Thứ Tư, tháng 1 07, 2009

HỒI ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM

Chương 37

THÀNH QUẢ 13 NĂM ĐỔI ĐỜI
THEO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Trong lúc đang nằm điều trị bệnh tim mạch, tại Bệnh viện Điện Biên Phủ chuyên khoa mắt giữa thành phố Saigon, Tôi nhận được giấy tha ra khỏi Trại cải tạo, vào đúng chiều ngày cuối năm Âm lịch, áp Tết Mậu Thìn-1988. Được trả lại Tự do sau thời gian dài đằng đẵng 13 năm trời, chịu bao nhục hình đầy đọa trong rừng núi âm u trên cả 3 miền đất nước, bởi chính sách tập trung cải tạo thâm độc man rợ, của Nhà Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghiã và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Không còn bị Công An ở bên canh giữ. Bác sĩ trưởng Khu tim mạch ký giấy cho xuất viện. Cô Con gái đang thăm Tôi, liền thuê xe xích lô đưa rời khỏi Bệnh viện ngay tức khắc. Với tấm thân tàn tạ bệnh hoạn bước vào nhà, cả gia đình uà ra ôm Tôi mừng rỡ, nước mắt đầm đià tạ ơn Trời Phật, Tổ Tiên, đã phù hộ cho còn sống trở về đoàn tụ bên nhau. Các bà Thông gia, Xóm giềng thân hữu, nghe tin tìm đến mừng thăm tíu tít. Thật là một chiều cuối năm hân hoan, hạnh phúc nhất trong đời Tôi, từ thuở Cha sinh Mẹ đẻ chưa từng có.

Trong lúc bận rộn tiếp khách, cậu Con trai lớn phải cầm tờ giấy tha Tôi ra khỏi Trại tù, đến nhà bà Tổ trưởng Tổ Dân Phố và cơ quan Công An Phường 10 Quận Phú Nhuận, báo cáo Hộ khẩu có thêm người cư trú. Nếu không, giữa đêm Công An có thể tới nhà bắt đi giam, vì vi phạm luật lệ di trú của Nhà Nước. Nhờ được tha trong thời gian Nhà Nước đang áp dụng Chính sách “cởi mở đổi mới”, nên cũng không gặp khó khăn gì cho lắm. Cậu con Trai kể cho biết, lúc tới trình giấy, ông Trưởng Công An Phường chỉ hỏi : “-Anh Hùng đâu, sao không đến trình diện?” Con trai Tôi trả lời : “-Ông Già của Tôi đang nằm Nhà thương mổ mắt, được lệnh tha mới đón về nhà hồi chiều này. Người còn yếu, mắt đang băng kín nên không thấy đường đi, mong anh thông cảm. Có chút quà biếu anh dùng lấy thảo đón Xuân, chia vui cùng gia đình chúng tôi.” Mọi việc êm xuôi, lấy được lời ghi nhận ngày giờ đã trình diện, chữ ký và dấu mộc đỏ của Công An Phường đóng trên mặt sau tờ giấy tha. Thế là xong bước thủ tục thứ nhất, tạm coi là yên bụng.

Giờ Giao Thừa điểm, lẻ tẻ bắt đầu có những tiếng pháo nổ, tạch tạch đùng tại các trụ sở cơ quan Nhà Nước, phá tan bầu không khí thanh tịnh của đêm khuya trừ tịch. Tôi giật mình thức giấc, mặc bộ quần áo sạch sẽ, bước ra hàng lan can trên lầu, đến đứng trước chiếc bàn vuông nhỏ. Trên bàn, Vợ tôi đã bầy sẵn chiếc lư hương, cặp đèn cầy (nến), mâm ngũ quả, chai rượu, 3 chiếc tách hột mít, bình bông vạn thọ, cặp bánh chưng và hộp mứt thập cẩm. Tôi thắp nến, rót rượu, đốt sáng 3 nén nhang, chắp 2 tay dơ cao ngang trán, lâm râm khấn tạ ơn 9 phương Trời, 10 phương Đất, Chư Phật 10 phương, các Vị Thần linh, Tổ Tiên, đã che chở cho còn sống về đoàn tụ với Vợ Con, và cầu xin phù hộ cho gia đình được mọi sự an bình thịnh vượng, hơn những ngày năm cũ vừa qua.

Khấn vái xong, đứng lặng người nhìn quang cảnh phố xá vắng hoe, tâm hồn xúc động, mắt rưng rưng lệ, nhớ lại những đắng cay tủi nhục đã phải chịu đựng suốt 13 năm qua. Mỗi lần Xuân về, chỉ nhắm mắt chắp tay ngồi xếp bằng theo thế Kiết già, ngay trong mùng trên xạp ngủ trại giam, giữa nơi rừng núi âm u, lâm râm cầu nguyện. Những dịp ấy chẳng bao giờ cầu xin gì cho bản thân, mà chỉ cầu xin cho Vợ Con, thân quyến, đồng bào được ngày ngày cơm no áo ấm, cho vận nước sớm đổi thay, để mọi người được đoàn tụ sống trong Tự do, Dân chủ, Thanh bình. Lễ rước Tân Niên theo lệ cổ truyền do Ông Bà để lại xong, cả nhà Vợ Chồng Con Cháu quây quần chúc nhau sức khoẻ, ăn bánh chưng dưa món củ kiệu, uống trà đón Xuân mới. Thật là mau, mới ngày nào ra đi các Con còn nhỏ dại, nay trở về thấy đùm đề 2 cháu nội, 2 cháu ngoại chưa biết nói trọn câu cho đủ lời, quấn quýt giành nhau ngồi bên Ông Bà đòi ăn tíu tít.

Sáng sớm mồng Một Tết, lúc đường xá còn vắng tanh, Vợ tôi ở nhà lo làm cơm cúng Gia Tiên. Mấy đứa Con và Cháu dắt Tôi “xuất hành” đi Chùa lễ Phật đầu năm, cầu phước cầu tài đem về tự “xông đất” cho yên tâm. Để phòng trường hợp chẳng may, gặp người nặng vía hoặc khắc tuổi, đạp đất xông nhà mình đầu năm, có thể đem lại những điều không may. Chúng tôi đi bộ đến Chùa Giác Ngạn, cách nhà khoảng một cây số. Chùa này ở trong ngõ, phía sau lưng Chợ Mới (mở sau 30-4-1975 gần cổng xe lửa số 6) giữa xóm đông dân cư, với đủ loại nhà : villa, phố gạch mái tôn, nhà lầu đúc, nhà trệt... có đường đá đủ rộng cho xe hơi chạy. Đây là ngôi Chùa do Thượng Tọa Thích Thanh Long, Giám đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà xây dựng và chủ trì. Trong khi Thượng Tọa Thanh Long phải đi học tập Cải tạo, Vị Thượng Tọa Phụ tá lên Chủ trì thay.

Chung quanh khu chúng tôi ở, có nhiều Chùa khác gần nhà hơn, nhưng Tôi ưu tiên đi Chùa Giác Ngạn, vì bình Tro Cốt của Nhạc Mẫu được gửi trong Nhà Vong tại Chùa này. Mười ba năm rồi, chưa có dịp quỳ lạy di cốt của người Mẹ hiền, thuở sinh tiền đã dầy công nuôi dưỡng dạy dỗ Vợ và các Con của Tôi. Ngày 2 tháng 9 năm 1966, Nhạc Mẫu của Tôi qua đời, chôn tại Nghĩa trang Bắc Việt Tương Tế khu Xóm Mới Gò Vấp. Mộ phần được xây Kim tĩnh, dát đá cẩm thạch cẩn thận. Đến năm 1987, Chính quyền Cộng sản địa phương đuổi Nghĩa trang phải rời đi nơi khác. Lợi dụng dịp thân nhân đến bốc mộ, kẻ xấu trà trộn phá các mộ phần chưa có thân nhân đến lo, lấy đá cẩm thạch và gạch xây đem đi bán lấy tiền. Mộ Nhạc Mẫu của Tôi cũng bị nạn đập phá này. Gia đình nào không biết, hoặc chần trừ chưa kịp thi hành lệnh, Nhà Nước tự tiện cho người đập phá, bốc tập trung, không cần thông báo cho thân nhân biết đem đi đâu. May bè bạn chúng tôi, có thân nhân qua đời cũng chôn cùng Nghĩa trang, biết được ghé nhà thông báo. Vợ và các Con Tôi lo thuê người bốc và thiêu hài cốt, để vào bình đem gửi nơi Chùa Giác Ngạn. Bình tro cốt gửi tại Chùa này, vì sau khi Tôi đi trình diện học tập cải tạo vào tháng 6 năm 1975, ở nhà các con của Tôi phải vừa đi học, vừa đi làm thợ cho Tổ hợp mành trúc kiếm cơm ăn hàng ngày. Trụ sở Tổ hợp đặt tại Chùa Giác Ngạn, nên trở thành thân quen với Thượng Toạ chủ trì.

Sau khi lễ Phật, thăm bình Tro Di Cốt của Mẹ xong, Tôi ghé qua nhà khách chúc Tết Thượng Tọa chủ trì Chùa. Nghe mấy Phật tử nói chuyện với nhau, mới biết Thượng Tọa Thích Thanh Long đã được tha khỏi trại cải tạo, hiện đang cư trú tại Chùa. Tôi dắt bầy Con Cháu lên phòng riêng của Thượng Tọa Thanh Long, chào chúc Tết. Gặp nhau hân hoan mừng rỡ, chẳng ai muốn nhắc chuyện quá khứ, chỉ thăm hỏi về cuộc sống hiện tại và dự tính cho tương lai, làm sao thích ứng được với hoàn cảnh khó khăn đương thời. Thượng Tọa Thanh Long được tha trước Tôi 6 tháng. Ngài bệnh hoạn gầy yếu hơn những năm, bị nhốt chung với Tôi tại K1, Trại Thanh Phong, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá Trung Việt (1980-1982).

Ngài cho Tôi biết, suốt 6 tháng qua từ ngày được tha về, Chính quyền địa phương không cho nhập Hộ khẩu tại Chùa. Họ buộc phải rời khỏi Chùa, về nhà thân quyến mà ở. Ngài đã trả lời là : “-Đi tu từ thuở nhỏ đến giờ không có gia đình. Năm 1954, di cư từ Bắc vào Nam, theo Hiệp định Genève chia đôi đất nước do Nhà Nước Cộng sản ký kết với Pháp. Hiện tại “tứ cố vô thân” nên nhất định ở tại Chùa, do chính Ngài và Thầy của Ngài (đã viên tịch) xây dựng nên, chớ không đi đâu hết. Nếu Chính quyền không chịu, cứ việc khiêng Ngài bỏ ra đường. Ngài sẽ nằm đó đến chết khô, phó mặc nhục thể cho chó, chuột hoang, mặc tình rúc rỉa.”

Từ hôm đó trở đi, hàng tuần Tôi đều ghé Chùa Giác Ngạn thăm Thượng Tọa Thanh Long, và thắp nhang cầu Phật độ trì cho hương hồn Nhạc Mẫu được tiêu sinh tịnh độ nơi cõi Phật, thoát khỏi kiếp luân hồi.

Rời Chùa trở về nhà được một lúc, có ông trưởng Công An Phường và bà Tổ trưởng Tổ Dân Phố đến thăm. Họ nói là đến thăm chúc Tết, nhưng thực ra để kiểm soát coi có bệnh hoạn thực không, mà không chịu đích thân đi trình diện. Cũng kể từ hôm đó trở đi, thấy bên kia lề đường, trước cửa căn phố đối diện nhà Tôi, có mấy cô bé đem một tủ kính nhỏ kê trên chiếc ghế đẩu, thay phiên nhau ngồi bán thuốc lá điếu cho khách qua đường. Họ ngồi thường trực hàng ngày, từ sáng sớm cho đến 9, 10 giờ tối, nhà Tôi đóng cửa họ mới biến đi.

Thời gian Tôi được tha, Nhà Nước không còn áp dụng Chính sách quản chế đối với Tù Chính trị, như trường hợp các bạn được tha nhiều năm về trước. Nhưng, không biết hoàn cảnh các bạn khác ra sao, riêng cá nhân Tôi thì, Công An Quận, Công An thành phố, Cán bộ Bộ Nội Vụ ngoài Hà Nội, đôi khi đi riêng lẻ, đôi khi đi chung, bất thần đến thăm hỏi sức khoẻ và tìm hiểu xem có kế hoạch làm ăn kinh tế nào quy mô, để góp phần cùng đồng bào tái thiết đất nước không? Lần nào họ cũng chỉ thấy Tôi ngồi in các mẫu thêu lên vải, cho các Con gái của Tôi dùng máy thêu làm “gia công”, (tức là lãnh hàng về nhà làm bằng máy riêng của mình) cho Tổ hợp sản xuất quần áo may sẵn, do gia đình các Cán bộ chức quyền địa phương làm Chủ nhiệm, để kiếm cơm ăn hàng ngày. Trong xã hội Xã hội Chủ nghĩa, Tổ hợp là một loại tổ chức cai thầu trung gian, giữa các Xí nghiệp Nhà Nước và các lao động làm thuê. Chủ nhiệm Tổ hợp đến nhận hàng của các Xí nghiệp Nhà Nước với giá cao, đem về thuê người làm “gia công” trả giá rẻ mạt, để ăn chặn phần sai biệt mà không phải vất vả lao động. Người lao động thuê chẳng có quyền lựa chọn, “mật ít ruồi nhiều”, mặc dù biết là thiệt thòi, nhưng vẫn buộc lòng phải nhận làm mới có ăn, ít còn hơn không.

Hồi Tôi chưa được tha, ở nhà Vợ tôi được 2 cô con gái (tốt nghiệp Trung học, không được vào Đại học) chưa lập gia đình, phụ lực mở quán bán cháo vịt và nước uống. Khách ăn thoạt đầu vắng vẻ, nhưng lâu dần nhờ bán rẻ, tiếp đãi tử tế nên cũng khá đông, tiền lời kiếm được tạm đủ cho gia đình chi dùng hàng ngày. Thấy vậy, Công An Phường và Ủy ban Nhân dân Phường bắt đầu ghé ăn, năm bẩy bữa tới một lần. Ban đầu chỉ có 2, 3 người dắt nhau tới ăn nhậu, gia đình muốn tỏ ra lịch thiệp không lấy tiền. Nhưng rồi từ từ số người tới ăn “chùa” tăng dần lên cả chục, bắt buộc phải tính tiền không thể khoản đãi mãi. Lập tức vài ngày sau, nhân viên Kinh tế Phường đến hỏi giấy phép kinh doanh. Không có phải đi xin, Phường trì hoãn cứu xét không chịu cấp. Trong khi nhà hàng xóm, không thuộc diện phải đi cải tạo, thấy gia đình Tôi kiếm ăn được, cũng mở quán bán cháo vịt để chia bớt khách. Họ xin giấy phép được Phường xét cấp ngay. Trong vòng một tuần lễ, nhà chúng tôi bị kiểm tra liên tục nhiều lần, vẫn chưa có giấy phép buộc phải đóng cửa, nếu không sẽ bị làm biên bản phạt vi phạm luật Kinh tế của Nhà Nước.

Tôi được tha về, thêm miệng ăn trong nhà, 2 cô Con gái phải nhận làm “gia công”, may ráp thêu quần áo cho Tổ hợp may của gia đình Cách mạng làm chủ. Rồi lợi dụng “chiếc dù” này, trương bảng hiệu nhận cắt may, thêu quần áo phụ nữ. Tôi ngồi in mẫu thêu, bấm khuyết áo, cắt các mẩu chỉ dư trên các chiếc quần áo đã may xong, và ủi phẳng xếp vào bao ni lông. Khách hàng bắt đầu có kha khá, nhân viên Kinh tế Phường lại đến kiểm tra xét giấy phép và tính thuế. Cũng đã nộp đơn xin, nhưng Phường còn cứu xét chưa cấp, do đó lại phải hạ bảng hiệu xuống. Để có thể tiếp tục làm ăn kiếm sống, đành viết một bảng nhỏ bằng bìa cứng, hình chữ nhật cỡ 20 phân cao, 40 phân dài, ghi câu “Nhận gia công may thêu quần áo, và hướng dẫn kỹ thuật thêu máy”, treo tòng teng trên dàn cửa sắt trước nhà. Những khách hàng quen và bạn bè cũng biết, họ giới thiệu nhau tiếp tục tới đặt hàng, làm cũng đủ sống qua ngày.

Được tha không bị quản chế, nên 1 tuần lễ sau ngày được tha, Chính quyền Quận gửi giấy gọi Tôi lên Công An Quận chụp ảnh, lăn dấu tay, điền mẫu lý lịch làm Giấy Chứng minh Nhân dân. Một tháng sau, Công An thành phố gọi lên trình diện để kiểm tra bổ túc. Hai tháng kế sau nữa, được kêu lên ký nhận Giấy Chứng minh Nhân dân, để chính thức trở thành người Công dân, hàng năm phải đi tham gia lao động Xã hội Chủ nghĩa 7 ngày không có thù lao. Với tấm Giấy Chứng Minh Nhân Dân gốc cải tạo về, đến đâu xin việc làm cũng chẳng được, dù chỉ là một chân lao công quét rác dọn vệ sinh. Nhìn thấy ngày cấp ghi trên Giấy Chứng Minh Nhân Dân, người ta hỏi ngay : “-Diện Cải tạo về hả? Rất tiếc, tuyển đủ người rồi.” Vấn đề ghi tên xin nhập Hộ Khẩu, phải tới Phường nộp đơn xin trong vòng 7 ngày, kể từ ngày được tha về đến nhà. Nộp đơn rồi, đợi 2 tháng mới cứu xét xong, để được Phường gọi mang giấy Hộ khẩu đến ghi thêm tên vào.

Buổi trưa mồng 3 Tết, Tôi đang nằm ngủ, anh Nguyễn văn Sáu Đội phó cùng Đội 23 tại Z30D, cũng được tha vào dịp trước Tết, nhà ở tuốt tận bên kia cầu chữ Y, lạch cạch cưỡi chiếc xe đạp đến thăm. Thời gian ở trong các trại Z30C và Z30D (1982-1988) anh ấy và Tôi ăn cơm chung, nên có nhiều cảm tình thân thiết hơn các bạn khác. Gặp anh Sáu, Tôi mới biết là trong Đội 23 chỉ còn một mình anh Đại tá Phạm Tài Điệt (An ninh Quân đội Biệt Khu Thủ Đô) nhà ở đường Huỳnh văn Bảnh gần nhà Tôi, chưa được tha. Những ngày kế theo, một số bạn bè khác cũng ghé thăm Tôi. Có người ở gần cùng khu phố như anh Đại tá Trịnh đình Đăng (Đội 23 K1 Z30D), Trung tá Phạm ngọc Xuyến (Đội 6 K1 Z30C), Đại tá Nguyễn văn Bích (nguyên Thị trưởng Đà Lạt, bạn đồng môn Võ bị Quốc gia, tốt nghiệp sau Tôi một khoá). Còn phần lớn là những người trước kia cùng phục vụ trong ngành Truyền Tin, cư ngụ tại các Quận khác trong thành phố Saigon Chợ Lớn Gia định. Cũng có người ở thật xa, như anh bạn Tù tên Khuông (trước 30-4-1975 làm Cán bộ Liên đoàn Lao công Saigon) quen tại Trại Thanh Phong Thanh Hoá, nhà ở tận Tây Ninh, nhân dịp đi chợ Saigon biết tin Tôi được tha, cũng ghé nhà thăm cho ít trái cây thổ sản của gia đình. Hồi ở Trại Thanh Phong anh ấy làm trực nhà của Đội, vì không có tiếp tế của gia đình, Tôi đưa đồ tiếp tế riêng nhờ lo việc nấu nướng cải thiện ăn chung, “miếng khi đói bằng gói khi no” nên đã trở thành bạn thân chẳng bao giờ quên nhau.

Nhờ có dịp gặp nhiều bạn bè, biết thêm tin đại đa số Tù nhân Chính trị miền Nam, đang bị giam trong tất cả các Trại trên toàn nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, được tha vào dịp Tết Mậu Thìn 1988. Chỉ còn lại khoảng 150 người (gồm cả Tướng, Tá, Úy, và Hạ sĩ quan), bị Nhà Nước Cộng sản liệt vào loại có “nợ máu” với nhân dân nặng nề hơn cả, bị giữ lại dồn về giam tại Trại Z30D tiếp tục cải tạo chưa được tha. Theo suy nghĩ riêng của Tôi, đây là mánh khoé của Việt Cộng “suy bụng ta ra bụng người”, giữ lại một số làm con tin, để buộc Hoa Kỳ thực hiện đầy đủ những lời đã hứa, rồi mới tha lần lần đến hết. Chứ không phải các Bạn này, có nhiều “nợ máu” với Nhân dân hơn những người khác. Một anh Trung sĩ Trung đội trưởng Nghĩa quân kiêm ủy viên An ninh xã, làm sao có “nợ máu” nhiều bằng một ông Tướng hay một Sĩ quan cấp Tá, thế mà cũng bị giữ lại tiếp tục cải tạo như nhau.

Trước 30-4-1975, thường qua ngày mồng 7 tháng Giêng, các Đình, Chùa, Lăng Miếu làm lễ hạ Cây Nêu xong, quảng đại quần chúng mới coi là hết Tết. Nhưng bây giờ, vào ngày mồng 2 mọi sinh hoạt xã hội đã trở lại bình thường. Tôi nhờ Con trai dùng xe máy dầu chở đi một vòng, để trả lễ các bạn bè đã tới thăm chúc Tết mình, cũng nhân đó thăm quang cảnh phố phường chợ búa, khắp vùng Saigon Chợ Lớn Gia Định, sau 13 năm xa vắng.

Chẳng có gì đổi mới, chỉ thấy tàn tệ hơn. Đó đây đầu các ngõ hẻm, gần những ngã tư đường lớn các khu chung cư, gần các góc chợ, xừng xững mọc lên những đống rác lù lù, ruồi nhặng đảo lượn tự do như bầy ong vỡ tổ, mùi xú uế xông lan xa hàng trăm mét nồng nặc muốn ngộp thở. Dân khất thực, lẫn lộn cả những người bị bệnh phong cùi cụt các ngón tay ngón chân loét lở đầy mặt, ngồi vật vã bên vỉa hè phố, quanh đầu chợ, giữa các công viên, níu kéo nài nỉ người qua lại xin ăn, xin tiền. Thảm thương nhất là những trẻ thơ cỡ 5 đến 10 tuổi, đứng rình bên các bàn ăn, hễ thấy khách vừa ăn xong buông bát đũa xuống bàn, là nhào tới giành nhau cướp húp vét những gì còn sót lại trong tô, nhặt những mẩu xương vứt trên mặt bàn, gặm nốt những gì khách ăn không gặm được.
Ngay tại khu phố chúng tôi ở, xế bên cổng Nhà Thờ Ba Chuông, một bộ đội thương binh “quân hàm” Đại úy phục viên (giải ngũ), kiên nhẫn chịu đựng hậu quả “vắt chanh bỏ vỏ”, ngồi sửa vá lốp xe đạp kiếm tiền sinh sống hàng ngày tại miền Nam, chứ không chịu trở về quê cũ nơi chôn nhau cắt rốn của anh ta tại miền Bắc. Ngoài ra, còn có mấy toán bộ đội thương binh cũng gốc miền Bắc, từ chiến trường Campuchia trở về. Ngày nào cũng chống nạng dắt nhau từng nhóm 2, 3 người, miệng nồng nặc hơi rượu, ghé vào từng nhà suốt dọc phố xin tiền. Bà con cho 1, 2 chục đồng không thèm lấy, vứt trả lại, rồi xấn vào trong nhà gây gổ, chửi đổng : “-Đ.Mẹ chúng bay, không có chúng ông vào giải phóng, rồi lại sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế, làm gì chúng bay được ngồi yên đó mà kiếm tiền? Bát phở bây giờ tối thiểu cũng 5 chục bạc, cho 1, 2 chục thì mua được gì?” Có người thuộc hạng thân nhân Cán bộ tập kết mới về, mạnh bạo lên tiếng dọa đi gọi Công An. Nhóm kiêu binh thách thức : “-Có ngon cứ đi mời chúng nó lại đây, xem có dám làm gì chúng ông không?”

Hàng ngày ngồi tại nhà, Tôi còn phải chứng kiến nhiều cảnh thương tâm khác nữa, chưa từng thấy trong những năm có thiên tai lớn tại miền Nam trước 30 tháng 4 năm 1975. Những bà mẹ đầu quấn khăn tang,ï nách bồng con thơ chưa đầy 1 tuổi, tay dắt theo 2, 3 đứa khác tuổi san sát nhau từ 3 đến 10, quần áo rách rưới dơ bẩn hôi hám, ghé vào nhà tay chìa tấm giấy địa phương vùng Thanh Hoá Nghệ An cấp, cho phép di chuyển vào các tỉnh miền Nam xin trợ giúp và kiếm việc làm, vì quê quán bị thiên tai tàn phá mất sạch hoa mầu nhà cửa. Từng nhóm trẻ thơ chưa quá 13 tuổi, đứa lớn cõng đứa bé, dắt díu nhau ghé cửa xin ăn xin uống vì đói khát, không cha không mẹ, không thân quyến đùm bọc. Tối nào cũng có một gia đình “tha phương cầu thực”, không nhà cửa Hộ khẩu trong thành phố, ghé dọn chỗ chen chúc bên nhau đắp manh chiếu đụp, không mùng không mền, nằm nhờ dưới mái hiên ngay bên lề đường, trước cửa nhà Tôi. Mùa nắng đã vậy, mùa mưa thấy thật thê thảm thương tâm hết chỗ nói. Nhưng toàn là người lạ không quen, chẳng biết ở đâu tới, gốc gác ra sao, dù có xót thương tội nghiệp đến mấy, cũng chẳng dám cho vào tá túc trong nhà ban đêm.

Đấy là những gì chính mắt Tôi thấy, giữa “thiên thanh bạch nhật” trên khắp nẻo phố phường Saigon (Hòn Ngọc Viễn đông) sau 13 năm “đổi đời”, dưới sự lãnh đạo ưu việt của Đảng Cộng sản Việt Nam, và quyền quản lý tài giỏi của Nhà Nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (tôi tớ của Nhân dân như Bác Hồ vĩ đại từng nói trước khi đi về với các Cụ Lênin Các Mác). Thật vô cùng thảm thương!
Nhân dịp “tham quan cho biết sự tình” này, Tôi còn được chứng kiến một sự kiện đau lòng khác, tại một trụ sở Dịch vụ làm hồ sơ xuất cảnh theo diện Đoàn tụ gia đình (ODP=Orderly Departure Program) trên đường Nguyễn Trãi. Những bạn Cựu Tù, có thân nhân di tản ra ngoại quốc dịp 30-4-1975, nay đã có cuộc sống tạm ổn định, được Chính phủ Hoa Kỳ và các nước đang tạm trú cho làm giấy bảo lãnh thân nhân qua đoàn tụ, chen nhau đứng vòng trong vòng ngoài đợi đóng tiền, lập hồ sơ xin xuất ngoại. Có người ở tỉnh xa Saigon lên ăn chực nằm chờ, ngày nào cũng phải đi từ 4, 5 giờ sáng để đứng xếp hàng giữ chỗ ưu tiên vào trước. Có người hồ sơ trục trặc thiếu sót, phải chạy đi chạy lại nhiều lần mới bổ túc xong. Lệ phí mỗi hồ sơ tùy theo số người cùng Hộ khẩu xin đi nhiều hay ít. Tối thiểu cũng phải từ ba bốn trăm ngàn trở lên đến một, hai triệu đồng bạc Cụ Hồ.
Rút kinh nghiệm sống với Cộng sản, Anh Em sợ Nhà Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vốn trở mặt như bàn tay, có thể thay đổi ý kiến bất cứ lúc nào. Các Cụ thường nói : “Ăn đi trước, lội nước đi sau”, dịp may hiếm có, cánh cửa đang mở, phải vội vã bon chen lo cho xong sớm, kẻo lỡ “trâu chậm uống nước đục”, thì mộng đẹp tương lai sẽ tan tành theo mây khói. Có người được tha về sau muốn đi trước, theo hướng dẫn của phòng dịch vụ, biên thơ sang Hoa Kỳ bảo Vợ Con đến đóng lệ phí bằng Đô la cho văn Phòng Luật sư có đại diện bên Việt Nam. Chịu tốn vài bốn trăm Đô la theo phương cách này, hồ sơ sẽ được giải quyết xét cấp Hộ Chiếu (Passeport), và lên danh sách chuyển cho Đại diện Hoa Kỳ phỏng vấn nhanh chóng hơn. Mấy người bạn tốt bụng, cũng mách nước cho Tôi làm theo phương cách này. Nhưng Tôi không thực hiện, vì gia đình đông quá, chẳng biết 2 người con ở Hoa Kỳ có khả năng lo nổi hay không, đành phải làm ngơ.

Loanh quanh bận bịu phụ các con, may thêu kiếm tiền ăn hàng ngày cho gia đình, chả mấy chốc mùa Giáng sinh 1988 đã tới. Một hôm đang ngồi quay mặt ra đường, cặm cụi in mẫu thêu lên vải. Bỗng một ông già mặc quần tây áo sơ mi vải đen, ghé vào vỗ vai hỏi : “-Bác còn nhớ Tôi không?” Ngẩng lên, mừng rỡ reo : “-Ồ! Linh mục Sinh, Ngài đi đâu làm gì mà qua lối này? Được tha về từ bao giờ? Bây giờ ở đâu?” Linh mục Bùi đức Sinh cười vui vẻ, tự kéo ghế ngồi xuống bên kể cho biết : “-Hồi được lệnh ra đi khỏi Đội 23 Trại Z30D bất ngờ, nên chẳng chào chia tay được ai. Rời Trại Z30D hôm đó là ngày 20-6-1986, được đưa về giam chung với các Linh mục Tuyên úy Quân đội tại Trại Z30A Xuân Lộc Long Khánh, và được tha về ngày 13 tháng 10 năm 1987. Giấy tha về địa chỉ dòng tu Đa Minh Thủ Đức, nhưng Nhà Nước đã tịch thu làm Trường Đảng, nên địa phương không nhận, chỉ lên thành phố khiếu nại. Thành phố cho về Nhà Thờ Ba Chuông, ngay ngã tư đường Lê văn Sĩ này tạm trú. Rồi phải tìm kiếm thân nhân hoặc bạn bè ngoài Nhà Thờ, xin về ở chung với họ. Linh mục đi cải tạo về không được tiếp tục thi hành mục vụ, nên không cho nhập Hộ khẩu Nhà Thờ.” Tôi (Linh mục Sinh) giải thích : “-Nhà Thờ Ba Chuông cũng là Tu viện Đa Minh”. Thành phố trả lời : “-Nếu là Tu viện thì phải dẹp Nhà Thờ, hiện tại được coi là Nhà Thờ thì không thể là Tu viện.” Loanh quanh bị gọi tới gọi lui làm việc hoài. Cả năm sau tìm được người cháu ở xóm Bùi Phát (trên đường Trương Minh Giảng) bằng lòng nhận cho cư trú. Trình lên thành phố, được chấp nhận chỉ định cho nhập Hộ khẩu nhà người cháu. Theo chỉ thị của thành phố, ban ngày muốn đi đâu thì đi, đêm phải có mặt tại nhà người cháu. Lâu lâu thành phố cũng cho người tới kiểm tra, hỏi thăm làm ăn gì mà có tiền sinh sống hàng ngày? Hiện nay, ban ngày tới Nhà Thờ Ba Chuông ngay góc ngã tư Lê văn Sĩ-Huỳnh quang Tiên này, tối phải về cư ngụ tại nhà người cháu tại xóm Bùi Phát.”

Từ đó trở đi, Tôi lại có thêm một bạn Tù cũ nữa gần nhà, để thỉnh thoảng ghé thăm nói chuyện thời sự. Cũng nhờ thế, Tôi biết được lý do tại sao Chính quyền Cộng sản không bằng lòng cho các Nhà Thờ tổ chức quy mô, Lễ Tôn vinh 117 hiển Thánh tử đạo Việt Nam vào ngày 19 tháng 6 năm 1988, như chỉ thị của Toà Thánh Vatican. Theo Linh mục Sinh cho biết, Cán bộ địa phương nói với Ngài : “-Vì 19 tháng 6 là ngày kỷ niệm Quân Lực của Chế độ cũ, nếu cho Nhà Thờ tổ chức rầm rộ, sợ các cựu Tù gốc Quân đội được tha về khá đông, không bị quản chế, lợi dụng sự đông đảo của quần chúng, gây xáo trộn trật tự anh ninh xã hội.”

TỰ DO XÃ HỘI CHỦ NGHIÃ.

Ngoài nơi lao lý vẫn thân Tù,
Báo Quận, trình Thành mệt ngất ngư.
Xê dịch xa nhà cần giấy phép,
Buôn bưng bán lẻ phải chi xu.
Đêm ngày rình rập dân chòm xóm,
Năm tháng theo dò mật vụ khu.
Độc Đảng chuyên quyền, Dân chủ nhỉ?
Tam Vô chuyên chính, Tự do ư ?

Mùa Thu năm Mậu Thìn - 1988.


Noel tới, chỉ có đồng bào trong các xóm Đạo và Nhà Thờ, tấp nập chuẩn bị đón ngày Chúa Giáng Trần. Bà con ngoại Đạo, không thấy ai tham gia vui như hồi trước 30-4-1975. Các Nhà Thờ cũng phải gia giảm việc chăng đèn kết hoa bên ngoài chung quanh sân, chỉ tập trung sửa soạn bên trong Cung nguyện mà thôi. Đi xem Lễ Misa đêm Noel, cũng chỉ thấy toàn đồng bào Công giáo, và rất đông Công An Nhân Dân bận sắc phục và không sắc phục, trà trộn bao quanh Nhà Thờ.

Đầu năm dương lịch 1989, nhờ chính sách của Nhà Nước “đổi mới, mở cửa”, tình hình buôn bán của tư nhân bắt đầu nhộn nhịp hơn. Các Cơ quan Nhà Nước đua nhau đốt pháo, mừng ngày tân niên Dương lịch rất là rôm rả. Nhờ thế, đồng bào nô nức mua sắm chuẩn bị ăn Tết Kỷ Tỵ 1989 thật thoải mái. Dưa hấu, các loại hoa cành, hoa cây trồng trong chậu, mứt, pháo… bầy bán đầy 2 bên lề đường, trong các chợ. Gia đình Tôi, nhờ có 2 người con đang ở Hoa Kỳ (một du học từ năm 1971 đến 30 tháng 4 năm 1975 xin ở lại tỵ nạn không về nước, một mới vượt biên hồi cuối năm 1982) gửi về cho vài thùng thuốc Âu, bán đi lấy tiền chi dùng, nên cũng có một cái Tết tạm coi được, nhưng không bằng những cái Tết trước 30-4-1975. Để mừng đón cái Xuân thứ 2, đoàn tụ bên Vợ Con Cháu, Tôi quyết định tổ chức gói bánh chưng. Chúng tôi bắc bếp, luộc ngay trên lề đường trước cửa nhà, suốt đêm 29 đến sáng ngày 30 mới vớt bánh ra ép. Các cháu Nội cháu Ngoại của Tôi mừng vui hớn hở. Từ khi lọt lòng Mẹ ra đời đến nay đã 4, 5 tuổi, lần đầu tiên chúng được hưởng cái thú vị cổ truyền của gia đình Việt Nam, thức đêm nấu bánh chưng chuẩn bị đón Tết. Các Con của Tôi không lạ gì, trước 30-4-1975, năm nào gia đình cũng tự gói nấu bánh chưng ăn Tết. Chỉ có 12 cái Tết vừa qua, gia đình ly tán hoạn nạn thiếu thốn, Vợ Con ở nhà dành dụm đủ tiền mua được một cặp bánh, trước cúng Gia Tiên sau chia nhau thưởng thức Tết là may lắm rồi, có đâu mà bầy đặt tự gói nấu lấy bánh trong nhà. Ông hàng xóm, Tổ trưởng Lão Ông Phường ở cách nhà Tôi 2 căn, thấy gia đình chúng tôi rục rịch gói nấu bánh chưng ăn Tết, cũng đến nhờ gói nấu giùm 2 cặp bánh, để vợ chồng già ăn Tết cho được rẻ, và chắc chắn là ngon hơn mua ngoài chợ.

Giao thừa tiễn năm con Rồng 1988 đón năm con Rắn 1989, gia đình Tôi đốt một bánh pháo dài 2 mét, để chung vui với xóm giềng mừng đón Xuân mới. Đến sáng sớm mồng Một, Tôi đi lễ Chùa về tự “xông nhà”, đốt thêm một bánh pháo dài 2 mét nữa, mừng tình hình Thế giới đang xoay chuyển, làm cho cái nôi Cộng sản Liên Xô đang rơi vào thế cờ bí, dẫn đến tan rã sau 3 phần tư Thế Kỷ tung hoành tàn bạo, giết hại hàng chục triệu sinh linh vô tội trên khắp mặt địa cầu. Chiều ngày mồng Một, 2 vợ chồng ông bạn già Tổ trưởng Lão Ông Phường dắt nhau sang chúc Tết, khen bánh ngon, nền hơn bánh mua ngoài chợ rất nhiều. Rồi tiện lúc đang vui câu chuyện, ông bạn già đề nghị Tôi đóng tiền niên liễm gia nhập đoàn thể Lão Ông Phường. Ông ấy giải thích : “-Có thẻ Lão Ông được miễn không phải đi làm Nghĩa vụ Lao động Xã hội Chủ nghĩa. Tất cả đàn ông đàn bà đủ 18 tuổi nhưng chưa đến tuổi lão, hàng năm đều phải đi làm Nghĩa vụ Lao động Xã hội chủ nghĩa một tuần lễ. Ai có tiền đóng thế chân theo giá biểu Nhà Nước quy định thì không phải đi, Chính quyền địa phương sẽ thuê người làm thay cho. Ai không tiền đóng góp, phải “cơm đùm áo gói” đi lao động không công cho Nhà Nước 1 tuần lễ, thường là tại các vùng kinh tế mới thuộc quyền quản lý của Quận.”

XUÂN LỤC TUẦN CẢM HỨNG

Kỷ Tỵ hân hoan đón Lục Tuần,
Cháu Con hớn hở chúc mừng Xuân.
Thế tình nghiêng ngửa tâm bền vững,
Tạo hoá vần xoay tuổi Thọ lần.
Tổ họ Nguyễn-huy, dòng Nghiã Sĩ,
Quê cha Phù Đổng, đất Linh Thần.
Đã qua bĩ vận đời thay đổi,
Sẽ tới vượng thời tái lập thân.
Xuân Kỷ Tỵ - 1989

Khoảng giữa năm Dương lịch 1989, Nhà Nước ban bố lệnh cho các cựu Tù nhân thuộc Chế độ cũ, bị giam giữ trong các Trại cải tạo từ 3 năm trở lên đã được tha, có thể tiếp xúc Chính quyền địa phương, lập hồ sơ xin cho mình và Vợ Con ở chung trong một Hộ khẩu, cùng đi định cư tại nước ngoài. Ngay sau khi bản tin được thông báo qua hệ thống truyền thanh và báo chí của Nhà Nước, anh em cựu Tù Chính trị ùn ùn kéo nhau đến Trụ sở Ủy ban Nhân dân Quận, đông như đi hội chợ. Cổng trụ sở Quận đóng kín, mọi người chen nhau đọc bản thông cáo treo trên cánh cổng, cho biết mẫu hồ sơ còn đang in, khi nào có sẽ thông báo sau.

Một tháng sau, chẳng cần phổ biến trên báo chí truyền thanh, một biết đồn mười, mười biết đồn trăm, trăm biết đồn ngàn, loan truyền cho nhau. Anh em lại ùn ùn tới trụ sở Quận “mua mẫu hồ sơ” về nhà điền, đi làm bản sao các giấy Khai sanh, Giá thú, Hộ khẩu, Chứng minh Nhân dân, Giấy tha ra Trại... để kèm với đơn đem trở lại, chen nhau đứng xếp hàng lấy số đợi gọi vào nộp. Việc thị thực các bản sao giấy tờ, được thực hiện tại các Ủy ban Nhân dân Phường. Tiền lệ phí thị thực cho mỗi bản tài liệu, phải trả đắt gấp mười lần lệ phí bình thường dành cho dân, không thuộc thành phần cải tạo viên nộp hồ sơ xin đi nước ngoài.

Trụ sở Ủy ban Nhân dân Quận Phú Nhuận đóng ngay tại cơ sở của Quận Hành chánh Phú Nhuận cũ, trên đường Hoàng văn Thụ (trước là đường Võ Tánh), xế trước cổng số 2 Trại Trần Hưng Đạo (Bộ Tổng Tham mưu Quân Lực Việt Nam Cộng hoà). Cả tháng trời ngày nào cũng đông nghẹt người, đi lại đứng ngồi trong sân và dọc lề đường bên ngoài cổng. Các xe đẩy, gánh hàng rong, bán thức ăn nước uống tha hồ thâu tiền. Câu lạc bộ bên trong trụ sở Quận, cũng được dịp phục vụ không nghỉ tay, thu tiền vào như nước. Các khu nhận giữ xe 2 bánh lấy tiền, bên trong sân Quận cũng như dọc lề đường phía ngoài cổng trụ sở, lúc nào cũng đầy nhóc. Ai đến trễ phải gửi xe xa hàng mấy trăm mét, rồi đi bộ tới. Thật là một dịp may hiếm có, cho thân nhân viên chức Cán bộ Quận, cấu kết với nhau tha hồ móc tiền của cựu Tù Cải tạo.

Chục ngày đầu, anh em ùn đến đông quá, chen nhau kẻ ra người vào nườm nượp, suốt từ giờ mở cửa buổi sáng sớm cho đến chiều tối đóng cửa chẳng lúc nào ngớt. Tôi phải chờ tới ngày thứ mười lăm mới tới, vẫn còn đông như nêm. Xếp hàng vào mua được mẫu hồ sơ xong trở ra, đang lách giữa đám đông đi ra cổng, nghe có tiếng gọi : “-Ê ! Hùng! Hùng!” Tôi quay nhìn phía có tiếng gọi, thấy một người cao lênh nghênh dơ tay vẫy, Trung tướng Nguyễn Hữu Có, ông bạn tốt nghiệp cùng Khoá 1 Sĩ Quan Trường Bõ Bị Quốc gia với Tôi, từ ngày 1 tháng 6 năm 1949 tại Huế.
Hồi Tôi còn bị giam tại Trại Tân Lập Vĩnh Phú, lúc đang có tin Hoa Kỳ vận động mở Hội nghị tại Genève để nhờ Liên Xô, Trung Cộng áp lực Việt Cộng thả hết Tù Chính trị miền Nam, chúng tôi được Trại trưởng cho biết, Trung tướng Có đang cùng phái đoàn Bộ Nội Vụ vào tỉnh Thanh Hoá, tìm địa điểm làm Vùng Kinh tế mới để tập trung tất cả Cải tạo viên và Vợ Con vào đó. Về sau, tin này được Nhà Nước phổ biến rộng rãi trên các báo Nhân Dân và Quân đội nhân dân. Địa điểm được Trung tướng Có đề nghị phái đoàn lựa chọn là vùng Thanh Cầm, trong vùng huyện Như Xuân tỉnh Thanh Hoá (gần Trại Thanh Phong, nơi Tôi và một số anh em ở Trại Tân Lập Vĩnh Phú, bị chuyển vào giam từ hồi đầu năm 1980 đến năm 1982). Tin này đã khiến phần đông anh em, không còn mấy cảm tình khi nghe nhắc tới 3 tiếng “Nguyễn Hữu Có”, chứ đừng nói chi tới chịu gặp mặt bắt tay chào hỏi nói chuyện. Nhưng cá nhân Tôi, vì tình nghĩa bạn cùng khoá Sĩ quan, nhất là khi còn là Sinh viên ở trong Trường, chúng tôi cùng chung một Đội (Section, platoon), nên phải lách đám đông đến gặp nói chuyện, trước sự nhòm ngó của mọi người. Tướng Có cho Tôi biết là ông đến quan sát tình hình, xem có nên lập hồ sơ xin đi hay không.

Biết được địa chỉ nhà ở của Tướng Có, không xa khu nhà Tôi cho lắm, nên mấy ngày sau Tôi tìm đến thăm. Gia đình ông ở khu Chung cư sang trọng gồm toàn nhà 2, 3 tầng, bên hông có lối vào nhà để xe hơi riêng, trước sân rộng có cây cao bóng mát. Lối vào nhà xe và một khúc phía sân trước được lợp mái tôn, trang hoàng thành phòng đặt 2, 3 bàn bi da cho thuê giờ, và một quầy bán đồ giải khát ăn nhậu lai rai, cho các kiện tướng choai choai đến đấu bi da ăn tiền. Suốt ngày đêm lúc nào cũng đông khách. Tướng Có tiếp Tôi nơi phòng khách trên lầu. Đồ đạc trang trí trong nhà vẫn là những loại sang như thời trước 30-4-1975. Không như gia đình tôi, ở trong cư xá Sĩ quan Bộ Tổng Tham mưu, sau 30-4-1975 bị đuổi ra tay không. Từ món nhỏ nhặt nhất như chiếc bát, đôi đũa ăn, cũng bị Cách mạng Giải phóng tịch thu hết, vì là đồ mua sắm bằng tiền lương do “Ngụy” phát.

Gặp nhau chuyện trò thăm hỏi trong tình Anh Em đồng môn và chiến hữu cũ. Tôi thấy Tướng Có vẫn bộc trực thân thiện chân thật như hồi nào. Qua câu chuyện hàn huyên, Tôi biết được Tướng Có đang làm việc với một văn phòng của Hội thánh Tin Lành, và đang viết cuốn sách nói về những Phép Lạ đã xẩy ra trong đời ông, khiến ông tin và công nhận Chúa Jesus là Đấng toàn năng để ông tôn thờ. Ông cũng đã từng được Cán bộ Nhà Nước, dẫn nhiều phóng viên ngoại quốc đến phỏng vấn, về cuộc sống hiện tại của ông sau khi cải tạo, và cách cư xử của Chính quyền đối với ông và gia đình, để họ phổ biến cho Thế giới cùng biết. Ông cũng đang bị Chính quyền hỏi tới hỏi lui, về một món tiền mấy trăm triệu của Tín Nghĩa Ngân Hàng, thời ông làm phụ tá hay cố vấn gì đó (Tôi không nhớ rõ) cho ông Tổng Giám đốc Ngân hàng Nguyễn Tấn Đời, do đó không biết Chính quyền có chịu cấp giấy cho ông xuất ngoại hay không...

Tháng 12 năm 1989, Vợ Tôi nhận được giấy gọi đến Cơ sở Nguyễn Du, nơi phụ trách làm hồ sơ xuất cảnh tại Saigon, ở bên vườn Tao Đàn phía sau Dinh Độc Lập cũ, để bổ túc hồ sơ đi theo diện ODP (Orderly Departure Program) do con trai lớn của Tôi ở Hoa Kỳ bảo lãnh. Hồ sơ đã được nộp từ năm 1981, lúc Tôi còn đang ở trong tù ngoài Bắc. Vợ Tôi đến nơi, người ta hỏi : “-Chồng đã về chưa?” Bà ấy trình giấy tha Tôi ra khỏi Trại cho họ thấy. Họ hỏi tiếp : “-Anh ấy có muốn đi không?” Vợ Tôi trả lời : “-Có, đã nộp hồ sơ tại Quận Phú Nhuận xin đi theo diện Nhân đạo (H.O. Humanitarian Operation) cho cả gia đình, theo lệnh Nhà Nước mới phổ biến rồi.” Họ nói : “-Vậy thì về yêu cầu Quận, chuyển ngay hồ sơ lên đây bổ túc một lượt.”

Mừng hí hửng, chúng tôi đến trụ sở phụ trách giải quyết các hồ sơ cựu Tù xin xuất ngoại của Quận (cách nhà chừng 500 mét, gần trước Trường học Saint Thomas cũ trên đường Huỳnh Quang Tiên), để xin họ chuyển hồ sơ của Tôi lên Cơ sở Nguyễn Du ngay, theo lời yêu cầu của Cơ sở này. Nhân viên tiếp chúng tôi trả lời : “-Cứ về đợi năm bẩy bữa nữa, khi nào chuyển hồ sơ đi sẽ có bản sao để thông báo.” Hai tuần lễ sau chẳng thấy gì, Tôi đến nơi hỏi nữa, một nhân viên khác trả lời : “-Số hồ sơ tồn đọng rất nhiều. Chúng tôi không giải quyết lẻ tẻ, để đến cuối năm sẽ giải quyết chuyển đi hết một lần.”

Tết Trung Thu, cũng là Tết Thiếu nhi Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các quán bán bánh nướng bánh dẻo lồng đèn, bầy la liệt 2 bên lề đường lớn và trong ngõ. Ngay từ tối 13, 14, chưa đến Rằm, trẻ con đã dắt nhau rước đèn dung giăng dung dẻ khắp nơi, ngoài đường, trong ngõ, ca hát ồn ào thấy cũng vui mắt. Các gia đình có con đi học, phải đóng góp tiền để Nhà Trường mua bánh Trung Thu, tổ chức vui chơi cho các “cháu ngoan Bác Hồ” tại lớp học. Vào lúc xế chiều ngày Rằm Trung Thu, tự nhiên thấy anh Đại tá Trịnh đình Đăng dẫn 2 anh Đại tá Phạm tài Điệt nhà ở đường Huỳnh văn Bảnh gần nhà Tôi, và Lại đức Nhi ở tuốt tận Cư xá Bắc Hải Chí Hoà ghé thăm. Thật là một bất ngờ thú vị. Anh em hỏi thăm sức khoẻ của nhau xong, quay sang bàn tới chuyện hồ sơ xin xuất ngoại của mỗi người đã đi đến đâu rồi. Nhờ thế Tôi mới biết, Chị Điệt cũng mới được Cơ sở nguyễn Du tại Saigon gửi giấy mời lên bổ túc hồ sơ, đi theo diện con bảo lãnh như của Vợ Tôi. Họ cũng hỏi chồng về chưa, có muốn đi không, về nói với Quận chuyển hồ sơ lên bổ túc luôn thể. Khi tới cơ sở phụ trách tại Quận trình bầy, họ cũng trả lời y như đã trả lời Tôi. Nhưng sau đó nhờ có người chỉ lối, giới thiệu nhân viên phụ trách hồ sơ của cơ quan, đến tận nhà ra giá hai trăm ngàn đồng thì trong vòng một tuần lễ xong ngay. Anh ấy đã nộp tiền, và trong vòng có 3 ngày nhân viên phụ trách đem đến tận nhà, cho một bản sao phiếu chuyển hồ sơ lên Cơ sở Nguyễn Du. Hai tuần lễ sau, Anh Điệt được giấy Cơ sở Nguyễn Du gọi lên bổ túc hồ sơ.

Lập tức ngày hôm sau, Tôi cho cậu Con đang làm trong Tổ hợp mành trúc xin nghỉ làm một buổi, chạy đến gặp nhân viên phụ trách hồ sơ tại Quận. Lúc gặp anh X. nhân viên phụ trách, cậu ấy đã làm một cử chỉ ngoại giao, đặt bao thuốc thơm loại ngoại lên bàn, rồi nói nhỏ : “-Nhờ anh xem giùm hồ sơ của ông Nguyễn huy Hùng sinh ngày... ở nhà số... đường... đã được chuyển đi chưa?” Rời bàn giấy, mấy phút sau anh X. đem tập hồ sơ ra, và hỏi : “-Anh cần gì?” Con tôi nói : “-Anh biết địa chỉ nhà tôi rồi, tối nay lúc 7 giờ mời anh ghé nhà, ông già của tôi muốn nhờ anh một việc.” Thấy anh X. gật đầu, cậu ấy đứng lên rời cơ quan đi đến Tổ hợp làm việc, chứ không về nhà sợ có người theo dõi. Trước 7 giờ tối chừng 15 phút, cậu Con của Tôi bắc ghế trước cửa ngồi chơi hóng mát, chờ đón anh X. mời vào nhà. Lúc gặp anh X. trong nhà, chẳng cần rào đón gì trước, Tôi vào thẳng đề luôn : “-Tôi muốn nhờ Chú trình cấp trên chuyển giùm hồ sơ của Tôi lên Cơ sở Nguyễn Du ngay, cần trà lá bao nhiêu cho biết, Tôi sẽ lo nộp tiền trước.” Anh ta nói : “-Để về thỉnh ý cấp trên xem sao, có thế nào chiều hôm sau sẽ trở lại trả lời.”

Giữ đúng lời hứa, chiều hôm sau anh ấy trở lại, cho biết : “-Cấp trên bằng lòng giúp, còn vấn đề tiền nong tùy khả năng tính sao cho đẹp là được.” Tôi trình bầy : “-Chú đến đây đã thấy hoàn cảnh gia đình Tôi. Đi học tập mười mấy năm về, ở nhà con cháu đông, Vợ của Tôi cũng chẳng có khả năng làm Kinh tế, nên cũng không dư giả gì như người ta. Vậy Tôi cố gắng biếu năm chục ngàn đồng, để nhờ các Chú rộng lòng nhân đạo giúp giùm. Còn nhiều hơn thì Tôi đành chịu, chờ bao giờ cơ quan chuyển đi thì chuyển, chứ không đủ khả năng lo.” Anh ấy nói : “-Để về trình lại, kết quả ra sao sẽ cho biết sau.” Trưa ngày hôm sau, anh ấy ghé nhà cho biết : “-Bẩy giờ tối đến lấy tiền, và bảo đảm một tuần sau sẽ cho bản sao phiếu chuyển hồ sơ lên Cơ sở Nguyễn Du.” Đúng 7 giờ tối anh ấy đến nhận tiền, và dặn : “-Sáng mai lên phòng giấy, bổ túc hồ sơ cho đầy đủ trước khi gửi đi.” Hôm ấy là ngày Thứ Năm trong tuần lễ. Sáng hôm sau là Thứ Sáu lúc 10 giờ, hai Cha Con Tôi lên gặp anh ta tại văn phòng. Chỉ phải sửa có mỗi một chữ chẳng có gì là quan trọng, trong tờ khai lý lịch của cô con dâu, là hồ sơ hoàn toàn không còn vướng mắc gì, để được chuyển tiếp lên Cơ sở Nguyễn Du.
Sáng sớm Chủ Nhật, anh X. đem đến nhà giao cho Tôi một bản sao Phiếu chuyển hồ sơ lên Cơ sở Nguyễn Du, do ông Trưởng Cơ Quan ký tên, có đóng dấu mộc của cơ quan và ghi ngày ký hẳn hoi. Chuyển phiếu được ký vào ngày Thứ Bẩy, tức là một ngày sau khi bổ túc sửa sai có một chữ trong hồ sơ.

Một tháng sau, gia đình Tôi nhận được giấy Cơ sở Nguyễn Du mời lên bổ túc hồ sơ, trước khi chuyển ra Hà Nội cứu xét. Người ta hẹn trình diện lúc 8 giờ sáng. Cả nhà lớn bé già trẻ gồm 16 người, lo dậy thật sớm ăn uống no nê để đi trình diện cho kịp giờ. Đến nơi đã thấy toàn người là người đứng bu đầy trước cửa, chờ vào nộp giấy mời đến làm việc. Con Trai của Tôi phải đứng chen lấn kèn cựa với người ta, mãi đến 9 giờ mới nộp được giấy và nhận tấm thẻ ghi số thứ tự vào làm việc. Trong trụ sở không đủ chỗ cho mọi người vào cùng một lúc, gia đình nào chưa đến lượt làm việc phải đứng ngoài đường chờ. Gia đình chúng tôi đợi đến 1 giờ trưa mới được gọi vào làm việc.
Vợ Chồng chủ gia đình đứng đơn, và mấy người con còn độc thân được gọi vào làm việc trước. Mở đầu họ hỏi Tôi : “-Có làm việc với bên phòng Dịch vụ đường Nguyễn Trãi chưa?” Tôi trả lời không biết, cần phải làm việc với bên đó trước sao? Họ nói : “-Không, chỉ hỏi cho biết vậy thôi”, và bắt đầu lấy phiếu khai của Tôi ra hạch hỏi kiểm tra trước tiên. Rồi lần lượt hỏi Vợ Tôi, và 3 người con độc thân. Sau đó, gọi lần lượt từng cặp Vợ Chồng những người con đã thành gia thất và con của họ vào hỏi tiếp theo. Với ai họ cũng hỏi câu : “-Tại sao muốn đi? Có thật sự muốn đi không? Có ai bắt buộc đi không?” Qua cung cách tra vấn, Tôi thấy mục đích chỉ để kiểm tra xem những câu trả lời tại chỗ của mỗi người, có ăn khớp với những điều ghi trên mẫu phiếu khai đã nộp không, hình cá nhân dán trên phiếu khai và người trình diện có đúng là một không. Đồng thời cũng để buộc mỗi cá nhân, phải đích thân kýù tờ cam kết đại ý gồm : “Khi ra nước ngoài không được hoạt động, hay hỗ trợ các hoạt động chống đối, có hại cho Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Muốn trở lại Việt Nam, phải xin phép Nhà Nước có chấp thuận mới được.” Gia đình Tôi phải làm việc suốt 2 tiếng đồng hồ liền mới xong. Cầm được tờ giấy chứng nhận đã bổ túc hồ sơ xong, về nhà nằm đợi hoài chẳng thấy tăm hơi gì. Chẳng biết lúc nào thì hồ sơ được chuyển đi? đã chuyển đi hay chưa? bao giờ sẽ được cấp Hộ Chiếu?

Hàng ngày, Tôi phải lo phụ các Con làm kiếm miếng ăn, chẳng có thì giờ đi tìm nơi hỏi thăm xem kết quả đến đâu? Thật vô cùng chán nản, đành phó mặc cho thời vận đẩy đưa, đến đâu hay đến đó. Nhưng nhiều Bạn khác rảnh rang không bận bịu như Tôi. Họ đâu có chịu, phải ngược xuôi tìm đủ mọi cách, làm cho hồ sơ được giải quyết nhanh chóng, sớm có Hộ Chiếu, để còn gặp phái đoàn Hoa Kỳ phỏng vấn lên đường cho chắc ăn. Nhiều người đến phòng Dịch Vụ đường Nguyễn Trãi Saigon lo đóng tiền cả Triệu, nhưng hồ sơ giải quyết vẫn chậm hơn phòng Dịch Vụ tại Hàng Bài Hà Nội.
Tết Canh Ngọ 1990, Tôi ghé thăm chúc Tết Vợ Chồng anh Điệt. Mới biết anh ấy đã cho người nhà ra Hà Nội, thăm thân quyến đồng thời tìm đến Phòng Dịch Vụ ở phố Hàng Bài, lo giải quyết vụ hồ sơ xong rồi. Hiện đang đợi Cơ sở Dịch vụ gửi Hộ Chiếu (Passeport) về cho, cũng như lên Danh sách gửi qua Thái Lan cho Đại diện Hoa Kỳ định ngày phỏng vấn tại Saigon. Tôi xin anh ấy địa chỉ, về nhà bàn với Vợ Con thu xếp kiếm sao cho có 2 triệu đồng bạc Cụ Hồ, để biên thư liên lạc với Phòng Dịch Vụ Hàng Bài Hà Nội lo cho mình. Giải pháp duy nhất là biên thư sang Hoa Kỳ, xin 2 người Con gửi cho mấy thùng Âu dược. Các Con của Tôi bên Hoa Kỳ, đã hăng hái tiếp giúp ngay. Khi các thùng thuốc về tới, chúng tôi phải đóng thuế cho Nhà Nước để lãnh ra, rồi gọi người đến bán cũng được gần 2 triệu đồng.

Mọi thủ tục giao dịch giữa Tôi và Phòng Dịch Vụ Hàng Bài, được hoàn tất qua đường bưu điện rất mỹ mãn. Chúng tôi phải đóng mọi phí tổn tổng cộng khoảng 1 triệu 800 ngàn đồng. Cuối tháng 7 năm 1990, tất cả mọi người trong gia đình đã nhận được Hộ Chiếu ký ngày 12 tháng 7 năm 1990, gửi bảo đảm từ Hà Nội vào tận nhà chúng tôi ở Saigon. Trên chuyển phiếu họ ghi chú cho biết là, Bộ Ngoại Giao cũng đã ghi tên mọi người vào danh sách H.13, và đã chuyển cho Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan để họ lên danh sách gọi phỏng vấn tại Saigon. Mãnh lực đồng tiền quả là vô địch, thảo nào hồi cuối năm 1979, Tôi còn bị giam tại K5 Trại Tân Lập Vĩnh Phú Bắc Việt, bà Chị Vợ tốt bụng ở Hải Phòng, không thuộc diện được thăm nuôi theo quy định của Nhà Nước, nhưng vẫn được đến thăm nuôi Tôi, đã nói : “-Chú đừng ngạc nhiên, ở ngoài này Chị đã có kinh nghiệm từ mấy chục năm nay rồi. Mình muốn gì, cứ kín đáo đưa nộp một xấp “Bác” dẫn đường, là mọi việc xong hết chẳng vướng mắc gì.”

Có được Hộ Chiếu, mới chỉ yên tâm về phía Thẩm quyền Việt Nam thôi, còn phải kiên tâm chờ đợi phía Hoa Kỳ cứu xét hồ sơ, lên danh sách gọi phỏng vấn. Thời gian chờ đợi cũng không nhanh chóng gì, sớm lắm cũng phải 5, 6 tháng, có khi lâu tới 1, 2 năm không chừng. Đến khi nào qua được cuộc phỏng vấn, đi làm thủ tục tiêm ngừa đủ thứ và khám sức khoẻ kết quả tốt rồi, cũng chưa chắc ăn. Còn giai đoạn chạy đến các Cơ quan từ Phường qua Quận lên đến Thành phố, lo giải quyết đủ thứ giấy tờ : Thuế vụ, Toà án, giao nộp nhà của mình cho Nhà Nước quản lý. Tất cả hợp lệ, còn phải lo tới việc đổi tiền, thuê dịch vụ chuyên chở và soát hành lý tại Phi trường cho chót lọt nhanh chóng, thuê xe chở ra Phi trường...


CANH NGỌ TỰ TRÀO

Mỗi năm Xuân đến mắt thêm lòa,
Sương gió cuộc đời khắc nếp da.
Thời tiết tới kỳ chồi vẫn nẩy,
Thiên nhiên biến hoá lá còn ra.
Vòng xoay năm tháng, mơ dang dở,
Luân chuyển đêm ngày, mộng lướt qua.
Thế giới chuyển mình hừng khí thế,
Sáu mươi mốt tuổi hẳn chưa già ?


Phường 10, Quận Phú Nhuận, Saigon.
Giao thừa năm Canh Ngọ, 21-1-1990.

Không có nhận xét nào: