Liếc nhanh bên sân đối phương thấy có chỗ trống. Thay vì nâng banh lên cao, Tôi bất chợt bỏ nhỏ, sau lưng người đứng cạnh rìa sân đối diện bên kia lưới, đang nhẩy lên hiệp cùng 2 bạn đứng sát lưới để cản banh. Trái banh đã nhẹ nhàng rơi xuống đất, ngay chỗ trống sau lưng anh ta, cùng lúc hết đà nhẩy chân anh ta vừa hạ xuống chạm mặt đất. Không vớt kịp, cú bỏ nhỏ tuyệt vời đã chấm dứt ván thứ 3, với tỷ số 23 trên 21, đem lại thắng lợi vẻ vang cho Ðội chúng tôi.

Tiếng còi của Trọng tài, tuýt tuýt tuýt, tuýt tuýt tuýt, nhiều hồi liên tiếp vang lên báo hiệu mãn trận đấu. Khán giả đứng xem chung quanh sân ùa vào, nhấc bổng Tôi lên vai, khênh đi một vòng giữa những tiếng “hoan hô ông già nhỏ con”, một cách nồng nhiệt.

Mọi người tán thưởng đội chúng tôi nồng nhiệt như vậy, vì cầu thủ của đội C toàn là anh em cấp Trung tá, cũng lớn tuổi nhưng tương đối trẻ hơn chúng tôi. Mọi người thấy rõ ràng, sức chịu đựng của anh em mạnh và dẻo dai hơn chúng tôi. Nhưng vì nóng nẩy muốn dứt điểm sớm, hay cằn nhằn làm bực mình nhau, nên mới thua. Chúng tôi đã thắng, nhưng thật vô cùng vất vả.

Về “Báo tường”, Nhà 2 của chúng tôi có Ðại tá Bá Thìn tự Long rất khéo về hoạt hoạ, trình bầy tờ báo thật đặc sắc, mầu sắc hài hoà nổi bật, hình vẽ mỹ thuật sắc sảo vui mắt. Bài vở thì do anh em cả hai Nhà 1 và 2, cùng đóng góp rất phong phú, có cả sớ Táo quân, thơ Xuân, bài Xã luận, và nhiều chuyện vui rất dí dỏm.

Dĩ nhiên là muốn được an toàn xa lộ, thì mọi bài viết phải xoay quanh đề tài mừng “Cách mạng mùa Thu đại thắng”, “Chiến dịch Hồ Chí Minh Xuân Ất Mão (1975) thần thánh, Thống nhất đất nước,”, “Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng vô địch” đã đánh thắng cả 3 Ðế quốc Tư bản “giầu mà không mạnh” là Pháp, Nhật, và Hoa Kỳ.

Phần lớn ý tứ diễn đạt trong các bài được lựa đăng trên “báo tường”, đều phải “phản ánh” đúng những gì 10 bài học tập muốn nhồi sọ. Thật tình, phải thán phục những anh em tham gia góp bài rất khôn khéo, đã sáng tác những đoạn văn rất hay làm vui lòng Cách mạng. Cũng có những bài vô thưởng vô phạt nhưng rất hữu ích, do các Ðại tá Quân y viết. Như các đề tài gìn giữ vệ sinh cá nhân và luyện tập vận động cơ thể để sống khoẻ mạnh hàng ngày, gìn giữ vệ sinh công cộng tránh các bệnh truyền nhiễm, thường phát sinh lan truyền trong đám đông sống chung thiếu các tiện nghi và thuốc phòng ngừa... Nhờ thế báo tường của Nhà 2 chúng tôi, cũng được giải thưởng. Anh Nhà trưởng của chúng tôi rất vui, cho biết là Cán bộ Quản giáo Ðội cũng được Ban chỉ huy trại “biểu dương”. Từ đó anh em thấy cử chỉ Quản giáo đối xử với Ðội, tương đối dễ dãi hơn các Ðội khác.
Ngày Tết Nguyên Ðán đầu năm, Nhà 2 của chúng tôi có được hai điều vui, nhưng lại gặp một điều buồn, tủi hổ không thể nào quên được. Số là anh em thường tụm thành từng nhóm 4, 5 người ăn chung. Ðến giờ lãnh cơm và thức ăn, chỉ cần 1 người đại diện lấy vật dụng của các bạn trong nhóm, tập trung nộp cho người trực ngày của Láng phân chia. Trước khi chia, bao giờ người trực cũng đếm số dụng cụ đựng thực phẩm đã xếp hàng, xem có phù hợp với số người được thụ hưởng không. Nếu thấy thiếu thì nhắc nhở lớn tiếng, để ai quên chưa nộp phải đem ngay dụng cụ tới lãnh phần của mình. Trường hợp dư cũng phải loan báo lớn tiếng, nhắc nhở người nào lỡ quên để 2 dụng cụ phải đến lấy bớt ra.

Hôm đó, trước khi ra trạm canh tại cổng gặp Cán bộ Quản giáo Ðội, anh Nhà trưởng đã tự để dụng cụ lãnh phần thịt của mình rồi, nhưng anh bạn cùng ăn trong nhóm không biết, lại để dụng cụ đúng theo sĩ số cho cả nhóm. Do đó tổng số dụng cụ nộp lãnh thịt dư ra một chiếc. Nhắc nhở 3 lần không ai trả lời, vì mọi người còn mải đi xem các cuộc vui Xuân ở ngoài sân, nên anh trực phụ trách chia thịt, tự động bỏ đại 1 Gamen ra bên.

Chẳng may gặp đúng ngay Gamen của 1 bạn, chẳng ăn chung mâm với ai. Thịt chia xong, anh bạn kia đến lấy, thấy Gamen của mình bị bỏ sang một bên, trống trơn không có phần thịt, đã lớn tiếng khiếu nại. Lời qua tiếng lại gây gổ, suýt nữa thành ra ẩu đả.

May sao anh Nhà trưởng ở ngoài bước vào, hỏi rõ sự việc, liền quyết định yêu cầu mọi người đến nhận diện dụng cụ, để tự lấy phần của mình. Nhờ thế, mới lòi ra chính người phụ trách chia thực phẩm, ăn cùng mâm với anh Nhà trưởng, đã lầm lẫn để dư dụng cụ nhận phần thịt cho nhóm. Thành ra anh Nhà trưởng được chia tới 2 phần thịt.

Anh nhà trưởng và người trực chia thực phẩm, đã phải chân thành xin lỗi anh em. Sự việc tuy nhỏ, nhưng là một điều thật đáng buồn cho cái Tết Ðổi Ðời đầu tiên trong tù, không bao giờ quên được.
Kể từ Noel, trại đem 1 máy thu hình nhỏ (TV) đặt trên bàn gỗ ở giữa sân, để tối tối anh em Tù trong cùng Khu được phép ra ngồi xem. Ai nấy lo kiếm 1 khúc gỗ kê đít, một chiếc dép râu bỏ không dùng vì đứt hết quai cao su, chiếc guốc đẽo lấy bằng gỗ cao su đun bếp, hoặc chiếc ghế nhỏ thấp, đặt xếp hàng giành chỗ trước từ sáng sớm. Vì màn ảnh TV quá nhỏ, người ra xem quá đông, chậm chân ra trễ phải đứng xa cả 50 mét, thì sẽ chẳng thấy hình ảnh, mà chỉ nghe được âm thanh như nghe radio vậy thôi.

Một chuyện thú vị khác, diễn ra trên màn ảnh nhỏ (hệ thống tuyên truyền bằng TV của Nhà Nước Xã hội Chủ nghĩa tại Saigon) đã làm cho chúng tôi thấy khoái trá trong lòng. Chẳng khác nào vụ nhóm các em nhỏ, đứng bên cạnh thiết lộ Biên Hoà - Saigon, ném đá lên đoàn xe hoả chở bộ đội, và chửi thề : “-Ð..M.. Cách mạng Giải phóng!”, hồi đầu năm Dương lịch 1976 (đã kể trong một đoạn trước).

Trong chương trình đêm giao thừa, sau bài ca vọng cổ của nữ ca sĩ nổi danh miền Nam, Bạch Tuyết, ca ngợi Cách mạng mùa Thu đại thắng, là tin phóng sự của một phóng viên trẻ “đội mũ tai bèo”, phỏng vấn 1 bà lão bán rau, ngồi bên lề đường phía cổng Tây chợ Bến Thành.

Bỗng nhiên, mọi người đang ngồi xem đồng loạt cười ồ vỗ tay rào rào. Cán bộ tuần kiểm trong trại, cũng đang dừng chân đứng xem ké, ngơ ngác chẳng hiểu gì cả, nhưng cũng cười theo rồi bỏ đi. Ðầu đuôi câu chuyện phỏng vấn như thế này :

Anh phóng viên mào đầu ngỏ lời chào bà cụ rồi hỏi :

-Thưa Bác, năm nay ăn Tết Cách mạng Giải phóng Thống nhất đất nước, Bác thấy thế nào?
Bà lão thật thà trả lời :

“-Vui mừng lắm, vì Giải phóng rồi, không còn Việt Cộng pháo kích vào Thành phố, vào Chợ, vào Trường học giết hại đồng bào và trẻ con nữa!”

Thật là một chuyện hy hữu, không thể xẩy ra trong hệ thống tuyên truyền của Cộng sản, thế mà nó đã xẩy ra. Có Trời mới biết được tại sao.


BÍNH THÌN-1976, TẾT ÐỔI ÐỜI.

Mất hết, còn chi Tết với Xuân,
Nhà tan, Tổ vỡ đọa đầy thân.
Nghe tràng pháo nổ, lòng tan nát,
Ngó cánh Mai rơi, não bí vần.
Kẻ thắng cuồng vui cười hể hả,
Người thua chua chát hận phân vân.
“Anh hùng mạt lộ” âm thầm chịu,
Tà, Chính, Trời cao sẽ định phần
.

Suối Máu, Tam Hiệp, Biên Hoà, Tháng 2-1976.

Không có nhận xét nào: